Tuesday, April 23, 2019

Tái thiết Nhà Thờ Đức Bà Paris: Quyên góp kỷ lục nhưng gây tranh cãi

Mai Vân

Nhà Thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn. Ảnh 19/04/2019.REUTERS/Philippe Wojazer

Ngay sau khi Nhà Thờ Đức Bà Paris bị tàn phá trong trận hỏa hoạn hôm 15/04/2019, một làn sóng hảo tâm đã trào dâng tại Pháp cũng như trên thế giới để góp tiền bạc và công sức cho công cuộc tái thiết được cho là sẽ rất tốn kém.

Đi đầu trong làn sóng này là các đại gia đình giầu có và các đại tập đoàn Pháp, đã liến tiếp loan báo quyên góp những món tiền khổng lồ. Thế nhưng, các khoản đóng góp này đã lập tức làm dấy lên nhiều lời chỉ trích, đặc biệt từ cánh tả Pháp, đã tố cáo giới đại gia đã lợi dụng cơ hội để đánh bóng hình ảnh của mình.

Phải nói là lòng hảo tâm của mọi người tỷ lệ thuận với nỗi xúc động to lớn phát sinh sau tai họa xẩy đến với Nhà Thờ Đức Bà Paris. Chỉ vài ngày sau vụ hỏa hoạn, các đề nghị quyên góp để tái thiết công trình văn hóa này đã chạm ngưỡng một tỷ euro, một con số có thể nói là kỷ lục.

Ai cũng muốn quyên tặng cho Nhà Thờ Đức Bà Paris

Nổi bật trong danh sách các Mạnh Thường Quân của Nhà Thờ Đức Bà Paris là các gia đình giầu có nhất nước Pháp hay các đại doanh nghiệp Pháp.

Cụ thể là gia đình Bernard Arnault, chủ nhân của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH, sở hữu thương hiệu Louis Vuitton nổi tiếng thế giới, và gia đình Bettencourt-Meyers, chủ nhân của nhà sản xuất mỹ phẩm L’Oréal mà không ai không biết, cả hai đã góp mỗi nhà 200 triệu euro. Bên cạnh đó, gia đình Pinault và tập đoàn Kering, sở hữu chủ của hãng mỹ phẩm Gucci, Yves Saint Laurent, cũng thông báo đóng góp 100 triệu euro, tương tự như tập đoàn dầu khí Pháp Total.

Danh sách các nhà hảo tâm càng lúc càng dài, từ hãng quảng cáo JC Decaux, tập đoàn xây dựng Bouygues, các ngân hàng lớn như BNP Paribas, Société Générale, các hãng bảo hiểm như AXA, cho đến các doanh nghiệp giải trí như hãng trò chơi điện tử Ubisoft, hay Công Viên Giải Trí Disney…

Các địa phương lớn ở Pháp từ đông sang tây, cũng đua nhau đóng góp, từ thành phố Paris (50 triệu euro), vùng Ile de France, tập hợp các tỉnh bao quanh thủ đô Pháp (10 triệu euro), cho đến vùng Auvergne-Rhône-Alpes, vùng Bretagne, thậm chí vùng Réunion ở hải ngoại xa xôi cũng thông báo đóng góp.

Cơn sốt quyên tặng cho quỹ tái thiết Nhà Thờ Đức Bà Paris cũng hừng hực trong dân chúng. Tính đến cuối tuần trước, đã có khoảng 20 triệu euro đến từ các nhà tài trợ nhỏ, chủ yếu là các cá nhân, cho thấy rõ ràng lòng gắn bó của người Pháp với di sản văn hóa của đất nước.

Theo ghi nhận của Alexander Gady, thuộc hội bảo vệ di tích và công trình lịch sử Pháp Sites et Monuments, các khoản quyên góp trong vỏn vẹn một tuần đã tương đương với ba năm ngân sách mà chính phủ Pháp (326 triệu euro) dành cho việc bảo trì và bảo tồn các di tích lịch sử.

Ấn bản Pháp của báo mạng Mỹ Huffpost hôm 20/04 vừa qua gợi lên tính chất cực mạnh làn sóng hảo tâm dành cho Nhà Thờ Đức Bà Paris khi nêu bật thực tế là trong không đầy một tuần, số tiền quyên góp được cho việc tái thiết Nhà Thờ đã cao hơn gấp bội số tiền mà các chương trình hay hiệp hội từ thiện khác thu được trong một năm. Hội Cứu Tế Công Giáo Pháp Secours Catholique chẳng hạn, đứng đầu danh sách các tổ chức từ thiện được người Pháp ưa thích, trong toàn năm 2017 chỉ thu được khoảng 100 triệu euro tiền quyên góp.

Các khoản quyên tặng to lớn của các nhà hảo tâm cho công cuộc tái thiết Nhà Thờ Đức Bà Paris tuy nhiên đã vấp phải nhiều phản ứng bất bình, đặc biệt từ phía cánh tả Pháp.

Trong bài phân tích được đăng ngày 19/04 mang tựa đề : « Tái thiết Nhà Thờ Đức Bà Paris: Lòng hảo tâm của các đại tập đoàn bị chỉ trích », nhật báo Le Monde đã ghi nhận sự kiện các gia đình hay tập đoàn quyên góp những món tiền khổng lồ đã trở thành đối tượng bị đả kích từ phía các đảng cánh tả, công đoàn, phong trào Áo Vàng, hội đoàn từ thiện…

Theo Le Monde, những người chỉ trích đã hoài nghi lòng tốt của các Mạnh Thường Quân tư nhân này, tỏ ý bất bình trước việc họ rất hào phóng trong việc giúp trùng tu Nhà Thờ Đức Bà, trong lúc lại keo kiệt khi phải giúp đỡ những người nghèo.

Philippe Martinez, tổng thư ký công đoàn CGT, trên đài France Info, đã tỏ ý lấy làm tiếc là « tiền đã không tuôn chảy ra cho mọi thứ ». Còn về phía phong trào Áo Vàng, một gương mặt tiêu biểu là bà Ingrid Levasseur không ngần ngại chỉ trích các đại tập đoàn là đã thụ động trước tình trạng « khốn cùng của xã hội » nhưng lại năng nổ chi tiền cho nhà thờ.

Mượn hình tượng Nhà Thờ Đức Bà, một báu vật của nước Pháp, trên mạng Twitter, Olivier Faure, thư ký thứ nhất đảng Xã Hội Pháp khẳng định : « Phải huy động nguồn lực nhiều hơn nữa cho những gia đình không đủ chi tiêu cho đến hết tháng, chính họ là một thánh đường sống ». Florent Gueguen, giám đốc Liên Đoàn Các Tác Nhân Liên Đới Xã Hội (Fédération des acteurs de la solidarité) thì mong muốn là đà hào phóng đối với việc tái thiết Nhà Thờ Đức Bà cũng « đến với những người nghèo khó nhất, vì tình liên đới là một báu vật khác của quốc gia ». Hiệp hội Abbé Pierre bày tỏ hy vọng : « Chỉ cần quý vị chi thêm được 1% cho những người nghèo nhất là chúng tôi đã rất mãn nguyện rồi ».

Lòng tốt của người giầu không được công nhận

Theo Le Monde, những phát biểu trên như đã phủ nhận lòng tốt của các nhà hảo tâm lớn. Họ bị chê trách là đã lợi dụng luật về tài trợ cho các công trình văn hóa, vung tiền tôn tạo các di tích, mà không quan tâm đến những người nghèo khó nhất.

Tờ báo nhắc lại rằng để khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đóng góp vào việc bảo vệ các di sản hay công trình văn hóa của đất nước, Nhà nước Pháp đã ban hành vào năm 2003 một bộ luật mang tên là Luật Aillagon, cho phép giảm thuế trên 60% tiền quyên góp cho việc bảo tồn văn hóa, trong giới hạn 0,5% doanh thu đối với các doanh nghiệp. Đối với cá nhân tỷ lệ thuế được giảm là 66%, và trong giới hạn 20% thu nhập bị thuế.

Để khuyến khích việc góp tiền tái thiết Nhà Thờ Đức Bà Paris, mới đây, thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã tăng tỷ lệ được giảm thuế lên thành 75% cho các khoản quyên góp dưới 1000 euro.

Nhìn chung, việc quyên góp các khoản tiền lớn cho những công trình mang tính chất xã hội mang lại cho nhà tài trợ rất nhiều mối lợi : cho thấy sự giàu có, hào phóng, thích tương trợ, uy lực của mình, đồng thời cho phép thay đổi hình ảnh bằng cách làm việc thiện.

Với luật Aillagon, một phần gánh nặng tài chánh của việc quyên tặng đã được chuyển qua cho Nhà nước, tức là cho toàn thể người dân với việc được khấu trừ thuế, trong lúc các lợi ích của hành động này vẫn được duy trì. Chính là căn cứ vào các điểm nói trên mà phe chỉ trích cho rằng giới giầu tiền lắm bạc đã lợi dụng việc quyên góp để thu lợi cá nhân.

Khước từ quyền được giảm thuế

Một số nhà hảo tâm đã có phản ứng trước luồng dư luận tiêu cực đã nẩy sinh bằng cách từ khước quyền được giảm thuế đối với các khoản quyên góp.

Gia đình Pinault chẳng hạn đã thông báo hôm thứ 17/04 rằng họ là từ bỏ mọi khoản lợi về thuế. Tỷ phú François-Henri Pinault khẳng định : « Không thể bắt người đóng thuế Pháp phải chịu gánh nặng ».

Sau gia đình Pinault, nhiều đại gia khác cũng loan báo quyết định tương tự như gia đình JCDecaux hay Arnault. Tỷ phú Bernard Arnault, người giàu nhất nước Pháp, hôm 18/04 cũng loan báo sẽ không nhận tiền thuế được khấu trừ đối với khoản quyên góp của gia đình và tập đoàn của ông.

Ông Arnault không ngần ngại phê phán những lời chỉ trích hiện nay : « Thật đáng buồn khi ở Pháp người ta lại bị chỉ trích khi cố làm một cái gì đó vì lợi ích chung… trong khi mà tại một số nước thì người ta sẽ được khen tặng ».

Tranh cãi vô bổ, thậm chí có hại
Câu hỏi mà Le Monde đặt ra là phải chăng những người chỉ trích đã sai lầm?
Gần một tỷ euro mà các nhà hảo tâm quyên góp là chi phí cần thiết cho việc xây dựng lại Nhà Thờ. Không có sự đóng góp này thì tiền sẽ phải lấy 100% từ ngân sách Nhà nước, thay vì chỉ lấy 60% mà thôi. Và ngân sách Nhà nước tức là tiền thuế của dân !

Mặt khác, quả là không phải lúc khi tấn công những nhà tài trợ vào thời điểm mà lòng hảo tâm bùng phát một cách tự nhiên để xây dựng lại một công trình thiết yếu của văn minh văn hóa Pháp. Hơn nữa, theo hiệp hội vì sự phát triển hoạt động bảo trợ công nghiệp và thương mại -Admical, thì 49% các doanh nghiệp bảo trợ không yêu cầu giảm thuế hoặc chỉ yêu cầu được một phần mà thôi. Tính ra, khoản thuế khấu trừ chỉ lên đến 14% mức cho phép.

Hơn thế nữa, theo Le Monde, nhìn chung, văn hóa và di sản chỉ thu hút 25% tài trợ của các nhà hảo tâm. Họ ưu tiên tài trợ cho những chương trình xã hội (28%), giáo dục (23%) và y tế (11%). Trong năm 2017 chẳng hạn, tiền đến từ các Mạnh Thường Quân (2 tỷ euro), đã được chi cho việc bảo trợ các công trình văn hóa, nhưng cũng được chi cho nghiên cứu khoa học, cho các quán ăn tình thương (resto du cœur), cho rất nhiều hiệp hội hoạt động trong lãnh vực dạy nghề và liên đới xã hội…

Mai Vân

No comments:

Blog Archive