người lính già oregonPHIM BEN-HUR: BAO GIỜ HẬN THÙ SẼ TAN?
Tôi xem phim Ben-Hur lần đầu tại rạp Rex, Sài Gòn, vào thập niên 60, nhưng không nhớ hết chi tiết. Tháng tư 1984, từ trại tỵ nạn Palawan chuyển lên Bataan, Philippines, để chờ đi Mỹ, đúng mùa Phục Sinh, tôi được xem nó lại tại nhà một anh công nhân quét dọn Phi, chuyên tổ chức chiếu phim chui cuối tuần (đủ loại, thượng vàng hạ cám, kể cả con heo), có bán vé cho dân tỵ nạn ghiền xi nê. Rồi đến Mỹ, từ 1985 cho đến nay, theo truyền thống người Công giáo Mỹ, không năm nào vào dịp lễ Phục Sinh mà tôi quên mang ra cái video tape, băng nhão, cũ mèm, âm thanh nghe tiếng được tiếng mất, đã mua tại một tiệm Goodwill, lau bụi sạch sẽ, và mở xem lại. Không biết chán. Thấy chuyện vẫn mới và lôi cuốn như ngày nào.
Chiều Thứ Năm Tuần Thánh 2013, vào Wal Mart mua sữa và phó-mát, đi ngang qua những kệ DVD mới và cũ, giá từ $9.99 đến $34.99, tôi thấy có cuốn Ben-Hur, liền sáng mắt, mua đem về, và buổi tối đã bỏ hơn hai tiếng để xem, bên ly cognac và dĩa olive chính hiệu miền Địa Trung Hải. DVD gồm hai disc, hình ảnh rõ nét, âm thanh trong trẻo, không đứng ngang xương, hoặc thỉnh thoảng chìm trong màn tối, vì DVD còn mới tinh. Tôi chọnspoken language là French, để có dịp trở về với những kỷ niệm Sài Gòn, Paris, Grenoble năm xưa… nay đã xa vời, và nhất là để chắc chắn không nghe sót hoặc hiểu sai câu nói nào bằng tiếng Mỹ.
Phim của hãng Metro-Goldwyn-Mayer, do William Wyler đạo diễn, năm 1959, với các tài tử gạo cội Hollywood Charlton Heston, Jack Hawkins, Stephen Boyd… Được lãnh 11 giải Oscar, một kỷ lục, vào thời ấy. Nội dung dựa trên quyển tiểu thuyết Ben-Hur, the tale of the Christ của Lew Wallace (1880). Sách dày, 488 trang, với lời văn mộc mạc, đều đều một giọng (monotone), kể lể dông dài, không mấy hấp dẫn, khác hẳn với phim. Sau đây, tôi xin phép được giới thiệu DVD Ben-Hur cùng quý bạn nào chưa có dịp xem.
Chuyện phim kể rằng Ben-Hur (đóng bởi Charlton Heston, tài tử Mỹ lừng danh, và chủ tịch Hội Súng NRA, mất năm 2008, 84 tuổi, vì bệnh sưng phổi), thuộc dòng dõi quý tộc của xứ Judée –miền Cực Nam Palestine dưới thời Rome chiếm đóng, nay thuộc Nam Do Thái và Tây Nam Jordan, và vào năm Chúa Giêsu ra đời là một vương quốc cai trị bởi vua Hérode.
Chàng có người bạn La Mã, tên Messala (Stephen Boyd, tài tử Irish, mất lúc 45 tuổi vì đứng tim khi đang đánh golf), chơi thân với nhau từ lúc năm tuổi.
Phim mở ra với cảnh diễn binh hùng tráng, năm 36 sau Thiên Chúa, tức cách đây hai ngàn năm, dưới thời hoàng đế Tibère, của một đạo quân La Mã áo đỏ tiến vào Judée dưới quyền chỉ huy của Messala cưỡi ngựa oai phong, nay lên chức “tribun” (“võ chấp chính quan”), phụ tá cho viên “thái thú”, hoặc “tổng trấn”, procurateur, lúc ấy là Gratus, chưa phải Ponce Pilate, tức Phi La Tô trong sách kinh tiếng Việt, người sẽ xử án Chúa Giêsu sau này. Ben-Hur, còn gọi là Juda, và viên tribun Messala, gặp lại nhau, hai lần, tại dinh thự của anh ta, và trong bữa ăn tối tại nhà Ben-Hur có mẹ, Miriam, và em gái, Tirzah, của chàng. Nỗi vui mừng, ít ra đối với Ben-Hur, sẽ trọn vẹn nếu Messala, trong hai lần tái ngộ đó, không đề nghị, dụ dỗ, rồi hăm dọa, chàng phục vụ đế quốc La Mã, bằng cách làm “ăng ten” chỉ điểm những kháng chiến quân đồng hương, phản bội dân tộc mình. Chàng từ chối dứt khoát. Messala nổi giận, hầm hầm bỏ đi, bỏ cả bữa ăn. Tình bạn đổ vỡ. Trong sách, không kể cảnh đấu khẩu dữ dội này.
Vài ngày sau, có lễ diễn binh mừng viên tân tổng trấn Gratus nhậm chức. Đoàn quân đi qua những đường phố chật hẹp, ngang nhà Ben-Hur. Ben-Hur, mẹ, và em gái lên sân thượng xem. Tirzah tì tay vào mái hiên đã cũ mục và vài viên ngói từ trên cao rơi xuống trúng đầu Gratus khiến ông ngã ngựa, nhưng không chết. Mặc dù biết rõ rằng đó chỉ là một tai nạn, và Ben-Hur nhận hoàn toàn trách nhiệm và xin tha mẹ và em, Messala vẫn lạnh lùng tuốt gươm, sai lính bắt cả ba người. Một cách trừng phạt Ben-Hur đã từ chối cộng tác. Hai phụ nữ bị dẫn đi đâu mất, Juda Ben-Hur bị đày, làm tù nhân chèo thuyền trên các tàu chiến La Mã (galérien). Trên đường di chuyển, đoàn tù khát nước được dân làng cho uống, trừ Ben-Hur bị lệnh cấm. Chúa Giêsu, lúc ấy còn sống ẩn dật dưới danh nghĩa con của ông thợ mộc Giuse và bà Maria, đem nước cho chàng uống, nhưng bị lính canh hất gáo xuống đất, đuổi đi.
Trên một chiến thuyền, viên “consul”(tổng tài, một trong những chức vụ quyền thế nhất tại Rome, chỉ sau hoàng đế) chỉ huy chiến hạm La Mã, tên Quintus Arrius (Jack Hawkins, tài tử Anh, mất năm 1973, 62 tuổi, vì ung thư cổ họng), để ý Ben-Hur, vì ánh mắt đặc biệt, sự cảnh giác cao độ, và phản ứng nhanh lẹ của chàng, khi chàng bất ngờ bị ông quật roi đau điếng vào tấm lưng trần. Ông nói với chàng: “Tôi thấy trong mắt anh rực lên một sự căm thù. Tốt lắm! Sự căm thù cho người ta sức mạnh, để sống còn.” Trong sách của Wallace không có đoạn kể và câu nói bất hủ này. Nửa đêm, Arrius cho đòi Ben-Hur lên trình diện ông trong phòng ngủ. Ông hỏi chàng có muốn về Rome làm võ sĩ giác đấu (gladiateur) không. Chàng từ chối.
Chiến hạm La Mã đụng độ với một giàn “tàu lạ” và thù nghịch, bị “pháo kích” bằng những tên lửa nội hóa. Một số chiến thuyền La Mã bị cháy và Arrius bị đẩy rơi xuống biển. Tù nhân Ben-Hur, đang chiến đấu rất dũng cảm với địch quân, thấy được, bèn nhảy theo, cứu Arrius, đặt ông nằm trên một chiếc bè, và mấy lần ngăn ông tự tử. Sáng hôm sau, tàu La Mã đi tìm ông, và báo tin thắng trận, và hạm đội địch bị đánh tan tành. Cùng với Ben-Hur trong xe tứ mã trở về Rome, Arrius được dân chúng tiếp đón trọng thể và hoàng đế Tibère trao vòng hoa chiến thắng. Arrius nhận Ben-Hur làm con nuôi, thay cho người con trai đã chết của ông, trong một bữa tiệc mừng long trọng. Từ đó, Ben-Hur đeo chiếc nhẫn cha truyền con nối của dòng họ Arrius –được ông long trọng cởi ra, trao tặng.
Hận thù canh cánh bên lòng, Ben-Hur xin cha nuôi cho rời Rome về quê hương. Tại đây, qua trung gian của Balthazar, một trong ba vị đạo sĩ đã theo ngôi sao dẫn đường đi tìm Chúa Giêsu vừa sinh ra tại Bethlehem để thờ lạy Ngài, chàng gặp một người Ả-Rập, tên Sheik Ilderim, chuyên nuôi ngựa đua và tổ chức đua xe ngựa tại các đấu trường (arène). Ben-Hur nhận lời mời, đại diện cho Judée, sau khi được biết Messala sẽ đua dưới lá cờ của Rome trong cuộc thi sắp tới.
Nhưng trước hết, chàng phải trở về mái nhà xưa, gặp người yêu Esther (Haya Harareet, người Do Thái, nay đã 88, còn sống ở London, với người chồng Anh), con gái của một ông nô lệ già, trung thành, tên Simonides, đã được chàng trả tự do và mặc nhiên làm quản gia khi ba mẹ con bị bắt. Ben-Hur và Esther vui mừng khôn siết, ôm hôn nhau, kể lể khúc nôi. Chàng hỏi nàng tin tức về mẹ và em. Muốn chàng quên việc trả thù, và sợ chàng bị Messala hãm hại nữa, nàng nói dối rằng hai người đã chết trong tù rồi. Chàng không tin, và trong tư cách con nuôi của tổng tài Arrius chàng đến dinh Messala để gặp tra hỏi và anh này trả lời “không biết”, khiến chàng tức giận, buộc anh ta phải tìm cho bằng được mẹ và em chàng nội trong ngày mai. Lo sợ, Messala sai lính đi tìm kiếm hai mẹ con –bị lãng quên năm năm trong căn hầm hôi thối dưới đáy ngục thất. Hai người mắc bệnh phong hủi, được bí mật thả ra, nhưng bị chỉ định sống trong Thung Lũng Người Cùi (Vallée des Lépreux), xa thành phố. Nhưng lúc ấy Ben-Hur không hay biết gì cả.
Chàng đến gặp tổng trấn Pilate, vốn là bạn của cha nuôi Arrius, mà chàng đã gặp tại Rome trong bữa liên hoan mừng chiến thắng, để hỏi về số phận của mẹ và em, và một lúc nào đó chàng đã kịch liệt lên án chính sách đô hộ hà khắc của Rome đối với dân tộc chàng. Gay cấn đến độ chàng cởi nhẫn nhờ Pilate gửi lại cho cha nuôi, và Pilate dọa dùng uy quyền và chức vụ đại diện Rome để đối xử với chàng.
Cuộc đua xe ngựa được diễn ra một cách “hoành tráng” dưới sự chủ tọa của Ponce Pilate, và đây là một cảnh đoạn, theo thiển ý, hấp dẫn, hồi hộp nhất của cuốn phim. Tại đấu trường không có luật, nghĩa là ai cũng có thể xài luật rừng thoải mái. Trục hai bánh xe của Messala, vì vậy, được gắn hai mũi khoan bằng sắt nhọn tua tủa, to tướng, giống chiến xa của Hy Lạp thời cổ đại, mỗi khi kè sát với bánh xe đối thủ đã cưa gọn các thanh gỗ và, dĩ nhiên, xe đổ và người rơi, bị thương nặng. Bánh xe của Ben-Hur cũng bị cưa, chàng bị tuột xuống gần chạm đất, nhưng may với nắm được thành xe trồi lên lại. Và trong lúc ấy Messala liên tiếp dùng roi quật mạnh vào tay Ben-Hur. Cuối cùng chàng bắt được roi, kéo giật về phía mình, khiến anh ta mất thăng bằng, lọt xuống đường, và bị ngựa và xe sau cán lên, mình mẩy, mặt mũi đầm đìa máu, nằm bất động, cho đến khi toán cấp cứu, bất chấp nguy hiểm, đến khiêng ra, và đưa vào trạm xá. Ben-Hur toàn thắng, được Pilate trao vòng nguyệt quế và dân chúng Judée vui mừng, hoan hô nhiệt liệt.
Sau đó, Ben-Hur đến trạm cứu thương, gặp Messala, chỉ để hỏi một câu: “Où sont-elles? (Mẹ và em tôi ở đâu?)”. Trước khi thở hắt ra chết, Messala cho biết họ đang ở Thung Lũng Người Cùi.
Hôm sau, theo lời Messala, chàng đến thung lũng, và bất ngờ bắt gặp Esther đang mang lương thực tiếp tế cho họ. Nàng đứng xa, đặt rổ rau xuống đất và hai mẹ con lầm lũi bước ra lấy. Còn chàng giấu mình sau phiến đá. Khi nghe mẹ hỏi Esther: “Juda có khoẻ không con?”, chàng khóc nấc lên, trong lặng lẽ. Mẹ và em đi rồi, chàng bước ra, tức giận, vặn hỏi Esther, tại sao nàng nói dối với chàng. Nàng trả lời, đó là ý muốn của mẹ, không cho chàng thấy thân xác ghê tởm của bà và Tirzha bây giờ, để chàng luôn nghĩ về họ trong dung nhan yêu kiều ngày xưa. Và sau đó, chàng miễn cưỡng theo Esther lên núi nghe Chúa Giêsu giảng bài ”Tám Mối Phúc Thật”, còn gọi là “Bài giảng trên núi”. Nhưng chàng chưa bị thuyết phục. Thù nhà đã trả xong phần nào với cái chết của Messala –là người trách nhiệm hoàn toàn về nỗi đau tâm hồn và thể xác của mẹ, em, và của chính chàng. Nhưng còn nợ nước, tức giải phóng quê hương và nỗi hờn vong quốc, làm sao có thể quên?
Qua hôm sau nữa, chàng lại đến thung lũng cùng với Esther, nhưng chưa dám xuất hiện trực tiếp gặp mẹ và em. Lần này, mẹ ra một mình nhận thức ăn, còn đứng đằng xa, như thường lệ, phủ kín dưới lớp quần áo và khăn che. Chàng nghe tiếng mẹ nói với Esther rằng Tirzha đang đau nặng, sắp chết. Lúc bấy giờ, chàng thấy Esther, như thúc đẩy bởi một phép nhiệm mầu nào, từ ngày lên núi nghe lời Chúa giảng, không còn sợ lây bệnh, tiến đến ôm bà, và cùng lúc, chàng bước tới, đối diện mẹ sau năm năm trời cách biệt, vuốt ve và hôn lên má bà. Sau đó, và đoạn này rất cảm động, chàng đi khắp hang, lùng tìm Tirzha, bế em vào lòng, và cả bốn bước ra khỏi thung lũng, hướng về thành phố Jérusalem. Đúng lúc Pilate đang xử Chúa Giêsu.
Ông tuyên bố Ngài vô tội. Nhưng dân chúng phản đối. Ông rửa tay, phủi bỏ trách nhiệm (và điều này đã khiến thi hào Ý Dante gán cho ông cái tội ba phải, thiếu lập trường, bắt ông ”cải tạo” mút chỉ trên tầng 1, gọi là vestibule, tiền đình, trong Inferno), giao phó Ngài cho dân, muốn làm gì, mặc kệ. Ngài bị dân kết án tử hình, phải vác thập giá ra pháp trường. Người đi xem đông như kiến, và lính La Mã giữ trật tự, mặt đằng đằng sát khí, cản không cho ai đến gần Ngài. Khi Ngài ngả lần thứ ba, Ben-Hur bất chợt nhìn thấy mặt Ngài, và nhận ra Ngài chính là người, năm năm trước, đã cho chàng uống nước trên đường lưu đày. Chàng bèn múc nước ở giếng gần đó, mang đến, kề gáo vào miệng Ngài. Một tên lính đá đổ gáo nước, chàng chống cự, và cuối cùng bị xô ra ngoài.
Chúa Cứu Thế bị đóng đinh trên thập giá. Khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, mưa gió, sấm sét nổi lên, và những tia chớp sáng lòa giữa bầu trời bỗng nhiên sụp tối. Esther, trước đó, đã dìu hai mẹ con ra trú mưa trong một cái hang. Tại đây, Chúa đã làm phép lạ, cho mặt mày, tay chân, da dẻ của hai người bỗng trơn láng, mịn màng trở lại. Họ đã khỏi bệnh cùi. Những chi tiết này không có trong sách của Wallace.
Chúa qua đời, Ben-Hur trở về nhà. Nói với Esther đang đợi chàng: “Em biết đó, lòng anh luôn sôi sục hận thù, nhưng khi anh nhìn mặt Ngài, anh thấy cây kiếm rơi khỏi tay anh (l’épée est tombée de ma main).” Esther vui sướng, ngả vào lòng chàng, biết chàng đã được thấm nhuần ơn Chúa, quên hết hận thù. Mẹ và em đứng chờ chàng ở đầu cầu thang, tươi cười, xinh đẹp, và không cần ai nói, chàng hiểu hết mọi việc. Chàng ôm hôn ba người đàn bà trong cùng một vòng tay.
Và phim kết thúc với hình bóng mờ nhạt, như một biểu tượng, tôi nghĩ là của Ben-Hur, trong bộ quần áo mục đồng, lướt đi qua một thửa ruộng.
Một kết thúc có hậu. Trong một thoáng mơ nào, tôi nghĩ đến Truyện Kiều, với một không gian khác, một bối cảnh khác, một triết lý khác. Cũng như, phần nào, truyện tám năm lưu đày cải tạo của chính tôi, và đồng đội, trong núi rừng thâm u Bắc Việt, sau ngày oan nghiệt 30/4/1975.
Ngoài thành công nghệ thuật tuyệt vời, ý nghĩa đạo giáo sâu xa, và những câu nói có tính cách danh ngôn đó đây, chẳng hạn khi bà mẹ Miriam nói với Esther rằng bà không muốn cho Ben-Hur thấy khuôn mặt lở lói của mình và con gái, để chàng còn tưởng mãi đến hình ảnh tươi đẹp của hai mẹ con ngày xưa, theo câu thơ Mỹ nhân tự cổ như danh tưóng / Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu. Ngoài ra, trong phim truyện Ben-Hur, tôi nhớ nhất, nhớ hoài, nhớ nằm lòng câu của viên tổng tài Quintus Arrius nói với tù nhân Ben-Hur trên chiến thuyền: “Sự căm thù cho người ta sức mạnh, để sống còn.”
Trong quãng đời còn lại hôm nay, tôi xét thấy mình không có kẻ thù, như Ben-Hur nói với Messala, đang rên siết trong trạm cứu thương (“Je n’ai pas d’ennemi”). Tôi không có kẻ thù, ngoài Cộng Sản, Việt Cộng và Tàu Cộng. Không chỉ riêng cho cá nhân tôi. Mà còn cho toàn dân Việt đang quằn quại dưới gông cùm của một thứ văn hóa Hủy Diệt sự sống, tự do, nhân phẩm, qua tay của loài quỷ dữ Việt Cộng, tàn ác, mang hình người đang trị vì trên đầu trên cổ dân lành, nhưng hèn hạ trước bọn Tàu Cộng, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.
Tôi không cổ võ cho hận thù. Nhưng luôn hy vọng Thiên Chúa thông cảm và không cấm tôi căm thù Cộng sản, Việt Cộng và Tàu Cộng. Không thể tha thứ, không thể hòa giải, không thể viết thư thỉnh nguyện, kiến nghị, xin xỏ điều gì với bọn chúng. Chỉ phải tiêu diệt chúng mà thôi, và tôi sẽ chờ bao lâu cũng được, kể cả từ bên kia đời. Bằng tiếng nói, bằng ngọn bút, thay cho súng đạn, cho gươm đao. Đức Thánh Giáo Hoàng Jean-Paul II có lần cũng đã tuyên bố, nếu cần Người sẽ bỏ ngôi vị giáo hoàng, về chiến đấu cho quê hương Ba Lan. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu cũng đã hai lần nổi giận, (1) mắng đuổi bọn con buôn trong đền thánh Jérusalem, và (2) nặng lời bắt quỷ Satan xéo đi khi hắn đến cám dỗ, thách thức Ngài trên núi.
Và chỉ khi nào chế độ Việt Cộng bị tiêu diệt, khi ấy tôi mới thấy cây kiếm rơi khỏi tay mình, như Ben-Hur đã nói với ngưòi yêu Esther. Và khi ấy Hận Thù sẽ tan.
Portland, Thứ Sáu Tuần Thánh 29/3/2013
Gửi lại, Thứ Sáu Tuần Thánh 19/4/2019
o0o
Powerful Scene from Ben-Hur
https://www.youtube.com/watch?v=tVlf7OiiTJE
Ben Hur (3/10) Movie CLIP
https://www.youtube.com/watch?v=frE9rXnaHpE
The Burning Desert - The Symphony Orchestra Of Rome
https://www.youtube.com/watch?v=U1CxZ0ZfySU
No comments:
Post a Comment