Trung Quốc mua chuộc quan chức ngoại giao Mỹ để làm tình báo
Candace Clairborne đã bị phát hiện làm gián điệp cho Trung Quốc. Bà đã nhận hàng chục nghìn USD để thực hiện công việc 'bẩn' này. Hiện tại, bà đang phải hầu tòa với tội danh lừa gạt chính phủ.
Văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington (Ảnh minh họa: AFP)
Ngày 24/4, bà Candace Claiborne, 63 tuổi, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, đã thừa nhận che giấu mối quan hệ với 2 đặc vụ tình báo Trung Quốc, những người đã đưa hối lộ cho bà hàng chục nghìn USD để đổi lại các thông tin về kinh tế và ngoại giao.
Bà Claiborne đã nhận tội để xin giảm nhẹ bản án với tội danh lừa gạt chính phủ khi liên tục che đậy quan hệ với tình báo nước ngoài trong hơn 5 năm. Theo quy định, do sở hữu quyền truy cập an ninh với thông tin tối mật, bà phải thông báo về tất cả các mối quan hệ với đặc vụ nước ngoài.
Theo Washington Post, sự im lặng đã giúp cựu quan chức này giữ được việc làm và lương của chính phủ. Bà phải đối diện với án tù tối đa 5 năm, dự kiến công bố vào tháng 7.
“Bà Claiborne, mọi điều trong biên bản (của phía công tố) đều chính xác chứ?”, Thẩm phán Randolph Moss hỏi bị cáo trong phiên tòa tại Washington.
“Đúng, thưa quý tòa”, bà Claiborne trả lời, lau nước mắt khi thừa nhận tội danh.
Chính quyền Mỹ không chi tiết về mức độ tối mật của các tài liệu mà bị cáo bàn giao cho Trung Quốc, tuy nhiên, họ cho biết bà đã thừa nhận những văn bản này “mang lại lợi ích cho Bắc Kinh” trong đàm phán thương mại đang diễn ra giữa 2 nước.
Bà Claiborne làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1999, từng làm nhiệm vụ ở Iraq, Sudan và Trung Quốc. Theo Bộ Tư pháp, từ năm 2011 tới 2016, hai đặc vụ của Trung Quốc đã hối lộ gia đình bà 20.000 USD tiền mặt, đồ điện tử, các chuyến du lịch, một căn nhà và tiền học phí cho một người họ hàng của bà trong một trường về thời trang của Trung Quốc.
Trong thỏa thuận dài 24 trang giữa phía công tố và bị cáo, bà Claiborne cho biết 1 trong 2 đặc vụ đã yêu cầu bà cung cấp những phân tích nội bộ của Mỹ về các cuộc đàm phán kinh tế với Trung Quốc vào năm 2011. Đây là những văn bản không thể tìm thấy trên mạng Internet.
Đặc vụ Trung Quốc, người được mô tả là một nhà xuất nhập cảng, vận hành một trung tâm chăm sóc sắc đẹp và nhà hàng ở Thượng Hải, nói với bị cáo rằng bà không nên gửi tài liệu qua thư điện tử vì có thể dễ bị bại lộ.
Cho tới năm 2012, bị cáo gặp mặt 2 đặc vụ Trung Quốc mỗi tháng một lần và bàn giao những tài liệu mà bà có được.
Theo VietBF
No comments:
Post a Comment