Wednesday, April 24, 2019

Một chút ‘Sài Gòn’ trong thơ Nguyên Sa


Nguyên Sa là một nhà thơ của tình yêu. Điều đó hẳn nhiên. Hơn thế nữa ông là người mang những địa danh như Paris, Sài Gòn, thành thánh địa của thi ca.

Với ông, những thành phố ấy đã mang tất cả tính chất lãng mạn thơ mộng của một thời yêu đương trẻ trung, của tuổi tác không bao giờ già và tuổi thanh xuân mãi mãi.


Khi trả lời một câu phỏng vấn, nhà thơ đã nói về thành phố ấy, thành phố của một thời yêu đương, thành phố của tràn đầy kỷ niệm:

“…Thực sự đời sống lúc ấy thật đẹp. Thành phố Sài Gòn không có xe hơi nhiều, loại xe hơi như 2CV là đẹp là chiến rồi. Tôi đi dạy học bằng xe đạp, 6 tháng sau khi trở về nước tôi mua được chiếc xe gắn máy hiệu Capri.

Một hôm trời mưa to tôi đi ngang qua bưu điện ở đường Hai Bà Trưng, tôi trú mưa leo lên cửa sổ đứng. Cửa sổ cao lắm không có chắn, hồi trẻ tôi còn khỏe nên nhảy vọt lên được và đứng ngắm cảnh vật thật thú vị. Hoặc khi trời mưa xe gắn máy bị chết máy, tôi đẩy xe thật nhanh để nổ máy rồi vọt đi, những kỷ niệm nhỏ ấy làm tôi vẫn nhớ Sài Gòn.

Cuộc đời lúc ấy thật đẹp đối với một người từ Pháp về. Tôi nhìn mọi sự việc rất lạc quan vì cuộc sống không có gì gay go. Buổi sau giờ học, lúc ra chơi, tôi ra sân đá bóng với học trò và bị cụ hiệu trưởng trường Chu Văn An – Vũ Ngô Xán gọi lên cảnh cáo (lúc đó Nguyên Sa là giáo sư dạy học). Giờ chơi phải ngồi trong phòng giáo sư không được ra sân đá bóng “lung tung beng” như thế. Tôi ăn thịt bò khô ở ngoài sân trường, rất khoái nhưng cũng bị cảnh cáo.

Tôi sống một cuộc sống tự do như thế, học trò rất thích nhưng bị phê bình là đi quá khoảng cách cần thiết giữa học trò và thầy giáo, như khoảng cách cần thiết giữa sĩ quan và hạ sĩ quan. Nhà trường cũng quan niệm y hệt như quân đội, phải có sự phân biệt đâu ra đó mới dễ chỉ huy, nhưng tôi thì không quen như thế và thích sống hòa mình vô tư như vậy…”.

Viết về Sài Gòn, Nguyên Sa đã có những câu thơ mà người đọc đã cảm qua ngôn ngữ những xúc động tuyệt vời của một người thật nhiều mơ mộng:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng.

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa…

Bài thơ ấy đã được Ngô Thụy Miên chắp cánh âm nhạc để thành một tình khúc để đời. Từ nhạc, từ lời, là tha thiết kỷ niệm, là mở rộng ra những phương trời lãng mạn của những người thèm khát bước phiêu du. Cũng là nắng, cũng là mưa của một thành phố miền nhiệt đới, nhưng sao trong những hạt mưa ấy, những sợi nắng kia, biết bao nhiêu là hồi tưởng về kỷ niệm chẳng thể nào quên của một đời người.

Thành phố ấy, không gian ấy, phong cảnh ấy, có phải là “cần thiết” cho những cặp tình nhân. Có những câu hỏi, trong bâng khuâng. Có những giả sử, đặt để ra như một bồi hồi. Những người yêu nhau, thường có khi hỏi nhau những câu hơi lẩn thẩn, nhưng là cái lẩn thẩn đáng yêu:

Không có anh lấy ai đưa em đi học về.
Lấy ai viết thư cho anh mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa

Những lúc em cười trong đêm khuya
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng
Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh
Lúc sương mù ai thở để sương tan

Ai cầm tay cho đỏ má hồng em
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc…

Hỏi, để như một gợi ý. Hỏi, nhưng không chờ đợi sự trả lời. Hỏi, để thấy người tình cần thiết biết là bao nhiêu trong cuộc sống hôm nay. Làm sứ giả của tình yêu, Nguyên Sa đã mang vào thi ca hàng ngàn câu hỏi. Như, trong một bài thơ khác “Mùa xuân này buồn lắm em ơi”:

anh cần gì hoa thơm và chim cười trong lá biếc
cũng chẳng cần cỏ thêu xanh cánh đồng xa biền biệt
nhưng làm sao không có bóng hai người đè lên cỏ úa
để anh nghe em cười mà thấy cả mùa xuân

làm sao chỉ có một mình anh
vừa đạp xe vừa ngâm thơ (mà đường vẫn dài)
ngửa mặt lên cao trời xanh biêng biếc
làm sao em không ngó xuống linh hồn?

sao mùa xuân mà chẳng có mưa bay
chẳng có một người đi bên cạnh cầm tay
anh chẳng được hôn lên trán ái tình
và nói năng những lời vô nghĩa…

Có một bài thơ, chữ nghĩa như xôn xao những xúc cảm, Sài Gòn được nhắc đến với tất cả nét tuyệt vời thơ mộng. “Tám phố Sài Gòn“. Tại sao “tám phố” mà không là con số nào khác, như 10 hay 36 chẳng hạn? Hay là bởi bài thơ có tám đoạn như thủ đô Sài Gòn có tám phố?

Bài thơ ấy mà theo nhiều người là một bài thơ xuất sắc nhất của thành phố, của những cô gái điệu đàng, của những giờ thư viện nhìn nhau, của tối đi học về khuya dưới bóng trăng, của “mai gọi nhau bằng cưng nồng nàn, trẻ trung”.

Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
cánh tay tà áo sát vòng eo
có nghe đôi mắt vòng quanh áo
năm ngón thơ buồn đứng ngó theo

Sài Gòn phóng solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants
Có nghe hơi thở cài vương miện
Lên tóc đen mềm nhung rất nhung

Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm
Tờ hoa trang sách cũng nằm im
Đầu thư và cuối cùng trang giấy
Những chữ y dài trông rất ngoan

Sài Gòn tối đi học một mình
Cột đèn theo gót bóng lung linh
Mặt trăng theo ánh đèn trăng sáng
Đôi mắt trông vời theo ánh trăng

Sài Gòn cười đôi môi rất tròn
Vòng cung mầu đỏ nét thu cong
Cầu vồng bắt giữa mưa và nắng
Hay đã đưa dần sang nhớ mong

Sài Gòn gối đầu trên cánh tay
Những năm mười sáu mắt nhìn mây
Chiếc tay tròn ánh trăng mười bốn
Tiếng nhạc đang về dang cánh bay

Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
Thứ bẩy Sài Gòn đi Brodard
Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ

Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng
Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân
Lưng trời không có bầy chim én
Thành phố đi về cũng đã xuân.

Nhà văn Tạ Tỵ, trong tác phẩm phê bình văn học “Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ” đã có những nhận định khá chính xác về thi ca của Nguyên Sa như sau:

“Trong thơ Nguyên Sa người đọc ít tìm thấy sự bi thảm quá đỗi. Nỗi đau của Nguyên Sa đã biến thành cái đẹp, do đó, chả cứ gì cái chết mà ngay cả cuộc chiê’n đã từ mấy chục năm với dung nhan của đổ vỡ, chia lìa, với từng ngón hoài nghi đang len lách, phá hoại, hủy diệt nếp suy tư, đạo hạnh ở mỗi con người, chẳng hề làm thi sĩ bận tâm. Nếu có một dòng thơ nào phải nhắc đến chiến tranh, Nguyên Sa cố cho nó lướt nhanh và mờ đi ở giữa những hình ảnh và ý nghĩ dạt dào nóng bỏng môi hôn, Nguyên Sa đã sống ngoài cuộc sống và đặt thi ca vào đúng vị trí của nó trong môi trường vĩnh cửu…

Ngôn ngữ tình yêu trong thơ Nguyên Sa chẳng riêng có những Kiều, những Thu, những Loan, những Đạm, đã cho thi ca trời xanh và những nụ cười “thơm mùi tội lỗi”, ngôn ngữ ấy cũng chẳng phải để làm vui cho một “giải trí trường” mà đích thực “để dâng người lấy nửa dòng nước ngọt” cũng như thi sĩ “đến đây không ai mời”.

Đi cũng đừng ai giữ. Nếu có tạc tượng bằng đá trắng đồng đen, cũng đừng bày ở sân trường Đại Học, đừng bày ở Công trường, xin nhớ để giùm ở một góc Công viên. Để những đêm khuya (rất khuya) thi sĩ có thể nhìn mặt trăng soi gương và ngắm những người yêu nhau tình tự…”

Nguồn: Nguyễn Mạnh Trinh

No comments:

Blog Archive