Saturday, April 20, 2019

Nghề Của Chàng





Mới qua Mỹ chừng vài tuần là anh được đi dạy, có lẽ thấy anh khai đã từng làm thầy giáo ở Việt Nam nên khi xin job, người ta nhận ngay anh vào trường dạy nghề “Gary Job Corps Center” . Một trung tâm của Bộ Lao Động Hoa Kỳ được mở ra sau làn sóng di dân của Việt Nam và những người tỵ nạn Đông Dương, cơ hội tốt cho những người không có nghề nghiệp chắc chắn, học hành dở dang muốn theo đuổi một nghề nào đó do cơ quan Job Corps đào tạo để ổn định và hoà nhập dễ dàng vào đời sống mới tại Mỹ theo chương trình “World of Work” . Đó là nơi giúp đở người di dân mới nhập cư vào Mỹ, nhưng ngoài ra còn là nơi dung chứa những đứa trẻ dân bản xứ nhưng sống lang thang bụi đời, các em vị thành niên đường phố, ăn cắp, ma túy, băng nhóm du đảng trong khu phố nhỏ...Dĩ nhiên đây là thành phần trẻ em không ngoan được nhà nước tập trung lại, nuôi ăn và học nghề trong thời gian hai năm, như một chánh sách bắt buộc để giúp cuộc sống tương lai các em hoàn thiện hơn. Cũng như trẻ con Việt Nam, lớn lên nói rành tiếng Việt nhưng không biết đọc biết viết nếu không đi học, và nhóm trẻ con bụi đời này cũng y chang như vậy, có thể vì hoàn cảnh đặc thù nào đó của gia đình, sự sơ sót của xã hội khiến hầu hết mấy đứa vô đây điều không biết chữ, nhiệm vụ của anh là dạy cho tụi nó biết đọc và viết tiếng Mỹ.

Phải nói lúc đầu anh cũng rất ngại ngùng khi đối diện với những đứa học trò da đen cao to vạm vỡ, mà chỉ cần nó hit nhẹ là ông thầy còm nhom như anh té lăn ra lớp. Nhưng sau vài tuần nhập môn, Thầy trò thân thiện hơn và anh chợt nhận ra mấy đứa coi mặt mũi bậm trợn vậy mà dễ thương cách gì, với vốn liếng tiếng Anh không lưu loát như người bản địa, nhưng sự giao tiếp chân tình ngắn gọn trong 2 từ you-me mà anh dành cho tụi nó thì không khó khăn lắm để biểu đạt ngôn ngữ khi Thầy trò thoải mái cà phê với nhau trong những giờ ăn trưa ở trường,hay cuối tuần “ bảo lãnh” cho vài đứa về nhà Thầy ăn phở, cái món ăn lạ miệng mà tụi nó chơi một lần “2 tô xe lửa “là chuyện thường. Có lẽ anh là giáo viên người Châu Á duy nhất trong trường này chơi thân với tụi nhỏ nên bà giám đốc trung tâm rất hài lòng về cách cư xử này của anh dành cho chúng nó. Bà nói về mục tiêu của trường với một bài toán rất đơn giản “ chính phủ chấp nhận tốn kém chi phí dành cho mỗi học viên vài chục ngàn đô la mỗi năm, để dạy nghề cho họ trong hai năm, rồi sau đó họ ra trường, đi làm nộp thuế  lại cho chính phủ hàng mấy chục năm, hiệu quả rất thực tế, dĩ nhiên con số thành đạt còn tuỳ thuộc vào sự cố gắng của từng cá nhân nhưng mục tiêu đó không phải là tất cả, giáo dục chính là làm chúng nó nhận thức tốt hơn để làm người công dân lương thiện”  Quả là cao kiến, anh rất tâm đắc về ngôi trường nầy, và nghĩ mình sẽ dạy ở đây lâu hơn, nhưng chỉ vài năm sau vì hoàn cảnh gia đình anh phải dọn nhà đi thành phố khác. 

Chia tay bà xếp và đám học trò bậm trợn anh lại thấy buồn buồn trong bụng, biết khi nào có dịp gặp lại chúng nó đây. Một hôm anh đang loay hoay với chiếc xe xẹp bánh trong parking lot, thì nghe tiếng kêu “Mr Sam” thảng thốt vui mừng, có tên Mỹ đen cao to chạy tới, thì ra John, cái thằng trong trường dạy nghề mà anh hay dẫn nó về nhà ăn phở cuối tuần, gần chục năm rồi mà nó còn nhớ anh...Nó vừa hỏi thăm anh rối rít, vừa xăng xái thay bánh xe làm anh cảm động hết sức.

Anh cũng nhận dạy thêm cho các chương trình cộng đồng ở địa phương, dạy tiếng Việt cho các em Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Mỹ, dạy tiếng Mỹ cho người Việt mới nhập cư, làm phiên dịch bất đắc dĩ cho những trường hợp bất đồng ngôn ngữ của người Việt và người bản xứ..

Rồi có người bạn quen giới thiệu, anh xin dạy ở một trường gần nhà, may mắn cho anh là tìm được việc làm phù hợp với khả năng mà anh yêu thích, không phải đi cày vất vả ca đêm, hay lao đao 5-3 job như những người khác, thời kỳ mà người Việt ty nạn mới qua Mỹ với con bầy cháu đống, trường phải mở thêm lớp cho con em Việt và cần người thầy biết cả hai thứ tiếng để trẻ dễ hòa nhập, đây là cơ hội tốt nhất cho anh.

Sau khi học thêm để lấy bằng đi dạy chính thức trong ngành giáo dục của Mỹ, anh được phân công dạy từ lớp một đến lớp tám, nhưng anh chọn lớp ba, lớp tư cho dễ dạy, cái tuổi này tương đối ngoan hiền. Nếu hồi xưa ở Sài gòn, trên bục giảng của trường Đại Học Văn Khoa, nhìn xuống lớp thấy bao nhiêu là cô sinh viên xinh xắn, đẹp như hoa khôi thì bây giờ nhìn xuống lớp thấy mấy đứa nhỏ ốm nhom và những đôi mắt to tròn ngơ ngác như con nai con hưu còn chưa quen cuộc sống mới lạ chung quanh, mà thương cho thân phận trôi dạt của người Việt mình trong cơn bão lũ của thời cuộc đổi thay. Anh không thấy hối tiếc khi bạn bè thân quen thúc giục sao không chịu học lấy cái bằng Ph.D  để dạy những lớp lớn hơn, để được gọi tiến sĩ này kia cho nó oai.. Anh chọn làm cây đinh, ốc vít để vận hành trong guồng máy giáo dục của nước Mỹ đầy năng lượng vẫn thấy thú vị hơn, anh yêu và mừng cho những đứa trẻ Việt Nam của mình được sống an lành trong đất nước này với hy vọng hạt giống trồng ở vùng đất mầu mở sẽ cho ra quả ngọt, trái ngon.

Có lẽ giai đoạn sống trên đảo chật chội dơ bẩn nên khi qua đây đầu đứa nào cũng có chí, khi thầy cô giáo phát hiện sự “khủng khiếp “này và báo lên thì ông hiệu trưởng cho cả trường nghĩ học vài ngày sợ lây lan, nhà trường còn bắt buộc phụ huynh phải  xức thuốc do trường cung cấp và gội đầu mấy em thường xuyên đến khi nào “sạch bóng quân thù “ mới cho vào lớp. 

Ở xứ Mỹ này người ta ưu tiên chăm sóc cho trẻ em và người già hơn hết, các em thì được ăn bửa trưa ở trường và có xe đón đi học, đưa về nhà an toàn,  cung cấp sách vở bút giấy và dĩ nhiên tất cả đều miễn phí, đó chỉ là khía cạnh của vật chất. Sự cung ứng đầy đủ, thậm chí dư giả hào phóng là đằng khác, nhưng nói như bà xếp cũ của anh” đó không phải là tất cả”,  nhà trường còn quan tâm tới cả vết bầm trên cánh tay của các em, ánh mắt buồn không cười nói khi vào lớp..Thầy Cô phải có trách nhiệm liên lạc với phụ huynh thường xuyên, hỏi tới hỏi lui coi ở nhà cha mẹ có hành hạ, bạc đãi trẻ con không, có đứa vô méc thầy là ba nó tối nào cũng uống rượu, nói chuyện ồn ào làm nó không học bài được, nhà trường phải gọi phu huynh hư lên cảnh cáo...Lâu dần các em trở nên năng động vui nhộn hơn, da dẻ hồng hào, mái tóc dầy đen nhánh cột nơ xanh đỏ ngồi chen vai với mấy đứa tóc vàng mắt xanh, nói tiếng Mỹ líu lo như chim. Trường anh có đủ sắc dân, da vàng, da đen da trắng và tụi nhỏ hồn nhiên chơi thân thiện với nhau như anh em một nhà.

Tuổi đời càng ngày càng lớn, anh đã gắn bó với cái nghề Thầy trên đất Mỹ cũng ngót nghét hơn ba chục năm, và ngôi trường  Lee  Elementary này là điểm dừng cuối cùng của anh trở nên thân thiết gần gủi như một gia đình lớn, anh biết tánh nết từng đứa trẻ, biết cả cha mẹ, ông bà nó là hàng xóm của anh, gần như anh dạy cho cả nhà từ chị cả đến em út, có đứa ngày xưa đầu chí học hết thời tiểu học với anh, rồi lên trung học, lên đại học ra trường, quay trở lại thăm anh và làm đồng nghiệp với anh..Điều bất ngờ và cảm động nhất mà đám học trò nhỏ này dành cho anh là khi chúng đề nghị anh có tên trong cuốn sách  “Who is Who in America” danh giá của nước Mỹ. Đó là món quà lớn nhất mà anh có được sau bao nhiêu năm đi dạy ở xứ người.

Kỹ niệm biết bao nhiêu mà kể, anh nhớ có lần bị heart attack phải vào bệnh viện mấy tuần, cả hiệu trưởng và các nhân viên đồng nghiệp vô thăm, kể lại tụi nhỏ nghe tin Mr Sam bệnh, đứa nào cũng khóc làm anh mong mau khỏe để vô lớp với chúng nó. Anh nhớ khi Texas vào mùa mưa bão, anh phải đợi cho đến đứa cuối cùng có cha mẹ đến đón về rồi anh mới yên tâm lái xe đi tránh bão, anh nhớ khi nghe tình hình bất an về những vụ bắn giết trong trường học, anh dạy chúng nó không sợ hãi, anh nói  “Don’t worry, anything I will protect you too, I will die first”, mấy nhỏ ôm anh khóc ròng “Mr Sam. I don’t want you to die”

Ngày anh nghĩ hưu, cả trường làm tiệc chia tay, mấy bà giáo Mỹ thì cứ ôm hun thắm thiết, họ đưa anh cuốn sổ có ghi những dòng cảm tưởng của học trò và đồng nghiệp, nét chữ tô xanh tô hồng của mấy đứa nhỏ làm anh mũi lòng “ hope you don’t retire, I will miss you, come see us, i wish you have good luck, don’t forget me, i got love for you...”.Ai nói học trò ở Mỹ không có đậm tình nghĩa như học trò ở miền Nam nước Việt? Anh tin vào tấm lòng chân thật của tất cả các học trò dành cho anh.

Một đời sự nghiệp làm Thầy của anh đã hoàn tất, anh hài lòng khi suốt trên con đường mình đi không có chông gai vướng mắc, mặc dù anh không chắc rằng mình đã trồng được bao nhiêu cái cây đứng thẳng trước sóng gió của cuộc đời.

Đã từng sống và dạy ở Mỹ lâu năm, điều anh nhận ra rằng nền giáo dục của đất nước văn minh nó nhân bản và khai phóng không khác gì thời anh còn trẻ và được học hành tử tế trong môi trường giáo dục lành mạnh, đạo đức của nước nhà. Cứ nhìn trẻ em bên này thì biết, chúng nó từ bé đã biểu lộ cá tính của sự thẳng thắn, trung thực và tự lập. Điều này khẳng định sự thành công của nền giáo dục Mỹ khi lúc nào cũng có lớp hậu duệ xuất sắc kế thừa. Dĩ nhiên nó khác xa với nền giáo dục tồi tệ hiện nay của xã hội Việt Nam. 

Nên chẳng có gì lạ khi lớp nhà giàu tư bản đỏ bên nhà cứ tìm mọi cách để đưa con sang nước Tư bản du học.. Thật lòng ai cũng không muốn con mình phải sống trong môi trường dối trá, tham lam, sự tàn độc ích kỷ hình thành nên nhân cách lớp trẻ sau này, họ chọn lựa “gần đèn thì sáng”, mà họ quên rằng chính họ đã gây ra điều oan trái đó, họ không biết khơi ngọn đèn trí tuệ  trong nhà mình cho nó sáng bằng nhà người ta. 

Nghĩ tới đây ông thầy già thấy mình buồn hết sức!

Trần Ngọc Ánh
tháng 3/2019

No comments:

Blog Archive