Monday, April 29, 2019

Ngày Trở Về 
Phạm Gia Đại
 
Tôi trở về thành phố trong một chiều nhạt nắng. Cái nóng ban trưa đã dịu đi và thình thoảng vài cơn gió nhẹ mang theo chút hơi mát pha lẫn cái nóng còn sót lại phả lên mặt làm tôi tỉnh hẳn sau mấy giờ ngồi trên xe đò. Nắng đã xiên xiên hắt từ bên kia đường làm đổ nghiêng bóng những mái nhà xuống lòng đường. Chiếc xe đò đã ngừng tại bến và hành khách lục tục xuống xe. Các chị quang gánh và thúng mủng, mà chúng tôi đã có dịp nói chuyện và hàn huyên suốt dọc đường, đang xuống xe cùng với chúng tôi – mười sáu người tù cuối cùng. Chiếc xe đò đã chở chúng tôi từ trại giam Hàm Tân Z-30D từ Bình Thuận về đến Sài Gòn.
 
Chúng tôi đã xa thành phố này đúng 17 năm kể từ ngày miền Nam sụp đổ khi cộng quân ùa vào xâm chiếm thành phố hầu như bỏ ngỏ này sau lệnh đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Miền Nam tự do và anh hùng, sau 21 năm chiến đấu can trường và dũng cảm, đã bị bức tử một cách đau thương vì đồng minh Hoa Kỳ đang tâm bắt tay với Trung Cộng. Mười bẩy năm trước, tôi phải giã từ thành phố đầy kỷ niệm này và tất cả các người thân yêu trong niềm đau uất nghẹn ngào để bước chân vào chốn không cùng của những trại giam tập trung mọc lên như nấm của cộng sản khắp hai miền Nam Bắc. Sau một năm trong các trại giam trong Nam, mười hai năm biệt xứ lưu đầy ngoài Bắc, cộng thêm bốn năm nữa lao động khổ sai trong Nam, hôm nay ngày 29-4-1992, chúng tôi 16 tù chính trị cuối cùng thuộc chế độ VNCH trong trại Z-30D đã được thả ra sau mưới bẩy năm – còn bốn ông tướng thì một tuần sau ngày 5-5-1992, cộng sản mới thả ra: Lê Minh Đảo, Lê Văn Thân, Đỗ Kế Giai và Trần Bá Di. Họ là 20 người tù cuối cùng trong số hàng triệu quân dân cán chính VNCH đã phải vào trại tập trung từ ba ngày, đến 10 ngày, đến 1 tháng và nhiều năm sau đó, mà Hà Nội huyên hoang một cách xảo trá với thế giới đó là “chính sách khoan hồng nhân đạo” khi chúng vào chiếm miền Nam. 

Từ đó, nhà tan cửa nát, đất nước điêu linh, quê hương đọa đầy, và dân lành thống khổ dưới sự cai trị hà khắc tàn bạo của chế độ cộng sản vô thần, vô tôn giáo, và vô tổ quốc. Trên bốn ngàn năm lập quốc và giữ nước, Việt Nam chưa bao giờ bị rơi vào tình huống vô cùng nguy nàn của thù trong là Việt Cộng đang dâng đất đai biển cả của tổ tiên cho kẻ thù phương Bắc, và giặc ngoài là giặc Trung Cộng đang tràn xuống phương Nam và luôn lăm le Hán hóa dân Việt.
 
blank
12 trong số 20 người tù cuối cùng: hàng ngồi từ trái: Tướng Lê Minh Đảo, Trung Tá Huỳnh Kim Hiếu, Phạm Gia Đại, Tướng Trần Bá Di, Trung Tá Huỳnh Văn Kiên. Hàng đứng từ trái: Trung úy Nguyễn Đức Thắng, Trung Tá Trần Văn Xoàn, anh Miên (hồi chánh), Trung Tá Nguyễn Đạt Phong, Trung Tá Nguyễn Hữu Hải, con gái một anh vào chụp hình chung trong khu lao động của đội 23, Thiếu Úy Hòa, và Tướng Đỗ Kế Giai. (Hình chụp khoảng tháng 3-1992, và thời gian này những người tù cuối cùng trên vai 17 năm, tin rằng họ sẽ có ngày về.) 

Một miền Nam trù phú, an bình, yêu chuộng tự do không còn nữa, người dân bị tròng vào cổ hai tầng áp bức, nhất là đồng bào gần các tỉnh biên giới. Người dân bị cướp hết tài sản, tiền vàng bạc, ruộng vườn, ao cá. Những than khóc thấu đến Trời Xanh, nhưng loài quỷ đỏ vẫn không ngừng tay chém giết và cướp bóc.
 
Để nắm lấy toàn quyền sinh sát trong Nam, cộng sản Bắc Việt đã loại trừ ngay các thành phần lãnh đạo trong “Mặt Trận Giải Phóng” của Việt Cộng trong Nam, và “Thành Đồng” đã trở thành “Đồng Nát”. Những con người tai bèo khăn rằn trong Nam, cũng như hàng ngàn người đã từng nuôi dưỡng quân “Giải Phóng”, khi hiểu ra họ chỉ là những viên đá lót đường cho quân Bắc Việt trong công cuộc xâm lăng miền Nam thì đã quá muộn. Miền Nam sau năm 1975 đang rơi vào sau “Bức Màn Sắt” như Miền Bắc sau năm 1954.
 
Trên chuyến xe đò trở về thành phố thân yêu, chúng tôi đã được nghe người dân kể lại bao đau thương mất mát mà họ đã phải hứng chịu khi cộng quân tràn vào thành phố sau tháng 4-1975. Người dân sống trong các thành phố hay làng mạc Miền Nam cũng chẳng khác gì bị nhốt trong một nhà tù khổng lồ, bị canh giữ bởi các họng súng AK và những cặp mắt cú vọ, và mạng người bị xem rẻ hơn loài vật. Hàng triệu người đã bị hãm hại, bị đầy ải đi vùng kinh tế mới, bị đánh tư sản, bị đảng cộng sản ăn cướp giữa ban ngày, và bị đổi tiền hai lần để thực hiện chính sách của cộng sản nhằm bần cùng hóa một Miền Nam quá thịnh vượng ngoài sức tưởng tượng của đám cán bộ khi vào tiếp thu các thành phố. Người dân vô cùng kinh ngạc khi gặp chúng tôi và biết được sau 17 năm những quân dân cán chính cuối cùng mới được thả ra khỏi trại giam. Họ đã tặng cho chúng tôi những gì còn lại trong thúng mủng sau chuyến buôn cuối ngày của họ như những trái cây, mũ nón, những đôi dép nhựa, và mừng chúng tôi đã sống sót trở về đoàn tụ gia đình.
 
Tôi đứng bên lề đường cùng các bạn, phân vân chưa biết đi về hướng nào, vì Sài Gòn bây giờ đã nhiều thay đổi, các con đường và chính thành phố thân yêu này cũng đã thay tên. Dòng xe cộ vẫn di chuyển trên đường, mọi người vẫn hối hả cho xong việc để trở về nhà chăng? Và chẳng ai để ý đến chúng tôi đang ngơ ngác bên đường trong ngày đáng ghi nhớ nhất đời mình. Ngày mà chúng tôi không hề mong đợi vì đã bao nhiêu năm trôi qua trong vô vọng, thì đột nhiên nó lại đến với tờ Giấy Ra Trại chỉ nhỏ bằng nửa bàn tay một mầu xam xám, nhưng không có nó chúng tôi đã kéo lê cuộc đời tù đầy mười bẩy năm qua. Hàng ngàn người đã ngã gục trong các trại giam, trên những luống cầy, trong rừng sâu khi đốn củi, tại những đồn điền trong thung lũng nơi rừng thiêng nước độc. Hàng ngàn tù nhân chính trị đã chết vì kiệt sức, vì bị bỏ đói thiếu cơm ăn áo mặc khi mùa Đông ập đến, vì bệnh tật không thuốc men, vì bị kẻ thù hành hạ tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần. Vậy mà chúng tôi còn tồn tại dù nhiều lần đã chết đi sống lại, quả là phép lạ!
 
Tôi quay nhìn lại các bạn mình lần chót, những người bạn, những chiến hữu, những bạn tù đồng cam cộng khổ, chia sớt miếng cơm manh áo, điếu thuốc với nhau giờ đang đứng đây tìm đường về nhà. Tôi siết tay các bạn thật chặt lần chót, chỉ nhìn nhau không ai nói một lời, có lễ tâm trí mỗi người đang lưu lạc đi một hướng. Một số bạn còn vợ con thì sẽ về với vợ con, một số gia đình đã vượt biên hay di tản rồi thì về với thân nhân còn ở lại. Một số phải về tỉnh sống nhờ người quen vì anh chẳng còn ai thân nữa trên cõi đời này sau biến cố tang thương 30-4 mười bẩy năm trước. Thế rồi như con sóng vội xô vào bờ, chúng tôi tản mỗi người một phía, phút chốc chẳng còn ai, và tôi cũng vội đón một chiếc xe ôm tìm về nhà ông anh thứ hai ở Trương Minh Ký.

Tôi đã từng ở con đường Trương Minh Giảng nối dài xuống Trương Minh Ký này trên mười lăm năm trước kia, nhưng hôm nay cảnh vật đều thay đổi, đều lạ lẫm, hay như trong truyện mà tôi say mê từ hồi niên thiếu: “Hôm Nay Tôi Đi Học” của nhà văn Thanh Tịnh –vì chính trong tôi đang có nhiều thay đổi? Tôi vào tù cộng sản khi còn thanh niên và khi ra khỏi tù đã quá trung tuần với mái tóc đã hoa râm. Thời gian ấy đủ để cho một đứa bé từ bậc tiểu học qua trung học và tốt nghiệp đại học. Thời gian là liều thuốc thần diệu xoa đi bao đau thương mất mát nhưng quả cũng là một cái gì thật nghiệt ngã và vô tình. Hai đứa con tôi lúc tôi đi tù năm 1975 mới bốn và năm tuổi, bây giờ đã trưởng thành trên hai mươi hết cả rồi. Bao nhiêu năm qua mỗi độ xuân về trong tiếng pháo Tết giòn dã, chúng lại trông ngóng người bố trở về, nhưng bao nhiêu năm rồi bố của cháu vẫn biệt tăm, và hai cháu vẫn sống trong niềm vô vọng. Hôm nay tôi trở về chắc hai con tôi mừng lắm, và mẹ tôi cùng các em đã đi Mỹ theo chương trình đoàn tụ bây giờ ở bên Mỹ chắc vô cùng mừng rỡ vì công lao nuôi tôi mười mấy năm trong tù, nay ngày trở về đã thành hiện thực.
 
Chiếc xe ôm dừng trước một con hẻm, người tài xế xe ôm cũng là một quân nhân trong chế độ cũ, khi biết tôi là một trong những người tù cuối cùng, đã không lấy tiền, nhưng tôi bỏ tiền vào tay anh rồi nắm tay anh cám ơn vì anh cũng cần có tiền để nuôi gia đình. Anh mỉm cười thật tươi rồi chào tôi theo kiểu nhà binh. Tôi lững thững bước vào trong hẻm, trên vai vẫn khoác chiếc ba lô lính mầu xanh ngày nào tôi khoác nó ra đi trong tủi hận, chỉ khác là nó nay đã bạc mầu và nhiều chỗ vá vì chuột gặm. 

Sau khi tìm một hồi mới thấy căn nhà ba từng của ông anh thứ hai ở tận cuối một con hẻm khá rộng ở sâu bên trong. Tôi bước qua cái sân nhỏ rồi bước vào căn phòng lát đá hoa, cửa mở nhưng chẳng thấy một bóng ai. Bao nhiêu năm rồi tôi mới nhìn thấy lại sàn đá hoa và những tủ bàn ghế, những lẵng hoa, bức tranh đầy mầu sắc của quán cà phê thành phố Paris bên giòng sông Seine, những con búp bê nhựa thật đẹp trong váy xòe đứngtrong tủ kính. Tôi đang tần ngần với các trang trí kiểu tây phương trong nhà ông anh thứ hai, thật khác xa với nằm trên sàn gỗ hay bục xi măng bao nhiêu năm trời, thì anh tôi từ bếp xuất hiện. Sau một giây ngỡ ngàng, anh la lên: “Em ơi! Chú Đại về này”. Anh chạy lại bên tôi, đỡ lấy cái ba lô: “Anh chờ chú bao lâu rồi vẫn không thấy?” Tôi nói với anh mà ngỡ như tự nhủ thầm: “Tôi về trong đợt cuối cùng, trong số những người cuối cùng.”

Anh cho biết chỉ còn gia đình anh ở lại, mẹ tôi và gia đình năm em tôi đã được ông anh thứ ba là thủ khoa khóa 13 hải quân Nha Trang bảo lãnh từ 11 năm trước, nay đã định cư bên California. Và từ mấy năm nay, anh đã để sẵn căn phòng trên lầu 3 chờ đón tôi về. Tôi chợt nhớ đến các bạn mình, chắc giờ này đã về đến nhà và đang tíu tít với vợ con người thân, tôi thấy vui trong lòng nhưng cũng thật nhớ các bạn, những người đã từng vào sinh ra tử với mình trong tù mà tôi không thể nào quên được trong cuộc đời này. Tôi nhớ đến một lá thư của một anh bạn cấp trung tá được tha về đầu năm 1988, sau 13 năm tù, khi về với gia đình đã viết vào thăm tôi và 90 người cuối cùng còn ở lại ngoài Bắc tại trại Ba Sao Nam Hà rằng anh rất vui ra về nhưng các anh ví như chỉ được huy chương bạc, còn chúng tôi những người tù cuối cùng mới xứng đáng được huy chương vàng. Bây giờ các anh ở đâu, hy vọng chúng ta sẽ hội tụ bên phương trời tự do một ngày không xa.

Trong khi anh tôi vội vã leo chiếc cầu thang xinh xắn xây theo hình xoắn ốc xuống nhà để dục người vợ và vợ chồng con gái anh chuẩn bị bữa cơm chiều, tôi lấy một bộ quần áo mới ra và vào phòng tắm. Đây là lần đầu tiên sau mười bẩy năm, tôi được tắm trong một phòng kín với vòi hoa sen và nước ấm, và sà phòng thơm. Tôi kỳ cọ thật lâu như muốn tẩy đi hết những bụi trần, chướng khí của trại giam đã bám vào người mình bấy lâu, và thấy thật dễ chịu dưới dòng nước ấm.

Khi bước vào phòng ăn, tôi thấy ngoài gia đình anh tôi còn có vợ chồng bác sĩ Như bạn anh tôi và cô em họ tên Mai. Anh tôi giới thiệu tôi mười bẩy năm mới về. Cô Mai nhìn tôi thắc mắc và hỏi anh tôi sao tôi từ Mỹ về mà xanh xao gầy quá vậy. Anh tôi phá lên cười và nói rằng cậu em anh mới về từ trại giam, mười bẩy năm bị tập trung và lưu đầy, sau khi mất miền Nam. Tôi cũng bật cười, nụ cười thật hiếm hoi trên môi người tù vừa từ vùng rừng núi trở về thành phố.
 
Mọi người đều ăn uống trò chuyện rôm rả. Tôi đã nhờ cậu cháu rể sáng ngày mai về Phú Lâm báo tin cho hai con tôi biết bố cháu đã về nên cũng tạm yên tâm, sau đó sẽ thu xếp lên chùa thăm thầy của tôi. Còn nhiều việc phải làm, nhất là phải ra đi thật nhanh theo chương trình nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ Humanitarian Operation (H.O.) vì ngày nào còn ở đây tính mạng mình vẫn còn bị đe dọa. Vừa ăn bữa cơm gia đình lần đầu tiên sau bao nhiêu năm xa vắng, tôi vừa suy nghĩ tới đâu tính tới đó, Trời Phật đã cứu những người tù cuối cùng này ra khỏi tù, thì con đường mình sẽ đi cũng đã định sẵn. Cơn mưa đêm kinh hoàng đã qua rồi, ngày mai trời lại sáng./. (kỷ niệm ngày ra khỏi trại giam tập trung Hàm Tân Z-30D 29-4-1992).

Phạm Gia Đại
Source:vietbao.com

No comments:

Blog Archive