Chuyện về Tháng Tư Đen ít người biết
Vào tối 30 tháng Tư 1975, trong lúc hàng trăm chiếc tàu của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà và mấy chục thương thuyền đã rời khỏi Việt Nam, ra đến hải phận quốc tế thì có một chiếc tàu của Hải Quân Hoa Kỳ bí mật trở lại Việt Nam. Đó là chiếc Hộ Tống Hạm USS Kirk.
Gần trưa ngày 30 tháng Tư 1975, khi những người Mỹ sau cùng đã rời khỏi Việt Nam và ra đến Đệ Thất Hạm Đội, người chỉ huy tổng quát chiến dịch Frequent Wind là Đô Đốc Donald Whitmire nhận được mấy báo cáo từ mấy thương thuyền của Mỹ đang còn trong hải phận Việt Nam. Họ cho ông biết rằng tại Đảo Côn Sơn hiện vẫn còn khoảng 30 ngàn người Việt Nam cùng với khoảng 30 chiếc tàu của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà và hơn một chục chiếc thương thuyền đang kẹt lại.
Đô Đốc Whitmire lúc đó đang có mặt trên chiếc soái hạm USS Blue Ridge của Đệ Thất Hạm Đội. Ngay lập tức ông gọi cho Hạm Trưởng Paul Jacobs của chiếc USS Kirk và ra lệnh cho ông này đem chiếc hộ tống hạm của mình với 260 thuỷ thủ các cấp trở lại Việt Nam nhưng đến Côn Đảo chứ không phải Phú Quốc. Chiếc USS Kirk tiến vào hải phận Việt Nam vào tối 30 tháng Tư. Sau khi nhận thêm lệnh mới với đầy đủ chi tiết hơn từ Đô Đốc Whitmire, Jacobs cho chiếc USS Kirk âm thầm tiến vào Côn Đảo và rạng sáng 1 tháng Năm thì nó đã thả neo sát đảo này.
Theo quân sử gia Jan Herman của Bộ Hải Quân Hoa Kỳ, lúc đó, có ít nhất trên 30 ngàn thường dân mà trong đó hơn 20 ngàn đã có mặt trên các tàu của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà và thương thuyền dân sự. Còn lại hơn 10 ngàn người vẫn còn trên bờ là vì có một số tàu của Hải Quân cũng như thương thuyền bị trục trặc cơ khí, động cơ không hoạt động nên đồng bào không dám leo lên những chiếc đó. Những chiếc còn hoạt động tốt thì lại không dám bỏ những chiếc hỏng lại mà ra khơi. Vì thế nên công việc đầu tiên của Hạm Trưởng Jacobs là gửi các chuyên viên cơ khí sang những chiếc tàu bị trục trặc cơ khí để sửa chữa cấp tốc. Sau đó, ông cho những chiếc thuyền nhỏ chạy vào bờ chở bớt một số trong hơn 10 ngàn thường dân ra chiếc USS Kirk của ông.
Trong số những chiếc tàu bị hỏng, có mấy chiếc không thể sửa chữa được tại chỗ vì thiếu cơ phận để thay thế. Vì vậy nên một chiếc hộ tống hạm khác của Hải Quân Hoa Kỳ là USS Cook đang đậu xa xa ngoài khơi chạy vào để chở cho hết những đồng bào còn lại. Sau đó, tất cả ra khơi dưới sự hướng dẫn của chiếc USS Kirk.
Khi đã ra đến hải phận quốc tế, có thêm mấy chiếc tàu khác của Hải Quân Hoa Kỳ đến tiếp tay. Đó là những chiếc USS Mobile, USS Tuscaloosa, USS Barbour County, USS Deliver và USS Abnaki. Thủy thủ đoàn trên những chiếc này đã phục vụ ẩm thực cho đồng bào, chăm sóc sức khoẻ cho họ, và lại còn đảm nhiệm luôn công việc hộ sản nữa. Nhiệm vụ của họ chỉ chấm dứt khi đoàn tàu đến Vịnh Subic, Phi Luật Tân.
Chính phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ đã không tốt đối với Việt Nam Cộng Hoà chúng ta trong những năm sau cùng, nhưng Quân Đội Hoa Kỳ thì quả thật đã làm những gì mà quân đội của các quốc gia khác có lẽ không bao giờ dám làm đối với những người không phải là đồng bào của họ.
Riêng về chiếc USS Kirk thì nó được ghi nhận là đã thi hành một sứ mạng nhân đạo chưa từng có trong quân sử Hoa Kỳ kể từ ngày lập quốc.
—Khiet Nguyen
**
Hình đính kèm:
H1 - Chiến hạm Kirk tới đảo Côn Sơn vào ngày 1 tháng Năm, 1975
H2 - Một chiếc thuyền chở người Việt Nam tỵ nạn tới chiến hạm Kirk đậu gần Côn Sơn
H3 - Đoàn tàu VN được chiến hạm Kirk hướng dẫn tới Subic Bay, Philippines
H4 - Năm 1975 Richard Armitage lúc đó 30 tuổi được giao phó nhiệm vụ nguy hiểm: Lấy đi hoặc đánh chìm các tầu của VNCH để không lọt vào tay địch. Sau này ông trở thành thứ trưởng ngoại giao (2001 - 2005) dưới quyền ngoại trưởng Colin Powell thời TT George W. Bush
No comments:
Post a Comment