‘GIÓ ĐIỀU TRA’ ĐỔI CHIỀU
Tân bộ trưởng Tư Pháp William Barr cho biết bộ đang truy xét lại toàn bộ tất cả các hành động và cách làm việc của FBI dưới thời giám đốc James Comey, liên quan đến việc điều tra Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ, kể cả các vụ điều tra về emails của Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC và emails của chủ tịch Ủy Ban Vận Động của bà Hillary, ông John Podesta, bị Wikileaks xì ra cho truyền thông, cũng như việc xin trát tòa FISA theo dõi ban vận động của ứng cử viên Trump. Ông cũng cho biết Tổng Thanh Tra bộ Tư Pháp, ông Michael Horowitz cũng đang điều tra về vụ FISA.
Ông Barr tuyên bố “trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, ủy ban vận động của ông Trump đã bị theo dõi”, tuy không nói rõ nhưng hiển nhiên ám chỉ FBI đã theo dõi theo lệnh của bộ Tư Pháp dưới thời TT Obama.
Trong khi đó, dân biểu Devin Nunes, thành viên cao cấp nhất của đảng CH trong Ủy Ban An Ninh của Hạ Viện cho biết ông đã gửi danh sách 8 người liên quan đến vụ FISA cho bộ Tư Pháp để yêu cầu điều tra.
Về phiá Thượng Viện, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp, TNS Lindsay Graham cho biết Thượng Viện cũng đang điều tra vụ FISA.
Về báo cáo của công tố Mueller, ông Barr cho biết ông đang làm việc với ê-kíp của ông Mueller để thanh lọc báo cáo, có thể sẽ xong cuối tuần này hay qua tuần tới, để kịp nộp cho quốc hội như đã hứa. Thứ trưởng Tư Pháp Rosenstein đã khẳng định ông Barr đã trung thực và cởi mở tối đa, và ông đã cho rằng các tấn công chống ông Barr đúng là quái lạ -bizarre!
Tin mới nhất, cựu luật sư của bà Hillary cũng là cựu giám đốc văn phòng pháp lý của TT Obama, Gregory Craig, sắp sửa bị truy tố cùng với Paul Manafort, cựu giám đốc ủy ban vận động tranh cử cho ông Trump, về tội làm lobby cho Ukraine mà không khai báo. Chính trị Mỹ thật là quái dị: giám đốc văn phòng pháp lý của Obama hợp tác với giám đốc vận động tranh cử của Trump, vận động hành lang cho Ukraine, cả hai đều bị bắt cùng một tội. Các cụ tỵ nạn bị bịnh Dị Ứng Trump hô hoán ầm ĩ về vụ Manafort bị bắt nhưng lại im re về vụ Craig bị bắt. Quý độc giả tự nhận định về tính phe phái của các cụ này.
Ngoài ra, cựu luật sư của cô đào đóng phim sex, Michael Avenatti, một thời từng là ‘thượng khách’ của CNN, ngày nào cũng được mời lên TV sỉ vả, bôi bác TT Trump, đã bị một tòa Los Angeles truy tố 36 tội, đại khái là lừa đảo, khai gian, biển thủ, chuyển tiền lậu, trốn thuế, và tống tiền, kể cả tội ăn cắp 1,6 triệu đô của một thân chủ bị bệnh liệt, có thể đi tù tổng cộng hơn 300 năm. Có thời CNN đã tung hô tên này lên 9 tầng mây, được vài cụ tỵ nạn phụ họa theo, coi như là siêu luật sư có lương tâm đáng kính trọng, khiến anh ta tưởng thật, vội vã thả bong bóng thăm dò xem có ra ứng cử tổng thống được không. Anh ta cũng tự ý thay mặt cô đào phim XXX kiện TT Trump, bị thua và bắt bồi thường mấy trăm ngàn đô, bị cô đào Stormy này sa thải và tố anh ta đã kiện mà không hỏi phép của bà ta trước.
‘Gió điều tra’ hiển nhiên đã bắt đầu thổi ngược. Thế mới nói chính trị Mỹ luôn luôn hào hứng nhất.
TÒA ÁN VÀ BỒI THẨM ĐOÀN
Trong một quyết định mới, một tòa liên bang ra lệnh cấm bộ Tư Pháp không được công bố những thảo luận của đại bồi thẩm đoàn –grand jury. Ông quan tòa cấp tiến của District of Columbia (trong đó có thủ đô Washington) viện dẫn luật Rule 6(e) of the Federal Rules of Criminal Procedure để lấy quyết định này.
Phán quyết này liên quan đến một vụ án không dính dáng gì đến báo cáo của công tố Mueller, nhưng mang hệ quả rất lớn. Có nghiã là bất kể phe DC trong Hạ Viện đòi hỏi gì thì bộ trưởng Tư Pháp William Barr cũng không có quyền công bố nguyên văn trọn vẹn báo cáo của ông Mueller, ít nhất phải đục bỏ tất cả những thảo luận của đại bồi thẩm đoàn liên quan đến vụ điều tra thông đồng với Nga của ông Mueller.
BỘ TRƯỞNG AN NINH LÃNH THỔ TỪ CHỨC
Bà Kirstjen Nielsen, bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ đã từ chức theo lời yêu cầu của TT Trump. Ngay sau đó, bà thứ trưởng Claire Grady cũng từ chức theo.
Đây không phải là tin bất ngờ. Việc bà Nielsen ra đi đã được bàn đến từ mấy tháng nay. Trên căn bản, TT Trump không đồng ý với chính sách tương đối mềm dẻo của bà trong vụ khủng hoảng di dân, một khủng hoảng đã leo thang tới mức nguy hiểm khi cả trăm ngàn người đã bị bắt tại biên giới trong tháng Ba vừa qua, trong khi mỗi ngày Sở Di Trú phải thả ra cả ngàn người để họ biến vào đất Mỹ, biệt vô tăm tích.
Bà Nielsen đã được thay thế tạm thời bằng ông Kevin McAleenan, giám đốc Sở Biên Phòng US Customs and Border Protection Agency.
Chưa biết ai sẽ được bổ nhiệm làm tân bộ trưởng, tuy có tin cựu thống đốc Texas và đương kim bộ trưởng Năng Lượng Rick Perry có thể sẽ được chọn.
Cái mỉa mai lớn của TTDC là họ không ngại sỉ vả nặng nề nhất tất cả những người đang hợp tác với TT Trump, nhưng mỗi khi có người nào từ chức hay bị cách chức là bất thình lình người đó trở thành người tốt và giỏi, được những người cuồng chống Trump ôm chầm lấy ngay. Như bà Nielsen sau khi bị chửi thậm tệ cả năm nay, bây giờ được tôn vinh là người nhân hậu, không đủ sắt máu để thi hành ‘chính sách di dân dã man’ của TT Trump nên bị đuổi. Chính trị Mỹ ngày càng giống như tuồng hát bội.
Một tin liên hệ: TT Trump đã cách chức ông Randolph Alles, giám đốc Mật Vụ, Secret Service, là cơ quan có trách nhiệm bảo vệ tổng thống và các yếu nhân. Việc cách chức này không có liên hệ gì đến vụ một bà ‘du khách’ Tàu bị bắt trong tư dinh của TT Trump tại Miami Beach, tiểu bang Florida, với computer và đồ nghề để chui lén vào hệ thống computer trong dinh.
Về vụ bà ‘du khách Tàu’ bị bắt, bà này có vẻ không liên hệ gì đến tình báo Trung Cộng, càng không phải là người của chính TT Trump cài vào để lấy cớ giải nhiệm ông giám đốc Mật Vụ, mà chỉ là loại cuồng chống Trump tài tử, làm chuyện ngu xuẩn vớ vẩn.
Sở Mật Vụ dưới thời TT Obama đã nổi tiếng qua nhiều xì-căng-đan.
Năm 2012, 9 nhân viên tháp tùng TT Obama trong chuyến công du Colombia đã bị tống về nước và sa thải vì tổ chức ‘vui vẻ tập thể’ với các chị em ta tại Colombia. Năm 2014, 3 nhân viên tháp tùng TT Obama đi Hoà Lan cũng bị đuổi vì say xỉn. Năm 2015, một anh bị bắt vì gửi hình của mình trần truồng cho trẻ con.
Từ đó, đã có nhiều thay đổi nhân sự, kể cả giám đốc, để chỉnh đốn lại hàng ngũ, nhưng hình như vẫn chưa xong.
DI DÂN: TT TRUMP CHƠI ĐÒN ĐỘC
Báo Washington Post loan tin và TT Trump xác nhận đang điều nghiên kế hoạch thả đám di dân lậu vào những tỉnh hay tiểu bang có luật An Toàn Sanctuary Law, cho họ lãnh đủ hậu quả, từ vấn đề an ninh cho dân địa phương đến việc lo định cư, công ăn việc làm, các chi tiêu trợ cấp xã hội. Trong khu vực của bà Pelosi chẳng hạn. Phản ứng của phe cấp tiến: lồng lộn, cực lực đả kích! CNN la thất thanh “Trump không thể chơi bẩn hơn”.
Thật là lạ! Tại sao lại là chơi bẩn? Tặng đám di dân này cho những người hoan nghênh di dân lại là chơi bẩn sao? Chẳng lẽ phe cấp tiến ta hiểu rất rõ tai hại của đám di dân tràn vào, nên hô hào nhận họ vào nhưng phải vào những chỗ khác, không phải vào địa phương của họ sao? Có cụ tỵ nạn nào tình nguyện giải thích cái mâu thuẫn này dùm được không?
Phải nhìn nhận TT Trump không phải tay vừa chút nào.
Điều trần trước Thượng Viện, chỉ huy trưởng lực lượng biên phòng vùng Rio Grande, là con sông chia cắt hai nước tại Texas, ông Rodolfo Karisch cho biết chưa bao giờ có tình trạng khủng hoảng lớn như bây giờ.
Ông Karisch cũng cho biết đám di dân đang tràn vào phần lớn là dân Trung Mỹ nhưng cũng có dân của 50 nước khác nhau, từ Tàu đến Bangladesh, Ai Cập, Đông Âu, Trung Đông,... Chưa bao giờ dân thế giới lại mê cái xứ Mỹ như bây giờ, cho dù một ông tổng thống ‘thượng tôn da trắng’ đang trị vì. Tất cả đều muốn lợi dụng kẽ hở Mễ để chui vào Mỹ. Không thể giải quyết hồ sơ của họ kịp thời, họ sẽ phải được thả ra tại các tỉnh và tiểu bang có luật sanctuary law.
Các cụ tỵ nạn Cali nào hoan nghênh di dân nên chuẩn bị đón rước họ vì Cali là tiểu bang ‘an toàn’cho họ nhất, sẽ được TT Trump gửi di dân đến nhiều nhất, các cụ hãy chuẩn bị chia bớt trợ cấp và Medicaid cho họ.
Ông Thomas Homan, cựu giám đốc ICE, là cơ quan kiểm soát di dân, đã cho biết ông quá chán nản với các chính khách đảng DC suốt ngày lải nhải về “chính sách cách ly gia đình và nhốt trẻ con trong cũi sắt của TT Trump”.
Ông Homan cho biết những chính sách này được khai sanh ra từ thời TT Clinton và tích cực thi hành dưới thời TT Obama mà các chính khách DC cũng như TTDC khi đó im re không thắc mắc gì hết.
Nhân đây ông cũng cho biết việc đóng cửa biên giới như TT Trump đe dọa có thể là việc phải làm tuy cần cân nhắc hậu quả.
Một ông tòa bắc Cali (dĩ nhiên) Richard Seeborg, bổ nhiệm bởi TT Obama (cũng dĩ nhiên không kém) đã bác quyết định của chính quyền Trump bắt đám di dân đang xin giấy cư trú Mỹ phải nằm chờ bên đất Mễ, cho dù Mỹ đã điều đình và Mễ đã chấp nhận. Ông tòa này phán đây là vi phạm luật Mỹ, và chính quyền Trump phải mở cửa biên giới cho tất cả vào Mỹ chờ phán quyết của tòa.
Đám người này không thể bị tạm giữ quá lâu trong khi thủ tục của tòa Di Trú phải mất cả mấy năm, nghiã là đám người này sau một thời gian ngắn sẽ phải được thả ra đất Mỹ hết.
Huỵch tẹt mà nói, đây là quyết định mở toang biên giới không hơn không kém. Chỉ khiến kẻ này gãi đầu đến tróc da cũng không thể hiểu nổi. Không hiểu ông tòa này có ý thức được rõ ràng hậu quả của quyết định của ông không? Hay hiểu rất rõ nhưng chủ ý muốn mở toang cửa biên giới thật.
Ông tòa này cũng là ông tòa đã phán chính quyền Trump không được nêu câu hỏi ‘công dân Mỹ hay không’ khi làm thống kê dân số. Có nghiã là tất cả di dân lậu cũng phải được kể vào thống kê, giúp cho Cali với cả chục triệu di dân lậu, có thêm vài ghế dân biểu trong quốc hội liên bang, cũng như giúp Cali được thêm ít tiền trợ cấp của liên bang.
Trong câu chuyện di dân, nhà báo Michael Knowles của Fox News đã trích dẫn một loạt những tuyên bố sặc mùi kỳ thị chống di dân của một tổng thống Mỹ, xin trích lại vài câu để quý độc giả thưởng lãm:
- Chúng ta có nên bắt di dân phải học ngôn ngữ của xứ họ dọn tới không? Dĩ nhiên là có. Chuyện này chẳng có gì là kỳ thị chủng tộc hết. Chúng ta cần có một ngôn ngữ chung để có thể làm việc và hiểu nhau.
- Giảm sợ hãi của khối dân địa phương đòi hỏi di dân phải chấp nhận hội nhập vào môi trường họ mới dọn đến.
- Bất thình lình, dân địa phương bị bắt buộc phải tin tưởng những người xa lạ mới đến là chuyện phi lý.
- Một cách giản dị nhất, chúng ta không thể để người nước ngoài tràn vào Mỹ, không có giấy tờ, không ai biết, không kiểm soát. Đây chẳng những là mối đe dọa cho an ninh quốc gia, mà còn là chuyện không công bằng với những di dân kiên nhẫn chờ đến phiên mình được trở thành công dân một cách có trật tự theo đúng luật.
Trước khi các cụ tỵ nạn bị Dị Ứng Trump nhẩy dựng lên sỉ vả ông tổng thống kỳ thị di dân này, xin báo cho quý vị biết, tác giả những câu này không phải là tay kỳ thị Trump đâu, mà chính là Đấng Tiên Tri Obama đấy. Tuyên bố trước 2016, trước khi bà Hillary thảm bại vì bị dân da trắng bỏ rơi, trước khi đảng DC cần cử tri gốc Nam Mỹ để tồn tại như hiện nay. Vật đổi sao dời, chính khách phải uốn lưỡi theo thời thế, nên thông cởm.
KINH TẾ MỸ TIẾP TỤC BAY BỔNG
Thống kê chính thức mới nhất cho biết trong tuần lễ đầu của tháng Tư này, con số người khai thất nghiệp đã tuột xuống mức thấp nhất từ năm 1969, nửa thế kỷ trước đây.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục leo thang, hiện nay đã leo lên trên mức 26.400 điểm. So với mức 18.000 ngày bầu cử tổng thống, đã tăng 8.400 điểm hay gần 47%.
Tỷ lệ hậu thuẫn của TT Trump theo cơ quan thăm dò Gallup (không có cảm tình gì với TT Trump) đã nhẩy vọt 6 điểm, từ 39% lên tới 45%, trong khi cơ quan Rasmussen cho biết hậu thuẫn tăng từ 45% lên 8 điểm, tới 53%. Ngày này năm xưa, hậu thuẫn của TT Obama là 42% tới 44%.
Với số người thất nghiệp ngày càng giảm, chính quyền Trump đã dự trù ngân sách với sự tiết giảm mạnh của ngân sách các loại trợ cấp an sinh cũng như Medicaid, là chương trình bảo hiểm y tế cho dân nghèo. Một khi họ có việc làm, họ có thể ra khỏi chương trình Medicaid nhờ có bảo hiểm của công ty hay có tiền mua Obamacare, không cần Medicaid nữa, do đó ngân sách Medicaid có thể cắt giảm nhiều.
Chuyện hiển nhiên. Dù vậy, vẫn không cản được những tổ chức cấp tiến mỵ dân la làng, báo động TT Trump sẽ cắt trợ cấp của dân nghèo. Một tổ chức của dân tỵ nạn Việt cũng mua quảng cáo trên báo Việt ngữ, hô hoán om sòm về chuyện này. Một là họ không hiểu gì về ngân sách, hai là hiểu rất rõ nhưng muốn khai thác sự thiếu hiểu biết của dân tỵ nạn để hù dọa, kích động thiên hạ chống TT Trump.
NGHIỆP ĐOÀN GIÁO CHỨC VÀ VẤN ĐỀ TÌNH DỤC
Quốc hội tiểu bang Rhode Island đưa ra dự luật trừng phạt nặng các giáo chức xâm phạm tình dục, dụ dỗ hay hãm hiếp các học sinh dưới 16 tuổi.
Phản ứng của nghiệp đoàn giáo chức? Cực lực lên án dự luật này vì họ cho là “các giáo chức bị kỳ thị” vì có luật đặc biệt chống giáo chức mà lại không có luật chống các đại gia, chủ các công ty.
Đây là lý luận kiểu cãi chầy cãi cối tiêu biểu cho phe cấp tiến. Không ai không biết vai trò hết sức quan trọng của giáo chức, có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em, chẳng thể nào so sánh với một ông chủ công ty kinh doanh chỉ thuê nhân viên, trả lương để làm công.
Câu chuyện này cũng cho thấy rõ quan điểm của các nghiệp đoàn cấp tiến trong một vấn đề hết sức nhạy cảm và có hậu quả cực lớn là bảo vệ trẻ con chống xâm phạm tình dục. Các nghiệp đoàn giáo chức lo bảo vệ các thầy cô vô đạo chứ không quan tâm gì đến đám trẻ con nạn nhân. Những người đả kích TT Trump thiếu đạo đức nghĩ sao?
CALI KIẾM TIỀN
Chính quyền tiểu bang Cali đang loay hoay tìm cách thu thêm thuế, khoảng trên 6 tỷ đô một năm. Theo kế hoạch đang nghiên cứu, Cali sẽ đánh thuế mạnh trên nước ngọt, khoảng 24 cents một loong coca chẳng hạn. Nhiều sản phẩm khác cũng đang được nghiên cứu, chẳng hạn như nước tiêu thụ trong nhà (nước tưới cỏ cũng như nước ăn uống, tắm gội), dầu xăng (cho dù giá xăng ở Cali hiện nay đã đắt nhất nước!), bánh xe hơi, cả thuốc đau bụng, nhức đầu không cần toa bác sĩ (over-the counter),...
Con đường rồng rắn gọi là “Crookedest Street” ở San Francisco sẽ đặt máy thu tiền toll của du khách nơi đầu đường.
Cali, tiểu bang sưu cao thuế nặng nhất nước, vẫn loay hoay tìm cách moi tiền của dân để chi trả cho những chương trình trợ cấp cho dân da màu và di dân lậu, với chủ đích kiếm phiếu của họ để tiếp tục thống trị Cali.
Cali hiện nay đã có 3 thứ thuế tiểu bang được xếp hạng cao nhất trong 50tiểu bang: thuế lợi tức cá nhân, thuế xăng và thuế doanh thu –sales tax-.
Các cụ tỵ nạn tố cáo TT Trump tăng thuế quan 10% trên hàng hóa Trung Cộng là ‘hại dân nghèo Mỹ và dân tỵ nạn Việt’, nhưng chưa thấy lên tiếng khi các thuế mới này đánh lên đầu dân nghèo và dân tỵ nạn Việt, phần lớn sống tại Cali.
DÂN BIỂU HỒI GIÁO PHỦ NHẬN 9/11
Bà tân dân biểu Hồi giáo ILHAN OMAR đã tạo sôi nổi trong dư luận Mỹ khi bà tỏ ý coi thường vụ tấn công 9/11 và chỉ trích chính quyền đã lợi dụng việc đó để tước bỏ quyền tự do của công dân Mỹ. Bà tuyên bố đó chỉ là chuyện “vài người làm gì đó rồi tất cả chúng ta bắt đầu mất tự do” (nguyên văn: “some people did some thing, and all of us were starting to lose access to our civil liberties”). Báo New York Post đã phản ứng, đăng ngay hình cao ốc World Trade Center ngày 9/11 với lời tuyên bố của bà Omar.
Câu nói đã gây phản ứng bất bình từ nhiều người, kể cả một dân biểu CH, Dan Crenshaw đã chỉ trích bà đồng nghiệp Omar. Ngay sau đó, cô dân biểu Ocasio-Cortez đã bênh vực bà Omar, hỏi ông Crenshaw “Trong năm 2018, tụi khủng bố cực hữu đã đứng sau lưng tất cả các vụ tấn công khủng bố trên cả nước, sao ông không làm gì đi?”
Cả Hạ Viện lại xôn xao. Thứ nhất chẳng ai hiểu năm 2018, ‘khủng bố cực hữu’ đã tấn công Mỹ ở đâu. Thứ nhì, ông Crenshaw là một thương phế binh, một cựu quân nhân lực lượng SEAL, bị bắn mù một mắt tại Afghanistan, một cô Ocasio-Cortez khi đó đang bán bar, mà hỏi một thương phế binh “sao không làm gì”, nghe hơi... chói tai. Thử tưởng tượng một anh chị CH mà dám chất vấn một thương phế binh DC xem TTDC sẽ phản ứng như thế nào.
ASSANGE BỊ BẮT
Anh Julian Assange, người khai sáng ra Wikileaks, chuyên xì tin mật của chính quyền Mỹ ra cho báo chí, đã bị chính quyền Ecuador trục xuất ra khỏi tòa đại sứ Ecuador ở Anh Quốc. Tòa đại sứ đã cho phép cảnh sát Anh vào tòa đại sứ, còng tay lôi anh Assange ra.
Anh Assange, quốc tịch Úc, năm 2010 đã hợp tác với anh lính Mỹ Bradley Manning, ăn cắp và phổ biến cả chục ngàn emails của quân lực Mỹ về chiến sự tại Afghanistan. Anh lính Chelsea bị bắt và truy tố trước tòa án quân sự Mỹ, lãnh án tù. Anh này khi ở trong tù đã... chuyển giới, đổi thành chị Chelsea Manning.
Năm 2012, anh Assange trốn vào tòa đại sứ Ecuador và xin tỵ nạn, được chính quyền thiên tả Ecuador chấp nhận, nhưng bị cảnh sát Anh bao vây tòa đại sứ đợi bắt. Anh ta sống trong tòa đại sứ trong gần 7 năm trời.
Năm 2016, từ tòa đại sứ Ecuador, anh chỉ dẫn cho đàn em thu thập và công bố cả chục ngàn emails của Ủy Ban Quốc Gia của đảng Dân Chủ cũng như emails của ông John Podesta, giám đốc vận động tranh cử của bà Hillary, gây bối rối lớn cho bà Hillary. Đảng DC và TTDC hô hoán trong chuyện này, nhóm Wikileaks của anh Assange đã thông đồng và phối hợp chặt chẽ với hai ông Trump và Putin để hại bà Hillary. Công tố Mueller dĩ nhiên đã điều tra kỹ và khám phá ra chỉ là chuyện vu khống của phe DC và TTDC.
Anh Assange cũng bị chính quyền Thụy Điển lùng bắt về tội hiếp dâm một phụ nữ. Chưa rõ cảnh sát Anh sẽ trục xuất anh Assange qua Mỹ hay qua Thụy Điển.
Thái độ của TTDC đối với anh Assange rất ý nghiã. Hầu hết lớn tiếng lên án anh rất nặng vì đã xì tin đe dọa an ninh quốc gia. Bà Hillary tuyên bố Assange cần phải bị trừng phạt. Không ai quên trước đây, khi anh Daniel Ellsberg xì tài liệu tối mật Pentagon Papers, cực tai hại cho Mỹ trong cuộc chiến chống VC, thì TTDC nhất loạt ca tụng Ellsberg như anh hùng cứu tinh dân tộc.
Đảng Dân Chủ Mỹ lý luận không khác gì VC: cái gì hợp ý đảng thì đó là “yêu nước”, cái gì không hợp ý đảng thì là “phản động”.
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment