Cột Cờ Đầu Tiên Trên Đất Mỹ
Tác giả: Philato
Sau 30/4/75, Quốc Kỳ VNCH tại tòa lãnh sự ở San Francisco là lá cờ sau cùng bị kéo xuống. Mười năm sau, một ngày tháng Ba 1985, cũng chính lá cờ ấy được kéo lên tại cột cờ đầu tiên của người Việt tại Little Saigon. Từ đây, quốc kỳ chính thức tung bay trên đất Mỹ suốt 30 năm qua.
Thêm một tháng Tư đang trở lại, mời cùng đọc câu chuyện về Lá Cờ Cuối Cùng và Đầu Tiên... Tác giả Philato, giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
* * *
Cột cờ đầu tiên tại Little Saigon.
Sau khi tham dự lễ chào Quốc Kỳ VNCH tại tượng đài Việt-Mỹ, Westminster CA, chúng tôi đến thăm Mũ Xanh Lý Khải Bình, con chim đầu đàn đã thành lập và hướng dẫn các cháu thế hệ thứ hai TQLCVN với cái tên Young Marines (YM).
Khải Bình mới giải phẫu nên trông rất mệt mỏi. Chàng nằm dài trên salon, hai tay ôm chặt cái gối hình trái tim màu vàng có 3 sọc đỏ, đè lên ngực để giảm cơn đau xuống. Khách và chủ chỉ xiết tay nhau, truyền hơi ấm mà không nói lên lời, hồi lâu mới nghe khách hỏi:
- Khá không, ăn được chưa?
- Còn đau lắm, uống tí sữa “en-sua” mà nó muốn dội ra, anh đi..., anh đi...
- Anh đi chào cờ đầu tháng ở tượng đài rồi đến thăm chú, thấy chú đau mà còn ôm “quốc kỳ” thì thế nào cũng chiến thắng bệnh tật. Ai tặng chú cái gối nhung đẹp thế?
- Người tình của em đó.
- Thông thường vào ngày cưới, cô dâu chú rể được tặng cho cặp gối thêu hình đôi chim bồ câu mớm mồi với ý nghĩa yêu thương và hòa bình, còn cái gối nhung hình trái tim mang biểu tượng cờ vàng 3 sọc đỏ do người tình tặng chắc có ý nghĩa đặc biệt?
Nghe nhắc tới cờ vàng và người tình, mắt Bình sáng lên như thêm sức sống, chàng chống tay xuống nệm, nhúc nhích cái mông lui về phía sau cho lưng dựa vào thành salon, nửa ngồi nửa nằm cho dễ nói chuyện, như quên cái đau, Bình mỉm cười:
- Tuổi thọ cái gối này đã hơn 30 năm rồi đó, ngày đầu tiên thượng kỳ VNCH trên phố Bolsa, người tình tặng em, em giữ kỹ để làm kỷ niệm nên gối như còn mới, và người tình xưa, nay là mẹ của con gái em, cháu YM Minh Thư, vẫn trẻ đẹp như ngày nào.
Cùng cười nhưng người mới giải phẫu phải nghỉ để lấy hơi. Sau giây lát tần ngần, Khải Bình hỏi:
- Anh có biết lá Quốc Kỳ VNCH sau cùng bị hạ xuống và lần đầu tiên được kéo lên trên đất Mỹ sau 30/4/1975 là ở đâu và vào thời gian nào không?
- Anh có nghe sau 30/4/75, Quốc Kỳ VNCH tại tòa lãnh sự ở San Francisco là lá cờ sau cùng bị kéo xuống, còn lá cờ đầu tiên được kéo lên khi nào và ở đâu thì chịu.
- Cờ sau cùng cũng chính là cờ đầu tiên đó, để em kể đầu đuôi cho anh nghe...
Bình chưa nói hết câu thì lấy tay chặn ngực, không hiểu do xúc động hay tại nói nhiều làm Bình đau, có thể cả hai. Mặc dầu chuyện Bình sắp kể khá hấp dẫn nhưng để tránh “quá khứ làm đau hiện tại” nên tôi kiếm cớ “bận”, phải đi, sẽ trở lại sau. Bình bảo:
- Em muốn ôm cái gối này mãi (Quốc Kỳ) chứ chưa muốn “phủ cờ”, chuyện thượng kỳ đầu tiên trên phố Bolsa, Little Saigòn, thủ đô tỵ nạn CS, em chưa kể ai nghe, nếu anh không thích nghe thì em... “mang theo”.
Là đồng đội, đã từng dựa lưng vào mà nhau chống tử thần để bảo vệ lá cờ, nay thấy chú em ôm lá cờ, giọng tha thiết muốn kể lại câu chuyện lá cờ đầu tiên được kéo lên trên đất Mỹ thay cho lá cờ bị kéo xuống trong ngày Quốc Nạn 30/4 thì dẫu trái tim có bằng đá cũng phải chẩy nước.
Cũng có thể được kể lại kỷ niệm oai hùng sống động của tuổi trẻ, kỷ niệm đơn vị cũ chiến trường xưa cho người khác nghe là một liều thuốc tiên khiến trăm bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ nên tôi hẹn với Lý Khải Bình:
- Mai anh trở lại, ăn được “phở” không, phở có bánh, có thịt, có nước lèo?
- Yes Sir, “mai ăn phở khỏi trả tiền”, vừa ăn vừa kể chuyện thượng kỳ VNCH.
*
Vào khoảng năm 1983-85, Việt Cộng và tay sai cấu kết với băng đảng tội phạm trà trộn hoạt động ngầm phá hoại Cộng Đồng Tỵ Nạn Việt Nam tại Bolsa, California, chuyện nổ súng, thanh toán nhau trong các nhà hàng, vũ trường rất thường xẩy ra.
Theo điều tra của chính quyền địa phương thì mức độ tội phạm ngày càng gia tăng khiến người dân lo sợ, người Mỹ thuộc “dòng chính”, coi thường nếu không muốn nói là kỳ thị dân tỵ nạn, càng ngày họ càng muốn xa lánh Bolsa!
Nhận thấy đây là một âm mưu thâm độc, bọn tay sai VC muốn biến cộng đồng tỵ nạn CS thành một nhóm tha phương cầu thực, mất hết ý nghĩa của hai chữ “tỵ nạn” nên phong trào chống Cộng bùng lên, sinh hoạt chính trị được phát động mạnh mẽ khắp nơi, trong đó việc quan trọng nhất là xác định:
- Không vượt biển, vượt biên nữa, đây là đất của ta, Bolsa là nhà của ta, Quốc Kỳ VNCH phải được tung bay trên bầu trời này, “tụi bay” đi chỗ khác.
Do đó Ủy Ban Xây Dựng Kỳ Đài (UBXDKĐ) cùng Ban Cố Vấn đã hình thành để vận động với chính quyền địa phương về mặt pháp lý, cũng như địa điểm và tài chính để xây dựng Kỳ Đài VNCH đầu tiên sau 10 năm bị bức tử.
Địa điểm thì UBXDKĐ thấy lý tưởng và ưu tiên một là trên trục chính đường Bolsa, thành phố Westminster, vì đây là khu trung tâm của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản.
UBXDKĐ gồm có năm cựu quân nhân QLVNCH và một sinh viên là:
1/ Nghi Thụy (đài Truyền Hình Việt Nam).
2/ Lữ Mộc Sinh (cựu Lực Lượng Đặc Biệt).
3/ Việt Trí Cường, tự Cường Cụt (cựu Lôi Hổ, cụt hai chân).
4/ Cao Xuân Huy (cựu Thủy Quân Lục Chiến).
5/ Lý Khải Bình (cựu Thủy Quân Lục Chiến).
6/ Nguyễn Hùng (sinh viên thuộc Hội Hồng Thập Tự VNCH).
Ban cố vấn gồm có ba người là:
1/ Ông Trần Duy Hòe (cựu Thiếu Tá Lực Lượng Đặc Biệt).
2/ Ông Tony Lâm Quang (Văn phòng Dịch Vụ Pháp Luật).
3/ Ông Tony Diamond (Cựu Trung Tá-Hội Brotherhood of Veterans).
Địa điểm dựng cột cờ là vấn đề quan trọng, phải ở trung tâm, trên con đường chính Bolsa, nơi ai đến “thủ đô” tỵ nạn đều trông thấy, đều phải đi dưới Quốc Kỳ VNCH, nhưng vào thời điểm 1984-85 dân ty nạn chân ướt chân ráo thì làm sao có đất, nhất là đất vàng vùng Little Saigòn. Đất vùng này đa số là của công ty Bridgecreek Development Group Inc. do ông Triệu Phát là giám đốc và Dược Sĩ Quách Nhứt Danh là cổ đông viên, cả hai đều là những nhà kinh doanh. Ông Triệu Phát dĩ nhiên là triệu phú rồi, không gốc “lính” nên hơi khó vận động... Nhưng là chỗ quen biết với ông Tony Lâm Quang và Thị Trưởng Thành Phố Westminster là bà Cathy Buchoz, và may mắn hơn nữa là Dược Sĩ Quách Nhứt Danh là “Hội Viên Danh Dự” của Hội TQLC Nam Cali, cũng là bạn của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế cựu Y Sĩ trưởng TQLC và có họ hàng và ân tình với MX/Lý Khải Bình.
Vậy là mọi người nhảy vào vận động và cuối cùng thì công ty Bridgecreek Development Group đã tặng cho UBXDKĐ một vị trí “đắc địa”, ngay trên đường Bolsa, khu vực phở Nguyễn Huệ và nhà hàng Đồng Khánh* ( tên cũ, nay là Hương Đồng Cỏ Nội).
Có đất là có tất cả nên mọi hoạt động được tiến hành mau chóng để được phất cao ngọn cờ chính nghĩa với tinh thần quân dân cùng làm, quả quyết, tự tin. Nhưng cũng chẳng dễ dàng gì mà đôi khi phải đối phó với hiện tượng mới: “chống đối”.
Khi tin tức dựng cột cờ được công khai phổ biến thì có truyền đơn rơi, thư hăm dọa nhắm vào nhóm anh em quân nhân khởi xướng tức UBXDKĐ khiến anh em phải lưu tâm đề phòng, nhưng vẫn tiến hành công việc sao cho nhanh.
Sau một thời gian ngắn vận động, quyên góp tài chành được gần $40,000, một Kỳ Đài cao 40 bộ do một công ty Hoa Kỳ địa phương xây dựng theo đúng luật lệ hiện hành và đã sẵn sàng cho ngày thượng kỳ Việt Mỹ.
Lẽ ra là phải có hai cột, nhưng vì địa thế hạn chế nên chỉ dựng được một cột mà thôi. Những ngày đầu, Quốc Kỳ Hoa Kỳ và VNCH được thượng lên bằng hai dây nhưng cùng một trụ, nhưng hai lá cờ luôn bị quấn lấy nhau, không bay được nên UBXDKĐ đã phải gắn thêm một thanh ngang (giống như Kỳ Đài của BTL/Hải Quân ở Bến Bạch Đằng trước 1975), mang hai ròng-rọc ở hai đầu để có thể kéo được hai lá cờ trên cùng một trụ. (Hiện nay Kỳ Đài có hai trụ là do một số anh em khác thay thế sau năm 2010).
Trước ngày thượng kỳ, để bảo đảm an ninh cho cột cờ không bị phá hoại như tin tụi “Cộng kiều” hăm dọa là sẽ ủi sập nên ba chàng “Ngự Lâm” Cao Xuân Huy, Lý Khải Bình và Lữ Mộc Sinh mang túi ngủ ra nằm ôm chân cột cờ. Bình bảo:
- Nằm đây, nó ủi cột cờ thì cho nó ủi luôn, chết theo cờ.
Cao Xuân Huy sẵn bầu máu nóng của “Tháng Ba Gẫy Súng” nên nổi cáu:
- Bộ dễ vậy sao? Theo lệnh Tổng Thống Thiệu, nó dùng AK thì ta dùng đại liên.
Lữ Mộc Sinh cương quyết thề là:
- Tôi mà không kéo được Quốc Kỳ lên thì tôi chặt bàn tay tôi để kéo lên.
Ngoài “Ba Chàng Ngự Lâm” Huy, Bình, Sinh ôm chân cột cờ thì vòng đai ngoài, nhiều anh em cựu quân nhân khác ngồi im lặng canh chừng xem có bóng dáng những bóng ma quấy rối.
Ngày thượng kỳ đầu tiên trên đất Mỹ rất quan trọng, chứng tỏ “chúng ta hãy còn đây” sau 10 năm bị bức tử, nên ban tổ chức mời Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ và các vị dân cử Westminster City. Về phía VN thì có các hội đoàn, các tổ chức chính trị cùng toàn thể đồng hương thuộc Cộng Đồng Tỵ Nạn CS từ Orange County, Los Angeles, San Jose, San Diego cùng đến tham dự. Đáng chú ý và đông nhất vẫn là các anh em cựu quân nhân, trong số này có hai niên trưởng là Tướng Nguyễn Ngọc Oánh và Tướng Nguyễn Bảo Trị.
Sáng ngày thượng kỳ đầu tiên, đồng bào đến tham dự khá đông nên một số người đã phải đứng ở lan can các văn phòng trên lầu để nhìn xuống. Nếu ai tinh ý thì thấy trong đám đông ấy có một nhân vật liên quan tới vận mệnh VNCH mà không thể không nhắc đến tên ông, đó là Phó TT Nguyễn Cao Kỳ.
Khi được báo có cựu PTT Nguyễn Cao Kỳ đang ở trên lầu khu văn phòng cựu Luật Sư Trần Sơn Hà, dù ông PTT vô tình hay cố ý đến thì TQLC Lý Khải Bình, là người trong ban tổ chức đến chào PTT và thông báo cho ông biết chương trình và giờ khai mạc.
Một điều đáng chú ý nữa là Thị Trưởng Westminster, Bà Cathy Buchoz, đã đến tham dự ngày khai mạc này trước khi cấp giấy phép chinh thức. Một nghị quyết của chính quyền thành phố Westminster được ban hành, chấp nhận trên pháp lý về sự hiện hữu hợp lý của cây cột cờ. Đó là công lao của cựu Thiếu Tá Lực Lượng Đặc Biệt Trần Duy Hòe, Tony Lâm Quang và một số chiến hữu khác từng sát cánh với ông.
Lễ Thượng Kỳ Bắt Đầu.
TQLC Nguyễn Hồ, cụt một chân, đẩy xe lăn cho Lôi Hổ Việt Trí Cường, tự Cường Cụt, hai tay Lôi Hổ Trí Cường nghiêm trang nâng hai lá Quốc Kỳ VNCH và Hoa Kỳ tiến ra kỳ đài, theo sau Hồ và Cường là hai quân nhân người Mỹ.
Một hình ảnh đặc biệt in đậm vào lòng người tham dự là hai anh Cường và Hổ kéo Quốc Kỳ Hoa Kỳ và hai quân nhân Mỹ kéo Quốc Kỳ VNCH lên theo tiếng nhạc do ban Quân Nhạc trổi lên xen lẫn tiếng Quốc Ca của tất cả mọi người.
Theo quy định thì Quốc Kỳ Mỹ, nước chủ nhà phải treo cao hơn Quốc Kỳ Việt Nam, nhưng sau khi hai lá cờ đã được kéo lên theo đúng quy định thì Trung Tá Tony Diamond trong phái đoàn Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ đã tiến đến cột cờ và kéo cờ Việt Nam lên ngang hàng với cờ Mỹ. Hành động hiếu khách của một sĩ quan cao cấp HK đã khiến một số người Mỹ phản chiến phản đối, nhưng ông Tony Diamond đã giải thích:
- “Hôm nay là ngày có ý nghĩa...”.
Đối với người viết thì cái ý nghĩa nhất trong ngày thượng kỳ này là lá Quốc Kỳ VNCH được kéo lên tung bay trên nền trời Thủ Đô của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản lại chính là lá Quốc Kỳ VNCH sau cùng bị hạ xuống trên Đất Mỹ.
Lá cờ này của Tòa Lãnh Sự VNCH ở San Francisco, do anh Hà Học Lễ, nhân viên toà lãnh sự VNCH kéo xuống trong ngày 30/4/1975 và anh đã cất giữ trong 10 năm trời.
Anh Hà Học Lễ đã liên lạc với UBXDKĐ và trong một buổi lễ đơn giản và cảm động, anh đã trao tặng Lá Cờ Thiêng lại cho UBXDKĐ. Lá cờ của Hồn Thiêng Sông Núi Việt Nam đã bị hạ xuống, nay được vươn lên, sống lại, tung bay trên bầu trời của dân tỵ nạn CS thật là có ý nghĩa. Sau ba ngày, Cờ Thiêng đã được hạ xuống và trao lại cho ông cố vấn Trần Duy Hòe cất giữ.
Một cụ già được con đưa đến dự lễ, khi thấy cờ bay trong gió cùng tiếng ca: “Này công dân ơi...”, khiến cụ già bật khóc nức nở, người con trai cũng rưng rưng nước mắt theo nỗi niềm của người cha. Cao Xuân Huy trông thấy cũng lấy tay lau nước mắt, người ngừơi đứng dứơi chân kỳ đài cũng cùng ngước mặt lên trời, mắt ngắm Cờ Thiêng tung bay mà cũng là ngửa mặt để ngăn những dòng nước mắt tuôn rơi.
Trong bầu không khí trang nghiêm long trọng ấy, khi lá Quốc Kỳ VNCH tung bay trên nền trời Little Saigon, những ai là người chứng kiến phút giây lịch sử lần đầu tiên ấy thì không thể không rơi nước mắt, nhớ lại những ngày chào cờ dưới sân trường, trong đơn vị mà xót sa cho thân phận tỵ nạn, xót sa thấy Quốc Kỳ linh thiêng từng được giữ gìn bảo vệ bằng biết bao xương máu của những vị anh hùng vị quốc vong thân mà nay cũng phải đi tỵ nạn!
Vài hôm sau ngày thượng kỳ, dây cột cờ bằng nylon bị bọn tay sai, bọn Cộng kiều lợi dụng đêm tối đến cắt đứt! Cờ được thay dây mới, lại bị cắt đứt lần thứ hai chứng tỏ sự phá hoại hèn nhát của đám chuột ban đêm đi lục thùng rác nên anh em trong ban tổ chức thay bằng dây thép, xiết bù lon lại đồng thời giao cho những anh em trẻ gọi là “nhóm Bolsa” canh giữ.
Lữ Mộc Sinh giao phó:
- “Tụi anh đã dựng cột và treo cờ, nay trao cho các em bảo vệ cờ”.
Nhờ vậy mà Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa tung bay cho đến ngày nay cũng do “anh em Bolsa” ngày ấy canh giữ. Chúng ta không biết các anh em là ai, từ đâu đến và nay thì cờ vẫn tung bay còn các anh em thì ở đâu? Các anh em là những chiến sĩ vô danh, chúng tôi nhớ ơn các anh.
Cũng cần phải nhớ đến một TQLC khác là Huỳnh Minh Châu, người tình nguyện giữ gìn lá cờ, thay cờ sao cho luôn luôn được như mới, không để cờ bị bạc màu sờn góc, sau anh Châu là những anh em thuộc Hội Quân Cảnh Nam Cali và những người khác âm thầm hy sinh nối tiếp cho đến nay hai lá Quốc Kỳ vẫn tung bay ngạo nghễ nhưng những người bảo vệ cờ vẫn không muốn lộ diện, đó là những chiến sĩ vô danh, đồng hương biết ơn các anh.
Ngày 30/4/1985, sau hơn một tháng thượng kỳ, “Đêm Không Ngủ” được tổ chức dưới chân cột cờ thật cảm động, rồi tiếp theo những năm sau đó, cứ đến ngày 30/4, đồng hương lại quây quần bên nhau tổ chức đêm không ngủ quanh cột cờ. Người người cùng xiết tay nhau, cùng hát vang những bài ca đấu tranh rồi nhớ đến những người thân đang quằn quại dưới là cờ đỏ sao vàng và hàng ngàn hàng vạn người đang tìm đường vượt biển vượt biên, chết không mồ, sống vô tổ quốc trong các trại ty nạn.
Ngày nay, sau những năm tháng đấu tranh và chờ đợi thì Quốc Kỳ VNCH đã và đang tung bay khắp bầu trời Little Saigon, thủ đô ngừơi Việt tỵ nạn CS. Vào những ngày Quốc Hận 30/4, ngày Quân Lực 19/6, Tết Nguyên Đán, Quốc Kỳ Việt Mỹ lại được treo lên trên các cột điện dọc các đường phố chính trong vùng Little Saigon như Bolsa, Westmister, Magnolia, Brookhurst.
Xa hơn nữa, khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, nơi nào có người Việt tỵ nạn CS thì có tượng đài, có Quốc Kỳ tung bay, được chính quyền địa phương ban hành nghị quyết chính thức công nhận Quốc Kỳ VN là của người Việt tỵ nạn. Nơi nào có Quốc Kỳ VN tung bay bên cạnh là Quốc kỳ Hoa Kỳ là nơi đó có người Việt Tự Do, có người Mỹ gốc Việt không chấp nhận chế độ CS, những miếng vải đỏ có sao vàng không bao giờ có thể bén mảng đến những nơi đây, kể cả người CS.
Những người CS, nếu họ có đến nơi này thì chỉ là âm thầm cúi xuống đi dưới lá Quốc Kỳ VNCH, bất cứ một manh nha nào, dù ở một nơi kín... đáo cũng bị triệt hạ ngay. Cái gương hằng chục ngàn đồng bào liên tục 40 ngày đêm chống đối hình Hồ cờ đỏ trong một cửa tiệm trên phố Bolsa (vụ trần truồng) là một thí dụ điển hình.
Cột cờ đầu tiên, lá cờ đầu tiên kéo lên trên đường Bolsa, trong khu Nguyễn Huệ, ngày nay đã được thay bằng hai cột cờ, nhưng vết tích cũ, gốc cột cờ cũ vẫn là vị trí lịch sử, là di tích khởi đầu cho những là cờ VNCH sau này tung bay khắp nơi. Hai cột cờ mới cao hơn, to hơn đẹp hơn, nhưng di tích lịch sử nếu được duy trì vẫn quý hơn.
Đồng hương Little Saigon (17/6/1988 Westminster City công nhận), đồng hương các nơi về thăm Thủ Đô tỵ nạn, mỗi khi đi trên đường Bolsa, ngang qua khu Nguyễn Huệ, thấy Quốc Kỳ Việt Mỹ tung bay thì xin nhớ đến nơi đây chính là nơi đầu tiên Quốc Kỳ VNCH đã sống lại, xin chiêm ngưỡng Quốc Kỳ và nhớ đến những Chiến Sĩ Vô Danh.
Philato
No comments:
Post a Comment