Thursday, June 25, 2020

Những người Việt này kể chuyện lần đầu đi xem Trump vận động tranh cử

24/06/2020


Trong số những ủng hộ viên nhiệt thành nhất đến dự cuộc tập hợp của Tổng thống Trump ở Tulsa có bà Trần Ngọc Trâm (ảnh phải) và bà Phạm Thị Hạnh (ảnh trái, áo trắng).

Họ mong chờ nhìn thấy cảnh tượng này từ lâu. Một rừng sắc đỏ với vô số những biểu ngữ “Make America Great Again” dập dềnh theo những giai điệu của ca khúc “Billie Jean” trứ danh từ những năm 1980, thời mà nhiều người trong số họ tin là những ngày vàng son của một nước Mỹ vĩ đại và cường thịnh.

Đó là lần đầu tiên trong đời họ tham dự một cuộc tập hợp vận động chính trị. Sự phấn khích và tình bằng hữu lan tỏa giữa những con người đồng quan điểm và chí hướng. Nó như thể một trận đấu thể thao mà tất cả cổ động viên đều ủng hộ chỉ một đội duy nhất, và ai nấy đều tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng.

Ở đây, trong đấu trường thể thao BOK Center với sức chứa 19.000 người, người ta gác lại những lo ngại về dịch virus corona. Lác đác vài người đeo khẩu trang và gần như không có sự giãn cách xã hội nào được áp dụng. Rồi Tổng thống Donald Trump bước lên bục phát biểu.

Chúng ta là đảng của [Tổng thống] Abraham Lincoln và chúng ta là đảng của luật pháp và trật tự!” ông Trump cất tiếng sang sảng giữa những tiếng hò reo và vỗ tay vang dội của những người ủng hộ nồng nhiệt nhất, trong đó có ông Hồ Ngọc Sỹ.

Ông là một trong số nhỏ những người gốc Việt bỏ thời gian và công sức đến để dự cuộc tập hợp này vào thứ Bảy tuần trước. Đến giờ ông và vợ ông vẫn còn hào hứng về trải nghiệm hôm đó. Ước nguyện của họ được nhìn thấy tổng thổng tận mắt đã trở thành hiện thực.

Khi vừa hay tin ban vận động tranh cử Trump sẽ tổ chức một buổi tập hợp ở gần nơi ông sống, hai vợ chồng quyết định họ không thể bỏ lỡ sự kiện này và lên kế hoạch đến dự bằng được, ông nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ tiểu bang Oklahoma.

Hành trình của họ bắt đầu từ tối ngày thứ Sáu khi họ lái xe một tiếng rưỡi từ nhà ở thành phố McAlester đến thành phố Tulsa, nơi sự kiện được tổ chức. Họ ngủ lại một đêm ở nhà người thân trước khi khởi hành vào sáng sớm ngày thứ Bảy. Tại đấu trường BOK Center, họ chờ 11 tiếng đồng hồ trước khi vào được bên trong và ổn định chỗ ngồi trên khán đài.

Ông Hồ Ngọc Sĩ và vợ Trần Ngọc Trâm trong trang phục ủng hộ Tổng thống Donald Trump trước cuộc tập hợp, Tulsa, Oklahoma, ngày 20 tháng 6, 2020.

“Mình cảm thấy rất là hào hùng và phấn khởi với tinh thần đi ủng hộ cho ông Tổng thống,” ông Sỹ chia sẻ về trải nghiệm của ông lần đầu tiên tham dự một cuộc tập hợp chính trị. “Bài phát biểu của ông ấy mình thấy rất là ý nghĩa mặc dù mình nghe không hiểu rõ ràng rành mạch lắm, nhưng mình thấy rất là hùng hồn.”

“Bầu không khí ở đó rất là phấn khởi. Mọi người xung quanh phấn khởi không kém. Họ hò hét rất nhiều. Về tới nhà, ngày Chủ nhật hôm qua mình nói không ra tiếng luôn!”

Tổng thống Trump và ban vận động đã ky` vọng cuộc tập hợp ở Tulsa sẽ có tác dụng khởi động lại chiến dịch tái tranh cử của ông sau hơn ba tháng đình trệ vì dịch Covid-19. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh các cuộc khảo sát ý kiến cử tri trên toàn quốc cho thấy ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đang nới rộng cách biệt dẫn trước ông Trump trong khi ông Trump hứng chịu nhiều chỉ trích về cách thức ứng phó dịch bệnh cũng như các cuộc biểu tình bùng lên hồi gần đây liên quan đến căng thẳng sắc tộc.

Tuy nhiên, số người tham dự thấp hơn nhiều so với dự kiến phần nào phản ánh những lo ngại về nguy cơ virus corona lây lan ở những cuộc tụ tập đông người trong không gian kín với ít các biện pháp bảo vệ và giãn cách xã hội, cũng như khơi lên những câu hỏi về sức thu hút của ông ở tiểu bang mà cử tri từng bỏ phiếu chọn ông làm tổng thống với tỉ lệ áp đảo bốn năm trước.

Bà Trần Ngọc Trâm, vợ ông Sỹ, nói bà không quá ngạc nhiên về số lượng người tham dự không đông như dự kiến. Nhưng bà nói điều quan trọng là những người như bà đã đến để thể hiện sự ủng hộ của họ dành cho vị tổng thống mà họ yêu mến, đặc biệt là vào lúc ông cần sự ủng hộ của họ nhất.

“Tổng thống Trump quá khác những tổng thống khác. Ông cô đơn, ít người ủng hộ ngay cả trong Quốc hội và những người làm việc chung với ông nên mình thấy rất là tội cho ông,” bà nói.

Nhưng sự ủng hộ của bà không phải xuất phát từ sự thương hại mà từ chính phong cách của ông Trump, điều làm nên sự khác biệt giữa ông với những tổng thống tiền nhiệm. Bà cũng tán đồng những chính sách mà ông đã ban hành mà bà tin là đang giúp cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Bà nói cảm tưởng đọng lại trong bà sau buổi vận động là “rất, rất nhiều” nhưng trên hết là sự xúc động vì được tận mắt nhìn thấy tổng thống.

“Khi ong bước ra, mọi người ai cũng đứng lên hô hào, vỗ tay cũng phải mấy phút đồng hồ, rất là hào hứng. Thật sự mình rất cảm động khi nhìn thấy Tổng thống ở ngoài,” bà chia sẻ.

Tổng thống Donald Trump bước ra bục diễn thuyết trước sự cổ vũ của những người ủng hộ tại đấu trường thể thao BOK Center ở Tulsa, Oklahoma, ngày 20 tháng 6, 2020.

Đa số những người ủng hộ chọn không đeo khẩu trang. Các biện pháp giãn cách xã hội cũng không mang tính bắt buộc.

Bà Phạm Thị Hạnh tưởng đã không thể tham dự được cuộc tập hợp vì đến sát giờ khởi động chương trình. Nhưng do số người tham dự ít hơn dự kiến nên bà và nhóm bạn vẫn vào được bên trong, điều khiến bà hết sức bất ngờ.

Ba ngày sau khi trở về nhà ở Oklahoma City từ sự kiện này, bà vẫn không giấu được sự hào hứng khi kể về trải nghiệm của bà lần đầu tiên tham dự một cuộc tập hợp chính trị. Bà nói ấn tượng sâu sắc nhất của bà là hình ảnh một vị tổng thống với những phát biểu vừa dõng dạc vừa hài hước, lôi cuốn sự chú ý của tất cả mọi người.

“Rất là sôi nổi, rất là năng động, không ai ngồi hết,” bà Hạnh hồ hởi mô tả không khí bên trong đấu trường. “Khi mà ngài Tổng thống nói thì họ toàn đứng không. Mình cũng hò reo, “Four more years (bốn năm nữa)!’”

Thế nhưng sự ủng hộ nhiệt thành của bà dành cho tổng thống lại khiến bà lo sợ về tương lai chính trị của ông. Nếu ông thất cử thì “đất nước này sẽ rơi vào tay Trung Quốc,” bà nói. Chính vì vậy bà cho biết mỗi ngày bà đều cầu nguyện cho ông có đủ sức mạnh để đương đầu với hàng loạt những cuộc khủng hoảng đang bủa vây nhiệm quyền tổng thống của ông, từ virus corona cho tới nền kinh tế suy thoái rồi những cuộc biểu tình đòi công lí cho người da đen.

Điều mà bà Hạnh không lo sợ: đại dịch virus corona. Bà nói mức độ nghiêm trọng của nó đã bị thổi phồng lên vì mục đích chính trị.

Trong khi các ca nhiễm virus corona đang tăng mạnh ở một số bang, bao gồm cả Oklahoma, các chuyên gia y tế đã bày tỏ lo ngại về những cuộc tụ tập đông người mà có thể biến thành những sự kiện “siêu lây lan,” đe dọa các tiến bộ đã đạt được trong nỗ lực khống chế dịch bệnh.

Số người tử vong vì dịch bệnh này ở Mỹ đã vượt quá 120.000 người, theo con số thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Những người tham dự cuộc tập hợp cho biết mọi người đều được kiểm tra thân nhiệt trước khi được cho vào trong đấu trường. Khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn được cung cấp miễn phí nhưng người tham dự không bị bắt buộc đeo hay chấp hành biện pháp giãn cách xã hội.

Những người Việt trò chuyện với VOA cho biết họ không đeo khẩu trang, một quyết định mà họ nói phần nào bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh.

“Khi đi vào đó mình thấy mọi người không mang khẩu trang nên mình cũng chẳng lo lắng gì,” ông Sỹ nói.

No comments:

Blog Archive