CON LAI MỸ
Nguyễn Thị Thanh Dương
Truyện xóm tôi sau 1975.
Tôi nằm trằn trọc đang tìm vào giấc ngủ thì nghe tiếng chân chạy đuổi nhau rần rần bên ngoài cùng tiếng kêu gào:
- Mai…bớ Mai về má biểu..
- Con hỏng chịu đâu, con hỏng chịu đâu…
Thì ra tiếng mẹ con chị Mận. Thỉnh thoảng đêm khuya đứa con gái lai của chị lại bỏ trốn ra ngoài và chị chạy đuổi theo tìm nó về nhà.
Chẳng hiểu nhà xảy ra chuyện gì mà mẹ con chị Mận chạy đuổi nhau trong đêm khuya như thế này đã mấy lần rồi.
Nhà chị Mận ở cuối con hẻm nhà tôi.
Hôm sau thấy con Mai lang bang đi chơi trong xóm, ngang qua nhà tôi, tôi liền vẫy nó lại và tò mò:
- Mai, cháu có chuyện gi cãi má phải không?
Con bé dừng chân lại và kể:
- Má biểu em về ở với bà kia, lạ hoắc à…em hỏng chịu.
- Bà kia là ai?
- Em hỏng biết..
Mai chỉ nói thế rồi bỏ đi. Cả xóm này không ai lạ gì con “Mai mát”, nó là con lai Mỹ trắng, con ruột chị Mận. Mai không được bình thường, lúc nào cũng đầu bù tóc rối và quần áo lôi thôi bẩn thỉu nên hàng xóm gọi là “Mai mát”.
Chẳng có chuyện gì bí mật mãi được với lối xóm. Nghe đồn chị Mận muốn “bán” con Mai cho ai đó lấy 5 cây vàng, con nhỏ tuy dở dở ương ương mà cũng biết lạ người, nó sợ hãi, không muốn về với người kia nên luôn có ý định bỏ trốn mỗi khi nhà kia đến nói chuyện với chị Mận.
Chị Mận là chỗ thân tình với gia đình tôi, chị thường chạy qua nhà lúc năn nỉ vay mượn ít tiền, lúc “khẩn cấp” hết gạo hết mắm cũng qua nhà tôi mượn đỡ. Tôi hỏi, chị thành thật khai:
- Thì người ta kiếm tôi để mua con Mai giá 5 cây vàng mang nó đi Mỹ. Con thì thương nhưng nó ở với tôi nhà nghèo đói khổ cả đời. Mong rằng nó đi Mỹ được sướng thân và tôi cũng đỡ khổ..
- Sao gia đình chị không làm hồ sơ mang con Mai đi Mỹ, cả nhà cùng đổi đời?
Chị Mận phân bày:
- Chị à, có 5 cây vàng tôi vừa có tiền trả nợ vừa làm ăn buôn bán còn hi vọng kiếm sống, chứ đi Mỹ vốn liếng một cắc không có trong tay, tiền làm giấy tờ cũng không, nói đi Mỹ làm chi cho tủi thân. Vợ chồng con cái tôi tiếng Việt còn không bằng cấp nghề nghiệp gì, tiếng Mỹ không biết lấy một chữ, sang bển làm gì sống??
Tôi cố bày cho chị:
- Chị bán nhà lấy tiền trang trải nợ nần rồi đi xuất cảnh. Sang Mỹ làm cu li cũng có tiền mà chị.
Chị Mận dãy nảy:
- Trời đất ! bán nhà rủi không đi Mỹ được cả nhà tôi mấy mạng cù bơ cù bất ngoài đường hả…
Đang đói nghèo chị Mận thấy trước mắt 5 cây vàng quá to lớn hậu hĩ nên không màng gì tới chuyện đi Mỹ. Tội nghiệp con “Mai mát” nếu ra đi với người dưng nước lã. Hôm nay họ cần nó để đạt được mục đích, mai kia họ sẽ đối xử với nó ra sao ? Có trời mà biết??
Chị Mận nếu bán con còn được 5 cây vàng.
Chị Thu ở xóm trên có hai con lai mà…mất trắng, những ngày tháng tư 1975 chị đã mang hai đứa con lai cho cô nhi viện để đi theo chương trình BabyLift. Chị lo ngại bị Việt cộng trả thù tội lấy Mỹ, đẻ ra con lai Mỹ nên tống con đi và đốt hết hình ảnh giấy tờ cho thoát nợ. Hai đứa bé một lên 3, một mới đầy năm, còn mẹ, còn gia đình bà ngoại mà bỗng thành trẻ mồ côi, ra đi trong tình thương, lòng nhân đạo của chính phủ Mỹ.
Sau khi dứt được hai đứa con lai chị Thu lấy chồng đẻ ra hai thằng con Việt hoàn toàn cũng chẳng êm ấm gì, chồng chị bỏ đi, ba mẹ con phải nương náu ở chung với cha mẹ chị trong một căn nhà nhỏ. Cha mẹ chị phải đùm bọc thêm ba nhân khẩu thời buổi bao cấp đói khổ. Cảnh nhà xô bồ đụng chạm, cãi nhau, diễn ra như cơm bữa giữa mẹ con, bà cháu, cậu cháu…
Hàng ngày mẹ chị gánh nồi bánh canh, chị gánh nồi cháo huyết đi khắp xóm trên đến xóm dưới bán kiếm từng đồng. Giá mà chị còn giữ hai đứa con lai, chia ra hai nhà thì chẳng những mẹ con chị đi Mỹ mà gia đình cha mẹ chị cũng đi Mỹ luôn.
Thấy người ta đi Mỹ diện con lai chị Thu đau đớn tiếc thương…con.
Ông trời công bằng. Ai giỏi chịu đựng, ai cho tình yêu thương sẽ nhận được thành quả tốt đẹp.
Chị Phi thợ may quần áo trong xóm, có một đứa con gái lai Mỹ mà hai vợ chồng đều thương yêu và âu yếm gọi là “bé Phương”. Phương dịu dàng và ngoan ngoãn, đi học về là phụ mẹ trong tiệm may những gì nó có thể làm được. Hàng tuần Phương là người ngoan đạo, theo cha mẹ đi lễ nhà thờ.
Người đời hay thành kiến đám con lai là khó dạy, là hư hỏng. Đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi, không ai quan tâm thương yêu và giáo dục . Bé Phương may mắn không nằm trong thành phần ấy.
Chị Phi và đứa con lai ở đâu dọn về xóm này và mở tiệm may. Chồng chị đã qua một lần hôn nhân đổ vỡ trước kia. Hai mảnh đời dang dở kết hợp thành vợ thành chồng.
Anh không thể có con, thì yêu vợ anh cũng yêu thương cả đứa con lai của vợ . Con bé cũng yêu thương anh như cha ruột.
Gia đình hạnh phúc nhà chị Phi đã xuất cảnh diện con lai.
Cô Hương đi làm sở Mỹ nuôi cha mẹ và anh chị em cũng được nhờ. Cô lần lượt đẻ hai đứa con gái lai mang về cho bà chị cả nuôi. Hai đứa lai hai khuôn mặt khác nhau, chắc là…hai ông bố.
Chị Tuyết nuôi hai cháu mặc cho miệng đời hàng xóm dèm pha. Sau 1975 chị bán hàng bún bò kho trước cổng nhà máy. Từ sáng sớm hai đứa cháu lai cùng bác ra dọn hàng, bán hàng, bưng bê vất vả. Xong hàng bò kho buổi sáng, hai đứa phải trông hai tủ thuốc lá ngồi phơi mặt cả ngày ngoài đường, bán từng gói thuốc hay từng điếu thuốc lá lẻ cho đến chiều khi nhà máy tan ca thì chúng mới dọn hàng và thực sự nghỉ ngơi.
Ở với bà bác nghèo nhưng đàng hoàng tử tế hai đứa con lai thành hai đứa trẻ ngoan, chịu thương chịu khó như những đứa trẻ ngoan của bao gia đình khác.
Đại gia đình chị Tuyết đã đi Mỹ diện con lai thật xứng đáng.
Một gia đình con lai khác cũng ra đi trong hạnh phúc xum vầy.
Ông bà “Dầu Cù Là” trong xóm tôi lấy nhau bao năm vẫn không con, chẳng biết lỗi tại ai nhưng ông bà vẫn sống bên nhau và làm nghề buôn bán dầu cù là rất thành công giàu có. Trước 1975 họ có xe hơi riêng để đi bỏ mối hàng.
Ông bà xin hai đứa con lai Mỹ về nuôi được một vài năm thì biến cố 30 tháng tư 1975 . Người ta còn đem con ruột trả về Mỹ, ông bà thì vẫn cương quyết giữ lại hai đứa con nuôi mang giòng máu Mỹ.
Về sau có người tìm đến ông bà Dầu Cù Là xin “mua” một đứa con lai để đi Mỹ với giá rất cao nhưng ông bà đều từ chối dù lúc này công việc làm ăn của hai ông bà đã xuống dốc thất bại, chiếc xe hơi đã bán từ hồi nào rồi.
Cả hai đứa con lai đều xuất cảnh cùng với ông bà Dầu Cù Là đường đường chính chính, vì là con nuôi hợp pháp bấy lâu nay.
Hàng xóm khen ông bà nhưng cũng xuýt xoa …tiếc rẻ, chuyến xuất cảnh của ông bà ..“phí phạm” quá, tới hai đứa con lai, trong khi người ta mong có một đứa con lai để đi xuất cảnh mà tìm không ra.
Đó là những gia đình có con lai xuất cảnh đi Mỹ hợp lệ hợp pháp.
Xóm tôi có hai trường hợp “con lai giả” qua mặt Mỹ ngon lành.
Nhà ông bà Lan có ba cô con gái, đứa nào cũng trắng trẻo nuột nà với đôi mắt sâu và mái tóc màu hung hung đỏ, trông thoáng cứ tưởng là con lai dù cha mẹ là người Việt hoàn toàn.
Cô con út giống con lai nhất. Cô giả làm con lai và đăng ký hồ sơ xuất cảnh. Phỏng vấn trót lọt.
Ngày gia đình bà Lan lên đường đi Mỹ hàng xóm chỉ biết là có thân nhân bên Mỹ bảo lãnh dù hồi nào tới giờ chưa ai nghe hay biết nhà bà có thân nhân ở Mỹ cả.
Hàng xóm bàn tán nể phục chắc là người thân nhà bà Lan làm chức vụ gì đó hay nhiều tiền lắm của mới mang cả nhà bà đi Mỹ bất ngờ như thế.
Mãi khi một người trong xóm có thân nhân đi Mỹ diện con lai cùng thời điểm với bà Lan đã gặp gia đình bà tại Philippine khi tạm trú để học tiếng Anh, viết thư về kể mọi người mới vỡ lẽ ra.
Nhà bà Sáu có thằng con lai tây còn “hên” hơn nữa. Ngay sau 1975 nó nộp hồ sơ đi Pháp không thành công.
Đến thời điểm con lai Mỹ, bà Sáu bỏ tiền chạy chọt làm giấy tờ khai sinh giả cho thằng lai Pháp nhỏ tuổi lại thành lai Mỹ và xin xuất cảnh diện con lai Mỹ, qua mặt ban phỏng vấn dễ dàng.
Lúc này hàng xóm không thấy bóng dáng con “Mai mát” nữa. Nhà chị Mận “khấm khá” hẳn ra, cái nhà cũ rích đã lợp lại mái “tôn” mới, chồng chị ăn nhậu nhiều hơn, chị Mận thì se xua quần áo mới hơn.
Chuyện đã rõ. Con “Mai mát” đã đi theo gia đình kia rồi.
Nghe kể chị Mận đã ngọt ngào năn nỉ nó, tiền bạc của nhà kia đổ vào để chị Mận mua sắm cho nó nhiều thứ, quần áo mới, dây chuyền cổ, vòng đeo tay và đưa nó đi ăn, đi du lịch Vũng Tàu, Đà Lạt cùng gia đình kia để nó làm quen với họ. Thế là “Mai mát” vui vẻ đồng ý theo cha mẹ mới về nơi ở mới.
Họ là ai, ở đâu? chị Mận không hề biết, nhận tiền và giao con xong chị Mận hoàn toàn mất con không một tăm tích nào để lại, ví như chị bỗng dưng có đổi ý, trả lại tiền vàng đòi con về cũng không biết tên, không biết địa chỉ họ mà tìm.
Chỉ qua một người giới thiệu, ăn huê hồng cả đôi bên, người mua và người bán con lai đều phải chi chút tiền cho bà trung gian.
****
Những người con lai xóm tôi cũng như bao con lai Mỹ khác của miền nam Việt Nam sau cuộc chiến đã lên đường đi Mỹ định cư.
Dù đi với ai, là gia đình mẹ ruột, mẹ nuôi, mẹ “giấy tờ” hay đi theo diện mồ côi Babylift. Họ cũng đã về quê cha.
Dù hầu hết những người cha của con lai ấy không còn nhớ thương, day dứt hoặc thậm chí không hề biết đến sự có mặt của họ trên cuộc đời này. Họ cũng đã về quê cha.
Chúc mừng những con lai. Họ đã có cuộc sống mới nơi đất nước tự do dân chủ, nơi mà không ai bị kỳ thị màu da, hoàn cảnh v..v…nơi mà họ có nhiều cơ hội để tiến thân.
Chỉ tội nghiệp chị Thu, không nghe tin tức gì của hai con đi diện BabyLift, mà chị cũng chẳng còn giữ một chút hình ảnh, giấy tờ nào của chúng cả. Hai đứa con ấy đã nhạt nhòa hình ảnh trong nỗi dày vò ân hận và thương tiếc không nguôi của chị.
Và tôi nghiệp chị Mận, sau khi bán con được 5 cây vàng, chẳng thấy chị làm ăn gì mà chỉ thấy cả nhà ăn xài nên một thời gian sau lại thấy chị buôn gánh bán bưng và thỉnh thoảng đi vay nợ như trước kia.
Những lúc buồn chị ngậm ngùi than thở với tôi:
- Nghĩ mà thương con Mai quá, ngu ngơ dại khờ không biết nó sướng khổ ra sao? Phải chi hồi đó tôi nghe lời chị, bán nhà trả nợ, làm thủ tục giấy tờ đi Mỹ thì tôi đâu phải mất con Mai và vẫn nghèo mạt rệp như bây giờ nè trời…!!!
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Feb. 19, 2020)
( Feb. 19, 2020)
No comments:
Post a Comment