Sunday, June 21, 2020

Cuối Cơn Mưa Là Sự Mất Mát

20/06/2020
Hình của Trịnh Thanh Thủy chụp.

Sau mấy ngày bận rộn vì lo hậu sự cho bố, tôi mệt nhoài. Công việc làm tôi tạm quên. Tôi cố tìm mọi cách để óc không nghĩ ngợi về cái chết của ông và tạm giữ được tâm bình an. Tuy nhiên, khi mọi việc lắng xuống, óc bắt đầu thảnh thơi là lúc tôi bắt đầu nhớ. Bỗng dưng tôi thấy được sự trống vắng ùa tới. Hình như tôi có cảm giác mình vừa mất một cái gì đó mà không biết mình mất cái gì. Tri giác bảo tôi rằng, tôi rất mừng khi bố tôi được ra đi như ông ước nguyện, nhưng tàng thức lại báo rằng tôi đang thiếu đi một cái gì đó. Tôi loay hoay tìm kiếm. 

Sự mất ngủ bắt đầu bằng những liên tưởng của ký ức với từng lời nói, hành động và hình ảnh của bố được quay ngược. Thơ ấu và những yêu thương nâng niu của ông trở về tràn ngập khoang tim. Con gái thường gần gụi bố, ngày còn bé tôi được ông cưng nhất nhà. Cô con gái rượu thường được bố đèo đi sau yên xe đạp có mặt ở khắp phố phường với sự cưng chiều rất mực. Áo đầm của tôi, bố thường đặt may cả tá đến nỗi chưa mặc hết vòng đã không còn vừa vì tôi lớn hơn rồi. Mỗi khi tôi xin xỏ điều gì bố cũng cho không tiếc, trong mắt bố lúc nào tôi cũng là niềm hãnh diện của riêng ông. 

Bố hay kể cho tôi nghe về quê hương miền Bắc xa tít mù khi tôi còn ở Sài Gòn. Hưng Yên là nơi bố mẹ tôi lớn lên, gặp, lấy nhau và cũng là nơi trồng và sản xuất những quả nhãn ngọt, cơm dầy, hạt nhỏ, thơm lừng được gọi là "Nhãn Tiến". Đó là loại nhãn ngon nhất được đem tiến dâng cho vua, chỉ có ở Hưng Yên, hệt như loại "Vải Lệ Chi" đem tiến vua mà Dương Quý Phi rất yêu thích. 

Sau này khi nhãn được nhập vào Mỹ, người Việt dưới quận Cam hay trồng và bán theo cân, đến mùa, tôi vào vườn mua về cho bố mẹ thưởng thức. Ông ăn nhãn rồi nhớ, lại kể nhiều địa danh của Hưng Yên trong đó có Nễ Châu và Phố Hiến. Nhà bố có trồng nhãn nhiều lắm, cả chục cây, còn ven đê thì người ta trồng vô số kể. Tôi hay hình dung ra một vùng xanh thắm, mây nước mờ xa, mà ba phía đều được bao bọc bởi những nhánh sông của vùng đồng bằng Sông Hồng. 

Cuộc sống khó khăn khiến ông bôn ba khắp nơi để nuôi bố mẹ khi còn rất trẻ. Ông tự hào, có lúc bôn ba lên cả mạn ngược buôn gỗ, vùng ma thiêng nước độc, bạn bè ai cũng nghiện hút mà ông không bao giờ dính vào. Nạn đói Ất Dậu là lúc ông mất đi người mẹ thân yêu. Bố rưng rưng kể. Ngày đó miền Bắc đói và chết nhiều lắm, khắp nơi ai cũng đói, người ta còn bỏ cả thịt người trong bánh mà bán. Ông phải đi làm phu lục lộ để có chút gạo đem về nấu cháo nuôi bố mẹ và các em cho qua cơn đói. Ông khóc và bảo ông ân hận suốt đời mỗi khi nhớ đến bà nội thuở ấy vì không đủ ăn nên bà mất. Bà đã nhịn đói cho cả nhà ăn bằng cách giả vờ đau bụng, nhịn ăn cho chồng con sống, để rồi qua đời. 

Tấm gương người đàn bà Việt Nam hy sinh cho chồng con ngày xưa, tôi cũng thấy được qua mẹ của tôi mỗi lần cả nhà ăn cơm. Mẹ tôi gỡ xương cá và gắp cho bố tôi những miếng cá ngon nhất, sau đó bà gắp cho chúng tôi. Cuối cùng bà ngồi gặm cái đầu, cái đuôi, và bộ xương cá mà bà bảo là rất thích ăn xương. Tôi cũng nghe những tấm gương hy sinh tương tự như vậy của các bà mẹ Việt Nam ngày trước. Không biết bây giờ, thời đại chúng tôi còn có những việc như thế này xảy ra không?

Trong khốn khó và đói khổ con người trở nên tháo vát và trưởng thành. Bố học một nghề để làm vốn sống. Dựa theo thời thế, ông làm đủ thứ để sinh nhai. Di cư vào Nam năm 1955, ông bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Ông xây dựng cuộc sống mới ở vựa lúa miền Nam mầu mỡ phì nhiêu, tràn đầy tôm cá. Từ một căn phòng thuê chật hẹp của một xóm nghèo lao động, qua những năm cực nhọc của bố, gia đình chúng tôi dọn đến một căn nhà mua mới và khang trang hơn. Bố mở trường dạy nghề, nhờ trời mọi điều tốt đẹp, chúng tôi lần nữa dọn nhà ra con đường lớn của đô thị với một cao ốc 7 tầng do ông tự thiết kế và mướn thợ về xây. Ông quay qua ngành xây dựng nhà đất, mua bán rồi đấu thầu trong quân đội . Bố học được sự gan dạ, liều lĩnh, biết đánh hơi những biến chuyển sắp xảy ra trong những lãnh vực ông bỏ tiền đầu tư. Sự thành công của ông phần lớn nhờ vào đức tính hiền hậu, khiêm cung, dễ mến và biết nắm bắt thời cơ. Tôi lớn lên trong vòng tay ấm áp, chở che và cưng chiều của người, cho đến cuộc di tản năm 1975, đã làm thay đổi số phận bao nhiêu người Việt. 

Qua đến Hoa Kỳ, bố vẫn phải làm việc cực nhọc để nuôi chúng tôi ăn học. Khi đủ lông cánh, lũ chim con bay xa. Ông về hưu, lúc đó bệnh tật bắt đầu nhen nhúm và tìm tới. Ông bị ung thư đại tràng nhưng nhờ phát giác sớm, cắt bỏ nên không có di căn. Tuy nhiên, có một nỗi khổ đeo đẳng ông suốt những năm tháng dài của cuộc sống là lúc nào người cũng phải quanh quẩn bên cái cầu tiêu. Mỗi 15 hay 20 phút ông phải vào nhà cầu một lần vì khúc ruột già còn lại của ông không còn đủ sức để giữ những cặn bã thừa của cơ thể. Bố cứ nói hoài một câu “Sống lâu, khổ quá".

Thêm vào cơn áp suất mắt Cườm Uớt(Glaucoma) tăng cao, ông mất đi toàn thể ánh sáng cuộc đời. Như chiếc xe cũ, đề hoài không nổ, thính giác dần dà mất đi để người phải bơi lội trong một thế giới mù tăm không ánh sáng, phẳng lì tiếng động. Trí nhớ chỉ còn là những quá khứ được nhai lại trong những thước phim câm. Lâu lâu những cơn hành hạ của bệnh Alzheimer nổi lên, khiến bố trở nên bất thường, quậy phá, hoài nghi và hoang tưởng. 

Trong một buổi sáng ngồi tắm làn nắng ấm dịu nhẹ của mùa đông Ca li trước hiên nhà, ông bỗng dưng bất tỉnh và gục xuống, lay mãi không dậy. Sức nặng của tuổi tác, bề dày của thời gian, áp lực của bệnh tật, đè sâu xuống bờ vai gầy người đàn ông 89 tuổi như một thách đố của thượng đế dành cho ông. Được đưa vào bệnh viện, ông tỉnh lại và rất khổ sở khi xem những thử nghiệm để truy tìm căn nguyên cơn hôn mê như một hình phạt gớm ghiếc của y học. Ông nói với bác sĩ rằng, nếu không được cho về nhà, ông sẽ cắn lưỡi tự tử. Cuối cùng, ông được về sau một tuần. Câu ông dặn người nhà lúc bước ra khỏi bệnh viện là, từ rày về sau cứ để ông chết ở nhà, dù ông có việc gì.

Bố tôi là một người chịu đau kém, có lẽ da thịt ông nhạy cảm và lúc nào ông cũng đòi chết. Giữa ranh giới của ước vọng muốn chết vì bệnh tật và ý chí sinh tồn, người vẫn phải sống một cuộc sống không mong ước. Tôi nghĩ điều mang lại can đảm cho người còn tiếp tục chống đỡ được là sự tồn tại của mẹ tôi. Ngày nào bố cũng hỏi và cầm tay mẹ tôi để biết bà vẫn còn bên cạnh. Chúng tôi có thuê người chăm sóc tại gia cho ông bà. Mỗi lần chúng tôi đến thăm, ông lại nắm tay con cháu để nhận diện từng người qua bàn tay và hỏi han thân mật, dịu dàng, thương yêu. Riêng tôi, ông hay bảo sao tay tôi bé và gầy thế, rồi nhắc nhở tôi ráng ăn nhiều cho mập. Niềm thương con của ông lúc nào cũng chan chứa trong lòng. 

Ngọn đèn dầu cháy lâu rồi cũng cạn. Bố yếu dần và trút hơi thở cuối sau khi không ăn uống được nữa vào tuổi 97. Ai cũng bảo ông thọ quá, nhưng họ có biết đâu những năm dài của tuổi thọ ấy là những năm người kéo dài một cuộc sống điếc đặc, đui mù, chỉ nằm dài trên giường cho đúng cái câu "sinh, lão, bệnh, tử" hành hạ. Tôi mừng cho bố cuối cùng đã ra đi thanh thản, thoát được cái nghiệp mà người phải trả quá lâu mà không biết người đã vay tự kiếp nào. Mừng thì mừng, nhưng nhớ thì vẫn nhớ. 

Hôm nay tiễn người đi trời rắc mưa xuân tưới nhựa nguyên cho mầm non nẩy lộc. Những đóa hồng trắng được chúng tôi ném vào huyệt mộ sẽ mang hương yêu của chúng tôi ủ mãi bên người. Mưa vẫn rơi hạt nhẹ và xóa dấu chân người. 

Trịnh Thanh Thủy
Source:vietbao.com

No comments:

Blog Archive