Friday, October 11, 2019

Vườn Hoa Ly

Võ Phú

***
Tôi coi lại máy ảnh, pin, và thẻ nhớ (memory cards) rồi bỏ tất cả vào ba lô trước khi đi ngủ. Sáu giờ sáng, tôi thức dậy. Vợ tôi cũng lục đục ngồi dậy, theo chân xuống tầng trệt. Nàng nướng hai lát bánh mì, chiên cho tôi cái trứng gà ốp la. Nàng dọn lên bàn rồi nói:

- Anh ăn xong rồi mới được đi. Em biết anh mà, một khi mê chụp hình thì nhịn đói cả ngày. 

Nàng ngồi nhìn tôi ăn sáng như thể thời chúng tôi mới vừa quen nhau. Tôi uống một ngụm nước, đứng dậy, sửa soạn dọn bàn. Nàng nói:

- Anh đi đi để đó tí em dọn. Nhớ về sớm ăn trưa. 

Tôi hôn nàng và rời nhà. Vừa mở cửa ga ra, hơi nóng ập vào. Đầu tháng Sáu, chỉ mới vào hè, mà trời oi bức. Một cơn gió nhẹ thổi qua mang theo hương hoa hút mật -honeysucker - thơm ngát trong ánh nắng ban mai. Tôi đứng lặng vài giây, hít đầy vào buồng phổi mùi hương thơm dịu ấy. Chợt nhận ra không chỉ có hương thơm của hoa hút mật mà có cả mùi ngây ngây ẩm ướt của lớp cỏ vừa mới cắt quyện vào nhau cho tôi cảm giác thật dễ chịu, khoan khoái. 

Cuối tuần, đường phố vắng tanh. Tôi thong thả lái xe đến vườn hoa Ly nhà ông Matthews. Ra khỏi xa lộ, dọc hai bên đường, những hàng cây bằng lăng tím, trắng, đỏ, và hồng cánh sen đang trổ hoa. 

Xe chạy vào con đường nhỏ dẫn đến con hẻm trải sỏi gravel. Tôi ngừng xe lại dưới gốc cây phong già, bên cạnh những chiếc xe khác và tắt máy. Một vài người bạn trong nhóm nhiếp ảnh đã đến trước. Tôi thấy có Rob, Bill, John, Ben, Jen và một vài người lạ mà tôi chưa được biết tên. Chắc có lẽ là thành viên mới trong nhóm nhiếp ảnh vùng Richmond này do Rob giới thiệu. 

Rob là hội trưởng của hội nhiếp ảnh tài tử vùng Richmond. Công việc chính của Rob là thợ điện cho công ty Michael & Sons. Nhưng từ lúc nghỉ hưu, Rob thành lập hội nhiếp ảnh vùng Richmond để chia sẻ những kinh nghiệm, niềm vui trong nhiếp ảnh, cùng những người yêu thích. Rob yêu nhiếp ảnh và yêu thành phố nhỏ cổ kính này. Rob quen biết rất nhiều người, trong đó có gia đình ông chủ vườn hoa Ly, Daniel Matthews. 

Tôi xuống xe, đến bên nhóm bạn và chào mọi người. Thấy tôi đến, Rob chào và giới thiệu những người bạn mới cho chúng tôi quen biết. Giới thiệu xong, Rob nhìn đồng hồ trên tay, nói:

- Chúng ta chờ thêm năm phút nữa rồi cùng nhau đi ra vườn hoa. Tôi nghĩ giờ này chắc Dan đang ở phía sau vườn làm cỏ cho hoa. 

Năm phút sau, thêm một vài người bạn trong nhóm nhiếp ảnh đến. Cả nhóm gần mười người với máy ảnh trên tay chuẩn bị cho buổi săn ảnh ở vườn hoa. Chúng tôi đi qua cánh đồng cỏ rồi đến vườn hoa ly. 

Trước mắt tôi là cánh đồng rộng hơn một mẫu tây trồng hơn năm mươi loại hoa ly đang trong mùa trổ bông. Những màu sắc trắng, hồng, vàng, cam, đỏ thật rực rỡ thẳng tăm tắp theo từng hàng trông đẹp mắt như thể trong tranh. Dưới ánh nắng đầu mùa hạ, hương thơm của hoa ly thơm nồng. Giữa vườn hoa ly, chúng tôi thấy một người làm vườn với mái tóc xoăn dài, bạc trắng có dáng cao to đi đến bên chúng tôi. Khi tới gần, Rob đưa tay giới thiệu: 

- Chào mọi người. Đây là ông Dan Matthews, chủ nhân vườn hoa này. Ông Matthews rất yêu hoa ly và chúng ta rất may mắn được ông cho phép chụp hình vườn hoa nhà ông. Các bạn sau khi chụp xong, nhớ gởi hình cho tôi để tôi làm một DVD tặng ông. Và, nếu bạn nào muốn trồng hoa ly, có thể mua một ít về trồng, nhưng không bắt buộc. Chúng ta cố gắng đừng giẫm lên hoa hoặc bẻ chúng nhé. Và đừng quên cám ơn ông Matthews.

Rob nói xong, chúng tôi lần lượt đến bắt tay cám ơn ông Matthews, rồi mỗi người tìm một góc ảnh đẹp để săn ảnh. 

Sau hơn hai tiếng đồng hồ chụp mọi góc ảnh ở vườn hoa, chúng tôi đến bên góc phong xem ảnh và chia sẻ những tấm ảnh ăn ý nhất cho mọi người cùng coi. 

Mười giờ sáng, nắng lên đến đỉnh đầu. Dưới cái nắng oi bức, mồ hôi chảy dài ướt cả mái tóc. Tôi đưa tay lên quệt những giọt mồ hôi trên trán nhỏ xuống mắt cay xè. Ông Matthews từ trong nhà bước ra đến bên chúng tôi hỏi:

- Các bạn “săn” được nhiều ảnh đẹp chứ?

Một vài người trong nhóm hỏi mua hoa ly đem về nhà trồng. Tôi cũng mua vài chậu. Mỗi chậu hoa ly ông bán năm đô la, rẻ hơn phân nửa giá ngoài Lowes hay Home Depot. 

*
Từ hôm đi chụp hình ở vườn hoa nhà ông Matthews, tôi yêu thích hoa ly. Trước sân vườn nhà tôi, tôi phá hết cỏ để trồng những loại hoa ly mà tôi mua từ nhà ông Danniel Matthews. Sau hơn ba năm trồng hoa ly, vườn nhà tôi cũng có gần hai mươi loại hoa ly đủ màu sắc. 

Mỗi năm, hễ vào đầu tháng Sáu, là tôi lại sửa soạn máy ảnh để đến vườn nhà ông Matthews chụp hoa ly. Mặc dầu nhà tôi cũng có rất nhiều hoa ly nở, nhưng hoa ở nhà người khác bao giờ cũng đẹp hơn. Nhờ cùng yêu thích hoa ly, chúng tôi trò truyện hợp nhau, ngày càng thân tình hơn. 

Một buổi, ông Mathews mời tôi đến nhà cùng gia đình mừng tiệc cháu nội ông, cô bé Rachel, tốt nghiệp trung học. Tôi giúp ông chụp hình sinh hoạt của gia đình trong buổi tiệc cũng như chụp hình cô bé Rachael trong bộ áo choàng và mão tốt nghiệp ở trước sân nhà cũng như bên vườn hoa ly. 

Trong buổi tiệc, một cô bạn của Rachael hỏi ông Matthews vì sao ông trồng rất nhiều hoa ly trong vườn mà không phải là những loài hoa khác, như hoa hồng chẳng hạn? Nghe câu hỏi của cô gái trẻ, mọi người vỗ tay khích lệ ông kể về chuyện vì sao ông yêu thích hoa ly. Ông nhìn qua một người phụ nữ Á Đông (người phụ nữ Á Đông duy nhất). Bà có dáng người phốp pháp, nhưng thấp độ chừng dưới vai ông Matthews. Nhìn những nếp nhăn và mái tóc bạc trắng của bà, tôi đoán độ chừng bảy tám mươi tuổi. Bà Matthews gật đầu mỉm cười nhìn ông. Ông Matthews nheo mắt tình tứ cười đáp lễ rồi chậm rãi kể:

- Cám ơn cô bé Angie đã hỏi ông vì sao trong vườn nhà trồng toàn hoa ly. Lúc đầu tôi trồng hoa ly vì để tặng một người vì người đó rất yêu hoa ly, đó là Elsie, người vợ của tôi. 

Ông nói xong, đưa mắt nhìn vợ của mình; người đang đứng cách xa ông vài hàng ghế. Bà chăm chú nhìn ông. Ông mỉm cười nhìn bà rồi tiếp câu chuyện của mình.

- Nhưng từ khi trồng hoa ly, tôi lại yêu thích chúng. Hoa ly rất dễ trồng, không cần phải chăm sóc nhiều và hơn hết sau mùa đông qua hoa ly lại sống dậy mạnh mẻ hơn năm trước. Hoa ly trổ bông thơm ngát. Tôi rất thích mỗi buổi sáng, khi trời còn đọng hơi sương, ngửi mùi hương thơm ngọt ngào của hoa và sau đó cắt vào nhà những bông hoa vừa chớm nở để tặng người tôi yêu. Cảm giác đó thật tuyệt vời.

Một người phụ nữ trẻ lên tiếng:

- Bố ơi, vậy làm sao bố biết mẹ thích hoa ly mà bố trồng nhiều vậy để tặng mẹ? Con có nghe Donald kể sơ qua lúc hai người gặp nhau, nhưng con muốn nghe bố kể lại từ miệng bố kìa.

Một tràng pháo tay, những tiếng huýt gió, như khích lệ ông kể về câu chuyện của hai người. Ông Dan Matthews nhìn vợ rồi hỏi:

- Anh có thể kể phải không em, Elsie?

Bà Matthews gật đầu đồng ý. Ông kể:

- Năm đó, lúc tôi vừa mới ra trường và làm cho công ty Phillips Morris được vài năm thì mẹ tôi bị tai nạn giao thông. Mẹ tôi được xe cứu thương chở đến bệnh viện MCV. Và, Elsie là y tá săn sóc giúp mẹ tôi. Sau vài tuần nuôi mẹ trong bệnh viện, chúng tôi quen nhau, hẹn hò rồi yêu nhau. Mẹ tôi thích hoa, nên mỗi lần thăm bà tôi đều mua một bình hoa đến tặng mẹ. Có lần tiệm hoa mà tôi thường mua đóng cửa, nên tôi chạy đến Costco mua một bó hoa hồng tặng mẹ mà quên mua bình cắm hoa. Lúc vô bệnh viện thăm mẹ, tôi mới ngớ người ra là mình quên mang theo bình cắm hoa. Thấy vậy, Elsie về phòng của y tá đem qua một cái bình, bên trong có một cành hoa ly. Cô ấy hỏi mẹ tôi rằng cô có thể cắm chung những đóa hoa hồng trong bình có nhánh hoa ly được không? Cô ấy giải thích rằng cô không muốn vứt bỏ cành hoa ly mà mình vừa hái trước vườn ở nhà bố mẹ lúc sáng. Dĩ nhiên là mẹ tôi đồng ý vì bà cũng rất thích hoa và không nỡ vứt bỏ đi một nhánh hoa đang khoe sắc. Kể từ đó tôi mới biết là nàng yêu thích hoa ly. 

Lúc chúng tôi cưới nhau cũng vào đầu mùa hè, khi hoa ly nở rộ, chúng tôi trang trí lễ cưới toàn dùng hoa ly là chính. Sau khi cưới Elsie, mỗi dịp cuối tuần tôi đều đến nursery tìm mua hoa ly về trồng. Hồi đó nhà chúng tôi ở gần Riverside, nhưng sau này con cái lớn hết, đi học xa nhà, nên chúng tôi mới bán đi và mua căn nhà này với mảnh vườn rộng lớn để trồng hoa ly cho thoả thích. Nghĩ lại mới đây mà chúng tôi đã ở căn nhà này cũng gần hai mươi năm rồi.

Nghe ông Matthews kể về chuyện tình của ông và vợ, mọi người ai cũng cảm động về sự yêu thương của hai người. Sau buổi tiệc ra trường của cháu nội ông Matthews, tôi về nhà làm album ảnh để tặng cho gia đình ông. 

Hôm tôi đến nhà ông bà Matthews để trao hình, ông bà mời tôi ở lại dùng cơm tối. Trong buổi cơm tối, bà làm món Pancit canton, một loại bún xào trộn với thịt gà, hành lá, cà rốt giống kiểu mì của người Trung Hoa và món Adobo gồm có thịt heo thịt gà được hầm chín với dầu, giấm, tỏi, tiêu, nước tương sau đó chiên sơ qua để thêm độ giòn của những miếng thịt. 

Biết tôi làm việc ở trường đại học Virginia Commonwealth và là người gốc Á, bà hỏi quê quán của tôi. Khi biết tôi là người Việt, bà kể cho tôi nghe chuyện ngày trước khi quen và cưới ông Daniel Matthews. 

Bà Elise Matthews là người gốc Phi Luật Tân. Trước khi định cư ở Hoa Kỳ bà là bác sĩ thực tập ở Manila. Ba mẹ bà là y tá. Cả gia đình ba người cùng làm việc chung ở một bệnh viện. Ba, mẹ bà khuyến khích con gái nộp đơn đi du học ở nước Mỹ. Bà nghe lời ba mẹ nộp đơn xin vào học ở Virginia Commonwealth. 

Sau khi được nhận vào trường y dự tính thi lấy bằng hành nghề, bà làm việc bán thời gian ở bệnh viện và đã gặp ông Matthews rồi họ cưới nhau. Việc học của bà vì thế mà gián đoạn. Bà nói với tôi, thật ra bác sĩ hay y tá gì cũng là giúp cho bệnh nhân lúc họ cần mình nhất. Bà không hối hận khi quyết định lấy ông Danniel Matthews mà không theo tiếp ngành y. Bà nói khi gặp ông, bà cũng đã gần ba mươi tuổi và hơn ông ấy gần mười tuổi. 

"Ở cái tuổi ấy có người yêu mình hết lòng, không chê mình lùn, xấu xí là Chúa đã thương,” Elise nói. Rồi bảo tôi, “Trong cuộc đời mỗi người, ta gặp gỡ rất nhiều người khác nhau. Có người hỏi bạn làm nghề gì, kiếm được bao nhiêu tiền một năm, hoặc mua căn nhà này bao nhiêu, có người hỏi bạn đã có vợ hay chồng chưa? Nhưng chỉ có một người thật sự yêu thương bạn, mới hỏi bạn một câu… bạn có đang hạnh phúc không. Dan đã hỏi tôi vậy. Và đó là người mà tôi chọn gắn bó cuộc đời này. Tôi thấy mình hạnh phúc lắm khi cùng Dan thành vợ chồng gần năm mươi năm nay."

Sau buổi cơm tối, tôi chia tay tạm biệt cùng ông bà Matthews. Trên đường về, tôi chợt nghĩ, không biết mai mốt về già rồi tôi và vợ có giống như ông bà không? Mỗi sáng tôi đều hái hoa tặng vợ như ông tặng cho bà? Hoặc bà lo chăm chút cho ông từng bữa cơm?

Đôi khi hạnh phúc là những việc rất tầm thường, nhỏ nhoi. Và hạnh phúc đó được cùng người mình yêu thương chia sẻ với nhau đến cuối cuộc đời.

Võ Phú

No comments:

Blog Archive