Tuesday, April 30, 2019

Thề Không Phản Bội Quê Hương

Tác giả: Cục Chính Huấn

Cục Chính Huấn là một trong năm thành phần của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị phụ thuộc vào Bộ Tổng Tham Mưu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong nhánh Cục Chính Huấn, những nhạc sỹ như Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng, Trần Thiện Thanh, Lam Phương cùng một số nhạc sỹ khác đã viết nhiều bài hát để thúc đẩy tinh thần người dân tranh đấu cho tự do. Một trong những bài hát được sang tác là bài hát, Thề Không Phản Bội Quê Hương.

Trước tháng 4, 1975, bài hát hùng tráng này nhiều người nghe nhưng có thể không hiểu được hết ý nghĩa của nó. Vì trong cuộc sống, chúng ta thường phải trải qua mới hiểu được lý do chính thức. Trong khi xâm chiếm miền nam VN, CS lúc nào cũng hô hào là VNCH là kẻ bán nước, đánh giặc Mỹ xong XHCN CS sẽ xây đắp lại bằng 10 lần, ai cũnng sẽ được tự do, không ai giầu hơn ai, vì lý thuyết CS là bình đẳng. Nhưng sau khi "giải phóng" miền nam VN, thì ai cũng biết cách đối sử của CS như thế nào. Đọc lời của bài hát này sau tháng tư 1975 có thể làm nhiều người phải suy nghĩ về một cơ hội đã mất vì khi có tự do để bảo vệ tổ quốc thì đi phản bội tổ quốc để rồi tổ quốc bị lâm nguy ngày nay. Bây giờ có nhiều người đang uớc gì có một cơ hội nữa để lần này quyết bảo vệ cho tròn vẹn vì có thể hiểu hơn về câu: Vận nước trong tay ta, Là quyền của quân dân ta. 

“Đập phá tan mưu toan” nói lên những âm mưu lừa đảo cộng sản bắc việt mang vào nam để dụ dỗ người ở trong Nam. Giống như Việt Nam, Bắc Hàn và Nam Hàn bị chia đôi, nhưng bắc Hàn không có phá phách Nam Hàn nên bây giờ Nam Hàn là một trong những nước giầu nhất thế giới. Nếu CS bắc việt đừng phá phách Miền Nam Việt Nam, thì Miền nam Việt Nam có thể giầu như Nam Hàn. Dùng những lời ngọt ngào để lừa người miền Nam là “hòa bình đất nước”. Đúng, ai mà chẳng muốn hòa bình, nhưng hòa bình phải trong vinh quang, chứ hòa bình mà cơm không có ăn, không tự do ngôn luận để nói rằng “chúng tôi đói là vì chế độ CS này không cho chúng tôi tự do buôn bán làm ăn” thì hòa bình đó là trong đen tối chứ còn gì nữa.

Chứng minh rõ ràng, sau khi "giải phóng" nhiều người mới hiểu thế nào là hòa bình. Hòa bình gì đâu mà biết bao nhiêu người trốn chui chốn nhủi bỏ nước ra đi. Sao lúc chiến tranh lại không có ai chốn chui chốn nhủi vượt biên mà chỉ có sau ngày "Hòa Bình" hay sau ngày "Giải Phóng" người ta mới bỏ đi? Chẳng khác gì hòa bình trong đen tối. Đó hòa bình trong đen tối đó. 

Sau ngày "giải phóng", biết bao nhiêu người chốn chui chốn nhủi để thóat ra khỏi "XHCN, hòa bình, tự do của CSVN" đi tìm tự do ở nước ngoài. Trong những người đã bỏ đi, nay có nhiều người không nhớ hay cố ý quên lý do tại sao mà đã đi tha hương ở nước người. Nhưng cũng có rất nhiều người vẫn tranh đấu cho VN, tuy rằng người ta đã ôn hòa với cuộc sống và thành công trong công việc tại nước ngoài. Những người này có lý tưởng: Chẳng liên hiệp ngồi chung quân bán nước vong nô, hay là, Ngồi cùng với quân xâm lăng, để hưởng chút vinh quang khi thăm VN. 

Mẹ VN ơi, chúng con nguyện thề là chúng con tuy phải lìa xa Mẹ để đi tìm cuộc sống tự do, nhưng chúng con không hề phản bội Mẹ. Chúng con luôn luôn tranh đấu tự do nhân quyền và công lý cho anh em chúng con còn ở lại.

Chúng con nhất quyết: Không hề phản bội quê hương hay phản bội Mẹ Việt Nam !

- Nguyễn Tỵ Nạn.

* tác giả: Cục Chính Huấn

Một cánh tay đưa lên 
Hàng ngàn cánh tay đưa lên 
Hàng vạn cánh tay đưa lên 
Quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính 
Đập phá tan mưu toan đầu hàng cái quân xâm lăng 
Hoà bình phải trong vinh quang 
Đền công lao bao máu xương hùng anh 
Nào đứng lên bên nhau 
Nào cùng sát vai bên nhau 
Thề nguyền với vung tay cao 
Quyết đấu tranh đến khi nào đạt thành mong ước 
Vận nước trong tay ta 
Là quyền của quân dân ta 
Tình đoàn kết quê hương ta 
Chận âm mưu chia cắt thêm sơn hà 

ĐK: Quyết chiến ! Thề quyết chiến ! Quyết chiến ! 
Quyết không cần hoà bình đen tối 
Chẳng liên hiệp ngồi chung quân bán nước vong nô 
Quyết chiến ! Thề quyết chiến ! Quyết chiến ! 
Đánh cho cùng dù mình phải chết 
Để mai này về sau con cháu ta sống còn 

Vận nước đang vươn lên 
Hàng ngàn chiến công chưa quên 
Hàng vạn xác quân vong nô
Đã chứng minh cho sức mạnh hào hùng quân dân 
Thề chớ bao lui chân. 
Ngồi cùng với quân xâm lăng 
Ta thà chết chớ không hề lui 
Quyết không hề phản bội quê hương
Tướng giữ Thành

Hồ Thanh Nhã 


Nhắc đến biến cố 30 tháng 4 năm 1975 thì hầu hết người Việt sống ở hải ngoại đều bùi ngùi thương cảm khi nhắc đến cái chết oai hùng của 5 vị tướng đã tự tử trong thời gian kể trên. Nay tôi xin góp nhặt tin tức được kể lại từ nhiều người thân cận tướng Nguyễn Khoa Nam về cuộc sống đời thường của ông. Đầu tiên là anh Ngoan hồi trước là Trung úy tùy viên của tướng Nam kể lại trong những lần họp mặt anh em trong các cử cà phê sáng. Là tướng Nam thường hút thuốc lá Bastos đen nặng, mà lại hút nhiều mỗi khi chiến sự gia tăng. Chiếc gạt tàn bằng sành đến sáng là đầy ắp, anh Ngoan phải mang đi đổ.

Tướng Nam là người sùng đạo Phật, tối nào trước khi đi ngủ, ông đều tụng kinh. Trong phòng ngủ của ông có cuốn kinh và cái chuông nhỏ để gần đầu giường. Hằng năm anh Ngoan đều có mời tôi đến dự đám giỗ hai tướng Nam và Hai tại tư gia của anh. Trong nhà anh Ngoan có bàn thờ hai ông tướng, hàng ngày anh chị đều đốt nhang. Đám giỗ thường tổ chức trước sau ngày 30 tháng 4 vào ngày cuối tuần để anh em đến dự được. Anh chị Ngoan tự bỏ tiền ra mua thức ăn và cũng tự nấu nướng có khi cũng được sự trợ giúp của vài chị ở gần nhà. Khách mời toàn là những người đồng đội cũ thuộc Sư đoàn 7 bộ binh và các đơn vị trực thuộc. Chừng đâu được vài ba chục người. Ai đến đều mang theo ít thức ăn hay bia rượu, đi tay không cũng không sao, miễn hàng năm anh em gặp nhau một lần cũng đủ lắm rồi.

Cách đây chừng 15 năm thì cũng khá đông, chừng bốn năm chục người. Nay thì khá lắm là ba chục, chết từ từ hết rồi, hoặc đau bịnh không đến được. Cũng làm lễ chào cờ, mặc niệm, anh Ngoan chủ nhà đứng lên nhắc vài kỹ niêm với hai ông tướng mà mọi người trìu mến gọi là 601, tức danh hiệu truyền tin của Tư lịnh Sư đoàn 7 bộ binh hồi trước. Cúng xong xúm nhau dọn xuống ăn, nhắc vài kỹ niệm cũ, tên vài địa danh mà hồi còn trẻ họ đã chiến đấu, dưới quyền hai ông thầy cũ. Kỹ niệm cũ trùng trùng nhắc sao cho xiết, mà người còn ngồi tại đây mỗi ngày một già yếu ốm đau. Còn lại chăng là âm hưởng xa vời của tình huynh đệ chi binh còn đọng trong lòng nhiều nỗi xót xa của tuổi già bóng xế. Trên bàn thờ hai ông Tướng năm nào cũng cúng con cua luộc và ổ bánh mì thịt. Hỏi anh Ngoan thì được biết tướng Nam rất thích ăn cua luộc. Còn tướng Hai thì sáng nào cũng sai tài xế chạy ra mé ngoài cổng trại Đồng Tâm là bản doanh của Bộ Tư lịnh sư đoàn 7 bộ binh mua cho ông một ổ bánh mì thịt. Vì bận rộn biến cố 30 tháng 4 xảy ra dồn dập nên tướng Hai quên ăn. Sau khi Dương Văn Minh đầu hàng, mãi tới khuya thấy cửa phòng tướng Hai vẫn đóng kín, mọi người phá cửa mới hay ông đã tự tử chết bằng thuốc độc, khúc bánh mì mua buổi sáng vẫn còn trên bàn. Do đó mỗi năm đám giỗ thì trên bàn thờ hai ông Tướng lúc nào cũng có con cua luộc và ổ bánh mì.

Trung tá Ngô Đức Lâm Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 6 Ky binh thường kể cho chúng tôi nghe là năm 1974 lúc Thiết đoàn hành quân ở Long khốt gần biên giới Việt Miên thì tướng Nam thình lình xuống thăm. Mâm cơm trưa chưa kịp ăn, Trung tá Lâm đành mời ông tướng cho phải phép. Nào ngờ tướng Nam sà vào ngồi ăn luôn, lót mũ sắt ngồi ăn bữa cơm dã chiến của thiết giáp. Món ăn chỉ có tô cá rô kho khô, rau muống đồng luộc và chén cà pháo mấm nêm thôi. Thế mà tướng Nam khen rối rít, còn dặn lần sau tới nhớ cho ông ăn món cà pháo mắm nêm độc dáo của Thiết đoàn 6 Kỵ binh đãi tướng Tư lịnh Sư đoàn. Âu cũng là những giai thoại khó quên của vị anh hùng Vị quốc vong thân Nguyễn Khoa Nam mà con cháu đời sau của dân tộc Việt Nam sẽ luôn nhắc đến.

Tướng giữ thành

Tưởng niệm anh linh Tướng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết ngày 30 -4 -1975.

Đồng tôn kính anh linh 4 Tướng: Nguyễn Văn Phú, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ.

Đài Sài Gòn loan bản tin buổi sáng
Quân lịnh cuối cùng: Ngưng chiến – Bàn giao
Thế nước biến cả sơn hà xao xuyến
Lòng quân dân cuồn cuộn nổi ba đào

Tướng Tư lịnh buông bút chì xanh đỏ
Trung tâm hành quân chi chít bản đồ
Nhìn dãy giang sơn đồng bằng châu thổ
Còn dằng co theo thế trận răng cưa

Điếu Bastos trong gạt tàn đầy ắp
Dòng khói xanh còn lan tỏa triền miên
Tư lịnh nhíu mày lòng đau như cắt
Dấu chân chim hằn khuôn mặt chữ điền

Gió sông Hậu thổi qua giòng Bassac
Mang niềm đau về cửa biển sông Tiền
Tin chiến bại khiến lòng quân ngơ ngác
Lan xa dần qua biên giới Việt-Miên

Tướng Tư lịnh xuống bậc thềm tam cấp
Nhìn đăm đăm cờ tổ quốc đang bay
Gió lay động lá tướng kỳ dưới thấp
Nghĩa keo sơn ràng buộc nước non nầy

Thế trận biến lấy chi đền nợ nước
Tình non sông còn nặng chĩu bên lòng
“Đất nước còn, không còn anh cũng được
Đất nước không, anh có cũng là không”

Tư lịnh ghé thăm từng giường bịnh viện
Những thương binh vừa mới mổ chiều qua
Anh lính cụt chân nói không thành tiếng:
Đừng bỏ em! trong nước mắt chan hòa

Tư lịnh vỗ vai thương binh sọ nảo
Băng trắng tinh còn quấn nửa bên đầu
Tiếng nói nghẹn ngào niềm đau thăm thẳm:
Không! chẳng bao giờ anh bỏ em đâu

Một lời nói như khắc sâu vào đá
Nặng ngàn cân bia sử mãi lưu danh
Người ở lại với miền Nam châu thổ
Chín nhánh sông dài bát ngát đồng xanh

Người nằm xuống cùng hồn thiêng sông núi
Chết hiên ngang linh khí kết thành thần
Ân nghĩa nặng nề quê hương bờ cõi
Tiếng còn lưu: danh tướng chết theo thành

Người chết lâu rồi, người còn ở lại
Từ cuối chân mây đêm bấc lạnh lùng
Ngày hiển thánh cả giống nòi mong mỏi
Của những anh hồn hữu thủy hữu chung 

Hồ Thanh Nhã
Cụ ông 111 tuổi chia sẻ 5 bí quyết sống thọ

Cụ Chu Hữu Quang sinh năm 1906, tháng 1 vừa qua cụ đã trải qua sinh nhật lần thứ 111. Có thể nói rằng một đời của cụ bằng nhiều cuộc đời của người khác.

Trước năm cụ Chu 50 tuổi, cụ theo ngành kinh tế, là giáo sư kinh tế học và nhà tiền tệ học. Sau 50 tuổi, cụ chuyển sang theo đuổi ngành ngôn ngữ học, cụ đã dùng 3 năm để phát minh ra “Bính âm Hán ngữ” mà chúng ta thường dùng ngày nay. Cụ Chu được gọi là “cha đẻ của Bính âm Hán ngữ”. Điều khiến người ta ngạc nhiên hơn đó là nhà vật lý học lỗi lạc thế giới Albert Einstein đã từng gặp cụ hai lần.

Cụ Chu Hữu Quang, 111 tuổi.

Nếu so về thành tựu một đời thì số tuổi 111 của cụ mới khiến mọi người bất ngờ hơn. Sau năm 100 tuổi, cụ còn viết sách, xuất bản sách, bây giờ dù đã 111 tuổi nhưng cụ vẫn kiên trì viết lách, không hề bị lẫn, mắt không hề mờ, ăn được uống được, sức khỏe cực kỳ tốt. Nói đến việc sống thọ, cụ đã tổng kết ra 5 bí quyết sau:

1. Con người ta không chết vì đói mà chết vì ăn, tôi không ăn đồ bổ.

Tôi không ăn đồ bổ, những thứ bổ dưỡng mà người ta tặng tôi cũng không ăn. Trước đây tôi làm việc ở ngân hàng, có rất nhiều người mời mọc, có vài người cố mà ăn, nhưng tôi thì không ăn lung tung như thế. Còn nhớ trước đây tôi có một bác sĩ cố vấn ở Thượng Hải, ông ấy bảo tôi rằng đa số chúng ta không chết vì đói mà chết vì ăn, ăn những thứ bậy bạ không tốt cho sức khỏe, trên bàn tiệc có rất nhiều thứ ăn vào rồi thì nên nôn ra.

Tục ngữ có câu “bệnh từ miệng mà ra”, cao huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường, chẳng phải bệnh nào cũng do ăn uống mà ra hay sao? Cơ thể không cần còn cố mà ăn thì sẽ hại ngược lại cơ thể. Ăn uống phải điều độ, đa số người ta không chết vì đói mà chỉ có ăn mà chuốc lấy bệnh. Trong việc ăn uống, không nên ăn quá nhiều món mặn, đừng ăn thịt thà dầu mỡ nhiều, chủ yếu nên ăn bốn loại đó là trứng gà, rau xanh, sữa và đậu hũ. Thế nhưng sữa và trứng gà cũng không nên dùng quá nhiều, mỗi ngày một quả trứng gà, sáng và chiều đều uống một ly hồng trà.

2. Nhẹ lòng thì sống lâu, gặp phải chuyện gì tôi cũng không tức giận.

Tôi xem mọi thứ của cải, vật ngoại thân rất nhẹ nhàng. Nhà Phật có câu, người coi trọng vật ngoại thân quá nặng nề thì tinh thần của người đó sẽ càng khổ sở. Rất nhiều năm trước tôi mắc chứng mất ngủ, ngủ không ngon. Đến thời kỳ “Cách mạng văn hóa”, tôi bị đưa về nông thôn, vừa khỏe ra lại chữa được bệnh mất ngủ, cho đến bây giờ tôi cũng không bị mất ngủ nữa. Vì thế tôi và bà nhà đều tin một câu: “Tái ông thất mã, yên tri phi phúc” (Nghĩa bóng: Họa phúc ở đời khó mà lường trước được). Gặp phải bất cứ việc gì không thuận lợi cũng đừng thất vọng, đừng tức giận.

Dù đã 111 tuổi nhưng cụ Chu vẫn kiên trì viết lách, không hề bị lẫn, mắt không hề mờ, ăn được uống được, sức khỏe cực kỳ tốt.

Có hai câu mà tôi thường hay nói: “Thốt nhiên lâm chi nhi bất kinh, vô cố gia chi nhi bất nộ” (Gặp phải những việc ngoài dự liệu cũng đừng hoảng loạn, đừng tức giận vì những việc vô duyên vô cớ). Đây là danh ngôn triết lý của cổ nhân, rất có lý lẽ. Quý Tiện Lâm từng viết trong quyển “Ngưu Bàng tạp ức”, dù có bị buộc tội, đừng tức giận, đừng hoảng loạn. Đây là một thử thách sự kiềm chế và công phu của chúng ta. Muốn sống thọ thì phải biết kiềm chế, đừng để lỗi lầm của người khác trừng phạt chính mình.

3. Sống càng giản dị càng tốt!

Cuộc sống của tôi bây giờ chỉ có ngủ, ăn, đọc sách, viết lách. Mỗi tháng tôi đăng một bài viết lên báo.

Về việc ăn uống, chủ yếu tôi ăn bốn thứ là trứng gà, rau xanh, sữa và đậu hũ. Quần áo mặc cũng đơn giản, những thứ quần áo đẹp đẽ người ta tặng thì chẳng có dịp để mặc, bởi vì không hay ra ngoài, mà mặc vào thì cũng thấy không hợp. Tôi cũng ít đi du lịch, chỉ ở nhà viết lách, uống trà, đọc sách, tu thân dưỡng tính.

Trước đây, người ta thường cho rằng, một người không thể sống thọ nếu khi còn trẻ sức khỏe không được tốt. Lúc tôi còn trẻ từng bị lao phổi, bị chứng trầm cảm. Khi kết hôn thì mẹ tôi bí mật tìm một vị thầy bói xem tướng số cho tôi, nói rằng hai vợ chồng tôi chỉ sống được đến 35 tuổi, chúng tôi liền cười cười. Tôi thấy rằng ông thầy bói không nói sai đâu, chỉ là chúng tôi đã tự cải biến số mạng của chính mình thôi.

Cuộc sống của chúng tôi khá là giản dị, có quy củ, không ăn lung tung, không hút thuốc, không uống rượu, có uống thì cũng chỉ uống chút bia. Trước đây có khách thì chúng tôi phải mời thuốc, mua rất nhiều nhưng đều chỉ mời khách hút, chúng tôi thì không. Chúng tôi muốn sống có quy củ, đầu phải suy nghĩ nhẹ nhàng, gặp phải nhiều việc khó khăn, cứ nghĩ thoáng gì sẽ không có vấn đề gì nữa.

4. Cho đến già tôi vẫn luôn kiên trì “3 không”

Một là không lập di chúc, hai là không mừng sinh nhật, ba là không ăn Tết. Không lập di chúc – gia đình hòa thuận, không mừng sinh nhật – quên đi số tuổi, không tổ chức ăn Tết – cuộc sống thanh đạm.

Cuộc sống hằng ngày càng giản dị càng tốt, nhu cầu trong cuộc sống cũng càng ít càng tốt.

Ảnh gia đình cụ Chu.

5. Đời sống vợ chồng phải kính trọng nhau, “coi nhau như khách”

Lúc vợ tôi Trương Doãn Hòa (93 tuổi) còn sống, sáng trưa chiều chúng tôi đều uống trà cùng nhau. Tôi thích uống cà phê còn bà ấy thích uống trà xanh, cùng nâng chén cung kính. Quan điểm của chúng tôi là cuộc sống vợ chồng chẳng những phải có yêu thương mà còn phải kính trọng nhau, “coi nhau như khách”.

Khi uống trà và cà phê, cả nhà cùng nâng ly, chỉ một động tác nhỏ này thôi nhưng chúng tôi đã kiên trì thực hiện cả đời. Tuy chỉ là một việc nhỏ nhặt nhưng lại rất có ích, có thể tăng niềm vui trong cuộc sống gia đình, giúp cho gia đình ổn định hơn. Giữa vợ chồng cần phải tôn trọng lẫn nhau, đây là do người xưa truyền lại, rất đáng học tập. Vợ chồng là những người sống cùng nhau lâu nhất, mỗi ngày phải vui vẻ thì cả thể xác và tâm hồn mới khỏe mạnh được. Ngược lại, ngày ngày cãi nhau, đánh nhau, chẳng những không ai vui vẻ được mà còn gây tổn hại đến sức khỏe.

Cụ Chu Hữu Quang và vợ Trương Doãn Hòa.

Trên đời có rất nhiều chuyện không thuận lợi, nếu nhịn được thì nhịn một chút không có gì là to tát cả. Làm người thì phải nghĩ thoáng, đừng tức giận, trong gia đình có rất nhiều chuyện đều chỉ là những việc nhỏ nhặt.

Theo Secretchina
Tâm Thanh

Monday, April 29, 2019

Ngày Trở Về 
Phạm Gia Đại
 
Tôi trở về thành phố trong một chiều nhạt nắng. Cái nóng ban trưa đã dịu đi và thình thoảng vài cơn gió nhẹ mang theo chút hơi mát pha lẫn cái nóng còn sót lại phả lên mặt làm tôi tỉnh hẳn sau mấy giờ ngồi trên xe đò. Nắng đã xiên xiên hắt từ bên kia đường làm đổ nghiêng bóng những mái nhà xuống lòng đường. Chiếc xe đò đã ngừng tại bến và hành khách lục tục xuống xe. Các chị quang gánh và thúng mủng, mà chúng tôi đã có dịp nói chuyện và hàn huyên suốt dọc đường, đang xuống xe cùng với chúng tôi – mười sáu người tù cuối cùng. Chiếc xe đò đã chở chúng tôi từ trại giam Hàm Tân Z-30D từ Bình Thuận về đến Sài Gòn.
 
Chúng tôi đã xa thành phố này đúng 17 năm kể từ ngày miền Nam sụp đổ khi cộng quân ùa vào xâm chiếm thành phố hầu như bỏ ngỏ này sau lệnh đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Miền Nam tự do và anh hùng, sau 21 năm chiến đấu can trường và dũng cảm, đã bị bức tử một cách đau thương vì đồng minh Hoa Kỳ đang tâm bắt tay với Trung Cộng. Mười bẩy năm trước, tôi phải giã từ thành phố đầy kỷ niệm này và tất cả các người thân yêu trong niềm đau uất nghẹn ngào để bước chân vào chốn không cùng của những trại giam tập trung mọc lên như nấm của cộng sản khắp hai miền Nam Bắc. Sau một năm trong các trại giam trong Nam, mười hai năm biệt xứ lưu đầy ngoài Bắc, cộng thêm bốn năm nữa lao động khổ sai trong Nam, hôm nay ngày 29-4-1992, chúng tôi 16 tù chính trị cuối cùng thuộc chế độ VNCH trong trại Z-30D đã được thả ra sau mưới bẩy năm – còn bốn ông tướng thì một tuần sau ngày 5-5-1992, cộng sản mới thả ra: Lê Minh Đảo, Lê Văn Thân, Đỗ Kế Giai và Trần Bá Di. Họ là 20 người tù cuối cùng trong số hàng triệu quân dân cán chính VNCH đã phải vào trại tập trung từ ba ngày, đến 10 ngày, đến 1 tháng và nhiều năm sau đó, mà Hà Nội huyên hoang một cách xảo trá với thế giới đó là “chính sách khoan hồng nhân đạo” khi chúng vào chiếm miền Nam. 

Từ đó, nhà tan cửa nát, đất nước điêu linh, quê hương đọa đầy, và dân lành thống khổ dưới sự cai trị hà khắc tàn bạo của chế độ cộng sản vô thần, vô tôn giáo, và vô tổ quốc. Trên bốn ngàn năm lập quốc và giữ nước, Việt Nam chưa bao giờ bị rơi vào tình huống vô cùng nguy nàn của thù trong là Việt Cộng đang dâng đất đai biển cả của tổ tiên cho kẻ thù phương Bắc, và giặc ngoài là giặc Trung Cộng đang tràn xuống phương Nam và luôn lăm le Hán hóa dân Việt.
 
blank
12 trong số 20 người tù cuối cùng: hàng ngồi từ trái: Tướng Lê Minh Đảo, Trung Tá Huỳnh Kim Hiếu, Phạm Gia Đại, Tướng Trần Bá Di, Trung Tá Huỳnh Văn Kiên. Hàng đứng từ trái: Trung úy Nguyễn Đức Thắng, Trung Tá Trần Văn Xoàn, anh Miên (hồi chánh), Trung Tá Nguyễn Đạt Phong, Trung Tá Nguyễn Hữu Hải, con gái một anh vào chụp hình chung trong khu lao động của đội 23, Thiếu Úy Hòa, và Tướng Đỗ Kế Giai. (Hình chụp khoảng tháng 3-1992, và thời gian này những người tù cuối cùng trên vai 17 năm, tin rằng họ sẽ có ngày về.) 

Một miền Nam trù phú, an bình, yêu chuộng tự do không còn nữa, người dân bị tròng vào cổ hai tầng áp bức, nhất là đồng bào gần các tỉnh biên giới. Người dân bị cướp hết tài sản, tiền vàng bạc, ruộng vườn, ao cá. Những than khóc thấu đến Trời Xanh, nhưng loài quỷ đỏ vẫn không ngừng tay chém giết và cướp bóc.
 
Để nắm lấy toàn quyền sinh sát trong Nam, cộng sản Bắc Việt đã loại trừ ngay các thành phần lãnh đạo trong “Mặt Trận Giải Phóng” của Việt Cộng trong Nam, và “Thành Đồng” đã trở thành “Đồng Nát”. Những con người tai bèo khăn rằn trong Nam, cũng như hàng ngàn người đã từng nuôi dưỡng quân “Giải Phóng”, khi hiểu ra họ chỉ là những viên đá lót đường cho quân Bắc Việt trong công cuộc xâm lăng miền Nam thì đã quá muộn. Miền Nam sau năm 1975 đang rơi vào sau “Bức Màn Sắt” như Miền Bắc sau năm 1954.
 
Trên chuyến xe đò trở về thành phố thân yêu, chúng tôi đã được nghe người dân kể lại bao đau thương mất mát mà họ đã phải hứng chịu khi cộng quân tràn vào thành phố sau tháng 4-1975. Người dân sống trong các thành phố hay làng mạc Miền Nam cũng chẳng khác gì bị nhốt trong một nhà tù khổng lồ, bị canh giữ bởi các họng súng AK và những cặp mắt cú vọ, và mạng người bị xem rẻ hơn loài vật. Hàng triệu người đã bị hãm hại, bị đầy ải đi vùng kinh tế mới, bị đánh tư sản, bị đảng cộng sản ăn cướp giữa ban ngày, và bị đổi tiền hai lần để thực hiện chính sách của cộng sản nhằm bần cùng hóa một Miền Nam quá thịnh vượng ngoài sức tưởng tượng của đám cán bộ khi vào tiếp thu các thành phố. Người dân vô cùng kinh ngạc khi gặp chúng tôi và biết được sau 17 năm những quân dân cán chính cuối cùng mới được thả ra khỏi trại giam. Họ đã tặng cho chúng tôi những gì còn lại trong thúng mủng sau chuyến buôn cuối ngày của họ như những trái cây, mũ nón, những đôi dép nhựa, và mừng chúng tôi đã sống sót trở về đoàn tụ gia đình.
 
Tôi đứng bên lề đường cùng các bạn, phân vân chưa biết đi về hướng nào, vì Sài Gòn bây giờ đã nhiều thay đổi, các con đường và chính thành phố thân yêu này cũng đã thay tên. Dòng xe cộ vẫn di chuyển trên đường, mọi người vẫn hối hả cho xong việc để trở về nhà chăng? Và chẳng ai để ý đến chúng tôi đang ngơ ngác bên đường trong ngày đáng ghi nhớ nhất đời mình. Ngày mà chúng tôi không hề mong đợi vì đã bao nhiêu năm trôi qua trong vô vọng, thì đột nhiên nó lại đến với tờ Giấy Ra Trại chỉ nhỏ bằng nửa bàn tay một mầu xam xám, nhưng không có nó chúng tôi đã kéo lê cuộc đời tù đầy mười bẩy năm qua. Hàng ngàn người đã ngã gục trong các trại giam, trên những luống cầy, trong rừng sâu khi đốn củi, tại những đồn điền trong thung lũng nơi rừng thiêng nước độc. Hàng ngàn tù nhân chính trị đã chết vì kiệt sức, vì bị bỏ đói thiếu cơm ăn áo mặc khi mùa Đông ập đến, vì bệnh tật không thuốc men, vì bị kẻ thù hành hạ tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần. Vậy mà chúng tôi còn tồn tại dù nhiều lần đã chết đi sống lại, quả là phép lạ!
 
Tôi quay nhìn lại các bạn mình lần chót, những người bạn, những chiến hữu, những bạn tù đồng cam cộng khổ, chia sớt miếng cơm manh áo, điếu thuốc với nhau giờ đang đứng đây tìm đường về nhà. Tôi siết tay các bạn thật chặt lần chót, chỉ nhìn nhau không ai nói một lời, có lễ tâm trí mỗi người đang lưu lạc đi một hướng. Một số bạn còn vợ con thì sẽ về với vợ con, một số gia đình đã vượt biên hay di tản rồi thì về với thân nhân còn ở lại. Một số phải về tỉnh sống nhờ người quen vì anh chẳng còn ai thân nữa trên cõi đời này sau biến cố tang thương 30-4 mười bẩy năm trước. Thế rồi như con sóng vội xô vào bờ, chúng tôi tản mỗi người một phía, phút chốc chẳng còn ai, và tôi cũng vội đón một chiếc xe ôm tìm về nhà ông anh thứ hai ở Trương Minh Ký.

Tôi đã từng ở con đường Trương Minh Giảng nối dài xuống Trương Minh Ký này trên mười lăm năm trước kia, nhưng hôm nay cảnh vật đều thay đổi, đều lạ lẫm, hay như trong truyện mà tôi say mê từ hồi niên thiếu: “Hôm Nay Tôi Đi Học” của nhà văn Thanh Tịnh –vì chính trong tôi đang có nhiều thay đổi? Tôi vào tù cộng sản khi còn thanh niên và khi ra khỏi tù đã quá trung tuần với mái tóc đã hoa râm. Thời gian ấy đủ để cho một đứa bé từ bậc tiểu học qua trung học và tốt nghiệp đại học. Thời gian là liều thuốc thần diệu xoa đi bao đau thương mất mát nhưng quả cũng là một cái gì thật nghiệt ngã và vô tình. Hai đứa con tôi lúc tôi đi tù năm 1975 mới bốn và năm tuổi, bây giờ đã trưởng thành trên hai mươi hết cả rồi. Bao nhiêu năm qua mỗi độ xuân về trong tiếng pháo Tết giòn dã, chúng lại trông ngóng người bố trở về, nhưng bao nhiêu năm rồi bố của cháu vẫn biệt tăm, và hai cháu vẫn sống trong niềm vô vọng. Hôm nay tôi trở về chắc hai con tôi mừng lắm, và mẹ tôi cùng các em đã đi Mỹ theo chương trình đoàn tụ bây giờ ở bên Mỹ chắc vô cùng mừng rỡ vì công lao nuôi tôi mười mấy năm trong tù, nay ngày trở về đã thành hiện thực.
 
Chiếc xe ôm dừng trước một con hẻm, người tài xế xe ôm cũng là một quân nhân trong chế độ cũ, khi biết tôi là một trong những người tù cuối cùng, đã không lấy tiền, nhưng tôi bỏ tiền vào tay anh rồi nắm tay anh cám ơn vì anh cũng cần có tiền để nuôi gia đình. Anh mỉm cười thật tươi rồi chào tôi theo kiểu nhà binh. Tôi lững thững bước vào trong hẻm, trên vai vẫn khoác chiếc ba lô lính mầu xanh ngày nào tôi khoác nó ra đi trong tủi hận, chỉ khác là nó nay đã bạc mầu và nhiều chỗ vá vì chuột gặm. 

Sau khi tìm một hồi mới thấy căn nhà ba từng của ông anh thứ hai ở tận cuối một con hẻm khá rộng ở sâu bên trong. Tôi bước qua cái sân nhỏ rồi bước vào căn phòng lát đá hoa, cửa mở nhưng chẳng thấy một bóng ai. Bao nhiêu năm rồi tôi mới nhìn thấy lại sàn đá hoa và những tủ bàn ghế, những lẵng hoa, bức tranh đầy mầu sắc của quán cà phê thành phố Paris bên giòng sông Seine, những con búp bê nhựa thật đẹp trong váy xòe đứngtrong tủ kính. Tôi đang tần ngần với các trang trí kiểu tây phương trong nhà ông anh thứ hai, thật khác xa với nằm trên sàn gỗ hay bục xi măng bao nhiêu năm trời, thì anh tôi từ bếp xuất hiện. Sau một giây ngỡ ngàng, anh la lên: “Em ơi! Chú Đại về này”. Anh chạy lại bên tôi, đỡ lấy cái ba lô: “Anh chờ chú bao lâu rồi vẫn không thấy?” Tôi nói với anh mà ngỡ như tự nhủ thầm: “Tôi về trong đợt cuối cùng, trong số những người cuối cùng.”

Anh cho biết chỉ còn gia đình anh ở lại, mẹ tôi và gia đình năm em tôi đã được ông anh thứ ba là thủ khoa khóa 13 hải quân Nha Trang bảo lãnh từ 11 năm trước, nay đã định cư bên California. Và từ mấy năm nay, anh đã để sẵn căn phòng trên lầu 3 chờ đón tôi về. Tôi chợt nhớ đến các bạn mình, chắc giờ này đã về đến nhà và đang tíu tít với vợ con người thân, tôi thấy vui trong lòng nhưng cũng thật nhớ các bạn, những người đã từng vào sinh ra tử với mình trong tù mà tôi không thể nào quên được trong cuộc đời này. Tôi nhớ đến một lá thư của một anh bạn cấp trung tá được tha về đầu năm 1988, sau 13 năm tù, khi về với gia đình đã viết vào thăm tôi và 90 người cuối cùng còn ở lại ngoài Bắc tại trại Ba Sao Nam Hà rằng anh rất vui ra về nhưng các anh ví như chỉ được huy chương bạc, còn chúng tôi những người tù cuối cùng mới xứng đáng được huy chương vàng. Bây giờ các anh ở đâu, hy vọng chúng ta sẽ hội tụ bên phương trời tự do một ngày không xa.

Trong khi anh tôi vội vã leo chiếc cầu thang xinh xắn xây theo hình xoắn ốc xuống nhà để dục người vợ và vợ chồng con gái anh chuẩn bị bữa cơm chiều, tôi lấy một bộ quần áo mới ra và vào phòng tắm. Đây là lần đầu tiên sau mười bẩy năm, tôi được tắm trong một phòng kín với vòi hoa sen và nước ấm, và sà phòng thơm. Tôi kỳ cọ thật lâu như muốn tẩy đi hết những bụi trần, chướng khí của trại giam đã bám vào người mình bấy lâu, và thấy thật dễ chịu dưới dòng nước ấm.

Khi bước vào phòng ăn, tôi thấy ngoài gia đình anh tôi còn có vợ chồng bác sĩ Như bạn anh tôi và cô em họ tên Mai. Anh tôi giới thiệu tôi mười bẩy năm mới về. Cô Mai nhìn tôi thắc mắc và hỏi anh tôi sao tôi từ Mỹ về mà xanh xao gầy quá vậy. Anh tôi phá lên cười và nói rằng cậu em anh mới về từ trại giam, mười bẩy năm bị tập trung và lưu đầy, sau khi mất miền Nam. Tôi cũng bật cười, nụ cười thật hiếm hoi trên môi người tù vừa từ vùng rừng núi trở về thành phố.
 
Mọi người đều ăn uống trò chuyện rôm rả. Tôi đã nhờ cậu cháu rể sáng ngày mai về Phú Lâm báo tin cho hai con tôi biết bố cháu đã về nên cũng tạm yên tâm, sau đó sẽ thu xếp lên chùa thăm thầy của tôi. Còn nhiều việc phải làm, nhất là phải ra đi thật nhanh theo chương trình nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ Humanitarian Operation (H.O.) vì ngày nào còn ở đây tính mạng mình vẫn còn bị đe dọa. Vừa ăn bữa cơm gia đình lần đầu tiên sau bao nhiêu năm xa vắng, tôi vừa suy nghĩ tới đâu tính tới đó, Trời Phật đã cứu những người tù cuối cùng này ra khỏi tù, thì con đường mình sẽ đi cũng đã định sẵn. Cơn mưa đêm kinh hoàng đã qua rồi, ngày mai trời lại sáng./. (kỷ niệm ngày ra khỏi trại giam tập trung Hàm Tân Z-30D 29-4-1992).

Phạm Gia Đại
Source:vietbao.com
ĐÊM THUYỀN NHÂN 27-4-2019 TAI VIỆN VIỆT HỌC NAM CALI

Phương Thy

Tối Thứ Bảy 27-4-2019 nhiều đồng hương đa số là thuyền nhân năm xưa đã đến dự buổi văn nghệ chủ đề Đêm Thuyền Nhân do Câu Lạc Bộ Viện Việt Học tổ chức.

Có 17 tiết mục trình diễn đơn ca, song ca, hợp ca những ca khúc về thảm cảnh vượt biển, về thương nhớ Sài Gòn đấu tranh, quê hương. Những tiếng hát gồm Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Chế Tùng, Thiên Phụng, Quý Hà, Kiều Diễm, Mỹ Hạnh, Minh Vũ, Lan Anh, Mạnh Quân, Hương Thơ và ban hợp ca Hương Xưa trình bày những tác phẩm của Trầm Tử Thiêng, Trúc Hồ, Phan Văn Hưng,  Hà Thúc Sinh, Nguyễn Đình Toàn, Việt Dũng… Tiếng đàn Keyboard của Phạm Tú, âm thanh Nguyễn Thái.

Anh Bùi Quốc Vinh ôm đàn hát ca khúc tự sáng tác là Thuyền Nhân và Biển Cả.

Tiếng hát Minh Vũ diễn tả xúc động bài Xác Em Nay Ở Phương Nào của Trần Chí Phúc phổ thơ Ngọc Khôi “ Xác em nay ở phương nào. Tấp sang đất Thái hay vào Nam Dương. Có khi xác vượt trùng dương. Trôi về Bắc Mỹ trách hờn người yêu”...

Xin vào Youtube để nghe:
 
Chị Kim Ngân, điều hành Viện Việt Học đọc diễn văn mở đầu đêm nhạc và điều hợp phần trao đổi câu chuyện với một số thuyền nhân và anh Bùi Quốc Vinh trại trưởng trại ty nạn Cheras- Malaysia.
 
Mùa Quốc Hận 30-4-2019 có nhiều buổi sinh hoạt trong cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam trong đó có Đêm Thuyền Nhân tại Viện Việt Học.  
 
Đêm Thuyền Nhân gợi nhớ một thời vượt biển, một số thuyền nhân năm cũ tham dự có dịp hàn huyên về kỷ niệm đau buồn đó “ Mỗi năm cứ đến ngày oan trái. Ta thắp hương lòng để nhớ thương”.
blank
1- Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm
blank
3- Ban hợp ca Hương Xưa
blank
4- Lâm Dung Ngọc Quỳnh
blank
5- Hương Thơ
blank
7- Quảng Cáo Đêm Thuyền Nhân
blank
8- Bùi Quang Vinh
blank
9- Minh Vũ

Chuyện Cướp Ngân Hàng Quận Cam
 
Hồ Thanh Nhã
  
Tôi gác nhà Bank cho đến ngày về hưu năm ngoái (2018) là  hơn 19 năm. Chỉ gác duy nhất Bank of America thôi, có mang súng!  Một đoạn đường khá dài và cũng lắm kỷ niệm vui buồn. Khách đến Bank hàng ngày dù Mỹ hay Việt thỉnh thoảng hay cười đùa với tôi: "Easy money! '. Không dễ đâu!

Ông Bank manager người Mỹ trắng hói đầu ở Moulton Plaza, thành phố Laguna Hills đã từng đuổi 4 người Security Guard chỉ trong vòng một tháng. Tới khi đổi tôi tới,  thì êm ru. Tôi gác ở nhà Bank nầy một lèo 2 năm và khi người Manager hói đầu nầy được thăng cấp đổi đi, ông còn gọi cho ông Boss hãng tôi đề nghị cho tôi tăng lương. Trong 75 chi nhánh Bank of America của Orange County và Long Beach county, chỉ có tôi là người Việt Nam duy nhất và là một nhân viên thâm niên  nhất, là 19 năm.
Làm cái Job như tôi, chịu áp lực từ cả 3 phía: Nhân viên nhà Bank  và khách hàng  mình tiếp xúc hàng ngày. Còn người Bank Captain của hãng thì chợt tới chợt đi kiểm soát  mình bất cứ lúc nào. Làm trật Rules của công ty thì nó đuổi mình liền không có chuyện năn nỉ, thông cảm như các hảng Việt. Làm hàng ngày một lèo từ lúc Bank mở cửa và chiều 6 PM Bank đóng cửa. Nhưng mình chỉ đươc phép về khi người khách sau cùng rời Bank. Mỗi ngày làm 9 tiếng rưởi, Job đứng, không được ngồi. Chỉ được ngồi trong nửa giờ Lunch và 2 lần Break, mỗi lần 15 phút. Giờ nghỉ phải Scan vào máy Device của mình, để ở Office thằng Bank Captain nó biết giờ In và giờ out của mình. Lương thì  khá hơn gác ở chợ hay Shopping center nhưng cách làm việc thì phải theo đúng Rules, nghĩa là tác phong nghiêm chỉnh, không được ngồi, không dựa lưng vào tường, không được nói chuyện lâu với khách, sợ móc nối cướp nhà Bank chăng, không được đứng sau Teller Window chắc sợ mình để ý tới  tiền bạc. Cả chục  loại luật lệ hạn chế. Bởi vậy ít có người Bank Protection Officer nào làm lâu năm được, cao lắm là năm ba năm là bị đuổi hay đi tìm Job khác ít khắt khe hơn.
 
Thế mà lâu lâu cũng xảy ra một chuyện ngoài ý muốn của mình. Đó là chuyện : Bị cướp nhà Bank. Chuyện xảy ra vào tháng 1 năm 2001, ngày thứ Bảy. Như thường lệ thì thứ Bảy 2 PM là nhà bank đóng cửa. không cho khách vào nữa. Tôi đứng bên ngoài, mở cửa cho khách ra. Trong Teller line chỉ còn chừng 5 người. Thấy có người ra, tôi mở cửa cho ra, xong đóng lền lại. Bên trong tự nhiên  thằng Raymond -Teller- vôi vả ra và nói với tôi: Robber! Robber – rồi Raymond rượt theo. Biết có biến, tôi vừa chạy theo Raymond vừa rút còi ra thổi báo động inh ỏi. Tên cướp chạy qua dãy máy ATM, chạy quẹo ra phía sau nhà Bank. Cũng may, lúc đó có 3 thằng boys đang đứng chờ ở máy ATM, nghe tiếng còi và thấy Raymond đang đuổi theo tên cướp, chúng liền đuổi theo tiếp, chạy theo sau Raymond. Tôi cũng chạy tiếp sau chúng và  liên tục thổi còi. Tên cướp chạy tới một hàng rào bằng lưới B 40 thì leo qua. Raymond và 3 thằng boys cũng  leo qua tiếp. Có lẽ nột quá, tên cướp vứt nắm tiền xuống cỏ, chạy tiếp. Thấy nó vứt tiền lại, Raymond và 3 em trai không đuổi tiếp, lượm tiền và giao cho tôi, được 3 ngàn năm trăm đồng. Sau đó, tôi vào trong giao lại cho Manager. Còn tên cướp chạy tiếp chừng 50 mét nữa thì gặp môt bờ tường trước mặt . Nó đành rẽ trái toan chạy tiếp, thì 3 xe cảnh sát từ hai hướng chạy tới chận đường, bắt còng tay lại liền. Thì ra trong khi chúng tôi rượt đuổi bên ngoài thì bên trong nhân viên nhà Bank báo động  cho Cảnh sát chận bắt liền. 

Chuyện kể hơi dài nhưng chỉ trong vòng 15 phút là tên cướp đã bị bắt. Tên cướp người Mễ, chừng 40 tuổi. Sau đó thì Cảnh sát chìm, nổi, FBI, chừng 7-8 người, tới nhà Bank, điều tra chi tiết, hỏi Raymond và tôi liên tục đến 8 giờ tối mới đúc kết xong hồ sơ vụ cướp. Gác nhà Bank 19 năm, vụ cướp nầy là lần đầu tiên tôi chứng kiến. Cũng là một bài học hay, thu thập kinh nghiêm cho Job gác nhà Bank của tôi. Còn nhiều câu chuyện vui buồn khác thỉnh thoảng xảy ra dưới mái nhà Bank, mà chuyện kế tiếp tôi kể ra như sau:
  
Hộp mắm kho

Nè cháu! Đừng hâm!
Con bé Loan le lưỡi mĩm cười
Rút vội hộp mắm kho
Khỏi Microwave bốc khói
Mùi mắm thơm lừng
Làm  tôi thấy đói

Con bé du học sinh vừa mới ra trường
Nhớ quê hương
Không tiền về nước
Đem mắm kho ăn lén
Trong giờ lunch
Cho đỡ nhớ giòng Ba lai nước đục
Nhớ mẹ nhớ em từ cuối chân trời

Hai chú cháu
Nhìn nhau thông cảm mĩm cười
Ăn xong tôi mỡ cửa bước ra ngoài
Bà Mỹ già xếp hàng chờ tới lượt
Đưa mắt hỏi tôi
Hình như có mùi gì khủng khiếp?
Tôi mắc cở trả lời
Chắc mùi ống cống cạnh nhà bank
Rồi đi luôn không dám nói thêm gì

Vài phút sau
Cũng chẳng còn ai nhắc chi
Đến mùi mắm kho trong nhà bank nước Mỹ
Nhưng tôi nhớ hoài
Có lẽ đến nhiều năm

Mấy bữa sau
Phòng lunch cũng chỉ có hai người
Con bé lại mang vào
Hộp cá kèo kho tộ với rau răm
Lần nầy không dám hâm
Nhìn con bé ăn ngon lành
Với hộp cơm gạo nàng Hương bốc khói
Tôi nuốt nước miếng thèm thuồng
Thấy nó ăn hình như mình cũng đói
Ôi ! Cái con bé nầy ăn chi mà cắt cớ
Toàn những món tầm thường
Hằng bữa quê hương

Tôi nhìn bữa lunch con bé
Cười mỉm hỏi đùa
Cháu có người yêu chưa?
Con bé hai mươi ngước mắt ngây thơ
Chi vậy chú?
Đi với người yêu mà ăn uống thế nầy
Lúc âu yếm làm sao hôn được?
Con bé thẹn thùng
Nhìn sang hướng khác
Tôi chợt thấy một trời bát ngát quê hương

Mùa mưa Bến Tre
Nước ngập sau vườn
Con nước rông đợt Rằm
Tràn bờ đục nước phù sa rạch nhỏ
Mẹ nấu cơm chiều
Con hơ tay sưởi ấm
Bữa cơm chiều ôi sao mà ảm đạm
Chỉ có tô canh nghèo tép vụn nấu mồng tơi
Cũng có khi
Rau tập tàng mấy thứ
Hái vườn sau mà sao quá là ngon

Hơn hai mươi năm viễn xứ dép giày mòn
Nếm đủ món Tây-Tàu-Mễ-Thái
Cho đến bây giờ tôi mới thấy
Không đâu bằng
Cơm gạo mới thơm lừng
Ăn với tô nước mắm kho khô quẹt
Những chiều mưa gió
Chắc còn hơn mỹ vị nhà vua
Hai tiếng quê hương như điệu hò nức nở
Ngàn năm sau chưa chắc có người quên

 Hồ Thanh Nhã

Blog Archive