Wednesday, November 2, 2016

Biển Mặn và Em Tôi




Image result for ocean photography

Tôi qua Mỹ hơn hai mươi năm. Các nhóm bạn thường rủ nhau đi “cruise”, tôi đều lắc đầu: “Em chả! Em chả!”.

“Cruise” là những chuyến du lịch bằng tàu, dịch cho văn vẻ gọi là du thuyền, giá cả vừa túi tiền, có khi gặp mùa hạ giá, giá rẻ không ngờ, ai cũng đi chơi được. Như vậy đi chơi tàu đâu phải chỉ dành cho những người giàu có hay giới thượng lưu.

Tôi tự giải thích với mình và bạn bè bằng nhiều lý do nào là “mạng hỏa, kỵ nước”, “không biết bơi”, “ bị say sóng”, “ăn kiêng” hay còn lý do nào khác... Mười lăm năm lăn lộn trong nghề làm du lịch, tôi có nhiều cơ hội được các hãng ưu đãi cho đi chơi giá rẻ nhưng tôi vẫn không đi là... không đi. Nghĩ lại không tiếc chút nào. Đành chịu nhận mình là dân không “cù lần” thì cũng “hai lúa”.

Năm nay, tôi đã đến cái tuổi đã xếp thành... “bó”. Người xưa chỉ mới năm mươi đã biết được mệnh trời. “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Nay tôi xấp xỉ đến gần bảy mươi, biết được “mệnh trời”, còn gì phải sợ nước, sợ tai nạn, sợ...chết?

Đời sống ngắn ngủi và mong manh quá. Tuổi càng cao tỷ lệ nghịch với cơ hội càng ít và và sức khỏe càng giảm. Chuyến đi trên tàu lại trùng với ngày sinh nhật của tôi. Chuyện sinh tử của con người chỉ là cái vòng luẩn quẩn. Nếu phải chết trong ngày sinh nhật thì chết chỉ là sự quay về để bắt đầu tái sinh vào một đời sống mới. Nghĩ vậy, tôi quyết định phen này đi một chuyến với nhóm bạn của lớp vẽ cho biết mùi... “cruise”.

Mười lăm năm về trước, cộng đồng người Mỹ gốc Việt sống rải rác trên nước Mỹ chưa có khuynh hướng du lịch hay nghỉ hè bằng tàu nhiều như bây giờ. Người Việt thích đi “land tour package” là loại đi chơi trên đất liền gồm vé máy bay để phân biệt với “cruise” là một loại đi chơi trên tàu, vé máy bay phải mua riêng. Nếu đi chơi trên tàu, người Việt thích mua ở các công ty du lịch của Mỹ vì họ chuyên nghiệp và đáng tin. Người Mỹ thích đi tàu vì họ có khuynh hướng thích phiêu lưu và khám phá những điều mới lạ. Họ biết hưởng thụ đời sống. Đi chơi bằng tàu cũng là một hình thức hưởng thụ cao cấp và giải tỏa những căng thẳng trong công việc và đời sống Mỹ. “The great way to relax”. Hình dung những ngày sống trên tàu, họ hòa mình với thiên nhiên, chung quanh họ là một màu xanh của trời mây sông nước và những sinh hoạt ăn chơi suốt ngày gần như bất tận “endless entertainments”.

Vì thế, theo thống kê, hàng năm có khoảng hai mươi mốt triệu người trên thế giới du lịch bằng tàu. Riêng nước Mỹ, từ các hải cảng của các tiểu bang, có khoảng mười triệu người Mỹ đi chơi tàu, sáu mươi phần trăm xuất phát từ vùng Bắc Mỹ. Một trong địa điểm ưa thích nhất của họ là vùng biển Caribbean phía đông nam tiểu bang Florida và bắc Nam Mỹ, một vùng biển nổi tiếng đẹp có hơn bảy ngàn đảo lớn và nhỏ.

Thời đó, muốn đi chơi bằng tàu, khách hàng xem trên các tờ quảng cáo “brochure hay các tạp chí du lịch thông qua trung gian là các tiệm bán vé máy bay. Các hãng cho các “travel agent” là các đại lý hưởng tiền hoa hồng cao từ mười đến mười hai phần trăm tính trên giá tiền mua. Đây là thời vàng son của ngành du lịch. Theo thời gian, do sự bùng nổ của các trang mạng, số phần trăm này càng ngày càng giảm đi vì các hãng bán trực tiếp cho khách hàng. Chỉ cần di con chuột trên màn hình hoặc “quẹt” trên mặt kính của điện thoại, mọi thông tin và giá cả mua bán hiện ra đầy đủ. Khách hàng tha hồ chọn lựa các chuyến đi và trả tiền bằng thẻ thẳng cho hãng. Họ không cần đến tiệm bán vé máy bay, không cần xem quảng cáo trên giấy. Vì thế ngành du lịch cũng như in ấn càng ngày càng đi vào chỗ teo tóp và ngắc ngoải.

Đi chơi bằng du thuyền, ai cũng tìm tòi trên mạng các hãng nổi tiếng để tìm giá rẻ hay những đợt hạ giá. Hãng Carnival Cruise có đội tàu (fleet) gồm hai mươi bốn chiếc, mỗi chiếc trị giá hàng tỷ đô-la được xem là lớn thứ nhì trên thế giới. Hãng này đã hạ thủy con tàu Queen May 2 hai tầng, nặng một trăm năm mươi mốt ngàn bốn trăm tấn và sức chứa là ba ngàn sáu trăm du khách. Chưa thấm vào đâu với hãng Royal Caribbean Cruise có đội tàu gồm hai mươi lăm chiếc. Con tàu hai tầng này được xem là lớn nhất thế giới Harmony Of The Seas nặng trên hai trăm hai mươi sáu ngàn tấn, có sức chứa năm ngàn bốn trăm người. Ngoài hai hãng lớn này còn có nhiều hãng lớn khác như Princess Cruise có đội tàu gồm mười tám chiếc và chiếc lớn nhất Royal Princess có trọng tải một trăm bốn mươi mốt ngàn tấn và sức chứa ba ngàn sáu trăm người. Hãng Norwegian Cruise có đội tàu gồm mười ba chiếc và chiếc lớn nhất có tên Norwegian Escape nặng một trăm sáu mươi bốn ngàn tấn, chứa khoảng bốn ngàn một trăm người. Ngoài ra còn nhiều hãng nhỏ như American Cruise Lines có đội tàu gồm tám chiếc, hãng Viking Ocean Cruises, Windstar Cruises...

Nếu hành tinh này có bảy mươi mốt phần trăm là nước biển, trải rộng trên bốn đại dương thì những hãng kinh doanh dịch vụ ngành đi chơi bằng thuyền với những con tàu loại thượng hạng đã mang đến cho nhân loại những tiện nghi hiện đại nhất về mặt giải trí và hưởng thụ của đời sống văn minh trên mặt biển.

“Cruise” được ví như một thành phố nhỏ có nhiều tầng trên đất liền, tập hợp đầy đủ những sinh hoạt vui chơi phong phú và đa dạng, khách hàng có thể chọn lựa tùy theo giá tiền và đặc điểm của các loại “cruise” mình ưa thích. Du khách có máu đỏ đen đã có các sòng bài mở cửa suốt ngày đêm. Hồ bơi, tắm hơi, sân banh, sân “golf”, sân bóng chuyền, bóng rổ, trượt tuyết, trượt nước, đánh bốc, leo tường... cho giới trẻ và những ai thích thể thao. Các trung tâm mua sắm lớn và các dịch vụ chụp hình, chăm sóc sắc đẹp cho phái nữ như cắt tóc, làm móng tay, trang điểm, mát-xa dành cho quý bà quý cô. Ai thích kịch nghệ đã có sân khấu trình diễn các vở kịch lớn như ở Broadway. Ai thích âm nhạc hay nhảy đầm đã có các buổi trình diễn hay các ban nhạc kích động có khiêu vũ, ca sĩ hoặc hát “karaoke”. Ai thích hội họa đã có các phòng triển lãm tranh (gallery). Xem phim thì có các rạp chiếu phim mà màn ảnh to như cái hồ bơi. Ai có con nhỏ đã có nhà giữ trẻ cho bố mẹ đi chơi. Giới say xỉn bia bọt đã có các quầy rượu mở cửa suốt đêm. Ngoài ra còn có các câu lạc bộ, phòng tiếp tân, các chương trình dạ hội hàng đêm, các trò chơi “games show” hợp với mọi lứa tuổi.

Trong chuyến đi chơi bằng thuyền năm ngày của lớp vẽ trên con tàu Carnival Inspiration của hãng Carnival Cruise, tờ quảng cáo “Fun Times” liệt kê chi tiết các chương trình từ bảy giờ sáng đến mười một giờ khuya, giúp cho du khách chọn lựa thời gian thích hợp cho các mục vui chơi hoặc các buổi trình diễn ca nhạc mình ưa thích.

Đó chỉ mới là “chơi”. Còn mục “ăn”, trên tàu có các phòng ăn lớn phục vụ hàng ngàn du khách bữa điểm tâm và bữa trưa với các món ăn tự chọn. Buổi tối là bữa ăn chính gồm có món khai vị, món chính và tráng miệng. Rượu, bia phải trả tiền. Du khách được khuyến cáo ăn mặc lịch sự, được phục vụ chu đáo với những món ăn Âu, Mỹ và các nước. Ai muốn tổ chức sinh nhật hay mừng ngày lễ kết hôn, chỉ cần nói với người phục vụ, họ sẽ mang rượu, một cái bánh nho nhỏ và một ngọn đèn cầy đến hát hò chúc mừng. Tiền tip đã tính vào thẻ nhưng du khách có thể tặng riêng bằng tiền mặt.

Tóm lại, các sinh hoạt vui chơi và ăn uống này kéo dài liên tục không ngừng trên tàu làm cho người đi chơi trên tàu luôn luôn bận rộn và vui vẻ. Một tấm thiệp mừng ngày sinh nhật của bạn để trên chiếc gối khi bạn về phòng là sự quan tâm nho nhỏ và tế nhị làm cho du khách hài lòng. “Keep them busy and happy” trong chuyến hải hành là phương châm của các hãng tàu.

Nhắc đến đi du lịch bằng tàu, ai cũng đều biết cuốn phim Titanic hoàn thành năm một chín chín bảy, dựa vào một tai nạn có thật từ chiếc tàu của nước Anh RMS Titanic được mệnh danh là “Unsinkable Ship”. Năm một chín mười hai, chiếc tàu này đã đâm vào một tảng băng và chìm ở biển Bắc Đại Tây Dương. Đây là một tai nạn khủng khiếp có số tử vong cao nhất, một ngàn năm trăm người chết trong số hai ngàn hai trăm hành khách.

Năm một chín mười lăm, chiếc du thuyền Titanic được mệnh danh là “The Ship Of The Dreams”, (phát âm gần giống với chiếc tàu định mệnh RMS Titanic) khởi hành từ bến cảng của con sông Chicago cách thành phố lớn vài dặm thuộc tiểu bang Chicago. Tại đây, dân chúng của thành phố chứng kiến cảnh con tàu quay ngược và lật ngửa. Tai nạn này đưa đến con số tám trăm bốn mươi người chết trong số hai ngàn năm trăm hành khách.

Hai tai nạn lớn trong lịch sử ngành hàng hải chỉ cách nhau ba năm là nguồn cảm hứng cho nhà đạo diễn tài ba James Cameron thực hiện cuốn phim Titanic. Đây là cuốn phim lãnh nhiều giải Oscar nhất trong số đó có giải Oscar là phim hay nhất và đạo diễn tài ba nhất cũng như có số doanh thu cao nhất, trên hai tỷ đô la. Đạo diễn James Cameron đã dựng nên một chuyện tình lãng mạn giữa Jack, một chàng họa sĩ trẻ, nghèo, không nhà, chơi bài xì (poker) thắng được chiếc vé lên tàu ở khoang hạng ba và Rose, cô gái thuộc giai cấp thượng lưu định nhảy xuống biển tự tử vì bị mẹ ép lấy chồng giàu để cứu vãn gia đình. Kết thúc bi thảm của mối tình vượt qua ranh giới giai cấp là con tàu đâm vào một tảng băng trong lúc cặp tình nhân dắt nhau chạy trốn vì Jack bị nghi ngờ ăn cắp chuỗi ngọc. Họ hoảng loạn nắm tay nhau chạy tìm lối thoát khi con tàu sắp chìm. Rose bám được một mảnh gỗ trôi trên biển và được cứu sống. Jack từ từ buông tay và chìm xuống biển sâu.

Cuốn phim và tiếng hát của ca sĩ Cecile Dion trong bài “My Heart Will Go On” đã làm rung động bao nhiêu con tim và lấy đi nhiều giọt nước mắt của người xem cũng như hình ảnh khủng khiếp của con tàu đâm vào tảng băng đã làm nhiều người bị “sốc”. Nhiều người bị ám ảnh và sợ đi chơi bằng tàu.

Nhắc đến chiếc RMS Titatric bị đâm vào các tảng băng, chiếc Titanic bị chìm, ngoài ra còn có nhiều lý do gây tai nạn trên tàu như vào năm hai ngàn lẻ năm, chiếc du thuyền thượng hạng Sea Bourn Spirits bị hải tặc Somalia tấn công bằng súng và lựu đạn nhưng may mắn vị thuyền trưởng điều khiển con tàu chạy thoát được. Ba trăm hành khách trên tàu bị một phen kinh hoàng nhưng không ai bị thương. Năm hai ngàn lẻ năm, chiếc Norwegian Dawn bị một cơn bão lớn. Một con sóng cao bảy mươi “feet” quất vào boong tàu khiến cho ba trăm hành khách, sau cơn bão phải lên bờ vì lý do sức khỏe. Năm hai ngàn mười, bốn trăm trong số hai ngàn sáu trăm hành khách trên tàu Celebrity Mercury bị đau bụng ói mửa do một loại vi khuẩn tên là “norovirus”. Năm hai ngàn mười một, chiếc Carnival Triumph bị cháy trong bộ phận phát điện, toàn bộ hoạt động trên tàu bị tê liệt. Sau tám ngày lênh đênh, tàu đã đến vịnh Mexico. Năm hai ngàn mười một, chiếc Carnival Splendor bị hư trong phòng máy. Tàu trôi trên biển Thái bình Dương ba ngày sau đó được kéo về vịnh San Diego. Năm hai ngàn mười hai, chiếc Costa Concordia của Ý chạy vòng quanh một vùng đá ngầm ngoài khơi của bờ biển Tuscany nước Ý. Tàu bị nghiêng. Phân nửa chiếc tàu chìm. Ba mươi hai người chết, sáu mươi bốn người bị thương trong số bốn ngàn hai trăm hành khách.

Dù trên đất liền hay trên biển, những bất trắc và tai nạn trong các chuyến du lịch xảy ra ngoài ý muốn và bất cứ lúc nào. Có những chuyến đi, hành khách phải mua vé máy bay riêng và lên tàu từ một hải cảng. Vì thế các trường hợp như hoãn chuyến bay, trễ chuyến bay do các hãng hàng không làm ảnh hưởng đến việc lên tàu đúng giờ. Các trường hợp lỡ tàu, hủy bỏ chuyến đi hoặc bị trượt té, bị bệnh trên tàu rất thường xảy ra. Vì thế, du khách được khuyến cáo nên mua bảo hiểm. Nếu không may bị những tai nạn, du khách sẽ được đền bù ít nhiều tùy theo mức độ và nguyên nhân gây ra tai nạn.

                                                *
Cảng Long Beach, gọi cho đầy đủ là “Harbor Department Of The City Of Long Beach” là cảng lớn thứ nhì sau cảng Los Angeles với số thương vụ hàng trăm tỷ đô- la và số nhân viên làm việc hơn ba trăm ngàn người. Đây là con đường giao thông về thương mại bằng đường biển bận rộn nhất giữa nước Mỹ và các nước Á châu. Hàng hóa từ Mỹ xuất cảng đi và nhập cảng về hầu hết từ cảng này. Nó cũng là bến tàu, nơi những chiếc du thuyền của các hãng Carnival, Princess đậu để đón khách đi chơi tàu.

Chuyến đi chơi bằng tàu của nhóm ba mươi người học lớp vẽ chúng tôi tập trung ở cảng Long Beach lúc mười giờ sáng. Thủ tục đơn giản và nhanh chóng. Du khách mang theo sổ thông hành và thẻ lên tàu trễ nhất trước ba giờ vì tàu sẽ nhổ neo lúc năm giờ chiều. Du khách sẽ nhận một cái thẻ màu xanh giống như thẻ ID hay “credit card” tên là “Sail and Sign Card” trong đó có ghi mã số hồ sơ cá nhân (folio) và số bàn sẽ ngồi ăn tối suốt chuyến đi. Vì không dùng tiền mặt, thẻ này vừa là chìa khóa phòng vừa là thẻ ký tên trả tiền khi chi tiêu trên tàu. Mỗi người được tặng hai mươi lăm đồng “credit” trong thẻ. Nếu chi tiêu hơn số tiền này mới bị tính tiền. Hành lý ký gửi sẽ được mang đến tận phòng.

Nhận phòng xong là lúc du khách lên khoang tàu, tản mác đi khắp nơi, chọn lựa các chương trình vui chơi tối nay trên tờ “Fun Times” được để sẵn trong phòng mỗi ngày.

Trước giờ nhổ neo, tiếng loa kêu gọi các hành khách lên boong tàu. Các thủy thủ sắp xếp cho mọi người đứng tập trung thành hàng thật là trật tự hai bên. Họ muốn người đi tàu hưởng cái cảm giác lênh đênh khi tàu rời bến, ngắm cảnh hoàng hôn trên biển cả và nhìn cảng Long Beach lần cuối trước khi con tàu ra khơi. Tiếng còi tàu hú lên inh ỏi. Biển lặng. Sóng vỗ lăn tăn. Con thuyền lướt êm và chầm chậm. Hành khách có cảm giác như mình đang ngả nghiêng, chao đảo nhè nhẹ trên sóng nước. Mặt trời to, rực rỡ, chiếu ánh sáng trên mặt biển như một chiếc thảm vàng đang dần dần lặn và chìm xuống biển xanh. Trời đã về chiều. Đèn trên tàu bật sáng trưng. Biển chỉ còn là một màu đen mênh mông. Đã đến giờ dùng cơm tối, mọi người lên phòng ăn ở tầng mười.

Đó là căn phòng rộng lớn như chiếc sân bóng đá gồm vài trăm chiếc bàn tròn phục vụ cho vài ngàn du khách. Một đội ngũ nhân viên phục vụ và nhà bếp gồm cả trăm người, ăn mặc đồng phục và lịch sự phục vụ cho bốn bữa ăn tối trong bốn ngày đi tàu. Cả ngàn du khách được chỉ dẫn vào phòng ăn rất trật tự, không ai chen lấn ai, ai cũng có chỗ ngồi đúng bàn của mình. Buổi ăn tối kéo dài hơn một tiếng, vừa đủ cho các chương trình giải trí bắt đầu từ bảy giờ mười lăm đến gần nửa đêm.

Ngày đầu tiên lên tàu, nhóm chúng tôi tập trung tại lầu tám khu “Paris Lounge” xem “Welcome aboard show” lúc tám giờ và “Lester Bibbs Show” lúc mười giờ. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi đi xem lớp dạy nhảy “Bust A Move Dance Class”, mua thẻ “bingo” đại hạ giá v…v.

Ngày thứ hai là ngày đi Catalina. Du khách tập trung dưới tầng cuối để lên phà nhỏ đưa qua bên kia đảo. Catalina là một đảo nhỏ dân số khoảng bốn ngàn người, nằm phía tây nam cách thành phố Los Angeles khoảng hai mươi dặm. Thành phố có tên Avalon. Dọc theo hai bên của con đường chính là những hàng cây cọ chạy dài, một bên là biển, một bên là các cửa hàng bán đồ lưu niệm, các tiệm ăn, tiệm tóc, làm móng tay, nhà hàng, các trung tâm văn hóa, hí viện, viện bảo tàng và xa xa là sòng bài. Có những chuyến xe bus hay xe gắn máy có mui chở du khách đi một vòng ngắm cảnh biển và thành phố chỉ trả mười đô trong vòng một tiếng đồng hồ.

Sau khi ngắm cảnh thành phố Avalon trên đảo Catalina, du khách có thể về tàu sớm hoặc đi chơi lang thang ngắm những căn nhà xinh xinh như những chuồng chim bồ câu với những con đường ngoằn ngoèo chạy dọc theo các bờ dốc đá nhìn ra vịnh Avalon. Có những du khách mua các loại “tour” như chèo thuyền “kayak”, thăm đài kỷ niệm “Wriley Memorial” hay vườn thực vật “Botanical Gardens” giá vào khoảng năm đến sáu mươi đô. Dù đi chơi đâu, mọi người phải có mặt ở bến cảng trước năm giờ chiều để đi chuyến phà chót trở về du thuyền Carnival Inspiration đậu chờ ở ngoài khơi.

Nhóm chúng tôi có những anh chị về tàu sớm. Dù quá giờ ăn trưa nhưng khi về đến tàu vẫn còn những quầy phục vụ cho những người đi chơi về muộn với bánh mì kẹp thịt băm và khoai chiên. Mọi người có thể về phòng nghỉ ngơi. Ai còn sức, cứ tiếp tục lên tàu tham gia các mục vui chơi giải trí suốt buổi chiều cho đến giờ ăn cơm tối.

Hai ngày đứng sắp hàng chọn thức ăn điểm tâm và ăn trưa trên tàu, tôi có dịp nhìn thấy sự giàu có, hùng mạnh về của cải vật chất, sự thông minh về trí tuệ, khoa học về tổ chức nhân sự và sự giáo dục con người của nước Mỹ, xứ sở mà tôi đã nhận làm quê hương thứ hai của mình. Thức ăn ở đâu mà ê hề, thừa thãi, phong phú. Con người huấn luyện ở đâu để có một đội ngũ phục vụ một cách khoa học cho vài ngàn cái bao tử. Giáo dục nào để hàng ngàn con người trật tự, kỷ luật và lịch sự trong việc xếp hàng ăn uống và vui chơi mà không ai làm phiền ai.

Hãy nhìn những quầy thức ăn. Món nào vừa hết đã có người phục vụ đến đổ vào cho đầy. Món nào dọn ra cũng tươi, nóng, sạch sẽ, ngon lành, trình bày đẹp mắt. Món nào cũng hấp dẫn bắt mắt người ăn. Chưa biết ngon hay dở thế nào, cứ nếm thử trước đã. Món nào ngon, hợp khẩu vị thì cứ tha hồ lấy dĩa ăn thêm. Món nào dở, lỡ lấy nhiều và ăn thử rồi, không sao hết, cứ bỏ đó, người phục vụ sẽ đến dọn đi. Hình thức bắt mắt và số lượng thức ăn đã đánh trúng vào bản năng sinh tồn của loài người “Ăn để mà sống” nhưng cái tâm tham lam trong đó có sự tham ăn đã thành quan điểm hưởng thụ “Sống để mà ăn”.

Nhìn những người phụ nữ Mỹ bị bệnh béo phì đi đứng thật là tội nghiệp. Họ đang ì à ì ạch tay cầm hai đĩa thức ăn, đĩa nào đĩa nấy chất cao có ngọn. Thế mới biết “cái miệng làm hại cái thân”. Suy cho cùng, sự liên hệ giữa cái miệng và cái bao tử là cái vòng lẩn quẩn. Bao tử càng lớn, miệng càng phải nhồi nhét nhiều cho đầy. Miệng càng ăn nhiều thì bao tử càng to ra, thân thể càng phì nhiêu.

Nhìn những nhân viên phục vụ hốt gọn những thức ăn dư thừa chất đống đổ vào bao như những chiếc bánh mì kẹp thịt còn nguyên, những lát thịt gà tây dầy, trắng phau, to bằng bàn tay, những cái trứng gà chưa bóc vỏ, những quả chuối vàng tươi v...v...đây là sản phẩm của những người đi lấy thức ăn, trước số lượng thức ăn quá nhiều, họ “no bụng” nhưng còn “đói con mắt”. Người Nhật được giáo dục kỹ hơn về sự tiết kiệm và chừng mực. Đất nước Mỹ có thể vì giàu có nên con người ta có thói quen phí phạm. Nhìn những dĩa thức ăn thừa, tôi tiếc quá hỏi người phục vụ những thức ăn này bỏ đi đâu. Bỏ sông bỏ biển. Cho cá ăn. Những con cá này dù sao còn may mắn hơn hàng trăm ngàn đứa trẻ bên châu Phi đang bị suy dinh dưỡng hoặc chết đói vì thiếu thực phẩm.

Buổi tối của ngày thứ hai trên tàu, chương trình vui chơi vẫn liên tục từ sáng đến khuya. Lúc bốn giờ chiều có chương trình “The Cats Presidential Parade& Rally”. Bảy giờ tối có chương trình gặp gỡ vị thuyền trưởng và các sĩ quan trên tàu. Tám giờ có chương trình hài hước “Motor city: Pre- Show Fun” và lúc mười giờ có “Comedy: Jeff Big Daddy Wayne”. Trong khi chờ đợi, chúng tôi đi xem các chương trình khác như mua đồ nữ trang giá rẻ “Fashion Jewelry Sale”, hát “High Seas Karaoke”, xem lớp dạy tập thể dục thư giãn, v…v.

Ngày thứ ba là ngày đi thăm Ensenada, thành phố biển thuộc nước Mễ Tây Cơ cách biên giới Mỹ khoảng hơn một trăm kilô mét về phía Nam. Đây là một thành phố quan trọng về thương mại và quân sự, có ngành đánh cá, căn cứ hải quân, phi trường, dân số khoảng trên năm trăm ngàn người. Cả đoàn mua một “tour” nội địa giá một người mười lăm đô, thuê bao hướng dẫn viên và xe bus chở từ bến tàu, chạy ngang qua thành phố để ngắm cảnh như khu “Plaza Civica” có các bức tượng của các vị anh hùng Mễ Tây Cơ. Từ khu này có con đường dẫn đến“The Blowhole” hay còn gọi là “La Bufadora”. Đây là một cột nước thiên nhiên do sức ép của không khí từ những vết nứt trên đá phun lên trên trời cao giống như những suối nước nóng “geyser” ở Yellowstones. Sau đó cả đoàn đi mua sắm tại một khu chợ trời dọc theo con đường này.

Cảnh chợ trời ở xứ Mễ là những hình ảnh rất quen thuộc với các xe bán trái cây gọt sẵn và các chảo chiên bánh còn bốc khói. Du khách qua lại tấp nập suốt con đường dài. Các hàng quán bán toàn thức ăn Mễ. Các cửa tiệm treo đầy đủ loại hàng hóa thủ công. Tiếng rao hàng ầm ỹ bằng tiếng Mễ. Tiếng người bán nói thách, kèo nài. Tiếng người mua trả giá ì sèo. Tiếng nhạc từ các nhạc sĩ đội nón rơm rộng vành, tay ôm cây đàn ghi-ta bập bùng điệu “rumba” trữ tình bài hát bất hủ “La Paloma”…Tất cả tạo thành một quang cảnh buôn bán ngoài trời sầm uất và nhộn nhịp.

Chuyến đi ngắm cảnh và mua sắm của nhóm chúng tôi kéo dài ba tiếng đồng hồ sau đó trở về tàu ăn trưa trong khi có những du khách có máu phiêu lưu mua các loại “tour” khác như đi ngựa ở Rancho Los Bandidos, đi bằng xe “jeep” về miền quê ở San Antonio de las Minas xem nấu rượu vang thủ công, đi câu cá ở Marinas...

Chương trình càng hay và phong phú vào những ngày cuối. Buổi tối của ngày thứ ba là những màn trình diễn ca múa nhạc kịch thật công phu và hấp dẫn như “Hasbro, the Game Show”, “ Love, Marriage Show”. Còn thì giờ du khách có thể sắp xếp thời gian chơi “Bingo Card Sales” giống như chơi lô- tô, tham gia chương trình nếm rượu “Liquor Tasting”, hoặc “All Guest Back on Board”v...v....

Ngày thứ tư cuối cùng trên tàu “The Sea Day” là ngày có nhiều tiết mục hấp dẫn. Từ chín giờ sáng có buổi dạ vũ hóa trang “The Mardi Gras”. Mười giờ sáng có chương trình xem phim “Towel Animal Theater”. Đặc biệt có chương trình “Behind The Fun Tour” cho du khách nào có óc tò mò và hiếu kỳ. Du khách trả năm mươi lăm đồng để có cơ hội đi xem tận mắt phía sau hậu trường (back of house) như đi thăm phòng lái của thủy thủ, xem đội ngũ công nhân làm việc trong phòng máy, đội ngũ nhân viên nấu ăn trong khu nhà bếp vĩ đại, kho chứa đồ dùng và vật liệu lớn hơn cái nhà, phòng giặt khổng lồ, phòng làm việc của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn v...v...Mỗi nhóm giới hạn tối đa mười sáu người. Họ phải đội mũ an toàn, mang giày bít, không được đem bất kỳ loại máy móc nào kể cả chụp hình.

Buổi tối này có buổi trình diễn “Studio VIP”. Khán giả là những “Very Important Person”, những người khách đặc biệt. Họ là những người tình nguyện tham dự cùng ca hát nhảy múa trên sân khấu theo sự chỉ dẫn của các vũ công. Họ đeo những sợi giây ở cổ có ghi tên và được mời lên sân khấu bất ngờ và có chuẩn bị. Họ nhảy rất điêu luyện mặc dù không chuyên nghiệp. Sự giao tiếp giữa nghệ sĩ và khán giả trên sân khấu làm cho buổi trình diễn hết sức sinh động.

Buổi tối cuối cùng trên tàu, du khách được nhắc nhở hành lý ký gửi phải đặt ngoài cửa phòng từ chín đến mười một giờ để nhân viện phục vụ mang xuống khoang tàu trước. Sáng hôm sau, du khách được tiếp đãi bữa điểm tâm cuối cùng từ sáng sớm cho đến trưa trước khi rời tàu.

*
Biển đêm yên lắng. Sóng vỗ rạt rào. Bầu trời lấp lánh những vì sao.Vầng trăng tròn của ngày rằm rực sáng trong đêm khuya. Trên boong tàu chỉ còn vài đôi tình nhân đứng ôm nhau trong cái lạnh của gió biển từ xa thổi về. Trước mắt tôi là một khoảng không gian màu đen bao la vô tận của biển. Biển đêm làm cho tôi có cảm giác sợ hãi, liên tưởng đến cái chết và cảm thấy mình thật nhỏ bé và vô vọng.

Tôi có một cô bạn cùng đi chơi tàu trong chuyến này. Cô nói từ khi qua Mỹ đến giờ cô không dám đi tàu vì bị ám ảnh bọn hải tặc trong chuyến vượt biên năm một chín tám lăm. Lần này, nghe lời tôi rủ rê, cô nói đi cho biết “tàu Mỹ”. Chỉ mới ngày thứ hai, cô cảm thấy chán và muốn về đất liền. Cô là một trong hàng triệu người bỏ nước ra đi sau biến cố năm bảy lăm và may mắn đến được bến bờ tự do trong khi Thành, đứa em trai út của tôi cũng là một trong hàng triệu người ra đi cho đến nay ba mươi bảy năm rồi vẫn không có tin tức.

Tôi còn nhớ năm bảy chín, Thành và vợ theo bà má vợ xuống Kiên Giang hùn với một gia đình đánh cá là em họ của bà ở Rạch Sỏi tổ chức vượt biên. Vợ chồng Thành lên xuống Sài Gòn- Rạch Giá nhiều lần, ăn ở Rạch Sỏi dầm dề nhưng chuyến đi vẫn chưa chuẩn bị xong. Lần đó, chuyến vượt biên thiếu một thứ gì, bà sai Thành về Sài Gòn mua cho bà. Thằng nhỏ vừa lên Sài Gòn thì đêm đó bất ngờ có lệnh ra khơi. Vợ Thành có mặt tại chỗ nên phải theo chuyến đi không thể ở lại chờ Thành. Thời đó phương tiện thông tin không dễ liên lạc như bây giờ. Hôm sau, khi Thành trở về Rạch Giá thì Thoa đã đi rồi. Quyết định sai thằng con về Sài Gòn khiến sau này bà hối hận. Bà ở lại, cạo tóc và hứa sẽ tổ chức cho Thành đi chuyến sau.

Sau mấy tháng trời chờ đợi tin tức, chuyến tàu của Thoa đã đến Thái Lan. Muốn tổ chức chuyến vượt biên thứ hai phải mất nhiều thời gian. Một phần vì thằng em nôn nóng, một phần vì tội nghiệp thằng em lang thang hay số phận đã an bài, bà chị tôi tìm cho Thành một tổ chức vượt biên khác của gia đình bà Trương, người Hoa cạnh nhà chị.

Tôi còn nhớ tối hôm em sắp đi, tôi dẫn má tôi xuống nhà bà chị. Mấy ngày nay trời sụt sùi mưa như có bão từ đâu thổi về. Em vừa mới đi đâu, quần áo còn ướt đẫm. Má tôi ôm em, nước mắt chảy ròng ròng. Bà giục con lên thay quần áo kẻo cảm lạnh. Em mặc chiếc sơ mi ca-rô xanh và cái quần xám của người anh rể. Bà cầm tay đưa cho con ít chỉ vàng, vừa khóc vừa dặn dò con uống ngay hai viên thuốc và nhắc chị tôi dọn cho Thành tô cơm. Bộ quần áo dơ của Thành bà quấn lại cho vào giỏ mang về. Má tôi ngồi nhìn con ăn cơm. Ba mẹ con không nói lời nào. Vẫn chưa biết giờ nào lên đường. Có thể tối nay. Có thể sáng mai.

Em đến cạnh giục tôi: “Trời khuya, tạnh mưa rồi, chị đưa má về. Chị lo cho má dùm em”. Thành đứng ở cửa, ôm má gọn trong vòng tay thật lâu. Em nắm tay má rồi buông tay, nhìn má tôi quay đi, mắt em long lanh như muốn khóc. Còn má tôi trùm chiếc khăn quàng, không quay đầu nhìn lại, vừa đi vừa lau nước mắt suốt trên đường về. Những tối sau đó má tôi thường tụng kinh rất khuya. Bộ quần áo ướt của em má giặt. Vài vật dụng còn sót lại như hình ảnh, áo quần cũ, vài bức tranh vẽ của em má tôi lấy xuống sắp xếp cẩn thận cất vào tủ. Cây đàn ghi-ta của em bám bụi, bà lau chùi rồi cho vào cái bao ni lông treo lên tường.

Chị tôi kể sáng hôm sau, ngày mười chín tháng chín Thành cùng đi với gia đình bà Trương. Điểm hẹn là quán Chim ở Long Thành. Đâu ai ngờ đêm đó là đêm cuối cùng má tôi và ba chị em tôi gặp nhau. Đó cũng là buổi chia tay vĩnh viễn không bao giờ tôi gặp lại em tôi. Đó cũng là ngày mà ba năm sau, má tôi quyết định đem hình em lên chùa Long Hoa để thờ và cũng là ngày giỗ của em tôi.

*
...“Giông tố
Giông tố ngoài khơi xa
Ta gửi ngươi con ta
Xương thịt ta, tâm hồn ta
Hy vọng ta...
Giông tố, giông tố ngoài khơi xa
Giông tố, giông tố ngoài khơi xa
Ta gửi ngươi
Ta gửi ngươi con ta
Ta gửi ngươi con ta”(*)

Má tôi đã gửi đứa con bà cho biển với tất cả nỗi đau xót, lo âu và sợ hãi. Biển có lúc êm, lặng, hiền hòa, bao dung. Có khi biển điên cuồng, giận dữ và tàn nhẫn. Giông, gió, bão tố đã quật nát con tàu mong manh không một người nào sống sót trong đó có đứa con của bà.

Tôi đang đứng trên boong tàu “Carnival Inspiration” ban đêm nhìn mặt biển Thái Bình Dương êm lặng và hiền hòa như đứng trên đất liền. Bên này là xứ Mỹ yên bình. Bên kia đại dương là quê hương tôi, nơi có biển Đông một thời cuồn cuộn bão táp và hải tặc đã chôn vùi gần một triệu đồng bào tôi vào lòng biển cả trong đó có em tôi.

Cho đến bây giờ, nếu ai hỏi tôi làm nghề du lịch mười lăm năm mà không bao giờ đi tàu Mỹ, không biết thế nào là “cruise”, tôi chỉ cười và nói rằng nào là tôi “ mạng hỏa kỵ nước”, tôi “không biết bơi”, tôi “sợ say sóng” nhưng có ai hiểu rằng biển mặn ngoài khơi kia cũng là những giọt nước mắt mằn mặn đang chảy dài trên đôi má tôi mỗi khi tôi nhìn biển ban đêm, nơi em tôi đã ngủ một giấc sâu và không bao giờ thức dậy.

Phùng Annie Kim

(*) “Ném con cho giông tố” ca khúc Trần Dạ Từ.

No comments:

Blog Archive