Nghề Nuôi Ong ở VN và Mỹ
Lâu rồi tôi không viết về chuyện đồng quê, cái này cái nọ, con này con kia.
Tháng trước tôi có về thăm nhà ở Kinh 5, Rạch Giá, nhân khi mẹ tôi được 101 tuổi, thì đứa cháu kêu tôi ra chỉ cho coi một tổ ong mật lớn lắm đóng trên cây vú sữa.
Trước khi kể về nghề nuôi ong ở xứ Mỹ, tôi xin kể về ong bên VN trước đã.
Khi tôi còn rất nhỏ, đã nghe mẹ tôi kể về mấy tổ ong mà ba tôi nuôi.
Hồi đó nhà còn ở đồn điền cao su Michelin-Dầu Tiếng, ba tôi đục 1 cây cao su cắt ngắn chừng gần 1 thước thành 2 nửa bọng úp vào nhau, có khe để có chỗ cho ong chui ra chui vô. Ông ra vườn cao su, tìm những bọng cây mà chim mổ kiến đã khoét từ trước, có ong chui vào đó làm tổ, bắt con ong chúa cột vào sợi tóc rồi dụ khị đàn ong bay theo về tổ mới.
Cứ mấy tháng, nhất là vào mùa cao su có bông thì ba tôi mở nắp và cắt tàng mật, bỏ vô vải mùng mà vắt lấy mật, bã nó thì nấu lấy sáp làm đèn cầy.
Lợi tức chẳng có là bao, nhưng vui.
Khi gia đình tôi chuyển về miền Tây sinh sống, có nghe người dân ở rừng U Minh làm nghề ăn ong, nghề gác kèo.
Ăn ong là đi lấy mật của tổ ong đóng tự nhiên trong rừng, còn gác kèo là dùng 1 cây thường làm bằng thân cau chẻ đôi, đặt trong rừng tràm. Phải có kinh nghiệm lấy hướng gió, hướng mặt trời, chỗ đặt thích hợp, độ dốc của cây kèo... thì ong mới tới đó mà làm tổ, chứ không phải cứ gác đại thân cây cau lên cây tràm mà được.
Nghề gác kèo từ thời Pháp thuộc đến nay cũng có luật riêng của nó, rằng không ai ăn cắp tổ ong của người khác, nếu bắt được sẽ bị buộc tội nặng.
Mật ong rừng U Minh được cho là tốt vì lấy từ hoa tràm, nhưng về sau này người ta ma giáo lắm, pha chế tùm lum, có người còn bán cả mật còn trong tàng ong treo trên cây bên lề đường dọc theo khu rừng, người mua tưởng thật, đâu biết kẻ gian đã để 1 thau nước đường gần tổ, để ong xuống ăn rồi đem về tổ. Mật thì ít mà nước đường thì nhiều.
Người ta có cách thử để biết mật ong thật hay không:
- Dùng giấy quyến (vấn thuốc rê), nhỏ 1 giọt mật lên đó, nếu thấy nước loang trên giấy là biết mật đã bị pha nước đường.
- Nhúng 1 que diêm vào mật rồi quẹt lửa, nếu diêm không cháy thì biết là mật dỏm.
Khi cắt tảng mật cũng phải có kỹ thuật cắt làm sao, phải để lại bao nhiêu phần trăm mật, nếu không thì đừng mong gì có lần thu hoạch kế tiếp, vì ong sẽ bỏ đi mất.
Trước đây ở Kinh 5 quê tôi không thấy ong mật, chỉ thỉnh thoảng thấy tổ ong vò vẽ đóng trên hàng tràm hay mấy bụi tre, còn ngoài ruộng lúa có loài ong muỗi, cả 2 loại này không hề có mật.
Bỗng dưng mấy năm gần đây ong mật về làm tổ khá nhiều trong vườn cây sau vườn, nó thích nhất là cây mít và cây vú sữa.
Thằng cháu tôi kể:
- Hôm trước anh Trình từ Kinh 7 qua chơi, anh đứng dưới gốc mít nói điện thoại, không biết do mùi gì lạ từ anh bốc ra hay tại anh ngứa tay chọc phá nó, mà cả đàn ong túa ra chích anh tơi bời. Anh vừa la làng vừa chạy vô nhà mà trốn, thế mà đàn ong vẫn dí vào tuốt trong nhà, trong khi hôm ấy nhà đang sấy lúa, có đông công nhân vác lúa mà nó không chích một ai. Buổi tối hôm đó chú Lý dùng dầu diesel trong cái chai, hơ lên để phá tổ. Đàn ong lao vào lửa chết hết, nhưng mật đành phải bỏ đi dù vắt ra được mấy lít, vì nó hôi mùi dầu, cả con ong đem ngâm rượu cũng không uống được vì hôi lắm.
Tôi hỏi:
- Vì sao lại phải phá tổ ong?
- Tại vì ba cháu tính cắt cây mít ấy đi, dùng gỗ mà tiện 2 cái độc bình. Cây mít này già cỗi trái không nhiều, mà mít bây giờ bán chẳng ai mua, cháu cứ đá cả quả xuống ao cho cá tai tượng, cá vồ ăn mà thôi.
Người ta thường lấy mật hoặc phá tổ ong vào ban đêm thì an toàn hơn. Nếu đốt lửa thì ong tự mình lao vào, nghe 1 tiếng xịt nho nhỏ, sau đó là tiếng xèo, ong bị cháy cánh và chết hết. Ong không phải là loài mê ánh sáng như con thiêu thân, nhưng chúng nhào vô chữa lửa, xịt hết nước trong người ra để cứu tổ.
Con người ta có học được tính anh dũng này của ong? Hay là vẫn hèn nhát hoặc thờ ơ với vận mệnh đất nước của mình?
Hiện giờ, ở Kinh 5 đã có một nhóm thanh niên hành nghề lấy mật, chia với chủ vườn 5/5 số mật lấy được.
Không phải ai cũng có thể lấy mật, mà cần có thang và dụng cụ chuyên môn vì ong thường đóng tổ trên những cành cây khá cao và cheo leo. Người bắt ong chuyên nghiệp phải có găng tay, quần áo bảo hộ như của thợ sơn, và nón trùm đầu có lưới để tránh bị ong chích. Họ phải có kinh nghiệm cắt tàng mật, vì như trên đã nói, cắt không khéo đàn ong sẽ bỏ đi nơi khác.
Bây giờ tôi xin kể về ong ở xứ Mỹ:
Nếu không có loài ong truyền phấn nhụy thì con người chỉ có thể tồn tại được khoảng ba bốn năm. Vì sao vậy?
Hoa quả sẽ không thụ phấn, almond, táo, lê, dâu, cỏ alphapha để nuôi bò sẽ không còn nữa.
Thực vậy, tới 90% thực phẩm hiện nay là nhờ có loài ong thụ phấn.
Người Mỹ nuôi ong kiểu a -ma -tơ nhiều lắm. Họ có thể mua tổ và đàn ong từ các nhà nuôi ong giống. Nuôi chơi cho vui chứ đâu bán mật được cho ai, cùng lắm là dùng làm quà tặng cho bạn bè.
Mật chỉ là 2% lợi tức của người nuôi ong, lợi tức chính của họ là tiền từ các nông gia phải trả khi yêu cầu họ đem đàn ong đến nông trại của mình lúc cây đang ra hoa.
Tôi làm nghề xây nhà, thấy ong mật thường làm tổ trong các hộp xi-măng đồng hồ nước ở ven đường. Nó cũng hay làm tổ nơi những mái nhà có khe hở.
Nhớ cách đây mấy năm, nơi căn nhà con chú Hà ở Lake Forest có tổ ong quá lớn, phải mướn công ty chuyên bắt ong, dùng vòi hút hết cả đàn, mật thu được đến mấy chục lít.
Chính phủ cũng không khuyến khích người dân xịt thuốc giết đàn ong, mà nên mướn công ty di dời đàn ong đến chỗ gần vườn cam hay các nông trại xa thành phố.
Đi trên Freeway chắc qúy vị cũng đã thấy một khu có nhiều chuồng ong nhiều màu, đa số là màu trắng xếp chồng lên nhau chừng 8 cái, nằm trên 1 pallet để xe xúc có thể di chuyển dễ dàng.
Hội phi lợi nhuận Kira sẵn sàng cho người muốn ra nghề nuôi ong mượn 10 ngàn không phân lời, để ngày càng phát triển nghề nuôi ong, hầu nền nông nghiệp có thêm nhiều nông sản.
Hiện nay công ty lớn nhất là Adee Honey Farm có tới 80 ngàn thùng ong.
Có những trại chuyên gây ong giống và đàn ong để bán cho khách hàng, chứ nếu để tự nhiên thì 1 đàn ong chỉ có 1 con ong chúa (có thể sinh sản ra trứng), nếu có thêm 1 ong chúa nữa thì đàn có thể bị tách bầy ra và bay đi nơi khác.
Nói đến đây, tôi nhớ tới tranh luận về sữa ong chúa mà ta thường nghe quảng cáo trên đài Radio hay TV Việt ngữ.
Sữa ong chúa không phải là mật do ong chúa làm ra, vì trong 1 đàn ong chỉ có 1 con ong chúa thì lấy đâu ra mật sữa nhiều thế?
Sự thực đây là thực phẩm mà ong đã làm ra đặc biệt cho ong chúa, để cô nàng có thể sản xuất ra nhiều ong con.
Người ta đã dùng ống xi lanh mà hút chất sữa này, hễ thấy vơi là ong đàn sẽ tạo ra thêm sữa mới mà nuôi ong chúa.
Có 1 công ty bên Đài Loan xuất xưởng hàng tấn loại sữa này ra thế giới. Thật giả thì có trời mới biết.
Mật ong ở đâu thì có thể làm giả, chứ ở Mỹ thì mình không sợ, vì nó chỉ là phụ phẩm của nghề nuôi ong, miễn là khi mua cần coi kỹ có đề là Product of USA hay không, chứ còn sản xuất từ nơi khác nhất là từ China thì...tèng.
Tại Mỹ những công ty có trên 50 ngàn thùng ong, có thể sản xuất chừng 500 ngàn tới cả triệu pound mật một năm. Chẳng có nước nào trên thế giới làm được như vậy.
Đúng là miền "Đất hứa chảy sữa và mật ong".
Điều sau cùng tôi muốn nói là đừng khi nào dùng mật ong rơ trên lưỡi trẻ em, khi lưỡi nó bị đẹn trắng như bậc cha mẹ ở VN thường làm, vì rất nguy hiểm cho trẻ.
Mật ong là chất bổ dưỡng, nhưng đôi khi ong cũng mang về tổ mầm mống bệnh từ các loài phấn hoa.
Tôi có người bạn, khi đưa con vào nhà thương mới khám phá ra rằng con mình bị bệnh nặng cũng vì đã thoa mật ong lên lưỡi. Tốn phí cả trăm ngàn tiền nhà thương.
Thật là một kinh nghiệm để đời.
Nguyễn Viết Tân
No comments:
Post a Comment