Monday, November 21, 2016

CHẦU RÌA

Nhà thờ chánh tòa Thái Bình được khánh thành vào năm 2007 và được đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam.

Hôm nay giáo xứ  thật  tưng bừng, náo nhiệt. Cờ xí rợp trời. Giàn loa chung quanh nhà thờ mở hết công xuất. Các bài thánh ca du dương thánh thiện cứ rót vào tai con người khiến họ quên đi phần nào thân phận đớn đau trăm bề của kiếp nhân sinh và mơ màng hướng về một thế giới bình an, hạnh phúc trọn vẹn ở mai sau. Thế nhưng, những viên thuốc an thần ấy  thỉnh thoảng bị ngưng lại để mọi người nghe tiếng cha sở quát tháo người này người  nọ vì đã làm không đúng ý cha. Các ông, các bà trong Hội đồng Giáo xứ cùng các vị lãnh đạo các đoàn thể tái xanh mặt mày, mặc dù họ không làm sai hoặc không chịu trách nhiệm về việc đó. Họ thầm thì bảo nhau:

-         Ủa,  hôm qua cha bảo làm như thế mà!
-         Có ai làm chứng điều ông nói không?
-         Thì lúc cha bảo có nhiều người nghe mà.
-         Hay là cha quên?
-         Vậy thì đi hỏi lại cha xem sao?
-         Phải. Phải. Đi hỏi lại cha đi!

Nói thì nói thế chứ chẳng bàn chân nào dám nhúc nhích  cả. Người nọ đứng nhìn người kia như có ý  đùn đẩy. Chà, việc này khó lắm đấy. Không khéo cha lại mắng sa sả vào mặt thì chỉ có nước độn thổ thôi. Cuối cùng, ông Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ lên tiếng:

-    Thôi, cứ làm theo lời cha vừa nói cho chắc ăn. “Vâng ý cha dưới đất cũng như  trên trời” mà.

Nghe ông Chủ tịch nhắc câu trong kinh Lạy Cha, mọi người cười giả lả để che giấu sự sượng sùng. Có thể nói đây là câu nhật tụng của ông Chủ tịch trong mỗi buổi họp HĐGX. Thật vậy, trong các cuộc họp của HĐGX,  khi cha sở hỏi ý kiến HĐ về các vấn đề liên quan đến sinh hoạt của giáo xứ thì hầu như tất cả đều im lặng nhìn nhau, không ai dám hé môi, kể cả những người trước đó rất hùng hồn, sôi nổi bàn bạc: nào là phải thế này phải thế kia, nên thế này nên thế khác…thế nhưng, khi vào cuộc họp thì họ cứ như hạt thóc vậy. Người duy nhất thao thao bất tuyệt trong buổi họp là cha sở. Ngài nêu lên những thành tựu và chưa thành tựu của GX trong thời gian vừa qua và đề ra những hướng khắc phục. Ngài khen người này, đoàn thể nọ và khiển trách người kia hay đoàn thể nào đó. Sau khi ngao du chán chê trên các nẻo đường của khu rừng hoang, dòng nước ngừng lại ngắm nghía những ngọn cỏ cú đang lổn nhổn trước mặt. Nụ cười thỏa mãn hả hê nở trên môi.  Nụ cười ấy lại càng tươi hơn, rạng rỡ hơn sau khi câu hỏi: “ Các ông, các bà có ý kiến gì không?”  của dòng nước chỉ được phản hồi bằng sự im lặng kéo dài đến thăm thẳm của vực sâu nhẫn nhục. Một sự nhẫn nhục đã được lưu truyền từ đời nọ sang đời kia. Một sự nhẫn nhục đã thấm vào tâm can, tỳ phế  bắt đầu từ khi rửa tội và chỉ chấm dứt lúc nhắm mắt xuôi tay. Câu hỏi phải nhắc đến lần thứ ba hay bốn thì mới có một thân cỏ cú rụt rè đứng lên:

-   Thưa cha sở kiêm cha quản hạt (Từ ngày cha được bổ nhiệm làm  hạt trưởng đến nay, bất kì ở đâu hay buổi lễ nào các MC cùng các vị chức sắc của HĐGX hoặc các đoàn thể đều phải thêm chức vụ mới của cha vào lời thưa như thế ), Chúa đã dạy: “Vâng ý cha dươi đất cũng như trên Trời” ạ.

Một tràng pháo tay rào rào vang lên cùng với những tiếng  nhao nhao

- Chúng con hoàn toàn nhất trí với ý kiến của ông Chủ tịch ạ.

Bây giờ thì phòng họp mới có bóng dáng con người. Tiếng cười, tiếng nói rộn ràng.  Ai nấy thở phào nhẹ nhõm như vừa trút bỏ được gánh nặng ngàn cân trên vai. Niềm vui lại nhân thêm khi  được cha ban cho những ly cà-phê nóng hôi hổi cùng những đĩa trái cây đầy ăm ắp. Các ông thi nhau hít hà:

-    Trời ơi! Cà-phê của cha thơm quá!  Cà-phê của cha ngon quá! Cà-phê ngoại có khác.

-     Cà-phê Trung nguyên của mình đấy.

Cha mỉm cười hóm hỉnh. Vẻ tẽn tò hiện rõ trên những khuôn mặt. Ông chủ tịch- lại ông chủ tịch- ra tay “cứu bồ”:

-     Chà! Thế mới biết trình độ công nghệ của nước mình đâu có thua kém gì các nước tiên tiến nhỉ. Nội ngoại khó phân biệt quá.

Ông vừa dứt lời, thì, ngay tức khắc, những bàn tay thô bạo thò ra vuốt đuôi:

-    Ông chủ tịch nói rất đúng. Cứ như thế này thì người sành điệu đến mấy cũng khó có thể biết nội hay ngoại.

Buổi họp HĐGX chấm dứt. Các ông, các bà chức việc ra về trong tâm trạng hân hoan. Một năm không biết có bao nhiêu cuộc họp như thế. Và dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của cha sở, giáo xứ cứ đi lên, đi lên vùn vụt. Điển hình cho sự đi lên vùn vụt đó là lễ khánh thành ngôi thánh đường mới của giáo xứ hôm nay.

Đây là ngôi thánh đường nguy nga, tráng lệ nhất ở giáo hạt này từ trước đến nay. Cha sở hãnh diện nói đi nói lại rất nhiều lần trong các thánh lễ trước giáo dân trên tòa giảng. Kinh phí xây dựng lên tới trên ba mươi tỷ. (Cha rất thích những con số, như thể chúng là chứng cớ hùng hồn nhất cho công sức cha đã bỏ ra . Thí dụ: Vào các ngày lễ lớn của mùa phụng vụ như Giáng sinh, Phục sinh…cha thường mời các cha khách tới giải tội cho giáo dân. Vì thế, trước đó, cha luôn thúc giục giáo dân chuẩn bị đi xưng tội vì hôm đó sẽ có tới  30, 40  cha khách tới giải tội. Hay: sắp tới giáo xứ sẽ thay mặt địa phận tổ chức Đại hội Giới trẻ và sẽ có tới 500, 1000… bạn trẻ từ khắp nơi về xứ ta tham dự. Luôn luôn là những “ số đẹp, cực đẹp”- đẹp hơn cả những SIM số đẹp được rao bán ở các của hàng điện thoại. Tuy vậy, thực tế cho biết thì những  con số mà cha tuyên bố ấy không đúng. Bao giờ cũng ít hơn gần như phân nửa.( Hình như  ngày trước gia đình cha có người làm pháo thì phải, mà toàn làm pháo đại không mới oai chứ! ). Thời gian xây dựng kéo dài  gần năm năm trời.

Quả đúng như lời cha loan báo. Ngôi thánh đường thật là nguy nga, tráng lệ. Nói theo ngôn ngữ thời thượng hôm nay  là "hoành tráng". Nó cao ngất ngưởng, tưởng có thể đụng tới trời xanh. Muốn vào được bên trong nhà thờ, người ta phải leo  lên 19 bậc thang. Thế này thì những người già cả, ốm yêu hay tật nguyền đành phải chịu thua thôi. Hai bên bậc thang vĩ đại kia xây hai  tay vịn hình con rồng. Hai con rồng được chạm trổ rất công phu, trông cứ như là rồng thật vậy (Nói giống rồng thật là nói vậy thôi, chứ trên thế gian này đã có ai trông thấy rồng đâu mà biết giống hay không giống? )và sơn màu hổ phách. Hai bên hông nhà thờ có những cửa ra vào làm bằng gỗ quý. Trên cao là các cửa sổ bằng kính nhiều màu. Điều đáng nói ở đây là các cửa đó, ngoài cánh cửa ra còn được treo thêm những tấm màn may bằng các loại vải đắt tiền với những hoa văn rất hiện đại. Những tấm màn này thường xuyên được thay đổi tùy theo ngày lễ lớn hay nhỏ.  Chúng khiến khách tham quan nghĩ ngay đến những khách sạn cỡ năm, sáu sao trở lên. 

Gian cung thánh mới thật độc đáo. Nó giống như một sân khấu vì có tấm  vải lớn có thể kéo qua kéo lại. Cha nói làm như thế để có thể diễn kịch, diễn các hoạt cảnh phục vụ cho tinh thần ngày lễ. Khi nào có các buổi diễn đó thì tấm màn được kéo lại để che nhà tạm cùng những tượng ảnh trên bàn thờ. (Thực ra, trước đây, khi chưa có tấm màn kéo đó, cha vẫn tổ chức các buổi múa hát ở gian cung thánh mà diễn viên phần lớn là chuyên nghiệp được cha thuê từ SG về. Họ ăn mặc rất sexy. Sau khi đoàn vũ ra về, cha hỏi các cháu thiếu nhi: “Các con có thích không?”. Lẽ tất nhiên là chúng hoan hô cha hết cỡ. Vì thế, cha hứa với chúng: “Vậy thì cha sẽ cho các con coi tiếp. Chịu không?”. Chúng đồng thanh la to- to đến nỗi có thể vỡ tung nhà thờ: “Chịu… Chịu… Chịu…”.  Các bậc phụ huynh nhìn nhau, lắc đầu ngao ngán, nhưng chẳng ai dám hé môi). 

Khi nói về gian cung thánh kiêm luôn sân khấu, mắt cha sáng lên như hai cái đèn pha ô-tô chạy trong đêm tối. Những người vây quanh cha cứ nức nở khen cha là người có óc sáng tạo, là người dám nghĩ dám làm. Trong chỗ riêng tư, các bà nội trợ thầm thì với nhau: “ Cha mình giỏi quá. Cỡ như cha thì phải làm Giám mục hay Hồng y mới xứng”. “Biết đâu đấy nhỉ? Cha được làm hạt trưởng rồi. Từ hạt trưởng đến Giám mục thì mấy hồi”. “Này, chị có biết gì không?” “Biết gì là gì?” “Cha mình là thành viên MTTQTP đó?” “Ô! Tưởng chuyện gì cơ chứ. Chuyện đó thì xưa như trái đất rồi bà chị ạ.”. “Cha mình giỏi ghê, chị nhỉ?” “Chuyện ấy thì khỏi phải bàn cãi. Thế chị không thấy cha mình được biết bao nhiêu là bằng khen, từ cấp phường lên tới thành phố, và cả của trung ương nữa  à? Thế  gọi là “Tốt đạo đẹp đời”. “Vậy thì cha mình chắc chắn sẽ còn lên cao nữa”. “Cái đó còn chi mà phải nói nữa. Chắc như đinh đóng cột rồi”. Và thế là những cặp mắt hấp háy mơ màng về một ngày cha mình vinh quang…

Ngôi thánh đường mới, trông từ xa  lại và nhìn từ dười lên, giống y hệt những pháo đài của các lãnh chúa ở Âu châu thời trung cổ. Nó kiên cố và kín cổng cao tường. Giả sử nếu có một cuộc tấn công thực sự  xảy ra thì nó cũng chẳng bị hề hấn gì.  Đây là dấu ấn của cha sở. Ngày nay, các thánh đường nguy nga thi nhau xuất hiện. Dường như các vị linh mục khi xây dựng nhà thờ đều thầm nhủ: mình phải để lại một dấu ấn cho hậu thế chứ. Thế là bao nhiêu là kiểu cọ được tung ra với tiền tỉ. Mấy chục tỉ. Ở Việt Nam bây giờ, các công trình xây dựng của tư nhân hay nhà nước đều tính bằng bạc tỉ. Còn bạc triệu thì phải từ mấy trăm triệu trở lên. Mà người ta nói những con số ấy một cách rất thản nhiên, cứ như thể những  món tiền  đó là những tờ giấy lộn vậy. Ôi! Cái dấu ấn của các vị cha sở sao mà  đắng cay thế nhỉ?  Đắng cay vì trong lúc đa số giáo dân đều thuộc lớp người vặt mũi bỏ miệng, “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” thì các ngài ung dung tiêu sài như những đại gia. Những đại gia còn phải đổ công đổ sức ra kiếm tiền, nhưng các ngài thì không hề tốn một giọt mồ hôi nào cả, chỉ tốn chút ít nước miếng thôi.

Sau buổi lễ khánh thành ngôi thánh đường mới, cha sở sẽ khoản đãi toàn giáo xứ, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, lớn bé. Tất cả đều được ăn uống thả giàn, cứ như thể cha sở bắt chước Chúa Giê-su làm phép lạ hóa phép cho năm chiếc bánh và ba con cá ra nhiều để cho năm ngàn người đàn ông ( không kể đến phụ nữ và trẻ con) ăn uống no nê vậy. Buổi tiệc khoản đãi sẽ được tổ chức nơi tầng hầm của thánh đường. Đây là nơi mà các gia đình trong giáo xứ, hoặc ngoài giáo xứ khi cần tổ chức tiệc cưới, liên hoan sinh nhật…có thể mướn mặt bằng cùng đầu bếp do cha tuyển chọn với giá phải chăng. Cha nói như thế trên tòa giảng. Và cha đặt tên cho nó là “Trung tâm tổ chức tiệc cưới và liên hoan”. 

Khi bước vào “Trung tâm” này, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người  ta  là bức ảnh cha sở đứng giữa bầy chiên, trên tay cầm cuốn Kinh Thánh. Bức ảnh được treo trang trọng trên cây cột xà ngang ngay cửa vào. Bởi vậy, dù không muốn thấy, người ta cũng vẫn phải thấy.  Đây là phiên bản của bức ảnh “Chúa chiên lành” được bày bán đầy dẫy trong các nhà sách công giáo từ xưa đến nay, trong đó có hình Chúa Giê-su ôm một con chiên trong tay. Bức mà người ta thấy ở đây, Chúa Giê-su được thay bằng cha sở!!! Buổi tiệc chắc sẽ vui lắm đây. Tuy vậy, chắc chắn sẽ không vui và không lớn bằng buổi tiệc cha sở khao giáo dân trong dịp ngài được tòa Tổng Giám mục bổ nhiệm là hạt trưởng của 11 giáo xứ thuộc quận. Trong giáo xứ có mấy vị bô lão tuổi từ tám mươi trở lên nói rằng: buổi tiệc khao  chức hạt trưởng của cha sở khiến cho các cụ nhớ đến tiệc khao lý trưởng, chánh tổng ngày xửa ngày xưa ở làng quê các cụ ngoài miền Bắc. Nó cũng linh đình như thế. Cả làng được hưởng ơn mưa móc của mấy ông lý trưởng hay chánh tổng. Vậy là lịch sử đã lặp lại ở giáo xứ này vào thập niên đầu của thế kỷ 21! Không chỉ khao giáo dân trong giáo xứ mà thôi đâu. Ngài còn khao cả các vị trong HĐGX  của 11 giáo xứ trong hạt nữa. Các vị này được cha tân hạt trưởng mời đi Vũng Tàu hai ngày, trú ngụ ở khách sạn có sao, ăn uống cũng ở các nhà hàng có sao. Cha sở thật là hào phóng.

Thế là cái ngày cha hằng đợi hằng mong cũng phải đến. Dấu ấn để đời của cha đã thực sự hoàn tất. Cha sung sướng đến độ quên ăn quên ngủ. Đi đến đâu cha cũng được thiên hạ nhìn bằng ánh mắt kính phục tột cùng. Có  một con chiên đã nói với cha như thế này:

-   Mỗi khi đi làm về, từ xa con đã thấy nhà thờ mình nổi bật trên nền trời xanh khiến lòng con vô cùng ấm áp . Con đã đi nhiều nhà thờ trong thành phố này và cả vùng ven nữa, nhưng  chưa thấy nơi nào có nhà thờ đẹp và hoành tráng như nhà thờ minh. Cha là số I. (Vừa nói, con chiên ngoan của cha vừa giơ ngón tay cái lên diễn đạt  cùng với cặp mắt long lanh nhìn cha như nhìn một thần tượng).

Nghe câu nói ấy, cha run lên vì sung sướng và hãnh diện. “ Bây giờ mình có thể về với Chúa được rồi”, cha nhủ thầm như thế.

Về dự lễ khánh thành ngôi thánh đường mới hôm nay có các vị chủ chăn như ĐHY, các ĐGM trong và ngoài địa phận cùng rất nhiều linh mục và tu sĩ nam nữ. Cha là một người có tài ngoại giao và ngoại giao rất rộng. Cha không chịu đóng khung trong địa phận của cha đâu mà mở rộng ra khắp nơi, từ Bắc chí Nam. Cha thường khoe ĐGM này là bà con với cha, ĐGM kia là thầy cũ của cha. Cha cũng không quản ngại đường xá xa xôi đi “hầu” các ĐGM để tỏ lòng hiếu thảo. Nào là đi Tết. Nào là đi mừng lễ thánh bổn mạng. Nào là thăm hỏi sức khỏe… Nghĩa là có muôn vàn lí do chính đáng để cha có mặt tại các tòa GM. Vì thế,  con đường hoạn lộ của cha rộng mở  thênh thang như những đường cao tốc ở các nước tiên tiến và trơn tru như cột mỡ. Đó là về phía giáo quyền. Còn về phía chính quyền thì con số cũng chẳng kém cạnh gì. Từ phường tới quận và cả thành phố nữa. Còn ai nữa không nhỉ? Còn chứ. Các bậc ân nhân- của cha, tất nhiên. Ôi! Làm sao mà kể cho hết được. Cha mình tài giỏi lắm cơ mà!

Đây là một ngày hệ trọng- rất hệ trọng đối với cha. Nó còn hệ trọng hơn cả ngày kỉ niệm Kim khánh linh mục sắp tới của cha nữa. Vì thế, cha đã đầu tư  rất nhiều công sức cho một chương trình rất tỉ mỉ. Nó được thay đi, đổi lại không biết bao nhiêu lần rồi. Nào là soạn bài phát biểu cho đại diện HĐGX và các đoàn thể. Phải soạn cho họ thôi, vì họ nói năng chẳng ra gì cả thì hỏng bét. Nào phần văn nghệ giúp vui phải như thế nào. Nào chỗ ngồi của chính quyền các cấp. Nào là bao thơ cho khách… Cha không thể trao việc này cho ai được. Cha không tin tưởng vào khả năng của một người nào hết, ngoài cha. Nhiều hôm cha thức trắng đêm. Sáng sớm hôm sau, trong lúc dâng lễ, cha suýt ngủ gục trên bàn thánh.

Cuối cùng, cái chương trình ấy cũng được hoàn tất. Đọc đi đọc lại để tìm sai sót, nhưng cũng không thấy, dù là một chi tiết nhỏ. Cha thở phào nhẹ nhõm. Cha hình dung thấy những ánh mắt thán phục cùng những lời ca tụng  của khách và của giáo dân mà lòng hân hoan phơi phới. Cha làm dấu Thánh giá và  cảm tạ Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho cha hoàn thành tâm  nguyện. Lúc này đây, cha đang lăng xăng khắp nơi để chỉ đạo công việc đón khách.

Cha ngắm nghía  mấy cái băng-rôn treo ở mặt tiền và hai bên cánh nhà thờ. Những hàng chữ mới trang trọng làm sao! Chắc hẳn hồn  quí khách sẽ  bay bổng tới chín tầng mây khi thấy họ được tôn vinh như thế. Cha đã gắn trên đầu mỗi vị khách một vòng nguyệt quế tuyệt hảo. Cha đã đội vào đầu mỗi vị một cái vương miện bằng vàng ròng lấp lánh.

Cha mỉm cười hài lòng khi thấy  các đoàn thể đã hàng ngũ chỉnh tề theo đúng sơ đồ chỉ định với đồng phục riêng biệt. Ắt hẳn khi trông thấy hình ảnh này, ĐTGM, GM cùng các vị linh mục đồng nghiệp của cha sẽ ngợi khen tài chăn chiên của cha. Cha cảm thấy một niềm vui khôn tả dấy lên trong lòng.

Cha nhìn đồng hồ. Còn hơn một tiếng nữa thì quan khách mới tới. Cha an tâm. Mọi việc đều tiến hành đúng như bài bản đã vạch ra.

Mải mê với công việc chuẩn bị đón chào quan khách nên cha không biết đến sự hiện diện của một con chiên của cha. Đó là một bà cụ tuổi ngoài chín mươi. Tóc cụ bạc như cước. Lưng cụ khòm khòm.  Cây gậy cụ đang chống để đứng cho vững hơn một tí là một khúc tre cụ xin được của người hàng xóm tốt bụng.

Cụ đứng bên ngoài khuôn viên nhà thờ. Mắt cụ phải nheo nheo lại để nhìn cho rõ những hình ảnh mà cụ chỉ thấy nhấp nhoáng từ xa xa. Khuôn viên nhà thờ tuy rộng, rộng lắm, nhưng đã chật cứng người. Hơn nữa, cụ biết  rõ thân phận một kẻ nhà quê dốt nát và nghèo hèn thì không thể bon chen vào chỗ đó được. Và cho dù cụ có vào được nơi ấy và đứng ngay cạnh cha thì chắc gì cha sở đã nhìn thấy cụ? Vì mắt cha đâu chỉ để nhìn những người già nua, quê mùa hèn kém như cụ. Thỉnh thoảng, trước đây, khi đi lễ, cụ gặp cha, cung kính cúi đầu muốn sát đất để chào, nhưng cha chỉ gật gật cái đầu mà mắt thì nhìn tận đâu đâu ấy.

Vào những ngày lễ lớn như Giáng sinh, Tết nguyên đán…, cha thường đi thăm những người già cả, các bệnh nhân lâu năm và cho họ chút quà gọi là để an ủi. Mỗi lần như thế, các ông trùm họ phải đi trước để dọn đường cho cha. Khi cha sắp đến nhà người cần đến thì các ông chạy đến trước và hô lớn: “Cha sở tới!” rồi nép mình sang một bên để cho cha bước vào. Còn các ông đứng nghiêm bên ngoài canh chừng, như thể bọn vệ sĩ của các đại ca hay các nhà lãnh đạo quốc gia bảo vệ anh ninh cho sếp của họ vậy. Cha vào nhà cụ. Cha phải khom lưng xuống để khỏi đụng đầu vào cái cửa. Căn phòng bé nhỏ lờ mờ dưới ánh sáng của bóng đèn tròn 40 watts. Cụ ngồi trên chiếc chõng tre đã long nhiều nan và  trải cái chiếu đen đen vì quá cũ. Cha đứng trước mặt cụ với một khoảng cách vừa đủ. Hình như cha có đưa bàn tay lên để bịt mũi, nhưng lại rất nhanh cha bỏ tay ra. Cha nói với cụ, giọng oang oang:

-     Cụ có khỏe không?

Và không đợi cụ trả lời, cha nói tiếp, nhịp điệu nhanh nhanh:

-     Nhân dịp…, cha đến để thăm cụ và biếu cụ chút quà nhé!

Cha vừa dứt câu thì ông CTHĐGX nhanh chân tiến đến bên cha, hai tay cung kính trao vào tay cha gói quà đã gói sẵn. Cha bước đến gần cụ hơn một chút, đặt vào đôi tay gầy gò của cụ gói quà và nói:

-    Đây là quà của cha. Chúc cụ khỏe mạnh. Bây giờ cha còn phải đi thắm những người khác nữa. Thôi, chào cụ.

Bước chân vội vã của cha đã ra ngoài đường trong khi cụ chưa kịp lí nhí nói lời cám ơn cha.  Cha bước vào và đi ra như ánh sao xẹt.

Lúc này cụ đứng đó, nhìn ngôi nhà thờ to lớn và cao ngất ngưởng mà xót xa cho thân phận của mình. Từ nay trở đi, cụ sẽ không thể nào bước chân vào nhà thờ được nữa. Đôi chân run rẩy này làm sao bước lên được số bậc thang kia? Hôm nhà thờ mới xây xong, giáo dân ùn ùn kéo nhau tới xem. Cụ cũng náo nức theo chân họ, nhưng  cụ chỉ đứng phía dưới mà nhìn lên thôi. Thấy người ta trèo lên trèo xuống mà cụ thèm thuồng. Cụ ước gì mình trẻ lại chỉ ba mươi tuổi thôi để được vào xem cung điện của cha sở như thế nào. Có vài cháu ngỏ ý dìu cụ lên, nhưng cụ từ chối vì sợ làm phiền họ. Vả lại, chắc gì cụ đã leo lên được dù có người kèm bên cạnh. Ngộ nhỡ giữa chừng mà cụ khuỵu xuống thì cả hai sẽ gặp nạn to.

Cụ nhớ lại cái nhà thờ cũ. Nó tuy nhỏ bé, cũng chả nhỏ lắm đâu, nhưng ấm cúng và gần gũi biết bao! Ngày nào cụ cũng được đặt chân vào nhà Chúa để đọc kinh cầu nguyện. Cụ thấy Chúa gần với cụ quá. Và cả Đức Mẹ nữa. Nhìn khuôn mặt hiền từ của Mẹ, cụ cảm thấy bao nhiêu phiền muộn, âu lo tan biến hết. Ngày nào cũng như ngày nấy, ba lần cụ được đến nhà thờ, được gặp Chúa và Mẹ. Ngoài việc đọc kinh cầu nguyện, cụ còn tẩn mẩn lau dọn một chút cho nhà thờ. Khi còn sức khỏe, việc vệ sinh nhà thờ cụ xin được đảm trách. Cha già cố cứ gọi cụ là bà trùm, mặc dù cụ chẳng có chức việc gì trong giáo xứ cả. Việc duy nhất cụ làm được là quét dọn, lau chùi nhà thờ và làm cỏ chung quanh. Chỉ có thế thôi, nhưng lòng cụ vui lắm. Cụ chẳng còn ai thân thiết ruột thịt cả. Chồng con cụ đã bị trận đói năm Ất Dậu giết chết cả rồi. Cụ theo người làng di cư vào Nam và kiếm sống bằng việc đi làm thuê, làm mướn cho người ta. Cái “nghề” cuối cùng của cụ là quét chợ. Cái chợ chồm hổm gần nhà. Cụ chắt chiu nhặt nhạnh để lấy tiền phòng thân. Tuy số tiên kiếm được chẳng nhiều nhặn gì, nhưng cụ vẫn đóng góp chút đỉnh cho nhà thờ. Cha già cố biết được, không lấy tiền của cụ. Nhưng cụ năn nỉ với cha:

-    Xin cha cho con được góp phần với mọi người. Cha cứ coi như đây là tiền xin lễ của con. Mai này khi con qua đời thì con sẽ được an tâm.

Nghe cụ trần tình, cha cười cười và bảo với HĐGX:

-    Các ông nên nhớ rằng sự đóng góp của bà cụ lớn hơn bất cứ tiền muôn bạc vạn của những người khác đấy.

Rồi cha già cố được Chúa gọi về. Rồi cha sở bây giờ được bề trên cử đến. Cụ vẫn làm phận- sự- tự-nguyện như trước. Chỉ có một điều hơi khác: cha sở không thân thiện với cụ như cha già cố. Khi bắt buộc phải nói chuyện với cụ, cha thường xưng hô bâng quơ.

Chẳng bù cho cha già cố. Ngài thân thiện với tất cả mọi người, không phân biệt lương giáo, giàu nghèo. Khi được chào, ngài luôn chào lại,  không chỉ là cái gật đầu cho có lệ mà là một sự thi lễ nghiêm chỉnh: ngài đứng thẳng, cúi đầu đáp trả cùng với nụ cười hiền hòa. Người chào  cha có thể là một anh  công nhân lam lũ, một chị buôn gánh bán bưng hay một người ăn mặc dĩnh đạc… Dưới mắt cha, mọi người đều bình đẳng. Đôi khi ngài còn hỏi thăm về gia đình, công ăn việc làm và an ủi, khuyến khích người chào nữa. Cha chỉ xưng “cha” với đám trẻ con thôi. Còn đối người lớn, cho dù chỉ đáng tuổi con ngài, ngài cũng xưng “tôi”. 

Cụ còn nhớ như in lần cụ bị ốm liệt giường liệt chiếu. Cha cố già đến xức dầu cho cụ. Xong, cha bảo HĐGX phải cấp tốc đưa cụ đi nhà thương. Lẽ tất nhiên, mọi chi phí đều do cha và HĐGX trang trải. Không chỉ một mình cụ được hưởng sự chăm sóc tận tình như thế của cha mà hầu như tất cả những người nghèo khác cũng vậy.  Sự giúp đỡ, chăm sóc này không phân biệt lương giáo. Bởi vậy, khi ngài được Chúa gọi về,  người ta lấy làm ngạc nhiên khi thấy trong số những người đến viếng cha có cả những lương dân nữa. Họ khóc lóc thảm thiết như vừa bị mất một người cha  đáng kính. Họ kể lể về công ơn của cha đối với gia đình và con cái họ. Nhờ vậy mà giáo dân trong xứ mới biết, chứ cha chẳng bao giờ nói ra.

Tuy cha sở mới không mặn mà với cụ lắm, nhưng cụ vẫn tiếp tục công việc chăm sóc nhà thờ không một chút buồn bực. Thế rồi, một hôm, khi cụ đang nhổ cỏ bên hông nhà thờ, cha sở tiến lại và bảo cụ từ nay trở đi cụ sẽ không phải làm công việc này nữa vì cha đã mướn người làm rồi. Lúc cha nói những điều này, mắt cha đăm đăm về một hướng xa xăm. Nghe cha nói thế, lòng cụ quặn thắt lại. Cụ ra về mà lòng xót xa, tủi thân tủi phận. Từ hôm đó, cụ đâm ra “thất nghiệp”. Thế nhưng, vì làm công việc này lâu năm quá rồi, nên cụ “nghiện”. Hễ cứ vào thời điểm đó là cụ ra khỏi nhà, tiến về phía nhà thờ. Khi đến cổng nhà thờ, cụ  đứng ngẩn ngơ một lúc rồi quay lui, thở dài, mắt ươn ướt.

Bây giờ cụ cũng đang đứng trước cổng nhà thờ. Không, cụ đang đứng trước khuôn viên ngôi thánh đường hoành tráng. Lòng cụ như bị ai xát muối. Ngôi thánh đường này không thuộc về cụ. Cụ không thể bước chân vào đó được, mặc dù rất muốn và mặc dù không bị cấm cản. Cụ sống ở xứ đạo này đã gần cả cuộc đời rồi. Cụ đã chứng kiến biết bao thăng trầm, buồn vui của từng gia đình trong giáo xứ. Những đứa trẻ ngày nào mới cất tiếng khóc chào đời mà nay đã thành ông bà nội, ngoại cả rồi. Bao thế hệ như thế đã đi qua dưới ánh mắt cụ. Cụ cũng đã là chứng nhân của bao cảnh sum vầy, tan hợp hợp tan của những cặp vợ chồng trong giáo xứ. Vậy mà từ nay trở đi, cụ sẽ trở thành một kẻ lạ mặt. Trong các buổi tiệc thánh sắp tới, cụ sẽ chỉ là một kẻ chầu rìa mà thôi.

Cụ run rẩy lách lách ra khỏi đám đông hiếu kì đang vây quanh nhà thờ để  trở về  cái gian nhà ọp ẹp của mình giữa lúc tiếng kèn trống vang lên inh ỏi. Bất giác cụ dừng chân. Cụ trông thấy những chiếc xe lăn. Đó là  miếng cơm manh áo của những phần số thiếu may mắn. Trong số những chiếc xe lăn đó, cụ đã trông thấy mấy chiếc vào trong nhà thờ cũ kính cẩn, nghiêm trang tham dự thánh lễ. Khi đến phần rước lễ, cha già cố thường đem Mình thánh xuống từng chiếc xe, sau khi đã trao cho các người già cả ốm yếu như cụ. Cụ cũng đã nhìn thấy mấy chiếc xe ấy hàng giờ trước tượng Đức Mẹ,  cặp mắt ngập tràn tin yêu ngước lên đấng từ mẫu. Vậy mà giờ đây, cũng như cụ, họ là những người bị ruồng bỏ. Cũng như cụ, họ chỉ là những kẻ chầu rìa trong các buổi tiệc thánh. Cụ nhìn họ. Họ cũng nhìn cụ. Những kẻ chầu rìa nhìn nhau, mắt ngấn lệ…


SG, 28/9. 2014
Uyên Sồ

No comments:

Blog Archive