Về Lại Đất Phi: Mùa Lễ Tạ Ơn 2016
Đất Phi, xứ ngàn lẻ một đảo
Tôi đang đi trên đường phố Tagaytay của Philippines. Trời tháng 11 cuối năm tại quốc gia ngàn lẻ một đảo phả hơi nóng vào mặt, đốt đen cháy nám thịt da!
Hơi ẩm trong bầu không khí vun vút bốc cao có ngọn; người tôi ẩm ướt như bôi dầu mỡ, áo thun loang lổ lấm tấm những hạt mồ hôi. Nhìn hai bên lề đường, tôi quét nhanh nhanh ánh mắt tìm kiếm. Cuối cùng, tôi quyết định ghé vào quán café nằm phía bên tay phải. Tôi bước nhanh nhanh, băng ngang qua đường. Tới cửa quán, đẩy cánh cửa kiếng, tôi thở phào nhẹ nhõm bởi bên trong máy lạnh êm đềm thổi phà hơi mát vào khuôn mặt đang lăn tròn những hạt mồ hôi.
Thoang thoảng trong bầu không khí thơm ngát mùi café là tiếng hát cô ca sĩ Karen Carpenter lừng danh đang ngọt ngào du dương bản nhạc Giáng Sinh, “Ill be home for Christmas. You can count on me. Please have snow and mistletoe…” Tôi nhận ra ngay tại góc quán, cây thông Noel đứng đó, đèn xanh đỏ chớp sáng. Tôi ngồi xuống ghế gỗ, gọi ly café Americano (chỉ thấy tại Philippines). Trong quán café, tôi nhận ra một cặp tình nhân gốc Âu, cả hai mặc quần đùi, áo thun, dáng điệu Tây balô. Tại góc quán, phía đối diện, cô gái Filippina chăm chú đọc bản tin trên máy laptop. Góc quán bên này là tôi, yên lặng dõi nhìn. Tất cả bốn người trong quán đều yên lặng trong cái yên lặng của riêng từng cá nhân.
Tôi biết lại thêm một lần Noel nữa, tôi sống đời viễn xứ. Tự nhiên lòng tôi chùng xuống; tôi biết mình đang nhớ khung cảnh tuyết rơi trắng xóa phố phường của Phố Gió Chicago, và cái lạnh se da thịt mặc áo khoác dầy cộm vùng Thung Lũng Hoa Vàng Bắc Cali vào mỗi dịp Noel về.
Tôi đã rời sa mạc Thổ dân Úc Châu, dọn nhà sang Philippines hơn 6 tháng rồi. Nói theo ngôn từ thần học, tôi đã nhổ lều sa mạc Úc Châu và dựng lại lều tại cao nguyên phố nhỏ Tagaytay của Philippines. Sáng hôm đó, một buổi sáng tháng 5, tôi nhổ neo tại bến cảng Sydney, phi cơ Airbus khổng lồ lăn bánh nhanh nhanh phóng tới vun vút trên đường phi đạo tráng nhựa thẳng tắp, sau cùng nhấc mình bay bổng lên bầu trời xanh Nam Bán Cầu. Nhìn xuống qua khung cửa, tôi nhận ra tòa nhà Con Sò và cầu Harbor lừng danh Úc Châu nhỏ dần nhỏ dần. Tôi nhắm mắt lại, không muốn nghĩ gì. Và tôi chìm sâu vào trong giấc ngủ. Mở mắt ra, tôi nhận ra phi cơ Qantas đang nhẹ nhàng hạ cánh xuống phi trường Manila, nhà cửa san sát xếp hộp của thủ đô to dần to dần. Cuối cùng, những vòng bánh xe khổng lồ mở tung ra, chạm đường phi đạo, hai cánh phi cơ lao xao một giây, rồi lấy lại cân bằng vững vàng. Thế là thay đổi! Tôi bỏ lại sau lưng Úc Châu. Giờ này vùng sa mạc Thổ dân hóa ra xa ngàn dặm tựa đường về thiên đàng. Tôi đã quay về lại đất Philippines…
Nhiều người, cả Phi lẫn Việt, vẫn hỏi tại sao lại nói quay về?
Tôi giây phút đó, trong lòng lại lao xao một thoáng xúc động. Tôi đã từng có mặt ở quốc gia này hơn 5 tháng. Thời đó tôi là thuyền nhân. Năm đó, 1984, tôi sống tại trại chuyển tiếp Bataan, Morong. Sau hơn một năm mòn mỏi đợi chờ tại hòn đảo tình xù Pulau Bidong và trại cấm khô khốc Sungai Besi của Mã Lai (10/82-12/83), trại Bataan hóa ra thiên đàng trần thế; cổng trại buổi chiều hôm đó mở rộng thênh thang, ôm gọn vào lòng người thanh niên mang thẻ căn cước Displaced Person/Người Vô Tổ Quốc.
Tại trại Bataan lần đầu tiên trong đời tôi nghe được tiếng rao hàng mộc mạc “Bà-lút” của người Phi. Khi trưa nắng, lúc chiều tối, người dân sống chung quanh trại đi vào rao bán vịt lộn đặc sản cho thuyền nhân tỵ nạn chung một sở thích. Bà-lút của người Phi vắng mặt rau răm và muối tiêu. Họ chỉ luộc, vớt ra, nóng hổi, rồi mang vô trại tỵ nạn rao bán cho thuyền nhân đang đợi đi định cư tại Mỹ. Chỉ đơn thuần là vịt lộn, nhưng với thuyền nhân đã từng vật lộn với cuộc sống bể dâu tại quê nhà, với sóng biển hải tặc, và với những mòn mỏi đợi chờ trộn lẫn chán chường khô khốc trong những trại cấm Galang, Sungai Besi, Songkhla, hột vịt lộn của người Phi vào buổi trưa hóa ra món quà bất ngờ trời cao ban tặng những tâm hồn mồ côi quê hương. Dù không có rau răm, nhưng muối và tiêu thì trại Bataan không thiếu. Trưa trưa chiều chiều tỵ nạn Việt Nam ngồi bên khung cửa chờ đợi gánh hàng Bà-lút của dân làng Bataan để thỏa mãn một mối đam mê.
Thời đó có lần tôi đau, được nằm trong bệnh viện của trại mấy ngày. Tôi nhớ khuôn mặt của cô y tá nhìn đẹp hút hồn bởi mang hai dòng máu, Phi Luật Tân và Tây Ban Nha. Lúc cô ghé vào giường bệnh đo máu, tôi tò mò hỏi cô nói được mấy thứ tiếng? Cô y tá lịch sự, cười, nói ngay: “Oh! I can speak four languages/Tôi nói được bốn ngoại ngữ.” Mở to mắt ngạc nhiên, tôi trong bụng thầm nghĩ, “Sao lại có người thông minh quá!” Tôi nghĩ chắc chắn là cô phải biết nói tiếng Tagalog, tiếng Anh. Hai ngôn ngữ còn lại, tôi đoán chắc là tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Tôi còn nghĩ xa hơn trong bụng, mặt cô y tá đẹp như tượng, khả năng ngôn ngữ của cô giầu đẹp thì cũng chẳng lạ chi (bởi từ bao lâu rồi, tôi thấy Trời vẫn thiên vị; nhiều người Trời nặn ra vừa đẹp vừa giỏi, có những người thì lại ngược lại!). Nhưng không, cô y tá tiếp tục nói, “I can speak Tagalog, English, Cebuano, and Ilocano/Tôi biết tiếng Tagalog, tiếng Anh, tiếng Cebuano, và tiếng Ilocano.” Tagalog là ngôn ngữ chính của người Phi, Cebuano là ngôn ngữ của người Phi sống ở đảo Cebu và những hòn đảo láng giềng. Ilocano là ngôn ngữ của người Phi vùng Moutain Province, phía bắc đảo lớn Luzon. Khi đó tôi mới nhận ra người Việt Nam chỉ nói một ngôn ngữ. Từ Bắc vào Nam, người Việt giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, mặc dù khác giọng, giọng Bắc, giọng Trung và giọng Nam. Ngôn ngữ Việt, âm thanh Việt đã nối kết người Việt trong một mối liên hệ ruột thịt cả ngàn năm nay.
Văn Hóa Chuyển Tiền
Quay lại Phi lần này, tôi không còn tỵ nạn thuyền nhân nữa, mà là tu sĩ bình bát. Lần trước tôi không có chọn lựa bởi khi đó mình là thuyền nhân, nhưng lần này tôi đến Phi bởi tôi chọn lựa tới xứ ngàn lẻ một đảo. Tôi nhớ sau khi đặt chân xuống phi trường Manila, tôi xếp hàng đợi tới phiên, sau cùng tôi lướt qua thật nhanh cửa hải quan.
Bước ra khỏi cửa phi trường, hơi nóng và độ ẩm của Manila dội ngay vào mặt. Cởi áo choàng bên ngoài ra khoác lên vai, tôi ngong ngóng nhìn, tìm kiếm người đón tôi tại cửa phi trường. Chỉ trong thoáng chốc tôi nhận ra người thanh niên cầm trên tay bảng hiệu SVD, tên viết tắt của nhà dòng Ngôi Lời. Tôi bước tới, bắt tay, tự giới thiệu, bước lên xe. Người tài xế đề máy rồi nhích từng vòng bánh xe nhập vào dòng xe cộ ngược xuôi. Từ phi trường về tới nhà dòng chỉ là một đoạn đường tráng nhựa trên dưới 10 cây số, nhưng dòng xe đông đảo vào một buổi chiều thủ đô đã biến đoạn đường 10 cây số hóa ra thiên lý xa ngàn dặm. Gần hai tiếng đồng hồ sau, tôi mới đặt chân tới cửa nhà dòng Ngôi Lời. Tôi tắm rửa, rồi nằm vật xuống giường, ngủ mất đất!
Ông bà mình có câu tục ngữ, giờ nghĩ lại thấy thật hay, “Một lần dọn nhà bằng ba lần cháy nhà!” Ơi! Túi khôn của tổ tiên thật giàu có và khang trang. Tôi đã từng dọn nhà từ Mỹ qua Úc, rồi giờ này từ Úc qua Phi, tôi thấy mình cháy dài dài. Cái cháy đầu tiên là ngôn ngữ. Tự nhiên tôi hóa ra điếc và câm trên đất Phi, bởi tôi không biết tiếng Tagalog trong khi đó thiên hạ chung quanh lúc nào cũng rổn rảng rộn ràng tiếng Phi. Thế là tôi tịt ngòi như viên pháo thối!
Tôi quyết định đi học tiếng Tagalog. Được một khoảng thời gian vừa đủ để rộn ràng chào hỏi, “Kumusta, po kayo? Bạn khỏe không?”; “Salamat, po/Cám ơn.” Leo lên xe jeepney, muốn dừng lại chỗ nào, tôi nói với tài xế, “Para, po/Xin dừng lại.” Có những lúc túng quá, tôi xổ luôn tiếng Anh. Nếu thiên hạ nơi bến xe lửa hoặc bến cảng không ai hiểu tiếng Tagalog bồi, tôi tìm gặp cảnh sát hoặc người bảo vệ, nói tiếng Anh với họ. Thông thường cuối cùng tôi cũng tìm ra được chuyến xe bus hoặc con tàu xe lửa sẽ mang mình tới nơi mà tôi dự tính sẽ tới.
Thời gian đầu tiên, đang quen với đời sống xe hơi tại Úc Châu (ngay cả trong sa mạc), giờ này tự nhiên hóa ra cụt chân cụt cẳng trên đất Phi, tôi tình thiệt là xìu! Khoảng thời gian mới tới, muốn mua một cây viết, một bàn chải đánh răng, tôi cũng không biết cách nào lần đường ra tới cửa chợ. Cùng tắc biến, biến tắc thông! Cuối cùng tôi cũng kiếm ra được cách đón xe Jeepney và Tricycle, hai phương tiện giao thông phổ biến tại Phi.
Jeepney có thể nói là vua đường phố trên đất Phi. Bất cứ giờ nào cũng thấy jeepney ồn ào nhả khói xăng chạy đầy đường. Thiên hạ chỉ cần đứng bên vệ đường, thấy jeepney từ xa xa, tay vẫy vẫy, xe dừng lại, bạn phóng lên xe, ngồi xuống, trả tiền. Thông thường một chiếc jeepney chứa được 12 tới 14 người. 12 thì vừa đủ chỗ để ngồi. 14 thì tình thiệt là hơi ép nhau! Nhưng dân Phi dễ dãi, 12 cũng được, 14 cũng chẳng sao, mà có lỡ 15 hay 16 hay 17, thì ba người dư thừa đứng, bám cửa xe nhìn cứ như lơ xe đò. Lên xe rồi, thiên hạ ngồi phía ngoài cùng hô to địa danh nơi mình muốn tới, miệng nói tay móc túi, đếm đếm rồi đưa một mớ tiền cắc sang người bên cạnh, người bên cạnh cầm đống tiền cắc chuyền sang người bên cạnh, rồi cứ thế, số tiền cắc leng keng lọt qua bàn tay hoặc 5 người (nếu xe chở 12) hoặc 6 người (nếu xe chở 14), cuối cùng số tiền cắc đó tới tay ông tài xế không thiếu một xu.
Thiên hạ ngồi trên xe không thấy ai táy máy, ngứa ngáy tay chân nhặt bớt một đồng peso nào. 7 đồng peso đưa ra, qua tay bao nhiêu người, đúng 7 đồng peso đó tới tay tài xế tròn trịa. Nhìn thiên hạ chuyền tiền trên xe jeepney, tôi trợn mắt nhìn, trong đầu hiện ra cụm từ, “văn hóa Philippines, văn hóa jeepney, văn hóa chuyền tiền!” Thông thường một đoạn xe trên dưới 3, 4 cây số, vé jeepney là 7 peso. Xa hơn, có thể là 10 hoặc 20 hoặc 50. Khi cần tài xế dừng lại chỗ nào, bạn nói to, “Para, po.” Thế là tài xế tà tà lái xe vào bên lề, bạn đi xuống, thảnh thơi.
Còn nếu không muốn đón jeepney, bạn có thể đón xe Tricycle/Xe Ba Bánh.
Tricycle nguyên thủy là xe gắn máy, tài xế gắn thêm vào xe chỗ ngồi cho khách, tương tự như xích lô của Việt Nam. Thế là xe gắn máy hóa ra tricycle. Khách đứng bên đường, vẫy vẫy. Xe dừng lại. Khách lên ghế ngồi. Xe phóng tới. Cùng một đoạn đường, giá tricycle mắc hơn jeepney thông thường gấp 4 gấp 5. Nhưng tricycle chịu đi vào đường nhỏ, dừng lại ngay trước cửa nhà. Còn jeepney thì không.
Nếu đi xa hơn nữa, bạn có thể đón xe bus. Phố cao nguyên Tagaytay nơi tôi ở cách xa Manila khoảng 55 cây số về hướng bắc. Muốn đi lên Manila, tôi đứng ngay bên đường lộ, vẫy vẫy tay khi thấy xe bus. Leo lên xe, ngồi xuống ghế, người bán vé tới, tôi nói địa danh nơi muốn tới. Người bán vé xé tờ vé, thâu tiền. Xe bus chạy từ phố cao nguyên Tagaytay thông thường tới bến xe bus gần Manila khoảng 3 tiếng (bởi kẹt xe kinh niên!).
Tới bến xe bus, tôi đi bộ ra trạm xe lửa sát ngay bên, bắt xe lửa. Xe lửa khoang tàu thông thường đầy nhóc người, nhất là giờ cao điểm. Xe lửa, phụ nữ và người lớn tuổi ngồi, thanh niên kiên nhẫn đứng. Tới trạm xe lửa, tôi đón jeepney đi tiếp. 55 cây số cách biệt, nhưng thông thường mất khoảng 4 tới 5 tiếng đồng hồ để để đặt chân tới được cửa nhà dòng Ngôi Lời.
Bàn về phương tiện giao thông trên đất Phi, ban đầu tôi khó chịu, riết rồi quen, hóa ra một phần đời sống thường nhật, một chuyện bình thường. Giờ muốn đi đâu, tôi đi bộ ra đầu đường, nếu không gấp, vẫy tay đón jeepney; nếu gấp, tôi vẫy tricyclo. Giờ tôi không còn cảm thấy khó chịu khi cuốc bộ trời nắng chang chang đi ra đầu đường vẫy xe nữa. Mồ hôi lăn lăn trên mặt, tôi lấy khăn tay lau trán lau cổ lau mặt. Mùi khói xăng đường phố đã trở thành mùi quen thuộc. Khói xăng nhiều quá, tôi cầm khăn tay che mũi lại y như một người Phi chính hiệu. Nắng quá, tôi đội mũ lên đầu trong khi đứng bên lề đường chờ xe jeepney của văn hóa chuyền tiền tới.
Level 0, po! Xuống Tóc
Thức ăn của người Phi cũng tương tự như người Việt. Căn bản ngày ba bữa cơm. Sáng, trưa, chiều, bước vào phòng ăn là ngửi thấy mùi cơm thơm ngọt ngào. Đối với người Phi, ăn mà không có cơm, bữa ăn đó không phải bữa cơm. Phi quần đảo, biển bao quanh, thức ăn căn bản là cá, cá phơi khô, cá chiên, cá hấp, cá kho.
Đặc biệt trên bàn ăn, người Phi thông thường có một đĩa nhỏ trong đó có một trái quất nhỏ và trái ớt đỏ. Tới bữa ăn, người Phi lấy muỗm xắt nhỏ trái ớt, vắt trái quất, sau đó xịt nước dấm vào chén ớt quất. Dân Phi chấm thức ăn với nước chấm ớt quất dấm. Tráng miệng căn bản là chuối và đu đủ, hai thứ trái cây xuất hiện khắp nơi trên đất quần đảo. Ngoài ba bữa chính, người Phi còn hai bữa ăn phụ xen giữa gọi merienda. Sáng khoảng 10 giờ, thiên hạ lục tục dẫn nhau vòng phòng ăn ăn merienda. Chiều khoảng 4 giờ, lại có merienda. Ăn uống tưng bừng! Nhìn thấy thèm và vui!
Thời gian đầu tiên, tôi cũng tà tà bị culture shock như bất cứ người nào mới tới Phi. Từ văn hóa Mỹ rồi văn hóa Úc qua văn hóa Phi, tôi shock với phương tiện giao thông, ngôn ngữ, thức ăn, và khí hậu. Giao thông, ngôn ngữ, và thức ăn tôi vượt qua khá nhanh. Giao thông, tôi giờ đón xe nhanh không kém dân bản xứ. Ngôn ngữ, tôi giờ nói tiếng Tagalog bồi trộn với tiếng Anh rổn rảng rộn ràng. Giống như cô y tá ngày xưa của trại Bataan, tôi giờ cũng biết căn bản bốn thứ tiếng, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Thổ dân Úc bồi và tiếng Tagalog bồi. Thức ăn, giờ tôi cũng biết lấy cho riêng mình một chén nước dấm trộn ớt và quất, rồi một tay cầm muỗng, tay kia cầm nĩa, tôi nhẩn nha ngồi nhai những hạt cơm thơm. Có lúc được mời ăn cơm theo kiểu truyền thống, tôi giơ tay bốc, ăn uống y như mọi người dân ngồi chung bàn; bạn tôi ăn cơm với cá, tôi ăn cơm với cá, bạn tôi bóc bà-lút ăn, tôi cũng nhặt hột vịt lộn lột vỏ ăn ngon lành.
Nhưng (cái rắc rối và sự thật thông thường xuất hiện nguyên hình sau chữ nhưng), nhưng, có một điều tôi vẫn chưa hội nhập được là bầu không khí ẩm ướt nặng nề của quốc gia ngàn đảo. Ai cự nự tôi khó tính, tôi vẫn phải thật thà thú nhận, tôi vẫn chưa quen với độ ẩm bốc cao mịt mờ của trời quần đảo. Nắng cháy thịt da vùng sa mạc Úc Châu không làm tôi chùn bước, bởi cái nắng sa mạc là cái nóng khô. Nhưng đất Phi bao quanh bốn bên là biển, cái nóng với độ ẩm bốc cao có ngọn khiến tôi có lúc thấm mệt! Sáng, trưa, chiều, tối, độ ẩm trong bầu không khí đọc được trên máy Iphone thông thường là tà tà từ 90% cho tới 100%. Người tôi cứ thế, lúc nào cũng nhơn nhớt mồ hôi. Tóc ướt rin rít như người mới bơi dưới nước hồ đục ngầu bước lên bờ. Trời cao tỏa sáng một góc tâm hồn đen tối, cuối cùng tôi cũng kiếm ra toa thuốc để trị độ ẩm. Sáng hôm đó, tôi đón xe jeepney tới tiệm hớt tóc quen thuộc. Tôi ngồi xuống ghế, người barber cuốn khăn choàng cho tôi, rồi cẩn thận hỏi,
— Ông muốn cắt level mấy? Level 3? Level 2?
Tôi nói ngay, rõ từng âm,
— Level 0, po!
Người thợ cắt tóc trợn tròn mắt nhìn, hỏi lại ngay,
— Tôi có nghe lộn hay không? Level 0? Có đúng không?
Tôi gật đầu xác nhận,
— Yes, level 0. Chính xác là như vậy.
Người barber bật miệng,
— Tôi thấy tóc của ông ngon lành lắm mà. Sao ông lại cạo trọc vậy?
Tôi cuối cùng thành thật khai cung,
— Ơi! Độ ẩm…
Thế là xong! Từng lọn tóc rớt xuống sàn nhà, trắng xóa một khoảng. 15 phút sau, đầu tôi không còn một sợi. Nhìn vào trong gương, tôi nhận ra với cái đầu mới, tôi nhìn thêm rõ nét mặt tu sĩ bình bát! Thật không thể ngờ, từ ngày hôm đó, cuộc sống tự nhiên trở nên giản dị, chưa bao giờ tôi trải nghiệm được những giây phút giản dị đến thế. Sáng, tắm 5 phút, rồi đi lễ, rồi ăn sáng, rồi công việc. Lược và gương tôi quẳng vào xó tủ, giờ mốc meo đóng bụi. Sáng sáng, chiều chiều, tôi không còn phải đứng trước gương chải tới chải lui. Xịt keo, rồi bôi jel. Ôi mệt! Hết, hết tất cả những thói quen thường nhật quen thuộc! Cuộc đời bỗng trở nên đơn giản đến không ngờ! Không vợ, không con, không tóc, không gương lược!
Tháng 11 và bản nhạc Giáng Sinh vang vang trong quán café gợi nhớ Thung Lũng Hoa Vàng và Phố Gió, những khoảng trời tôi đã hạnh phúc sống hơn hai mươi năm. Một phần đời tôi đã dựng lều ở hai thành phố lớn của Mỹ, San Jose và Chicago. San Jose, nơi tôi đã đặt chân tới sau khi rời bỏ trại Bataan. Tôi giờ vẫn nhớ giây phút ngơ ngác đứng ở trạm xe bus đón xe tới trường học tiếng Anh. Tối tối tôi đi làm tại những quán rượu Mễ dưới downtown, kiếm từng đồng tiền gửi về Việt Nam. San Jose, mùa Giáng Sinh lạnh cắt thịt da, tuyết bám trắng rặng núi Hamilton. Sáng mùa đông vùng thung lũng trời đóng đá trơn láng mặt đường! Chicago, tôi thấy mình khoác áo len, mặc quần jean xanh đi bộ ngáp ngắn ngáp dài trên con đường dẫn tới đại học Catholic Theological Union cho một giấc mơ tu sĩ bình bát. Chicago mùa đông dài lê thê! Giáng Sinh năm nào cũng vậy tuyết bám trắng cây khô. Ngủ qua một đêm, sáng dậy, nhìn qua khung cửa ngỡ ngàng nhận ra bão tuyết kéo về bôi trắng xóa phố phường.
Sau Chicago, tôi rời nước Mỹ, bay sang Úc Châu sinh hoạt với người Úc và Thổ dân đúng mười năm. Úc Châu, mùa đông về, thiên hạ cũng rộn ràng khăn quấn cổ, áo len, áo măng tô bởi cái lạnh trên dưới 1, 2 độ âm. Sa mạc Úc Châu, trời rét, Thổ dân và tôi đốt lửa ngồi sát bên nhau yên lặng ngắm nhìn giải Ngân Hà sáng lấp lánh tựa triệu triệu viên kim cương chớp sáng trên vùng trời đêm đen sa mạc. Những giây phút đó, bởi ngồi bên nhau, Thổ dân và tôi, không ai còn cảm thấy lạnh nữa; độ ấm tình người và của lửa than hồng sưởi ấm đậm đà tâm hồn của riêng từng cá nhân cư dân sa mạc.
Và giờ này, gần 6 tháng rồi, tôi công tác bên trời Phi. Cuối tháng 11, người Phi cũng dựng cao hang đá khắp nơi, nhưng trời tháng 11 vẫn nóng hầm hập, độ ẩm vẫn tà tà bay ngập phủ kín bầu không khí. Thiên hạ giờ này nhởn nhơ đi ngoài đường, quần đùi, áo thun, chân đi dép. Thiên hạ Tagaytay vẫn rổn rảng rộn ràng tiếng Tagalog, ăn cơm với cá, đón xe jeepney đi khắp phố phường. Thiên hạ Tagaytay vừa đi trên phố vừa hát nho nhỏ bài thánh ca Giáng Sinh, “I am dreaming for a white Christmas,” vừa móc khăn tay trong túi quần lau mồ hôi lăn lăn trên vầng trán khuôn mặt!
Tôi nhớ buổi chiều tối ngày hôm đó, một buổi tối Việt Nam, tôi bước chân xuống thuyền gỗ đậu tại cầu Rạch Sỏi của tỉnh Kiên Giang. Thuyền gỗ nhổ neo, mang người thanh niên thất vọng vào mình và mất niềm tin vào xã hội rời xa quê mẹ. Từ đó, tôi lang thang sống vật vờ tại Mã Lai, sống hy vọng vào một ngày mai tại Philippines, sống tràn đầy và sung mãn trên đất Mỹ, sống phục vụ tại Úc Châu, và hiện tại là sống hội nhập vào nền văn hóa chuyền tiền Philippines. Tôi thấy mình đã đi một chặng đường thật dài.
Mùa Lễ Tạ Ơn 2016
Sống và trải qua bao nhiêu phố phường của nhiều nền văn hóa, tôi tự nhiên nhớ tới câu ca dao, “Đi cho biết đó biết đây! Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn!” Khôn? Tôi chắc chắn không tới phiên mình (Tôi biết tôi một đời dại khờ, một điều bình thường, quen thuộc!). Nhưng tôi biết sống nhiều nơi, làm việc với nhiều sắc dân khác nhau, tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều, tôi càng ngày càng trở nên bao la và khoan dung. Trên hết tất cả, tôi thấy mình thuần tuý vẫn chỉ là một tu sĩ bình bát, ngày ngày ngồi đọc những bài tâm kinh nhỏ bên trong am nhỏ ngay bên dòng suối nhỏ nước chảy hiền hòa. Những lời tâm kinh tôi đọc hằng ngày vẫn chẳng có gì khác hơn ngoài lời kinh bình bát, “Xin cho nhân gian bình an và hạnh phúc!”
Bởi tâm kinh bình bát, tôi dọn lều vào vùng sa mạc, sống với và phục vụ Thổ dân Úc Châu. Cả một khoảng thời gian dài, tôi hít thở không khí sa mạc, gặp gỡ người sa mạc, chia sẻ buồn vui với cư dân sa mạc… Có một số người hỏi tôi đã làm gì cho người Thổ dân Úc Châu. Tôi suy nghĩ, cuối cùng tôi trả lời,
“Thưa bác, thưa anh, thưa chị! Cả một khoảng thời gian dài sinh hoạt trong sa mạc, tôi chẳng làm gì khác hơn ngoài việc định cư và đồng hành với Thổ dân Úc Châu… Tôi đi với họ, tôi cười với họ, và đương nhiên, tôi cũng khóc với họ, giọt ngắn giọt dài. Họ vui, tôi vui theo. Họ buồn, tôi buồn theo. Tôi với Thổ dân Úc Châu là một. Đã có lần tôi nhìn thấy ngôi mộ của tôi đất ướt mới tinh khôi nơi vùng sa mạc giữa những ngôi mộ xanh xanh cỏ của Thổ dân Úc Châu! Đó là những việc tôi đã làm và thấy trong vùng sa mạc, không hơn không kém!
Càng nghĩ về đời sống tu sĩ bình bát và riêng những lời tâm kinh của mình, tôi thấy mình hạnh phúc! Tôi hít sâu vào buồng phổi mùi thơm ngạt ngào bốc hơi từ ly café Americano thơm ngát. Tôi biết tôi yêu cuộc đời tu sĩ bình bát thiết tha!
Buổi chiều thứ tư tháng 10 năm 1982 của chuyến hải trình sóng gió, thuyền gỗ lại thêm một lần nữa bị tàu Thái tấn công. Trên chiếc tàu đánh cá Thái, tôi nhớ xuất hiện bất ngờ một cô gái Việt, cô đẹp lắm, tên Tâm, khoảng 18 tuổi, người Sài Gòn. Cô nói với chúng tôi, thuyền cô bị tấn công, riêng cô bị ngư phủ Thái giữ lại trên tàu hơn một tháng rồi. Giờ cô xin với ngư phủ Thái cho cô xuống thuyền của chúng tôi. Nhưng người xứ Thái lắc đầu, cương quyết không chịu! Chúng tôi khi đó nhờ cô gái Việt xin nước uống và hỏi ngư phủ Thái hướng vào đất liền. Chỉ trong thoáng chốc cô gái Việt quay lại thuyền gỗ với nước uống. Cô chỉ tay về một hướng và nói hướng đó ngư phủ Thái nói đi về Mã Lai; chỉ khoảng 8, 9 tiếng đồng hồ nữa thôi, thuyền sẽ gặp đất liền. Cô gái Việt chúc chúng tôi đi đường bình an, rồi nhanh nhanh bước chân quay về lại tàu Thái. Nắng chiều hôm đó, tôi nhớ, chiếu sáng rực rỡ cô gái Việt đứng trên tàu Thái, cô giơ tay vẫy vẫy chào tạm biệt chúng tôi, những thuyền nhân khốn khổ của thế kỷ.
Và đúng như lời cô gái Việt nói, khoảng 6 giờ sáng ngày hôm sau, thuyền gỗ nhổ neo tại bờ biển Kiên Giang, Việt Nam dừng lại những vòng chân vịt tại bờ biển Marang, Mã Lai. Chúng tôi nợ cô gái Việt một lời cám ơn chưa bao giờ có dịp nói.
Tháng 11 trên đất Mỹ cũng là tháng có ngày Lễ Tạ Ơn. Mặc dù xa xứ đã lâu, hơn 10 năm rồi, nhưng ngày lễ Tạ Ơn tới, tôi vẫn hướng về San Jose, hòa cùng mọi người dâng lời Tạ Ơn cho những hồng ân Ông Trời ban tặng trong một năm qua. Lễ Tạ Ơn năm nay lại về. Tôi cám ơn Ông Trời đã mang con thuyền gỗ năm nào cuối cùng dừng lại bến mới. Và bắt đầu từ đó cuộc đời tôi thay đổi. Giấc mơ tu sĩ bình bát ngày nào cuối cùng trở thành hiện thực.
Mùa Tạ Ơn về, tôi cũng muốn nói lời cám ơn cô gái Việt Nam ngày nào, nhờ cô hướng dẫn, thuyền gỗ tới đúng bến, dừng lại một vòng quay chân vịt. Giờ này dù cô đang ở đâu, xin nhận lời cám ơn của tôi.
Lễ Tạ Ơn cũng là một dịp để tôi gửi lời cám ơn nước Mỹ, trong khi tôi đang vật vờ sống với thất vọng tại trại cấm Sungai Besi, phái đoàn nước Mỹ ghé vào, mang tôi tới trại thiên đàng Bataan.
Tôi cầm ly café Americano lên, uống cạn, rồi bước chầm chậm ra khỏi quán café.
Bên ngoài vẫn nắng gắt, bầu trời vẫn xanh lơ, xe cộ vẫn ngược xuôi di chuyển.
Tôi giơ tay vẫy vẫy. Chiếc xe jeepney dừng lại, bên trong xe là hơn 10 người Phi mặt rám nắng đang ngồi yên lặng. Trời nóng ẩm thấp, mặt mũi hành khách lấm tấm mồ hôi. Ngồi xuống ghế sát ngay cửa xe, tôi móc ra 7 peso, 7 đồng tiền cắc, đưa sang cô gái ngồi bên cạnh. 7 đồng tiền peso lần lượt chuyền tay từng người, cuối cùng tới tay bác tài xế.
Tôi biết tôi yêu mến biết bao nền văn hóa chuyền tiền!
Tôi biết một ngày hạnh phúc với đời sống tu sĩ bình bát vẫn đang êm đềm chầm chậm trôi qua.
Tagaytay, Mùa Tạ Ơn 2016
Nguyễn Trung Tây
No comments:
Post a Comment