Rừng vàng biển bạc
Phạm Sanh PBC72
Lúc nhỏ, nghe ai nói quên mất, làm gì thì làm, tránh mấy cái nghề phá sơn lâm đâm hà bá, nghe kể thêm mấy nghề ác đức này, chết không có chiếu mà chôn. Sau 75, con nít lại ê a rừng vàng biển bạc, người lớn rủ nhau lên rừng mót vàng xuống biển lượm bạc. Mà hát về rừng về biển thì không vui nỗi, nhỏ thì mưa rừng, lớn một tí biết cầm đờn guitar là rừng lá thấp, hái hoa rừng cho em…, già háp cũng ráng nhóp nhép rừng xưa đã khép. Hay biển tình, biển nhớ…, rồi cũng phải biển mặn biển cạn mà thôi.
Năm vừa rồi, mưa lũ đổ xuống khúc eo miền Trung ghê quá, nhà cửa ngập lên đến mái, gì cũng trôi ra sông ra biển. Khổ nhất xứ Quãng Bình, nơi có sông Gianh sông Bến Hải, đất mẹ của hai người có tiếng lúc hai miền còn đánh nhau chí chóe. Vụ cá chết Formosa vừa tàm tạm công luận thì lũ lụt đã liên tiếp giáng lên đầu lên cổ đám dân nghèo vùng Tuyên Hóa không kịp thở, mấy đứa ác miệng lấy cớ đổi thừa do âm đức đại tướng cầm quần chị em nặng quá. Tiếp Quãng Bình là Hà Tĩnh, xứ góp nhân tài cho cả nước nhiều nhất nếu đếm số lượng mấy vị chóp bu của Đ., cả anh bí của BT cũng là người Hà Tĩnh, ngập trôi cửa nhà cây trái cũng tại cái thủy điện Hố Hô xả nước, lại nhớ điệp khúc hồ hố hồ hố hô- hồ hố hồ hố hô.
Thật ra, lũ lụt hạn hán nhiễm mặn…, đã chuyển từ thiên tai qua nhân tai, do phá rừng đầu nguồn quá cở. Thời Pháp, 1945, VN có 14 triệu ha rừng già, 70 năm sau VN cũng 14 triệu ha rừng, nhưng chỉ có 10 triệu rừng thưa rừng thật, còn 4 triệu là rừng dởm rừng mới trồng. Khó quá, lên rừng. Đói quá, phá rừng làm rẩy. Cần nguồn điện, phá rừng làm thủy điện, cứ 1 Mw làm mất sạch 15 ha rừng, cũng không ai ngu trồng trả lại rừng. Rồi chương trình phủ xanh đồi trọc, trồng 500.000 ha cao su của Chính phủ vượt kế hoạch ngoài sức tưởng tượng, cũng nhờ phá rừng. Chưa kể người ta bày ra nhiều kế thời tam quốc, dự án lấy đất rừng nghèo làm trại chăn nuôi gia súc, lấy đất rừng ngập mặn nuôi tôm, dự án trồng rừng sinh thái… để giao cho các công ty sân sau, thường ức hiếp người dân đã bỏ công khai khẩn, chuyện gì đến phải đến, bắn lộn tưng bừng như ở Đắc Nông vừa rồi.
Bình Thuận có rừng lá buông nổi tiếng, sách địa lý trước đây đều có nói. Giờ đi ngang các Căn cứ, Tân Minh, Tân Nghĩa, Tân Hà, Suối kiết…, chỉ còn thấy rải rác một vài nhà dân trồng cây lá buông làm cây kiểng trang trí trước sân, chắc để kỹ niệm một thời sống nhờ cây lá buông. Những rừng bằng lăng cổ thụ bạt ngàn dọc triền sông triền suối lưu vực Đại Ninh La Ngà mùa mưa nở đầy hoa tím, để ai đó nhớ lại bằng lăng tím nở một thời yêu em, cũng không còn. Cả những rừng tre, giúp cho dân đóng thùng lều, làm thúng chai, thả mành chà, hay món măng kho thịt trứng ăn Tết năm xưa, cũng xa mờ dần.
Thời đi học ở Lyon, mấy ngày nghĩ lễ tụi Tây trong Lab thường rủ đi chơi xa cho đở nhớ nhà, thăm Lac d’Annecy, Lac de Mirabel, Grenoble… chỗ nào cũng thấy còn nhiều rừng, vào sâu trong rừng đều có bãi riêng để sẳn củi khô nấu nướng. Khen bọn hắn quý rừng, có đứa giải thích, xưa châu Âu cũng phá rừng kinh lắm, sau bị nhiều trận lụt kéo sạch hết ra biển, sợ quá… hết phá.
VN chưa sợ, dân thì đói, quan lại tham. Rừng lại mênh mông, quan cứ giả vờ canh cửa rừng, còn dân cứ theo luật rừng mà chặt phá, miển biết điều nộp sòng phẳng cho các quan giữ rừng để các quan này còn nộp lên các quan bề trên nữa là được. Có lần về thăm nhà, khoe với Mẹ vừa đi rừng Cát Tiên về, Mẹ hỏi dồn dập còn mấy xóm người dân tộc Mạ, S’Tieng, K’Hor ven suối Trị An, thác Trời …, còn gặp đười ươi, có thấy bàu Sấu không… Tôi trả lời cái gì cũng có cũng dạ cho Mẹ vui. Thật ra, không còn đười ươi nhăn mặt nhắm mắt cười tươi khi gặp người ta, còn Bàu Sấu nhưng không nhiều cá sấu như ở Mỹ.
Khu rừng Nam Cát Tiên trước có một con tê giác một sừng, loại tê giác Java, có lẽ duy nhất còn sót tại VN. Quốc tế giúp tài trợ dự án bảo tồn cả khu rừng, một ngày đẹp trời, hắn cũng bị đám thợ săn bắn chết cưa mất sừng. Mấy chuyên gia quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới nghe người dân báo hung tin, vật vã lội rừng mấy chục cây số qua tận đất Bình Phước, ngồi bên đống xác con tê giác, khóc hù hụ như cha chết, sau đó ra phi trường bay ngay về nước, không thèm hẹn ngày tái ngộ. Thật ra, con tê giác không chết ngay vì viên đạn vào chân, nó khổ sở bởi vết thương gây viêm xương cả thời gian dài và sau đó lăn lộn quằn quại ngã quỵ do chính thân hình nặng nề của nó. Quên nói, mấy ông bà dân tộc Mạ, K’Hor cũng đã bị cho ra khỏi rừng càng xa càng tốt từ lâu, ăn no cứ lo vào rừng sâu đốn hạ gỗ quý cho lâm tặc. Mà không đốn chẳng biết lấy gì mà ăn, rừng của Ông Bà, mình không đốn thằng khác cũng phá. Quả báo nhãn tiền.
Tin vui cho mấy đại gia lâm tặc và các quan giữ rừng không đến nơi đến chốn, thế giới phá rừng không thua gì VN. Canada, Mỹ cũng cháy rừng te tua. Rừng mưa nhiệt đới Amazon tại Brasil cũng đang mất dần, rừng mưa nhiệt đới Indonesia thì đang chuyển sang trồng cây cọ… Như vậy, rừng VN, có phá, nhằm nhòi gì thế giới. Nói cho vui vì lúc này chuyện bắn giết cướp giựt nhiều quá, chứ rừng VN thuộc dạng rừng mưa nhiệt đới, loại rừng quanh xích đạo, hệ sinh thái rất đa dạng nhiều cây nhiều loài nhiều công dụng, ăn vào rừng chỉ có từ chết đến bị thương. Khái niệm trồng lại rừng chỉ có trên lý thuyết vì rừng mưa nhiệt đới nhiều tầng nhiều tán, các loài thực động vật cùng sống cộng sinh, hình thành cả trăm nghìn năm. Các rừng trồng mới như cao su, bạch đàn, bá súng… thực ra chỉ là vườn cây. Đại gia ,người dân miệt rừng, không nên phá sơn lâm nữa, CO2 đã quá dư.
Chuyển qua đâm hà bá.
Nhỏ, ở Phan Thiết đâu cũng thấy trời và biển, bửa ăn toàn cá tôm sò mực khủng, hiếm thấy thịt, càng không đụng cá trê cá lóc, nhà quê còn không thèm ăn mấy loại cá này. VN sông dài biển rộng, vùng biển nhiệt đới gió mùa, hệ sinh học đa dạng, mọi loài hải sản đủ thứ. Bình Thuận là một trong ba nơi hải sản nhiều nhất, hiện tượng nước trồi đem lại thức ăn phù du cho nhiều đàn cá nỗi sinh sôi nẩy nở. Mùa cá cơm cá nục, dân làm nước mắm thức ơi ới suốt thêm.
Nghe kể xưa còn có cá mòi, văn chương không bằng xương cá mòi, nhiều đến nỗi lấy mở cá mòi thấp đèn để khỏi gặp mấy ông Tây nhà đèn, đứng trên Camp Esepic thấy cá mòi lấp lánh sáng rực cả vịnh Phan Thiết, Bình Hưng có hẳn một nhà máy cá mòi đóng hộp, ăn với bánh mì hết xảy. Nói về cá lại thèm, mùa cá thì khỏi nói, ăn cá nục sồ hấp cuốn bánh tráng, gỏi cá mai, canh chua cá bóp, canh phơn phớt liệt dầu, cá hanh um, tôm sú ghẹ nhàn mực ống…, mùa hết cá, chơi cá lưới cước hay khô cá ét tạm tạm. Nhậu thì không mồi nào qua khô cá đuối, cồi sò.
Bây giờ, hết thật rồi, người ta đâm hà bá, đâm tới đâm lui, biển chỉ còn biển giả. Trong bờ thì giả cào hai ba lớp suốt ngày suốt đêm nhỏ lớn đều bắt, ngoài rạng đá san hô thì đánh mìn đánh trái, xa hơn thì pha đèn cực mạnh cho cá con mù mắt nỗi lềnh bềnh cá mẹ lặn mất không dám đẻ, còn xa hơn nữa thì lỗ sở hụi hoặc gặp mấy anh Ba cũng mệt. Quên nói dọc bờ biển, người ta tranh nhau kiếm tiền, mọc đầy resort và khu công nghiệp, rác rưới nước thải cả mấy nàng tiên cá làm ô nhiểm nguồn nước, cái gì mà sống cho nỗi. Ác hại, nguồn lợi cá biển VN là cá nỗi ven bờ, chiếm đến trên 70%, hải sản ven bờ không còn thì nghề đánh bắt phải đành bỏ nghề hoặc vượt qua khỏi cả Trường Sa.
Ông Trời ghê thật, cái gì của Ổng thì nhớ để lại cho Ổng, mượn cũng phải trả lãi. Hậu quả của mấy chục năm không biết trân trọng môi trường tự nhiên, không nghe Ông Bà khuyên bảo. Nghe nói vài chục năm nữa còn thêm chuyện diển biến thay đổi khí hậu nữa, băng tan nước biển dâng, VN mình chịu tác động khá lớn. Phải chuẩn bị lên núi ở rồi, giống cái thời Hùng Vương gì đó. Các bạn 72 còn ở lại Phan Thiết, nhớ kiếm tiền mua đất Tà Dôn Tà Cú… hoặc nghĩa địa Phan Thiết trên đồi thật cao vi vu cho chắc cú.
Phạm Sanh PBC72
No comments:
Post a Comment