Cái chết bất ngờ của chiêm tinh gia Huỳnh Liên
Trúc Giang MN
1* Mở bài
Gọi là bất ngờ vì ông ra đi trong tình trạng sức khỏe còn sung mãn, không có một đe dọa nào về tánh mạng cả. Mọi việc đều bình thường. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao ông không xủ quẻ để biết vận hạn của mình để giải hạn. Ông đã giúp giải hạn cho rất nhiều người, vì sao lại quên tự cứu mình. Cái chết bất ngờ của chiêm tinh gia Huỳnh Liên dẫn đến nghi vấn về sự chính xác của việc bói toán, tử vi, kinh dịch… đã diễn ra trong một thời gian lâu dài trên đất nước Việt Nam.
Cũng cần xét lại toàn bộ hệ thống mà các thầy bói đã từng lấy nó làm nghề sinh sống một cách phong lưu sang trọng.
2* Cái chết bất ngờ của chiêm tinh gia Huỳnh Liên
Báo Công An Sài Gòn có bài viết về chiêm tinh gia Huỳnh Liên nội dung như sau.
Chiêm tinh gia Huỳnh Liên quên bấm số tử vi cho mình.
Chiêm tinh gia Huỳnh Liên là một trong những thầy bói nổi tiếng nhất Sài Gòn năm xưa. Lúc nào nhà cũng nườm nượp khách. Tiền vô như nước. Ngoài căn nhà ở đường Phan Thanh Giản, ông thầy bói nầy còn có một tòa nhà trong khu vườn ở Lái Thiêu, Bình Dương. Đó là Biệt Thự Huỳnh Trần.
Từ tháng 10 năm 1982, Huỳnh Liên về sống với bà vợ bé ở nhà trong khu vườn nầy. Bên mình ông luôn luôn có xâu chìa khóa tủ giữ tiền bạc và tài sản đã tích tụ từ nhiều năm xem bói. Sau năm 1975, thầy bói bị cấm hành nghề nhưng đời sống của ông cũng khá giả. Sau những đợt đổi tiền, thầy còn vàng bạc và nữ trang đắt giá. Chuyện kể lại rằng Huỳnh Liên không tin cậy ai cả, xâu chìa khóa tủ giữ tài sản luôn luôn ở bên mình ông.
Một hôm, điện thoại nhà bị hư, ông bảo vợ về Sài Gòn gọi người cháu của bà lên sửa. Buổi chiều, người cháu và một thợ phụ đến, và bảo với ông là bà vợ còn ở Sài Gòn có việc đến mai mới về. Chị bếp ra sau nhà làm gà đãi khách. Nhà im lặng. Khi chị bếp đến xem thì thấy ông đã chết tự bao giờ. Người cháu bà chủ cũng biến mất. Công an điều tra thấy ông bị siết cổ bằng dây điện thoại. Mọi việc trong nhà vẫn y như cũ, không mất món nào. Tủ vẫn khóa. Có nghĩa là tài sản vẫn còn nguyên vẹn. Thủ phạm bị bắt sau đó.
Tài sản vẫn còn nguyên. Vậy người chủ mưu là ai?
Nhiều người cho rằng ông thầy bói trứ danh nầy đã quên xủ quẻ cho chính bản thân ông để giải trừ khổ nạn, nên bị chết bất ngờ như thế.
3* Những thầy bói của Sài Gòn năm xưa
3.1. Thầy bói Khánh Sơn
Năm xưa, tại Sài Gòn có nhiều thầy bói, tướng số, chiêm tinh gia cả nam lẫn nữ. Những thầy bói nổi danh nhất phải kể là Khánh Sơn và Huỳnh Liên.
Thầy tướng số nổi danh nhất và lâu đời nhất là Khánh Sơn. Tự xưng là Maitre Khánh Sơn. Báo chí đăng hình của ông, đeo kiếng trắng trông ra vẻ trí thức. Hình một ngón tay chỉ vào chiếc chìa khóa tượng trưng cho sự khám phá những điều huyền bí tác động vào đời người.
Nhà tướng số nầy hành nghề từ năm 1940 sau khi tốt nghiệp trường sư phạm Hà Nội. Người đời kể lại Khánh Sơn là người hào hoa phong nhã. Làm ra nhiều tiền. Mặc dù đã có vợ con đàng hoàng nhưng vẫn còn bay bướm, nhiều cô mê mệt.
Việc nổi bật được lan truyền là, ông bốc quẻ đoán về số phận của viên toàn quyền Đông Dương người Pháp tên là Pierre Pasquier, cai trị Đông Dương từ năm 1928 đến 1934, qua hai câu sấm như sau:
Giữa năm hai bảy mười ba
Lửa thiêng đốt cháy tám gà trên mây.
“Giữa năm hai bảy mười ba” là năm nhuần có hai tháng bảy nên năm nhuần âm lịch đó có 13 tháng.
“Tám gà” chữ Hán là bát kê, phiên âm của Pierre Pasquier. “Trên mây” là máy bay. Sự kiện đó là máy bay chở viên toàn quyền Pasquier trên đường về Pháp thì bị bốc cháy rớt xuống ở Corbigny, Nièvre, Pháp, khiến 10 người trên đó tử nạn. Người ta kể lại như thế nhưng không xác nhận là câu sấm viết ra trước hay sau vụ tai nạn máy bay. Đó có thể là một màn quảng cáo. Nếu cho rằng đó số mạng của ông Tây thực dân nầy phải chết cháy, tan xương nát thịt, thế nhưng vì sao phải kéo theo sinh mạng của 10 người khác trên chuyến bay? Họ không sanh cùng năm, cùng tháng nhưng lại chết cùng ngày cùng giờ là sao? Tử vi của họ thế nào?
3.2. Thầy bói Minh Nguyệt
Thầy Minh Nguyệt, là một người miền Nam, tự quảng cáo trên báo là giáo sư Minh Nguyệt, mở văn phòng ở đường Đề Thám (Sài Gòn). Cùng với các thầy Huỳnh Liên, Khánh Sơn, thầy Minh Nguyệt là một nhà bói toán có đến hàng chục ngàn thân chủ.
Văn phòng của thầy lúc nào cũng đầy nữ thân chủ, phần đông là các cô có chồng quân nhân Mỹ đã rời Việt Nam. Các cô tới nhờ thầy đoán xem bao giờ gặp lại cố nhân để cho đời sống được lên hương như trong quá khứ. Hàng chục cô trong đó mong được nâng khăn sửa túi cho giáo sư Minh Nguyệt, nhưng thầy nghiêm lắm, chẳng bao giờ “trăng hoa”.
3.3. Thầy bói mù Nguyễn Văn Canh
Thầy bói mù xem chỉ tay
Thầy bói Nguyễn Văn Canh sinh quán tại Nam Định. Bị mù từ lúc sơ sanh. Gia đình cho ông học bói toán để làm kế sinh nhai. Trước khi di cư vào nam, ông hành nghề tại Hà Nội. Nhà thầy ở đường Nguyễn Thiện Thuật, gia đình sung túc. Con cái học hành nên người.
Thầy bói nầy sở trường về bói theo kinh dịch, nổi tiếng như một nhà tiên tri. Chỉ cần nghe ngày sanh tháng đẻ, thầy lẫm nhẫm trên 5 đầu ngón tay và nói ra phong phóc. (Không biết đúng sai)
3.4. Những bà thầy bói
Những bóng hồng trong bói toán có tiếng tăm phải kể đến những cái tên như: bà Anna Phán. Có chồng người Pháp, di cư vào nam hành nghề, vài năm thì giải nghệ do tuổi già sức yếu. Cô Bích, bà Nguyệt Hồ, Madame Claire…nói chung là bói bài, xem chỉ tay, chấm tử vi… xoay quanh những vấn đề cố hữu về tài lộc, an nguy, tình duyên, gia đạo…
3.5. Các thầy bói người Tàu
Thầy bói người Tàu sờ ngực để đoán vận mạng
Trong Chợ Lớn có những bốc sư người Tàu, thường tự xưng là người Hồng Kông. Họ có những cái tên rất đặc biệt như: Sơn Đầu Bạch Vân Đại Sư, Đại Lục Tiên, Hà Thiết Ngôn Đại Sư, Sơn Đầu Mã Ngọc Long, Mã Cơ Sanh…
4* Tử vi
4.1. Tổng quát về Tử vi
Tử vi hay Tử vi đẩu số là một môn bói toán của đông phương được xây dựng trên triết lý của Kinh Dịch với các thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, Can Chi.
Tử vi cho biết vận mệnh của một người căn cứ vào giờ, ngày, tháng, năm sinh và giới tính (nam, nữ) để lý giải những diễn biến xảy ra trong suốt đời người.
Tử vi đắc dụng vào thời Nhà Tống (Trung Hoa) năm 863. Tử vi du nhập vào Việt Nam và được Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Quý Đôn phát triển.
4.2. 12 cung của Tử vi
Tử vi cho biết, vận mệnh của con người được thể hiện qua 12 cung, được xếp thành từng nhóm có liên hệ đến người mang tử vi, đó là:
1). Cung Mệnh và Thân
Cho biết tổng quát về tướng mạo, tánh tình, khả năng chuyên môn, thăng trầm, thọ yểu, tai họa…
2). Cung Phụ Mẫu
Cho biết về cha mẹ của người có số tử vi.
3). Cung Phúc Đức
Là cung quan trọng nhất chi phối tới 11 cung khác. Phúc đức tốt làm gia tăng ảnh hưởng tốt, giảm sự xấu, thịnh hay suy, sống lâu hay chết yểu.
4). Cung Điền Trạch
Cho biết tài sản, sự nghiệp.
5). Cung Quan Lộc
Cho biết về công danh, sự nghiệp
6). Cung Nô Bộc
Cho biết người cộng sự, cấp trên hay cấp dưới, bạn bè.
7). Cung Thiên Di
Cho biết tình trạng ngoại cảnh ảnh hưởng tới người coi lá số.
8). Cung Tật Ách
Cho biết tình trạng sức khỏe, bịnh tật, tai họa.
9). Cung Tài Bạch
Cho biết về tiền tài.
10). Cung Tử Tức
Cho biết về đường con cái, số lượng trai gái, con nuôi.
11). Cung Phu Thê
Cho biết về hôn nhân, hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận hay xung khắc, thời gian lập gia đình.
12). Cung Huynh Đệ
Cho biết số lượng và tình trạng của anh chị em trong gia đình. Hòa thuận hay xung khắc.
4.3. Giải lá số tử vi
Việc giải đoán lá số tử vi tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của người giải, vì thế cùng một lá số mà được giải khác nhau.
4.4. Nhận xét về tử vi
Khoa tử vi cho rằng số mệnh của con người tùy thuộc ngày, giờ, tháng, năm sinh và giới tính nam nữ. Căn cứ vào 5 yếu tố nầy để biết số mệnh của một người và những người có liên quan với người đó như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, bạn bè, tôi tớ…
Như vậy trên thực tế không đúng. Xin chứng minh như sau. Hai anh chị em ruột, đương nhiên là ngày giờ, tháng năm sinh khác nhau và giới tính cũng khác nhau, như vậy thì cha mẹ của hai anh chị em nầy cũng phải khác nhau hay sao?
Trái lại, hai đứa trẻ, hai con người, sanh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng cùng năm và cùng giới tính thì phải có số mệnh giống nhau và cha mẹ cũng giống như nhau. Thế nhưng một đứa là cháu ngoại của nữ hoàng Elizabeth nước Anh và một đứa là cháu ngoại của ông nông dân Nguyễn Văn Cột hay Nguyễn Văn Kèo nào đó ở Chắc Cà Đao, Cổ Cò, thì số mạng của hai con người đó và của cha mẹ họ làm sao mà giống như nhau cho được?
5* Kinh dịch
5.1. Kinh Dịch giải thích sự hình thành và phát triển của vạn vật
Kinh Dịch là bộ sách của người Trung Hoa cổ xưa chứa đựng một hệ thống triết học dựa trên sự cân bằng và đối kháng để tạo ra thay đổi (Chuyển dịch) để tồn tại và phát triển.
Kinh Dịch giải thích sự hình thành và phát triển của vũ trụ như sau:
Vô Cực sinh ra Thái Cực
Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi
Lưỡng Nghi sinh ra Tứ Tượng
Tứ Tượng sinh ra Bát Quái
Bát Quái sinh ra Vô Lượng.
Vô Cực: là cõi hư vô, giống như Vô Vi của đạo Lão. Thế giới chưa giải thích được Vô cực sanh ra Thái cực bằng cách nào? Tây phương gọi đó là tình trạng của sự kiện “Big Bang”
Thái Cực: Xem như trạng thái cân bằng khi vũ trụ vừa mới hình thành.
Lưỡng Nghi: là Âm, Dương.
Tứ Tượng: bao gồm Thái Dương và Thiếu Dương. Thái Âm và Thiếu Âm.
Thái Dương là mặt trời, Thiếu Dương là những ngôi sao chuyển động (Hành tinh)
Thái Âm là mặt trăng. Thiếu Âm là các ngôi sao đứng yên (Định tinh)
5.2. Bát Quái
Bát Quái bao gồm: Càn (trời), Khảm (nước), Cấn (núi), Chấn (sấm sét), Tốn (gió), Ly (lửa), Khôn (đất), Đoài (đầm, ao hồ)
5.3. Ngũ Hành
Theo triết học cổ Trung Hoa thì vạn vật được phát sinh từ 5 nguyên tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, theo hai nguyên lý căn bản là Tương Sinh và Tương Khắc.
Tương Sinh là: Mộc sinh Hỏa. (Cây cỏ làm mồi nhen lửa đỏ). Hỏa sinh Thổ. (Tro tàn tích lại đất vàng thêm). Thổ sinh Kim. (Lòng đất tạo nên kim loại trắng). Kim sinh Thủy. (Kim loại vào lò chảy nước đen). Thủy sinh Mộc. (Nhờ nước cây xanh mới mọc lên).
Tương khắc là: Mộc khắc thổ. (Rễ cây đâm xuyên lớp đất dày). Thổ khắc thủy. (Đất đắp đê cao ngăn lũ nước). Thủy khắc hỏa. (Nước dội nhanh nhiều tắt lửa ngay). Hỏa khắc kim. (Lửa lò nung chảy đồng, chì, thép). Kim khắc mộc. (Thép cứng rèn dao chặt cỏ cây)
Hai quy luật.
- Quy luật Tương Sinh: là sống chung với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, nương tựa nhau để phát triển dựa trên tương quan, “cái sinh ra nó và cái mà nó sinh ra”.
- Quy luật Tương Khắc. Là áp chế lẫn nhau để duy trì sự cân bằng dựa trên quan hệ “cái khắc nó và cái mà nó khắc”
6* Long mạch
Phong thủy là học thuyết chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước của một vị trí đất liên quan đến đời sống họa phúc của con người.
Phong thủy dựa vào dịch lí, thuyết âm dương, ngũ hành.
Trấn yểm long mạch Sài Gòn xưa. Sài Gòn có hai công trình hình bát giác được cho là biểu tượng của phong thủy để trấn yểm long mạch. Đó là hồ Con Rùa và Khám Chí Hòa.
6.1. Hồ Con Rùa
Hình bát giác của Hồ Con Rùa trên cao nhìn xuống
Dinh Độc Lập nằm ở đầu rồng, Hồ Con Rùa ở đuôi rồng
Giai thoại được loan truyền trong dân gian kể rằng, Dinh Độc Lập nằm ngay trên vị trí địa thế được xem như đầu con rồng. Đuôi con rồng nằm ngay trên công trường Chiến Sĩ Trận Vong, bên nhà thờ Đức Bà thuộc quận 1 Sài Gòn.
Quan điểm cho rằng đuôi con rồng có thể vùng vẫy gây xáo trộn mất an ninh của Phủ Đầu Rồng, tức là chính quyền của VNCH. Để con rồng nằm yên, một công trình hình bát giác được xây dựng mang tên hồ Con Rùa.
Hình con rùa bằng kim loại đội bia đá nằm dưới một cây trụ được xem như cây đinh đóng chặt cái đuôi rồng xuống đất. Rùa hết khả năng cựa quậy nên không còn tạo mất an ninh, của chính quyền ở Phủ Đầu Rồng.
Đầu năm 1976, hình con rùa đội tấm bia đá bị phá hủy trong một vụ nổ do những người chống chế độ mới. Mục đích phá con rùa là để nó cựa quậy, vẫy vùng, làm tan tành chế độ Cộng Sản.
Mặc dù không còn con rùa nhưng người Sài Gòn vẫn gọi đó là hồ Con Rùa.
6.2. Lò bát quái: khám Chí Hòa
Khám Chí Hòa do người Pháp xây dựng năm 1943. Kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo hình bát giác, 8 cạnh đều nhau, ở giữa cũng có một trụ cột cao, vừa làm hồ nước vừa làm trạm gác. Trụ cột được cho là Tru Tiên Kiếm.
Nhiều giai thoại cho rằng khám Chi Hòa được xây theo Bát Quái Trận Đồ của Khổng Minh. Chỉ có một cửa ra vào được gọi là cửa tử.
Bát Quái trận đồ của Khổng Minh vô cùng lợi hại.
Bát Quái trận gồm 4 loại binh chủng: Quân kỵ, quân bộ, quân cung nỏ và quân chiến xa, phối hợp tác chiến, phân chia thành dọc ngang 64 đơn vị chiến đấu, hợp thành một.
Điểm đặc biệt của trận đồ là sự di chuyển, thay đổi phương vị của các binh chủng lúc nào cũng chừa cho đối phương một ngõ ra. Ngõ ra tức là ngõ đi vào ổ phục kích. Cuối cùng cũng thoát ra khỏi trận đồ với tàn binh bại tướng.
Trong lịch sử khám Chí Hòa chỉ có hai tù nhân vượt ngục, đó là tử tù Phước 8 ngón và Điền Khắc Kim.
7* Cúng sao giải hạn
7.1. Nam La Hầu, nữ Kế Đô
Quan niệm xưa cho rằng mỗi người đều có một ngôi sao chiếu mạng. Có tất cả 9 ngôi sao cứ 9 năm thì luân phiên trở lại thành một chu kỳ.
Ngôi sao xấu nhất cho người nam là sao La Hầu (Sao xấu), sao xấu cho người nữ là Kế Đô (Sao xấu).
Theo tuổi âm lịch (Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi)
thì những năm tuổi sau đây gọi là sao La Hầu đối với người nam là: 10 tuổi, 19, 28, 37, 46, 55, 64, 73, 82. Người nữ cũng ở vào những tuổi nầy nhưng được gọi là sao Kế Đô.
7.2. Cúng sao giải hạn
Các thầy bói, thầy tướng số coi quẻ, cho biết ở tuổi thuộc hai sao xấu nầy phải cúng sao để giải hạn. Có thể cúng hàng tháng, hoặc năm. La Hầu hay Kế Đô có thể tạo ra những vận hạn xấu như hao tài tốn của, tam tai hoạn nạn…
Cúng sao để xin thần sao phù hộ: làm ăn phát đạt, tai qua nạn khỏi, công danh phú quý…
Sao Kế Đô của người nữ kỵ tháng ba và tháng 9 âm lịch, có thể gây ra vạ miệng, ăn nói thị phi “thần khẩu hại xác phàm”, họa vô đơn chí, gia đạo bất an…
8* Chọn ngày giờ âm lịch
Theo phong tục cổ truyền, người Việt Nam tin tưởng rằng mọi hoạt động của con người đều thuộc về những niềm tin mà chỉ có các thầy như thầy bói, thầy tướng số, thầy pháp, thầy bùa, hướng dẫn và quyết định.
Phải xem giờ tốt, ngày tốt, tháng tốt để khai trương, cưới hỏi, mua nhà, mua đất, hùn hạp làm ăn, đưa ma, hạ huyệt, xuất hành, nhập học, giao dịch…
Ngày giờ âm lịch
Một ngày đêm âm lịch có 12 giờ. Mỗi giờ 2 tiếng đồng hồ. Bắt đầu từ giờ Tý, từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Tiếp theo, theo thứ tự: Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Đêm 5 canh ngày 6 khắc
Tên Canh
|
Thời Gian
|
Canh 1
|
Từ 19 giờ đến 21 giờ tức giờ Tuất
|
Canh 2
|
Từ 21 giờ đến 23 giờ khuya tức giờ Hợi
|
Canh 3
|
Từ 23 giờ đến 1 giờ sáng tức giờ Tý
|
Canh 4
|
Từ 1 giờ đến 3 giờ sáng tức giờ Sửu
|
Canh 5
|
Từ 3 giờ đến 5 giờ sáng tức giờ Dần
|
“Canh Một dọn cửa, dọn nhà
Canh Hai dệt cửi, canh Ba đi nằm...”
(Nửa đêm giờ Tý canh ba. Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi)
Ngày 6 khắc
Tên Khắc
|
Thời Gian
|
Tên Khắc
|
Thời Gian
|
Khắc 1
|
Từ 5 giờ đến 7 giờ 20 sáng
|
Khắc 4
|
Từ 12 giờ đến 14 giờ 20 xế trưa
|
Khắc 2
|
Từ 7 giờ 20 đến 9 giờ 40 sáng
|
Khắc 5
|
Từ 14 giờ 20 đến16 giờ 40 chiều
|
Khắc 3
|
Từ 9 giờ 40 đến12 giờ trưa
|
Khắc 6
|
Từ 16 giờ 40 đến 19 giờ tối
|
9* Sấm Trạng Trình
9.1. Sấm Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm được sư phụ Lương Đắc Bằng trao cho quyển kinh Thái Ất ghi lại những nghiên cứu về bói toán.
Trịnh Kiểm dẹp tan nhà Mạc, đưa vua Lê lên làm bù nhìn. Công thần Trịnh Kiểm nắm quyền, con cháu Nguyễn Kim không tuân phục. Nguyễn Hoàng sợ anh rể là Trịnh Kiểm giết nên đến hỏi, thì Trạng Trình cho biết: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài). Nguyễn Hoàng nghe theo, vào Thanh Hóa.
Lúc nhà Mạc sắp mất, cho người đến hỏi, ông khuyên vua Mạc: “Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể” (Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể giữ được). Vua Mạc làm theo lời ông, giữ Cao Bằng được 80 năm.
Trạng Trình có người bạn trẻ nổi tiếng là thần đồng Bùi Ngu Dân, thường gọi là Bùi Công. Hai người tâm đắc, thường bàn định về vận nước. Khi hay tin Mạc Đăng Dung muốn cướp ngôi nhà Lê, (Lập Lê Cung Hoàng còn trẻ lên ngôi, sau đó sai giết Lê Chiêu Tông), cặp tri kỷ nầy cùng nhau diễn tả việc nước. Trạng Trình viết bài thơ 7 chữ 4 câu như sau:
Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh. (Cuối năm rồng đầu năm rắn xảy ra chiến tranh)
Can qua tứ xứ loạn đao binh (Nạn binh đao khắp mọi nơi)
Mã đề dương cước anh hùng tận. (Cuối năm ngựa đầu năm dê anh hùng mất hết)
Thân dậu niên lai kiến thái bình. (Qua năm khỉ, năm gà sẽ thái bình).
Trong lịch sử, quả thật Mạc Đăng Dung đã thực hiện, lập Lê Cung Hoàng lên ngôi, sau đó sai giết Lê Chiêu Tông vào năm Ất Dậu (1525) và đoạt ngôi vào năm Đinh Hợi (1527) lập ra triều Mạc.
Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại trên 100 câu thơ thể hiện tình trạng đất nước rối loạn thời gian đó, được xem là Sấm Trạng Trình.
9.2. Đất nước đại loạn
Nguyễn Bỉnh Khiêm sống gần một thế kỷ (95 tuổi) trong cảnh đất nước đại loạn. Giặc giả nổi lên khắp nơi. Bắt đầu là viên võ tướng Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê. (Hậu Lê do Lê Lợi lập ra. Tiền Lê do Lê Đại Hành lập ra). Mạc Đăng Dung lên ngôi làm vua lập ra nhà Mạc. Sĩ phu chống đối.
Tướng Nguyễn Kim đưa tôn thất nhà Hậu Lê là Lê Duy Ninh lên làm vua hiệu là Lê Trang Tông, chiếm Thanh Hóa chống lại nhà Mạc ở Thăng Long. Đó là thời kỳ Nam-Bắc triều. Nhà Mạc là Bắc Triều ở Thăng Long. Nhà Lê (Lê Trang Tông) là Nam triều ở Thanh Hóa.
Quyền hành Nam triều nằm trong tay Nguyễn Kim. Nhà vua là bù nhìn. Nguyễn Kim bị một hàng tướng đầu độc chết. Con rể là Trịnh Kiểm lên thay, nắm quyền chỉ huy quân binh.
Trịnh Kiểm dẹp tan nhà Mạc, đưa vua Lê lên làm bù nhìn. Công thần Trịnh Kiểm nắm quyền, con cháu Nguyễn Kim không tuân phục. Nguyễn Hoàng sợ anh rể là Trịnh Kiểm giết nên đến hỏi, thì Trạng Trình cho biết: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài). Nguyễn Hoàng nghe theo, vào Thanh Hóa.
Đó là thời Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài trên 100 năm, lấy sông Gianh làm ranh giới. Loạn lạc khắp nơi. Ba anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa. Vua Quang Trung dẹp tan Chúa Nguyễn và Chúa Trịnh. Vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu cầu viện. Quang Trung đại phá quân Thanh. Nguyễn Phúc Ánh chống lại nhà Tây Sơn và lập ra Nhà Nguyễn. Vua Gia Long. Thời đại loạn.
9.3. Tiểu sử Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1492 – 1587) người làng Trung Am, huyện huyện Vĩ Lại, tỉnh Hải Dương. Tên khai sanh là Nguyễn Văn Đạt. Cha tên Nguyễn Văn Định, mẹ Nhữ Thị Thục. Ông là người thông minh, hiếu học, là học trò xuất sắc của nhà Nho Lương Đắc Bằng.
Đỗ Trạng Nguyên và được phong tước Trình Quốc Công nên được gọi là Trạng Trình.
Triều đình nhà Mạc thối nát, quan lai chia bè kết phái, lộng quyền. Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ xin trị tội 18 lộng thần, trong đó có con rể của ông tên Phạm Dao.
Vua không chấp thuận nên ông cáo quan về quê dạy học lúc 52 tuổi, sau 8 năm làm quan triều Mạc. Ông dựng một cái am gọi là Bạch Vân xưng là Bạch Vân cư sĩ, xây cầu, làm quán tạm trú, để cho dân chúng đi lại thuận tiện.
Về gia đình và hậu duệ. Nguyễn Bỉnh Khiêm có 3 vợ, 12 người con trong đó có 7 trai.
Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm 1587, để lại hai tập thơ: Bạch Vân Am Thi Tập (Chữ Hán) và Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập (Chữ Nôm).
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thơ để nói về tình trạng hỗn loạn của thời đại ông sống. Tin chắc rằng ông không có một tí khái niệm nào về thế giới năm châu bốn bể như ngày nay. Làm sao biết được Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Úc? . Cho nên không có ám chỉ gì về đảng Cộng Hòa, Dân Chủ, về Tổng thống Obama hay bà Clinton của Mỹ, hay đảng CSVN, Trung Cộng…. Người ta đem tình trạng đặc biệt nào của hiện tại đối chiếu vào những câu thơ của Trạng Trình, nếu thấy phù hợp thì nói Trạng Trình đã biết trước sự việc nầy từ 500 năm về trước. Nhiều khi thơ của Trạng Trình cũng bị lạm dụng làm công cụ tuyên truyền nữa.
10* Mê tín dị đoan
Mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí không phù hợp với lẽ tự nhiên, dẫn đến những kết quả xấu cho bản thân, gia đình. Mê tín dị đoan gồm tin vào những hành vi của ông đồng, bà cốt. Tin vào xin xâm, bói quẻ có liên quan dến ngày lành, tháng dữ, số mạng sang hèn… Tin vào việc coi chỉ tay, xem tướng, tin vào cúng sao giải hạn. Tin vào thầy bùa, thầy ngải, cúng cho tai qua nạn khỏi.
11* Kết Luận
Nghề bói toán thịnh hành ở Việt Nam trong thời gian của 50 năm về trước. Hiện nay, nhận thức con người đã thay đổi. Có tiến bộ hơn.
Chiêm tinh gia Huỳnh Liên chết bất ngờ cho thấy nghề bói toán không có phần nào đáng tin cậy cả.
Có câu “bói ra ma, quét nhà ra rác”.
Trúc Giang
Minnesota ngày 11-11-2016
No comments:
Post a Comment