Friday, November 25, 2016

Mùa Lễ Tạ Ơn: Đôi Bàn Tay




Image result for the hands photo
Tôi nhận được cái i-meo hai dòng: “Tôi rất vui khi biết bà vẫn khỏe. Cám ơn bà vẫn còn nhớ đến tôi. Chúc bà một mùa lễ tạ ơn tràn đầy ân phước. Ký tên: Jeffrey Miliken.”

Tôi ngồi thật lâu trước những dòng chữ hiện trên màn hình. Chỉ có hai giòng chữ ngắn mà niềm vui dâng trào trong lòng và lan tỏa trong không gian bao la. Mưa suốt đêm qua. Buổi sáng đầu mùa đông, bầu trời xám ngắt, âm u, ảm đạm. Trời đã xế trưa vẫn chưa thấy bóng mặt trời. Thời tiết này dễ làm buồn lòng những người bị bệnh “nắng mưa” như tôi (tiếng Mỹ gọi là “weather sickness”). Vì thế, những dòng chữ hồi âm của bác sĩ Miliken sáng nay đã làm tôi vui và xúc động cả ngày. Năm nào cũng vậy, trước ngày Lễ Tạ Ơn một tuần, tôi viết một i-meo cám ơn ông. Có năm tôi nhận được vài dòng hồi âm. Có năm không. Ông bận quá mà. Ông cũng đâu biết tôi là ai. Tôi chỉ là một trong hàng vạn bệnh nhân mà mạng sống đặt trong đôi bàn tay của ông qua những cuộc giải phẫu.

Ký ức từ đâu hiện về thật rõ chỉ như mới ngày hôm qua.

Mười lăm năm trước tôi bị bệnh TB phải uống thuốc liên tục một năm trời. Thuốc nào cũng có phản ứng phụ nhất là loại thuốc đặc trị này. Tôi ù tai, biếng ăn, mất ngủ, nóng sốt, da nổi mẫn đỏ có khi xám đen, người gầy như cái que. Sau lần bị dị ứng thuốc, tôi sốt và xỉu trong phòng vệ sinh của bệnh viện trước sự chứng kiến của bác sĩ và y tá. Từ đó tôi trở thành bệnh nhân đặc biệt phải chữa trị ngoại trú. Ngày nào tôi cũng phải đến Trung Tâm Y Tế Cộng Đồng (Public Heath Center) uống bảy tám loại thuốc rồi ngồi chơi xơi nước suốt ngày...chờ phản ứng thuốc. Cái ổ vi trùng kháng thuốc chỉ bằng hạt hạnh nhân vẫn không chuyển trắng thành đen trên phim X-Ray. Con vi trùng hình que này đã biến thái trở nên hung dữ và mạnh mẽ hay tại cơ thể tôi yếu và bị lờn thuốc nên nó cứ giỡn mặt với các loại thuốc đặc trị nổi tiếng trên thị trường. Sáu tháng rồi, cái hạt hạnh nhân vẫn là màu trắng, y nguyên, không teo lại trên vùng phổi bên phải.

Không giết bằng thuốc chỉ còn cách bứng nó ra. Người làm công việc này là bác sĩ Jeffrey Miliken.

Tôi được các cô y tá của Trung Tâm Y Tế chuẩn bị kỹ lưỡng khi chuyển tôi qua bệnh viện UCI. Trước khi mổ, tôi đã gặp bác sĩ trước để nghe ông trình bày về ca mổ. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân nhưng không che được đôi mắt. Đôi mắt đẹp. Sau này, khi ông bỏ chiếc khẩu trang và nhiều lần gặp ông, tôi nhận ra không phải chỉ có đôi mắt đẹp mà cả khuôn mặt đẹp trai, sáng láng như tài tử xi-nê. Ông rất giống tài tử điện ảnh Pháp Alain Delon.

Tôi có thói quen hay nhìn bàn tay của những người thân quen và thú vị khi khám phá những bàn tay đẹp. Tôi đọc đâu đó có một cô ca sĩ đàn em nổi tiếng chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn khen bàn tay của một ca sĩ đàn chị cũng nổi tiếng chuyên hát nhạc Phạm Duy. Các cô ca sĩ thường ít bao giờ khen nhau về giọng hát. Cô em này khen bàn tay của người ca sĩ đàn chị đẹp lắm. Cô kể cô chưa bao giờ thấy bàn tay ai đẹp như thế. Nó trắng nõn nà, thon, dài, mềm mại và mượt mà, quanh năm sơn màu móng đỏ rực rỡ. Đôi bàn tay này chắc ít khi làm việc nhà hay vào bếp. Nó được chăm sóc như giọng hát vượt thời gian của bà. Vì thế, cô ca sĩ lên chức bà đến nay tuổi ngoài tám mươi, bàn tay bà vẫn còn đẹp.

Ngắm những bàn tay đẹp của những người thân quen chưa thỏa mãn sự tò mò. Tôi có niềm vui khám phá bàn tay của những người có tài. Tôi đọc đâu đó có những bàn tay tuy không đẹp về hình thức nhưng là những bàn tay khéo léo của những tài năng.

Tôi không biết khoa nhân tướng học hay xem chỉ tay cho biết những kiến thức gì về hình tướng bên ngoài của con người đúng hay không và đúng bao nhiêu phần trăm nhưng tôi nghe nói đến từ ngữ “hoa tay” của những bàn tay khéo léo làm những nghề về thủ công, thẩm mỹ, nghệ thuật, kỹ thuật...

“Hoa tay” là những cái vân vòng tròn theo hình xoắn ốc trên lớp da của mười đầu ngón tay. Những cái vân tay này thật là lạ lùng và bí mật. Có hàng tỷ người trên thế giới, các vân tay này không ai giống ai. Vì thế, muốn nhận dạng một người, các cơ quan an ninh dùng dấu ấn của các vân tay này để tìm ra thủ phạm. Da càng mỏng, các vân tay càng khó nhận ra. Rọi kính lúp, các vân tay hiện rất rõ. Dù da dầy hay mỏng, các vân tay này không bao giờ thay đổi. Trung tâm của các vân tay này là cái vòng tròn nhỏ xíu chỉ bằng nửa hạt mè. Nó tỏa ra thành hình những đường vòng, có khi tròn trịa, có khi hình bầu dục đều đặn xung quanh các đầu ngón tay. Người có “hoa tay” là khi những đường vòng này không bị đứt đoạn hay tẻ ra.

Ai đã đặt tên rất gợi hình cho những vòng tròn xoắn ốc này là những “hoa tay”? Có lẽ vì cái vòng nhỏ nhất nằm ở giữa, từ từ lan rộng ra thành những vòng tròn lớn hơn như những nụ “hoa” từ từ nở tung các cánh trên các ngón “tay”.

“Hoa tay” còn là tiếng gọi những người có tài nghề đặc biệt từ đôi bàn tay khéo léo trong nhiều lãnh vực. Nhiều người chỉ có một hay hai cái cái “hoa tay”. Trung bình là con số khoảng bốn, năm cái. Ít người có được bảy, tám cái. Ai có đủ mười cái “hoa tay” là hiếm. Theo kinh nghiệm khám phá của tôi, những người khéo léo thường có nhiều cái “hoa tay” hình vòng tròn như thế.

Tôi không biết bàn tay của bác sĩ Miliken có bao nhiêu cái “hoa tay” nhưng tôi đặt trọn niềm tin vào vị bác sĩ đẹp trai này. Ông là bác sĩ giỏi và nổi tiếng về khoa mổ tim, phổi. Ca mổ chuẩn bị từ sáu giờ sáng và bắt đầu từ bảy giờ. Không biết có phải vì thiếu bác sĩ mổ và có nhiều ca mổ cấp cứu xảy ra cùng một lúc nên ca mổ của tôi phải hoãn đến trưa, nhường cho một ca mổ cấp cứu vì tai nạn. Đến trưa lại có một tai nạn khác, ca mổ của tôi phải hoãn đến năm giờ chiều. Sau hai ca mổ của bác sĩ Miliken, tôi linh cảm điều gì không thuận lợi cho ca mổ thứ ba này nhưng tôi đâu còn chọn lựa nào khác.

Tôi nằm trên giường bệnh với cái hộp nhựa nhỏ giống như đồ chơi của trẻ con. Đó là dụng cụ dùng để tập thở. Mỗi ngày tôi phải đều đặn thở ra hít vào cho cái phổi nở. Thêm vào đó là một cái hộp chữ nhật phát ra tiếng kêu xình xịch đặt ở đầu giường nối với một cái ống cao su thông vào chỗ vết mổ dưới nách được băng kín. Cái máy này cũng là dụng cụ giúp cho tôi thở vì phổi không nạp được đủ lượng oxy. Hơi thở ra vào ngắn “short breathing”. Tôi không tự thở được.

Sau khi mổ phổi, bình thường một hay hai ngày tập thở, phổi sẽ nở. Phổi tôi có vấn đề. Mỗi ngày, người y tá đẩy cái máy X-Ray vào phòng chụp hình theo dõi lá phổi xem có nở không. Kết quả thật là bi quan. Hơn mười ngày rồi lá phổi vẫn lì lợm không chịu bung ra. Đến một ngày nọ, không còn kiên nhẫn nữa tôi hỏi bác sĩ và những người sinh viên thực tập mới biết sau khi mổ, phổi tôi có một lỗ dò (leak) bằng đầu cây tăm. Không khí vào phổi bị xì ra ngoài. Phổi ví như lốp xe đạp. Vì có một lỗ xì hơi cho nên không khí bơm vào, lốp xe vẫn xẹp lép.

Làm sao đây ông bác sĩ đẹp trai ơi ? Không lẽ tôi ôm cái hộp nhựa kêu xình xịch và cái ống cao su này suốt đời? Ông phải giúp tôi. Tôi đã chảy nước mắt trước mặt ông trong những giây phút tuyệt vọng nhất.

Ông nói ông quan tâm nhiều đến ca này. Ông đang chờ đợi vết mổ đang lành, các tế bào mới sẽ phát triển, bao lại cái lỗ dò bằng đầu cây tăm ấy. Thì ra ông đâu có làm lơ. Ông vẫn âm thầm theo dõi nó vào mỗi buổi sáng đến khám bệnh đấy thôi. Hay ông đang chờ một phép lạ. Điều đó có thể xảy ra lắm. Biết đâu “phước chủ may thầy”.Tôi nghĩ bụng ca mổ này đã không suông sẻ ngay từ lúc đầu. Phước mình thì… mỏng còn ông bác sĩ này thì…xui. Tôi không tin vào một phép lạ. Tôi bạo dạn đề nghị với ông một giải pháp khác. “Fixing”. Vá lỗ dò.

Giải pháp của tôi làm ông ngạc nhiên khi ông mở to đôi mắt đẹp. Ông nhìn tôi dè dặt và hỏi liệu tôi có đủ sự mạnh mẽ để chịu một ca mổ lần thứ hai cách nhau chưa đầy một tháng. Tôi nói về tinh thần và nghị lực thì tôi có đủ nhưng còn về sức khỏe thì tùy bác sĩ quyết định.Tôi còn nhớ nét mặt rất hài lòng của ông khi ông gật gù nói “You reach my mind”. Một tuần sau, tôi lắng nghe ông giải thích về ca mổ sắp tới cùng với đám sinh viên y khoa đứng vây quanh ông.

Với vốn tiếng Mỹ nghe như…gió, “tiếng có tiếng không”, tôi hiểu loáng thoáng rằng tôi sẽ phải mổ lại lần này để vá lại lỗ dò. Ông sẽ banh vết mổ cũ, dùng một miếng da nào đó trong phổi đặt trên lỗ dò và vá lại. Ông nói hiếm khi có những bệnh nhân đề nghị với bác sĩ giải pháp “fixing” như bệnh nhân này.

Lúc đó tôi thầm nói với ông rằng tôi chẳng có kiến thức gì về y khoa và mổ xẻ cả. Tôi chỉ nghĩ đơn giản. Lá phổi tôi giống như lốp xe đạp. “Leaking” trong phổi giống như lỗ dò. Hồi còn ở Việt Nam, tôi lọc cọc đi làm bằng chiếc xe đạp cũ qua chiếc cầu Chà Và đầy những lỗ đinh. Nhiều lần tôi đã ngồi bên vệ đường nhìn người thợ sửa xe đạp vá lốp xe. Anh ta bôi một lớp keo màu trắng, lấy miếng vá hình tròn màu đen đắp lên, hơ trên lửa rồi đập dập cho hai miếng cao su chảy ra dính vào nhau trên chỗ vá. Vá lỗ dò của lá phổi cũng giống vá lỗ xì của lốp xe đạp.

Thế là tôi lại lên bàn mổ. Vết sẹo bắt đầu lên da non. Cảm giác ngưa ngứa của vết mổ hình vòng cung dưới nách bên phải làm tôi khó chịu cũng là lúc tôi có cảm giác đau đớn lần thứ hai. Những viên thuốc “vicodin” giúp tôi tiếp tục chịu đựng những cơn đau này. Qua ngày hôm sau, phổi tôi nở tung. Tôi sung sướng quá. Tôi hít và thở, hít và thở. Không khí lưu thông ra vào trong đường thở làm cho tôi cảm giác mình như sống lại và quên các cơn đau. Tôi không cần cái hộp nhựa để tập thở. Cô y tá đã gỡ cái hộp hình chữ nhật gắn ở đầu giường và tôi có thể đi vệ sinh không cần mang theo nó bên mình nữa. “I am free”. Còn niềm hạnh phúc nào được thở tự nhiên bằng mũi và lá phổi bình thường của mình.

Hơi thở là sự sống. Khi còn khỏe mạnh, tôi hít thở mỗi ngày. Nó hết sức đơn giản, bình thường và gần gũi với tôi mà tôi vô tình không biết hay lãng quên. Phải đợi đến khi nó bị hủy hoại hay sắp mất đi, tôi mới nhận ra sự cần thiết và quý giá vô cùng của món quà này. Ông bác sĩ Miliken đã tặng cho tôi món quà là hơi thở, là sự sống. Hơn thế nữa, ông đã bứng đi ổ vi trùng Kock, trả lại cho tôi lá phổi bình thường và khỏe mạnh.

Tôi gọi ông là ân nhân. Ông gọi tôi là người “phụ nữ mạnh”. Ông ngỏ lời đáng tiếc về ca mổ lần thứ hai.Tôi nói đó chỉ là một “accident”, một tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra cho bất cứ ai. Dù sao tôi và ông đều đã vượt qua. “A strong woman”? Không đâu. Tôi chỉ là người phụ nữ hay mủi lòng. Bằng chứng là tôi “ngậm ngùi” muốn chảy nước mắt khi nói với ông rằng từ đáy lòng tôi, tôi không biết phải dùng lời lẽ gì để cám ơn ông và không có lời cám ơn nào để xứng đáng với việc làm cao quý của ông. Đó là ông mang sự sống đến cho tôi và mọi người.

Đó là lần khám bệnh cuối cùng và cũng là lần cuối tôi được nói chuyện nhiều với ông bác sĩ đẹp trai này trước khi ông đồng ý cho tôi xuất viện. Có lẽ ông xem hồ sơ và biết tôi là người Việt Nam. Trước buổi chia tay, ông làm tôi ngạc nhiên khi bắt tay từ giã, chúc tôi “Happy New Year” và nói ngày mai là ngày đầu năm mới, mồng một Tết Âm Lịch của người Việt Nam. Là một vị bác sĩ tài năng và nhiệt tình, ông còn là một người khiêm tốn và tế nhị trong cách cư xử với bệnh nhân.

Tôi trở về nhà trên con đường Bolsa, nghe tiếng trống múa lân ầm ỷ, nhìn những con đường dẫn vào trung tâm Little Saigon kẹt xe và chợ búa tấp nập người qua lại mua bán vào cuối năm. Đêm nay là đêm giao thừa. Ngày mai bước sang năm mới, tôi sẽ là một con người mới với nhiều sức khỏe, tự tin và hy vọng.

Bệnh viện UCI trả tôi về lại Trung Tâm Y Tế để tôi tiếp tục uống thuốc thêm sáu tháng nữa. Lần này có một cô nhân viên đem thuốc đến tận nhà “nhìn” tôi uống tại chỗ. Một lần nữa, tôi có cảm giác sung sướng được tự do trong đời sống. “I am free” khi bác sĩ thông báo sẽ chấm dứt việc chữa trị bằng thuốc.

Ngày đó tôi rời bệnh viện và trung Tâm Y Tế không phải trả một khoản tiền nào. Có lần tôi tò mò hỏi cô Pauline, cô y tá sau này trở thành bạn thân, việc chữa trị bệnh và hai ca mổ ở bệnh viện UCI, chính phủ Mỹ phải trả bao nhiêu tiền cho tôi. Cô Pauline cười cười nói “Chị ơi, đủ để chị thực hiện được… ước mơ nho nhỏ của người Mỹ”.

“Ước mơ của người Mỹ”. “American dream”. Đó là một căn nhà nhỏ. Tôi mang ơn nước Mỹ nhiều đến thế sao. Tôi mang ơn những người Mỹ đi làm đóng thuế cho chính phủ Mỹ để tài trợ cho những ca mổ của những người đi làm có lợi tức thấp như tôi. Số tiền đó lớn tương đương với một căn nhà nhỏ. Và còn nhiều cái ơn khác của các bác sĩ ở Trung Tâm Y Tế, các cô y tá, nhân viên giao thuốc, tài xế chở tôi đi về…. Món nợ vật chất và tinh thần ở đất nước Mỹ và những con người Mỹ này làm sao tôi trả cho hết trong khi tôi chưa đóng góp gì được cho nước Mỹ?

Sắp đến ngày Lễ Tạ Ơn, tôi đọc lại i-meo của bác sĩ Miliken một lần nữa. Ông vẫn còn làm công việc giải phẫu tim và phổi ở bệnh viện UCI với đôi tay khéo léo và tài năng của mình. Tôi ước ao một lần được khám phá những vân tay trên các đầu ngón của đôi bàn tay vàng và …đếm thử xem đôi bàn tay này có được bao nhiêu cái “hoa tay”.

Nhưng thôi. Đâu cần thiết. Hãy để trí tưởng tượng và óc tò mò của tôi bay bổng rằng đôi bàn tay dao kéo ấy nở đủ mười đóa “hoa tay” của tài năng và tình người.

Đó cũng là đôi bàn tay đẹp, một việc làm đẹp của một tâm hồn đẹp.

Bài viết này xin kính tặng bác sĩ Jeffrey Miliken.

Cali ngày 22 tháng 11 năm 2016

Phùng Annie Kim

No comments:

Blog Archive