Thursday, November 3, 2016

Cuộc đào tẩu của trung úy không quân Liên Xô

Stephen Dowling
Trong Phần 1 của loạt bài gồm hai phần, BBC Future đã giới thiệu về nỗi ám ảnh sợ hãi của phương Tây trước một 'quái vật bí ấn' của Liên Xô, chiếc MiG-25, thứ vũ khí họ chưa thể giải mã được về năng lực tác chiến cũng như những đe dọa khủng khiếp nó có thể gây ra cho đối phương.

Bí mật đó có lẽ sẽ vẫn còn là bí mật trong một thời gian dài nữa, nếu như không xảy ra một sự kiện không ai ngờ: một sỹ quan không quân Liên Xô quyết định chạy sang phương Tây bằng chính con 'quái vật' đó.

Xem Phần 1: Bí mật chiếc chiến đấu cơ Liên Xô bị đánh cắp

Vào ngày 6/9/1976, một chiếc phi cơ hiện ra từ những đám mây trên bầu trời gần thành phố Hakodate trên Hokkaido, hòn đảo chính nằm ở phía bắc của Nhật Bản.

Một chiếc máy bay phản lực động cơ kép, nhưng không phải là loại bay chặng ngắn mà Hakodate từng nhìn thấy. Đó là một chiếc to lớn, sơn cờ đỏ Liên Xô. Chưa ai ở phương Tây từng nhìn thấy thứ gì như thế.
Vỡ mộng

Viktor Belenko từng là một công dân Xô-viết mẫu mực. Ông chào đời ngay sau khi kết thúc Đại chiến Thế giới lần thứ hai, trong vùng chập chùng đồi núi ở dãy Caucasus.

Ông vào quân ngũ và trúng tuyển phi công quân sự, một vị trí khiến người được chọn đương nhiên cảm thấy hãnh diện so với các công dân Xô-viết bình thường khác.

Nhưng Belenko vỡ mộng. Người đàn ông đã có một con khi đó đang đối diện với một cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Ông bắt đầu đặt câu hỏi về bản chất xã hội Xô-viết, và về việc liệu Hoa Kỳ có phải là xấu xa như chế độ Cộng sản nói không.

"Bộ máy tuyên truyền của Liên Xô khi đó mô tả quý vị như một xã hội mục ruỗng, đang tan rã," Belenko nói với tạp chí Full Context hồi 1996. "Nhưng trong đầu tôi có những câu hỏi."
Belenko nhận ra rằng chiếc chiến đấu cơ mới, to khổng lồ mà ông đang tập huấn có thể sẽ là chìa khoá để ông trốn chạy. Ông đóng quân tại thành phố viễn đông Vladivostok. Nhật Bản chỉ cách đó 644km.


Thẻ căn cước quân sự của Belenko hiện được trưng bày tại Bảo tàng CIA ở Washington DC

Chiếc MiG mới có thể bay nhanh, bay cao, nhưng hai động cơ ngốn nhiên liệu khủng khiếp khiến nó không thể bay xa, đương nhiên là không thể đi xa tới mức đủ để đáp xuống một căn cứ không quân nào đó của Hoa Kỳ.

Vào ngày 6/9, Belenko bay cùng các đồng đội phi công trong một cuộc huấn luyện. Không chiếc MiG nào có vũ khí. Ông đã phác thảo được một tuyến đi và chiếc MiG ông lái khi đó chứa đầy bình nhiên liệu.

Ông phá vỡ đội hình, và chỉ trong vài phút đã bay vượt lên, nhằm bay về phía Nhật Bản.

Để tránh được radar của cả Liên Xô lẫn của quân đội Nhật, Belenko đã phải bay rất thấp, khoảng 30m trên mặt nước biển.

Khi đã vào đủ sâu trong không phận Nhật, ông nâng độ cao chiếc MiG lên tới 6.000m để cho hệ thống radar Nhật phát hiện.

Nhật kinh ngạc và tìm cách liên lạc với chiếc phi cơ không rõ tung tích, nhưng vô tuyến điện của Belenko lại để ở tần số sai.

Các chiến đấu cơ của Nhật bay lên chặn, nhưng khi đó, Belenko lại hạ độ cao xuống bên dưới những lớp mây dày đặc. Ông biến mất khỏi màn hình radar của Nhật.

Trong toàn bộ thời gian này, viên phi công Liên Xô đã bay theo cảm tính, dựa vào trí nhớ về bản đồ mà ông đã nghiên cứu trước khi cất cánh.

Belenko định bay tới căn cứ không quân Chitose, nhưng do nhiên liệu sắp hết nên ông phải đáp xuống sân bay gần nhất. Và đó hoá ra chính là Hakodate.

'Vận may không thể ngờ'

Nhật Bản chỉ thực sự biết mình đang phải đối phó với cái gì khi chiếc MiG bất ngờ hạ cánh.

Người Nhật đột nhiên phát hiện ra là mình có được một viên phi công đào tẩu - và một chiến đấu cơ cho đến nay đã làm điên đầu các cơ quan tình báo phương Tây.

Thế là sân bay Hakodate đột nhiên trở thành nơi tấp nập các hoạt động tình báo. Cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA không tin nổi vào vận may này.

Chiếc MiG đã được kiểm tra kỹ lưỡng sau khi được đưa tới một căn cứ quân sự gần đó.

"Bằng việc tháo dỡ chiếc MiG-25 và nghiên cứu từng phần một trong vài tuần, họ đã có thể hiểu được chính xác loại máy bay này làm được những gì," Trimble nói.

Liên Xô đã không làm ra một loại 'siêu chiến đấu cơ' như Ngũ Giác Đài lo sợ, theo lời người hướng dẫn tại bảo tàng hàng không Smithsonian Roger Connor, mà là chiếc phi cơ nhằm thực thi một nhiệm vụ cụ thể.



MiG-25 đã khiến việc phát triểm chiến đấu cơ F-15 được triển khai nhanh hơn - F-15 đến nay vẫn được lực lượng quân đội Mỹ sử dụng

"MiG-25 không phải là một máy bay chiến đấu có mức hữu hiệu cao," Connor nói. "Đó là loại phi cơ đắt giá và không thật sự hiệu quả khi giao tranh."

Còn có những vấn đề khác nữa. Bay với vận tốc Mach 3 đồng nghĩa với việc các động cơ sẽ phải chịu áp suất cực lớn.

Máy bay SR-71 của hãng Lockheed đã xử lý vấn đề này bằng cách đặt khối hình nón phía trước động cơ, nhằm giúp giảm ma sát giữa không khí với động cơ xuống mức đủ để không làm hư hại đến động cơ. Không khí sẽ được đẩy ra phía sau động cơ, giúp tạo thêm lực đẩy.

Các động cơ turbojet của MiG tạo ra lực đẩy bằng cách hút không khí để giúp đốt nhiên liệu.

Tuy nhiên, khi đạt vận tốc trên 2.000mph (3.200km/h) thì vấn đề phát sinh.

Lực cản không khí khi đó sẽ áp đảo lực bơm nhiên liệu, khiến cho ngày càng nhiều nhiên liệu được bơm vào động cơ. Đồng thời, lực do các thiết bị nén tạo ra sẽ lớn tới mức bắt đầu hút bớt những phần lực trong động cơ. MiG bắt đầu tự làm hại mình.

Các phi công lái MiG-25 được cảnh báo là không bao giờ vượt quá vận tốc Mach 2.8; chiếc MiG bay với tốc độ Mach 3.2 mà Israel phát hiện ra hồi 1971 thực ra đã khiến cho động cơ bị hỏng, và việc quay trở về được căn cứ là một điều rất may mắn.

Câu chuyện về MiG-25 khiến cho Hoa Kỳ phải triển khai một dự án mới - dự án dẫn tới việc chế tạo ra chiếc Eagle F-15, loại chiến đấu cơ có khả năng bay nhanh nhưng cũng rất dễ điều khiển thay đổi hướng bay giống như tính năng mà người ta tưởng MiG đã đạt được.

Bốn mươi năm sau, F-15 vẫn còn đang được sử dụng.

MiG-25: Một 'con hổ giấy'
Tóm lại, chiếc MiG vốn đã khiến phương Tây rất lo lắng hóa ra chỉ là một 'con hổ giấy'.

Hệ thống radar khổng lồ được trang bị cho nó thì đi sau các hệ thống của Mỹ tới nhiều năm.

Những động cơ khổng lồ ngốn rất nhiều nguyên liệu, khiến cho MiG chỉ bay được ở khoảng cách ngắn tới bất ngờ.

Nó có thể cất cánh nhanh lẹ, bay thẳng rất nhanh để phóng tên lửa hoặc để chụp ảnh. Tất cả chỉ có vậy.


Nỗi sợ hãi trước MiG-25 khiến các phi cơ Blackbird SR-71 không dám bay vào không phận Liên Xô

Chiếc MiG mà Liên Xô giấu kín không cho thế giới biết trong nhiều năm đã một phần được lắp lại, sau đó được đưa lên tàu biển chở về Liên Xô.

Nhật Bản gửi cho Liên Xô hóa đơn 40 ngàn đô la chi phí vận chuyển và tiền bồi thường thiệt hại mà cú đáp máy bay của Belenko gây ra ở sân bay Hakodate.

Chẳng mấy chốc mọi sự rõ ra là chiếc MiG thiên hạ sợ hãi thực ra không thể chặn được chiếc SR-71 của quân đội Mỹ, một trong những chiếc phi cơ mà MiG được chế tạo ra nhằm đối trọng lại.

"Sự khác biệt lớn giữa MiG và SR-71 là SR-71 không chỉ bay nhanh mà còn bay được đường trường nữa," Connor nói. "MiG chỉ bay nhanh được thôi."

Những hạn chế đó không cản trở việc hơn 1.200 chiếc MiG-25 nữa được xuất xưởng.

'Foxbat' trở thành chiếc phi cơ quý giá của các lực lượng không quân được Liên Xô hậu thuẫn, và được tuyên truyền là loại máy bay đạt vận tốc nhanh thứ nhì thế giới.

Algeria và Syria được cho là vẫn đang sử dụng loại phi cơ này. Ấn Độ từng dùng phiên bản do thám và gặt hái rất nhiều thành công từ việc đó trong suốt 25 năm. Chúng chỉ được cho nghỉ hưu vào năm 2006 bởi không đủ phụ tùng thay thế.


Gây ra nỗi sợ hãi là tác động ấn tượng nhất mà MiG-25 tạo được, theo Trimble.

"Cho tới 1976, [Hoa Kỳ] không biết rằng nó không có khả năng đánh chặn SR-71, và điều đó khiến họ không dám đi vào không phận của Liên Xô."

Bản thân Belenko đã không trở về Liên Xô cùng chiếc phi cơ đã bị tháo dỡ một phần.

Số phận viên si quan không quân Liên Xô

Kẻ đào tẩu nổi tiếng được phép tới Mỹ - ông được chính Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trao quốc tịch - và trở thành một kỹ sư hàng không, một nhà tư vấn cho Không lực Hoa Kỳ.

Thẻ quân nhân của ông cùng những ghi chép ông vẽ phác trên miếng lót đầu gối trong lúc bay qua Biển Nhật Bản nay được trưng bày tại Bảo tàng CIA ở Washington DC.

MiG-31 là phiên bản nâng cấp cải tiến của MiG-25

Những điểm chưa mạnh của MiG-25 và sự xuất hiện của F-15 của Mỹ khiến các nhà thiết kế Liên Xô phải đưa ra những mẫu thiết kế mới.

Trimble nói điều này rốt cuộc đã dẫn đến việc cho ra loại Su-27 của nhóm các nhà thiết kế Sukhoi vốn cạnh tranh với MiG.

Đó chính là loại máy bay khiến Ngũ Giác Đài lo lắng vào đầu thập niên 1970 - nhanh nhẹn, dễ lượn lách - và những phiên bản mới của nó có lẽ là những chiếc chiến đấu cơ 'ngầu' nhất ngày nay, ông nói.

Câu chuyện về chiếc MiG-25 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc.

Thiết kế của nó đã được chỉnh sửa mạnh mẽ để cho ra MiG-31, loại chiến đấu cơ được trang bị các thiết bị cảm ứng phức tạp, một hệ thống radar mạnh, và động cơ tốt hơn.

"MiG-31 là sản phẩm hiện thực hóa được những tính năng mà MiG-25 được trông đợi là phải có," Trimble nói.

MiG-31 được đưa vào sử dụng vài năm trước khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, và hàng trăm chiếc ngày nay vẫn đang tuần tra trên các khu vực biên giới trải dài của Nga.

Các nhà quan sát phương Tây đã có khá nhiều cơ hội để chiêm ngưỡng MiG-31 trong các cuộc triển lãm hàng không, tuy hầu hết các hoạt động bên trong của chúng vẫn được phía Nga bảo vệ nghiêm ngặt

Sau hết, không có phi công người Nga nào quyết định, dù với bất kỳ lý do gì, đi lưu vong ra khỏi đất nước rộng lớn đó, và lái chiếc MiG-31 đáp xuống một sây bay nước ngoài.

No comments:

Blog Archive