Saturday, November 5, 2016

Gia đình Tướng Ngô Quang Trưởng đưa ông về với quê hương


Hà Giang/Người Việt

Với biết bao đồng hương và cựu chiến sĩ cùng đồng đội đã đến dự tang lễ của cố Trung Tướng VNCH Ngô Quang Trưởng, được long trọng cử hành vào ngày 25 Tháng Giêng, năm 2007, tại Falls Church Virginia, miền Ðông Hoa Kỳ, sự tiễn đưa vị tướng nổi danh là “tài và thanh bạch” đã hoàn tất sau lễ di quan cùng ngày.


Thân quyến của Tướng Ngô Quang Trưởng khấn vái trên ngọn đèo Hải Vân trước khi rải tro của ông. (Hình: Người Việt, từ video do bà quả phụ Ngô Quang Trưởng cung cấp)

Nhưng, nhân một chuyến viếng thăm tòa soạn, bà quả phụ Ngô Quang Trưởng tâm sự với phóng viên Người Việt rằng, việc tiễn đưa chồng và cha về nơi yên nghỉ cuối cùng, chỉ được bà và 4 người con thực hiện một năm sau đó, khi tro cốt của ông được đưa về rải trên ngọn đèo Hải Vân, Việt Nam, theo ước nguyện cuối cùng của ông.

Bà Trưởng tâm sự rằng thuở ông còn sinh thời, hai người đã “mua sẵn hai lô đất cạnh nhau,” nhưng một hôm Tướng Trưởng lại nói với bà rằng có lẽ sau khi qua đời, ông muốn “được thiêu và mang về Việt Nam.”

“Về Việt Nam? Thế anh không muốn ở cạnh bên em sao?” Bà Trưởng kể đã hỏi chồng như thế.

Tướng Trưởng lúc đó đã trầm ngâm không nói, rồi thấy vợ buồn buồn, ông an ủi, “Thôi thế anh sẽ ở lại đây cạnh em.”

Ðã yên trí như thế, nhưng sau khi ông nằm xuống, bà Trưởng vẫn không ngạc nhiên, khi Mai Trinh, cô con gái đầu lòng bảo rằng “bố dặn kỹ là mang tro cốt bố về rải trên đèo Hải Vân.”

Thì ra, sợ vợ buồn, Tướng Trưởng đã không tâm sự với bà mà chia sẻ tâm tư với cô con gái lớn.

Không chỉ tâm sự, ông còn tả tỉ mỉ về ngọn đèo ấy, tả rõ, sống động và đầy ấn tượng đến nỗi, theo lời bà Trưởng, một người bạn thân của Mai Trinh đã nhờ lời tả của ông mà vẽ lên bức tường đằng sau bàn thờ và hài cốt của ông, một bức tranh về cảnh đèo ngoạn mục này.

“Lạ lắm,” người họa sĩ “nghiệp dư” này chưa bao giờ đặt chân đến đèo Hải Vân, mà không hiểu làm sao lại vẽ ra cảnh đèo “hình dáng rất giống chỗ rải tro sau này.” Bà Trưởng kể.

Khi xe đi đến Huế thì trời mưa tầm tã, bà Trưởng đã lo là “thế này thì làm sao mà trải được” rồi lâm râm cầu nguyện.

Bỗng dưng trời tạnh mây quang.

Thoạt tiên bà Trưởng chỉ cho rằng lý do Tướng Trưởng muốn được nằm rải rác trên ngọn Hải Vân là vì ông gắn bó với dân chúng ở miền Trung, nhưng khi xe leo lên đến đỉnh đèo, bà mới thấy là cảnh ở đây hùng vĩ quá, ngoạn mục quá, không hổ danh là nơi đã được vua Lê Thánh Tông đặt cho tên “Ðệ Nhất Hùng Quan,” và nếu muốn ở tại quê hương thì có lẽ khó chọn nơi nào lý tưởng hơn.

Nằm cheo leo trên dẫy Trường Sơn, bên là núi, bên là biển, gió mạnh và mây lúc nào cũng bay là đà, đèo Hải Vân dài 21 kilô mét, là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên, Huế ở phía Bắc, và thành phố Ðà Nẵng phía Nam. Với đỉnh cao nhất là 496 mét so với mực nước biển.

Ði qua một vùng biển với những chiếc tầu nhỏ nằm yên trên ven bờ, qua một rừng thông cao che khuất những rặng núi xa mời, ông Tín, người tài xế rất thân quen với Tưởng Trưởng ngày xưa, cho biết bắt đầu ra cửa biển Ðà Nẵng.

Chiếc xe tiếp tục chạy ngoằn ngoèo trên ngọn đèo vừa đẹp vừa nguy hiểm. Biển không xanh lơ mà là màu xanh lá non của những ngày không có nắng, trên bầu trời, xen lẫn tầng mây trong xanh lẫn những làn mây xám, một bên đường vài cây lau đùa trong gió vật vờ, sóng biển vỗ vào bờ ném lên những làn sóng trắng.

“Ðúng chỗ này rồi anh!” Một người con gái của bà kêu lên.

“Có con sông nữa nè.” Người con khác nói.

Sao giống chỗ vẽ trong bức tranh quá, bà Trưởng nghĩ thầm, có cảm tưởng ông đang ở quanh đây, rất gần.

Xe dừng bên một cái miếu bên đường.

Trời lạnh, và gió phần phật. Bà Trưởng tay cầm bó hoa huệ, tay cầm bó nhang, đứng co ro trước ngôi miếu. Bốn người con, và cả ông tài xế chia nhau hoa, nhang rồi lâm râm khấn vái.

Một người con trai tay run run mở bọc tro, bà và những người con mỗi người một nắm tro, đứng tựa vào thành sắt trên đường đèo, rồi thay phiên nhau mở rộng tay ra.

Nhưng kìa, sao gió mạnh thế mà tro vẫn vón lại thành một khối vấn vương rồi mới tan ra, tung bay theo gió.


Trên đèo Hải Vân, gió mạnh thế mà từ tay bà Trưởng, tro vẫn vón lại thành một khối vấn vương rồi mới tan ra, tung bay theo gió. (Hình: Người Việt, từ video do bà quả phụ Ngô Quang Trưởng cung cấp)

- “OK, con đưa ba về.” Một người con gái nói trong tiếng thở dài.

- “Ba happy rồi đó, thôi goodbye nhe ba, lâu lâu ba về thăm gia đình.” Người con khác dặn dò.

Rải tro xong, bà Trưởng tần ngần nhìn cảnh đèo. Những hạt tro như còn vướng vất trên tóc trên áo bà. Gió thổi vi vu, những gì còn lại của thể phách của cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã được bay vào thinh không, rơi xuống từng ngọn đồi, bám vào từng lá cây, hòa tan trong lòng biển Thái Bình Dương, mãi mãi quấn quýt với đất nước Việt Nam, bên cạnh những người dân miền Trung nghèo nàn, và mảnh đất mà ông và bao chiến sĩ đã xả thân bảo vệ.

Bà hơi buồn nhưng nhẹ nhàng, như đã làm xong được một việc canh cánh bên lòng.

“Tôi thấy anh đã quyết định đúng, và thấy thanh thản cho anh ấy!” bà chia sẻ.

Rồi bà mơ màng như nói cho một mình nghe:

“Chế độ nào thì rồi cũng phải qua đi, nhưng đất nước muôn đời vẫn là đất nước mình. Cuối cùng anh đã về được với quê hương.”

––––––-
Bài đọc thêm:

Tưởng niệm 3 năm ngày Tướng Ngô Quang Trưởng qua đời
Triệu Phong lược thuật

“Nhà chỉ huy chiến thuật lỗi lạc nhất tôi từng biết đến.”
Tướng Norman Schwarzkopf

.
Tướng Ngô Quang Trưởng qua đời vì bệnh tim hôm 22 Tháng Giêng, năm 2007 tại Fairfax, Virginia. Ngay sau khi ông mất, Quốc Hội tiểu bang Virginia thông qua một Quyết Ðịnh Chung “Tuyên Dương Cuộc Ðời của Ngô Quang Trưởng”, niềm vinh dự duy nhất dành cho một người từng hy sinh để bảo vệ quê hương miền Nam Việt Nam của mình, và nêu một gương sống mẫu mực cả trước và sau khi đến xứ sở này.

Ông được xem như là một trong những vị tướng chân thật và có khả năng nhất trong quân đội miền Nam. Trong cuốn “The 25-Year War” Tướng Bruce Palmer mô tả ông như là một “cấp chỉ huy gan dạ, dạn dày kinh nghiệm, hăng say chiến đấu” và “có lẽ là một tư lệnh chiến trường lỗi lạc nhất của Nam Việt Nam.” 

Tướng Creighton Abrams, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam từ 1968 đến 1972, từng nói với thuộc cấp rằng, Tướng Trưởng có khả năng để nắm chỉ huy một sư đoàn của quân lực Mỹ.

Tướng Trưởng sinh ngày 19 Tháng Mười Hai, năm 1929, trong một gia đình khá giả ở tỉnh Kiến Phong, thuộc vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Sau khi học xong tại Mỹ Tho, ông ghi danh vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, và đến năm 1954 thì trở thành sĩ quan bộ binh quân đội miền Nam. Sau đó, ông theo học trường đào tạo binh chủng Dù, rồi phục vụ trong binh chủng này suốt 12 năm, với chức vụ đầu tiên là đại đội trưởng Ðại Ðội 1, Tiểu Ðoàn 5 Dù.

Giáo Sư James H. Williams, giám đốc Phòng Quân Sử thuộc trường Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ trong một bài viết đăng trên tạp chí Vietnam Magazine số Tháng Mười Hai, 2007 đã thuật lại đầy đủ quá trình phục vụ cùng những thành tích kiệt xuất của Tướng Trưởng qua 20 năm trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Chiến dịch đầu tiên mà Thiếu úy Nhảy dù Ngô Quang Trưởng tham dự là cuộc hành quân tiễu trừ Bình Xuyên năm 1955 trong đó ông được thăng cấp trung úy tại mặt trận. Năm 1964, ông được thăng lên thiếu tá và được chỉ định làm tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 5 Dù. Trong thời gian này, ông chỉ huy cuộc hành quân trực thăng vận vào mật khu Ðỗ Xá ở quận Minh Long, Quảng Ngãi, đập tan bộ chỉ huy Công Trường B1 của Cộng Sản. Ðồng thời, ông tạo được tiếng tăm là cấp chỉ huy uy tín, người đã xông xáo ra chỉ huy ngay tại chiến trường và biết quan tâm đến binh sĩ.

Năm 1965, ông lại điều động Tiểu Ðoàn 5 Dù đánh vào mật khu Hắc Dịch ở khu vực Núi Ông Trịnh, tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa), căn cứ của Sư Ðoàn 7 Cộng Sản. Ông được thăng cấp đặc cách tại mặt trận lên chức trung tá, đồng thời được ân thưởng Ðệ Tứ đẳng Bảo Quốc Huân Chương và sau đó được chỉ định làm tham mưu trưởng Lữ Ðoàn Dù, rồi tham mưu trưởng Sư Ðoàn Dù vào cuối năm 1965.

Năm 1966, ông được chỉ định làm xử lý thường vụ Tư lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh (SÐ1 BB) ở Huế và sau đó mấy tháng trở thành tư lệnh thực thụ của SÐ1 BB, cấp tốc củng cố lại sư đoàn trở thành một trong những đơn vị xuất sắc nhất trong quân đội Nam Việt. Trung Tướng Robert E. Cushman, tư lệnh Quân Ðoàn III Marine Amphibious Force ở Vùng I Chiến Thuật, và Trung Tướng Richard G. Stilwell, tư lệnh Quân Ðoàn XXIV, cả hai đều cho rằng nhờ công của Tướng Trưởng mà SÐ1 có thể “sánh với bất cứ đơn vị nào của Hoa Kỳ.”

Cố vấn của ông bấy giờ viết rằng, Tướng Trưởng là người “tận tụy, khiêm tốn, có óc sáng tạo, và nhiều mưu lược.” Và tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam, Tướng William C. Westmoreland cho rằng, Tướng Trưởng “được đánh giá cao trong danh sách tất cả các tướng tài của quân đội miền Nam.”

Năm 1967, các đơn vị thuộc SÐ1 BB tấn công và hủy diệt toàn bộ hạ tầng cơ sở và một số lớn lực lượng du kích ở mặt trận Lương Cơ, Ðông Xuyên và Mỹ Xá ở quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Sau chiến công này, ông được thăng cấp chuẩn tướng.

Trong cuộc Tổng Tấn Công Tết 68, Tướng Trưởng vẫn đang là tư lệnh SÐ1. Trong tình huống xảy ra bất ngờ và hoàn cảnh khó khăn phức tạp, vẫn như bao lần khác, Tướng Trưởng đã điều binh khiển tướng một cách bình tĩnh và tuyệt vời. Trung Tướng Cushman, người trở thành bạn sau khi có dịp làm việc bên ông, miêu tả lại thành tích của Tướng Trưởng trong thời gian cuộc giao tranh đẫm máu khốc liệt này: “Mặc dù bị địch vây quanh nhưng ông vẫn đứng vững. Dù chiếm trọn Thành Nội nhưng địch chưa hề lấy được BTL.”

Sau Tết, ông được đặc cách lên thiếu tướng. Tháng Tám 1970, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân Ðoàn IV, với BTL nằm ở Cần Thơ. Sang Tháng Sáu, 1971, ông lại được thăng lên trung tướng. Tướng Trưởng đưa ra chiến dịch bài trừ “lính ma lính kiểng”, đào binh và trốn lính trên khắp vùng IV. Ông còn tăng cường khả năng cho Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân, biến các lực lượng này thành một phần của kế hoạch phòng thủ cho sự an ninh của vùng châu thổ.

Ngày 30 Tháng Ba, 1972, quân Bắc Việt mở cuộc tổng tấn công “Mùa Hè Ðỏ Lửa” với lực lượng 14 sư đoàn bộ binh và 26 trung đoàn biệt lập, gồm hơn 120,000 quân và chừng 1,200 xe tăng cùng nhiều xe thiết giáp khác. Mục tiêu tấn công là Quảng Trị, Kontum và An Lộc. Phía Nam Việt với quân số chỉ bằng 1/3 quân Bắc Việt đã phải lui quân trước sức tấn công ban đầu. Toàn bộ SÐ3 bị tan rã và ngày 1 Tháng Năm, 1972, quân đội Cộng Sản chiếm thị xã Quảng Trị, và tiếp tục đánh mạnh về phía Nam. 

Ý thức được tình hình nguy kịch, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngưng chức tư lệnh Quân Ðoàn I của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, người đã không chận được đà tiến quân của CSBV, và chỉ định Tướng Trưởng đảm nhiệm chức vụ này. 

Sử gia Lewis Sorley sau này viết lại rằng, hiệu ứng của sự đổi thay này như “một luồng điện.” Tướng Trưởng đến làm lắng dịu được ngay tình hình, và chỉ với sự hiện diện của ông cũng đã mang lại hy vọng mới cho các lực lượng Nam Việt ở Quân Khu I. Tướng Trưởng lập tức nắm quyền chỉ huy, ông truyền thanh quân lệnh cho bất kỳ quân nhân đào ngũ nào không về trình diện đơn vị trong vòng 24 tiếng, sẽ lập tức bị bắn tại chỗ. Ông lên truyền hình hứa hẹn sẽ giữ vững Huế, đồng thời đẩy lui quân Cộng Sản. Ông tập hợp một ban tham mưu tuyển chọn và dời BTL ở Ðà Nẵng bay thẳng ra Huế, nơi đang hoảng loạn trước cuộc tiến công dữ dội của quân Bắc Việt. Tướng Trưởng đã hoàn toàn đảo ngược tình thế nguy kịch ở Quân Ðoàn I bằng sự chỉ huy lỗi lạc của mình, phản công, tái chiếm lại các phần đất đã mất vào tay địch quân đẩy lui được 6 sư đoàn quân Bắc Việt và tái chiếm Quảng Trị hôm 16 Tháng Chín. 

Nhưng đến năm 1975 thì Tướng Trưởng phải đương đầu với thử thách lớn nhất trong đời. Trước một cuộc tổng tấn công khác của quân Bắc Việt. Khi ông nhận lệnh từ Tổng Thống Thiệu là phải bảo vệ Huế đến cùng, và ông cam đoan là Huế vẫn phòng thủ được, thì sau đó lại được lệnh phải bỏ Huế. Trong tâm trạng rối bời vì lệnh lạc không thống nhất rõ ràng, Tướng Trưởng vẫn gắng hết sức chấp hành lệnh trên. Dù sao thì cuối cùng cuộc triệt thoái khỏi Huế đã trở nên thảm họa không kém gì vừa xảy ra ở Cao Nguyên. Do lãnh đạo không thống nhất, thiếu sự liên kết nơi nhiều đơn vị, và binh sĩ lo lắng cho người thân, cuộc lui binh nhanh chóng biến thành hỗn loạn hoàn toàn.

Tình hình Ðà Nẵng cũng tồi tệ không kém. Trong khi thành phố bị hai sư đoàn quân Bắc Việt tấn công bằng pháo binh, Tướng Trưởng đang cố điều động cuộc di tản bằng đường biển.Nhưng hỗn loạn vẫn cứ theo chân khi cả binh sĩ lẫn dân chúng cố tìm cách vượt thoát vào Nam bằng bất cứ phương tiện nào. Ðà Nẵng rơi vào tay quân Bắc Việt hôm 30 Tháng Ba, 1975. Ông cùng ban tham mưu rút ra đoàn tàu cấp cứu của quân đội miền Nam ngoài biển. Tướng Trưởng tan nát cõi lòng vì mất hết lực lượng, đặc biệt là SÐ1 yêu quí của ông. 

Ðến Sài Gòn ông xin nhập viện vì bị khủng hoảng tinh thần. Một sĩ quan Lục Quân Mỹ, người từng làm việc với Tướng Trưởng, nghe tin liền tìm đến gặp và dàn xếp để cả gia đình ông được lên tàu khi Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản. Gia đình ông tướng bị phân tán trong nhiều tuần, sau khi đoàn tụ lại cùng dọn đến Falls Church, Virginia. Ở đây, ông viết nhiều nghiên cứu lịch sử về Chiến Tranh Việt Nam cho Trung Tâm Quân Sử Lục Quân Hoa Kỳ. 

Năm 1983, cùng năm vào quốc tịch Mỹ, ông dọn đến Springfield, Virginia, làm phân tích gia điện toán cho Hiệp Hội Hỏa Xa Hoa Kỳ trong mười năm trước khi về hưu năm 1994.

Bất kỳ kết quả thế nào về cuộc chiến ở Quân Ðoàn I và sự sụp đổ của Nam Việt Nam tiếp sau đó, tiếng tăm của Tướng Trưởng vẫn không bị suy suyển. Tướng Norman Schwarzkopf trong cuốn hồi ký năm 1992 của mình, đã gọi Tướng Trưởng là “nhà chỉ huy lỗi lạc nhất tôi từng được biết. Chỉ hình dung qua sơ đồ về địa thế dựa theo kinh nghiệm chiến đấu trong suốt nhiều năm, Tướng Trưởng hiển lộ khả năng kỳ lạ, tiên liệu được địch sẽ đi nước nào.”
Tướng Schwarzkopt tiếp, “Ông ấy khác với một nhà thiên tài mà tôi nghĩ trong đầu: chỉ cao 5 bộ 7, gầy nhom, vai xệ, đầu thì như thể quá khổ với thân người. Vẻ mặt cằn cỗi và đăm đăm, và miệng thì luôn có một điếu thuốc trên môi. Vậy mà ông ta rất được thuộc cấp tôn kính và gây nể sợ cho cả cấp chỉ huy của địch.”
Khác với một số tướng lãnh Nam Việt Nam, Tướng Trưởng là một người có cuộc sống thanh bần không chê trách vào đâu được và, theo lời một người bạn thân, đã sống một “cuộc sống khắc khổ và kín đáo. Một con người khiêm tốn, Tướng Trưởng dâng trọn đời mình cho binh nghiệp, tận trung với thuộc cấp, cư xử bình đẳng với mọi người và rất lo lắng cho binh sĩ.”

Giáo Sư James H. Williams kết luận bài viết: 

“Nói cho cùng, Tướng Trưởng là một sĩ quan ngoại hạng, đáng được hưởng tiếng tăm lẫy lừng, mà cả binh sĩ quân đội miền Nam lẫn sĩ quan Hoa Kỳ ngưỡng mộ.” 

Ngô Quang Trưởng dâng hiến đời mình cho đất nước mình đến kỳ cùng, như lời Tướng Palmer nói, ông ta “đáng được có một mệnh số may mắn hơn”, thay vì phải nhìn nó đi xuống trong thảm bại. Cầu mong cho người chiến binh luôn chu toàn nhiệm vụ này được an nghỉ yên bình”.

No comments:

Blog Archive