Trăng lạnh…
Trăng trước còn ngồi với cái nóng hầm hập của sân gạch, mái che. Trăng này đã trải xuống mái che, sân gạch thứ ánh sáng bàng bạc của trăng tháng mười. Thu về như bụi thời gian vương thêm vài sợi trắng trên những mái đầu thân quen. Chợt nhớ trăng trước ngồi với thầy và thân hữu, có trà thơm bánh ngon. Nay trăng lại tỏ về mái che, sân gạch nhà thầy thứ ánh sáng bàng bạc vào thu. Sao lòng lại bàng bạc câu hỏi của thầy từ trăng trước như cái xương mắc trong cổ họng.
Nhớ trăng trước thầy hỏi, “Quê hương là gì?”
Thôi thì chín người mười ý vì ai phân chất được quê hương bao giờ. Nhưng nghe hết những ý kiến, quê hương càng mờ xa như sương về mùa lạnh. Chỉ rõ ra ai hời hợt, ai ba phải, ai vuốt đuôi, ai thời cơ,… ai ngáp vặt.
Còn nhớ hôm đó, tôi không dám lên tiếng vì sợ hồ đồ với thầy già đã không phải, hồ đồ với quê hương càng không phải hơn. Về nhà ngồi nghĩ lung: Một người tài cao học rộng như thầy, người Việt xưa được đi học ở nước ngoài đã kể là tài giỏi; thầy đây lại đi dạy ở nước ngoài thì tài giỏi đến đâu nữa. Rồi vinh nhục đời dài theo vận nước nổi trôi, hạnh phúc và khổ đau song hành cùng năm tháng. Đời thầy viết thành sách được, nhưng chương nào là quê hương cho phận người được người ngoại quốc ở nhiều nước trên thế giới kính trọng thì lại bị chính quê hương mình coi là kẻ phản quốc.
Tôi cho là thái độ hoài nghi của tuổi già. Nhưng nghĩ tiếp lại không tin mình nữa. Mà nghi, thầy thử lòng đời sau xem có quê hương không?
Đã cả tháng qua, tôi vẫn không trả lời nổi câu hỏi, “Quê hương là gì?”; “Tôi có quê hương không?” – là câu tự đặt ra.
Quê hương của những tư tưởng lớn là sông dài, núi cao mà mỹ từ gọi là “giang sơn gấm vóc” thì tôi đây không có. Quê hương của tôi thấp bé như chính cuộc đời tôi vậy. Quê hương khô khốc chén bo bo, trung thu không bánh, không lồng đèn. Trẻ con chơi đèn lon tự chế, đẩy quay quay… nhưng cũng không tiền để mua đèn cầy mà đốt cho thỏa đêm trung thu. Những trung thu sau hòa bình có lẽ đã phai thật mờ trong ký ức người lớn và em bé chưa biết đi thời ấy. Nhưng thực sự là những đứa trẻ vào thời kỳ ấy thì lại là một ký ức không quên – là quê hương tôi đó.
Tôi còn nhớ trăng trước, một người bạn đã đem bánh trung thu từ Việt nam về Mỹ để trước là biếu thầy, sau là những bạn bè đã lâu chưa về Việt nam được dịp ăn miếng bánh trung thu quê xa.
Nhưng chỉ có trà ngon thì lại là trà của Nhật. Bánh trung thu hảo hạng của Sài gòn Chợ lớn gì mà cắt ra chỉ thấy mốc xanh, mốc đỏ. Nên cô (vợ thầy) bảo mọi người khoan ăn mứt mãng cầu.
Mứt mãng cầu gói giấy kiếng trong trông rất đẹp mắt, từng thanh mứt vừa miệng ăn, dài cỡ ngón tay út. Trông rất muốn ăn, nhưng hoài nghi của cô đã đúng! Mở thử vài cái đã thấy dòi. Những con dòi xã hội chủ nghĩa ốm tong như khi tôi còn ở quê nhà.
Thế là trà với trái cây ở Mỹ được tiêu thụ mạnh, hết ấm trà này đến bình trà khác, hết đĩa trái nọ tới đĩa trái kia… Quê hương tôi được bọc kỹ tới mấy lần túi ny-lon cho an toàn vệ sinh ở Mỹ.
“Quê hương là gì?” Quê hương là chỉ tay kín đáo của tôi; Quê hương là thầy cười ý nhị. -Trong tiếng cãi nhau của nhiều người là bây giờ chúng ta nói cho chính xác là, “Tôi đi Việt nam” hay nói, “Tôi về Việt nam”?
Thật là một vấn đề nan giải cho những nhà sử học khi viết về cộng đồng người Việt ở hải ngoại về thăm quê hương. Vì trong đại gia đình ấy sẽ có: Thế hệ ông bà thì là “về”, về quê mà. Đến thế hệ cha mẹ đã bắt đầu lớ ngớ là đi hay về, vì nhiều người có số năm sống ở Mỹ đã nhiều hơn số tuổi khi họ đến định cư nơi đây; có những người đến đây khi mới vài tuổi thì khó công nhận một nơi mình không có ký ức – là quê hương. Đến thế hệ con cháu sinh ra ở Mỹ thì chúng nói là chúng đi Việt nam, vì quê hương của chúng là Mỹ, nơi sanh trong giấy khai của chúng nằm trong lãnh thổ Hoa Kỳ…
Một buổi tối thật thú vị với đề tài. Chỉ thiếu người đủ tài, vì ai cũng tài nên đã tạo thành bất hòa trong nhân quần giỏi đặt vấn đề và thiếu người kết thúc đã bốn ngàn năm…
Sao tôi cứ nghĩ là trên thế giới có dân tộc nào như dân tộc mình không? -Yêu nước là phản quốc, đấu tranh cho dân chủ, tự do (cả trong và ngoài nước là theo trào lưu thế giới, theo đà văn minh của nhân loại, thì bị quy chụp hết vô tội phản quốc.) Trong khi lịch sử có bằng chứng về những người bán nước thì lại được đưa hết vô bộ… răng sâu để lãnh đạo đất nước. Một quốc gia có tên trên bản đồ nhưng ngày càng tha hóa về đạo đức xã hội, nhân phẩm là xa xỉ, tự do dân chủ là ngông cuồng, bình đẳng là bánh vẽ… ôi, hằng hà.
Nên mới phát sinh hệ lụy là một con người nhưng có tới hai quê hương, nên bên nội ngáp vắn thì bên ngoại thở dài. Người Việt kia giũa “neo” mờ mắt bên Mỹ nhưng đâu dám xài thì gọi là người vọng ngoại; còn người Việt đã mất hết khả năng tự lực cánh sinh trong nước thì gọi là “đỉnh cao trí tuệ”. Chả nghe ai làm gì để sống ở quê nhà mà toàn nghe bàn dài hải ngoại kể lể, thở than về những vụ xin xỏ trịch thượng của văn hóa XHCN đã hội nhập vào miền Nam. Chỉ tóm lại được là, thân nhân trong nước kêu khổ thì khúc ruột ngàn dặm quặn đau tình máu mủ. Nên chịu đau theo tinh thần Gia Huấn Ca. Nên gởi khúc ruột đau về trong nước cho thân nhân đã đau thần kinh mãn tính vì đứt dây thần kinh thẹn hàng loạt, hàng loạt, theo con đường tiến lên…
Khúc ruột đau này, không biết gói mấy lớp ny-lon mới an toàn nhân cách đến tay người nhận, người nhà để phục hồi nhân phẩm.
Trà cạn, đêm sâu. Có lẽ ai cũng đem về nhà và đem vào giấc ngủ cả quê hương phức tạp như bài toán khó, vì đâu ai không hiểu việc gởi tiền tỷ đô la về trong nước mùa cuối năm là gián tiếp tiếp tay cho nhà cầm quyền. Nhưng tình gia đình, “anh em như thể tay chân, như chim liền cánh, như cây liền cành…” Chim nào chả muốn liền cánh, cây nào không muốn liền cành… Tâm và trí con người cũng là quê hương đó. Thậm chí còn mang tính đặc thù dân tộc – đáng suy xét.
Quê hương thật sâu theo đêm tàn chỉ còn là hoài niệm mỗi độ giao mùa? – “tôi bắc cái thang leo lên nóc nhà ngồi nhìn về cố quận. Những lọn gió đầu thu lạnh buốt lên lưng là thời tiết, lọn lạnh ngót vào tim là quê hương…” Tôi đọc thấy vô thức của người đi mang theo quê hương trong từng nỗi nhớ.
Tôi hiểu ra một gốc dừa hoang bên giòng nước vô danh. Năm đó tôi mười lăm, mười bảy. Anh lớn tôi nói với tôi. “mày đi học rồi về nhà, đừng đi đá banh xa để bất cứ lúc nào người ta gọi thì lên đường…”
Tôi đi học về cứ luẩn quẩn quanh nhà, ra bờ sông ngồi một mình tư lự. Tôi thấy trái dừa khô đã nẩy mầm, cắm được cái rễ cái vô bờ đất. Nếu tôi gặp trái dừa khô trước khi anh tôi nói chuyện vượt biên thì tôi đã nhổ lên, chặt ra để lấy cái mộng dừa bên trong to như trái ổi, hơi hôi hôi xà bông nhưng ăn giòn giòn, béo béo cũng đỡ buồn miệng trong tuổi háu ăn. Nhưng hôm đó tôi ngồi nhìn trái dừa khô đã nẩy mầm mà tưởng tượng ra một đời người… Trái dừa kết từ hoa dừa, tôi được cha mẹ sinh ra. Một đêm mưa gió bão bùng, trái dừa khô như tôi đã lớn. Trái dừa rời thân cây dừa như tôi rời xa mẹ và gia đình. Trái dừa trôi trên giòng vô định, tôi trên chiếc thuyền vượt biên cũng không phương hướng. Trái dừa may mắn qua được những đôi mắt tinh tường của những người đi săn tìm, vớt bịch ny-lon trên sông nước sau hoà bình, tôi may mắn thoát được những đôi mắt cũng tinh tường của công an biên phòng, những người hải tặc biển Đông và thần sóng, thần gió… Trái dừa cắm được cái rễ vô một chân trời mới, tôi đến được một đất nước xa lạ. Trái dừa mọc thành cây rồi lớn mạnh, ra hoa kết trái. Tôi dần dà ổn định, lấy vợ sanh con. Cây dừa hết tuổi thọ, gục chết nơi bến bờ xa lạ. Tôi chết âm thầm ở quê xa và những đứa con không biết quê cha.
Tôi thấy trái dừa khô đã nẩy mầm có linh hồn, tôi không nhổ nó lên để thỏa mãn tính tham ăn mà còn dùng cái uy của một thằng nhóc phá làng phá xóm có tiếng, nhưng thời gian đã biến nó thành đàn anh của những lớp sau. Tôi ra lệnh cho đàn em thò lò mũi xanh không được đụng đến cây dừa. Cây dừa nhờ có bảo kê lớn nên ra hoa kết trái. Tôi thì không đi được nhiều chuyến nên về ngồi dưới gốc dừa nhìn trăng lạnh mỗi độ giao mùa… có là quê hương tôi không?
Từ đó. Thấy cây dừa là tôi nhớ đến xóm tôi, tuổi trẻ của tôi, nên computer của tôi để background hình ba cây dừa trên hoang đảo. Cây dừa là quê hương tôi đó sao?
Tôi vẫn đi tìm câu trả lời cho thầy già. Hôm gia đình tôi đi nghỉ hè. Lúc đến thăm công viên Kenny bên Pennsylvania, vợ tôi đứng nhìn bụi chuối trong khu vườn thực vật châu Á thật lâu, tôi đến bên em cà khịa… vợ tôi nói, “Thấy bụi chuối, em nhớ nhà bà nội tụi nhỏ quá!”
Quê hương là bụi chuối trong tâm tư người vợ. Nhưng trong suy nghĩ người chồng, quê hương mình cũng đang rách bươm như những tàu lá chuối xác xơ kia… Em thấy không? Đã bao năm tình không biên giới nhưng suy nghĩ vẫn là của riêng. Ai cũng có một quê hương cất kỹ trong tiềm thức và sẵn sàng bật ra tiếng nấc hay nụ cười, tiếng lòng rất riêng với hiện tại gợi nhớ.
Vậy. Quê hương là gì đây? Tôi đi vô trường trung học trên nước Mỹ, đám học trò ngồi ngổn ngang ngoài sân cỏ, chỉ thiếu cây phượng hồng báo mùa chia tay là thành sân trường tuổi nhỏ của tôi đó, nhưng bạn bè tôi đâu? Cuộc đổi đời đã quá cũ, sao vẫn còn những trang chữ nồng mùi mực mới với câu hỏi ai thắng ai thua, nên câu hỏi của nạn nhân chiến cuộc vẫn bặt vô âm tín câu trả lời. Đó là quê hương của nạn nhân chiến cuộc.
Tôi vô chơi trường trung học ở Mỹ như trở lại thiên đàng hư hao vì tuổi đời đã thương tật nhiều hơn dấu yêu thuở nào. Có cậu bé cận thị dựa lưng vào tường để đọc sách, sao giống thằng bạn chết vượt biên của tôi; có cô bé rất quen nằm luôn xuống hành lang, gối đầu trên đôi giày vải, nên gác hai bàn chân trắng nõn lên vách tường. Tôi chợt nhớ đôi bàn chân của cô bạn học bị kiến cắn trong trường tranh vách đất sau hoà bình. Nó la làng, khóc bù lu bù loa. Không có dầu xanh xhcn, không có dầu đỏ CNXH, dầu khuynh diệp là tàn dư Mỹ Ngụy nên vắng bóng… Tôi nói với nó. “trong nước miếng của mình có thuốc sát trùng.” Vậy là nó quệt, rồi nó nhổ khối nước miếng để tha lên những vết kiến cắn. Nhưng không cho nhổ phụ, thoa giúp khẩn cấp, vì nước miếng con trai ưa quên đánh răng, tay con trai… Quê hương là bàn chân nhỏ.
Tôi đi làm đầu tắt mặt tối, có khi cả tháng, cả năm tôi không nhớ gì đến quê hương. Tối về đến nhà, thấy vợ tôi chong đèn với một đống hoá đơn cần thanh toán – sẵn đợi cơm chồng. Chuyện thường ngày ở Mỹ đâu đáng nói. Nhưng cái kính chưa quen của người mới đeo kính, rồi cái máy tính gõ lọc cọc để cân đối chi thu trong một gia đình là hình ảnh mẹ Việt Nam bên ngoài lãnh thổ – là quê hương tôi đó.
Ánh đèn bàn ăn trong một gia đình Việt Nam nếu đem phân chất sẽ rất nhiều mùi nước mắm, và tốt hơn là đừng đem phân chất một mùi hương, mà cứ để cho tình theo cảm xúc… thì ngọn đèn điện thành đèn dầu quê xưa, mẹ. Bữa cơm chiều bấm thẻ vội về của mẹ còn hằn những dấu chân đội mưa chợ về của mẹ quê xưa. Một cảnh hai quê đều là mẹ, là quê hương…
Rồi sáng cuối tuần cách quê nhà nửa vòng trái đất, vợ ngồi gội đầu với nồi bồ kết nấu y như mẹ xưa ở quê nhà. Chỉ khác câu xưa, “con vô nhà lấy hộ mẹ cái khăn” thì “anh vô nhà lấy cho em cho em xin cái khăn.” Thằng bé chỉ già đi năm tháng trong tay mẹ hiền… là quê hương.
Quê hương là nhà Việt Nam nào trên nước Mỹ còn treo bộ sơn mài, “mai lan cúc trúc” hay “ngư tiều canh mục”… thì đều chiếm lĩnh vị trí trang trọng trong phòng khách.
Nếu ngồi nhớ ra, hoài niệm về quê cũ thì phong phú lắm! Từng hình ảnh thân quen khuất trong tiềm thức sống lại với lòng thủy chung. Quê hương trong mơ cũng tìm về đêm đông tháng hạ, biết bao điều tưởng rằng đã quên lại nhớ rõ hơn số xã hội là điều cần trong cuộc hội nhập bất đắc dĩ này… thì người xa quê chỉ nhớ tiếng võng lời ru, tiếng sáo mục đồng, ánh đèn dầu lạc, dầu cá linh…
Như một hôm lang thang ở Bỉ. Lòng tôi trống huơ với người bản xứ đi ào ào cho kịp những trận banh trong cầu trường mà tiếng cổ vũ vang cả ra ngoài đường phố. Tôi lang thang như một kẻ không quê vừa chạm chân về đường Tự Do có những tiệm bán tranh, những tiệm bán áo dài thêu, áo dài vẽ, cà vạt lụa… Tôi dừng chân xứ xa chứ đâu phải quê nhà khi trông thấy bức tranh nông thôn châu Á mà không dám chắc là Việt Nam. Năm, bảy người phụ nữ đang cấy lúa trên đồng. Tôi gặp lại quê tôi ở khung trời xa lạ, giữa những người không quen trong khung cảnh chực trào mà thấm đời lưu lạc – là quê tôi trong tôi.
Rồi mới vài hôm đây thôi, nghe một anh bạn trang lứa với tôi kể lể về mối tình câm của anh. Anh yêu bà chị lớn hơn anh ba, bốn tuổi. Đêm nào cũng viết những lá thơ tỏ tình đến không còn tiền mua giấy viết. Rồi thất tình khi chị lấy chồng. Rồi hy vọng khi chị gãy gánh. Rồi thất tình tập cuối khi chị lấy chồng lần sau. Rồi mơ không thấy nổi cơ hội cuối cùng khi chồng sau của chị vượt biên… và đã không may. Nhưng số phận!
Anh bạn tôi đã thả hết những những lá thơ tình theo năm tháng xuống sông Thanh Đa vì vợ mình, tức vợ anh đâu có lỗi gì đâu? Sao anh cứ giữ mãi kỷ niệm buồn riêng để vợ anh phải buồn chung khi nàng biết được! Anh tóm lại chuyện tình câm của tuổi trẻ của anh nghe quặn lòng. Quê hương trong tôi chỉ còn là những những lá thơ tình chưa bao giờ gởi…
Không biết những điều tôi viết ra đây, thầy có cho là câu trả lời của hậu sinh? Nếu không được chấp nhận thì tôi đành chịu chứ quê hương không phải là chuyện có thể nói chơi cho vui, ba phải, vuốt đuôi, chộp thời cơ, phe phái… Quê hương là chùm khế ngọt/ cho con trèo hái mỗi ngày/ quê hương là cầu tre nhỏ/ mẹ về nón lá nghiêng che… Quê hương là con diều biếc/ tuổi thơ con hát trên đồng… Nhưng quê hương của những con diều đứt dây, diều băng thì nghèo nàn và buồn lắm. Không có mẹ về nón lá nghiêng che để được quà, được mẹ lau giọt mồ hôi chạy chơi bằng vạt áo Người. Quê hương là vầng trăng lạnh tháng mười bàng bạc về khuya; tiếng lá đêm rơi nhớ…
Phan
No comments:
Post a Comment