Monday, November 14, 2016

Tranh cãi quanh ly cà phê Starbucks

Huy Lâm
Tháng 11 ở Bắc Mỹ còn là mùa thu nhưng nhiều nơi trời đã bắt đầu lạnh. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị bước vào mùa lễ ở Mỹ, với Lễ Tạ ơn rơi vào cuối tháng 11 và Lễ Giáng sinh là khoảng một tháng sau đó. Tuy thời gian còn xa nhưng nhiều người đã bắt đầu cảm thấy có không khí Giáng sinh ở đâu đó rất gần. Tại những cửa tiệm, người ta đã cho trưng bày những món hàng cho Lễ Giáng sinh: từ những vật trang trí đến quà cáp, thiệp chúc.
Theo truyền thống hằng năm từ hơn 10 năm qua, cứ bước vào đầu tháng 11 thì công ty Starbucks, hệ thống tiệm cà phê lớn nhất trên thế giới, cũng chuẩn bị danh sách những loại thức uống có hương vị của mùa lễ, trong đó nổi bật là những thức uống có mùi quế hương, hạnh nhân, mùi coca và sô cô la. Và những chiếc ly giấy của Starbucks cũng được cho in hình ảnh Giáng sinh và mùa đông lên trên thành ly với hai màu đặc trưng đỏ và xanh lục.
Năm ngoái, Starbucks cho thiết kế chiếc ly giấy với độc một màu đỏ làm nền và hình logo màu xanh của tiệm, ngoài ra không in thêm một hình ảnh nào khác ít nhiều tượng trưng cho Giáng sinh. Không có những trái cầu xanh đỏ, không hoa tuyết, không có con tuần lộc, thậm chí không có cả lời chúc Giáng sinh. Chỉ nhẵn nhụi một màu đỏ trên thành ly. Và lẽ đương nhiên, Starbucks đã gặp phải nhiều sự chỉ trích, cho rằng mẫu thiết kế này thiếu những nét tươi vui của mùa lễ. Ngoài ra còn có một bài báo đăng trên mạng đích thân tố cáo chiếc ly màu đỏ nhẵn nhụi đó của Starbucks là dấu hiệu “Tuyên chiến với Lễ Giáng sinh.” Nhưng ít ra thì hai màu đỏ và xanh lục vẫn là màu biểu tượng của mùa lễ cuối năm.
Bước vào mùa lễ năm nay Starbucks còn đi xa hơn nữa, bỏ luôn nền màu đỏ, và đương nhiên là không có những hình ảnh truyền thống như những năm trước, mà chỉ có hình vẽ đơn giản là một đường chỉ đen nối liền hình ảnh của nhiều con người lại với nhau trên nền của màu xanh lục cùng với hình tròn màu trắng ở chính giữa. Và hình ảnh không mang một chút ý nghĩa nào của Giáng sinh đã làm nhiều khách hàng của Starbucks phàn nàn và phật ý.
Trên trang mạng của công ty, trong một thông cáo báo chí, Starbucks giải thích ý nghĩa của hình vẽ rất đơn giản: Chỉ một nét duy nhất nối liền các nhân vật với nhau. Tất cả đều là những con người bình thường như chúng ta: người nông dân trồng cà phê, một gia đình nhỏ, người tiếp viên pha cà phê, một nhóm bạn … tất cả cùng nắm tay nhau nối thành nhiều vòng quanh thành ly. Hình vẽ với hơn một trăm người đó được vẽ một hơi bằng một nét vẽ liên tục, không đứt đoạn và được in trên thành chiếc ly màu xanh lục này của Starbucks.
Chiếc ly giấy màu xanh của Starbucks trong mùa lễ năm nay được biết chỉ có ở những cửa tiệm trong nước Mỹ, bắt đầu được sử dụng từ ngày đầu của tháng 11 và kéo dài có lẽ cho đến hết năm. Người vẽ bức tranh đó là họa sĩ Shogo Ota, một di dân Nhật Bản hiện đang sống và làm việc tại Seattle.
Theo ông Howard Schultz, tổng giám đốc của Starbucks, giải thích: “Chiếc ly màu xanh và hình vẽ tượng trưng cho sự nối kết cộng đồng giữa Starbucks với nhân viên và khách hàng. Trong thời đại đầy những chia rẽ nơi đất nước chúng ta, Starbucks muốn tạo nên một biểu tượng đoàn kết như một sự nhắc nhở về những giá trị chung của chúng ta, và sự cần thiết là hãy đối xử tốt với nhau.”
Tình trạng chia rẽ ở Mỹ quả thật là có, và nhất là trong năm bầu cử với cuộc tranh cử tổng thống lần này không giống bất kỳ cuộc tranh cử nào khác đã có từ trước làm cho sự chia rẽ càng thêm trầm trọng hơn. Trong một số bài báo, nhiều ký giả kể lại là khi họ phỏng vấn những cử tri ủng hộ của hai ứng cử viên đại diện cho hai đảng lớn nhất ở Mỹ thì những ký giả này có cảm tưởng như họ đang nói chuyện với người dân ở hai quốc gia nào khác chứ không phải là nước Mỹ. Vì vậy có thể nói tình trạng chia rẽ ở Mỹ là có thật và tình trạng này sẽ còn kéo dài lâu sau khi bầu cử chấm dứt.
Nhưng Starbucks có cần thiết phải nhắc nhở khách hàng của họ về tình trạng chia rẽ hiện nay ở nước Mỹ hay không? Việc làm này có lẽ không cần vì chuyện chia rẽ ở Mỹ hầu như ai cũng biết hoặc ít ra là có nghe tới. Báo chí và các phương tiện truyền thông khác vẫn thường nói đến mỗi ngày. Vả lại, người khách hàng bước vào một cửa tiệm để mua một ly cà phê thì điều họ quan tâm nhất là có được một ly cà phê ngon và một chỗ ngồi thoải mái. Hơn nữa, cầm ly cà phê có thêm chút hương vị đặc biệt của mùa lễ đựng trong chiếc ly có in những hình ảnh mang ý nghĩa của mùa lễ có lẽ sẽ làm lòng khách hàng ấm áp và nhẹ nhàng hơn. Vậy thì việc Starbucks in hình vẽ kêu gọi đoàn kết lên trên thành ly, mặc dù mang ý hướng tốt, vẫn là một cố gắng thừa thãi và lạc đề. Hơn nữa, nó mang thêm tính chính trị mà có lẽ đa số khách hàng của họ không thích.
Thực ra đây không phải lần đầu Starbucks có một quyết định kinh doanh ít nhiều liên quan đến chính trị. Chỉ mới năm ngoái đây thôi, công ty đưa ra sáng kiến có tên gọi “Cùng chung sắc tộc” (Race Together) và khuyến khích nhân viên của họ thẳng thắn bàn luận về mối quan hệ sắc tộc với khách hàng. Sáng kiến này không được nhiều người hưởng ứng, hơn nữa, có một số người còn tỏ ra khó chịu và nó đã bị hủy bỏ ít ngày sau đó. Và ngay chính cá nhân tổng giám đốc Howard Schultz cũng là một người thích nói chuyện chính trị và đã ví cuộc tranh cử lần này như “một đám xiếc”. Ông cũng công khai ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton. Nhưng đây là việc làm cá nhân và không thấy ai phiền trách ông cả.
Công ty Starbucks là một hệ thống tiệm cà phê khổng lồ. Chỉ trong vòng 45 năm, từ một tiệm cà phê nho nhỏ tại Seattle mà nay phát triển lên tới gần 24,000 cửa tiệm, có mặt ở khắp mọi lục địa trên thế giới. Trước đây nhiều người vẫn cho rằng cuộc sống của người Mỹ bận rộn quá nên sẽ không thể có được thói quen và thú la cà cà phê như người Pháp người Ý. Thế nhưng kể từ khi Starbucks xuất hiện thì quan niệm đó đã thay đổi. Starbucks mở ra một không gian thoáng đãng, sạch sẽ và luôn thơm nức mùi cà phê. Nó tạo điều kiện để mọi người có một nơi dễ dàng hò hẹn, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Bạn bè gặp nhau ở một quán Starbucks sẽ dễ chịu hơn thay vì ở một quán bar hay một nhà hàng. Starbucks không chỉ mang đến cho khách hàng ly cà phê thơm ngon mà còn làm thay đổi một phần thói quen sinh hoạt thường ngày. Hiện nay không ai là không một lần từng nghe tên Starbucks. Nói cách khác, Starbucks ảnh hưởng ít nhiều lên cuộc sống của nhiều người. Thế nên, khi một ly cà phê của hệ thống cửa tiệm này thay đổi hình dáng bề ngoài, dù nhiều hay ít thì cũng được nhiều người chú ý, và như trong mấy ngày qua, đang là đề tài tranh cãi.
Đây không phải lần đầu Starbucks bị tấn công vì hình thiết kế trên thành ly. Năm 2005, công ty Starbucks phát động chiến dịch quảng cáo lấy tên “Cách tôi nhìn” (The Way I See It), in những câu cách ngôn từ những nhân vật nổi tiếng lên trên ly. Có câu nói về quyền đồng tính, có câu nói đến tôn giáo, và điều đó đã làm cho một vài nhóm Ki tô giáo và Hồi giáo nổi giận. Công ty đã phải âm thầm cho chấm dứt chiến dịch quảng cáo này hai năm sau đó.
Nhưng kể từ đó đến nay, mỗi khi bước vào tháng 11 thì Starbucks lại tung ra một mẫu ly mới cùng một chủ đề về Lễ Giáng sinh, nhưng mỗi năm là một thiết kế mới. Có năm là hình ông người tuyết nheo mắt, có năm là hình những trái cầu tròn trang trí cho Giáng sinh, và có năm là hình ảnh cây thông phủ tuyết. Nhìn qua những hình ảnh in trên thành ly đó khách hàng có thể tìm thấy cho chính mình câu chuyện kể về mùa lễ Giáng sinh.
Starbucks không hẳn là công ty duy nhất gây ra những tranh cãi có liên quan đến đề tài chính trị hay văn hóa. Năm 2012, tổng giám đốc của hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh Chick-fil-A là Dan Cathy đã công khai tuyên bố ông không ủng hộ hôn nhân đồng tính. Lời tuyên bố này đã làm cho cộng đồng người đồng tính khắp nơi trên đất Mỹ tức giận và kêu gọi mọi người hãy tẩy chay tiệm ăn này. Hôn nhân đồng tính lúc đó còn là đề tài nhạy cảm và vụ việc trên gây ra nhiều tranh cãi. Mặc dù vậy, số lượng khách của Chick-fil-A vẫn không hề giảm và thu nhập của công ty không hề bị sứt mẻ.
Theo một số chuyên viên tâm lý, trong các đề tài thảo luận, chính trị là đề tài dễ gây tranh cãi nhất. Cho dù là hai người bạn thân thiết nhưng khác quan điểm về chính trị, nếu không cẩn thận và tế nhị trong những cuộc trò chuyện thì thế nào cũng đưa tới tranh cãi, có khi đến mức gay gắt làm mất tình bạn bè. Cách tốt nhất là không nên bàn luận về chính trị nơi đám đông, nhất là những nơi có mặt nhiều người lạ, thì dễ bị vướng vào phiền lụy.
Tuy vậy, những cuộc tranh cãi thường luôn gây được sự chú ý của nhiều người và công ty lại có cơ hội làm ăn phát đạt hơn. Có lẽ vì thế nên lâu lâu Starbucks lại gây ra một cuộc tranh cãi để cho thiên hạ bàn tán. Suy nghĩ kỹ thì thấy quyết định này của công ty không dở chút nào. Nếu dở thì đâu thể từ chỉ một tiệm cà phê ban đầu mà nay đã có vài chục ngàn tiệm. Dở thì đâu thể chỉ bán cà phê mà mỗi năm thu về tiền tỉ. Trước đây có người từng ví cà phê và văn chương giống như một đôi nhân tình. Nay, cà phê và chính trị cũng có vẻ xứng đôi vừa lứa lắm chứ.
Huy Lâm

No comments:

Blog Archive