Friday, November 23, 2018

THỬ ĐỐI CHIẾU VÀI SỰ THẬT NGOÀI ĐỜI VỚI VÀI CHƯƠNG SÁCH “GIÀ SAO CHO SƯỚNG”

Hai Trầu Lương Thư Trung,
Hai Trầu Lương Thư Trung, Đường Sách Saigon 9.2018

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã sáng tác, biên soạn và cho xuất bản từ năm 1967 đến nay (2018) được khoảng 50 tác phẩm. Quyển “Già Sao Cho Sướng” (nguyên tên sách là “Già Sao Cho Sướng? Để Có Một Tuổi Già Hạnh Phúc”) là một trong số những tác phẩm ấy. Nay tôi ở cái tuổi mà nhiều người gọi là người gìa, tôi thử đem sự thật ngoài đời của mình để đối chiếu với những điều tác giả ghi trong vài chương sách ấy coi có điểm nào trùng giống với mình không, nghĩa là mình có già thiệt không?

Tuổi già! Khi nào thì người ta nhận mình là già? Nhớ cách nay gần 50 năm, một lần về Tân Châu (Châu Đốc) thăm gia đình, gặp một bác gái lớn tuổi, hơi lẫn và dịp ấy có người cháu của bác nói:

“Con thấy Cô không có già!”

Bác ấy trả lời: “Tôi không biết sao gọi là già?”

Sổ dĩ tôi nhớ là vì câu trả lời quá hay và nó mang chút nhân sinh quan của bác về thế nào là tuổi già! Và rồi nó theo tôi trong suốt 50 năm qua, nhứt là mỗi lần nhớ lại có ai đó gọi mình già! Nhưng khi nào thì gọi là tuổi già? Quả đôi lúc chính mình không biết mình già, như trong sách “Già Sao Cho Sướng”, tác giả viết:

Kinh nghiệm riêng tôi thì thực ra chẳng bao giờ biết mình đã già cả! Bạn bè cùng lứa mình già thì có chứ mình thì không! Cho đến một hôm gặp người bạn cũ kể chuyện nửa thế kỷ trước đã từng đi câu cá, đi hái chùm ruột trộm… ở quê nhà với mình, rồi đột nhiên cười lỏn lẻn bảo bây giờ em đã là… bà cố thì mình mới giật mình đánh thót! Mới vài năm trước đây, ở tuổi 72, khi được mời đi nói chuyện đây đó, tôi tự giới thiệu tuổi mình, thính giả vỗ tay rào rào và nói trẻ quá, tưởng mới 60 thôi chứ. Khoái chí, năm rồi, tôi tự giới thiệu mình 74, ai nấy im re! Thì ra có một cái “cột mốc”! (…) Vậy thì có cái già đó.” (GSCS, trang 13)

Theo đó, với riêng tác giả, sự “im re” của cử tọa đánh dấu ở tuổi 74 là tác giả bắt đầu già.

Nhớ lại hồi cách nay khoảng 50 năm, ở quê tôi, vào những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, trên năm chục tuổi được xếp vào tuổi gọi là già và được nể trọng như các bậc trưởng thượng.

Rồi tôi nhớ lại trong sách Tô Đông Pha của học giả Nguyễn Hiến Lê, lúc Tô Đông Pha nhận lệnh bị dày ra đảo Hải Nam, cụ Nguyễn viết:

Khi nhận được lệnh, Đông Pha đã sáu chục tuổi (…) Tử Do tiễn anh tới bờ biển. Đêm đó hai anh em nằm trong thuyền ngâm thơ. Đông Pha giao cho em một bức thư gởi cho bạn thân là Vương Củng: “Tôi già rồi mà nay bị đày tới một miền man rợ. Không còn hi vọng gì sống mà về quê hương được nữa.

Do vậy mình có thể suy ra hồi đời Tô Đông Pha, lúc ông sáu chục tuổi, ông nhận là mình đã già rồi! Và đặc biết ở đây, người già trên đảo Hải Nam, hồi xa xưa ấy, dù khí hậu rất khắc nghiệt, vậy mà họ sống rất thọ: “Nhưng rồi thấy trên đảo có những ông già bà cả thọ tám chín chục tuổi, trăm tuổi, ông bắt đầu hiểu rằng thuật sống chỉ là thuật thích ứng với hoàn cảnh. Trong một bức thư gửi cho bạn, ông viết:

Con kỳ nhông có thể sống trong cát bỏng được, trứng tằm vùi dưới tuyết mà không hư; các nông dân vô học không biết gì về các bí mật của hóa công, cứ theo bản năng mà thích ứng với thời tiết như con kỳ nhông và trứng tằm, thở cái khí nóng ra mà hít cái khí mát vào, nhờ vậy mà thọ. Tránh mọi sự phí sức, thuật sống chỉ có vậy.”

Điều này cũng có thể hiểu như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã khuyên người già nên sống “ở đây và bây giờ” trong chương “Sống Trong Hiện Tại” : “Sống trong hiện tại chính là cách sống tốt nhất của người già vậy.”(GSCS, trang 43)

Nhơn nhắc Tô Đông Pha về tuổi già, cũng xin nhắc trang sách của thầy Tuệ Sỹ:

Đông Pha tiên sinh có tài làm ra vàng, có thể lấp được sông, nhưng không thể làm cho tóc của mình đừng bạc trắng.”

Điều ấy, cho ta thấy tuổi già không từ một ai và dường như mỗi đời người, ai ai cũng phải đến hồi mình nhận ra mình đã già bởi vậy mà cổ nhân mới có câu:

Ai ôi trẻ mãi ru mà,
Càng so sánh lắm càng già mất duyên.”
(Ca dao)

Tới một lúc già thiệt thì :

Phận già cơm hẩm rau dưa,
Già quen việc nặng già ưa nâu sồng.”
(Ca dao)

Nhưng khi nào thì già thiệt? Trong những buổi ngồi uống cà phê với nhau, đa phần là những người quen biết đều xê xích nhau vài ba tuổi; có người quen năm nay 83 tuổi, mỗi khi anh muốn nói ai già, anh thường ví: “Giống như ông già 80!” Mới đây bên Hòa Lan có một người đàn ông năm nay 69 tuổi, ông cảm thấy mình còn rất trẻ, mới như 49 tuổi, nên ông làm đơn xin tòa án cho đổi năm sinh.

Tóm lại, qua vài con số vừa nêu, có thể nói mỗi người có riêng cái mức gọi là tuổi già của mình, và hổng nhất thiết phải thực là già thì mới già, cứ vui lúc nào thì nhận ra mình già vào lúc ấy.

Trở lại với Già Sao Cho Sướng của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, với tư cách một người đọc nhà quê già như tôi, tôi thấy các chương sách của tác giả rất khế hợp với tuổi già của tôi vô cùng. Là một người cùng thời, nhỏ hơn tác giả một vài tuổi nhưng có lẽ vì mình không biết và cũng không lưu ý cho lắm, hoặc vô tình mà mình hổng trăn trở gì với tuổi già của mình đã âm thầm lặng lẽ gõ cữa tới nhà mình tự hồi nào mà mình đâu có hay biết gì đâu! Tuy nhiên, với 35 chương trong sách, thì có nhiều chương đối chiếu lại, tôi thấy đã có trải qua như các lời trình bày và căn dặn của tác giả.

Chẳng hạn như chương “Kế Hoạch Già”, thú thật tôi đâu có kế hoạch gì đâu, mà chỉ sống phất phơ, thản nhiên và bình thường thôi, không biết sắp đặt gì trước gì sao hết ráo; trong khi đó qua kinh nghiệm của mình và qua tiếp xúc với bệnh nhân trong tư cách là một bác sĩ và tiếp xúc với bạn tu học trong tư cách là một diễn giả về đời sống tu học theo ý nghĩa cao đẹp của đạo Phật, tác giả đã có duyên được tiếp xúc với nhiều giới tu hiền nên cách dẫn giải rất giản dị mà rõ ràng, dễ hiểu về những nhu cầu của người già, mà ai đọc qua cũng có thể áp dụng được như:

– Nhu cầu sinh học.

– Nhu cầu an toàn.

– Nhu cầu tình cảm.

– Nhu cầu tự khẳng định.

– Nhu cầu tâm linh.

Rồi chương “Chất Lượng Cuộc Sống”, tác giả viết:

Già không phải là bệnh nhưng già thì dễ mắc bệnh. Mà mắc nhiều thứ bệnh một lúc! Mọi thứ có vẻ như đã sẵn sàng… rệu rã nên việc chăm sóc càng khó khăn hơn. Có một khẩu hiệu : “Bác sĩ tốt nhất là chính mình!” Bởi vì lệ thuộc vào thầy thuốc triền miên thì chất lượng cuộc sống không thể nào cao được! “Tự tại” vẫn luôn là niềm hạnh phúc!”(GSCS, trang 33)

Về chương này, tôi có anh bạn năm nay cũng tròm trèm ở tuổi 80 và ảnh lúc nào cũng cảm thấy trong người có rất nhiều bệnh. Nào máu cao, rồi cao mỡ, thường hay hảo-hảo mệt, ảnh hay đi chùa lễ Phật và đọc kinh sám hối, nhứt là sợ chết. Thật tình ra anh ấy không có bệnh gì nhiều qua các thử nghiệm và nhận xét của bác sĩ gia đình mà chỉ do là ảnh hay tưởng tượng.

Ở chương “Để Có Hạnh Phúc Tuổi Già”, tác giả tóm lược tuổi già thường có hạnh phúc khi:

– Chấp nhận mình. Hiểu luật vô thường/ Từ bi với mình. Đừng so sánh mình với người này người kia rồi suy bì, ganh tị.

– Gần gũi những người trẻ … dễ thương.

– Có ký ưc tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên của mình.

– Được sắp xếp cuộc sống riêng theo ý mình, không bị áp đặt.

– Được xã hội và gia đình chấp nhận, tôn trọng.

Năm tiêu chuẩn vừa kể, tôi thấy tiêu chuẩn thứ nhứt là quan trong nhứt vì mình phải biết mình già là mình sướng nhứt. Mỗi người sinh ra và lớn lên trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, rồi trải qua những đoạn đời cũng khác nhau, nên không ai có thể giống ai trong đời sống như nhau; vì thế mình biết chấp nhận mình đã đành, mà mình còn nên rộng lượng và thông cảm với người khác cũng cùng lứa tuổi với mình mà không giống như mình nữa!

Rồi ở chương “Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”, tác giả viết:

Thở bụng, đã là tốt. Thở bụng mà biết “quán niệm hơi thở” còn tốt hơn, vì đó chính là “thiền”. Vừa “thiền chỉ” (samatha), vừa “thiền quán” (vipassana). “Quán” là quan sát một cách sâu sắc, còn “niệm” là nhớ, nghĩ về.” (GSCS, trang 99)

Nhắc đến hai chương này, tôi nhớ “Hồi ở Hàng Châu, Tô Đông Pha đã đêm đêm tập thở, nằm yên không nhúc nhích để chế ngự thể chất rồi chế ngự tinh thần. Bây giờ ở Hoàng Châu, ông luyện lại phép dưỡng sinh và cả phép trường sinh nữa.”
(…)

Đông Pha cũng tập tham thiền, rồi tập nằm, ngồi theo những tư thế qui định để vận động khí huyết, kiểm soát sự hô hấp, tới cái mức mỗi hô hấp kéo dài được “một trăm hai mươi lần mạch nhảy”, nghĩa là khoảng hai phút. Ông lại rán luyện cho trí óc gạt hết các ý nghĩ tạp đi, tập trung vào một ý, rồi lần lần càng bớt suy nghĩ càng tốt, rốt cuộc tới trạng thái hoàn toàn tĩnh, không nghĩ ngợi gì cả. Ông thấy nhờ vậy, tâm hồn ông thật nhẹ nhàng, sảng khoái, và viết thư chỉ cho bạn bè kinh nghiệm của mình.” 

Rồi hồi bị đày ra Hải Nam: “Mùa thu dông tố nhiều, thuyền ở lục địa không ra, nên ông vẫn có lúc đói: hai cha con bó gối nhìn nhau trong căn nhà lạnh và rỗng, “y như nhà tu hành khổ hạnh” vậy. Có lần ông nhớ những con ếch, con rắn ở dưới ruộng hay trong hang thường ngóc cổ lên để đớp ánh nắng ban mai. Đói qua, ông bắt chước chúng, ngồi ở trước cửa, há miệng ra hớp ánh nắng, một lát thấy bớt đói, mừng quá, ghi vào nhật ký: “Giản dị như vậy mà sao người ta không biết mà thực hành? Có lẽ tại muốn vậy thì phải có đức tự chủ mà ít ai tự chủ được. Gạo ở Đam Châu này đắt quá, cha con tôi phải dùng thuật ăn nắng. Ngày 14 tháng 4 năm 1099.” 

Phải chăng Tô Đông Pha bắt chước rắn, ếch trong cách “ăn nắng” cũng là một cách thở, mà ít ai để ý và áp dụng.

Ghi lại điều này, thấy điều rất quan trọng là từ thời rất xa xôi, người xưa đã biết tập thở và tập thiền quán rồi và cũng có ý ghi chép lại để truyền bá.

Ở chương “Lãng Tai Đâu Chỉ Mình Ta”, tác giả viết:

Hơn một phần ba số người bị lãng tai từ tuổi 65 trở lên. Vậy ta có lãng tai một chút thì cũng là chuyện bình thường thôi! Đâu phải chỉ mình ta. Mà lãng tai một chút cũng hay chớ. Khỏi phải nghe những lời nói xấu mình! Cái gì thích nghe thì nghe, không thì thôi.”
(…)

Kinh nghiệm là nếu bị lãng tai, đừng buồn! Ai biểu … già chi! Già thì nó vậy. Đâu phải chỉ mình ta. Tai kém mắt kém, cái gì cũng kém. Già mà tai thính, mắt tinh hoài thì ai chịu cho nổi!” (GSCS, trang 132)

Đọc mấy lời này tôi thấy sướng quá, bởi vì tôi không biết tôi bị điếc từ hồi năm nào, nhưng có lẽ cũng hơi lâu rồi. Vâng, tôi đâu có biết buồn ai! Chẳng những vậy mà tôi có nhiều cái vui nhờ bị điếc. Chẳng hạn như tôi nghe anh em ngồi uống cà phê chung lịch sự giới thiệu với người lạ là anh này hơi lãng tai. Tôi đính chánh liền, hổng phải lãng tai đâu mà là điếc, và lại điếc hơi khá nặng, nhứt là lổ tai bên trái điếc tới trên 99% và lổ tai bên mặt còn nghe được chút chút, đâu cũng điếc khoảng 70%.

Rồi có anh em lại nghi ngờ tôi giả điếc, và các anh nói Hai Trầu điếc nhưng nói lén ổng là ổng biết hết như bài ca trù “Cách Giả Điếc” của cụ Nguyễn Khuyến mà tôi thấy trong Văn Đàn Bảo Giám:

Cách Giả Điếc

(Bỡn ông Dương Khuê)

Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây
Chẳng ai ngờ sáng tai họ điếc tai cầy
Lối điếc ấy sau này em muốn học
Toạ trung đàm tiếu nhân như mộc
Dạ bán phan viên nhĩ tự hầu

Khi vườn sau khi ao trước khi điếu thuốc khi miếng trầu
khi trà chuyên năm bảy chén khi Kiều lẩy một đôi câu
Sáng một chốc lâu lâu rồi lại điếc
Điếc như thế ai không muốn điếc
Lối điếc anh dễ bắt chước ru mà
Hỏi anh anh cứ ậm à”

(Đặc biệt, bản in trong Văn Đàn Bảo Giám không có bỏ dấu chấm, phết.).
Hai Trầu… giả điếc! Kiểm tra lại pin máy điếc mất mấy lần! Anh còn cho nghe thử máy điếc nó ù ù khó chịu ra sao!

Nói thế cũng hơi oan cho tôi! Đôi lúc tôi có mang máy nghe, nhưng có khi các anh nói nhỏ mình hổng nghe rõ hoặc máy nghe hết pin, nên cũng như không. Bởi vậy Bác sĩ Đỗ Hồng có nhắc:”Nếu các cụ có mang máy nghe, phải chắc chắn là máy đã mở, còn pin, đang hoạt động tốt.” (GSCS, trang 134). Rồi tác giả còn dặn:” Nếu cần, nhờ người nhà, người chăm sóc các cụ “phiên dịch” giùm vì họ đã quen.” (GSCS, trang 135).

Ngoài ra, tôi có cái vui nữa là do bị điếc, nên tôi gởi email thông báo cho tất cả anh em quen biết là tôi bị điếc nên nghe điện thoại rất khó, nên bạn bè hổng ai muốn gọi cho tôi hết vì các anh ấy nghĩ và truyền tin cho nhau Hai Trầu nó bị điếc rồi!

Chương “Lú Lẫn Tuổi Già (Alzheimer), tác giả viết: “ Bắt đầu bằng sự sa sút trí nhớ, có khi cho là tại lão hóa, tại trầm cảm, vì những dấu hiệu lúc đầu mơ hồ nhưng dần dần rõ thêm theo thời gian: Triệu chứng chánh là thay đổi tâm trạng, thay đổi hành vi, mất khả năng ngôn ngữ, mất trí nhớ trầm trọng và suy giảm các giác quan.”(GSCS, trang 141)

Tôi thấy tôi dường như có vài triệu chứng ấy. Tôi ưa quên: bỏ gì quên nấy. Chẳng hạn đi ra xe quên chìa khóa, kiếng mang trên mắt cứ đi tìm hoài; hoặc giả hai cái máy nghe mang ở hai lỗ tai lại đi kiếm trong túi áo… Bà chị thứ Ba tôi bị lẫn gần vài ba năm nay. Những chuyện gì mới chỉ hổng nhớ. Cứ lập đi lập lại hoài một câu hỏi nhưng có điều những chuyện cũ cách nay rất lâu, có tới sáu bảy chục năm thì chỉ nhớ. Do vậy, Bác sĩ có nhắc: “Tránh đi lạc, nên có người trông chừng, nên cho mang bảng tên ghi địa chỉ, điện thoại v.v…”(GSCS, trang 144). Tôi thấy lời dặn này rất cần vì hổng biết lúc nào bệnh nặng thêm và có khi hổng biết đường về nhà!

Chương “Từ Bi Với Mình”, sau khi nhắc qua sự kết hợp của trên hai trăm cái xương lớn nhỏ ráp nối với nhau để thành một khung xương của cơ thể con người; rồi trái tim của con người nữa cứ co bóp hoài không ngừng nghỉ; rồi tới mạch máu của mỗi người, nhứt là người già mạch máu cứng lại nên huyết áp tăng cao; rồi tới buồng phổi nơi con người trao đổi không khí để sống, tác giả kết:“Tóm lại, thương cái bộ xương của mình một chút, thương quả tim mình, buồng phổi mình, dạ dày mình một chút… Tóm lại hãy từ bi với mình một chút.” (GSCS, trang 120)

Những lời khuyên này rất thiết thực mà, cách nào đó, nó còn hợp với lời khuyên của André Maurois trong Thư Ngỏ Gởi Tuổi Đôi Mươi, ông cũng khuyên: “Chúng ta đừng nên tàn ác với chính mình”.

Chương “Thú Cưng” và chương “Rèn Tập Não Bộ”, cả hai chương này tác giả khuyên người già nên có cái gì đó để vui chơi cho tâm hồn được thư thới như nuôi vật cưng trong nhà và rèn luyện bộ não mà hai điều trong năm điều tác giả căn dặn tôi mê là “kích thích thần kinh” và “tâm linh” như “từ bi hỷ xã”.

Về hai chương này, ở ngoài đời tôi có thực hiện được phần nào lời căn dặn của tác giả. Thay vì nuôi thú cưng, tôi lại nuôi rong và nuôi cá, rong đuôi chồn và cá he, cá sặt, rất rẻ. Nuôi cá he, cá sặt để vui chơi mà cũng để nhớ Má nữa!

Ngoài ra, trong vườn dù sân sau nhà không rộng lắm nhưng tôi thích trồng nhiều loại cây quen, nhứt là cam quít bưởi, mận, khế, xoài, những loại cây ở quê mình ưa trồng, trái nhiều lắm. Rồi tôi cũng trồng nhiều loại rau như rau càng cua, rau ngò om, quế, rau thơm vân vân… Tuổi già nghe cây trái vào mùa làm tâm hồn mình cũng vui lây với thiên nhiên trời đất.

Qua một vài đối chiếu với một vài chương sách trong tác phẩm “Già Sao Cho Sướng” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tôi thấy mình gặt hái được rất nhiều điều bổ ích, một phần vì tác giả quá già giặn kinh nghiệm trong nghề nghiệp một lương y của mình, một phần tác giả đi đây đi đó nhiều, nhứt là lại có tính tình bình dân, lúc nào cũng nhớ về thời còn nhỏ chạy giặc tản cư nơi vùng quê Lagi ăn muối vùi, nên lời văn như một lời tâm tình hơn là chỉ dạy mà lại có lòng “từ bi hỷ xả” nữa, nên văn rất hiền và thân mật. Nay tôi hơi già bộn rồi, nhưng đọc sách “Già Sao Cho Sướng” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tôi thấy vui quá là vui…

Hai Trầu

Houston, ngày 14 tháng 11 năm 2018.

No comments:

Blog Archive