NOVEMBER 24 – 2018
TIN BẦU CỬ CẬP NHẬT
Cuộc bầu cử giữa mùa vừa qua cho đến nay vẫn chưa đếm phiếu xong hết, tuy phần lớn đã ngã ngũ.
Tin vui đầu tiên cho đảng CH là tại Georgia, cuối cùng thì ông ứng cử viên CH, Brian Kemp đã chính thức thắng cử chức thống đốc tiểu bang với đa số khoảng 60.000 phiếu, tuy bà DC Stacey Abrams vẫn ngoan cố không chịu bỏ cuộc, bây giờ đòi thưa kiện toàn thể tổ chức bầu bán của tiểu bang, mà bà cho là đã không công bằng.
Tin vui thứ nhì cho CH là ông CH Ron De Santis đã đắc cử thống đốc Florida, trong khi một ông CH khác, Rick Scott đã thắng cử thượng nghị sĩ. CH chiếm được cả hai ghế, đúng như kết quả bầu cử sơ khởi ngay hôm sau ngày bầu bán. Các cuộc kiểm phiếu rình ràng, với cả ngàn tình nguyện viên đếm phiếu và vài chục luật sư tranh cãi nhau cả chục ngày về đủ thứ thủ tục hành chánh và pháp lý, tốn không biết bao nhiêu triệu đô, đã không thay đổi được kết quả cuối cùng, mắc dù đã giúp tăng số phiếu của DC. Đây là lầu đầu tiên từ mấy chục năm qua, Florida đã có thống đốc và cả hai thượng nghị sĩ đều thuộc đảng CH hết. (TNS kia là ông Marco Rubio, đã từng ra tranh cử tổng thống năm 2016).
Trái: ông Ron De Santis; mặt: ông Rick Scott
Một viễn ảnh không tốt lắm cho DC cho năm 2020 khi Florida luôn luôn là một tiểu bang then chốt nhất. Thứ nhất, cử tri Florida có vẻ đã nghiêng về phiá TT Trump, bầu cho cả hai người đã được TT Trump tích cực vận động trong khi hai người được TT Obama vận động đều lọt đài. Thứ nhì, đảng CH, qua thống đốc và hai thượng nghị sĩ, sẽ kiểm soát việc vận động tranh cử cũng như kiểm soát cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2020.
Hai chiến thắng trên là đại thắng cho đảng CH, mà cũng là đại thắng cho TT Trump và đại bại cho TT Obama.
Nhưng DC cũng có tin vui tuy nhỏ hơn. Đó là tin DC đã hoàn toàn chiếm quận Cam, thành đồng cuối cùng của CH trong vùng đông dân cư của Cali. Tất cả các ứng cử viên dân biểu của CH đã thất bại trong quận Cam, kể cả ông DB Rohrabacher khá quen thuộc với cộng đồng tỵ nạn Bolsa. Tuy dân tỵ nạn Việt ủng hộ mạnh TT Trump, nhưng vì số dân quá ít cũng như số người chịu khó đi bầu còn ít hơn nữa, nên phe CH đã không đỡ nổi ‘làn sóng xanh’ của DC qua khối cử tri gốc La-Tinh. Ngay cả bà CH Young Kim cũng không kiếm đủ phiếu của dân gốc Hàn nên thua ông DC Cisnero gốc Mễ. Đảng CH tuy vẫn giữ một phần đất lớn của Cali, nhưng đã hoàn toàn bị khống chế ở cấ tiểu bang cũng như liên bang.
CH mất quận Cam dù sao cũng không quan trọng lắm, vì trong các cuộc bầu liên bang, Cali bỏ phiếu cho DC tới gần 2/3, tiếng nói một quận Cam không nghiã lý gì.
Tiểu bang Cali coi như chia rõ thành hai: phiá đông xa lộ 5 đi từ Los Angeles lên San Francisco, đất ít dân, toàn là trại chăn bò, là đất của CH, phiá tây gồm tất cả các thành phố lớn, từ Sacramento qua San Francisco, San Jose xuống tới Los Angeles và San Diego, là thành trì DC.
GIA CANG XÀO XÁO
Sau khi đảng DC chiếm được Hạ Viện, thì vấn đề đặt ra là ai sẽ lãnh đạo khối DC, sẽ làm Chủ Tịch Hạ Viện. Đây là trách nhiệm có thể nói vĩ đại, vì xếp hạng thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống, chỉ sau phó tổng thống thôi. Nghiã là chẳng may có đại họa gì xẩy ra cho cả tổng thống lẫn phó tổng thống, thì chủ tịch Hạ Viện sẽ là tổng thống. Bà dân biểu Nancy Pelosi của San Francisco trước đây đã là chủ tịch Hạ Viện khi DC còn nắm thế đa số trong những năm đầu của TT Obama. Bây giờ, bà đương nhiên tự coi như sẽ lấy lại chức cũ.
Tuy nhiên mọi chuyện không giản dị như vậy. Bà Pelosi là một trong những chính khách DC bị tai tiếng, mất uy tín nhất trong hàng ngũ lãnh đạo đảng DC. Chẳng những bà quá lớn tuổi, năm nay đã 78 tuổi, mà lại còn có quan điểm thiên tả nặng, khó có thể tạo đoàn kết trong nội bộ đảng DC khi hầu hết các dân biểu DC của các tiểu bang miền Nam đều có khuynh hướng bảo thủ, cũng như khó thoả hiệp với phe CH và TT Trump để có thể làm được chuyện gì.
Điều lạ là những dân biểu ký thư chống bà Pelosi không phải thuộc khối bảo thủ Blue Dog Democrats, là lại là những dân biểu của vài tiểu bang cấp tiến như bà Linda Sanchez của Cali, Seth Moulton của Massachusetts,...
Trong khi các dân biểu DC thuộc các nhóm cực tả đã kêu gọi ủng hộ bà Pelosi.
Tin mới nhất cho biết 16 dân biểu DC đã ký thư ngỏ chống việc bà Pelosi lãnh đạo đảng DC, trong khi 5 dân biểu DC khác ủng hộ việc này tuy không ký tuyên ngôn.
Tương lai của bà Pelosi có vẻ lung lay mạnh. Kết quả bầu cử mới nhất cho thấy đảng DC đang nắm thế đa số 232 ghế, hơn thế đa số 218 ghế (50%), có 14 ghế. Nếu tất cả phe CH chống bà và 21 dân biểu DC trên cũng chống bà luôn thì bà khó hy vọng đắc cử chủ tịch Hạ Viện. Trong trường hợp này, chưa biết ai sẽ được tín nhiệm vì khối DC thật sự như... rắn không đầu.
Chuyện đáng nói khác: TT Trump đã lên tiếng ‘ủng hộ’ bà Pelosi vào chức chủ tịch Hạ Viện và còn hứa thêm ‘sẽ giúp’. Đây hình như là viên kẹo độc bọc đường mà TT Trump tặng cho bà Pelosi. Một mặt, ông hiểu rất rõ bà Pelosi là nhân vật sẽ gây tranh cãi mạnh trong nội bộ đảng DC, cho phe ta đấm đá nhau, ngư ông thủ lợi. Mặt khác sau này, nếu bà Pelosi nhắm mắt đánh ông thì TT Trump sẽ có thể phân bua đây là DC cố tình khiêu chiến chứ tôi rất muốn ‘hòa hợp hòa giải’ với bà để hai đảng bắt tay nhau phục vụ đất nước, tôi đã ủng hộ bà ấy mà!
Cũng trong câu chuyện ‘xào xáo gia cang’, nhiều tiếng nói DC đã lo ngại cho sức khoẻ của hai thẩm phán cấp tiến trong Tối Cao Pháp Viện là bà Ruth Ginsburg (85 tuổi) và ông Stephen Breyer (80 tuổi), để rồi chỉ trích hai vị này đã ích kỷ, không chịu từ chức dưới thời TT Obama để ông này có dịp bổ nhiệm hai người trẻ hơn thay thế. Bây giờ, họ đã giúp cho TT Trump có cơ hội bổ thiệm thêm thẩm phán bảo thủ.
Việc tố cáo này bây giờ nghe thì có vẻ có lý, nhưng thực tế là trước đây, chẳng có bao nhiêu người nghĩ bà Hillary sẽ thất cử, do đó, chẳng có lý do gì hai vị thẩm phán cấp tiến này phải từ chức sớm.
ĐOÀN DI DÂN TRUNG MỸ TỚI BIÊN GIỚI
Khoảng 2.000 di dân đầu tiên đã tới biên giới Mễ-Mỹ, và đã cắm trại tại thành phố Tijuana, sát biên giới. Mặt khác bộ Quốc Phòng Mỹ đã gửi hơn 6.000 quân nhân tới vùng biên giới.
Một vài anh liều mạng đã leo rào biên giới gần Sao Diego băng vào đất Mỹ, tuy không ai cản ngay lúc đó, nhưng sau đó đã bị bắt lại hết. Giới chức Mỹ đã bắt đầu nhận đơn xin tỵ nạn, đồng thời cảnh giác tất cả những người tự ý chạy qua biên giới bất hợp pháp sẽ tự động bị bác đơn xin tỵ nạn ngay lập tức. Người ta ước lượng Mỹ đang nhận khoảng 100 đơn mỗi ngày. Nhận đơn chưa có nghiã là đã được nhận vào Mỹ, mà chỉ có nghiã là đơn xin tỵ nạn đã được nhận và sẽ phải chờ tòa án di dân phán quyết. Hiện nay đang có hơn 700.000 đơn chưa giải quyết. Theo các chuyên gia, phải cần vài năm mới giải quyết số đơn tồn đọng, chưa kể những đơn xin mới. Chính quyền Trump đã gia tăng số quan tòa cho các tòa án di dân, nhưng vẫn không thể nào đáp ứng nhu cầu của gần cả triệu người đang chờ án quyết.
Một nhóm thứ nhì gồm hơn 3.000 người cũng được dự đoán sẽ tới Tijuana trong ít ngày tới. Báo chí ước tính sẽ có ít nhất 10.000 người. Các viên chức Tijuana đã phản đối tới tấp việc chính quyền Mễ cho khối dân này tới Tijuana. Thị trưởng Tijuana đã gọi đám này là con đại hồng thủy tsunami. Ông khiếu nại thành phố không thể nào có khả năng tài chánh hay phương tiện vật chất như nhà cửa, thực phẩm, thuốc men,... để nuôi mấy ngàn người này không biết trong bao lâu, có thể vài năm không chừng. Ngay cả dân địa phương Tijuana cũng đã có mấy trăm người xuống đường chống nhóm di dân, gọi họ là “quân xâm lược”, đòi đuổi họ đi. Hầu hết đám di dân này là dân Honduras, tràn vào Guatemala rồi vào Mễ bất hợp pháp theo sau một đám thanh niên mở đường bằng cách tấn công cảnh sát biên giới Mễ-Guatemala bằng gậy gộc và liệng đá.
Đây là vấn đề khá rắc rối: luật Mễ không cho phép những di dân nước ngoài sống ở Mễ trong khi xin tỵ nạn tại một quốc gia khác. Tức là đám lữ hành di dân đó trên nguyên tắc không được sống ở Mỹ quá lâu trong khi chờ đợi được nhận vào Mỹ. Trong khi đó, chỉ những người được nhận tạm trú trong khi chờ quyết định của tòa di trú mới được nhập cảnh hợp lệ vào Mỹ. Chưa ai rõ chuyện này sẽ được giải quyết ra sao.
Đại sứ Honduras tại Mễ cho biết chính quyền Honduras đang cố tìm cách mang họ về xứ và cho đến nay gần 2.000 người đã trở về Honduras.
TT Trump đã lên tiếng cho biết chính sách “Bắt rồi Thả” của TT Obama sẽ được thay thế bằng “Bắt rồi Nhốt”. Ông khẳng định đám di dân này không được hoan nghênh và nên trở về xứ. Ông cũng hăm dọa nếu Mễ không có biện pháp thích nghi, ông sẽ ra lệnh đóng cửa biên giới.
Về chuyện di dân, đúng như Diễn Đàn này đã tiên đoán tuần trước, quyết định của TT Trump không cứu xét đơn xin tỵ nạn của di dân lậu, đã bị kiện và một quan tòa cấp tiến San Francisco do TT Obama bổ nhiệm dĩ nhiên đã chặn lại rồi. Có những chuyện không bao giờ thay đổi, chẳng cần Trạng Trình tái sinh cũng biết được trước.
Tin lạ: nhóm di dân từ trước đến giờ xin tỵ nạn, cầu cứu vì bị đe dọa bởi nạn bạo lực vừa do băng đảng ma tuý gây ra, vừa do mấy ông chồng vũ phu gây ra. Đây là lý do tương đối chính đáng, đã được chính phủ Mỹ chấp nhận cho vào Mỹ tỵ nạn. Nhưng gần đây, bị lạm dụng quá nhiều nên các quan tòa Mỹ dè đặt hơn. Các anh ‘lái buôn’ dân tỵ nạn, làm môi giới nhận tiền giúp họ tới hay băng lậu qua biên giới Mỹ, cũng như ‘cố vấn’ cho họ cách thuyết phục các quan tòa di trú Mỹ, bây giờ đã phát minh ra một lý do mới: đó là dân tỵ nạn tự nhận mình đồng tính hay chuyển giới gì đó, bị kỳ thị tại xứ chậm tiến của họ, nên muốn tỵ nạn tại xứ văn minh cởi mở Mỹ khi bênh vực và bảo vệ những người đồng tính và chuyển giới đã trở thành xu hướng hợp thời trang mới trong phải đạo chính trị Mỹ.
TT TRUMP NÓI CHUYỆN VỀ NHÂN SỰ
Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Mike Wallace của đài Fox News, TT Trump đã nói sơ qua về vấn đề nhân sự cao cấp trong nội các Trump.
Nói về việc bổ nhiệm ông Matthew Whitaker xử lý bộ Tư Pháp, ông cho biết ông rất tôn trọng kinh nghiệm của ông này và đã bổ nhiệm ông mà không biết trong quá khứ, ông Whitaker đã công kích công tố Mueller. TT Trump cho biết ông sẽ không can dự nếu ông Whitaker có bất cứ quyết định nào về công tố Mueller.
Trong vấn đề này, TT Trump cho biết ông đã trả lời tất cả các câu hỏi của công tố Mueller nộp cho ông, tuy ông không cho biết gì về nội dung. Cho đến nay, vẫn chưa ai rõ TT Trump sẽ trực diện trả lời cuộc thẩm vấn của công tố Mueller hay không. Bây giờ, cuộc bầu cử đã qua, công tố Mueller đang bị áp lực mạnh phải chấm dứt cuộc điều tra và công bố kết quả, chứ không thể tiếp tục kéo dài lê thê bất tận như từ hơn hai năm qua. Mặt khác, công tố Mueller cũng cho biết việc bổ nhiệm ông Whitaker không có ảnh hưởng gì đến việc điều tra của ông. Một nhóm nghị sĩ DC đang hô hào ra luật ‘bảo vệ’ công tố Mueller, không cho TT Trump đụng đến ông ta. Chuyện lạ, mang tính màu mè chính trị nặng. Thứ nhất CH vẫn còn kiểm soát Thượng Viện. Thứ nhì có luật gì thì cũng phải có chữ ký của tổng thống thì mới thành luật được, không ai nghĩ TT Trump sẽ ký cái luật này, nếu có.
Trả lời câu hỏi về sự ra đi của bà Nielsen, bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ, TT Trump cho biết ông rất thích bà và rất tôn trọng bà, nhưng bà cần phải mạnh tay hơn trước mối đe dọa của di dân bất hợp pháp. Nếu bà mạnh tay hơn thì sẽ không có nhu cầu thay thế bà. Về ông chánh văn phòng, tướng Kelly, TT Trump cho biết ông Kelly rất có khả năng, đã rất giỏi và giúp tổng thống rất nhiều, nhưng cũng có những điểm yếu. Cho đến nay, TT Trump chưa có quyết định gì, nhưng dù sao thì ông Kelly cũng sẽ ra đi, làm việc khác, có thể cuối nhiệm kỳ của TT Trump, có thể sớm hơn. Về việc bà Mira, phụ tá Cố Vấn An Ninh, tranh cãi với bà đệ nhất phu nhân, TT Trump cho biết ông thấy bà này rất tốt, rất được việc, nhưng không khéo về ngoại giao nên sẽ thuyên chuyển vào việc thích hợp hơn.
Tất cả những câu trả lời của TT Trump hiển nhiên, ai muốn hiểu sao cũng được. Bảo đảm sẽ giúp cho TTDC tiếp tục tung hỏa mù, tạo chia rẽ trong nội các Trump. TT Trump rõ ràng là chẳng cần để ý đến những cái tin hỏa mù này.
VẪN CHUYỆN NHÂN SỰ
Ba thượng nghị sĩ DC đã đưa đơn kiện TT Trump vi phạm hiến pháp khi bổ nhiệm ông Whitaker xử lý bộ Tư Pháp sau khi bộ trưởng Jeff Sessions từ chức.
Đó là các nghị sĩ Richard Blumenthal của Connecticut, Mazie Hirono của Hawaii, và Sheldon Whitehouse của Rhode Island. Cả ba đều là thành viên của Ủy Ban Tư Pháp, đã từng kịch liệt đả kích TP Kavanaugh khi ông này bị lôi ra điều trần lần thứ hai.
Ba vị này tố TT Trump vi phạm Hiến Pháp vì đã bổ nhiệm và trao quyền cho ông Whitaker mà không qua sự phê chuẩn của Thượng Viện. Họ cho rằng đúng ra, TT Trump phải trao quyền xử lý cho thứ trưởng Rosenstein là người đã được Thượng Viện phê chuẩn. Luật sư của bộ Tư Pháp trong khi đó đã công bố ý kiến chính thức của bộ là việc bổ nhiệm xử lý hoàn toàn thuộc thẩm quyền của tổng thống. Chiếu theo luật lệ hành chánh, Federal Vacancies Reform Act, tổng thống có quyền bổ nhiệm các viên chức xử lý, có tính cách tạm thời mà không cần Thượng Viện phê chuẩn, cho tới tối đa 210 ngày (có thể hơn trong khi chờ đợi Thượng Viện phê chuẩn người mới). Theo các luật sư, đây là việc đã xẩy ra thường xuyên trong lịch sử Mỹ, dưới tất cả các tổng thống DC cũng như CH, không phải là lần đầu tiên.
THỊ TRƯỜNG MẤT NIỀM TIN
Thị trường chứng khoán như ta biết, không phải ghi nhận hiện trạng kinh tế, mà là chỉ dấu về tương lai kinh tế. Đây là chỉ dấu đo lường xem các doanh gia nghĩ sao về tình hình kinh tế trong tương lai, kinh doanh sẽ biến chuyển như thế nào trong tương lai. Mua hay bán cổ phiếu phần lớn là quyết định đầu cơ vào tương lai.
Ngay sau khi có tin ông Trump đắc cử, chỉ số Dow Jones đã tăng vùn vụt ngay lập tức, mặc dù ông ta chưa tuyên thệ nhậm chức. Đó là vì các doanh gia tin tưởng TT Trump sẽ thành công với chính sách kinh tế đặt trọng tâm vào việc phát triển qua giảm thuế, chứ không còn là chính sách kinh tế lo tái phân phối lợi tức của TT Obama, bất kể kinh tế trì trệ hay thất nghiệp cao. Ở đây, phải nói ngay, những người tiếp tục lải nhải kinh tế Trump chỉ là sự nối tiếp của kinh tế Obama và TT Obama mới chính là người đã phục hồi kinh tế mang lại những thành quả hiện nay cho TT Trump, chỉ là những con vẹt lập lại những câu vỗ ngực của TT Obama mà chẳng hiểu gì về kinh tế nhập môn.
Từ ngày bầu cử tháng 11/2016, chỉ số Dow Jones đã bay bổng từ 18.000 điểm lên tới 27.000 điểm hai năm sau, tăng khoảng 45%, một con số phản ảnh một sự lạc quan tếu, khá vô lý mà không thực tế, tạo nhiều lo lắng hơn là vui mừng cho các nhà làm kế hoạch kinh tế cho cả nước, vì sợ lạm phát. Chỉ vì các nhà kinh doanh nhất tề tin tưởng vào chính sách kinh tế của TT Trump sẽ đại thành công trong tương lai.
Trước ngày bầu cử vừa qua, diễn đàn đã ‘chẩn bệnh’ và tiên đoán nếu Hạ Viện lọt vào tay phe DC, thị trường sẽ tuột dốc lại rất nhanh. Một ngày sau bầu cử, Dow Jones tăng vọt ngay hơn 600 điểm, đưa đến việc vài độc giả cho rằng kẻ này đoán mò trật lất.
Thật ra, kẻ này không đoán trật. Chỉ số Dow Jones một ngày sau bầu cử đã tăng mạnh vì kết quả bầu cử khi đó chưa đầy đủ, cho thấy CH thắng lớn tại Thượng Viện, chiếm thêm bốn ghế mà chỉ thua có một, trong khi tại Hạ Viện, DC thắng khá yếu, chỉ chiếm được hơn 25 ghế. Các doanh gia ngay khi đó tin tưởng TT Trump vẫn còn dư thừa khả năng tiếp tục chính sách kinh tế của ông.
Nhưng trong những ngày sau đó, kết quả đếm phiếu cho thấy CH thắng tại Thượng Viện ít hơn, trong khi thua nặng hơn nhiều tại Hạ Viện, có thể mất tới 40 ghế. TT Trump có thể sẽ gặp khó khăn lớn. Từ đó, niềm tin của các doanh gia giảm mạnh. Một ngày sau bầu cử, Dow Jones vọt lên tới gần 26.200 điểm, bây giờ đã liên tục rớt mạnh, tới trước ngày 23/11, đã xuống tới khoảng 24.200, tức là rớt 2.000 điểm, hay 7,5% trong hai tuần.
Trong tương lai, khi DC bắt đầu nhậm chức, tung ra hàng loạt điều tra đủ chuyện, ngăn cản các biện pháp kinh tế, nhất là ngoại thương và thuế vụ, thị trường nếu không rớt mạnh thì cũng chao đảo, bất ổn dài dài.
Các cụ tỵ nạn bị bệnh dị ứng Trump khoan vui mừng cho rằng Trump bị vỡ đầu. Gia tài của TT Trump toàn là địa ốc, nhà cửa, cao ốc, ... chẳng bị ảnh hưởng gì bởi Dow Jones hết. Trái lại thị trường chứng khoán bất ổn, mấy ông nhà giàu đi mua nhà đất cho chắc ăn, TT Trump lời to. Nhưng các chỉ số rớt là các cụ mất tiền đấy. Tất cả tiền già, tiền hưu, tiền 401K gì gì đó đều được đầu tư vào thị trường chứng khoán đó.
Một cụ tỵ nạn bị bệnh dị ứng Trump viết bài miả mai “chứng khoán Mỹ cũng rớt như bên Trung Cộng”, hàm ý chính sách tăng thuế quan của TT Trump trên hàng nhập từ Trung Cộng cũng đang gây thiệt hại lớn cho thị trường tài chánh Mỹ.
Thưa cụ, sau những vụ tăng thuế quan, thị trường chứng khoán TC đã rớt khoảng 30% (1/3), tương đương với 9.000 điểm của Dow Jones. Trong khi đó, Dow Jones từ ngày ông Trump được bầu đã tăng liên tục. Trong một năm qua, trong thời gian những biện pháp tăng thuế quan hàng TC được loan báo thì Dow Jones cũng vẫn tăng không ngừng, đạt được đỉnh gần 27.000 điểm một tuần trước ngày bầu giữa mùa vừa qua. Hai tuần qua, sau tin DC chiếm Hạ Viện, Dow Jones mới rớt mạnh, nhưng vẫn còn tăng hơn 6.000 điểm, hay xấp xỉ 35% so với ngày bầu cử năm 2016.
Diễn giải cho cụ này hiểu: Dow Jones vẫn leo thang sau khi Mỹ tăng thuế quan hàng TC, chỉ bắt đầu rớt mạnh sau khi DC chiếm Hạ Viện. Có cần chúc mừng đảng DC không nhỉ?
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment