Monday, November 19, 2018

Đi Xa Để Thấy Nhớ Nhà

Trần Ngọc Ánh 

Tôi có ông anh họ du học qua Pháp khi vừa đậu Tú Tài, rồi ra trường thành danh ở xứ người, lấy một cô đầm tóc vàng da trắng, sinh ra mấy đứa con giống mẹ hơn giống cha, và ông đã sống ở đó hơn 60 năm. Lúc cuối đời ông dẫn bà đầm về quê “cho biết Việt Nam.” Họ như hai người khách du lịch trên một đất nước xa lạ, ông cũng rất chân tình bày tỏ, “Anh quên hết làng xóm, anh không có kỷ niệm gì để lưu luyến, bạn bè không còn ai, nhà cửa phong cảnh thay đổi, anh không còn thuộc về nơi này nữa, dù anh đã sinh ra ở đây. Nếu có chết thì anh vẫn muốn mình được chôn ở quê hương thứ hai mà anh đã gắn bó gần hết cuộc đời, không nhất thiết phải về quê cha đất tổ, chỉ là cái tên gọi thôi nên đâu có gì ràng buộc đối với anh.”

Nghĩ cho cùng, đó cũng là một sự chọn lựa. Người ta có thể chọn lựa cái nhà để ở, miếng đất để chôn, và ngay cả quê hương để gắn bó lâu dài, miễn điều đó không làm ai bị tổn thương, phẫn uất. Tự Do bao gồm cả những điều mình thích làm mà không ảnh hưởng tới luật pháp, không đụng chạm với tha nhân. 

Hồi mới qua Mỹ tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy hai người phụ nữ trẻ chừng 35-40 tuổi nói chuyện bằng tiếng Mỹ suốt cả buổi, thậm chí họ còn cãi nhau bằng ngôn ngữ ngoại quốc khi họ đích thị là dân Việt Nam, họ ở trong ngôi nhà có cha mẹ Việt Nam, bữa cơm của họ có cả canh chua cá kho và chén nước mắm dầm ớt! Vậy tại sao họ không nói tiếng Việt Nam cho dễ? Lâu dần tôi hiểu ra họ thuộc thế hệ sinh ra ở đây, nhưng có nhiều cha mẹ chỉ muốn con mình hội nhập để giống như người Mỹ. 

À ra thế! Có một chút hụt hẫng trong tôi, giống như ngày tuyên thệ để được trở thành công dân Mỹ, tôi mang tâm trạng vừa vui vừa buồn, vui vì mình được cái mà mình muốn và buồn vì cái mà mình mất. Cứ nao nao trong bụng như trẻ con bổng chốc bị đứt dây diều chới với pha chút nuối tiếc. Biết rằng “ăn cây nào rào cây nấy” nhưng làm sao mình quay lưng để quên cội nguồn cho đành, quên tô ba khía, chén mắm chưng, cái nón lá che nghiêng, cầu tre lắc lẻo, câu vọng cổ buồn não nuột..Quên hết những kỷ niệm đớn đau để chọn cuộc sống bình yên trên đất nước này. Biết rằng bài học hội nhập đầu tiên là phải tập quên để khỏi bận tâm, ray rức. Thật lòng tôi không nghĩ mình đã thuộc bài! 

Nhớ ngày đầu con bé đi làm thêm, ai hỏi chuyện này kia là nó hay kể “hồi ở bên bển” bằng cái giọng hào hứng, bà chủ biết nó mới qua nên còn tâm trạng hoài cổ, bà khuyên “ Qua được đây rồi, từ bây giờ con nên quên chuyện ở bên bển đi, hiện tại và tương lai của con là cái xứ Mỹ này nè, ráng học giỏi thành đạt bác sĩ kỷ sư để khỏi làm nghề nails vất vả này nè” Nghe nó kể lại mà tôi thở dài “ ừ, bà chủ của con nói đúng!” 

Có rất rất nhiều người cố gắng để quên, quên trong vô tình hay cố ý lại là một chuyện khác, có câu nói nghe bâng quơ mà tôi cứ để bụng hoài, hai ông bạn già lâu ngày gặp nhau, ông kia hỏi ông nọ “ tôi hổng nhớ anh người Huế hay Đà Nẳng?” “Tôi người Mỹ” câu trả lời gọn lỏn và gương mặt lạnh tanh không có chút khôi hài nào của người bạn cũ khiến ông khách ngẩn ngơ, lẽ nào người ta có thể quên quá khứ như quên cái áo rách liệng bỏ bên đường. 

Tôi có ông bạn lần đầu tiên gặp nhau, biết tôi bên Mỹ qua Paris, thay vì thăm hỏi xã giao như thường tình ông lại tuôn ra một hơi phàn nàn về ai đó viết trên mạng nói những cái dở của Paris dưới góc nhìn của dân du lịch, chuyện không có gì lớn như thiếu nhà vệ sinh công cộng, mà có thì phải trả tiền, nhiều con đường đầy rác và kít chó, đôi khi phải bị ngửi mùi khai ngấy từ mấy bậc thang trong trạm Metro, thức ăn không có gì ngon mà giá mắc v .v .” Anh ta biết gì mà nói, du lịch lướt qua như cỡi ngựa xem hoa, trong khi tôi sống ở đây mấy chục năm” giọng ông hằn học làm tôi mắc cười. 

Thì ra cái tinh thần tự hào dân tộc của ông bạn chuyển thể qua quê hương thứ hai này rồi, đụng chạm đến là không yên đâu nhe. Thật tình tôi cũng có một chuyện nhỏ thật nhỏ để nhìn thấy cái thiếu ở Pháp là miếng giấy mỏng Cover Seat lót trên bồn cầu, trong khi bên Mỹ “của tôi” thì đầy!Nhưng thôi, không đáng phải bàn cãi, mặc dù dân mình có thói quen thích tranh luận hơn thua, ông bạn tôi cũng có cục tự ái to đùng. Phải chi ổng dành sự phẩn nộ đó trút lên cái bảng viết bằng tiếng Việt treo trong các siêu thị bên Nhật “Xin đừng lấy hàng, chúng tôi có camera”. Còn nỗi nhục nào hơn thế Việt Nam ơi! 

Đất nước người ta đa chủng tộc, đa văn hóa, con khác cha khác mẹ nhưng sống chung hòa bình hữu nghị, cái vụ kỳ thị nếu có cũng ngấm ngầm chớ không dám công khai lộ liễu, lạng quạng phát ngôn bừa bãi cũng bị tù chớ hổng phải chơi. 

Ai đâu như nước mình, con chung trong bọc trăm trứng nở ra mà chia phe uýnh nhau ì xèo, thậm chí hận thù còn muốn ăn tươi nuốt sống đối phương bằng những chiêu trò gian manh độc ác của một thể chế chính trị đang nắm quyền sinh sát trong tay như hiện nay, nên nếu có cãi nhau lặt vặt chỉ là chuyện nhỏ, đâm chém chết người đôi khi cũng không phải là chuyện lớn. Thật tế quả đau lòng. 

Đi xa rồi mới biết tại sao người Việt mình sống ở Mỹ lâu năm, có chút tiền rủng rỉnh thích đưa con cái đi du lịch đây đó ở nước ngoài (kể cả Việt Nam cũng là nước ngoài) nhưng chỉ thời gian ngắn thôi là mấy đứa nhỏ cứ nằng nặc đòi “Go home” . Ừ thì về, du lịch Việt Nam có gì vui hơn chỗ khác đâu, muỗi cắn, nóng nực, ăn uống bụi bặm dễ bị Tào Tháo rượt chạy tóe khói, chưa kể những rủi ro từ trên trời rơi xuống như cán đinh hay sụp ổ gà, bị lật xe tử vong lãng nhách. 

Cái từ “Quê Nội Quê Ngoại” chỉ còn là khái niệm mơ hồ đối với tụi nhỏ, nó chỉ còn trong cổ tích thôi, mà không chắc gì tụi nhỏ hình dung nổi “Quê hương là gì hả Mẹ?” 

Quê là cây dừa, cây bưởi, trái ổi trái bần.Quê là dòng sông con đò, cầu khỉ, cầu tre, là chuồn chuồn, con dế. Quê là dề lục bình, đám mạ non, là lũy tre xanh, là mái đình ngói đỏ.Quê là cái gì đó thật gần gũi thân thương mà ông bà Nội Ngoại của chúng phải rưng nước mắt khi nhắc tới. 

Chúng nó không thể nào cảm nhận được sự háo hức của cái từ “về quê” như thời bọn tôi còn nhỏ đâu, mấy tháng Hè được về quê là điều thú vị vô cùng. Ôi cái thời đó sao mà êm đềm quá. 

Bây giờ Quê có đâu mà về? Tụi nhỏ không care là Quê còn hay đã mất, nhưng mà tôi care! 

Chuyện gần đây nhất đang rần rần bên Tây là có một lũ người Tàu mua miếng đất lớn ở ngoại ô Paris để thành lập khu tự trị và gọi là vùng đất của Tộc Kinh gì gì đó. Nếu chỉ có vậy thì kệ họ, nhưng đằng này bọn chúng lại dám rêu rao là người Việt xưa của mình (An Nam) thuộc sắc tộc Kinh trong 56 sắc tộc của Tàu hiện đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới, và việc mua đất thành lập đặc khu này là muốn kêu gọi những người Việt (tộc Kinh ) quay về với nguồn cội của mình. (!?) 

Dĩ nhiên ai mà tin nổi câu chuyện hoang đường mang màu sắc chính trị lếu láo này của bọn Tàu khựa, nhưng mà tôi tức khi nhớ lại sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm, mọi người đều bị khai lý lịch để Cộng Sản kiểm soát và đến phần dân tộc thì buộc ghi vào là Kinh, lúc đó tôi cũng mơ hồ chữ Kinh này chỉ để phân biệt với người Thượng, Nùng, Mèo... dân tộc thiểu số của VN thôi. Ai dè đây là âm mưu của bọn bành trướng Bắc Kinh và tay sai bán nước của chúng trong kế hoạch đô hộ ngàn năm của kẻ thù phương Bắc, nên dù bao lâu chúng vẫn đợi thời cơ để gom cái tộc Kinh này về một mối. Tôi thật sự đau lòng khi nghĩ đến cái ngày dân tộc mình , đất nước mình không còn chổ đứng nào tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Khi mà con cháu mình bây giờ nói tiếng Pháp như người Pháp, nói tiếng Mỹ như người Mỹ, nói tiếng Nhật tiếng Đức như dân bản xứ và nói tiếng Việt như.. người ngoại quốc. Ôi buồn làm sao! 

Thỉnh thoảng tôi cũng bỏ nước Mỹ đi giang hồ vặt cả tháng, lang thang qua những thành phố lạ, những con đường ngập lá thu vàng, những khung trời mù sương lãng mạn hữu tình, những đền đài lăng miếu cổ kính hàng mấy trăm năm mà vẫn giữ nguyên tàng tích cũ. Đi để thấy mình bé nhỏ trong mênh mông của đất trời vô tận, để thấy thế giới thật bao la, để có dịp so sánh cái hay của nơi này, cái dở của nơi kia mà buồn rầu, hụt hẫng, để có lúc nào đó chợt nghe tiếng cơm sôi mà cồn cào nỗi nhớ và nôn nao chỉ muốn trở về nhà, dù biết ngôi nhà không có bà Mẹ quê của tôi trong đó. Cái ông nhạc sĩ ĐTQ dám nói “ Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một Mẹ thôi”Thật ra không hẳn vậy, người ta có thể thêm nhiều Mẹ khác như Mẹ nuôi, Mẹ đỡ đầu, Mẹ ..ghẻ. Cũng như tôi bây giờ có một nơi chốn để nhớ, để mong được trở về, yên ấm nương thân. 

Đi xa rồi mới thấy cái câu “ Home Sweet Home” thiệt đúng, cũng có nhiều người nhận xét như vầy “sống ở đâu rồi cũng không bằng sống ở nước Mỹ” Thật ra ở đâu quen đó thôi, không hẳn nơi nào tốt hơn nơi nào, tùy theo sự cảm nhận và độ gắn bó của mình đối với cái nơi chốn gọi là thân thương lưu luyến ấy Nhưng có điều chắc chắn ai cũng thuộc lòng câu này trong sách Quốc Văn Giáo khoa thư hồi xưa ”Quê hương bao giờ cũng đẹp hơn cả” 

Tôi chịu ơn bà Mẹ Mỹ rộng lượng và tôi chọn nơi này làm quê hương mặc dù tôi không phải là người Mỹ, cho dù tôi có nhuộm tóc vàng hay mang đôi guốc cao hai tấc, sửa cái mũi thẳng tắp thì tôi vẫn không thể thành người Mỹ, Bả biết tôi không phải là con ruột nhưng vẫn dung chứa trong nhà bởi vì lòng bao dung của một dân tộc biết đề cao sự Tự Do và coi trọng con người. 

Trần Ngọc Ánh

No comments:

Blog Archive