Saturday, November 24, 2018

Thanksgiving, Nhớ Chuyện Cali





Năm 98 lần đầu tiên sang Mỹ thăm em và cháu gái, ông bạn cố tri ở Đại Học Văn Khoa Sàigòn ngày xưa, bị vixi đổi tên thành ĐH Tổng Hợp, hứa đón tôi ở phi trường Lax.

Lấy xong hành lý tôi đi ra cửa ngay hãng máy bay như đã báo trước. Chiều thứ bẩy phi trường đen nghẹt kẻ đến người đi, đứng sớ rớ bụng đánh lô tô tự hỏi không biết ông kẹ còn nhớ mặt tôi, còn hắn ra sao, liệu chúng tôi có nhận ra nhau?

Hơn hai mươi năm sau khi ra trường chưa một lần gặp mặt, năm 87 hắn có gửi cho tôi tấm hình hắn ngồi trong văn phòng của một khách hàng, lúc đó hắn còn nét thư sinh, bây giờ lên hàng chủ cả chắc phải khác.

Đang suy nghĩ miên man, một gã to cao trắng như bông bưởi, gọi tên tôi, giời ạ ông kẹ gầy nhom đen thui ngày trước đây sao, bảnh bao trong bộ quần jean áo pull Cá sấu.

Tôi ngớ người chưa hết ngạc nhiên, hắn lên tiếng:

- Bạn hiền ra lâu chưa?

Miệng nói tay xách hành lý của tôi đi qua đường, cho vali vào cốp xe rồi trực chỉ xóm Bolsa, tôi hỏi hắn đủ thứ chuyện trên đời nhất là nguyên nhân nào đưa hắn đến nghề kế toán, môn học chả dính dáng gì đến ngành ngoại ngữ ở trường Văn Khoa.

Hắn cười:

- Nước Mỹ là xứ cơ hội “đổi đời”, diễn viên điện ảnh còn làm tổng thống được, mình đổi nghề cũng đâu có gì lạ, chuyện dài đầy bất ngờ, để hôm nào rảnh mình sẽ kể cho bạn nghe, chồng con bạn ra sao rồi, “khai báo” đi.

Mải nói chuyện đến lúc hắn dừng xe trước nhà em tôi câu chuyện vẫn chưa dứt, vào nhà chào hỏi em tôi xong hắn hẹn ngày mai sẽ đến đón tôi đi mua thức ăn mang đến nhà Ngọc Mỹ không xa nhà em tôi hàn huyên bạn cũ.

Tối hôm đó tôi kể cho em tôi nghe về hắn,  tôi nhớ như in thuở đó Tường gầy, đen như mọi vì hơn mười lần trốn học phơi nắng biển chờ taxi đưa ra ghe lớn vượt biển, khiến tổ trưởng phải gửi một bày con gái đến nhà đương sự “hỏi thăm sức khỏe” trong đó có tôi.

Tội nghiệp mẹ Tường mỗi lần chúng tôi đến “làm nhiệm vụ”, bà cứ điệp khúc cũ mà ca cẩm:

- Các cháu báo với trường Tường đang dưỡng bệnh trên Đà Lạt nay mai sẽ đi học lại thôi, nó bị suyển nặng ở đây sợ không qua khỏi...

“...Con trăng này”, Vân cô bạn thân thúc nhẹ cùi chỏ vào tôi nói nhỏ như rứa. Cả đám im re đưa đẩy vài câu xã giao và rút êm, kết thúc cuộc “truy lùng” theo lệnh tổ trưởng để ngày mai “báo cáo” chúng em đã hoàn thành nhiệm vụ.

Mấy hôm sau hắn xuất hiện, từ Đà Lạt về mà nước da đổi màu bánh mật không dấu nổi “ý đồ” (ý định) vượt biên, tuy nhiên tổ trưởng tổ phó không có chứng cớ để hài tội hắn đành bắt hắn viết bản tự kiểm điểm vì nghỉ học mà không xin phép trước.

Bổn cũ soạn lại, hắn “hắn thành thật khai báo” cơn bạo bệnh ập đến bất ngờ nên đành “tự cứu” mình trước, nếu sống sót mới có cơ hội báo cáo với tổ trưởng và hứa hẹn lần sau sẽ nhờ người nhà đến trường xin cho hắn nghỉ ốm.

Năm 77 đám sinh viên tàn dư Mỹ Ngụy (sinh viên học ĐH Văn Khoa trước năm 75) lớp Ngoại Văn Bổ Túc Đại Học Tổng Hợp, hiện nay là ĐH Nhân Văn, đồng loạt tốt nghiệp với bằng Cao Đẳng vì vixi chỉ dạy chính trị từ năm 75 – 77 chứ cán cuốc không đủ trình độ để giảng dạy Anh và Pháp văn đúng chương trình Đại Học Văn Khoa.

Cái bằng cao đẳng đưa đám sinh viên chúng tôi về vùng sâu vùng xa dạy học, Tường vứt bằng cấp “cẳng đau” vào sọt rác, tung tăng “đi Đà Lạt” đến lần thứ mười hai thì “chim đã bay xa rời tổ quốc.”

Nằm lỳ trên đảo cả năm hắn viết nhật ký, làm thơ mùi như mít rụng, vậy mà qua Mỹ học nghề kế toán, lấy luôn cái bằng CPA mở văn phòng làm chủ ngay trên xóm Santa mé Beverly Hills sang ra phết.

Hôm sau hắn đưa tôi ra quán mua thức ăn Huế, món tủ của tôi, vòng đến nhà Ngọc Mỹ ăn trưa.

Hai thập niên xa cách Ngọc Mỹ vẫn vậy, từ tốn điềm đạm, chỉ có tôi với ông kẹ líu lo kể chuyện xưa tích cũ, nhất là “xì căn đan” ông kẹ bị đội “cờ đỏ”  (đội kiểm soát SV đến lớp trễ, quay cóp bài kiểm tra chính trị…) thổi còi, dằn mặt dài dài mà hắn và đám bạn lì lợm vẫn tỉnh rụi.

Rồi thành thói quen cứ vài năm tôi qua Cali thăm gia đình, tìm lại bạn xưa, sau này có cả nhỏ hoa khôi ngày trước của lớp Pháp Văn bên Canada bay qua nhập bọn với chúng tôi.

Tội nghiệp ông kẹ chủ cả oai ra phết vậy gặp lại bạn cũ xuống hàng tài xế, đưa đón tôi đi đặt cơm xong trả tôi về nhà Ngọc Mỹ rồi chạy lên Los đón cựu hoa khôi nhập tiệc.

Có lần tôi trêu ông kẹ:

- Dân kế toán tính kỹ không xê xích 1 cent, răng “đồng chí” (tiếng lóng chúng tôi trêu chọc nhau khi còn học với vixi) hào phóng rứa?

Hắn cười tươi rói:

- Bạn cũ gặp lại nhau quý lắm, mình như trẻ lại vài chục tuổi, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó.

Hắn nói không sai vì qua những lần gặp gỡ, một số chuyện cũ được bật mí như có con nhỏ đoàn viên thanh niên CS tổ phó khá xinh thương thầm hắn, nên nó cho cây si bên lớp Anh văn de ngọt, vậy mà hắn có biết gì đâu.

Chị kia thầm yêu anh nọ bị lộ vì ngày nào chị cũng chìa cho anh cây kẹo, anh vô tâm “ngậm tình cảm” của chị thiếu điều bị sâu răng mà có cảm được vị ngọt tình yêu của chị mô.

Tội nghiệp con gái VN thế kỷ trước chỉ yêu thầm chứ làm gì có quyền nói “I love you”, tỏ tình  là độc quyền của nam giới, phận gái 12 bến nước mà bến nào cũng chông chênh sóng to, sóng bé, sóng ngầm, sóng nào cũng dễ sợ.

Mỗi lần chúng tôi gặp nhau lại có chuyện xưa tích cũ được nhắc đến như những đợt đi “lao động CS”, sáng nhổ khoai tối vào kho trộm khoai luộc ăn đỡ dạ vì suốt ngày cày bừa chỉ được bát cơm rau luộc với một quả trứng cho bốn người, dĩ nhiên sau đó bị kiểm điểm te tua.

Mùa hè lên nông trường đào kênh đắp đê như Goulag Sibérie, có đứa đưa ra câu đối, “Ra kinh, thấy kinh, thất kinh” mà chả ai tìm ra câu đáp, một thời đói khổ nhờ tình bạn đã giúp chúng tôi vượt qua cuộc đổi đời nghiệt ngã.

Đôi khi đang vui vẻ bỗng không khí lắng xuống khi một bạn đưa tin một đứa trong lớp vượt biển chết hoặc mất tích mười mấy năm về trước, tuổi trẻ chúng tôi không ra trận không chết vì bom đạn mà lạc mất nhau cả đời trên đường đi tìm tự do.

Trên chuyến bay quay về Paris dư âm mấy buổi gặp gỡ còn nóng hổi, nhất là lúc bịn rịn chia tay các bạn tôi hứa và hẹn sẽ quay lại dù biết rằng điều đó không dễ chút nào, mặc cảm phỉnh các bạn khiến tôi hạ bút viết đôi dòng tâm sự như một cách chuộc lỗi với các bạn.

Rồi thành thói quen, sau mỗi chuyến vượt đại dương trở về tôi viết bài tường thuật góp nhắc kỷ niệm xưa, chuyện “đổi đời” trên quê hương thứ hai của các bạn, của chị em tôi, sau đó cựu hoa khôi mang bài của tôi trình làng cho các bạn cùng lớp đọc chơi.

Ông kẹ cũng đọc chơi nhưng xúi tôi “làm thiệt”, hắn bảo tôi gửi bài đến báo đăng thử, tôi liều mạng gửi thử, tuần sau Ngọc Mỹ báo tin bài viết của tôi được đăng trên báo Người Việt.

Em tôi gọi điện thoại đến tòa soạn hỏi mua tờ báo, rất tiếc báo hết sạch nhưng họ mách em tôi lên đài VOA thu lại bài của tôi được đọc vào tháng 8 năm 2008.

Tôi gửi bài audio cho các bạn nghe, ông kẹ khuyên tôi “ra nghề” viết lách rồi liệng cho tôi trang văn thơ của một khách hàng của hắn mà sau này tác giả và tôi trở thành thân quen.

Từ các bài viết tôi bước vào cuộc sống của tác giả qua buổi chợ nhóm cuối tuần của cậu sinh viên kiếm thêm tiền dằn bóp, chuyện tình lãng mạn với cô bạn gái xinh như búp bê bị tác giả hớp hồn.

Loạt bài đó được đăng trên mục “Viết Về Nước Mỹ”. Vào Việt Báo tôi khám phá một sân chơi mới chưa từng có trong làng văn VN từ trước năm 75 đến nay.

Việt Báo đón nhận bài viết của tất cả tác giả khắp nơi trên thế giới với chủ đề VVNM, người viết mang chuyện nhà, nỗi niềm xa xứ, buồn vui xứ người, cống hiến cho vạn người đọc. 

Chuyện gia đình anh chị em, bạn bè bên kia đại dương, kỷ niệm những

“Chuyến đi về sáng”* (chuyến bay đêm quay về bên ni) và một nửa con tim để lại bên nớ là nguồn cảm hứng thôi thúc tôi làm liều viết bài và gửi đến mục Viết Về Nước Mỹ.

Bài gửi đi “Sao chưa thấy hồi âm”*, rồi một ngày bất ngờ bài được đưa lên mạng, từ đó tôi đầu quân vào VVNM, mấy tháng sau tôi tò mò tìm hiểu về “chủ báo”.

Thi sĩ Trần Dạ Từ và nữ sĩ Nhã Ca thuở lập nghiệp trên đất khách chỉ với vài trăm đô dằn bóp cả gan mở hiệu Việt Báo. Trời không phụ lòng người một đời thở bằng văn chương nghệ thuật. Anh chị không buôn chữ làm răng lỗ vốn được. Và rồi Việt Báo đã vững mạnh, tạo ra được một diễn đàn chung cho cả ngàn người cùng viết về cuộc sống thật của từng người. Mới đó,  chương trình Viết Về Nước Mỹ đã là 20 năm. Mỗi năm  365 ngày, không ngày nào không thêm bài viết mới, toàn những chuyện sống thật về một thời của người Việt trên khắp thế giới.  Đúng là một loại Lịch sử ngàn người viết, một bộ sách khổng lồ, chưa từng có.

Với chủ đề VVNM các tác giả sống ngoài nước Mỹ phải có vốn liếng, kinh nghiệm trên xứ cờ hoa mới dám hạ bút “kể chuyện” chứ không phải “vẽ chuyện”, một thách thức khiến không ít tác giả trăn trở trước khi viết bài.

Đi du lịch Mỹ, đi thăm gia đình khám phá những điều mới lạ, bỡ ngỡ, va chạm, thất vọng những tình cảm thật bình thường nhưng khó nói, càng khó viết nếu mình là khách quá cảnh, dừng chân một lúc rồi ra đi, viết lung tung dễ mếch lòng.

Dân viết lách tài tử đâu phải ai cũng có tài hư cấu để sáng tác một tuyệt phẩm có kết cuộc đẹp, có hậu như văn sĩ thứ thiệt chiều lòng độc giả, tôi không có tài hô biến một chuyện tình đẹp như cổ tích, đành phụ lòng bạn đọc khó tính.

Nhân vật của tôi bên nớ thường được đổi tên, đổi địa phương vì đời thật của họ không hồng như mơ, thất bại đau buồn không ít, tuy nhiên vẫn có người thành công, thành danh, hạnh phúc vì nước Mỹ đã tạo cơ hội cho họ làm lại cuộc đời bằng hai bàn tay trắng.

Thuở ban đầu tôi vừa viết vừa run, cho đến lúc tôi được Việt Báo gọi tên, được chiếu cố tôi đâm hoảng, bắt đầu cân nhắc từng chữ, tự nhắc nhở phải viết thật tử tế, dù nhân vật chính trong bài của tôi đôi khi không hoàn hảo, không tử tế chút nào.

Từ ngày có mục “ý kiến bạn đọc” năm người mười ý, đứa con tinh thần của người viết được đưa qua lăng kính của độc giả xăm soi, chấm điểm hay, dỡ  tùy tâm tính và trình độ mỗi bạn đọc.

Tác giả cứng cựa “trơ gan cùng tuế nguyệt”, hay hoặc dở tòa soạn làm trọng tài, ai yếu bóng vía dể bị tổn thương mang “em nó” (bài viết) đi ở trọ xóm bạn, tìm một làng văn bình yên, tỉnh lặng hơn.

Đọc ý kiến độc giả tôi thương người viết lẫn người đọc, có vị khó hơn má chồng nhăn nhó. May thay bên cạnh những xôn xao đó vẫn còn sự đồng cảm, khích lệ thật tử tế, lịch sự, thân thiện của độc giả như một quà tặng quý báu để người viết tiếp tục “làm dâu trăm họ”.

Hơn ba trăm bài viết mỗi năm đều được Ban Giám Khảo đọc qua và cân nhắc để chọn trên dưới hai mươi tác giả “sáng giá” trong năm nên các cây viết đoạt giải rất xứng đáng với danh hiệu được trao tặng.

Đã mấy mùa lá rụng tôi chưa quay về mái nhà xưa cùng tham gia lễ phát giải VVNM với bạn bè xưa, anh chị em quen biết từ mục này, cũng toan với tính nhưng không bằng trời tính.

Ông kẹ “xúi biểu” tôi năm xưa hỏi khó:

- Sao lúc này lặn sâu vậy, không thấy qua đây, còn bài vở biến đâu mất rồi?

Tôi đùa:

- Hết nhớ bạn bè cũ và cả ông nữa nên cảm hứng bỏ tôi đi chơi chỗ khác, ông bạn yên tâm, duyên nợ chữ nghĩa của tôi bắt đầu bên nớ có đi hoang rồi cũng quay về chốn cũ.

Cali đi dễ khó về, câu vè của người Mỹ gốc Việt từ những tiểu bang xa một lần đến Sàigòn Nhỏ ra về bịn rịn nhớ thương nắng ấm tình nồng Cali, câu vè của đồng hương tại chỗ tự nhiên vận vào tôi mới ác, mới lạc đề, mới lãng xẹt.

Tuy không là công dân Mỹ, chỉ là khách vãng lai tôi cũng thương nhớ Cali vì gia đình, họ hàng, bạn bè ở xa tận bên kia đại dương.

Vì ân tình với nơi chốn xuất thân của những đứa con tinh thần của tôi, dù có đi hoang tôi cũng cố quay về. Ô hay, sự liều lĩnh những ngày đầu đâm sầm vào Việt Báo biến đâu mất rồi.

Xin thưa, ngày trước liều mạng gửi bài tùm lum vì lúc đó tôi điếc đâu sợ súng, chừ “biết ta biết… chữ” đâm hoảng, bút sa gà không chết mà mình “chết trong lòng một ít, hoặc nhiều lắm” mới đáng ngại, sai một ly đi một dặm, các cụ đã dặn rồi.

Nhân lễ Tạ Ơn, từ xa, xin gửi về Cali  lời cảm ơn chân thành:  cảm ơn Việt Báo, gia đình, bạn hữu Cali và độc giả đã đồng hành với tôi những lần tôi bước vào đất Mỹ từ những bài viết vui buồn góp nhặt trong gia đình và bè bạn.

Nov. 2018

Đoàn Thị

No comments:

Blog Archive