Sự thật đời tôi
Trung Tướng Trần Văn Minh
Để tôi kể bạn nghe về sự thật của tôi. Đó không phải là sự thật về bất cứ sĩ quan hay ông tướng ông tá người Việt nào. Nó không phải là sự thật về một chính khách người Việt nào. Nó chẳng là sự thật về gia đình tôi hay bạn bè tôi.
Nhưng nãy giờ tôi đang nói về sự thật của tôi. Đó là những gì tôi đã thấy và tôi đã tin. Đó là sự thật của tôi. Câu trả lời cho thảm kịch thất trận của miền Nam Việt Nam thật đơn giản. Nó có thể tóm gọn với hai chữ “không đủ”. Chúng tôi không có đủ tiếp liệu trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến. Và chúng tôi không có đủ lính. Chỉ có thế. Đó là toàn bộ vấn đề. Không đủ.
Báo chí Mỹ nói là chúng tôi thất trận vì chúng tôi tham nhũng. Tôi không chối là đã có tham nhũng tại Việt Nam. Có. Có tham nhũng trên thị trường, trên chính trường và trong một vài đơn vị quân đội. Nhưng dứt khoát không có tham nhũng trong Không Quân. Những người lính không quân tin vào Tổ Quốc Không Gian, và họ tin cậy cấp chỉ huy. Không có chuyện tham nhũng nơi các sĩ quan quanh tôi.
Vấn đề sinh tử là chúng tôi không còn cơ phận và cũng không có nhiên liệu. Chúng tôi bị thiếu hụt nhiên liệu trong những ngày cuối cuộc chiến. Vì vậy mà chúng tôi không thể cất cánh. Không lực chúng tôi bị nằm ụ dưới đất. Thế mà người Mỹ, có computer với đầy đủ dữ kiện. Họ nói rằng chúng tôi có đủ. Họ cả quyết là chúng tôi có đủ nhiên liệu và đồ phụ tùng. Họ cả quyết trên cơ sở chính trị. Họ không cả quyết trên cơ sở thực tế.
Tất cả những gì chúng tôi cần đến là tiếp vận. Có tiếp liệu mới đánh đấm được. Khi mà hàng tiếp liệu không được chuyển giao, thì tinh thần chiến đấu của sĩ quan và binh lính chúng tôi sẽ xuống thấp. Ai cũng thấy là đồ tiếp liệu đang cạn kiệt. Họ biết chúng tôi sẽ hết sạch. Và khi họ thấy như vậy, họ sẽ biết là chúng tôi đang bị đồng minh thân thiết bỏ rơi. Và rồi họ sẽ mất sạch tinh thần chiến đấu. Tôi chưa bao giờ nghĩ là đồng minh sẽ lừa dối và bỏ rơi chúng tôi. Tôi nghĩ đến Bá Linh và Đại Hàn khi nghĩ đến các giải pháp của người Mỹ. Và tôi thấy người Mỹ đã bảo vệ họ. Tôi nghĩ là chúng tôi, là tiền đồn của thế giới tự do, rồi cũng được bảo vệ như thế. Đại sứ Graham Martin nói đi nói lại là Mỹ sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng tôi. Ổng nói là chúng tôi nên tin như thế.
Những gì đã xảy ra vào phút cuối đã như một vài người Mỹ đã nói trước. Chúng tôi thua trận nhanh hơn Bắc quân có thể thắng. Đúng vậy. Tôi coi sách lược của Tổng Thống Thiệu là bỏ rơi vùng cao nguyên sau khi mất Ban Mê Thuột là một chiến thuật hay. Nhưng nếu chúng ta được tiếp vận hợp lý, thì tinh thần chiến đấu của chúng ta vẫn còn, và chúng ta có thể tái phối trí quân đội để tiếp tục chiến đấu.
Khi Tổng Thống Thiệu từ chức vào ngày 21 tháng Tư, tôi đã nghĩ đó là dấu hiệu lạc quan. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có những thỏa ước mới, những chế độ mới. Phó Tổng Thống Hương trở thành Tổng Thống. Ông là một nhà giáo lão thành đáng kính. Ông là một người trung thực.
Nhưng rồi ông giao quyền Tổng Thống cho tướng Dương Văn Minh. Một vài người chúng tôi tin rằng tướng Minh có thể đạt được những thỏa ước hòa bình. Nhưng chúng tôi cũng nghĩ tình hình đang diễn ra là một bóng đen hắc ám. Chúng tôi tin rằng người Việt sẽ không còn tự quyết một điều gì. Bất cứ điều gì, chúng tôi tin chắc rằng, phải được quyết định sau bức màn siêu quyền lực. Người Mỹ, người Nga, người Tàu - chúng tôi tin chắc là thế - sẽ quyết định số phận của Việt Nam. Chúng tôi đã chờ đợi ngày này qua ngày khác mới thấy những điều họ đã âm mưu. Chúng tôi nghĩ một phần trong những âm mưu đó là người Mỹ sẽ ngưng cung cấp hàng tiếp liệu cho chúng tôi.
Trong những ngày cuối cùng của VNCH nhiều lần tôi đã có nói chuyện với tướng Nguyễn Cao Kỳ. Và nhiều lần ông đã yêu cầu tôi làm đảo chánh. Ông nói: “Hãy cẩn thận. Người Mỹ đang bảo vệ Tổng Thống Thiệu. Đừng để họ biết kế hoạch của các anh”. Rồi khi tôi gặp ổng vài ngày sau đó, ổng lại yêu cầu tôi: “Khi nào thì anh cầm đầu cuộc đảo chánh? Khi nào thì đảo chánh?”. Tôi nói với ổng là tôi không muốn cầm đầu đảo chánh. Tôi hỏi ông ấy là ông có muốn đảo chánh không? Và ổng nói không, không muốn. Ông nói là ông nghĩ tôi muốn. Ổng quá cẩn thận. Ông muốn tôi cầm đầu đảo chánh để ông trở thành lãnh đạo mới của đất nước. Nhưng điều mà tướng Kỳ không thể nào hiểu được là tôi và binh lính của tôi sẽ không trung thành với ai cả. Chúng tôi chỉ trung thành với Tổ Quốc. Chúng tôi trung thành với Việt Nam, Chúng tôi yêu Việt Nam. Rất nhiều người lính chúng tôi đã chết cho Việt Nam. Họ đã chiến đấu và chết không vì bất cứ ai, mà cho Việt Nam.
Trong một cuốn hồi ký tướng Kỳ nói là tôi đã đến nhà ổng và nói là tôi sẽ trung thành với ổng bằng bất cứ giá nào. Ông nói tôi đã nói với ổng là người của Tòa Đại Sứ Mỹ đang đút tiền cho tôi để thăm dò ông cho Mỹ. Không có điều nào đúng cả. Không hề có ai đưa tiền cho tôi cả - đặc biệt là người của Tòa Đại Sứ Mỹ. Và tôi không hề có chuyện đàm phán nào với tướng Kỳ. Đọc nó rất buồn cười. Tại sao ổng lại bịa ra những điều này trong cuốn hồi ký? Ông moi những chuyện này ở đâu ra vậy? Có thể là ông đang nhắm tới một ai đó chớ không phải tôi. Ông không được bịa chuyện về tôi.
Gần trưa ngày 29 tháng Tư, tôi nhận một cuộc điện gọi từ cơ quan DAO nói rằng sẽ có một cuộc họp giữa Mỹ và các cấp chỉ huy của VNAF. Tôi qua cơ quan DAO với nhiều người nữa. Chúng tôi được đưa vào một gian phòng. Rồi người ta để chúng tôi ngồi đó một lúc lâu. Chúng tôi nghĩ Đại Sứ Martin hoặc tướng Homer Smith (Tùy Viên Quân Sự) hoặc ai đó sẽ thuyết trình một kế hoạch đẩy lui Cộng quân. Nhưng chẳng có ai thuyết trình cả. Không có ai thuyết trình cho tới xế trưa. Sau khi chúng tôi đi vào khu vực cơ quan DAO thì một người lính gác đã tước vũ khí của chúng tôi. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đó. Rồi cuối cùng cũng có một người, mặc đồ sĩ quan, bước vào phòng và nói: “Đã kết thúc rồi, thưa tướng Minh. Một trực thăng đang đợi ngoài kia sẽ đưa ông đi”. Chúng tôi bước ra chiếc trực thăng. Nó đưa chúng tôi bay ra chiếc Blue Ridge ngoài biển Đông.
Một Đại Tá Không Quân Mỹ đang ngồi trên tàu với tôi. Ông ta ngồi kế bên tôi. Ổng khóc suốt chuyến bay. Ổng không nói được. Nhưng ông ấy đã viết gì đó lên một mảnh giấy rồi đưa cho tôi. Tôi đọc: “Thưa tướng quân, tôi rất tiếc”. Tôi vẫn còn giữ mảnh giấy đó cho tới ngày hôm nay. Tôi sẽ giữ mảnh giấy đó suốt đời. Tôi sẽ luôn nhớ tới chuyến bay buồn thảm ra chiến hạm Blue Ridge.
Đối với những người theo đạo Phật như chúng tôi, chúng tôi tin rằng thượng đế đã an bài mọi sự. Chúng tôi tin rằng chúng tôi phải chịu nhiều đau khổ trong cuộc đời này bởi vì kiếp trước chúng tôi đã tạo nhiều ác nghiệp. Tôi tin rằng trong cái kiếp trước mà tôi không nhớ nổi chắc là tôi đã phạm nhiều điều sai quấy. Đó là lý do tại sao chuyện ác lai này lại báo ứng với tôi và với quê hương tôi. Đôi khi chúng ta có thể cưỡng lại số phận nếu chúng ta hành thiện và chỉ làm những điều lương tâm sai bảo. Đó là những gì tôi đang cố tu thân. Tôi phải cố tu thân và làm những gì hợp với lương tâm.
Nhưng từ khi đất nước tôi sụp đổ, tâm hồn tôi đã hóa ra tan nát. Trong 20 năm qua thâm tâm tôi đã cảm thấy trĩu nặng nỗi buồn đau và trống vắng. Nó vẫn không phai đi. Tôi cảm thấy nó hằng ngày. Không một ngày nào trôi qua trong đời mà tôi không nhớ về Việt Nam.
Trung Tướng Trần Văn Minh
No comments:
Post a Comment