Bắc Kinh có thể đã can thiệp vào các cuộc bầu cử tại Đài Loan?
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thông báo từ chức Chủ tịch Đảng tiến bộ Dân chủ sau khi đảng bị thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 25/11.
Bắc Kinh có thể đã nhắm mục tiêu đến Đài Loan với các hoạt động mạng để giúp phe đối lập ủng hộ Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Đài Loan, theo một công ty an ninh mạng hàng đầu của Mỹ, FireEye.
Phát biểu với tờ Nikkei Asian Review, ông Fred Plan, chuyên gia phân tích cao cấp của công ty FireEye, cho hay mặc dù công ty của ông vẫn đang điều tra các cuộc tấn công có thể đã xảy ra trước ngày bỏ phiếu hôm 25/11, kinh nghiệm cho thấy Trung Quốc đã tiến hành gián điệp mạng ở Đài Loan, đặc biệt trước các sự kiện bầu cử quan trọng.
“Trước các cuộc bầu cử thường thường gia tăng các hoạt động mạng nhắm vào Đài Loan, và chúng tôi dự đoán rằng điều này sẽ xảy ra một lần nữa. Đài Loan luôn là mục tiêu chính của các hoạt động mạng hiểm độc, đặc biệt là từ những người có mối liên hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, ông Plan nhận định.
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Trung Quốc không làm điều đó” trong các cuộc bầu cử gần đây, ông Plan nói thêm.
Cuộc bầu cử đã chứng kiến sự phân chia kết quả của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của Tổng thống Thái Anh Văn, đối với 22 thành phố và các tỉnh ở đảo Đài Loan, trong đó số lượng các khu vực mà DPP giành chiến thắng đã giảm từ 18 địa hạt xuống còn 6 địa hạt. Kết quả này là một cú đánh mạnh vào triển vọng tái đắc cử của bà Thái vào năm 2020. Tuy nhiên, điều bất ngờ lớn nhất là sự thất bại nghiêm trọng ở thành phố Cao Hùng, ‘một pháo đài phía nam’ của DPP, nơi ông Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), một ứng cử viên ít tên tuổi của Quốc Dân Đảng, đã dành chiến thắng.
Trước cuộc bầu cử, bà Thái và chính quyền Đài Loan đã từng ám chỉ rằng Trung Quốc đã can thiệp vào chiến dịch bầu cử. Trong các bài phát biểu gần đây cũng như các bài đăng trên Facebook, bà Thái cho rằng những tin tức giả mạo từ bên ngoài Đài Loan, đã làm tổn hại đến nền dân chủ của hòn đảo, gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử.
Trong một bài diễn văn hôm 10/10, bà Thái cảnh báo: “Cho dù đó là việc truyền bá những thông tin đánh lạc hướng, hay [hành động] bất hợp pháp đạt được những tin tức khoa học và kỹ thuật, gây tổn hại nghiêm trọng hệ thống an ninh thông tin, can thiệp vào quá trình bầu cử, hoặc can thiệp vào các hoạt động của chính phủ, nếu có bằng chứng tội phạm không thể chối cãi, thì những tên thủ phạm sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng”.
Luôn xem hòn đảo tự trị là một phần lãnh thổ của mình, Trung Quốc đã gia tăng áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Đài Loan. Bắc Kinh từ chối cấp visa cho du khách Trung Quốc đến Đài Loan. Trong khi đó, mối quan hệ của Đài Bắc với Washington là gần gũi nhất trong hơn một thập kỷ qua. Mỹ cũng tận dụng các vấn đề liên quan đến Đài Loan trong cuộc chiến giành quyền thống trị toàn cầu, với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tận dụng sự thất bại lớn của DPP, Bắc Kinh hiện đang ở vị thế để mở rộng ảnh hưởng của họ đối với Đài Loan, ông Plan nhận xét.
Ông Plan cho rằng trong khi Trung Quốc mới tìm cách gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở nước ngoài thông qua tin tức giả mạo hoặc thao túng phương tiện truyền thông xã hội, Bắc Kinh coi Đài Loan là một “thực thể có chủ quyền”.
Theo ông Plan, “Đài Loan là một trong những mục tiêu chính cho hoạt động mạng có mối liên hệ với Trung Quốc. Cho đến nay, điều này chủ yếu là gián điệp mạng, nhưng khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động thông tin của riêng mình (sử dụng internet và truyền thông xã hội để gây ảnh hưởng), chúng tôi cho là mục tiêu chính cũng sẽ là Đài Loan”.
Một tuần trước ngày bỏ phiếu, phát ngôn viên Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoquang) của Văn phòng Đặc trách Đài Loan của Trung Quốc, đã sử dụng một cuộc họp báo thường lệ để phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào như vậy. Bà Mã thậm chí quay sang chỉ trích đảng DPP của Tổng thống Thái Anh Văn.
“Mọi người đều biết rằng chúng tôi chưa bao giờ can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan. Đảng Dân chủ Tiến bộ cố tình gây ra sự hiểu lầm giữa những người dân ở cả hai phía eo biển Đài Loan, làm sâu sắc thêm sự thù địch và phá hoại các mối quan hệ qua eo biển, vì lợi ích bầu cử của chính họ”, bà Mã ‘cao giọng’.
Theo ông Plan, Bắc Kinh có một quá khứ đã được chứng minh trong việc can thiệp vào các hệ thống dân chủ của các quốc gia, nơi mà Trung Quốc có lợi ích kinh tế. Dẫn chứng ví dụ về cuộc bầu cử gần đây của Campuchia, ông Plan cho rằng rõ ràng Bắc Kinh đứng đằng sau những động thái nhằm duy trì quyền lực cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người có khuynh hướng ủng hộ Bắc Kinh.
Ông Plan cũng cảnh báo rằng các vụ tấn công mạng tương tự có thể sẽ xảy ra tại một số nước châu Á, với các cuộc bầu cử sắp tới, bao gồm Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Úc và Indonesia.
“Trung Quốc đã đẩy mạnh bộ máy gián điệp mạng của mình trên toàn khu vực. Bất kỳ quốc gia nào trong [Sáng kiến] Vành đai và Con đường, cũng có thể bị ảnh hưởng”, ông Plan nhận định.
Theo ông Plan, chiến thắng bất ngờ năm nay của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, là một ‘tiếng chuông cảnh tỉnh’ đối với Bắc Kinh.
Duy Nghĩa.
No comments:
Post a Comment