Friday, November 30, 2018

LYCEE PETRUS KY HỌP MẶT KỶ NIỆM 90 NĂM

Tô Văn Cấp
(Bài do Lê Anh Dũng chuyển)
blankblank
            Kính Thưa Quý Thầy Cô Và Đồng Môn L.P.K
         
Tấm hình trên chụp ngày 7/2/2015, họp mặt kỷ niệm 40 năm (1975-2015) tỵ nạn CS. Tấm hình dưới chụp ngày 17/11/2018, họp mặt kỷ niệm 90 năm (1928-2018) Trường được mang danh Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký. (L.P.K). Tuy không gian và thời gian khác nhau, nhưng tinh thần “Bảo Tồn danh xưng L.P.K, “Tôn Sư Trọng Đạo”, “Huynh Đệ Tương Kính” thì mãi mãi vẫn thế, chỉ có điều đáng tiếc là trong thời gian 3 năm đã có một vài “Sư Huynh Đệ” đi vào cõi phúc. Năm 2015 quý vị ấy còn hiện diện trong tấm hình thứ nhất nhưng nay, 11/2018, không còn nữa, trong số đó có Thầy Nguyễn Thanh Liêm (H1 hàng ngồi, thứ bẩy từ trái qua). Tôi tin rằng quý vị ấy có đến nhưng ngồi trên cao nhìn xuống để yểm trợ cho tinh thần L.P.K ngày càng  đầm ấm, đoàn kết hơn.

Trong ngày họp mặt 90 năm, một đại sư huynh là Trần Hữu Vinh, rất tráng kiện ở 92 tuổi, “Cụ” mang theo tấm hình chụp L.K.P cách nay gần 80 năm, tấm hình thật đáng quý vì có ghi chú rõ ràng, chi tiết này khiến tôi ngắm kỹ dung nhan các Thày Cô và Sư Huynh Đệ trong hai tấm hình họp mặt ở trên, mong nhận diện được đầy đủ, ít nhất là quý Thầy Cô với hy vọng 10-20 năm nữa, trong những lần họp mặt, vẫn nhận ra dòng tộc “L.P.K”, cúi đầu chào, cùng bắt tay mà không cần hỏi: “Ai đây”?

Lòng vòng vài dòng tâm sự vụn chỉ với ước mong những lần họp mặt trong tương lai, quý thầy cô và các đồng môn tới dự đông hơn, có những tấm hình đẹp và ghi chú đầy đủ hơn để “triển lãm” trong ngày kỷ niệm 100 năm, 120 năm...Còn bây giờ tôi xin trở lại ngày họp mặt kỷ niệm 90 năm L.P.K.

Lý Lịch Ngôi Trường*
Trường chưa có bản “lý lịch” chính thức do các Thày Cô và  Sư Huynh Đệ soạn thảo nên tôi xin tạm tóm tắt vài chi tiết về ngôi trường thân yêu:
-Năm 1925, Toàn Quyền Pháp Đông Dương là Renaul Robert ký nghị định cho xây trưởng.
-Trường xây dựng năm 1926-1927 do Kiến Trúc Sư Hebard De Villeneuve.
-Ngày 11/8/1928, Thống Đốc Nam Kỳ Blanchard De La Bross đặt tên cho trường là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký (Lycée Pétrus Ký), đồng thời đặt bức tượng bán thân của nhà Bác Học ngay giữa sân trường.
-Sau 30/4/1975, tuy kiến trúc ngôi trường vẫn đứng vững nhưng lý lịch đã bị thay đổi, tượng bán thân nhà Bác Học Pétrus Ký cũng bị di dời ra khỏi ngôi trường!
(*Những chi tiết trên có thể không đúng nên tôi uớc mong quý Thầy Cô và Sư Huynh Đệ, (nhất là hai hội L.P.K Nam Bắc CA) đóng góp ý kiến và tài liệu để chúng ta sớm có một bản “lý lịch” về ngôi trường rõ ràng và đầy đủ hơn, là tài liệu chính thức để tham khảo).

Tôi xin quay lại ngày họp mặt kỷ niệm 90 năm:
Đã có 17 thày cô đến tham dự, đó là:

Bà quả phụ Nguyễn Thanh Liêm Cô Nguyễn Thị Phương, Cô Hồ Thị Hiệp, Cô Lưu Kỳ Nam, Cô Nguyển Thị Đoan Trang, Cô Phan Thu Yến.
          
Về phần các Thầy thì gồm có: Thầy Dương Ngọc Sum, Thầy Đặng Quốc Khánh, Thầy Châu Thành Tích, Thầy Vũ Trọng Thu, Thầy Lê Tiến Đạt, Thầy Nguyễn Hữu Phước, Thầy Trần Hữu Tắc, Thầy Trần Văn Thưởng, Thầy Nguyễn Văn Sâm, Thầy Nguyễn Minh Trí, Thầy Nguyễn Lộc Thọ.
          
Sau nghi thức khai mạc, (chào quốc kỳ Việt Mỹ, một phút mặc niệm), tới phần chào mừng quan khách, trình bày về ngôi trường của hai vị Hội Trưởng L.P.K Nam Bắc CA (đồng trưởng ban tổ chức).
          
Trong thành phần tham dự của quan khách, thực ra chẳng có quan mà cũng không có khách mà chỉ là thân hữu các trường bạn như Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) có anh chị Đặng Kim Thu  và 1 bàn các anh chị Chu Văn An, Trưng Vương, tôi hướng về phái đoàn Lê Văn Duyệt để mong thấy một hình bóng quen đã 50 năm chưa gặp. Còn phái đoàn Gia Long (G.L) thì khá dông, hình như rất nhiều L.P.K và G.L kết nghĩa “anh em” nên các chị đến với tất cả tấm lòng và lời ca tiếng hát. Xin đa tạ quý thân hữu trường bạn. blank
(H. Ban hợp ca L.P.K)
 
Cũng như bất cứ buổi họp mặt nào của Cộng Đồng Người Việt ty nạn CS ở hải ngoại đều bắt đầu bằng nghi thức chào Quốc Kỳ Việt Mỹ. Nghi thức khai mạc của Hội L.P.K không có lễ rước đón và tiễn đưa Quốc Quân Kỳ như các hội đoàn quân đội, nhưng vẫn có Quốc Kỳ Việt Mỹ trên “khán đài”. Điều đáng ghi nhận ở đây là thành phần hát Quốc Ca, tôi không có ý so sánh với các hội đồng hương hay học đường khác, cũng không có ý nghĩ khen “mèo dài đuôi”, nhưng phải thành thực phục các bạn trẻ trong ban hợp ca đã không mắc một khuyết điểm rất nhỏ nào, nếu không muốn nói là rất hay đẹp.

Điều làm chúng tôi cảm động “nhớ về ngày ấy năm xưa” là ban hợp ca trong đồng phục quần xanh áo trắng tuổi học trò L.P.K, dù rằng có rất nhiều thứ “sĩ” trong ban hợp ca này. Tôi hỏi nhỏ một “ca sĩ” có nghề nghiệp cũng là hai ba thứ “sĩ” khác:
-Sao các bạn lại chọn đồng phục học trò?
-Thưa anh, dưới mái trường, trước mặt thầy cô, và các huynh, chúng em mãi mãi vẫn chỉ là học trò. Anh nhìn về cuối phòng mà xem, vài đại sư huynh (CTTC) ra trường năm 1944-1948, từng là một “sĩ” lớn trong quân đội, mà vẫn ngồi phía sau các thày, dù thày trẻ hơn trò.
-Đó là cái đẹp đúng nghĩa của Tôn Sư Trọng Đạo.
          
Trong chương trình văn nghệ, ngoài nhiều tiết mục đơn ca tân cổ nhạc, phần trình diễn các bản nhạc đấu tranh của Liên Hội Nam-Bắc CA, trong đồng phục học trò, mới đáng chú ý, ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Các bạn trẻ tay nắm vung cao, gào to:
 -“Việt Nam Tôi Đâu?”, “Trả Lại Cho Dân…”
Chúng tôi có cảm tưởng như các bạn trẻ đang hét vang:
-“Trả lại cho tôi... cái tên trường L.P.K…”.
Nếu đúng như vậy thì tuổi trẻ đang thay thế nhiệm vụ những đàn anh đi trước mà không thực hiện được, những đàn anh nay đang ngồi thở dốc:
-“Chí tuy còn mang tiến bước, nhưng sức không kham nổi đoạn trường”!
 Tiết mục quan trọng nhất trong các buổi họp mặt là tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo”. Ban tổ chức mời các thày cô ngồi để các trò đứng sau lưng, không phải phòng hờ “thầy ngã đã có em nâng” mà để xin chụp chung với các thày cô một tấm hình, xin kính tặng thầy cô những bông hồng.

Riêng “Ngũ Sĩ*” Phạm Gia Cổn, kiêm Chưởng Môn Phái Hoàng Hạc Khí Công thì ước mong sao các thày cô luôn dẻo dai mạnh khỏe mãi nên chàng mang kính biếu mỗi thày cô 1 DVD luyện tập khí công. 
blank
 “*Ngũ sĩ”? Dù chàng là bác sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, võ sĩ và binh sĩ nhưng khi mang những DVD tặng quý thày cô thì chàng tự nhận mình là “binh sĩ”, là Nhẩy Dù Cổn để kêu thêm một đồng đội “binh sĩ” khác là Thủy Quân Lục Chiến Cấp bưng khay DVD theo chàng để còn rảnh tay cầm mi-cờ-rô kính thưa:
-Kính thưa quý thày cô: Hôm nay trò mang đến tặng mỗi thày cô 1 DVD Hoàng Hạc Khí Công. Tuy có 17 thày cô, nhưng trò chỉ mang có 16 DVD thôi. Riêng Thày Sum và Cô Hiệp thì cùng tập chung với nhau cho mau kết quả.
Cũng cần nói thêm ngay là ngoài việc võ sĩ Cổn tặng Hoàng Hạc Khí Công tới quý thầy cô thì nhạc sĩ Phạm Gia Cổn còn thổi kèn giúp vui cho đêm văn nghệ. Khi “danh ca” Ngô Bá Định hát thì được khán thính giả tặng hoa hồng ôm không hết, còn khi nhạc sĩ Cổn thổi kèn thì không có một bông hồng cầm tay! Đơn giản chỉ vì hai tay chàng còn bận cầm kèn. Để an ủi nhạc sĩ, khi chàng vừa bước xuống thì một nụ hồng “biết nói” chờ sẵn để tặng phu quân một nụ hôn thắm thiết khiến những đồng môn già ngồi quanh đâu đó liếc trộm thấy mà ngẩn ngơ tủi thân bèn nhủ thầm: “Kiếp sau ta cố học làm nhạc sĩ”.

Một chi tiết làm tôi ngạc nhiên là trong số các trò quần xanh áo trắng thaqm dự đại hội thì thành phần thuộc niên khóa 1968-1975 khá đông, họ gắn kết với nhau như một gia đình dù ở nhiều địa phương khác nhau, họ đến từ Đức, Pháp, Canada, Arizona, Seatle. Điều gì khiến các bạn trẻ liên lạc chặt chẽ với nhau như vậy? Có lẽ cùng có một kỷ niệm “niềm đau nhớ đời”: vừa tốt nghiệp xong thì mất nước mất trường!
blank
Tôi hân hạnh có một kỷ niệm vui với các anh em này, trong ngày họp mặt các “anh em” đã cho tôi trẻ lại 50 năm (1968-2018), “trẻ mãi không già, còn gì vui hơn!

Tết Mậu Thân 1968, Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (Trâu Điên) chúng tôi thanh toán những ổ đặc công VC trong khu vực chùa Ấn Quang, các đường Bà Hạt, Vĩnh Viễn v.v..Ở đây chúng tôi bắt được tên đặc công VC tên là Bảy Lốp, trong người hắn có một bản đồ ghi các mục tiêu cần đánh phá, trong đó có thành “Ô-Ma” của Cảnh Sát, khu trưởng đại học Khoa Học và Petrus Ký, chúng tôi giải giao ngay tên Bảy Lốp cho Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, còn tôi được lệnh kéo về trải quân phòng thủ từ đường Trần Bình Trọng, Thành Thái, Nguyễn Hoàng và Cộng Hòa, bao quanh trường L.P.K để ngăn chặn VC xâm nhập đánh phá khu vực này.

Tôi cố tình chọn vị trí đóng quân Ban Chỉ Huy ngay gần cửa trường L.P.K để ngắm nhìn các học sinh, hình bóng của mình năm xưa. Trước và sau giờ tan học, các chú bé không sợ lính mà đến chỉ trỏ, tò mò hỏi về súng đạn, có em còn xin cầm cây M16 xem nó nặng hay nghẹ. Tôi hỏi các em học lớp mấy? Các em nói học lớp Đệ Thất. Tôi hỏi em có dám bắn súng không? Các em cười khoái chí, tiếng cười hồn nhiên của tuổi trẻ với vẻ nghịch ngợm làm tôi hạnh phúc, tôi nhớ lại năm 1955, tôi cũng lớp Đệ Thất như các em nhưng tôi nhút nhát hơn nhiều. Tôi không biết có em nào ngày đó (1968) có mặt trong tấm hình dưới đây (17/11/2018) không?
Cám ơn các bạn trẻ đã cho huynh chụp ké một tấm hình. 
blank
Hình các đệ 1968-1975 và hai huynh (55-62):
L-R: Nguyễn Đại Anh Minh, Tôn Tường Văn, Nguyễn Cao Cường, Tô Văn Cấp (55-62), Vũ Duy Quang, Trần Văn Nam (55-...), Dương Thiện Thuật, Quách Đại.

Sau khi thầy Vũ Trọng Thu đại điện các giáo sư lên sân khấu chào mừng quan khách và khuyên bảo các trò thì đến trò Tô Văn Cấp đại diện các học sinh lên nói lòng biết ơn đến quý thày cô.

Kỷ niệm 90 năm mà ban tổ chức cho tôi nói trong 3 phút, tính nhẩm thì 1 năm được nói 2 giây, với 7 năm học thì tôi có 14 giây để nói lời cám ơn!

Để kết thúc bài viết này, em (tôi) xin phép được nói thêm cho rõ hơn những gì đã trình bày trong buổi họp mặt 17/11/2018.
                                        ***
blank
Kính thưa quý Thày  cô cùng quý đồng môn.

Em (tôi) là Tô Văn Cấp LPK 55-62, được anh em trong BTC có nhã ý cho tôi lên đây trước là để kính chào quý thầy cô cùng đồng môn, kính chào các thân hữu trường bạn, sau là kể lại một vài kỷ niệm buồn vui đời học sinh LPK.

90 năm qua, có biết bao học sinh L.P.K đã thành công và thành danh, nhưng nhiều hơn là có quá nhiều cựu học sinh L.P.K đã “thành thần”, tuy các anh linh các từ sĩ ấy không ngồi đây họp mặt với chúng ta nhưng những vị ấy vẫn ở trên cao quanh đây, trên bàn thờ này để phù hộ chúng ta đoàn kết và giữ mãi tinh thần Petrus Ký.

Cách nay 64 năm, tôi-chú bé con, theo đoàn di cư 1954, từ Bắc vô Nam, tay không cầm bó rau, không có sợi dây xích.. đã nạp đơn thi vào lớp Đệ Thất niên khóa 54-55 và may mắn... ngáp phải ruồi nên đã được một chỗ ngồi trong số hơn 7 ngàn thí sinh dự thi mà chỉ tuyển có 320.

Lớp Đệ Thất B1 của tôi có 45 học sinh nhưng chỉ có mình tôi là Bắc Kỳ “rau muống” nên chịu quá nhiều cay đắng giữa đám “quỷ ma học trò” (giá sống). Sau vài tuần nín khóc, tôi chịu hết nổi sự chọc ghẹo nhạo báng “BK ăn cá rô cây” nên tôi đành phải bỏ học, nhưng bố tôi bảo:
-“Nhà mình nghèo không có tiền cho con học trường tư, con ráng học trường công đi, với lại trường L.P.K là trường nổi tiếng lắm đó”.

Thế là tôi ráng chịu đựng, suốt năm Đệ Thất tôi luôn đội sổ ở con số  44-45 nhưng rồi cũng vượt qua 7 năm khó khăn để thi đậu Tú Tài 2B năm 1962. Có “tú đúp”, tôi đi Võ Bị, tốt nghiệp Võ Bị tôi tình nguyện về Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến. Tuy không thành công mà cũng chẳng thành danh, không làm tròn phận sự của một học sinh gốc L.P.K, của một quân nhân. Sau 13 năm lính, 10 năm tù VC, tôi vẫn là L.P.K và may mắn được đến đây để trình diện thầy cô cùng đồng môn là may mắn lắm rồi trong khi các bạn cùng lớp Đệ Thất B1 năm ấy với tôi thì không có ai đến đây cả. Không biết họ tản mác nơi đâu, nhưng tôi biết rõ một số bạn cùng vào Khóa 19 Võ Bị với tôi năm 1962 thì đã có 17 bạn hy sinh vì Tổ Quốc!

Vậy thì sau 90 năm, đã có biết bao cựu học sinh L.P.K trở thành “Thần”, là “Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân”, nhiều nhiều lắm. Những tử sĩ TQLC như Tr/Tá Lê Hằng Minh, Th/Tá Dương Hạnh Phước, Th/Tá Đinh Xuân Lãm, Đ/Úy Phạm Ngọc Điệp, Đ/Úy Ngô Văn Mẹo, Đ/Úy Cổ Tấn Tịnh Châu,  hàng trăm tử sĩ TQLC khác cũng là cựu L.P.K đấy! Ngày hôm nay chúng ta không quên xin dâng lên các anh linh nén hương lòng.

Được học L.K.P là niềm hãnh diện của tôi nên buồn ít vui nhiều.

Buồn vì quá nhiều cựu L.P.K đã hy sinh trên chiến trường mà vẫn không ngăn nổi “Cuồng Phong Gió Chướng” khiến bức tượng nhà Bác Học Trương Vĩnh Ký bị ra khỏi ngôi trường thân yêu! Không biết hiện nay “Cụ Ký” đang ty nạn nơi đâu?
          
Vui thì quá nhiều, vì đó là đời sống của đám: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Làm sao nói cho hết khi chỉ có 3 phút nên tôi chỉ xin kể một vài kỷ niệm vui với thầy:
    -Thầy Phạm Văn Ba dậy Pháp Văn bắt tôi đọc “đích-tê”, khi đọc đến chữ buổi sáng, tôi phát âm là “ma-tanh”, thế là cả lớp họ vỗ tay, đập bàn cười nghiêng ngả, cả Thầy Ba cũng cười, tôi ngơ ngác không hiểu gì cả. Vì trước khi “zô Nam”, tôi học trường Ngô Quyền (Hải Phòng), tiếng Pháp phát âm buổi sáng là “ma- tanh”, bàn tay là “manh” thì cớ sao cười nhạo báng tôi? Sau cùng thì Thầy Ba dậy tôi phải đọc là “ma-te”, “me”.
     -Thầy Thái Chí dạy Việt Văn, thày ở một mình trong một  “vi-la” cũ kỹ ó cái sân rất rộng, gần trường trung học Kỹ Thuật Cao Thắng (Đường Huỳnh Thúc Kháng SG). Có lẽ vị vậy nên thày nuôi rất nhiều “pets”, ngày Chúa Nhật chúng tôi đến thăm thầy thì tên nghịch ngợm Nguyên Xuân Thanh cắc cớ hỏi:
-Sao không có ai dọn những bãi... này vậy thày?                  
Thày mỉm cười, nói tỉnh bơ:
-Thày bận dọn bài cho trò, trò gưởn thì dọn bãi... cho chó đi.
Thế là chúng tôi tay chổi, tay xẻng đi dọn (hốt) một cách rất vui vẻ mà không để ý đến những cặp chữ đối mà thày dùng: “Thày-trò, bận-gưởn, bài-bãi, trò-chó...”. Thày dọn bài cho trò, thì trò dọn c.. cho chó! Ôi chua xót cái “đầu trò” đối lại với cái “đuôi chó”!

Còn Thày Tạ Ký, khi vào lớp, thầy thấy trên bảng đen có trò nào đó vẽ một bao gạo kèm theo ghi chú: “100 Kgs”, thầy gật gù ra điều hài lòng rồi quay xuống nhìn đám “quỷ ma học trò” khen một câu: “giỏi”. Tên học trò “giỏi” này chính là Nguyễn Xuân Thanh, có lẽ hắn ỷ là con cháu thầy giám thị Tập nên hắn phá tàn trời, nó còn dám gọi thầy giám thị Tập là “Bơ-Tí-Xồi”.

Đó là chuyện xưa, xin nhắc chuyện gần đây:
Trong buổi họp mặt tối 8 tháng 12/2012 thầy Nguyễn Thanh Liêm đã khen lớp hậu sinh bằng câu:
“Mi sinh tiền, tu sinh hậu, tiền sinh bất nhược, hậu sinh trường”.

Tối nay 17/11/2018, tôi cũng xin cọp-dê ý của thầy để kết thúc 3 phút kể chuyện buồn vui LPK và ghi chú thêm ý rằng:
“Mi” là lông mi nhưng có thể hiểu là “me” (tiếng Mỹ), “tu” là râu nhưng có thể hiểu là “tu” (anh, tiếng Pháp)
Hậu sinh khả úy: Các bạn trẻ Pétrus Ký trong ban tổ chức giỏi quá, trong các bạn có quá nhiều “sư & sĩ”, nhưng khi họp mặt dưới mái trường, các bạn chỉ nhìn thấy Thày và trò thật đáng quý, tâm phục khẩu phục các bạn./.

Kính chào quý thày cô và quý đồng môn LPK
Xin cám ơn quý vị nam nữ cựu học sinh các trường Lê Văn Duyệt, Gia Long, Trưng Vương, Chu Văn An, Nguyễn Trãi đã đến vui với L.P.K và nghe tôi “lải nhải”./.
Tô Văn Cấp LPK 55-62.

55 Năm Rồi Mới Gặp!


1_Tang Le John A House II at Arlington Cemetery 9.27.20182_Tang Le John A House II at Arlington Cemetery 9.27.2018. pic 2
51 năm sau ngày tử trận, nghi lễ an táng  phi công  John A. House II cử hành sáng 27-9-2018 tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington.
3_Tang Le John A House II at Arlington Cemetery 9.27.2018. pic 3 Folding the US Flag (1)
Thiếu Tướng Edward D. Banta thuộc TQLC/HK, Chủ Toạ buổi lễ.
4_WASHINGTON DC 076. Ton. Phia sau la Amy. Fran. Eric va Susan (1)
Tác giả Phan Công Tôn và quan tài bạn cũ. Phía sau là Amy, Fran, Eric và Susan. 
***
Trước khi viết, tôi nghĩ đến việc đặt cái tên cho bài viết này. Tự dưng trong đầu tôi bật ra lời một bài hát rất quen thuộc của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên:
 
“Năm năm rồi không gặp.
Từ khi em lấy chồng.
Anh dặm trường mê mãi.
Đời chia như nhánh sông…
 
… Năm năm rồi trở lại.
Một màu tang ngút trời.
Thương người em năm cũ.
Thương goá phụ bên song …
 
Câu chuyện thật của cặp vợ chồng  bạn thân của tôi đã kết thúc đau buồn hơn.  Tuy cùng vì cuộc chiến Việt Nam, nhưng người “góa phụ bên song” trong chuyện thật này là bà vợ của một chiến binh Mỹ, thời góa bụa cũng dài hơn tới... 11 lần, so với 5 năm trong  bài “Chuyện Tình Buồn” kể trên.  Do vậy, tựa đề của bài viết này là: “55 năm rồi mới gặp”.
 
*
Tôi xin tóm tắt nội dung bài “Vùng Trời Quê Bạn”, phần đầu của truyện ngắn: “Năm mươi lăm năm rồi mới gặp”:

Năm 1963 tôi là một Thiếu Uý Thuỷ Quân Lục Chiến, được gởi đi dự Khoá Căn Bản TQLC tại Trường TQLC/Hoa Kỳ ở Quantico, Virginia. Tôi có một anh bạn Mỹ cùng phòng rất thân tên là John A. House II, bạn bè thường gọi là Jack. Anh ta có một cô bạn gái người Hawaiian gốc Nhật, tên là Amy, một cô giáo Tiểu Học tại tiểu bang Oregon. Sau này, Amy xin chuyển về dạy tại Virginia. Khi Jack và Amy tổ chức đám cưới tại Baltimore, Maryland, tôi là người bạn duy nhất trong Trường được mời tham dự đám cưới và làm Rể Phụ. Chúng tôi trở thành một bộ ba rất thân thiết trong suốt khoá học. Sau khi mãn khoá, tôi về nước vào năm  1964, còn Jack thì học thêm một Khoá Phi Hành để trở thành một Phi Công Trực Thăng của TQLC/Hoa Kỳ.

Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua thư từ và gởi quà cáp cho nhau. Năm 1966 có hai tin vui, Jack được thăng cấp Đại Uý và Amy thì đang có bầu. Đầu năm 1967 Jack đưa Amy về Hawaii và theo đơn vị sang chiến đấu tại Việt Nam từ tháng 2/1967. Không Đoàn Trực Thăng của Jack đồn trú tại vùng phi trường Phú Bài, phía Đông Nam của thành phố Huế. Thời gian này tôi và Jack vẫn thường xuyên viết thư cho nhau. Hai đứa hẹn nhau, khi nào có phép thì sẽ cùng về thăm Sài Gòn và lên thăm quê Đà Lạt của tôi.

Nhưng chưa có phép, chưa có dịp đi chơi Sài Gòn và về thăm Đà Lạt như đã hẹn nhau, thì đùng một cái, trong một phi vụ hành quân chở Toán Trinh Sát vào vùng phía Nam phi trường Phú Bài, trực thăng của Jack đã bị hoả lực phòng không của Việt Cộng bắn hạ trong ngày 30 tháng 6/1967. Khi đó bên Hawaii, Amy vừa sanh cháu trai Eric mới được 28 ngày.

Sau ngày 30 tháng 4/1975 tôi bị đi tù “cải tạo” gần 10 năm dưới chế độ Cộng Sản. Khi được thả ra, tôi đã vượt biển 3 lần trong hai năm 1985 và 1986 nhưng không thành công. Lần thứ 4 vào tháng Giêng/1987 tôi may mắn vượt thoát và đến được Thái Lan. Tám tháng sau tôi được đi Mỹ và định cư tại tiểu bang Utah từ đó đến bây giờ.
 
*
Đến năm 1998 tôi bắt đầu viết truyện ngắn. Tác phẩm “Vùng Trời Quê Bạn” về Jack và Amy là truyện ngắn đầu tay của tôi. Đến năm 2012 tôi cho xuất bản Tuyển Tập Truyện Ngắn mang tên: “VÙNG TRỜI QUÊ BẠN”, đây cũng là tên của truyện ngắn đầu tiên trong tuyển tập có 10 truyện ngắn này.

Khi tôi có dịp nói chuyện với một số bạn bè người Mỹ và nói về câu chuyện của Jack và Amy qua truyện ngắn “Vùng Trời Quê Bạn”, họ rất thích truyện này và họ yêu cầu tôi dịch truyện này sang tiếng Anh để họ và gia đình họ được đọc câu chuyện rất hay và cảm động này. Đó là lý do vào năm 2015, tôi dịch truyện ngắn này với tên “Fatal Skies” và gởi hoặc trao tay cho một số đông bạn Mỹ quen biết. Sau khi đọc và qua chuyện trò, mọi người đều khen: câu chuyện rất hay và rất cảm động.

Và chỉ có thế!

Cho đến một ngày
 
Anh Trịnh Văn Muôn, một người bạn thân của chúng tôi tại Tiểu bang Utah, gia đình anh chị tổ chức đón “Giao Thừa Tây” tại nhà trong đêm 31 tháng 12 năm 2017. Anh chị mời vợ chồng tôi đến dự để chung vui với anh chị và tất cả con cháu, gồm khoảng 20 người đều tề tựu về đầy đủ.  Đặc biệt tại bữa tiệc này tôi gặp và làm quen với một người Mỹ tên là Kevin Wheeler (xin phép không tiết lộ tên thật). Kevin có người vợ Việt Nam, cô này ở gần nhà cùng quê với anh chị Muôn (Xã Phú Kiết, Huyện Chợ Gạo, Tỉnh Tiền Giang).

Vợ chồng Kevin nhận lời mời của anh chị Muôn và đã lái xe từ New Mexico tới Utah chiều ngày hôm trước. Vợ chồng tôi được sắp xếp ngồi chung bàn cùng vợ chồng Kevin cho nên suốt mấy tiếng đồng hồ, Kevin và tôi đã trao đổi với nhau qua nhiều vấn đề trong đời sống. Kevin cho biết đã phục vụ trong Cơ Quan An Ninh Tình Báo thuộc Quân Lực Hoa Kỳ và năm 1970 có qua Việt Nam và hoạt động khoảng 4 tháng trong vùng Dak To thuộc tỉnh Kon Tum. Và hơn 20 năm trong đời binh nghiệp, Kevin đã làm việc và đi qua 23 quốc gia khác nhau…

Khi Kevin hỏi tôi: tới Mỹ lần đầu tiên vào năm nào? Tôi có kể chuyện đi học tại Quantico, Virginia vào năm 1963 và có nhắc đến Jack và Amy; câu chuyện dính líu tới bài “Fatal Skies” mà tôi đã dịch sang tiếng Anh hơn 3 năm về trước. Tôi cũng nói cho Kevin biết, từ khi đến Mỹ vào năm 1987 (sau chuyến vượt biển lần thứ 4 đến Thái Lan), tôi có gọi về Trường Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Quantico, Virginia hai lần để hỏi tin tức về Amy, nhưng nơi đó không biết gì cả. Kevin cho tôi email address và yêu cầu tôi gởi bài Fatal Skies cho Kevin vì ngày hôm sau vợ chồng Kevin phải lái xe trở về New Mexico.

Hai ngày sau, qua email, tôi gởi bài Fatal Skies (cho Kevin đọc) và bài Vùng Trời Quê Bạn (cho bà xã Kevin đọc). Đợi gần cả tháng, sao không thấy Kevin ư hử gì cả, nên bà xã tôi mới gởi một email hỏi thăm vợ chồng Kevin xem có nhận được 2 bài tôi gởi xuống không? Ngày hôm sau (30 tháng 1/2018) tôi nhận được email của Kevin, ông ta phân trần là sau khi nhận và đọc được bài Fatal Skies, ông ta quá cảm động và đã tự nguyện lao vào “làm việc theo chuyên nghiệp” với mục đích là làm sao có thể tìm ra manh mối của Amy, đứa con trai và thân nhân của Jack, nếu có thể. Cũng giống như cả mấy chục ông bạn Mỹ mà tôi đã gởi bài cho họ đọc trước đây, họ chỉ khen: bài hay và cảm động, rồi … “nín khe”! Do đó, đối với Kevin, tôi cũng không dám “gợi ý” gì thêm cả! Vậy mà, “trời xui đất khiến” như thế nào đó, lần này tôi đã … “trúng tủ”! 

Qua email, Kevin gởi cho tôi một tấm hình của Jack, mới xem ảnh, tôi biết đây là … thứ thiệt rồi! Thêm vào đó là tin tức tóm lược phi vụ hành quân của Jack trong ngày 30 tháng 6/1967, Jack tử trận trong ngày hôm đó và hài cốt được tìm thấy hôm 25 tháng 6/2012; tên ba má của Jack cùng năm sanh và năm qua đời, tên hai người em của Jack và tiểu bang họ đang sống. Cuối cùng, cái tin làm tôi “nổi da gà” là số điện thoại và địa chỉ của Amy tại Kailua, Honolulu County, Hawaii! 

Trong ngày 30 tháng 1/2018, tôi phải “canh giờ”, vì Hawaii đi sau Utah 4 tiếng đồng hồ. Tôi gọi Amy hai lần, không ai bắt điện thoại cả, đành chỉ để lại lời nhắn với đầy hồi hộp và lo âu, không biết số phone này có đúng hay không? Mãi tới 9 giờ đêm, giờ Utah, Amy gọi lại. Sau khi hai bên hỏi và xác nhận ra nhau, cả hai đầu dây vang lên những tiếng rú  vui mừng lẫn những tiếng khóc nức nở, sụt sùi!

Đã hơn 55 năm rồi, bây giờ mới nghe lại giọng nói của nhau qua biết bao kể lể, tâm sự với biết bao thăng trầm, với biết bao kỷ niệm buồn vui của cuộc sống qua hơn nửa thế kỷ!
 
*
Trong hai tuần lễ đầu tiên sau khi Amy và tôi liên lạc được với nhau, chúng tôi thật là “túi bụi”! Amy và bà xã tôi cũng có nhiều dịp nói chuyện với nhau qua điện thoại, chúng tôi rất cảm động và quý mến Amy khi biết được rằng năm Jack tử trận, Amy là một goá phụ còn quá trẻ: mới 26 tuổi, vậy mà Amy không tái giá, sống cu ky như vậy cho đến bây giờ! (Năm nay, 2018, Amy đã trở thành “bà cụ” với 77 cái xuân xanh!). Nuôi con trai Eric ăn học và thành tài. Năm 2004 Eric 37 tuổi mới lấy vợ, tên Susan.

Qua Amy, tôi liên lạc được với Mark House, người em trai út của Jack. Năm 1963, khi Jack và Amy làm đám cưới, tôi là chú rể phụ và Mark chỉ là một cậu bé mới lên 10. Tôi và Mark thường liên lạc với nhau qua điện thoại và gởi hình ảnh cho nhau qua email. Năm nay, 2018, Mark (65 tuổi), vợ là Francis (mọi người thường gọi là Fran), hai vợ chồng có 3 cậu con trai 37, 34 và 30 tuổi. Gia đình Mark/Fran đang sống tại thành phố Pelham, tiểu bang New York.

Amy và Mark cũng cho biết thêm một tin thật là xúc động: Trong hình chụp chung với thân nhân ngày đám cưới của Jack và Amy vào năm 1963, có tất cả 11 người, gồm ba má, các chú, các cô, các dì của Jack; đến bây giờ, 8 người đã qua đời, kể cả cô phù dâu Ingrid Braren. Ba người còn sống là chú rể phụ Tôn, cô dâu Amy và Mark House, cậu em út của chú rể! 

Cũng qua Amy và Mark, tôi liên lạc được với Robert House (trong nhà gọi là Bob), Bob là em kế của Jack và là anh của Mark. Ngày Jack và Amy cưới nhau (17 tháng 8 năm 1963) Bob không về dự đám cưới được vì đang là chuyên viên điện tử trên chiến hạm chống tàu ngầm USS Bennington đang hoạt động trong vùng Biển Hoa Nam (the South China Sea).  Bob đã 76 tuổi (năm 2018), vợ là Judy, 72 tuổi; hai vợ chồng có cô con gái lớn 42 tuổi, đang sống ở San Diego và cậu con trai 35 tuổi còn độc thân, có nhà riêng cách nhà cha mẹ khoảng 15 dặm cùng thành phố Meridian, tiểu bang Idaho. 

Cũng qua Amy và Mark, tôi rất may mắn và thích thú được làm quen với cựu Trung Tá Mark D. Mariska. Ông thuộc Cơ Quan An Ninh Lục Quân Hoa Kỳ (The U.S. Army Security Agency) với nhiệm vụ cung cấp các tín hiệu và các tin tức tình báo điện tử cho các đơn vị liên hệ. Thời gian ở Việt Nam, ông đươc chỉ định về làm việc chung với Sư Đoàn 3 Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại phi trường Phú Bài từ tháng Giêng cho đến tháng 12/1967, lúc đó Ông mang cấp bậc Đại Uý. Vì đồn trú chung, nên từ tháng 2 đến tháng 6/1967 Ông và Jack trở thành hai người bạn chí thân.  Sau thời gian công tác trở về căn cứ Phú Bài, họ thường bù khú với nhau tại các Bar của đơn vị qua các tiệc tùng và cốc rượu. Nhân dịp sinh nhật của Megan, con gái của Mariska (ngày 4 tháng 5 năm 1967) và của Eric, con trai của Jack (ngày 2 tháng 6 năm 1967) họ làm tiệc ăn mừng chung với nhau … 

Từ năm 1972, Mariska không còn đảm nhiệm các chức vụ trong Lục Quân và chuyển qua phục vụ Vệ Binh Quốc Gia và Trừ Bị trong 19 năm. Ông giải ngũ vào tháng 8/1991 sau 29 năm phục vụ. 

Tôi và Mariska thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại và email. Vào ngày 26 tháng 2/2018 tôi nhận được một tập tài liệu dày 120 trang cỡ 21.5 x 28 cm do Mariska gởi đến từ thành phố Stamford thuộc tiểu bang Connecticut (nơi ông và gia đình đang cư ngụ).

Trong tập tài liệu này ông đã viết, sưu tập và đúc kết những tài liệu thật là cụ thể, chính xác do các nhân vật có liên quan đến Jack qua quân vụ, những quân nhân thuộc Tiểu Đội Trinh Sát và viên Phi Công Phụ trong cùng chuyến bay với Jack, nhưng còn sống sót. Họ đã viết các chi tiết trong “chuyến bay định mệnh” đó! Ngoài ra, ông có thêm vào trong tập tài liệu này bài “Fatal Skies” (bài “Vùng Trời Quê Bạn” do tôi viết lại bằng Anh ngữ).   

Trong thời gian khoảng 8 tháng, từ tháng 2 đến tháng 9/2018, qua Amy (cùng con trai Eric và cô dâu Susan), với hai em của Jack (Robert House & vợ Judy; Mark House & vợ Fran), với cựu Trung Tá Mark D. Mariska & vợ Kathy … Chúng tôi thường xuyên trao đổi tin tức với nhau qua đời sống hiện tại và những tin tức cập nhật hoá liên quan đến cái chết của Jack và 4 đồng đội cùng tử nạn trong ngày bị rớt trực thăng.

Ngoài Jack là Đại Uý Phi Công Trưởng, còn có thêm 4 đồng đội:

  1. Hạ Sĩ I Trinh Sát Glyn L. Runnels, 
  2. Hạ Sĩ I Trinh Sát Merlin R. Allen,
  3. Hạ Sĩ Trinh Sát John D. Killen, III, 4. Y tá Quân Y thuộc Hải Quân Michael B. Judd.   
Cả 5 bộ hài cốt này được tìm thấy ngày 25 tháng 6 năm 2012, tức là sau 45 năm, qua các toán Hợp Tác Chung của Hoa Kỳ và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đi tìm “Quân Nhân Mỹ bị Tử Trận/Mất Tích tại Việt Nam.

Sau khi được thử nghiệm và kiểm chứng qua DPAA (The Defense POW/MIA Accounting Agency) và Armed Forces Medical Examiner System, cả 5 bộ hài cốt này được đưa về “The U.S. Army Central Identification Labatory” (Phòng Thí Nghiệm thuộc Cơ Quan Nhận Diện Trung Ương của Lục Quân Hoa Kỳ) tại tiểu bang Hawaii. 

Đến năm 2013, hai bộ hài cốt của Allen và Judd được giao lại cho hai gia đình liên hệ để được mai táng theo nghi thức vinh danh của Quân Đội.
 
Trong quan tài đặt tại Hawaii chỉ còn lại 3 bộ hài cốt của: Jack (tức Đại Uý John A. House II), Hạ Sĩ I Glyn L. Runnels Jr. và Hạ Sĩ John D. Killen III. (Chỉ có Jack là có thân nhân đến thử nghiệm và kiểm chứng, còn hai đồng đội kia không còn thân nhân hoặc gia đình đến kiểm chứng nên Bộ Quốc Phòng và Lực Lượng Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ quyết định: cả ba hài cốt này được nằm chung trong một quan tài và sẽ được mai táng chung cùng một lúc).  

Mấy tháng đầu năm 2018, Amy, các em của Jack và cựu Trung Tá Mariska cho tôi biết ngày làm lễ mai táng ba bộ hài cốt khi thì tháng 6, rồi tháng 7, rồi tháng 8 … Nhưng chính xác là vào ngày 18 tháng 6/2018 tôi mới nhận được email của các người liên hệ nói trên thông báo: đã được Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ chính thức xác nhận ngày làm lễ mai táng hài cốt của Jack và hai đồng đội đúng vào ngày thứ Năm, 27 tháng 9 năm 2018 tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington lúc 9 giờ sáng.   

*
Ngày chúng tôi hồi hộp, xúc động và trông chờ… đã đến!

Thân nhân, bạn bè thuộc các gia đình liên hệ từ các tiểu bang khác nhau như Hawaii, Utah, Idaho, Connecticut và New York đã tề tựu về đầy đủ tại Washington, D.C. từ ngày 25 cho đến 30 tháng 9/2018.

Theo chương trình, từ lúc 7 giờ sáng ngày 27 tháng 9/2018, mọi người tập trung tại tiền sảnh của khách sạn “Sheraton Pentagon City Hotel”.

Đến 8:30 AM rời khách sạn Sheraton. Gần 80 thân nhân và bạn bè được hai xe buýt do Ban Tổ Chức Tang Lễ cung cấp, chở đến khu vực hành lễ ở nghĩa trang Arlington (thời gian lái xe khoảng 20 phút).

Khi đoàn xe đang chạy trong khu nghĩa trang Arlington rộng lớn, hai bên là hàng hàng lớp lớp các mộ bia trắng xoá trải dài mút mắt, có một lúc đoàn xe tạm ngừng lại trước Nhà Quàn của Nghĩa Trang, để các thân nhân trực hệ của các quân nhân quá cố trong lễ mai táng này, xuống xe, tập trung lại để được Giám Đốc Nghĩa Trang Arlington chia sẻ niềm xúc động trong tang lễ và gởi đến tận tay mỗi người một cuốn sách nói về lịch sử và sinh hoạt của nghĩa trang Arlington.

Khoảng 10 phút sau, đoàn xe tiếp tục chạy đến một địa điểm có chiếc xe Limousine chở quan tài đang đợi sẵn. Sáu quân nhân TQLC/HK chuyển quan tài từ xe Limosine qua xe thổ mộ, xe này có 6 ngựa kéo và 3 quân nhân TQLC/HK ngồi trên lưng ngựa điều khiển. Lúc này, theo đúng chương trình, có 2 chiếc máy bay cánh quạt của TQLC/HK bay qua bầu trời trên vị trí đang hành lễ chuyển quan tài.

Tiếp theo, đoàn Quân Nhạc của TQLC/HK với hơn 20 nhạc công trong quân phục áo đỏ, quần trắng và một Trung Đội Dàn Chào có súng với hơn 34 quân nhân TQLC trong quân phục đại lễ: nón casquette trắng, áo đen, quần trắng. Hai toán này rời sân cỏ đang đứng để chuyển đến vị trí trước xe thổ mộ (đoàn Quân Nhạc đi đầu). 

Đoàn quân dự tang lễ bắt đầu tiến bước, đi đầu là các Sĩ Quan hướng dẫn, sau đó là toán thủ Quốc Quân Kỳ, đoàn Quân nhạc, Trung Đội Chào Kính, các Sĩ Quan Quân Lễ đi trước xe thổ mộ, 6 quân nhân TQLC bước theo sau xe thổ mộ và sau cùng là đoàn xe của phái đoàn dự tang lễ.

Hôm nay bầu trời D.C. u ám và khi đoàn xe đi gần tới vị trí hành lễ, trời bắt đầu đổ mưa, cơn mưa nhẹ chớm Thu của miền Đông nước Mỹ. Tôi hình dung những giọt mưa đang thay cho nước mắt, khóc cho cái buồn của tang lễ đầy xúc động này! 

Tại vị trí hành lễ, một cái lều đã được dựng lên, trong lều chỉ có hai hàng ghế xếp, dành cho một số thân nhân trực hệ của những người quá cố. Phía trước lều, bên trái, có đặt hai vòng hoa tang của Không Đoàn Trực Thăng HMM 265 và của Lực Lượng Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ; bên dưới là 5 bảng trắng bọc plastic đen được dựng đứng trên thảm cỏ, mỗi bảng có ghi tên người quá cố với cấp bậc, đơn vị, ngày tử trận và ngày mai táng.

(Nước Mỹ quả thật xứng đáng là một nước văn minh và dân chủ đáng ngưỡng mộ! Các quân nhân có công trận với tổ quốc, không phân biệt cấp bậc, đều được ân thưởng qua những nghi thức trang trọng như nhau).  

Sáu quân nhân TQLC/HK nhịp nhàng khiêng quan tài từ xe thổ mộ vào đặt trong lều trước hai hàng ghế. 

Amy ngồi đối diện với quan tài nơi hàng ghế đầu, bìa bên phải, kế đó là Eric.

Nhìn quan tài của Jack. Rồi nhìn Amy với ánh mắt đăm chiêu và thật buồn. Tôi liên tưởng đến cảnh trở về của Jack qua bài hát “Kỷ Vật Cho Em”, thơ Linh Phương do Phạm Duy phổ nhạc:

“Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về.
… Anh trở về, anh trở về, hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa …”

Amy ơi! Jack đang trở về đó! Cái hẹn “mai mốt anh về” của Jack sao dài hun hút đến như vậy?!

Jack đang trở về với người vợ hiền, chung thuỷ qua hơn 51 năm trời chờ đợi.

Jack đang trở về với đứa con trai duy nhất mà Jack chưa hề gặp mặt.

Jack ơi! Hôm nay có đông đủ thân nhân và bạn bè đến đưa tiễn bạn. 

Có lẻ bạn đang vui lắm, có phải không?

Mưa ngừng rơi trước khi nghi lễ chính thức bắt đầu!

Thiếu Tướng (2 sao) Edward D. Banta thuộc TQLC/HK, đại diện cho Tư Lệnh TQLC/HK làm Chủ Toạ buổi lễ. Đại Uý Hải Quân Hoa Kỳ/Kiêm Giáo Sĩ, điều hành các nghi thức tôn giáo.

Sau các nghi thức hành lễ như vinh danh, lễ bắn 21 phát súng và kèn truy điệu cho các chiến sĩ đã hy sinh. Cuối cùng là lễ Thu Kỳ đang phủ trên quan tài.

Sau khi thu kỳ xong, lá Quốc Kỳ Hoa Kỳ đã được gấp lại thành hình tam giác, một vị Sĩ Quan trao lá cờ này cho Thiếu Tướng Chủ Toạ. Khi bước vào lều, Thiếu Tướng Edward D. Banta tới trước mặt Amy, quỳ xuống trên đầu gối phải và trân trọng trao lá Quốc Kỳ cho Amy. Sau đó, một vị Sĩ Quan khác cũng trao một lá Quốc Kỳ khác cho một phụ nữ, chị của Trinh Sát Viên Killen. Ngoài ra, các thân nhân trực hệ của những tử sĩ này, mỗi người còn được nhận một bản (plaque) cám ơn có chử ký của Đại Tướng Robert B. Neller, Tư Lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.  

Sau phần nghi lễ, mọi người luân phiên nhau lên đứng cạnh quan tài để cầu nguyện và chia tay với các tử sĩ.

[Mặc dù trong quan tài chỉ còn hài cốt của 3 chiến sĩ: John A. House II, Glyn L. Runnels Jr. và John D. Killen III, tuy nhiên, theo nghi thức, vẫn có bảng tên của cả 5 chiến sĩ tại địa điểm hành lễ và họ cùng được làm lễ vinh danh và truy điệu chung với nhau].

Sau đó Ban Tổ Chức đã hướng dẫn một số thân nhân đi thăm vị trí sẽ đào huyệt chôn quan tài, dự trù sẽ chôn vào chiều nay sau khi mọi người đã ra về. Tôi cũng đi theo tới xem vị trí mộ phần, cách vị trí hành lễ khoảng 100 thước, và ghi nhận được, đây là Mộ phần số 11865 trong Khu vực 60.

Khi đang bước trên bãi cỏ xanh mướt để trở lại vị trí hành lễ, tôi chợt nhớ lại sáng nay tại khách sạn Sheraton.  Điều làm tôi háo hức qua trông chờ, đó là dịp tôi được gặp lại Amy và Mark House sau hơn 55 năm xa cách! Không có gì so sánh được với niềm vui và nỗi xúc động trong dịp tái ngộ đầy kỳ thú này!

Cũng trong dịp này, lần đầu tiên vợ tôi mới được giáp mặt với Amy và Mark House. Và vợ chồng tôi, cũng là lần đầu tiên mới được gặp Fran, vợ Mark House và ba cậu con trai; Bob House và vợ Judy; và cựu Trung Tá Mark Mariska, dù đã quen biết nhau qua email và điện thoại từ hơn 8 tháng nay.     

Tại tiền sảnh của khách sạn Sheraton, chúng tôi có hơn một tiếng rưởi đồng hồ quây quần bên nhau qua những cái bắt tay, những lần ôm vồ lấy nhau, những câu hỏi ríu rít, những cái nhìn cho nhau diễn đạt niềm vui và nỗi xúc động. Và đặc biệt nhất là với những giọt nước mắt chan chứa buồn, vui với tràn đầy tình thương mến …

 Sau những vồn vã, rộn ràng với người thân của Jack, hình ảnh Jack như hiện về để cùng hoà nhập…   
  • Jack tử trận vào ngày 30 tháng 6/1967.
  • Hài cốt được tìm thấy ngày 25 tháng 6/2012, tức là sau 45 năm.
  • Quan tài được mai táng ngày 27 tháng 9/2018, tức là 51 năm sau   ngày tử trận.
  • Jack qua đời, để lại một vợ, Amy và một con trai, Eric. Cháu Eric sanh  ngày 2 tháng 6/1967, chỉ mới được 28-ngày-tuổi, ngày bố Jack qua đời!
 
Jack ơi! Dù có buồn đau, có tiếc thương, có luyến nhớ mỗi khi nghĩ đến bạn nhưng với kinh nghiệm của đời mình qua gần 80 năm, tôi dường như bất lực và đành phải tuân theo định mệnh mà Thượng Đế đã ban cho, đã tạo ra, đã sắp xếp cho mỗi con người của chúng ta trong cõi trần thế này!

Chúng ta, và ngay cả với những người chống tiêu cực hoặc chống yếm thế, cũng không làm được gì trong việc muốn xoay ngược hoặc đổi thay sự sống hay cái chết cho đời mình. Và cuối cùng, mọi người đành phải “nhắm mắt đưa chân” đi theo con đường số mệnh đã được Thượng Đế an bài!      

Nghĩ đến điều này, tôi cảm thấy nguôi ngoai hơn, trút bỏ bớt được gánh nặng đau buồn vì bạn, vì mọi người thân trong gia đình bạn và những bạn bè gần xa của bạn.   

Từ tiểu bang Utah xa xôi, vợ chồng tôi về đây tham dự lễ an táng của bạn tại nghĩa trang Arlington này. Suốt trong buổi lễ, hình ảnh bạn hiện về và phủ ngập ký ức của tôi. Tôi nói chuyện với bạn và cầu nguyện cho bạn. Lúc đặt bàn tay lên quan tài của bạn để chia tay, tôi đã thì thầm:

Jack ơi! Bạn chưa chết! Bạn vẫn còn đó. Bạn vẫn lái trực thăng. Bạn vẫn tiếp tục bay.

Bạn đang bay qua trái tim của Amy, của Eric và vợ cháu, của các em Bob, Mark House và vợ con họ; của thân nhân và bạn bè (kể cả Mark Mariska).

Mọi người đang nghĩ đến bạn với thật nhiều tiếc thương và nhung nhớ.

Và đặc biệt, trong lòng người bạn chí thân và đầy tình nghĩa này qua hơn 55 năm… bạn mãi mãi vẫn còn sống.

Và mãi mãi vẫn còn bay nơi vừng hồng rực sáng trong trái tim tôi!

Phan Công Tôn

Blog Archive