Vũ Phan
Bức tường Berlin được nhà cầm quyền cộng sản Đông Đức xây lên để ngăn người dân ở phía đông chạy trốn sang tây Berlin tìm tự do.
Lịch sử tồn tại của bức tường nổi tiếng này là từng là đề tài của nhiều câu chuyện hài hước trên thế giới.
Câu chuyện về những ngày bức tường mới được xây lên, nó chưa đủ cao lắm, nên dân Đông Đức tiếp tục tìm cách leo trèo vượt biên qua bên kia.
Có chàng trai ở phía đông tên Joachim quen cô bạn gái sống ở phía tây, từ ngày có bức tường anh không thể qua thăm người bạn gái yêu dấu của mình nên thấy rất buồn.
Nghe kể có nhiều người đã trèo qua bức tường đào thoát thành công, Joachim quyết liều mình. Vào một chiều nọ, sau nhiều ngày quan sát tìm tòi, anh đến gần đoạn tường còn thấp ở một khu vực khá vắng vẻ thuộc vùng ngoại ô đông Berlin, nhưng không may cho anh, những chỗ như vậy thì lại bị lính Đông Đức canh gác từ xa rất kỹ, nên khi bước gần đến để chuẩn bị trèo lên, một tay vệ binh bỗng xuất hiện chĩa súng vào anh, quát lớn nói đứng yên, một tay vệ binh khác chạy đến đè anh vào tường, tịch thu bóp đựng giấy tờ, bẻ tay anh ra phía sau và còng lại, rồi đưa lên chiếc xe nhà binh màu xám chạy về đồn cảnh sát cách đó khoảng hơn cây số.
Tại đây, Joachim bị dẩn lên tầng một của căn nhà lớn, cao ba tầng quét vôi vàng nhạt, vệ binh đưa anh đến căn phòng ở cuối hành lang, hắn ta mở cánh cửa gổ mầu nâu nặng nề và đẩy anh vào đó. Trong căn phòng lớn có một sĩ quan, đang ngồi vô tư lự bên chiếc bàn to, ông ta ra hiệu cho anh ngồi xuống cái ghế đối diện, nhìn vào thẻ căn cước và hỏi:
-Tên gì, tuổi?
-Tôi tên Joachim Foster, 28 tuổi
-Nghề nghiệp?
-Thầy giáo khoa văn chương
-Anh đến bên bức tường để trèo và đào thoát qua phía tây phải không?
Joachim thóang suy nghỉ, rồi trả lời:
-Không tôi đến đó quan sát xem nó có đủ cao chưa, nếu chưa thì tôi sẽ đề nghị thành phố xây cao thêm để “bảo vệ” dân cư phía đông
-Đó không phải là nhiệm vụ của anh, đã có đoàn công binh của quân đội lo rồi, vậy anh đến đó làm gì?
Joachim biết nếu bị kết tội trèo tường đào thoát, sẽ bị ở tù rất lâu, anh tìm cách “biện hộ”:
-À … tôi tính đến gần đó để cầu xin Thượng đế cho nó được bền vững lâu dài, đủ để “bảo vệ” đất nước của chúng ta …
Tay phó đồn nhăn mặt gạt ngang:
-Không cần có Thượng đế hay chúa trời ở đất nước anh hùng này, chúng ta có một quân đội vĩ đại là đủ làm cho kẻ thù khiếp sợ rồi!
Ông thầy giáo trẻ cảm thấy tình hình hết sức căng thẳng, bèn nghĩ đến “ngón nghề” văn chương của mình:
-A … tôi đến đó để có thi hứng làm bài thơ ca tụng công trình vĩ đại này vào buổi dạy sinh viên sắp tới
Tay phó đồn có vẻ chú ý, ông ta hỏi:
-Bài thơ anh định làm là như thế nào?
Joachim thấy có chút hi vọng le lói, ông ta cũng có chút máu mê văn chương, anh liền hoạt bát nói:
-Thưa ông, bài thơ của tồi viết sẽ là:
Bức tường dựng ở nơi đây
Nhờ công đại tướng ta xây xong vài ngày
Bên tây cứ ở bên tây
Bên đông khi nhớ, trèo qua vài ngày
Tay phó đồn thoạt nghe mấy câu đầu tỏ vẻ ưng ý gật đầu, nhưng câu sau làm ông ta nổi đóa bật dậy:
-Không được, anh phải sửa ý hai câu cuối lại cho tôi, bằng không tôi sẽ giam anh vào tù cải tạo…
Joachim nghe vậy hết hồn:
-Dạ, rồi tôi sẽ sửa lại:
Bên đông cứ ở bên đông
Bên tây khi nhớ, trèo qua vài ngày
Nghe xong, ông ta mỉm cười có vẽ dể chịu hơn:
-Đồng chí phải làm thơ như vậy để cho bọn tư bản bên phía tây thấy là họ cần chúng ta hơn là ta cần họ, chúng ta bên này chẳng thiếu thốn thứ gì, ta đâu cần thứ phồn vinh giả tạo của nền kinh tế tư bản có lẽ đang giãy chết đó …
Ông ta lên lớp cho thầy giáo trẻ vài bài học, còn anh chàng Joachim thì chịu khó ngồi nghe, thỉnh thoảng gật gù làm tay phó đồn hăng lên giảng thao thao bất tuyệt, ông ta thấy mình có oai khi preach cho một ông thầy dạy văn chương.
Sau khoảng nửa giờ, có lẻ cảm thấy đã đủ, ông ta nhấn cái nút ở góc bàn, cánh cửa phòng bật mở, hai lính vệ binh có vũ trang bước vào, ông phó đồn nói:
-Xét ra là anh vô tình đến gần bức tường, chứ không có ý định trèo qua bên kia, nên anh được tha, nhưng nhớ đừng đến gần đó nữa nhé
Joachim nhận lại bóp đựng giấy tờ tùy thân, gật đầu, cám ơn và vội vã theo tay vệ binh ra cửa, khi đến gần cuối hành lang, anh nghe tiếng ông phó đồn nói lớn:
-Này ông thầy giáo, dừng lại !
Joachim thấy “lạnh lưng” vì nghĩ ông ta đổi ý và không tha cho anh nửa, nhưng khi bước đến gần, ông ta ra hiệu cho hai tay vệ binh đi xuống tầng trệt trước, tay ông ta cầm cuốn tạp chí Văn học & Nghệ thuật của đoàn thanh niên tiền phong Đông Đức đưa cho Joachim và nói:
-Tặng anh về đọc nhé
Những câu sau người ta không nghe rỏ, chỉ thấy ông thầy giáo trẻ gật gù và hơi mỉm cười. Anh liếc nhìn cái tên K. Ludwig của ông ta trên nắp túi áo trên bộ quân phục mầu xanh xám.
Khoảng ba tuần sau, có hai người đàn ông Đông Đức vượt bức tường qua phía tây thành công, họ đến trình diện cảnh sát Tây Đức và bị thẩm vấn khá lâu, sau đó cả hai được tự do.
Trong hồ sơ người ta đọc được:
*Người thứ nhất:
-Tên: Joachim Foster. 28t
-Nghề nghiệp: Giáo sư văn chương
-Tình trạng cá nhân: Độc thân
-Địa chỉ trước đây: Đông Berlin
-Lý do vượt tường: đang yêu và muốn sống với cô bạn gái Rachel Aumann là công dân Tây Berlin
*Người thứ hai:
-Tên: Karl Ludwig. 27t
-Nghề nghiệp: Sĩ quan cảnh sát (khai thêm: trước khi gia nhập quân đội, là thợ cơ khí bậc cao)
-Tình trạng cá nhân: Có gia đình, nhưng đã ly dị
-Địa chỉ trước đây: Đông Berlin
-Lý do vượt tường: Muốn xem sự giãy chết của chế độ tư bản ở phía tây, nhưng cũng có ý định xin vào làm tại nhà máy sản xuất xe hơi và rất thích sở hữu một chiếc xe Mercedes hay Audi
Cả hai nguyện vọng đều được chính quyền Tây Đức chấp thuận.
Vũ Phan
No comments:
Post a Comment