Sunday, December 10, 2017

Dấu ấn tuần qua: Thành thật với Jerusalem, thành thật với lịch sử

Ưu Đàm/ Đại Kỷ Nguyên


Tổng thống Donald Trump ký một bản tuyên ngôn sau khi ông phát biểu về Jerusalem trong phòng tiếp tân ngoại giao của Nhà Trắng vào ngày 6/12/2017. (Ảnh: SAUL LOEB / AFP / Getty Images)
Nhiều lời chỉ trích và nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 6/12.
Người ta cảm thấy khó hiểu, vì sao đang yên đang lành ông Trump lại “rước vạ vào thân” khi quyết định thực hiện điều mà các tổng thống trước ông luôn tìm cách né tránh?
Một lý do được nhiều người đồng thuận, là ông Trump muốn hoàn thành lời hứa với cử tri trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái. Nhưng cách giải thích cho việc này lại có nhiều khác biệt.
Một số người cho rằng ông Trump cố gắng hoàn thành lời hứa đơn thuần chỉ để giữ lá phiếu ủng hộ từ những người gốc Do Thái hoặc những cử tri thân Do Thái.
Một số khác lại tin rằng đây là hành động chứng tỏ chuẩn mực đạo đức của ông Trump. Nhiều chính trị gia có thể hứa lấy được để lôi kéo cử tri, sau khi đắc cử sẵn sàng “quên” tất cả những lời hứa đó. Nhưng ông Trump không phải là loại người như vậy. Chúng ta có thể thấy ông luôn cố gắng thực hiện những lời hứa khi tranh cử của mình, từ vấn đề nhập cư đến việc xây bức tường Mexico…
Một lý do khác, đến từ chuyên gia Heather Hurlburt, cố vấn cấp cao tổ chức Mạng lưới An ninh quốc gia trụ sở tại Washington, là ông Trump cảm thấy không thoải mái khi cứ 6 tháng 1 lần phải đặt bút ký sắc lệnh trì hoãn để giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv.
Điều này bắt nguồn từ năm 1995, khi cả 2 đảng và 2 viện của Nghị viện Hoa Kỳ đã thông qua Luật Đại sứ quán Jerusalem, theo đó Đại sứ quán Mỹ cần phải được đặt ở Jerusalem. Tuy nhiên, kể từ khi luật này được thông qua, các Tổng thống Mỹ trước đây lại liên tục trì hoãn việc phê chuẩn thực thi nó.
Cũng như Tổng thống Trump hiện nay, các vị tổng thống trước đây đều nhận thức rõ họ sẽ trở thành tâm điểm của búa rìu dư luận nếu đặt bút ký thực thi đạo luật này. Do đó, họ luôn tránh né việc thực thi mong muốn của Nghị viện – cơ quan đại diện cho tiếng nói của người dân – với lý do rất “cao cả” là để “không làm tổn hại đến tiến trình hòa bình” ở Trung Đông.


Quang cảnh Jerusalem (Ảnh: Wikipedia)
Tuy nhiên, thực tế là việc trì hoãn của họ chẳng giúp gì cho tiến trình hòa bình của Trung Đông. Căng thẳng Israel – Palestine vẫn còn nguyên như cách nay hơn 20 năm.
Hôm thứ Tư (6/12), Tổng thống Trump đã bình luận rằng quyết định của ông là “công nhận thực tế”. Tất cả chúng ta đều biết rằng Tổng thống cảm thấy như thế nào về “tin giả mạo”. Hóa ra, ông cũng không thích “lịch sử giả mạo”. Hòa bình ở Trung Đông sẽ không bao giờ xảy ra nếu chúng ta cứ nói dối về lịch sử.
Tin giả gây ra nhiều vấn nạn cho xã hội. Lịch sử giả còn tai hại hơn. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là cần bảo vệ sự trung thực của lịch sử. Để bảo vệ tính chân thật của lịch sử về vấn đề Jerusalem, có 3 điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, việc bác bỏ Nhà nước Do Thái của Israel và phản đối việc Israel tuyên bố Jerusalem là thủ đô của quốc gia dựa trên lịch sử giả mạo.
Các nhà lãnh đạo Hồi giáo chủ chốt đã viết lại lịch sử, phủ nhận sự tồn tại lịch sử của Israel. Con đường tìm kiếm hòa bình ở Trung Đông không thể thông qua việc phủ nhận sự thật lịch sử.
Một số nước Hồi giáo ngày nay vẽ nên một lịch sử giả mạo kệch cỡm, xoay quanh những tuyên bố rằng chưa từng có một vương quốc Israel cổ đại và người Do Thái chưa bao giờ có một ngôi đền ở Jerusalem.
Không một nhà sử học dòng chính nào và chắc chắn không một nhà khảo cổ có lương tâm nào đồng ý với tuyên bố vô nghĩa như vậy. Tất nhiên Israel cổ đại đã tồn tại – và đã tồn tại ở chính nơi mà Israel ngày nay đang tồn tại.
Nhưng nhiều người Hồi giáo và các nhà lãnh đạo Hồi giáo chỉ đơn giản từ chối chấp nhận sự thật của lịch sử. Và điều kỳ lạ là nhiều nhà lãnh đạo thế giới lại nuông chiều sự giả dối này.
Thứ hai, Tổng thống Trump đứng về phía chân thật của lịch sử.
Bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Tổng thống Trump khẳng định lịch sử của người Do Thái. Ông cũng sửa chữa một vấn đề lịch sử lâu đời và một sự bất công nặng nề.
Tổng thống Trump không làm gì quá đáng. Sự ủng hộ của ông dành cho Israel là phù hợp với sự ủng hộ của Tây phương cho việc thành lập nhà nước độc lập của Israel thời hậu chiến tranh thế giới thứ 2 và Nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust).


Tổng thống Trump sẽ đến thăm Jerusalem.
Thứ ba, không thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.
Nếu chúng ta vì e ngại sự trả thù của các phần tử khủng bố Hồi giáo mà phớt lờ sự thật lịch sử, chẳng khác nào chúng ta đang khen thưởng khủng bố. Và nó sẽ ngấm ngầm dẫn đến sự tin tưởng vào các câu chuyện lịch sử giả mạo và các bản đồ giả mạo của thế giới, nơi “Israel” cổ đại chưa từng xuất hiện.
Từ chối lịch sử cổ xưa của Israel giúp những người bài Do Thái chống lại lời tuyên bố của Israel hiện đại đối với đất đai, kể cả thủ đô Jerusalem lịch sử.
Nhiều người Do Thái và Kitô hữu đưa ra các lập luận về thần học, trích dẫn các câu văn của Kinh thánh và những lời tiên tri về Israel là nơi cư ngụ của người Do Thái.


Tranh vẽ Nehemiah xây thành Jerusalem.
Người Do Thái trên thực tế đã sống trên đất Israel hơn 3.000 năm và chiếm thành phố Jerusalem gần như chính xác cách đây 3.000 năm. Họ đã sống ở đó liên tục, mặc dù họ đã không luôn luôn cai trị mảnh đất của mình. Tất cả điều đó đều là sự thật lịch sử, không chỉ đơn giản là vấn đề đức tin.
Do đó, các tuyên bố hợp pháp của Israel đối với đất đai và thành phố Jerusalem phải được chấp nhận – bất kể niềm tin tôn giáo của bạn, hoặc thậm chí nếu bạn không có niềm tin trong bất kỳ tôn giáo nào.
Điều đó, tất nhiên không có nghĩa là người Palestine không có quyền. Họ có. Nhưng kế hoạch hòa bình sẽ không thành công cho đến khi quyền tồn tại của Israel và sự thật lịch sử về Jerusalem được công nhận rộng rãi.
Tổng thống Trump đã đi đúng bước. Những người tôn trọng sự thật lịch sử nên ủng hộ quyết định của ông.
Nếu chúng ta cứ nói dối về lịch sử, thì làm sao có thể xây dựng tương lai?
Ưu Đàm

No comments:

Blog Archive