Ly cafe sữa đá
Một chiều tháng 9, trên con phố Đà Nẵng đông người qua, thoáng góc chéo bên kia đường thấy biển hiệu Cafe Hẻm, tôi chợt nhớ hồi hôm có hứa sẽ mời cậu bạn ly cafe.
Ly cafe sữa đá… nhiều sữa. (Ảnh minh họa/tripadvisor.co.uk)
Ly cafe sữa đá… nhiều sữa. (Ảnh minh họa/tripadvisor.co.uk)
Quán như tên gọi, là một con hẻm với hai hàng ghế gỗ được bày dọc hai bên. Trên hai bức tường, nhiều bức tranh được treo, các món đồ, họa tiết trang trí theo phong cách vintage nhỏ xinh. Có hai mẹ con chủ quán đang lúi húi dọn dẹp bên trong quầy pha chế.
– Cho con hai ly cafe sữa. Một ly cho con nhiều sữa chút – tôi nói.
Tay vẫn không ngừng dọn dẹp, người mẹ hỏi: Con uống ở đây hay mang đi?
– Dạ, con mang đi.
– Ừa, cô phải hỏi để biết cách pha. Cô để sữa bên dưới, rồi cafe bên trên, về uống con tự khuấy nhé. Khuấy ngay bây giờ mất ngon. Đá cô bỏ ngoài nghen.
– Dạ.
Tôi ngồi yên chờ đợi. Vào Sài Gòn vài lần, rồi lần này trở thêm ra Đà Nẵng, tôi không còn ngỡ ngàng với cách cư xử ân cần, chu đáo với khách hàng như trước nữa. Tại Sài Gòn, tại vài hàng cafe tôi đã ghé, dù chỉ mua ly cafe sữa mang về, lúc nào nhân viên cũng gửi kèm theo ly nước trà tráng miệng như khi mình uống tại tiệm. Không phải mình ham, nhưng tính chu đáo, chăm sóc khách hàng ấy rất dễ làm xiêu lòng khách, để rồi lần sau lại nhớ ghé.
Đã có khá nhiều bài so sánh Sài Gòn – Hà Nội, nhưng có điều này chưa thấy ai nhắc tới. Đó là Sài Gòn là xứ take-away. Từ đồ khô tới đồ nước, cafe, hủ tíu, bánh tráng, bánh canh… thứ gì cũng sẵn sàng theo ý khách gói đem về. Bởi thế nên dường như cách phục vụ không qua loa mà được chăm chút tới tỉ mỉ. Bịch bánh canh dù mua về ban sáng hay giữa trưa, mở ra thì bịch nước dùng nóng hổi để riêng, bánh canh đã nhúng để riêng, thêm túi thơm có vài ba lát ớt, một túi nhỏ xíu đựng hành phi giòn, không quên hai tấm bánh tráng nướng (miền Bắc gọi là bánh đa).
Sự chu đáo ấy dành cho một suất mua chỉ 20 ngàn. Nên đôi khi ngồi không ngẫm ngợi, tôi nghĩ sự chu đáo đó có lẽ chẳng đơn thuần xuất phát từ lợi ích bán hàng, nó như sự để tâm thực sự tới khách, rằng khẩu vị ăn ra sao, món ăn mua về nên gói làm sao để bỏ ra tô vẫn giữ được nguyên vị ngon như thưởng thức tại hàng. Bạn tôi thì tròn mắt ngạc nhiên ngược lại khi tôi nói ngoài Bắc nếu muốn mua về thì phải cầm theo cặp lồng, và thường ít ai mua đồ nước mang về, vì người mua sẽ lúng túng với lỉnh kỉnh bịch nước, bịch bánh gói vụng. Thay vào đó, những gánh hàng rong bán bún, phở được các bà, các chị gánh rất nhịp nhàng, sẵn sàng tấp vô hè để khách ăn tại chỗ, nhất là tại phố cổ Hà Nội.
– Hai ly cafe sữa, một ly nhiều sữa hơn phải hông bạn? – cô con gái của Cafe Hẻm hỏi tôi.
– Dạ! – tôi giật mình trả lời. Vâng, chị cho em một ly nhiều sữa hơn, bạn em thích uống ngọt.
– Nhiều thế này đủ chưa? – cô bạn vừa rót sữa vào ly vừa hỏi.
– Thêm chút nữa đi con, thêm nữa mới đủ ngọt – cô bán hàng nói với con gái.
– Dạ thế đủ rồi cô ơi! – tôi quýnh quáng “hãm” khi thấy phần sữa vẫn tiếp tục được rót nhiều thêm. Dạ, cô cho con gửi tiền.
– 24 ngàn hai ly, con.
Vẫn nguyên giá hai ly. Vậy mà nhìn ly sữa cafe (chứ không còn là cafe sữa nữa), tôi đã chuẩn bị tinh thần trả thêm tiền sữa. Là người mua, nhưng tôi có cảm giác được nhận về nhiều hơn từ chính sự ân cần, hào phóng ấy. Trong hình dung của tôi lúc bấy giờ và cả sau này, tôi nghĩ trong suy nghĩ của hai mẹ con ở tiệm cafe ấy có lẽ là việc làm sao cho vị khách uống ly cafe cảm thấy ngon miệng nhất, thay vì đồng lời nhiều hay ít. Khi đối đãi với nhau bằng tấm chân thành, lòng người như được trìu mến lại. Tôi không còn như du khách vô tình ghé qua tiệm cafe nhỏ, hai mẹ con cô chủ nhỏ trong lòng tôi cũng không còn xa lạ như những người ở miền đất phương xa. Có cuốn sách và những câu chuyện về “Sài Gòn bao nhớ”, nhưng rộng hơn Sài Gòn, có lẽ nên là “lòng người bao nhớ” thì mới thỏa lòng mến thương hơn.
Trong nhịp sống bận rộn nhiều hối hả, nếu bạn được nghe hay chứng kiến những khoảnh khắc rất đẹp của đời sống, mong bạn có thể sẻ chia để những câu chuyện tốt đẹp ấy có cơ hội được lan tỏa. Người với người có dịp kết nối để tạo thêm nhiều đồng cảm. Cảm ơn các bạn!
Nghinh Xuân |
No comments:
Post a Comment