Những giờ Sử Địa
Lê Văn Hòa
VT 1966-1973
Sử-Địa là tên tắt của 2 môn học Sử-Ký và Địa-Lý do cùng 1 Giáo-Sư phụ-trách. Sử-Ký học về những sự-kiện của con người, và Địa-Lý học về những mảnh đất của con người. Tôi rất thích Sử-Ký. Như vậy có người sẽ cho rằng tôi học ban B, ban toán, mà thích Sử- Ký là chyện lạ và có nghĩa tôi thuộc lọai “chuyên viên gạo bài”; nhưng thưa “không”. Những chuyện kể về giờ học Sử-Địa từ ngày tôi bước chân vào trường Võ-Tánh cho đến ngưỡng cửa của bậc đại-học, câu trả lời “không” sẽ được giải thích rõ.
Bước vào bậc trung-học, chúng tôi có một cuốn vở riêng dành cho mỗi môn học; khác với tiểu-học tất cả các môn đều được viết vào một cuốn tập. Đầu đề của mỗi bài học thường được chúng tôi trân-trọng dùng tài “thư-pháp” viết chữ in lớn và đẹp chiếm cả phần đầu trang giấy. Lê Tuân, ngồi bên cạnh sau một thời gian bệnh, mượn tập của tôi về chép lại những bài bị mất trong lúc không đi học được. Khi được trả lại vở thì tôi khám phá ra là những đề bài Sử-Ký đã bị nó sửa lại một cách phi lịch- sử: “BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG” bị chùi mất dấu mũ, đổi dấu sắt thành dấu huyền, thành “BÒ CÁI ĐẠI VƯƠNG”; “BÀ TRIỆU ẨU” bi nó bôi mất chữ “R” và thêm dấu hỏi thành “BÀ T IỂU ẨU”; “HAI BÀ TRƯNG” bị nó cho thêm dấu sắc để thành “HAI BÀ TRỨNG”. Tôi tức lắm; nhưng chẳng làm được gì! Không lẽ “con giai” mà đụng một chút là khoanh tay mét: “dạ thưa cô trò Tuân viết bậy vào vở của em!” Hôm nay nhớ lại phải cám ơn nó mà mình còn nhớ nổi Phùng Hưng chăn dân, thương dân như con cái nên đến khi chết được tôn sùng là “Bố Cái Đại Vương”.
Học Sử-Ký năm đệ Thất mới biết đến cái tàn ác của vua chúa, thái thú Tàu khi cai trị tổ tiên mình như thế nào; mới biết được cái can đảm và anh-dũng của hai bà Trưng và bà Triệu. Do đó ngày nay trong gia đình khi “đức lang quân” bị “nội tướng” sai bảo mà cãi lại không được, chỉ còn cách nga^~ng mặt lên trời mà than rằng: “con cháu bà Trưng, bà Triệu có khác”; chuyện này cũng dể hiểu và thông cảm cho các “chàng trai đất Việt”.
Nữ tướng trên thế giới không có bao nhiêu người, và nếu so sánh với Jeanne D’Arc, Hoa Mộc Lan, Phàn Lê Huê,… thì tôi thấy những nhân vật nầy có tính cách “thêu dệt”, và “thần thoại” hóa nhiều trong khi Trưng Trắc, Trưng Nhị và bà Triệu Ẩu là những nhân vật thật, là niềm kiêu hãnh của “phái yếu” Việt-Nam! Rất tiếc chưa có ai làm thành phim để thế giới biết tới cái “sức mạnh kinh hồn” đằng sau cái “yểu điệu thục nữ” và “liễu yếu đào tơ” của “người con gái Việt-Nam”.
Sau đệ Thất, Sử-Ký của năm đệ Lục là bắt đầu thời kỳ dành độc-lập của nước nhà. Khi học đến Ngô Quyền đóng cọc dưới lòng sông Bạch Đằng, dùng thuyền nhỏ dụ quân Tàu vào sâu, rồi chờ thủy triều xuống là dốc toàn lực phản công, thuyền địch lớn bị cọc đâm không di chuyển được làm mồi cho tên cho lửa, thế là quân ta đại thắng. Phục quá! Hay quá! Tôi dơ tay lên đặt câu hỏi:
– Dạ thưa thầy Ngô Quyền là người đầu tiên đánh thắng giặc ngoại xâm trên đường thủy tại sao không được chọn làm thánh tổ của binh chủng Hải Quân mà là Trần Hưng Đạo?
Bị giáo sư Tôn Thất Tuệ “hù” lại:
– Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền ai thắng giặc ngoại xâm trước?
Lúng túng vài giây, tôi lấy lại bình tĩnh trả lời :
– Dạ thưa thầy Ngô Quyền trước.
Thầy nhìn xuống lớp hỏi:
– Ai trả lời được câu hỏi này?
Võ Văn Phụng ngồi ở bàn cuối cùng dơ tay lên:
– Da thưa thầy Trần Hưng Đạo tuy đánh thắng giặc ngoại xâm sau; nhưng thắng giặc Mông Cổ vốn rất mạnh, chiến thắng vô cùng oanh-liệt nên Hải Quân chọn Hưng Đạo Vương làm thánh tổ.
Thầy hỏi Phụng và tôi tên chi rồi cho mỗi đứa 16 điểm (điểm của Giáo-Sư Võ-Tánh cho sao mà đắt đỏ quá!) Thế là “chiến lược trả bài” của tôi tháng ấy đã thành công (tháng đó khỏi phải “gạo” bài và bị run la^y ba^y khi đứng bên cạnh bàn thầy/cô để trả bài mà vẫn có điểm trong sổ).
Ngày nay sống ở xứ sở văn-minh của “bằng sáng chế”, tôi cứ ngẫm nghĩ chữ “tổ” của “thánh tổ” có nghĩa là người bắt đầu, người khởi xướng, người sáng lập của một nghề-nghiệp; thêm vào đó mọi việc đều “vạn sự khởi đầu nan” nên tôi vẫn còn thắc mắc tại sao Ngô Quyền không được chọn làm thánh tổ của Hải Quân?
Trong 7 năm trung-học, tôi thích nhất Sử-Ký năm đệ Tứ. Giáo-Sư Nguyễn Hâm phụ trách môn này đồng thời là Giáo-Sư hướng dẫn của lớp. Chương trình Sử-Ký năm đệ Tứ dạy về đời nhà Trần vào thế-kỷ thứ 13, thời-đại có thể xem là giữ nước oai-hùng nhất với bao tướng tài như Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão,Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư,… Những câu nói bất hủ của Thái-Sư Trần Thủ Độ: “Đầu của hạ thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”; Trần Hưng Đạo: “Xin bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”; Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Trước sự dũng-mạnh và tàn-khốc của vó ngựa quân Mông Cổ, cỏ cây còn không có cơ hộ để sống, vua, quan, và dân nhà Trần đã đoàn-kết một lòng thề quyết bảo vệ đất nước ở hội-nghị Diên-Hồng. Khi ấy vua nhà Trần hỏi người dân Việt “Thế nước yếu lấy gì để chiến chinh?”; tòan dân đồng lòng trả lời “hy-sinh”. Nếu nhà vua hôm nay sống lại hỏi quan nước Viêt: “Thế kinh-tế yếu lấy gì để tiến lên?” thì có lẽ rời rạc vài ba vị quan đã trả lời ”xuất kha^u lao động”; người thì trả lời “tăng gia chất xanh từ khúc ruột ngàn dặm” ; có người lại nói “lấy chồng Hàn Quốc”. Vua buồn rầu mà phán rằng: “Những mưu sách đỉnh cao trí tuệ loài người của các ngươi đã được Philippines làm trước Việt-Nam cả mấy chục năm nay rồi; nhưng mà nước họ vẫn còn nghèo!”.
Cả lớp chúng tôi ngồi im lặng, thấm thía và thán-phục khi thầy giảng đến những câu nói bất hủ trên; và đã không quên cười thích thú khi thầy nói tới lúc Thoát Hoan bị Trần Hưng Đạo tái sử-dụng chiến-thuật của Ngô Quyền đóng cọc ở sông Bạch Đằng để đi đến chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ 3. Khi thua trận lần thứ 2, Thoát Hoan khiếp đảm phải chui vào ống đồng tránh tên để quân sĩ đem về Tàu. Tôi đã cười, cười sung sướng mà quên đi cái “chiến lươc trả bài” là hỏi thầy khi Thoát Hoan chui vào ống đồng thì quân sĩ phải có mấy người khiêng về (tùy theo trọng lượng của Thoát Hoan?). Tại sao sử sách không ghi số quân Tàu sống sót sau mỗi lần xâm lược Việt-Nam. Sử chỉ có ghi số “… vạn” quân đem sang xâm chiếm Việt Nam. Điều này là một sự thiếu sót. Hồi ấy tôi lý luận số binh đem sang xâm lăng Việt-Nam trừ đi số tàn quân chạy về Tàu là chỉ số thắng trận lớn hay nhỏ. Thêm một điều nữa là tại sao sách sử Việt-Nam ghi số “50 vạn quân” mà không viết là “500 ngàn quân” thì học bài dễ nhớ hơn vì trong hệ thống số đếm của Việt-Nam ngày nay không có con số “vạn” (cũng như những đơn vị đo lường “lạng”, “cân”, “thước”, “hộc”,…)
Giáo-Sư Nguyễn Hâm trở lại dạy môn Sử-Địa lớp chúng tôi năm Tú-Tài I, lớp đệ Nhị. Vì là năm thi cử nên chúng tôi đã lơ là trong sinh-hoạt thể-thao và đã đá banh thua lớp đệ Tam B3. Vào lớp thầy chê trách ngay: “Cái nhuệ-khí vô địch năm Tứ 1 của quí vị đâu rồi? Tôi tưởng lớp quí vị thế nào cũng vào chung kết, khi đó tôi sẽ đi cổ võ cho luôn, ai ngờ thua ngay ở vòng loại! thua cả lớp đàn em! dở quá đi!” Cả lớp ngồi im mà chẳng có ai dám phân trần như sau:
– “Dạ thưa thầy, tối tối tụi em đang học bài thì nhạc hàng xóm cứ vọng qua bài “Thà Như Giọt Mưa” của Phạm Duy phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên:
Ta hỏng Tú-Tài, ta hụt tình yêu
Hy vọng mất rồi, ta đợi ngày đi
Đau lòng ta muốn khóc!
Đau lòng ta muốn khóc!
Do đó tụi em sợ quá đi thôi. Tụi em không sợ câu thứ hai, thứ ba của bài hát trên mà chỉ sợ mỗi câu thứ nhất vì người ta hay nói “đau như bị bồ đá”.
Chúng tôi không thích Sử-Ký năm đệ Nhị vì nó cũng bi thảm như Sử-Ký năm đệ Thất làm sao ấy! Nếu thời kỳ lịch-sử học năm đệ Thất gọi là thời Bắc thuộc thì thời kỳ của Sử-Ký học năm đệ Nhị gọi là thời Pháp thuộc. Nếu tuần này học “Pháp chiếm mấy tỉnh Nam-Kỳ” thì tuần tới học “vua nhà Nguyễn ký hiệp ước bất bình đẳng với Pháp”; rồi tuần sau đó nữa học “Pháp phế vua này, lập vua kia, đày vua nọ”. Chúng tôi rất hậm hực và tiếc là mình đã chọn Pháp-Văn làm sinh-ngữ chính.
Mùa hè đỏ lửa năm đó sinh ra luật tổng động viên khiến lớp tôi bị mất đi một nửa. Trừ một hay hai bạn “rớt Tú-Tài anh đi Trung Si”, phần lớn còn lại “xếp bút nghiên, anh khoác áo quân trường”. “Nam nhi cổ lai chinh chiến hề” mà, chớ đâu có“đau lòng ta muốn khóc”.
Cho đến năm đệ Nhị, chúng tôi đã học hết chương-trình bốn nghìn năm lịch-sử Việt-Nam. Vào đệ Nhất chúng tôi học Thế Giới Sử và thế chiến thứ hai, Địa-Lý thì học các cường quốc kinh-tế trên thế giới.
Giáo-Sư phụ trách là thầy Đặng Như Đức, vị giáo sư trẻ, hăng hái hoạt động nhiều trong những sinh hoạt học đường như thể thao cũng như văn nghệ của nhà trường. Thầy có tài giảng bài lôi cuốn học sinh. Về chiến tranh ở Âu châu, thầy bắt chúng tôi làm thuyết trình đề tài “Đức Quốc Xã và Hitler”. Nhưng chiến tranh ở Thái Bình Dương thì thầy giảng cho chúng tôi nghe. Hôm nay tôi vẫn còn có cái cảm giác là mới nghe lời thầy giảng bài hôm nào:
“Nhật-Bản sau thời Minh-Trị Duy Tân đã đem đất nước họ tiến bộ về khoa-học và kỹ-nghệ có thể sánh ngang hàng với các nước Phương Tây: quốc gia châu Á đầu tiên đánh bại hạm đội Nga ở eo Đối Mã; đánh úp hạm đội Mỹ chớp nhoáng ở Trân Châu Cảng trong vòng một buổi sáng Chúa-Nhật, ép buộc thống tướng chỉ huy chiến trường Thái Bình Dương MacArthur vừa rút ra khỏi Philippines vừa thề “I shall return”. Nhưng sau đó, kỹ-nghệ Mỹ mau chóng phục hồi lại hạm đội. Thế cân bằng chiến-sự trên đại dương đã nghiêng hẳn về Mỹ sau những trận hải chiến khốc-liệt ở Midway và những đảo Iwojima, Okinawa,… Những phi-công cảm tử Thần Phong của Nhật đã không cản trở được sức tiến quân của hạm đội Mỹ để rồi ngày sáu tháng tám năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm, quả bom nguyên tử đầu tiên của nhân-loại bị thả xuống Hiroshima, 3 ngày sau trái thứ hai thả xuống Nagasaki. Ngày 15 Thiên Hoàng Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đất nước của Thái-Dương Thần-Nữ bị quân đội Mỹ chiếm đóng; Tokyo bị B-29 dội bom tàn phá, hoang tàn như bình-địa, Nhật-Bản lâm vào cảnh nghèo đói đến độ có những cô gái thuộc gia đình trâm-anh thế-phiệt phải bán mình cho lính Mỹ để đổi lấy một và chỉ một thỏi chocolate mà thôi các em biết chưa?”
Cả lớp im lặng.
Ngừng một chút thầy tằng hắng giọng rồi giảng tiếp:
“Chiến tranh và hậu quả của chiến tranh là như thế! Tuy nhiên sau không đầy 20 năm toàn dân một lòng quyết xây dựng lại đất nước, kỷ luật, cần cù, và cần kiệm, năm 1964 Nhật-Bản đã tổ chức được Thế Vận Hội tại Tokyo và họ đã khánh thành đường xe lửa tốc hành 200km một giờ đầu tiên trên thế giới; có nghĩa là đường Sài-Gòn Nha Trang chạy khoảng 2 tiếng đồng hồ. Và các em đã thấy Nhật-Bản ngày nay đã trở thành cường quốc kinh-tế”.
Sau kỳ thi Tú Tài II, tôi khăn gói vào Sài-Gòn để tiếp tục công việc “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Rồi một buổi chiều Chủ-Nhật, anh tôi và tôi đi chợ Cũ ở đường Hàm Nghi mua valise để tôi đi Nhật học. Tôi mua được một cái valise quá lớn so với cái xách tay khiêm tốn đựng vài cuốn sách và mấy bộ áo quần là hành trang từ Nha-Trang vào Sài-Gòn. Trên đường về tôi nói đùa với anh tôi: “Thôi cái valise này để em mua chocolate thỏi chất vào đem đi Nhật tốt hơn là đựng sách vở và áo quần” anh tôi đi thêm vài bước nữa rồi bất thần quay lại cóc vào đầu tôi một cái đau điếng. Nguyên nhân vì anh tôi cũng học thầy Đức hai năm trước đó và cũng học được câu chuyện “trâm-anh thế-phiệt đổi lấy một thỏi chocolate”. Tôi vừa xoa đau, vừa cười, vừa nói “Học và hành phải đi đôi với nhau; mình phải “hành” theo lời của thầy Đức đã dạy mình “học” chứ!”
Qua đến Tokyo, tôi phải học Nhật-Ngữ một năm trước khi vào đại học. Bọn tôi ba đứa Việt-Nam học chung với các sinh viên đến từ các nước phần lớn là Đông Nam Á, Hong- Kong, và Trung-Nam Mỹ, cộng thêm vài người đến từ Australia và New Zealand. Giáo sư chính phụ trách lớp tôi là bà Toyoda, người biết đến lịch sử Việt-Nam gói ghém qua bài “Gia-Tài Của Mẹ” được dịch sang tiếng Nhật trong chương trình “Phóng sự Thế Giới” trên đài truyền hình quốc gia NHK vào đầu thập niên 70s:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Là nước Việt buồn.
Một hôm bà Toyoda dạy về từ “ảnh-hưởng” của một bài văn nói về “thời tiết” và văn phạm cách sử dụng từ ấy. Bà lấy thí dụ thời tiết có ảnh hưởng đến lịch-sử của con người: Napoleon đã không thắng được ông tướng thời tiết mùa đông của Nga Sô. Quân Đức đã bị sa lầy và thua ở Leningrad vì tuyết, tuyết, và tuyết. Giảng xong, bà bảo tôi làm một câu thí dụ. Không cần suy nghĩ, tôi nói ngay “Vào thế kỷ thứ 13 nhờ có những trận gió thần nhận chìm tàu của Mông-Cổ mà Nhật Bản đã thắng trận; thần phong đã ảnh hưởng đến lịch sử của Nhật-Bản”. Người bạn Cambodia ngồi bàn kế bên nghe xong la toáng lên “Nói lạ không! Đội “Thần Phong” chỉ mới có từ thời đệ nhị thế chiến do những phi công lái máy bay Zero chứa đầy bom cảm tử đâm vào chiến hạm của Mỹ chớ làm gì có từ thế kỷ thứ 13!”
Bà giáo cười trả lời: “trò biết một mà không biết hai, danh từ “Thần Phong” có từ hồi thế kỷ thứ 13 khi nhờ typhoon nổi lên nhận chìm vô số chiến thuyền Mông-Cổ đến đánh Nhật-Bản. Sau này “Thần Phong” được ban cho những phi-công cảm tử với hy vọng họ sẽ như Thần Phong có thể nhận chìm hạm đội Mỹ”.
Khi bà nói xong, tôi thêm vào: “Lúc đó quân đội Mông-Cổ dũng mạnh vô cùng, bách chiến bách thắng. Từ Á sang Âu nửa quả địa cầu chỉ có Việt-Nam và Nhật-Bản là 2 quốc-gia thắng được quân đội của Hốt Tất Liệt” tôi nói với niềm hãnh diện và hàm ý rằng “từ ngày bị Pháp đô hộ tới giờ chúng tôi đã không có cơ hội xây dựng đất nước, rồi mai đây sau chiến tranh Việt-Nam tôi sẽ cũng hùng cường như Nhật-Bản”.
Bà Toyoda nhìn tôi gật đầu và đồng ý.
Nhưng, ở thời điểm này, hơn 1/3 thế kỷ sau chiến-tranh, với những vụ tai tiếng ăn xén tiền viện trợ ODA, rồi phi-công, tiếp-viên Hàng-Không Việt-Nam bị bắt vì chuyện hàng “đánh” của “tu nghiệp sinh” Việt-Nam ở Nhật, tiến độ kinh tế của nước nhà thì ì ạch không như độ tiến quân thần tốc của Tây-Sơn Nguyễn Huệ khi ra Bắc Hà đánh Tôn Sĩ Nghị vào những ngày tết năm xưa; nếu gặp lại bà giáo Nhật-ngữ Toyoda, tôi phải thẹn, mắc cở và không dám nhìn thẳng vào bà để lập lại “rồi đây đất nước tôi sẽ cũng hùng cường như Nhật-Bản” mà tôi đã hãnh-diện nói với bà năm xưa!
Như thế các bạn đã biết lý do tại sao tôi thích Sử-Ký. Nhiều người có thể đã học lịch-sử để rồi suýt xoa tiếc rẻ những chuyện như là vua Quang Trung có kế hoạch lấy lại Quảng Đông và Quảng Tây mà không thực hiện được vì chết sớm, hoặc vua Tự Đức không nghe lời khuyên của Nguyễn Trường Tộ canh tân đất nước thì bài “Gia Tài Của Mẹ” đâu phải có những lời nhạc ở cuối bài bi thảm như thế. Cùng với nỗi niềm như vậy, tôi học Sử-Ký để khâm phục, noi gương cái hay, tránh đi cái sai và lập lại sự thất bại của tiền nhân. Tôi cũng vẫn còn thắc mắc chuyện thánh tổ của Hải Quân, và tại sao người Tàu, người Mông-Cổ trân trọng lịch sử lâu đời của họ mà không màng đến lịch-sử của lân-bang để rồi chuốc lấy sự thảm bại cùng một chiến thuật, cũng trên “sông hùng-dũng của nòi giống” Bạch-Đằng giang đến 2 lần. Tương lai nếu có lần thứ 3, thứ 4 đi nữa, khi đó chắc chắn bài thơ thất ngôn đánh Tống ngày xưa của Lý Thường Kiệt sẽ được nhắc lại với đôi chút sửa đổi cho phù hợp với địa-lý và thời đại:
Sa đảo Trường, Hoàng dân Việt cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà Tàu quốc lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
December 28.2017
Lê Văn Hòa
No comments:
Post a Comment