Thursday, December 14, 2017

Bằng cấp cùng mình

Hà Việt Hùng

Nói đến chuyện bằng cấp ở trong nước là nói đến một chuyện “nhức đầu” không thuốc chữa. Gần như “Bộ đội dép râu” nào cũng ca tụng bằng cấp, nhưng lại hay “nổ”, dù không biết gì hết.

Tháng 6 năm 1975, trong buổi học đầu tiên, anh chàng "quản giáo" (có lẽ là Trung Úy) ngu dốt nói với các anh “tù” đang ngồi dưới: “Tôi biết trong số các anh, có nhiều người có bằng Tú Tài Hai (Cấp 3 -Trung Học Phổ Thông), thậm chí còn có những anh có bằng Tú Tài Một (Cấp 2 -Trung Học Cơ Sở)…”. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, có tiếng cười khúc khích. Anh chàng "quản giáo" không biết cách dùng chữ “thậm chí” hoặc tưởng Tú Tài Một “có giá hơn” Tú Tài Hai.

Một chuyện khác: Khi Tổng kho Long Bình ở Lực Lượng Đệ Nhị Dã Chiến của Mỹ (Second Field Force in Vietnam, IIFFV. Hình như First Field Force ở Cam Ranh) bị “cướp” sau tháng Tư-1975, “bộ đội dép râu” đã “nổ” vì sử dụng các lập trình viên (programmers) có trình độ Đại học để mở những cánh cửa nhà kho lấy vũ khí đạn dược, còn “Ngụy” dùng nhân viên chỉ có trình độ Trung học (?) kém xa.

Không đâu trên thế giới lại có nhiều ông bà Tiến Sĩ (Doctor of Philosophy”, hay Philosophy Doctor, tức Ph.D. hay Doctoral Degree) như ở VNCS. Các ông bà TS, bằng đủ mọi cách, tìm cho mình cái bằng TS để “làm cha mẹ” thiên hạ.

Nghe nói chỉ mấy năm nữa thôi, VN có tới 24 ngàn TS. Khiếp chưa? Dân số VN chỉ có 90 triệu người, có tới 24 ngàn TS, xài sao cho hết. Lại nữa, theo tài liệu của "Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia" trong nước, Báo Người Lao Động đăng lại ngày 13-11-2017, trong khi đào tạo 24 ngàn TS của Bộ giáo dục chưa xong, có đề án (Đề án 911) đào tạo 9 ngàn TS nữa. "Ông Bộ trưởng" GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phải kêu lên và ra lệnh: “Tỉ lệ TS còn quá thấp, phải tăng lên, phải đào tạo thêm 9 ngàn TS nữa, và không đào tạo tràn lan”. Nghe đâu Quốc hội CSVN đã đồng ý chi từ 12 đến 14 ngàn tỉ đồng để đào tạo các TS trong giai đoạn 2010-2020. Thế mới “ăn” được chứ?

Hơn 30 ngàn TS sản xuất trong nước gần như chỉ biết “ngửa tay vào những ngày cuối tháng” trong một đất nước nhỏ bé, còn nghèo đói, lạc hậu, dân chúng còn thiếu ăn, liệu có tràn lan không? Số TS này có đáp ứng nhu cầu cần thiết?

Các ông bà TS nước ta phần lớn đều “khoe” tốt nghiệp ở các nước ngoài cho nó “oai”, nhưng lại không nói hay viết được một ngoại ngữ nào, hay chỉ vớ vẩn vài ba câu (nhất là Tiếng Mỹ). Vậy, làm sao các ngài đọc được tài liệu, nghiên cứu và “bảo vệ” công trình của mình “thành công”, nhất là ứng dụng công trình của mình để có lợi cho đất nước? Chẳng lẽ lại nói mình tốt nghiệp bằng TS ở bên Tầu hay ở mãi bên Phi Châu “khỉ ho, cò gáy”, còn gì là mặt mũi? Có lẽ chưa một chính quyền nào có nhiều ông bà TS như chính quyền này. Gần như quan chức nào cũng khai mình có bằng TS (tệ nhất cũng Cử nhân) trong khi khả năng và trình độ lại rất kém. Đến ông Chủ tịch nước cũng chỉ đọc được /cờ/, /lờ/, /mờ/, /vờ/ hay /ma/ /dze/ /in/ /VN/ mà thôi.

Bằng TS nhà nước cần hiện nay là TS Khoa Học, nhưng các ông bà lại “đỗ” bằng TS (ở ngoại quốc), với các môn liên quan đến kinh tế, thế có “ngang trái” không? Các ông bà “sở hữu” nhiều nhất là Bằng TS Quản Trị Kinh Doanh. Cứ có chữ Business (Thương Mại, Thương Nghiệp hay Kinh Tế…) là tốt rồi. Cũng dễ hiểu. Người nào có bằng cấp về kinh tế, sẽ dễ được “thăng quan tiến chức” hay dễ “xắp sếp” hơn. Vì thế, người ta tìm đủ mọi cách để chui sao cho lọt khe hở này. Nào là CN kinh tế, nào là TS Quản trị Kinh doanh.

Và, đó cũng là lý do vì sao khả năng khoa học của các ông bà TS nhà ta lại kém rất xa anh Hai Lúa không bằng cấp.

Các ông bà thuộc “đỉnh cao trí tuệ” này thỉnh thoảng lại đưa ra một công trình nghiên cứu “để đời”, như trường hợp Phó Giáo Sư (PGS) “TS” Bùi Hiền. Ông “TS” này được bà “TS” Đoàn Hương cổ võ, bỗng chốc “nổi tiếng” khắp nước nhờ đề án “cải cách” Tiếq Việt của ông bấy lâu nay. “Cải cách” là việc đáng làm trong nước, nhưng xin chớ “cải cách ruộng đất” như ở miền Bắc năm 1953-1956, “Cái đám quần chúng” không hiểu gì hết, sợ “vỡ mật” rồi.

Lấy trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh (NXA) làm thí dụ, vì tin này đang “rất nóng”. Khi được làm Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng (tương đương với chức vụ Tỉnh trưởng, nhiệm kỳ 2015-2020, ông NXA khai chỉ có một căn nhà ở Đà Nẵng, sau đó “lòi” ra ông có tới 12 lô đất quanh bờ biển do người khác đứng tên, và trong lý lịch ông khai có bằng TS do ĐH Southern California University cấp, nhưng sau khi điều tra kỹ lưỡng, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương phát hiện, tuy là ông chỉ có một căn nhà ở Đà Nẵng, nhưng ông có tới 12 lô đất nữa quanh bờ biển (mua đi, bán lại), và văn bằng của ông là giả mạo. Cơ quan điều tra còn cho biết ông NXA đã “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm.”

Bằng “tiến sĩ” của ông Nguyễn Xuân Anh, ký ngày 31-12-2006 tại California
Trường hợp ông NXA, Đảng CSVN chỉ lấp lửng che dấu cái dốt của mình khi nói ông NXA “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực…”

Kết quả, ông NXA bị cách chức và cho thôi việc (tỷ số phiếu 48/49).

Bài này chỉ nói tới các đại học “ma” và bằng TS “giả” do đây cấp mà thôi và những bằng này được “sản xuất” như thế nào.

Bằng TS là bằng cao cấp nhất đại học ở bất cứ đâu. Nước VN là nước rất tôn sùng bằng cấp, Ai có bằng cấp càng cao, càng được nể trọng và dễ được bổ nhiệm vào những chức vụ tốt, béo bở và quan trọng. Vì thế, các cán ngố thường mong có bằng này để lòe thiên hạ, tiến thân, và làm giầu.

Các nơi nhận cung cấp rất hiểu vấn đề này, nên thường ra giá “trên trời dưới đất”. Họ biết là

Văn bằng tốt sẽ giúp cho học viên (HV) có cơ hội hơn, cạnh tranh mạnh hơn với đồng nghiệp, khuyến khích HV nâng cao tay nghề, nghiệp vụ và kỹ năng Anh Ngữ…”.

Sau khi có bằng Thạc Sĩ, có thể học bằng TS tiếp theo. Nhưng tại nhiều trường khác, học viên có thể học TS mà không cần có bằng thạc sỹ. Để lấy bằng TS, sinh viên phải dành ba năm hoặc nhiều hơn. Sinh viên quốc tế có thể dành năm đến sáu năm để hoàn thành bằng này. Nhưng phần lớn lại không có thời gian, tiền bạc (?) và không đủ năng lực, trình độ theo học. Vì thế, đành chọn học online. Cứ học online là chắc ăn nhất, nhanh nhất và tiện lợi nhiều thứ nhất. Tuy nhiên, từ năm 2007, Bộ GD&ĐT đã không công nhận bằng học online, và năm 2012, Bộ GD&ĐT đã đóng cửa một số chương trình đào tạo chưa được kiểm định. Còn những trường tuy có tên trong bảng danh sách, nhưng đang tuyển sinh toàn cầu (trong đó có VN). Đó là tuyển sinh trực tiếp nên HV có thể ghi tên học trên mạng, nhưng phải cẩn thận.

Theo TS Mark A. Ashwill, Cựu Giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ IIE (International Institute of Education), hiện là Tổng quản lý của Capstone Việt Nam, một công ty đặt trụ sở tại Hà Nội và Sàigòn, nhận tư vấn giáo dục & huấn luyện, hiện ở Mỹ có 21(?) trường ĐH online nhận cung cấp bằng “TS” cho học viên. Đó là:

01 – ĐH quốc tế Adam (Adam International University) thuộc bang Georgia.
02 – ĐH Akamai (Akamai University) thuộc bang Hawaii.
03 – ĐH American City (American City University), bang California.
04 – ĐH Di sản Mỹ (American Heritage University), phía nam California.
05 – ĐH American Pacific (American Pacific University).
06 – ĐH quốc tế American Pacific (American Pacific University – International tiểu bang California/ New Mexico. (APU)
07- ĐH Apollo (Apollo University) tiểu bang California.
08 – ĐH quốc tế Đại Tây Dương (Atlantic International University) tiểu bang Hawaii.
09 – ĐH Capstone (Capstone University), tiểu bang California.
10 – ĐH Cosmopolitan (Cosmopolitan University).
11 – ĐH Frederick Taylor (Frederick Taylor University) tiểu bang California.
12 – ĐH Honolulu (Honolulu University) tiểu bang Hawaii.
13 – ĐH Irvine (Irvine University) tiểu bang California.
14 – ĐH Quốc tế Mỹ (International American University), tiểu bang California.
15 – ĐH Kỹ thuật Paramount (Paramount University of Technology) tiểu bang California.
16 – ĐH Pebble Hills (Pebble Hills University) tiểu bang Pennsylvania.
17 – ĐH Preston (Preston University) tiểu bang California.
18 – ĐH Tây Nam Mỹ (Southwest American University) tiểu bang California.
19 – ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) tiểu bang Delaware.
20 – ĐH quốc tế Washington (Washington International University) tiểu bang Pennsylvania.
21 – ĐH quốc tế , tiểu bang Delaware.


Thực ra, ngoài 21 trường “online” này, còn có nhiều trường khác ở Mỹ và cả thế giới cũng hoạt động “dỏm” như vậy. Người nào có nhu cầu cứ “nhào vô”, đóng tiền và học.

Các trường ĐH, ngay cả ĐH online, cũng cần có tiền nuôi nhân viên và sinh hoạt.

Theo danh sách kể trên, tiểu bang California có nhiều trường ĐH online “ma” nhất nước Mỹ (13 hay hơn?). Bằng TS của ông NXA do trưòng ĐH “Ma” Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) ở Santa Ana, tiểu bang Delaware (California) (#19) cấp. Bằng của TS Mark A. Ashwill trước đây cũng do ĐH Capstone (Capstone University), tiểu bang California (09) cấp (?), thì sao? Chính ông đã đưa ra 21 ĐH “Ma). Biết hỏi ai bây giờ?

Một viên chức đáng tin cậy của Bộ GD&ĐT (trong nước), cho biết, theo một công văn của Thủ tướng Chính phủ, VN đồng ý cho đầu tư, không có nghiã là cho phép thành lập các trường này. Trong đó, nhiều cơ sở dạy trực tiếp và hoạt động trên internet (khắp thế giới chứ không riêng ở VN) và bán “sản phẩm”. 

Theo Đại sứ quán Mỹ, luật pháp Mỹ, trước khi trường được công nhận, đều phải có giấy phép. Nhưng trong số đó có rất nhiều trường không được công nhận. Người học có thể tham khảo danh sách (độ 4 ngàn trường đại học) được Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và Hội đồng Kiểm định CHEA (Council for Higher Education Accreditation) công bố (tại vietnam.usembassy.gov/accreditarion.html) kiểm định chất lượng. Kiểm định là sự đảm bảo chắc chắn nhất, 4 ngàn trường này tuân theo những tiêu chuẩn chất lượng do các tổ chức đề ra. Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo học viên nên sử dụng danh sách này trước khi chọn lựa.

Wikipedia cũng cho biết, tính đến đầu năm 2001, Bộ GD&ĐT đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp sử dụng bằng bất hợp pháp, trong đó có hơn 1 ngàn công chức bị phát hiện dùng bằng “giả”. Theo số liệu của Sở GD-ĐT Sóc Trăng năm 2011, toàn tỉnh có đến 284 cán bộ sử dụng bằng “giả”, trong số đó có 107 viên chức ngành giáo dục nhận bằng ở Mỹ.

Hiện nay có rất nhiều Trường nước ngoài “dỏm” đang hoạt động tại VN không được Bộ GD&ĐT VN phê duyệt, nhưng họ vẫn hoạt động và nhiều khách hàng (học viên). Bằng của họ không được công nhận ngay ở nước sở tại. Như vậy, không bao giờ có sự hiện diện của các trường này, và như thế, các trường này cũng không được phép hoạt động. Bộ GD&ĐT chưa bao giờ cho phép trường đại học APU hoạt động ở Việt Nam. Trường này lấy tên là APU (America Pacific University), nhưng không được chính phủ Mỹ kiểm soát. Đây là điểm “mập mờ đánh lận con đen”. Các trường ĐH online dùng nó để kiếm tiền một cách phi pháp.

Trường APU có nhiều chi nhánh trên thế giới, như ở Haiwaii (HI), California (CA), VN…

Thực ra, các trường “ma” chỉ sử dụng bằng mẫu của Trường (có uy tín) mà HV muốn có, scan, rồi in (print) lại. Thế là xong! Đây là cách kiếm tiền dễ nhất và nhanh nhất.

Nhưng, tưởng cũng không nên lẫn lộn Viện Đại học Thái Bình Dương với Đại học Thái Bình Dương (The University of the Pacific (viết tắt là UOP hay đơn giản là Pacific), là một viện đại học tư ở Stockton (Santa Clara), California, Hoa Kỳ, đặt tên California College Wesleyan. Trường này sau đó được chuyển đến San Jose, và cuối cùng (vào năm 1923) là Stockton đến hiện nay. Trường Southern California University for Professional Studies (đến năm 2007 đổi tên thành California Southern University), nơi ông NXA lấy bằng “thạc sĩ” và “TS” chuyên ngành quản trị kinh doanh, được kiểm định bởi hai trung tâm: Hội đồng Kiểm định giáo dục từ xa (CHEA) và Liên Hiệp các trường ĐH và ĐH Cộng Đồng miền Tây (WASC = Western Association of Schools and Colleges). Theo đó, CHEA kiểm định trường ĐH California Southern University ngày 16-1-2010 và sau đó (vào ngày 1-11-2015) tự nguyện rút lui không kiểm định trường nữa, đồng thời thông báo ngày kiểm định kế tiếp sẽ là 31-12-2019.

Trong khi đó, WASC chứng nhận đã kiểm định ĐH California Southern University vào ngày 19-6-2015.

California Southern University là một trường đại học trực tiếp, cung cấp các khóa học online và online kết hợp học tại trường. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, riêng với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa, sẽ chỉ được công nhận khi đảm bảo đồng thời với hai điều kiện: các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định và được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.

Thực tế, phải đến tháng 1-2010 California Southern University mới lần đầu tiên được kiểm định chất lượng bởi tổ chức CHEA.

Trường hợp một trường đại học, tuy đã nhận được chứng chỉ chất lượng, nhưng bằng cấp và tín chỉ được trường đó cấp trước thời điểm có chứng chỉ thì được coi là không có chứng chỉ chất lượng (unaccredited degrees/credits).

Đối chiếu quy định chung của Bộ GD&ĐT về công nhận văn bằng, những bằng được cấp trước năm 2010, khi trường California Southern University chưa được kiểm định, cũng sẽ không được công nhận tại Việt Nam.

Bộ GD&ĐT cũng xác định rõ: văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận, sẽ là căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng, để tiếp tục học tập tại hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam.
Văn bản công nhận văn bằng có giá trị pháp lý để người có văn bằng sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Bằng “TS” của ông NXA có đề là Southern Califonia University (trường ĐH Nam California) đối với các Ngành học chuyên môn) for Profesional Studies, ở thành phố Santa Ana, tiểu bang California, không thấy tiểu bang Delaware in trong văn bằng. Không biết đây có phải là một sự lầm lẫn, không có thành phố nào tên là Santa Ana ở tiểu bang Delaware (DE) cả.

Trường ĐH này có hai nhãn hiệu (trade mark) khác nhau. Trong bằng của ông NXA, con dấu bên trái có nhãn hiệu trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) Còn con dấu bên phải (đang được sử dụng) mang tên California Southern University thành lập năm 1978.

Trường ĐH nào mới đúng?

Thông thường, thủ tục ghi tên học của các trường ĐH online gần như giống nhau. HV phải khai họ tên, điạ chỉ (e-mail), số CMND… để liên lạc và đóng tiền cọc (có thể trả làm 3 lần).

HV phải trả trên dưới 10 ngàn USD cho một văn bằng do ĐH online cung cấp trong vòng 10 ngày. HV còn được hứa hẹn đấy là “trường thật”, thậm chí là “trường uy tín”, và là bằng thật.

Mục tiêu hàng đầu là giữ bí mât tuyệt đối cho HV. Khi hoàn tất xong việc, hệ thống sẽ xoá sạch tên HV, coi như HV không có tên trong danh sách của Trường vì không đi học trực tiếp.

HV có thể lấy bằng “TS” trong 10 ngày. Chuyện tưởng như đùa, nhưng lại có thật.

Bộ Giáo dục ĐH VN chưa công nhận ĐH Tarlac, Ifugao, Khoa học và công nghệ Nueva Ecija, Bulacan… của Philippines. Với bằng TS trong hơn 10 ngày, liệu các ông bà này có thể giảng dạy và hướng dẫn cho các thạc sĩ tại VN? Phải học ít nhất 3 năm. Từ năm thứ 2, phải xây dựng và bảo vệ khái quát luận án. Năm 3, 4 tiến hành khảo sát, thu thập và xử lý số liệu, có kết quả rồi mới viết tham bài tham khảo tại các buổi hội thảo quốc tế, viết các bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Luận án phải được giáo sư độc lập ngoài trường chấm trước khi bảo vệ trước hội đồng của trường. Để tốt nghiệp, bài báo khoa học được xem như gay go nhất. Nhiều người phải viết từ 6 tháng đến 3 năm mới được đăng. Báo chí VN cho rằng thời gian đào tạo TS ở Mỹ (mất từ 4-7 năm nghiên cứu, viết luận án), ông Nguyễn Xuân Anh chỉ mất chưa đầy 2 năm (đúng ra là 21 tháng) để lấy bằng TS. Đáng nể phục!

Một số kinh nghiệm “cười ra nước mắt”. Cách đây không lâu, Ông Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn sử dụng bằng TS “giả” của Trường Đại học Bulacan State (Philippines) không được công nhận.

Đại học California Southern University (Đại học nam California – CalSouthern) được thành lập từ năm 1978, thoạt đầu có tên Southern California University for Professional Studies (Đại học Nghiên cứu chuyên nghiệp nam California – SCUPS), trước khi đổi tên vào tháng 6-2007.

Không may cho CalSouthern là một trong những trường tư ở California phải núp dưới bóng của một đại học nổi tiếng tại đây. Đó là University of Southern California. Khá nhiều đại học đã lấy tên na ná như vậy và bị tố cáo là đại học cấp bằng “dỏm”, điển hình là “California South University” (không phải CalSouthern).

CalSouthern đã được sự công nhận từ Hiệp hội các trường phổ thông và đại học miền Tây (WASC). CalSouthern có trụ sở tại Costa Mesa (quận Cam, California), là đại học dạy trực tiếp 100%. TS Donald Hecht cho biết ông đã sáng lập CSU theo hướng đào tạo trực tiếp, nhanh gọn và giá cả vừa phải để giúp học viên thoát khỏi gánh nợ do theo đuổi đường học vấn.

Chính vì vậy, học viên của CalSouthern không phải qua thi tuyển nhập học, chỉ cần đăng ký trực tiếp với bằng cấp, chứng chỉ và xác nhận giấy tờ tùy thân.

Hầu hết các chương trình đào tạo từ cử nhân, thạc sĩ đến TS ở CalSouthern đều có giờ giấc linh hoạt, tùy sự sắp xếp của người học để “đảm bảo không gây cản trở tới công việc và gia đình học viên”.

Ngoài ra, thời gian học trung bình là 4 năm. Bằng TS của CalSouthern là TS chuyên nghiệp (doctorate), đào tạo cụ thể vào một chuyên ngành nghiên cứu của học viên, chứ không phải TS hàn lâm (PhD).

Người theo học TS quản trị kinh doanh sẽ đóng 495 USD cho mỗi tín chỉ học, quy ra 60 tín chỉ tốn khoảng 30 ngàn USD, không kể chi phí mua sách trực tiếp (e-book), gia hạn khóa học…

“TS” Nguyễn Văn Ngọc, thời gian còn là Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã lấy bằng “TS” ĐH Nam Thái Bình Dương chỉ trong 6 tháng với 17 ngàn USD.

Hay năm 2010, ông Giám Đốc Sở Văn Hóa Phú Thọ lấy bằng “TS” từ ĐH Southern Pacific University nhưng lại mù tịt” tiếng Anh.

Đúc kết lại, bằng “TS” của ông NXA do ĐH Southern California University cấp ngày 31-12-2006. Từ tháng 3-2005 đến tháng 12-2006 (21 tháng) ông lấy bằng “TS” hệ chính quy (online, học từ xa qua internet), chuyên ngành quản trị kinh doanh của ĐH Southern California University for Professional Studies (SCUPS). Sau tháng 10 năm 2007, trường này đổi tên thành California Southern University, bằng của trường này (California Southern University) không được Bộ GD&ĐT Việt Nam công nhận. Có gì khác biệt giữa ĐH Southern California University và CalSouthern University? Tại sao?

Bổn phận và trách nhiệm giải thích sự khác biệt trên thuộc về Bộ GD& ĐT này. “Bằng giả” hay “bằng không được công nhận” có gì khác nhau?

“TS” trong nước nhiều như rác bay đầy đường, khiến các TS “thứ thật” mất giá. Họ làm được gì ngoài việc “cải cách Tiếq Việt”? CS là như thế. Chỉ khoác lác.
 

12/12/2017
Hà Việt Hùng

No comments:

Blog Archive