Friday, December 29, 2017

Trở về Quê Hương bẽ bàng

Tình Hoài Hương


 “Quê hương trái đất nửa vòng.
Ngày thương đêm nhớ, những mong ngày về”.

Hành đứng lên lại nằm xuống, đi ra đi vào xem ti vi chiếu tin tức thế giới, xem “chuyện lạ Việt Nam”. Thỉnh thoảng trên ti vi Mỹ vẫn chiếu đi chiếu lại những cuộc biểu tình gay gắt cũ: Các phe nhóm chống chính phủ, các cấp lãnh đạo tôn giáo, các tổ chức chính trị, sinh viên học sinh rầm rộ phản đối, biểu tình, rối tung rối mù, mù… mịt trời đất, hầu hết diễn ra ở miền Nam Việt Nam. Trong khi ngoài chiến trường ở Việt Nam, vẫn sôi sục đêm ngày. Nỗi buồn đau bỗng trĩu nặng trên vai Hành, dưới đất vầng trăng như chiếc dĩa bạc sáng toả vằng vặc, soi rõ mọi thứ trong góc phòng bệnh viện.

Không biết làm gì hơn, là tối ngày Hành soạn va ly ra xem những gói quà to tướng sẽ mang về tặng thân nhân ở quê nhà. Hành dùng chất vitriol mà rửa những hình thể đá thạch bóng ngời, trông giống như màu da thật. Hành lại bồi hồi thở vắn than dài, thẩn thờ đóng mấy cái va ly vào. Các bạn cùng khoá hầu hết đang trở về Việt Nam, lâu lắm rồi! Chỉ còn độc nhất mỗi mình “ta cứ nằm ù lì lại”. Trước khi về VN, Vinh, Lợi, Bé, vân vân… đã đến chia tay bạn, họ xúm lại chọc quê anh:

- Thôi, yên trí đi, mầy cứ ở lại Mỹ “an giấc nghìn thu” hen.
- Nằm nghỉ ngơi cho sướng cái đít đi.
- Còn sống, thì mầy chộp cổ ngay một con Mẽo, con Xì… là “xong bén đời giai”.
- Tầm bậy! Sao xúi hắn an giấc ngàn thu?
- Vì, không bao giờ có ai nói: An giấc ngàn xuân cả.
- Vậy thì đừng biểu nó: An giấc ngàn đông nghen?
- Hãy an giấc ngàn hạ xuống, để tàn đời trai cho rùi.
- Xuân, Hạ, hay với Thu?
- Ư hừ!
- Mầy théc méc mần chi hỉ!
- Hổng chịu mở méc ra, coi tụi tao tôm gốp thùng bẹc két “rủng rỉnh xung xướng” đem tiền Mỹ đi dzìa Việt Nam nè.

Hành phải mòn mỏi chờ đợi chiến cuộc ở Việt Nam (qua tháng 4, khi giảm bớt cường độ giao tranh kinh khủng) tạm lắng xuống. Nghĩa là: Sau khi “phe ta” tái chiếm Sài Gòn. Đà Lạt. Huế. Khi nào “Cờ Bay trên thành phố Quảng Trị”, mới tính sau. Tết Mậu Thân 1968 Việt Nam đang xảy ra chiến trận. Đụng độ dữ dội giữa hai phe miền Nam Việt Nam và miền Bắc Việt Nam có chiến tranh. Những buổi tối, Hành nằm thao thức hằng giờ đăm đăm xem thời sự trên tivi, nhìn cảnh chiến tranh Sài Gòn đổ nát, chết chóc. Cộng sản tràn ngập vào Thủ Đô. Hành nghĩ thầm: “Thôi. Thế là hết”.

Mấy bạn Mỹ thường trêu:
- Làm sao anh về nước? Khi tay chân bó bột? Khi chiến tranh đang xảy ra liên miên?

Nhưng Hành quyết chí đòi họ cho anh về quê hương. Vì, ít nhiều gì, Hành vẫn mang canh cánh bên lòng mối tình hoài hương. Vã lại, toàn bộ gia đình ba má, anh, chị, em, các cháu của mình còn kẹt lại ở Việt Nam mà. Cũng có thể là: Hành còn nghĩ đến chút xíu tình với Trân Thư, nên anh nhất định đòi trở về Việt Nam. Đại bàng có bay xa bao nhiêu cũng phải dừng cánh, đàn ông có đi xa bao lâu, cũng phải có ngày trở về nhà. Ở Việt Nam có thể có người muốn đi du lịch ra ngoại quốc, còn anh trải qua bao tháng năm sống ở nước ngoài rồi, nay chỉ nôn nao mòn mỏi ngóng trông “tung cánh chim tìm về tổ ấm”, hạnh phúc thay khi có ngày mình được trở về quê mẹ thân yêu.

Ngày ngày... chẳng biết làm gì ngoài việc giết thì giờ nhàn rỗi quá chán ngán, Hành cùng những anh quân nhân thương binh Không-quân Mỹ cùng xúm lại coi thời sự trên ti vi, lúc nầy đài Mỹ chiếu đi chiếu lại chuyện lạ bốn phương: nhất là chuyện nóng hổi; ông Jean Bedel Bokassa, đã tham gia trong đoàn quân viễn chinh Pháp. 

Ông qua Việt Nam hồi thập niên 1950, Jean Bedel Bokassa (thuộc bộ tộc M’Baka ở Phi Châu) sinh ngày 22-2-1921 tại làng Bobangui, cách xa thủ đô M’Baiki (Phi Châu Xích Đạo - Equatorial Africa). Năm 1950, Trung-sĩ-nhất Bokassa là quân tình nguyện của Lục-quân Pháp, thuộc binh chủng lính Lê Dương (Légion étrangère), khi ấy Trung Phi vẫn là thuộc địa của Pháp. Năm 1953, ông Trung-sĩ-nhất Bokassa 32 tuổi, đóng tại Chánh Hưng, Sài Gòn (quận 8 bây giờ). Thời gian sang Việt Nam tham chiến, chàng Lê-dương Bokassa tây đen tăng cường về Biên Hòa làm nhiệm vụ gác cầu ở Cù Lao Phố (cầu Gành), nơi Cầu Gành có một máy nước công cộng. Ông ta đã “tò te” với một bà Việt Nam xồn xồn ở miền Tây Việt Nam. Bokassa mê cô Nguyễn Thị Huệ nghèo gánh nước mướn ở Tân Thuận Đông. Họ thuê một căn nhà nhỏ ở Tân Thuận Đông, quận Nhà Bè, nơi đơn vị anh ta đóng quân gần cầu Tân Thuận. Khi Huệ có bầu, thì Bokassa buộc lòng phải rời khỏi Việt Nam quay gót trở về cố hương. Bao nhiêu năm thăng trầm trôi qua, ông Jean Bedel Bokassa từ từ leo lên chức Tướng, rồi ông trở thành hoàng-đế Cộng-Hoà Trung-Phi. Tháng 1 năm 1966, Bokassa đảo chính, lật đổ David Dacko, tự lên làm tổng thống.

Năm 1966 hoàng đế Jean Bedel Bokassa sực nhớ đến người tình cũ và con gái, ông bèn gởi một văn thư nhờ bộ Ngoai Giao Pháp, chuyển đến Bộ Ngoại Giao miền Nam Việt Nam Cộng Hoà: xin họ giúp ông tìm con gái ruột tên là Nguyễn thị Martine. Biết bao lần Bộ Ngoại Giao ráo riết tìm kiếm, nhưng không thể tìm ra Martine. Họ bèn đem một cô gái lai da đen 19 tuổi tên Baxi (con bà Nguyễn Thị Thân ở Xóm Gà, Gia Định) giả làm con gái Tổng-thống Bokassa. Đúng là có một “nàng con” đến trình diện bộ Ngoại-giao, và cô gái nầy làm thủ tục xuất ngoại. Tổng-thống vui mừng tổ chức buổi tiếp nhận con rất long trọng.

Phần bà Huệ sanh con gái có làn da ngăm đen và hơi ngà ngà trắng, thì bà vui buồn lẫn lộn. Y như lời dặn dò của Bokassa, bà Huệ đặt tên con gái là Nguyễn Thị Martine. Thời gian mấy năm đầu, thỉnh thoảng Bokassa và bà Huệ có liên lạc trao đổi tin tức, sau đó do hoàn cảnh mỗi người, và nhất là không gian và thời gian xa cách biền biệt người góc biển kẻ chân trời, thì dần dần họ vắng bặt tin tức. Lớn lên, Martine là một cô gái nghèo khổ chịu khó giúp mẹ làm việc vất vả khuân vác tại nhà máy Xi-măng Hà Tiên, nhưng cô bé hiếu thuận và ngoan ngoãn. Nào ngờ, khi biết tin ấy, cậu ruột của cô gái Nguyễn Thị Martine đã đến toà soạn nhật báo Trắng Đen trình bày tự sự, cùng y chứng thư đầy đủ chính xác giấy tờ hộ tịch. Chính phủ và đồng bào khắp nơi ở miền Nam Việt Nam, “ồn lên” bàn tán sôi nổi về hai cô công chúa lọ lem. Không biết ai là thiệt, ai là giả?

Tin nầy đến tai vua Cộng Hoà Trung Phi. Hoàng Đế Bokassa lại gởi văn thư khác, xin Tổng-thống Thiệu cho “cả hai cô nàng công chúa”, đi tuốt về thủ đô Bangui, thuộc Cộng Hoà Trung Phi. Phái đoàn đại diện cao cấp Cộng hòa Trung Phi sang Việt Nam & ngoài phái đoàn ngoại giao Việt Nam, còn có: ông bà chủ nhiệm báo Trắng Đen, bà Nguyễn Thị Huệ, cô Martine, một tùy viên sứ quán Pháp đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, và thông dịch viên. Họ đi Trung Phi. Tổng thống nhận ra người tình cũ, và cô con gái “công chúa Martine”, nên càng vui mừng khôn xiết, ông ra lệnh tiếp đãi phái đoàn Việt Nam như thượng khách. Ông cũng không ngần ngại nhận cô Baxi giả công chúa kia làm con gái nuôi. Bà Huệ trở về Việt Nam. Dù khi đó bà Huệ đã có chồng vẫn được lãnh trợ cấp mỗi tháng 200,000$ tại Pháp Á ngân hàng Sài Gòn. Thời điểm đó số tiền nầy rất lớn (do Tổng thống Bokassa cấp dưỡng).Thật là chuyện hy hữu ngàn năm có một không hai. Và hai nàng lọ lem sau một đêm hãi hùng đói khổ ở quê nhà, hôm nay đã tót lên đỉnh cao sang, phú quý trong ngôi vị công chúa. Thật là đời lên hương ngát, “xung xướng” tê người, họ lánh xa nơi vùng đất chiến tranh đang xảy ra liên miên. Chuyện duy nhất nầy có thật bàng hoàng thiệt.

*  *  *

Do sự cương quyết can thiệp của Thủy-quân Lục-chiến Hoa Kỳ, và Hạm-đội thứ Bảy, lúc đó họ mới cho Hành biết là: Sẽ đưa anh trở về Việt Nam. Cuộc đi kéo dài hơn cả tháng, vì cứ bay “nhảy cóc” như là mình đang bồng bềnh dạo chơi trên không trung, du hí vậy. Thoạt đầu, họ mang anh ra phi trường, khi Hành còn nằm trên cáng thương. Họ xách theo bốn va ly to tướng đầy nhóc quần áo, đồ đạc linh tinh & hai thùng carton lớn đựng quà dành riêng cho cô bồ, hai thùng nữa dành cho gia đình, và một xách tay samsonite đầy đủ thuốc men, do bác sĩ ghi toa chỉ định cách uống thuốc. Một mình Hành là “thượng khách” trên một phi cơ rộng lớn. Trong buồng lái chỉ có: Phi hành đoàn. Tiếp viên hàng-không. Bốn anh lính Không-quân thay nhau khiêng cáng, bưng đồ dùng của Hành. Hai bác sĩ quân-y. Một y-tá. “Phi Hành”. Hết. Ngoài ra không có ai nữa.

Bay đến Colorado, nằm lại ba đêm. Rồi bay qua San Francisco, nằm tại bệnh viện hai tuần. Hành ăn no rồi ngủ kỹ. Tự nhiên có một ngày Hành được đám phóng viên, truyền thông ở Mỹ đến tận nơi quay phim, đưa anh “oai dũng” hí hửng lên ti vi nữa. Tức cười thật. Họ bảo:

- Anh cứ “giả đò, làm bộ” anh chính xác là thương phế binh sống ở Mỹ, gốc người Hoa. Anh cầm phone gọi về nhà, nói chuyện với thân nhân gia đình anh nhe.

Thiệt tình! Xạo hết chỗ nói. Nằm tại San Francisco hai tuần, thì chiếc phi cơ C – 130 rất to, chở Hành đi. Lại vẫn chỉ có bấy nhiêu người cũ, tất cả lên phi cơ bay một lèo qua Clark Field (Phi Luật Tân). Họ lại đưa anh vô bệnh viện, nằm đợi thêm hai tuần nữa. Ôi là ngao ngán! Chỉ mong chờ bớt pháo kích ở miền Nam Việt Nam, thì anh mới được trở về Việt Nam. Những ngày đêm chờ đợi mòn mỏi, trông ngóng đợi chờ hoài, sao mà ta cảm thấy quá căng thẳng, lo âu, mệt mỏi và lâu quá chừng chừng! 

Thế rồi buổi sáng thứ Bảy giữa tháng Tư, năm Mậu Thân, chiếc C-130 hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Mặc dù khi phi cơ còn lăn bánh, chạy chầm chậm trên phi đạo. Họ đã hạ cái bửng phía sau đuôi phi cơ xuống. Ngay lập tức có một chiếc xe cứu thương, một xe cứu hoả, chạy cặp sát hai bên hông chiếc phi cơ C -130 chạy rề rề. Hai anh lính phi công Mỹ, ở bên xe cứu thương, liền nhảy phóc xuống dưới đường phi đạo. Họ chạy bộ rất nhanh, bưng cái cáng trống chưa có ngưởi, họ chạy qua bên chiếc C-130. Đồng thời trên phi cơ, hai anh lính Mỹ “áp tải thương binh Lữ Phi Hành”, họ nhanh nhẹn khiêng sẵn cáng tụt nhanh xuống đất.

Họ giao cáng thương cho người đứng dước đất ở Việt Nam nhận. Lúc xe cứu thương và phi cơ đang còn chạy chầm chậm, rề rề. Họ thảy bốn chiếc va ly to tướng, mấy thùng carton lớn, cùng tất cả đồ dùng, chiếc xách tay đựng thuốc men của anh xong. Phi cơ C-130 lo dzọt vút bay đi thật lẹ. Vì lúc nầy, tất cả xe cứu thương, phi cơ, đang ở trong tầm ngắm của hoả tiễn 122 hay 130 bên “phe kia”, nằm đâu đó ngoài vòng phi đạo. Phi cơ tăng tốc độ, chạy một đoạn ngắn. Cất cánh bay bổng. Hai chiếc xe cứu hoả, cứu thương lo rẽ vào đường Taxiway. Họ đưa Hành qua bên bệnh viện dã chiến số 3. (Third Field Hospital). Vài ông Mỹ ngồi bên cạnh nói:

- Are you crazy?
- Coming back to Việt Nam?

Phi Hành hoảng hốt la lên:
- Ô! Các anh lầm rồi. Tôi là người của bên Không-quân Việt Nam. Không phải bên Không-quân Hoa Kỳ.

Họ vội quay đầu xe, đem Hành bàn giao qua bên Không-quân Việt Nam. Úi Trời! May mà ông Mỹ kia không nói, chắc là anh sẽ “bị” quay trở về Mỹ mất rồi! Gặp bác sĩ Thành khám anh rất kỹ. Ông định cho Hành xuống nằm ở bệnh xá Không-quân. Hành năn nỉ bác sĩ quá:

- Em du-học suốt ba mươi lăm tháng rồi. Nhớ nhà quá. Em còn chống nạng đi đứng tốt. Xin bác sĩ cho phép em về thăm ba má. Nhà em ở gần đây. Sáng thứ Hai, em xin trở vô bệnh viện.

- OK.

Thế là bác sĩ kêu xe cứu thương cho chở Hành về, xe đậu ngay trước cửa nhà. Lữ Phi Hành mặc bộ quần áo ở bệnh viện, chậm bước dưới phố chiều Sài Gòn rực nắng tươi. Mọi người và cảnh vật vui tươi huyên náo lạ! Lòng ta cảm thấy vui và hồi hộp không thể tả! Hai binh sĩ Việt Nam khiêng, xách, vát bốn va ly, mấy thùng quà bước lên thềm nhà trước Hành. Ba của anh đang ngồi đọc báo trên sofa, ông đứng lên, hoảng hốt nhìn kỹ. Ông liền chạy đến, ôm chầm lấy con, kêu lên rất to:

- Trời ơi! Thằng Lữ Phi Hành đã về rồi nè.

Ba khóc. Lữ Phi Hành khóc. Bà má chạy ra, mừng rỡ níu lấy cổ con, hôn chùn chụt và khóc rống lên. Các chị, em, ở trên lầu ba, lầu bốn, vụt chạy xuống, họ xôn xao mừng rỡ và khóc oà. Cả nhà đều choáng váng và bất ngờ tột độ. Vì anh không hề báo trước về chuyện anh sẽ trở về Việt Nam. Hành muốn dành cho gia đình mình một sự ngạc nhiên thú vị mừng vui tuyệt vời. Thật là một cuộc đoàn tụ bất ngờ. Kinh hoảng mà đầy nước mắt hân hoan vui mừng trào lên bờ mi “kịch tính”. Lạ lùng như vậy đó. Quả đất tròn vo, tưởng là to lớn lắm! Ấy thế mà, khi đi xa nửa quả địa cầu, nay trở về quê hương, hoá ra Hành vẫn thấy nhỏ ha.

Ngay lập tức, ba anh gọi phone cho “em Trân Thư yêu rấu” biết tin “ngày trở về của anh thương binh bước lê trên quãng đưởng đê”. Hành nóng lòng nóng ruột nôn nao đi ra, đi vào, chờ đợi cuộc trùng phùng thật tình cờ. Hành đang nằm lim đim trên sofa, thì cô ta đến. Trông Trân Thư chẳng vui vẻ, hân hoan mừng rỡ, hay lo âu cuống quít một mảy may gì! Nét ưu tư, lỡ làng gượng ép dường như hằn rõ lên gương mặt Thư đã héo hon rồi. Thế là, Hành và cô ta lúng túng, e ngại hững hờ ngồi trên sofa, nói những câu chuyện hết sức vô duyên, nhạt nhẽo hơn nước ốc, gượng ép, ngượng ngùng và xa lạ, chả ra môn ra khoai gì. Cô ta luôn cúi đầu xuống, hay sượng sùng né tránh cái nhìn lặng lẽ của anh. Sau khi Thư cho Hành biết: cô ta đã đổi nhà, dọn lên đường Phan thanh Giản, cô ta vội vội vàng vàng đứng dậy, cáo từ. Cuộc gặp gỡ nầy chưa đầy mười phút. Hành vội hẹn Thư hôm sau sẽ lên đón cô ta đi ăn sáng. Cô ta ấp úng, ngập ngừng, lưỡng lự, do dự ậm ự... rồi nhẹ gật đầu.

Bây giờ, mặt đối mặt, diện kiến trực tiếp, anh kiểm chứng lại điều nầy: Thái độ ngượng ngùng của Thư đang trả lời anh thật là rất chính xác. Nên anh đã chuẩn bị tinh thần, từ cái nhìn xa lạ hững hờ dè dặt đầu tiên, chỉ sau hai năm xa cách biền biệt, nay mới gặp lại. Không có gì khó hiểu đâu. Xa mặt cách lòng! Xa nhau, dĩ nhiên có nhiều thay đổi (khi con người không có sự trung kiên, không có tình yêu chân thực. Tình yêu chỉ là sự chọn lựa trên địa vị, danh vọng và tiền tài. Thì tình cảm cũng dễ dàng thay đổi chớp nhoáng, bạc bẽo theo).

Hành đã biết ngay từ dạo còn ở Mỹ. Khi Thư nghe hung tin anh báo bị tai nạn phi cơ. Lẽ ra, như bao người yêu chân tình, hay những vị hôn thê thủy chung khác, họ sẽ tỏ ra cuống quít âu sầu, lo lắng, ngày ngày thư từ, hoặc gởi điện tín tấp nập hỏi thăm người yêu rối rít. Đằng nầy... lúc Hành vừa qua Mỹ, và trước khi anh bị tai nạn, thì mỗi tuần Thư viết cho anh ít nhất vài ba lá thư. Nhưng kể từ khi biết “anh lâm nạn”, kể từ đó đến nay hơn hai mươi tám tháng, thì cô ta đã tỏ ra lạnh nhạt, lâu thật lâu cô ta mới “nhỏ giọt” có vài hàng chữ “cầm hơi” rồi... im bặt. Ở Mỹ anh luôn suy nghĩ: Chẳng lẽ Thư bây giờ sinh tệ như: “sông sâu có thể bắc cầu. Lòng người thâm hiểm, biết đâu mà dò”! Thì cũng phải... Hành bây chừ chẳng khác nào: Làm trai cho đáng sức trai. Khom lưng chống gối gánh hai “hạt vừng”. Khổ nỗi người ta làm trai còn chống gối vì hai hạt vừng, còn tôi đây chỉ còn “một hột” cũng chả xong...

Buổi sáng, Hành lái chiếc xe bedford đi lên điểm hẹn chờ Thư, anh chỉ đậu xe ở xa xa. Vì Thư nói:

- Em không muốn cho người nhà em biết chuyện hẹn hò nầy.

Lúc bấy giờ, chân phải của anh đã hoàn toàn cưa cắt bỏ băng bột, nhưng còn phải chống nạn, và đi khập khễnh (cho tới bây giờ. Tuy thế, nếu ai không nhìn kỹ, và anh không đi nạng, thì ít ai lưu ý điều nầy). Loại nạng đặc biệt do bên bệnh viện Hoa Kỳ chế tạo riêng. Vì, tay phải của Hành vẫn bó bột, đã đặt ở độ cong 90o. Nên chiếc nạng bình thường được lắp thêm cái tay, để anh có thể tựa cả cùi chỏ lên mà làm điểm tựa, và anh đi vững vàng chắc chắn hơn nhờ có thêm cái nạng.

Thư lấm lét nhìn anh, vẻ mặt ngượng ngùng, e ngại, bối rối. Thấy thế, tự nhiên Hành cũng lúng túng ngượng ngùng không kém. May là Hành lo xa đã mặc bộ đồ bay màu xám đính huy hiệu con rồng thè lưỡi trước ngực áo, mà cô ta còn tỏ thái độ lấm lét ngượng ngùng ái ngại rụt rè như thế. Nếu chẳng may anh chỉ là tên lính quèn, nghèo xơ nghèo xát; thì ắt hẳn hồi xưa Thư sẽ chả bao giờ ngó ngàng, hay tự động làm quen Hành trước đâu nhỉ! 

Hai người đến tiệm ăn Sing Sing ở đường Phan đỉnh Phùng. Khi anh và Thư bước vào tiệm, thì hầu như tất cả thực khách thân ái và đầy cảm tình dồn mắt nhìn về phía “tụi tôi”. Một thiếu úy phi công, lái chiếc xe hơi bedford diễu qua phố, đậu ngang trước nhà hàng, rồi chống nạng đi với người đẹp! Khiến ai ai cũng ưa thích ái mộ về sự phô trương, lác mắt vì thời thế tạo anh hùng thế thời phải thế. Chắc ai ai cũng nghĩ anh bị tai nạn xe cộ. Vì, nếu là phi công thì... ít khi có ai què quặt, hoặc lành lặn trở về nhà sau một phi vụ không chiến.

Hôm qua, lần đầu tiên mới nghe bản nhạc “Kỷ vật cho em” của Phạm Duy, trong đó Hành nhớ mang máng hình như câu nầy:... “Anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về bại tướng cụt chân, bên người yêu tật nguyền chai đá” - (hay là... “ngập ngừng cay đắng... Phải không em Thư ui!). Hành mỉm cười luống cuống vụng về, vướng vít tí chút khi tay ôm cái nạng gỗ cho dựa vô góc tưởng. Hành run run tỳ chống một tay mà lết đít tự ngồi vào ghế. Thư thản nhiên gần như dửng dưng nhìn, và tự động ngồi đối diện với anh Sau đó đầu cô ta luôn đăm chiêu cúi gầm xuống mặt bàn, lâu lâu cô ta ưa liếc nhìn trộm anh. Cái nhìn dường như có ý đồ bất chính nào đó, mà lúc nầy Hành không thể hiểu nỗi. Thư chẳng thèm nhìn thẳng vào mặt anh, không hề hỏi thăm thương tích của “anh” ra sao rồi? Hoặc giả nếu cô ta có “vờ như” ân cần vui vẻ, liếng thoắng nói câu an ủi vỗ về nào (khác hẳn như hồi xưa). Thì anh sẽ tin và không bao giờ nghĩ xấu về những “hành vi lố bịch” lúc bấy giờ... chẳng qua là một “tai nạn nghề nghiệp”. Hành ngao ngán kín đáo và thất vọng thở dài, anh cũng chả cần hỏi thăm Thư hiện nay ở quê nhà Thư thay đổi tới đâu!?

Cứ thế, cả hai người cúi gầm đầu, im lặng ăn ăn, húp húp và uống uống... mệt nghỉ. Nghẹn đắng cổ họng khô lông lốc. Ăn xong, anh lặng lẽ đứng dậy khập khễnh từng bước đi tính tiền. Hai người đi ra khỏi tiệm. Ngồi trong xe riêng tư bây chừ lại càng khó chịu hơn, chả bù cho ngày trước khi anh đi Mỹ, thì một tay anh cầm lái, còn một tay Hành vòng qua kẹp cổ nàng ôm ôm bóp bóp, nắn nắn chỗ nầy chỗ nọ... Còn Thư thì tay bận rờ mó cổ, bấu víu tai tóc và rờ bụng nắn ngực của anh, thỉnh thoảng cô nàng chồm qua hôn anh chùn chụt, miệng nói tía lia: “em yêu anh, em nhớ anh quá”. Nhưng... gặp nhau lần nầy thiệt quá xa lạ, bẽ bàng đến độ xót xa, dường như Hành và Thư chưa hề có một thời gian thân mật đậm đà yêu thương nồng nhiệt, khắng khít hơn vợ chồng trước suốt thời gian anh chuẩn bị đi Mỹ, hay sao ta?! Bi giờ coi Thư có thái độ quá dị hợm, xa lạ... xa lắc xa lơ, bẽ bàng, trơ trẽn đến độ thê thảm

Trước khi thả Thư xuống lề đường, nơi gần nhà cô ta, vì Thư muốn như vậy. Hành hỏi:
- Bao giờ... anh mới có thể gặp lại em?

Hoàn toàn im lặng. Không một cái lắc đầu hay gật đầu. Càng tệ hại hơn không có cái liếc nhìn, mà cúi gầm xuống đất, không có câu trả lời.

- Cho anh xin số phone nha.

Lắc đầu quầy quậy. Im lặng. Không cho. Âm thầm lặng lẽ chia tay nhau ra về. Thật hết rồi: “Yêu nhau sinh tử cùng liều. Thương nhau lội suối qua đèo có nhau” mà! Ở đây Phi Hành và Trân Thư: Chẳng thà không gặp thì thôi. Gặp nhau rồi, cùng phơi bày những điều quá trắng trợn, càng buồn đau và tủi hờn hơn. Thế thì... quá rõ ràng rồi. Còn nghi ngờ gì nữa!

Sông sâu có thể bắc cầu.
Lòng người nham hiểm biết đâu mà mò.
Sông sâu còn có kẻ dò.
Lòng người nham hiểm ai đo cho tường. (*)

Ngay lúc đó, Hành quẹo xe lái một mạch vào bệnh xá Không-quân. Sau khi khám xong, ông Thiếu-tá bác sĩ phi hành cho biết:

- Mọi việc đều ổn.

Xem xét tập hồ sơ bệnh án dày cộm của anh, ông bảo:

- Cứ ở lại đây mấy tuần. Tôi theo dõi anh. Sẽ quyết định sau.
- Xin bác sĩ vui lòng cho em về nghỉ. Nhà em ở rất gần đây.
- Anh đến đây bằng cái gì?
- Em tự lái xe hơi đến.

Ông trố mắt, kinh ngạc nói:
- Ôi! Chết rồi. Làm sao tay chân anh như vậy, mà tự lái xe đến? Không được đâu. Để tôi cho xe đưa anh về. Từ ngày mai sẽ có xe cứu thương đến, rước anh vào đây khám, rồi có tài xế đưa anh về.

Hành đành phải tuân lệnh thôi. Nhưng, mỗi ngày khi khám bệnh xong, chú tài xế Trung-sĩ vừa đưa anh ra khỏi cổng Phi Long, Hành liền bảo chú dừng lại, anh cho chú ta ít tiền, và nói:

- Chú không phải đưa tôi về nhà nhé. Tôi tự lái xe được. Ngày nào cũng thế. Chú cứ đậu xe, chờ tôi ở chỗ nầy. Tôi gởi xe ở chỗ người bạn. Đơn vị anh ấy làm ở phòng an ninh phi trường. Rồi, chú chở tôi vô bệnh xá thôi. OK?

Dĩ nhiên là chú ta rất vui mừng. Vì chẳng mất công đưa đón, mà mỗi ngày Hành còn tặng chú vài trăm đồng, để chú uống cà phê.

* * *

Dẫu sao thì trong lòng Hành cũng bứt rứt không vui, ba tuần nay anh ưa lái xe lảng vảng đến gần nhà Thư. Có mấy lần Hành lái xe đến đậu thẳng vào bên mé cổng. Khi anh bấm chuông, thì thấy Thư hăng hái bước ra thềm. Rồi... chợt Thư ngước nhìn thấy Hành, nên cô ta vội vã thụt lùi, vụt lui nhanh vào phía sau phòng khách. Chờ một lúc khá lâu, Hành bấm lại mấy lần chuông. Người nhà ra cổng, nhìn anh ú ớ lạnh lùng:

- Cô Thư... đi vắng rồi.

Lần sau. Lần sau. Lần sau nữa... vẫn cứ thế! Dĩ nhiên Hành thất vọng và thật buồn. Nhưng thôi, anh đã hiểu. Khi con người đã tàn nhẫn quay lưng đi, thì nếu mình cố níu kéo, càng vô ích và thêm mang nhục. Dù rằng anh rất muốn mọi chuyện yêu đương giữa Thư và Hành: nên giải thích rõ ràng, minh bạch, hầu: “cư xử với nhau, không gì hay bằng nghĩa. Và không có gì quý bằng nhân”. Sau nầy, nếu hai người có vô tình hay hữu ý gặp lại nhau, cũng không thể bẽ mặt bôi tro trét trấu, dị hợm nói xấu nhau chả ra gì. Thật là anh đã rất lầm khi yêu Trân Thư. Một mối tình không xứng đáng với lòng tin yêu nồng nhiệt thân thiết của mình.

Một ngày kia, Thư phone đến, biết Hành đi vắng nhà. Cô ta khệ nệ bưng đem trả lại anh tất cả thư từ, hình ảnh, và quà bánh mà anh đã gởi tặng Thư, nhiều thật nhiều. Ba má của anh nói Thư ráng ở lại chút, chờ Hành về, hai người ngồi lại nói chuyện phải trái sau. Cô ta lắc đầu quầy quậy. Cộc lốc nói:

- Không. Cháu bận.

Người ơi gặp gỡ làm chi
Để rồi hai đứa chia ly hai đường. (*)

Sau cú chia tay “tuyệt đẹp của cô ta”, Hành sống những tháng ngày trôi qua rất vô vị, chán chường và hụt hẫng biết bao! Hành trôi lênh đênh như con thuyền không bến đậu. Trước ngày đám cưới Thư, cô ta nhờ Hiền, (bạn thân của cô ta) Hiền gọi phone tới nhà gặp anh, để “bắn tin”:

- Thư lấy chồng, để “trừ cấn món nợ” cờ bạc khổng lồ, vì bà dì mắc nợ ông chồng của Thư đó.

Bỗng dưng anh sảng khoái cười xoà. Úi trời đất qủi thần thiên địa ơi! Gạt đứa con nít, có lẽ nó còn kinh ngạc nữa là. Nghe giống y hệt chuyện “nàng Kiều lâm nạn thời nay”!! Nợ của bà dì, thì mắc mớ chi mà cháu gái họ xa xôi (nếu dùng củ cà nông bắn đi, chưa chắc đã trúng họ với hàng) mà cháu hờ… ấy phải nai lưng ong nuột nà ra, để gánh vác, đỡ đần cho họ (chứ không phải nợ của cha mẹ), hoặc là cô ta vì mắc nợ ông chồng cao cấp, danh giá giàu sang, nên trừ cấn cho dứt điểm “món nợ hồi môn” ấy!? Cô nàng “hy sanh” cuộc đời son trẻ, tương lai rạng rỡ, và hạnh phúc tình yêu?! Ô là là... Sao nói dối ngọt xớt thế, mà không biết ngượng? hả trời!!!

Ngày Thư làm đám cưới, là đúng vào ngày đầu năm dương lịch, ngày ấy không xa ngày mà Hành đến bên cổng nhà nhìn Trân Thư núp lén sau rèm, cô ta không muốn gặp mình bao lâu, Hành đã lái xe đến đậu ở bên kia bưu điện Sài Gòn sớm hơn nửa giờ. Anh ngắm nhìn xe hoa chở cô dâu chú rể trờ tới. Hành để ý quan sát tỉ mỹ thật kỹ: Rõ ràng Trân Thư không hề có cử chỉ ủ dột, miễn cưỡng, hay lo buồn, bâng khuâng thương tiếc người tình xưa, lẫn tiếc thương thân phận mình khi phải “ hy sanh bán mình” chuộc nợ cho “bà dì khả ố” nào cả. Ngược lại Thư đang hân hoan, hí hửng, khoan khoái, ung dung vui vẻ lí lắc rìu rịt cặp tay chồng. Nói đúng ra cô ta chẳng hề có chút nào bị gượng ép, bị ép buộc đi lấy chồng để trả nợ đậy cho bà dì, trái lại coi cô ta rất lả lơi, tình tứ nép sát vào ngực chồng, hai anh chị một già một trẻ dung dăng dung dẽ cùng tiến vào vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn. Không hiểu ở trong nhà thờ Trân Thư có thở than cùng Chúa:

Người đâu gặp gỡ làm chi.
Để cho khổ thế còn gì tuổi xuân?
Chúa ơi! Con khổ vô ngần.
Chúa mà không giúp là thân con tàn.
Con đang thiếu nợ trăm ngàn.
Nhìn đồ “chồng” sắm hai hàng lệ rơi.
Con quỳ lạy Chúa trên trời.
Giúp cho con trốn được người con yêu. (*)

Hành ngồi trong xe hơi, lặng câm thừ người ra suy nghĩ: Buồn bã mất mươi phút. Khi thật sự nhìn thấy và hiểu ra… anh vui vui chút ít. Nên kết thúc xong một chuyện tình mà Hành cứ lầm tưởng là “đẹp như giấc mơ hoa dâm bụt”. Dẫu sao thì... khi xưa đã rất nhiều lần anh giăng rộng vòng tay ra ôm ấp ghì siết Trân Thư đắm đuối si dại để tình tự. Hành cùng đi chung với cô nàng trên một đoạn đường đời luyến ái khá dài. Khá dài... khoảng trên dưới một năm khi ở cùng nhau thuở trước... cũng đủ để thấm đượm nỗi vui mừng ái ân cuống quít, hay hờn ghen nho nhỏ về chuyện ngày xa xưa. Hành đã cười trên nỗi đắng cay bẽ bàng vô duyên tệ lậu của đời mình. Ha Ha Ha!!! Anh mạnh dạn lái xe đi về nhà, cảm thấy lòng nhẹ nhõm, hết băn khoăn, sầu muộn. Quả thật đúng như thế, chẳng lẽ anh “rên”:

Người đi một nửa hồn tôi mất...
Một nửa hồn kia... đứng chửi thề! (*)

Sau nầy, khi đã an cư lạc nghiệp ở Mỹ, ly dị ông chồng già khú nhưng giàu sang và đầy danh vọng xong. Cô ta gọi phone về nhà anh, tò te ỏn ẻn nỉ non tha thiết nói: 

- Lúc em xa anh, mà đi lấy chồng đó; không ai hiểu được em đâu. Em hy sinh vì bà dì mà thôi.

- Thì vâng! Anh hiểu! Hô hô hô!!! 

Tình Hoài Hương

No comments:

Blog Archive