Thursday, December 14, 2017

Mùa Noel năm ấy

Hồng Điểu

  

Khóa gia nhập Không Quân của chúng tôi, tuyển từ dân chính, những chàng thư sinh vừa dời ghế nhà trường. Chúng tôi gồm hai đại đội 396 chàng trai trẻ lên đường tòng quân nhập ngũ.

Sau khi thụ huấn căn bản quân sự xong. Hai đại đội được phân chia thành từng nhóm nhỏ, theo học ngành cơ khí phi hành FE (Mévos) trên các loại máy bay khác nhau, như: Vận tải cơ C130, C123, C119, C47, C7 Caribou, Trực Thăng vận tải Chinook CH47, Trực Thăng H34 và Trực thăng UH- 1H.

Chúng tôi được gửi đi học các khóa định nghiệp bảo trì phi cơ các loại kể trên. Sau đó chuyển ra Trung Tâm Huấn Luyện (TTHL/KQ) Nha Trang, vào khoảng tháng 8 năm 1970, phòng nhân viên chia ra và chọn lựa 24 khóa sinh, gần 1 trung đội thành nhóm của chúng tôi, và được Bộ Tư Lệnh Không Quân (BTLKQ) gửi ra TTHL Không Quân Nha Trang học địa huấn, rồi lại đưa sang Phòng Huấn Luyện (PHL) Không Đoàn 62 Chiến Thuật (KĐ62CT) học địa hình, check bản đồ, chấm tọa độ, học mưu sinh thoát hiểm, vượt rừng núi (Survival Trainning) trước khi lên phi cơ thực tập phi huấn.

Hoàn tất khóa địa huấn, KĐ62CT dẫn chúng tôi xuống Phi đoàn 215 Thần Tượng (Phi đoàn mũ đỏ, voi hát xiệc) để học phi huấn hành quân.

Thời gian thụ huấn ở KĐ62CT, chúng tôi được ở ngoại trú, giống như những người lính cơ hữu. Sáng vô trình diện PHL để tham dự các khóa học, chiều tan hàng về nhà trọ ở ngoài phố, ngủ nghỉ dưỡng sức.

Khi được cấp giấy phép ở ngoại trú, 8 thằng bạn thân chúng tôi, đã nhờ Tr/ú Thông trưởng phòng an ninh LL81Biệt Cách Dù tìm kiếm nhà, mướn giùm. Tr/ú Thông là anh Rể của thằng bạn cùng khóa, ông thuê giùm chúng tôi một căn lầu trên đường Trần Nguyên Hãn, Xóm Mới, Nha Trang, chủ nhà là một ông thượng sĩ binh chủng Quân Cụ thâm niên, sống lâu năm ở Nha Trang, nên có nhà, có phòng cho mướn.

Căn nhà lớn mặt tiền, có 1 lầu và rộng. Gia đình chủ nhà ở tầng dưới, mở quán bánh cuốn, còn trên lầu cho mướn, kiếm thêm lợi nhuận.

Chúng tôi mướn nguyên căn trên lầu, có bếp, đầy đủ tiện nghi, nhưng không khi nào chúng tôi nấu nướng, vì ban ngày phải đi học và huấn luyện trong quân trường, tối về ngủ nghỉ, nên toàn ăn cơm ở CLB trong phi trường và ngoài quán. Cuối tuần thì đi dạo phố, rong chơi, bạ đâu ăn đó, chẳng lo gì.

Ông chủ nhà tuy là quân nhân, nhưng Ông lại là hội viên của Ban Mục Vụ, hội đồng giáo xứ nhà thờ Xóm Mới, Nha Trang.

Sau những cuộc gặp gỡ làm quen, thăm hỏi và trò chuyện với chúng tôi, Ổng biết chúng tôi là 8 thằng tân binh KQ gốc Công Giáo, vì thỉnh thoảng ông nghe được chúng tôi đàn hát những bài Thánh Ca (nhạc đạo) từ trên lầu vọng xuống dưới nhà, gây ồn ào vui nhộn trên lầu, vào những lúc chiều tối, hay cuối tuần rảnh rỗi. Chúng tôi hát nghêu ngao cho quên nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu nơi Sàigòn đô thị xa vời. Trong 8 thằng trú ngụ trên lầu, chúng tôi đều là dân Sàigòn độc thân, sống ở các giáo xứ: Bình An Q8, Nam Hòa, Nghĩa Hoà ông Tạ, Vườn Xoài Trương Minh Giảng, còn tôi dân giáo xứ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng.

Ông chủ nhà thấy chúng tôi ca hát có vẻ rành rõi, nên mời chúng tôi tham gia vào ca đoàn giáo xứ để hát lễ những ngày cuối tuần và đêm Giáng Sinh. Chúng tôi nhận lời, và kể từ ngày đó, mỗi tối thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy, Ông nói với anh Ca Trưởng dẫn nguyên ca đoàn đến nhà ông tập hát, để chúng tôi nhập cuộc làm quen, cho đỡ thẹn thuồng và mắc cỡ.

Khi chúng tôi nhập cuộc, thì ca đoàn tăng sĩ số ca viên thêm lên hơn 30 người. Đa số ca viên là các cô gái trẻ, mưng mưng, nữ sinh Nha Trang trông mát mắt, hát hay và dễ thương. Chỉ có một số ít nam ca viên là những thư sinh chưa đến tuổi quân dịch và vài ba anh lính cơ hữu Hải Quân đạo công giáo, đang phục vụ trong TTHL Hải Quân Nha Trang, trong đó có một anh SQ/HQ làm ở phòng Chiến Tranh Chính Trị trong trung tâm huấn luyện HQ.

Tám thằng chúng tôi, thì 7 thằng đã từng là ca viên ca đoàn của các giáo xứ ở Sàigòn, nên chúng nó hát Thánh Ca rất thuần nhuyễn, hát được đủ các bè (tông). Thằng thì hát bè Altone, thằng thì hát giọng Tenor, đủ các tone. Tôi là thằng đạo Giòng, không vô ca đoàn nào, nên hát ba chớp ba nhoáng, chúng nó cho tôi hát bè tông đơ. Khi tập hát, ca trưởng giao cho tôi, ôm cây guitar búng pưng pưng, để hòa nhịp cùng đàn organ và ca đoàn, hát xướng với nhau.

Cha Xứ thấy chúng tôi là quân nhân, gia nhập ca đoàn, hát các thánh lễ tối thứ Bảy và sáng Chúa Nhật nổi đình đám, nên Ngài khen ngợi và giới thiệu chúng tôi trước giáo dân của giáo xứ. Chúng tôi được bà con giáo xứ quí mến và làm quen, thỉnh thoảng họ mời về nhà lai rai hoặc trà đàm. Nhất là những nhà nào có ca viên nữ thì chúng tôi rất thích tới làm quen.

Là những tên tân binh mới ra lò, hãy còn dáng dấp thư sinh, sống ở thành phố, nên các cô rất có cảm tình, hay tặng cho chúng tôi những miếng bánh, ly chè nước cốt dừa Nha Trang ngọt lịm, khó quên. Thằng bạn tôi cao ráo đẹp trai có giọng hát trầm ấm, được ca trưởng đề nghị hát Solo với một cô ca viên có giọng truyền cảm, thành cặp song ca, hát rất ăn ý và nổi bật của ca đoàn.

Đêm Noel 24 Dec, năm 1970, ca đoàn giáo xứ Xóm Mới chúng tôi được mời vào TTHL/HQ Nha Trang trình diễn thánh ca và hát thánh lễ đêm Giáng Sinh lúc 8 giờ 00 tối cho tân binh khóa sinh HQ trong quân trường, do anh SQ/HQ trong Ban CTCT đầu mối, mời vào.

Chiều hôm đó, lúc 5 giờ 00, hai xe GMC của HQ ghé sân nhà thờ giáo xứ chở chúng tôi vào TTHL/HQ. Ca đoàn chúng tôi được lên sân khấu trình diễn thánh ca trước thánh lễ và hát thánh nhạc cho thánh lễ Giáng Sinh trong quân trường, đến 9 giờ 00 tối thì xong, sau đó được Ban Tiếp Tân mời qua CLB quân trường thết đãi tiệc trà, bánh mừng Noel.

Những SVSQ/HQ tiếp tân cứ tưởng chúng tôi là những thư sinh ngoài đời, là ca viên của giáo xứ, nên các anh thi nhau trổ tài tán các cô ca viên và tán dóc với chúng tôi, họ kể những chuyện vui buồn trong quân trường, và dụ khị chúng tôi đăng nhập vào lính HQ, khoe vừa sạch sẽ, vừa oai phong với mộng hải hồ.

Lúc vui miệng, các cô ca viên giới thiệu chúng tôi là những tên lính mới tò te KQ, nên các anh SVSQ/HQ mới ngỡ ngàng hỏi: Sao các bạn là lính KQ mà giống dân civil vậy, tóc tai, ăn mặc như dân chơi Sàigòn không khác gì thư sinh, chưa nếm mùi quân trường. Chúng tôi chỉ cười cười, nói giỡn chơi, tụi tôi là lính thành phố mà. Thực ra chúng tôi đã khoác áo lính trên người, thấm thoát gần 2 năm rồi. Mặc dầu chỉ là những chú lính sữa, thư sinh, đang được gửi đi huấn luyện chuyên ngành mà thôi.

Sau khi hát thánh lễ đêm Giáng Sinh trong TTHL Hải Quân xong, ca đoàn chúng tôi được xe GMC chở về nhà thờ giáo xứ Xóm Mới hát thánh lễ đêm Giáng Sinh, lúc 12 giờ 00 khuya rất vui. Đêm đó chúng tôi được các nữ ca viên thi nhau nấu nướng thết đãi tiệc “Réveillon” rồi chúng tôi vui chơi ca hát suốt đêm cho đến gần sáng mới từ giã, về phòng trọ ngủ.


Chiều 25 Dec 1970, chúng tôi tắm rửa, diện quần áo Civil chỉnh tề, rủ nhau đón xe Lam lên nhà thờ chính toà Nha Trang hoà nhập với các tín hữu tham dự Lễ Noel do Đức Cha Fx. Nguyễn Văn Thuận chủ tế.

Vừa tham dự thánh lễ, vừa được thảnh thơi ngắm nhìn những bông hồng miền cát trắng, xứ biển Nha Trang với những tà áo dài tha thướt, duyên dáng và dễ thương, thấy mà ham:

Ước gì ta được, mà ta để.......
Ta để đem về, để nữa ta......  (dùng các nàng làm người yêu)

Mùa Noel năm ấy chúng tôi có nhiều kỷ niệm rất vui, nơi thành phố Nha Trang thân yêu.

Hết Noel, chúng tôi trở lại PHL, tham dự các khóa học bình thường. Sau các khóa huấn huyện, chúng tôi được gửi sang phi đoàn 215 Thần Tượng (phi đoàn mũ đỏ, voi hát xiệc) của Th/tá Phạm Bính, để tham gia phi huấn hành quân trên bầu trời vùng II chiến thuật.

Khóa chúng tôi có 24 thằng, được chia làm 4 toán nhỏ, mỗi toán 6 người, nhập vào 4 phi đội của phi đoàn. Hàng ngày, mỗi toán thay phiên nhau, theo các anh Path Find (liên lạc hành quân KQ) theo hợp đoàn bay ra chiến trường thực tập. Chúng tôi theo các phi vụ hành quân, bay đến các vùng giao tranh ở chiến trường như:

- Ban Mê Thuật: Buon Ho, Phước An, Bản Đồn, Lạc Thiện.
- Kontum: Dakto, Daksut, Tân Cảnh
- Quảng Đức: Đức Lập, Gia Nghiệp, Kiến Đức, Phước Long
- Nha Trang: Vạn Ninh, Khánh Dương.
- Bình Định, Qui Nhơn: An Lão, Bồng Sơn, Tam Quan, những địa danh nảy lửa, nổi tiếng VC

Hầu như chúng tôi đã bay đến rất nhiều nơi trong Vùng II Chiến thuật.

Còn những buổi thực tập mưu sinh thoát hiểm, chúng tôi phải lặn lội trong rừng tìm kiếm mưu sinh.

Những ngày không tham dự huấn luyện hành quân, thì được PHL chở ra sân bắn làng Cùi Núi Sạn của TTHL Đồng Đế thực tập tác xạ Colt 45 và súng Rouleau P38 với Đại úy Tôn Trưởng phòng HL/KĐ62CT.

Đ/ú Tôn là một tay thiện xạ lão làng, ông bắn Colt 45 rất chính xác, như để. Chỉ chỗ nào, ông bắn ngay chóc chỗ đó. Ông từng nói: Dân thiện xạ, bắn chim đậu là dở. Bắn trúng chim đang bay mới là thiện xạ. Chúng tôi đuổi bầy gà rừng, gà đang chạy phon phon, ông bắn ngay chân cái chóc, gà què, nhẩy cà tưng, ngã qụy. Thịt gà rừng chắc và ngọt, zớt về mần thịt, xào sả ớt là hết xẩy.

Đ/ú Tôn biểu chúng tôi hãy thẩy Cát tút (vỏ đạn) lên trên không cho ông bắn chơi, Ông bắn rất ngọan mục. Ông thách: Có thằng nào dám đội cái loong Ham C ration (loong thịt 3 lát, gạo sấy) lên đầu cho ông bắn không? Tôi nói: Thôi đi ông thầy, ông bắn kiểu đó, bẻ gáo chúng em mất. Chết oan, bố mẹ chúng em khóc hết nước mắt.... Ông cười chửi thề: ĐM! Dân KaQu sao mà chicken, chết nhát thế, tao chỉ bắn chơi, bắn cho tóc tụi bay, bay phất phơ không dính da đầu, làm sao lọt vô gáo dừa được.. Ông đúng là tay thiện xạ, phải nể phục!

Các ngày thứ Bảy, Chúa Nhật cuối tuần, chúng tôi được nghỉ, không phải dự khóa huấn luyện, nên có thì giờ đi ra phố dạo chơi, lội bộ trên đường Phương Sài, lên Thích Ca Phật Đài ngắm cảnh, ngó các cô thiếu nữ theo mẹ đi lễ chùa.

Vui nhất là, đường Phương Sài lên Thích Ca Phật Đài, hai bên đường mọc lên rất nhiều xóm Bình Khang. Chị em ta cứ thấy đàn ông, thanh niên đi qua là níu kéo.... Các anh ơi! Vào đây đi giùm em, mở hàng. Cám ơn.

Úi Cha! Đường lên nơi linh thiêng mà các chị em chẳng nể Trời, Phật gì ráo trọi.
Bây giờ tôi mới thấy đường Phương Sài lên Thích Ca Phật Đài, cũng giống như đường lên ngọn đồi Montmartre, Paris.

Trên đỉnh đồi Montmartre có một nhà thờ lớn và Dòng tu Thánh Tâm, phía dưới chân đồi, chung quanh toàn là gái điếm, họ nghèo đến nỗi không đủ vải che mông, đầy rẫy các chị em ta trong các Club, quán Bar, vũ trường sexy. Đây là nơi ăn chơi nổi tiếng của thủ đô Paris.

Ở Nha Trang cuối tuần chúng tôi hay rủ nhau xuống phố, lên đồi, ra biển, vào vườn cảnh, bách thảo của Dòng Phanxicô dạo chơi hóng mát. Rủ mấy cô ca viên cùng lội ra Hòn Chồng, Hòn Kẹt picnic, hoặc lên Tháp Bà, cầu Xóm Bóng. Đôi khi chúng tôi quá giang ghe đánh cá: Ghe cào, ghe xiệp của mấy người quen ra đảo Én, bắt chim.

Thỉnh thoảng, những ngày nghỉ lễ (long weekend) cuối tuần, chúng tôi đáp xe đò xuống Cam Ranh, thăm mấy người bà con từ SG ra làm sở Mỹ ở đây, ngủ đêm, nhậu nhẹt tại Cam Ranh hay đi Khánh Dương cho hết ngày lễ nghỉ mới về lại Nha Trang.

Thời gian chúng tôi ở Nha Trang là các mùa Thu và Đông nên thời tiết đôi khi có mưa phun và hơi se lạnh. Cái thú vui là thỉnh thoảng, tối tối chúng tôi rủ nhau lội bộ xuống bờ biển đi phá đám mấy cặp uyên ương, đang xà nẹo dưới các vũng cát ngoài bờ biển, cho họ tức chơi.

Bờ biển Nha Trang cát trắng, sạch và đẹp, có những khu bãi biển khá dốc, nhất là khu vực gần phi trường. Buổi tối các cặp uyên ương hay dẫn nhau ra bãi biển tù ti. Họ thường lấy chân khoét cát xuống thành những cái vũng, đường kính cỡ hơn 1m, rồi trải vải bạt, hay miếng plastic xuống hố, ngồi ôm nhau tình tứ cho ấm lúc trời tối. Bờ biển ban đêm không đèn, chỉ lấp lánh ánh trăng, mờ mờ ảo ảo. Chúng tôi làm bộ, vừa đi dạo, vừa nói chuyện. Đi qua các vũng tình, lấy chân đá cát vào đó, coi như không thấy họ. Nhiều cặp tức quá, đứng dậy chửi thề gây sự, nhưng thấy chúng tôi đi 3- 4 thằng, họ cũng ngại, nên đành bỏ qua.

Có lần đánh lẻ, tôi lén bạn dẫn đào ra biển chơi. Rút kinh nghiệm đã từng đi phá đám bà con. Tôi dẫn em vào bãi cát có bụi rậm gần phía đường. Bãi cát gần đường thì ít người muốn ngồi đó, nên không mấy người qua lại, chẳng ai phá thối. Tâm lý chung, thường thường những cặp uyên ương hay dẫn nhau xuống chỗ bãi cát gần biển, ngồi ôm nhau nghe sóng vỗ rì rào, mới du dương, lành lạnh ôm nhau mới ấm tình.

Sau 1/2 năm huấn luyện ở Nha Trang. Mãn khóa, chúng tôi phải từ giã Nha Trang, từ giã các bạn ca viên, ca đoàn giáo xứ Xóm Mới, để về lại Sàigòn với bao lưu luyến và nhớ thương. Trước giờ chia tay chúng tôi ngậm ngùi bỏ lại những khoé mắt đỏ hoe, ngấn lẹ, với nhiều hứa hẹn.

Vào một sáng sớm, buổi tiễn đưa, từ giã căn gác trọ, từ giã những bông hoa Nha Trang lòng bịn rịn bùi ngùi. Chúng tôi tay sách, nách mang lên xe Lam vào phi trường, đáp chuyến bay C123 về BTL/KQ trình Sự Vụ Lệnh mãn khóa, được nghỉ phép một tuần tại nhà và vi vút dạo phố.

Hết phép, đúng kỳ hạn, tất cả 24 thằng chúng tôi vào trình diện phòng nhân viên BTL/KQ để bốc thăm ra đơn vị. 24 khóa sinh, 24 cái thăm được phân bổ ra 6 Sư Đoàn KQ. Tôi lượm trúng cái thăm về xứ Sóc, miền cuối cùng của nước Việt, cùng với 5 thằng bạn nữa, xuống phục vụ ở phi đoàn Hải Âu 227/CC84CT Sóc Trăng (xứ Sóc Xà Bo) biền biệt, xa Nha Trang vời vợi. Có lẽ các cô em gái ca viên Gx. Xóm Mới, Nha Trang sẽ hận và lên án chúng tôi:

Đường nào dài như đường phi đạo
Lính nào xạo như lính Không Quân”

Hay các cô lại ca bài:

Tình Không Quân là tình không chung thủy
Mỗi đường bay thay đổi cánh Hoa Tiêu”

Các cô em có biết cho rằng, thời chinh chiến. Đời trai ra đi không hẹn ngày trở lại, là chuyện thường tình. Nha Trang -  Sóc Trăng ngăn cách cả ngàn dặm, làm sao mà gặp lại nhau được. Xa mặt rồi từ từ phải cách lòng thôi. Bao giờ đất nước thanh bình, thì mới có dịp trở lại thăm miền Trung biển xanh cát trắng.

Thế là chúng tôi đành vỡ mộng, chiến tranh không có ngày trở lại Nha Trang, thăm ca đoàn Xóm Mới nữa.

Có những thằng bạn cùng khóa, từ ngày bốc thăm chia tay ra đơn vị, cho đến ngày tan hàng 30/4/75, chưa bao giờ gặp lại. Có thằng về phi đoàn, đi hành quân, rồi ra đi biền biệt.

Ngày 30/4/75 đã có những thằng bạn theo từng đoàn chim sắt, cao bay, xa chạy sang mãi tận vùng trời Âu Mỹ, mà đến bây giờ tôi mới có dịp gặp lại.

Cá nhân tôi, sau 30/4 còn ở lại SG. Có lần ra chợ Hoà Hưng, vô tình gặp lại cô em gái con ông chủ nhà trọ Nha Trang ngày xưa. Cô vẫn còn lưu luyến, nhưng rất tiếc cô đã trở thành vợ của một anh SQ Hải Quân vừa bị đi cải tạo. Cô đang là một goá phụ trẻ tân thời dưới chế độ CS. Tôi có an ủi cô và hỏi thăm các ca viên Gx. Xóm Mới ngày xưa. Cô nàng cho biết: Có cô lập gia đình còn tiếp tục ở lại Nha Trang lập nghiệp. Cô nào có cha là quân nhân trước kia, đơn vị đồn trú ở Nha Trang. Sau 30/4/75 tan hàng, họ bồng bế nhau về quê cũ lập nghiệp, làm lại cuộc đời. Cũng bặt âm tin, chẳng biết bây giờ ra sao.

Thế rồi từ đó, tôi lánh xa SG, tìm đường vượt biển đến Úc định cư. Thấm thoát đến nay đã gần 50 năm trôi qua. Mùa Noel lại đến, tôi ngồi trầm ngâm mở bản nhạc: “Bài Thánh Ca Buồn” lên, nghe Elvis Phương hát mà tưởng nhớ lại dĩ vãng một thời:


Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân

Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa   
Khẽ hát theo câu “Đêm Thánh Vô Cùng”
Ôi giọng hát em mênh mông buồn...

Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng phai màu
Em qua cầu xác pháo bay sau
Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu

Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi....

Kỷ niệm khó quên, một thời sống ở Nha Trang, với một mùa Noel đầy thương mến
 
13/12/2016

Hồng Điểu Miệt Dưới
VNAF- 259- Medevac

No comments:

Blog Archive