Thursday, December 21, 2017

"Thiên đường cho người bị mất đồ”

Từ số tiền lên tới hàng triệu USD cho đến một... cây dù, cả xã hội Nhật Bản lấy sự thật thà làm cốt lõi để chung tay xây dựng một “thiên đường cho người bị mất đồ”.


Người Nhật Bản nổi tiếng trả lại đồ nhặt được, bất kể nó có giá trị hay không - Ảnh: Reuters

“Các trường học ở Nhật Bản dạy kỹ về đạo đức và nhân cách. Học sinh được nghiên cứu, trải nghiệm về cảm giác khi người ta mất đồ hoặc mất tiền
Giáo sư Toshinari Nishioka.

Ngày 22-7 vừa qua, chiếc xe đạp của cô gái người Lithuania Rita Rasimaite đã được tìm thấy sau hai ngày thông báo mất trộm tại TP.HCM.

Đó là cái kết đẹp cho nỗ lực xây dựng xã hội của cộng đồng mạng.

Nhưng chắc chắn người Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực tương tự, thậm chí trực tiếp, để mang lại niềm vui, sự tin yêu cho tất cả mọi người. Và có một bài học từ Nhật Bản rất đáng suy ngẫm.

Trả lại bất cứ thứ gì

Hãng tin Bloomberg hồi tháng 3 năm nay cho biết mỗi năm có hàng triệu USD giá trị tiền bị mất được giao về những cơ sở “mất và tìm thấy” của cảnh sát Tokyo.

Nhưng tiền không phải thứ người Nhật Bản tự hào nhất khi tìm lại giúp người khác.

Đài Al-Jazeera ngày 23-7 dẫn lại câu chuyện của cô gái 20 tuổi Maithilee Jadeja, người bị mất chiếc điện thoại vào tháng 2 năm nay tại một khu vực gần vùng núi lửa Aso.

Jadeja đã khai báo với cảnh sát, và hai tháng sau nhận lại chiếc điện thoại ở nơi cách đó 500km, quận Kumamoto.

Điều đáng nói là chiếc điện thoại vỡ màn hình, hầu như vô giá trị với người đã nhặt được nó.

Nhưng tại Nhật, thậm chí những món đồ bị mất tưởng như hoàn toàn vô giá trị cũng được lưu giữ, chờ người tới nhận. Đó có thể là điện thoại, ví, máy chụp hình, chìa khóa hay... những cây dù.

Trong năm 2016, cảnh sát Tokyo nhận được 3,83 triệu vật phẩm bị mất, trong đó thẻ tín dụng và bằng lái xe chiếm đa số, và cũng có tới 381.135 cây dù bị “cầm nhầm” được trả lại đồn cảnh sát.

Bạn có thể là người tốt, không ham của rơi, nhưng không phải lúc nào bạn cũng nỗ lực trả lại tài sản bị mất cho người khác. Văn hóa mất và tìm thấy ở Nhật Bản, dĩ nhiên cũng là một nỗ lực của cả xã hội.

Nỗ lực chung

Chính quyền Nhật Bản tạo mọi điều kiện để tạo dựng văn hóa này, trước hết là bố trí những chốt cảnh sát nhỏ - hay còn gọi là koban.

Có khoảng 6.000 koban như thế rải khắp các thành phố và vùng ngoại ô tại Nhật, vì thế khi ai đó nhặt được đồ, họ dễ dàng tìm thấy địa chỉ trả lại cho người bị mất, hoặc gọi cho cảnh sát.

Bên cạnh đó, các khu vực đông đúc như ga tàu điện ngầm và sân bay đều có bảng hướng dẫn kèm số điện thoại để trả lại đồ nhặt được hoặc khai báo mất đồ.

Toshinari Nishioka, cựu cảnh sát và hiện là giáo sư tại đại học nghiên cứu quốc tế Kansai, cho biết chính quyền cũng dùng “chiêu” kích thích lòng tốt của mọi người, bằng cách trích dưới 20% giá trị món đồ cho người nhặt được khi trả về tay chủ sở hữu.

Trong trường hợp một món đồ quá hạn mà không ai nhận, người nhặt sẽ được quyền giữ nó.

Ngoài ra, cảnh sát cũng bán các vật phẩm linh tinh như dù, tranh vẽ, vật kỷ niệm... cho cửa hàng chuyên kinh doanh hợp pháp số lượng đồ cũ này.

Nhưng sau cùng, cốt lõi vẫn là giáo dục và lấy sự thật thà làm gốc. Người Nhật giáo dục đức tính tốt đẹp ấy cho trẻ em.

Bản thân nhân viên cảnh sát và cơ quan lưu trữ luôn kỷ luật tuyệt đối và tuân thủ tuyệt đối quy trình xử lý bất kể món đồ ấy có hay không có giá trị.

Điều đó dẫn tới hình ảnh những cô bé, cậu bé nhặt được 10 yen cũng đem nộp cảnh sát và được cảnh sát tặng... kẹo.

Thậm chí khi đứa bé chỉ nhặt trả 1 hoặc 5 yen, cảnh sát cũng rất nghiêm túc và nói với người ấy rằng: Cháu đã làm rất tốt. Họ làm thế để vun đắp lòng tự trọng và cảm giác làm được điều có ích cho trẻ em. Nhiệm vụ của cảnh sát không chỉ là trấn áp tội phạm, mà còn cố gắng thúc đẩy những hành động tốt đẹp nơi cộng đồng địa phương” - giáo sư Toshinari Nishioka nói.

Quy định rõ ràng

Điều 28 trong đạo luật về tài sản bị mất của Nhật Bản nêu rõ: một người mất đồ sẽ phải trích từ 5 - 20% giá trị đồ vật bị mất cho người nhặt được. Người nhặt được đồ cũng có thời hạn một tháng để đưa ra yêu cầu được “hậu tạ” nêu trên.

Trong trường hợp không ai nhận đồ bị mất sau ba tháng, người nhặt đồ sẽ được sở hữu món đồ ấy, ngoại trừ các món đồ bao gồm thông tin cá nhân như điện thoại di động, thẻ tín dụng, bằng lái...

No comments:

Blog Archive