Sunday, December 17, 2017

Thiên nhiên: toa thuốc kỳ diệu!



Một ông bạn từ Gia Nã Đại ghé thăm. Sau gần 50 năm, chúng tôi mới gặp lại nhau. Bên cạnh tình bạn, còn có tình đồng hương: nhà tôi ở xóm trên, bạn tôi ở xóm dưới, cách nhau không quá nửa cây số. Thời trung học, chúng tôi học chung với nhau dưới cùng một mái trường. Ngoài tình đồng hương, tình bạn, tình đồng môn, chúng tôi còn liên kết với nhau bằng sợi giây thông gia: anh trai kề tôi lấy chị Hai của bạn tôi, cháu của bạn tôi cũng là cháu của tôi.

Tha phương ngộ cố tri, lâu ngày gặp nhau, chúng tôi ôn lại chuyện cũ, nhắc nhớ người xưa và nhất là đi lại từng ngõ ngách trong xóm làng. Thời gian gặp lại nhau không bao nhiêu, nhưng sáng nào, chiều nào chúng tôi cũng thả bộ dọc theo bờ hồ gần nhà. Cuộc tản bộ có khi kéo dài đến cả 2 tiếng đồng hồ. Đi hoài mà không thấy chán. Là dân thành phố biển, lại là cựu sĩ quan hải quân, nhưng  sống ở Tỉnh bang Alberta, quanh năm ngày tháng chỉ thấy rừng, sông hồ và núi,  nên bạn tôi thèm biển. Bạn tôi lúc nào cũng tấm tắc khen cảnh biển đẹp của vùng tôi. Tôi thì lại mê cảnh sông, hồ và rừng núi của Gia Nã Đại. Nhớ mãi lần đầu tiên đến thác Niagara và nhìn cảnh rừng phong (maples) của Gia Nã Đại vào mùa thu, tôi thấy ngây ngất. Đẹp hơn tranh!
Thì ra, bạn tôi và tôi, ở tuổi già, “gần đất xa trời”, sau bao nhiêu năm xa cách, chúng tôi gặp lại nhau trong cùng một niềm mê thích đối với thiên nhiên. Với riêng tôi, thiên nhiên lúc nào cũng là một toa thuốc kỳ diệu. Gặp bực bội, căng thẳng hay bế tắc trong suy nghĩ, tôi chỉ cần xách cần câu ra một bờ hồ. Chỗ tôi ở có nhiều hồ nước mặn thông với biển. Đó là một phúc lành. Cá cắn câu mang lại cái cảm giác mạnh chẳng khác nào đi “kéo máy”. Nhưng câu cá không chỉ là để kiếm cá ăn mà chính là để thư giãn. Nhứt chạng vạng nhì rạng đông. Châm ngôn của dân câu cá ở quê tôi không chỉ đúng cho nghệ thuật câu cá, mà còn có giá trị cả về mặt tinh thần: không gì đẹp cho bằng cảnh vật khi mặt trời xuống hay ló lên ở chân trời. Đó là những giây phút tôi cảm thấy sảng khoái nhứt! Đầu óc thông suốt hẳn ra. Tâm hồn thanh thản hơn bao giờ hết.
Thiên nhiên quả là một toa thuốc kỳ diệu. Tôi đã đọc được tư tưởng này trong một bài đăng trong tạp chí Reader’s Digest, số ra tháng Mười Hai năm 2017 này. Đây là kết quả của một cuộc thí nghiệm do Giáo sư David Strayer, một chuyên gia tâm lý thuộc trường Đại học Utah, Hoa Kỳ thực hiện. Giáo sư Strayer đưa 22 sinh viên thuộc phân hoa tâm lý học đi cắm trại 3 ngày tại một vùng có nhiều đại vực (canyon) gần Thành phố Bluff, Tiểu bang Utah. Sau 3 ngày cắm trại giữa thiên nhiên, đầu óc của nhóm sinh viên tham gia cuộc thí nghiệm minh mẫn hẳn ra. Theo Giáo sư Strayer, đầu óc của chúng ta không phải là những chiếc máy nặng 1.3 ký làm việc không biết mỏi mệt . Trái lại, chúng ta dễ dàng mệt mỏi vì cuộc sống ngày càng bị điều kiện hóa bởi thời đại kỹ thuật số. Nhưng khi chúng ta dừng lại và tìm đến với thiên nhiên, không những năng lực của chúng ta được bồi bổ mà khả năng suy tư của chúng ta cũng được cải thiện.
Kết quả cuộc thí nghiệm của giáo sư Strayer cho thấy đầu óc của nhóm sinh viên tham gia cuộc thí nghiệm bén nhậy hơn, óc sáng tạo gia tăng, khả năng giải quyết vấn đề cũng linh động hơn.
Theo giải thích của Giáo sư Strayer, khi sống gần với thiên nhiên, vỏ não gần trán của chúng ta, tức “tổng hành dinh” của não bộ, được nghỉ ngơi và hồi phục. Nhờ vậy, đầu óc của chúng ta sẽ sáng suốt và bén nhậy hơn.
Theo bài viết trên tạp chí Reader’ s Digest, vào năm 1865, một kiến trúc sư chuyên về thiết kế cảnh vườn là ông Frederic Law Olmster đã đứng ngắm nhìn thung lũng Yosemite Valley, thuộc vùng núi Sierra Nevada, miền trung Tiểu bang California. Cảnh vật làm cho ông ngây ngất đến độ ông đã yêu cầu chính quyền Tiểu bang California không nên đề ra bất cứ dự án phát triển nào trong vùng, mà hãy giữ nguyên cảnh thiên nhiên trong thung lũng. Ông Olmster ghi lại: “Đây là một sự kiện khoa học: việc chiêm ngắm cảnh vật thiên nhiên…góp phần gia tăng sức khỏe và năng lực cho con người”.
Thật ra, Kiến trúc sư Olmster không phải là người đầu tiên khám phá ra ảnh hưởng của cảnh vật thiên nhiên đối với sức khỏe và năng lực của con người. Cách đây khoảng 2500 năm, Đại đế Cyrus (576- 530 trước Công nguyên) của Đế quốc Ba Tư đã cho thiết lập những khu vườn để giải trí ngay giữa thủ đô của đế quốc.Trong 7 kỳ quan của thế giới cổ, được nhắc tới nhiều nhứt là những khu vườn treo ở Babylon, nay thuộc Tỉnh Babil, Iraq. Không chỉ như một tác phẩm nghệ thuật, mục đích của những khu vườn treo như thế là để giúp cho con người thư giãn, nghĩa là để giúp bồi bổ cho sức khỏe tinh thần và tâm linh của con người.
Ngay từ thế kỷ 16, một y sĩ nổi tiếng người Thụy Sĩ là ông Paracelsus cũng đã khẳng định: “Nghệ thuật chữa bệnh đến từ thiên nhiên chớ không từ các y sĩ”. Ba thế kỷ sau, nhờ hai thi sĩ Mỹ Ralph Waldo Emerson và John Muir biện hộ và tranh đấu, Hoa Kỳ đã cho  thành lập  những lâm viên quốc gia  đầu tiên trên thế giới. Theo hai tác giả này, thiên nhiên có sức chữa bệnh cả tâm linh lẫn thể lý.
Ngày nay, khả năng chữa trị của thiên nhiên đã được các nhà nghiên cứu kiểm chứng. Các nhà nghiên cứu thuộc trường y khoa của Đại học Exeter, Anh Quốc, đã phân tách dữ kiện từ 10.000 cư dân trong các đô thị và đưa ra kết luận rằng những người sống gần những nơi có nhiều cây xanh ít bị bệnh tâm thần hơn. Năm 2009, các nhà nghiên cứu ở Hòa Lan cũng đưa ra một nhận xét tương tự: những người sống gần các công viên hoặc không gian có nhiều cây xanh ít mắc phải 15 chứng bệnh thông thường như trầm cảm, lo lắng và nhức đầu.
Một chuyên gia về bệnh dịch học thuộc trường Đại học Glasgow, Scotland là giáo sư Richard Mitchell cũng tìm thấy một kết quả tương tự: những người sống gần những không gian có nhiều cây xanh, cho dẫu không sử dụng chúng, cũng ít chết và ít bị bệnh tật hơn. Những cuộc nghiên cứu của Giáo sư Mitchell cũng cho thấy một chi tiết lý thú: trong các bệnh viện, bệnh nhân nào thường nhìn ngắm cây cỏ xuyên qua cửa sổ hồi phục sớm; học sinh nào có điều kiện nhìn thấy thiên nhiên xuyên qua cửa sổ cũng học hành tiến bộ hơn và ít có thái độ bạo động hơn.
Các nhà nghiên cứu Nhựt Bổn thuộc trường Đại học Chiba còn làm một cuộc nghiên cứu thú vị hơn. Họ mời 560 người tham gia cuộc thí nghiệm. Những người tình nguyện tham gia cuộc thí nghiệm được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 280 người. Một nhóm được đề nghị đi bộ trong 24 khu rừng khác nhau; nhóm khác đi bộ trong các trung tâm thành phố. Kết quả cuộc thí nghiệm cho thấy với  nhóm người đi bộ trong rừng, kích thích tố Cortisol, tác nhân tạo sự căng thẳng và lo âu, giảm đến 16 phần trăm.
Từ Nam Hàn, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng trong những người nhìn ngắm cảnh thành phố, lượng máu chạy về hạch hạnh nhân (amygdala) gia tăng dẫn đến sợ hãi và lo lắng. Trái lại, nơi những người thích ngắm nhìn cảnh thiên nhiên, trung khu não bộ được kích thích: đây là vùng não tạo ra sự cảm thông và lòng vị tha.
Nhận ra tác động của thiên nhiên đối với sức khỏe của con người cho nên tại một số quốc gia, chính phủ dành cho thiên nhiên một chỗ đứng quan trọng trong các chính sách y tế. Như tại Viện Tài nguyên Thiên nhiên của Phần Lan chẳng hạn, một toán chuyên gia đã đề nghị dân chúng nên dành ra ít nhứt mỗi tháng 5 giờ để chiêm ngắm thiên nhiên. Theo các chuyên gia, 40 hoặc 50 phút đi bộ giữa thiên nhiên gia tăng sự tập trung và giúp thay đổi tính khí con người.
Nam Hàn là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển lâm viên để góp phần cải thiện sức khỏe của dân chúng. Bộ trưởng Lâm nghiệp của Ham Hàn là ông Shin Won Sop tin rằng cảnh rừng có sức chữa trị những người nghiện rượu. Ông nói rằng phúc lợi của dân chúng hiện đang là một trong những mục tiêu chính của kế hoạch phát triển lâm nghiệp tại Nam Hàn. Nhờ những chính sách mới của chính phủ nước này, con số du khách viếng thắng cảnh trong rừng từ 9.4 triệu người trong năm 2010 đã tăng lên 12.8 trong năm 2013. Bộ trưởng Lâm nghiệp Nam Hàn giải thích rằng dĩ nhiên rừng vẫn còn được khai thác để lấy gỗ, nhưng hiện nay sức khỏe của dân chúng vẫn là kết quả chính của việc phát triển rừng. Những số liệu của Bộ lâm nghiệp cho thấy cảnh rừng đã giảm chi phí y tế của Nam hàn, đồng thời gia tăng kinh tế cho các địa phương.
Những kết quả của việc chữa bệnh mà thiên nhiên có thể mang lại cho con người như được các cuộc nghiên cứu trưng dẫn vẫn chưa đủ sức thuyết phục lắm. Cho tới nay vẫn chưa có cuộc nghiên cứu nào mang lại một giải thích đầy đủ về sức chữa bệnh của thiên nhiên. Giáo sư Strayer nhìn nhận rằng vẫn còn nhiều bí ẩn đàng sau các cuộc nghiên cứu. Nhưng như ông nói, “cuối cùng, chúng ta đến với thiên nhiên không phải vì khoa học nói rằng thiên nhiên mang lại cho chúng ta điều gì đó cho bằng nó làm cho chúng ta cảm thấy điều gì đó”.
Đây chính là cảm nghiệm của riêng tôi. Hầu như ngày nào tôi cũng có đủ thì giờ để chiêm ngắm thiên nhiên xung quanh và đàng sau nhà tôi: một ngôi vườn với đủ mọi loại cây nhiệt đới và ôn đới, một lâm viên quốc gia trải rộng phía sau nhà. Ngoài ra, mỗi sáng tôi cũng có điều kiện để chạy bộ xung quanh bờ hồ gần nhà. Đó là chưa kể những buổi chiều dắt cậu chó đi dạo và dĩ nhiên ít nhứt 2 lần một tuần ngồi thiền với cần câu giữa cảnh hồ nước mênh mông.
Gần đây, do nhiều thứ bệnh tật không mời mà đến, tôi gia tăng việc tập thể dục hàng ngày và nhứt là ghép mình vào kỷ luật ăn uống. Ai mà chẳng mong được sống khỏe mạnh và thọ. Nhưng như một chuyên gia nào đó đã giải thích, tuổi thọ của con người không chỉ tùy thuộc vào việc tập thể dục và cách dinh dưỡng, mà còn do cái tâm có được thanh thản và bình an không. Thiếu gì những ông bà  lực sĩ, võ sĩ  hay danh thủ thể thao…chết yểu hoặc rước vào người đủ thứ bệnh tật.
Tựu trung, với tôi có được cái tâm an bình là điều quan trọng nhứt trong cuộc sống. Tôi không biết thiên nhiên tác động như thế nào đối với sức khỏe của tôi. Nhưng ít ra, như ai đó đã nói, con người không thể cô đơn khi ở gần thiên nhiên. Tôi tin như thế.  Bạn tôi từ Gia Nã Đại sang, không những đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui bất ngờ, mà còn củng cố niềm xác tín của tôi: thiên nhiên lúc nào cũng mang lại thư giãn và thanh thản cho tâm hồn!
 Chu Thập

No comments:

Blog Archive