Người Cha già
Nguyên Phước phỏng dịch
Ngày xưa, tại một vương quốc nọ có tục lệ là người nào tới tuổi già cũng bị đuổi ra khỏi nhà. Không ai có quyền nuôi dưỡng cha mẹ hay ông bà, khi họ đã lớn tuổi. Ai trái phép sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Lúc bấy giờ, vị Thái sư của nước đó có một người cha già mà ông rất kính yêu, cho nên không nỡ lòng đuổi đi. Ông bí mật cho đào trong vườn một chiếc hầm lớn và sắp xếp một căn phòng cho người cha ở. Mỗi tối, ông lén xuống thăm và chăm sóc cha mình một cách chu đáo.
Một hôm, trong khi nhà vua đang đăng triều cùng bá quan văn võ, thì bỗng nhiên xuất hiện một vị thần, hình dung cổ quái, nắm trong mỗi tay một con rắn:
“Hỡi nhà vua! Vương quốc cũng như ngài sẽ bị hủy diệt, nếu không trả lời được câu hỏi của ta: giữa hai con rắn độc này, con nào là con đực, con nào là con cái? Nội trong 7 ngày, nếu không ai tìm ra giải đáp, thì cung điện và kinh đô này sẽ bị đổ nát tan tành.”
Nhà vua và quần thần nhìn nhau ngơ ngác, không sao tìm ra câu trả lời. Cuối cùng nhà vua truyền lệnh ai tìm ra giải đáp sẽ được ban trọng thưởng với vô số vàng bạc.
Vào buổi tối, vị Thái sư tới thăm người cha già và buồn rầu kể lại câu chuyện và thảm họa sắp sửa xẩy ra..
“ Có khó gì đâu! Con hãy đặt hai con rắn đó lên một tấm lụa thật mềm mại. Con rắn nào ngọ nguậy và bò ra ngay là rắn đực. Còn nào nằm yên lặng, ưa sự mềm dịu của tấm lụa là con cái.”
Vị Thái sư nghe lời cha dậy và ngày hôm sau tìm ra ngay rắn đực rắn cái không sai, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.
“Thôi được cho lần này, vị thần cổ quái nói, nhưng các ngươi phải trả lời cho đúng câu hỏi này, nếu không nội trong 7 ngày, vương quốc sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn. Con voi trắng này cân nặng bao nhiêu? “
Vừa nói, bỗng nhiên trên sân rồng xuất hiện một con voi trắng to lớn, đến nỗi không thể có một chiếc cân nào trên thế giới có thể chịu đựng nổi. Nhà vua và quần thần thất sắc, không ai tìm ra phương pháp nào. Rồi cũng lại truyền lệnh ban trọng thưởng cho ai tìm ra giải đáp.
Tối hôm đó, vị Thái sư lại thuật lại câu chuyện cho người cha dưới phòng đất.
“ Dễ thôi! người cha nói. Con hãy đưa con voi tới bên bờ hồ, rồi cho nó lên một chiếc thuyền lớn. Sau đó, hãy làm dấu ghi mực nước vào mạn thuyền, rồi cho voi ra khỏi thuyền, và thay bằng những tảng đá cho tới khi nước lên tới dấu trên mạn thuyền. Cuối cùng, chỉ việc cân những tảng đá đó là sẽ biết được voi nặng bao nhiêu.”
Vị Thái sư làm đúng như lời cha dậy, và tìm ra giải đáp không sai.
“Được rồi, vị thần tức tối trả lời, nhưng còn câu hỏi này nữa, nếu trong 7 ngày các ngươi không trả lời được thì vương quốc này sẽ trở thành bình địa. Đây là hai con ngựa trắng, hai mẹ con giống nhau như đúc.. Đâu là ngựa mẹ, đâu là ngựa con?”
Một lần nữa, nhà vua và quần thần đều bí tịt, không ai có được một ý kiến gì. Và vị Thái sư lại trở về tham vấn người cha già.
“Có gì là khó! Con hãy mang lại cho chúng một bó cỏ non mà chúng ưa thích nhất. Con ngựa nào chạy lại ăn ngay là ngựa con. Con ngựa nào đẩy bó cỏ về phía con là ngựa mẹ.”
Một lần nữa, vị thần bị thua. Y tức giận tự biến mình thành một người ốm teo ốm tắt, chỉ còn da bọc xương.
“ Hãy nghe kỹ đây! Nếu không trả lời được câu hỏi này thì tất cả dân chúng ở đây sẽ biến thành tro bụi. Có thể nào có một người ốm đói hơn ta không?”, vừa nói y vừa vạch áo, lộ hết cả xương sườn.
Không ai biết đáp ứng ra sao. Vị Thái sư lại cầu cứu đến người cha của mình. Ông cụ ung dung trả lời:
“Một người tham lam, ích kỷ, ganh ty, sân hận, không thương yêu gia đình và đồng loại, chỉ biết làm hại chúng sanh, người đó sẽ trở thành ngạ quỷ, thân hình xơ xác, tiều tụy, gầy ốm như que tăm. Hãy nói với vị thần rằng một người như vậy sẽ trở thành ốm đói hơn ông ấy nhiều!”
Nghe xong câu trả lời, vị thần cổ quái bỗng rùng mình, hét lên một tiếng, cúi đầu chịu thua và vụt biến đi như một làn gió.
Nhà vua thở phào nhẹ nhõm, và truyền lệnh trọng thưởng vị Thái sư, bằng cách ban cho ông tất cả những gì ông mong ước.
“ Có thật vậy không, tâu Bệ hạ? Tất cả những gì thần mong ước?”
“ Khanh cứ nói đi! Trẫm không có hai lời.”
“ Tâu Bệ hạ, thật ra không phải thần tìm ra những giải đáp này, mà chính là người cha già của thần, mà thần đã có tội che dấu bấy lâu nay. Thần chỉ xin từ nay tại vương quốc này, ai cũng có quyền giữ lại cha mẹ, ông bà của mình, dù lớn tuổi tới đâu chăng nữa.”
“ Cha của khanh đã có kỳ công cứu nước và tất cả dân chúng ở đây, thì việc trở lại sống cùng với khanh là một điều hoàn toàn hợp lý. Vậy thì kể từ nay trở đi, tất cả những người già cả sẽ có quyền ở lại với gia đình để được phụng dưỡng cho tới cuối đời.”
Nguyên Phước phỏng dịch
No comments:
Post a Comment