Tuesday, December 5, 2017

Vạc ăn đêm

Kha Lăng Đa 


Ra khỏi trại tù, tôi cùng hai người bạn thân là Banh, hoa tiêu trực thăng và Lực, Biệt Cách Nhảy Dù vào một quán giải khát ở trước cổng trại để đón xe đò về Sài gòn. Chúng tôi được ông chủ quán đãi một chầu rượu đế với trứng vịt chiên thật no say. Ông cũng ngồi cụng ly với chúng tôi. Lúc “bộ tam sên” chếnh choáng bước lên xe đò thì ông già chủ quán cũng đã lạng quạng, đứng vẫy tay tiễn biệt chúng tôi.

Xe đã chạy xa rồi mà ông vẫn còn đứng trông theo như mang nặng niềm lưu luyến người ruột rà, thân tộc trong buổi chia ly. Không biết vì vui mừng như con chim vừa được sổ lồng hay vì men say bốc hứng mà Lực ca nghêu ngao trên xe đò, khiến hành khách cũng vui lây theo anh. Bị Việt cộng đem đi “phế võ công” nhưng anh ca sĩ 81 Biệt Cách Nhảy Dù này vẫn còn phông độ như ngày nào. Tôi và Banh thì gầy yếu, tiều tụy như cây thiếu nước ở vùng đất khô cằn.

Khi đã dò hỏi tin tức, tôi đến nhà một người quen và gặp lại vợ tôi đang ở trọ sau chuyến buôn than để chờ xe về nhà. Trong buổi tương phùng sau hơn bảy năm dài cách biệt, chúng tôi vui mừng lẫn đau xót, nhìn hình vóc hao gầy của nhau sau những n ăm tháng gian truân mà nước mắt trào tuôn. Đêm đó, vợ tôi dẫn tôi đi ăn những món thật ngon. Chạnh nhớ những chén cơm độn sắn, bảy phần khoai mì lát phơi khô, không lột vỏ với thức ăn heo chó còn chê, tôi ngậm ngùi rơi nước mắt.

Chia tay Lực và Banh, tôi theo vợ tôi về nhà ở xã Xuân Tâm, Xuân Lộc, Đồng Nai để gặp cha mẹ vợ và các con tôi. Xã nầy gần khu Rừng Lá, cạnh Quốc lộ I từ Sài Gòn ra Phan Thiết. Nó mang sắc thái nông nghiệp tập thể, gần giống như khu “kinh tế mới”, cũng có “tập đoàn”, cũng có vần công canh tác. Vợ tôi phải tảo tần hằng ngày trên những chiếc xe than từ khu Rừng Lá về Sài Gòn. Quá gian khổ, nhọc nhằn, vợ tôi gầy guộc, xác xơ. Các con tôi được mẹ nó cho ăn uống đầy đủ nên nhìn vóc dáng đứa nào cũng khỏe mạnh. Chúng nó đi học buổi sáng, buổi chiều dẫn nhau đi cuốc đất ruộng, đất rẫy do Tập đoàn phân chia. Cả gia đình tôi mà chỉ được giao khoán bốn sào đất hạng bảy, cằn cỗi làm sao có đủ lúa ăn và còn phải đóng thuế 7 kg cho mỗi sào. Năm nào không có tiền mua phân “U-rê” để bón ruộng thì kể như “húp cháo”. Cái “lao động là vinh quang” của cộng sản đã đưa nhân dân Việt nam lui về thời văn minh ... đồ đá! Vậy mà Việt Cộng vẫn láo khoét tuyên truyền “khắc phục thiên nhiên”, “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Nhà thơ Tố Hữu đã ca tụng lao động bằng những câu thơ rất là... thậm xưng:

“Bàn tay ta làm nên tất cả
Với sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Tôi lại phải thực hành “bài học lao động” đã bị “Vẹm” nhồi nhét chốn lao tù vì thực tế tôi không làm gì hơn được. Tôi thay thế vợ tôi đi bán than trên những chuyế n xe đêm cho vợ tôi ở nhà nghỉ ngơi, săn sóc các con tôi. Trên đường từ Căn cứ 3 (gần khu Rừ ng Lá) về Sài Gòn, xe cộ phải bị kiểm soát, lục lọi rất kỹ của bọn công an ở những trạm Dầu Giây, trạm Trảng Bom, trạm Ngã Ba Vũng Tàu và những trạm “đột xuất”. Tôi đã bị chúng tuôn sạch nhiều chuyến hàng than, củi đậu, bắp. Bị dồn vào bước đường cùng, tôi phải bỏ nghề buôn, chuyển sang nghề phá rừng làm rẫy “chui” để nuôi sống gia đình. Ruộng rẫy của tôi khai phá cách nhà 13 cây số về phía Nam, với đường xuyên rừng hiểm trở, có chỗ phải lội qua trảng, nước ngập tới đầu gối, có chỗ phải giẫm lên rễ cây le lởm chởm, rất dễ bị rách da chân, chảy máu. Dụng cụ phá rừng của tôi chỉ có một cái rựa và một cái cưa. Tôi cưa cây lớn, rã ra từng khúc, gom lại từng đống để đốt cháy còn những trảng tranh xanh rậm, tôi dùng cái rựa thật bén để phát. Nông dân vùng này thường phát tranh với hai tay nắm thật chắc cán rựa, còn tôi thì lại “biến chiêu” phát tranh chỉ bằng một tay. Bà con đồng nghiệp thấy một mình tôi “tả đột hữu xung”, trảng tranh cao tới ngực phải nằm rạp trước những đường rựa đánh cú “rờ ve” của tôi nên họ ngợi khen:

Chú này “múa gươm” hay quá!

Nhờ vận dụng được “tuyệt chiêu” mà tôi đã đẩy lui rừng, dẹp tan “Giặc cỏ tranh” bám rễ lâu đời để có được cả mẫu đất canh tác trong mùa đầu (“vinh quang” đấy!). Hai mùa sau tôi “thừa thắng xông lên”, đánh Đông, dẹp Bắc, mở rộng “bờ cõi” thêm được một mẫu rưỡi đất ruộng, năm sào đất trồng mì và bắp, năm sào đất trồng khoai lang, đậu phọng.

Lúc đầu, tôi phải vần công với bà con láng giềng. Ở vùng này nông dân không có trâu bò cày ruộng nên phải cuốc lật để xới đất. Họ giang hàng ngang trên ruộng rồi cuốc dần dần trên diện tích đất làm mùa. Khi thấm mệt thì cả đám kéo nhau vào bóng mát của những tàng cây cổ thụ để giải khát. Các nàng thôn nữ sợ bị ánh nắng gay gắt tàn phá dung nhan nên nàng nào cũng quấn khăn che kín cả mặt mày, chỉ chừa hai mắt để nhìn. Cảnh làm vần công rất vui và đậm đà tình nghĩa của những người cùng khổ, trợ giúp nhau trong việc mưu sinh, đem mồ hôi đổi lấy chén cơm giữa cái thời “củi quế gạo châu”. Những ngày lực lượng vần công cuốc đất cho gia đình tôi thì vợ con tôi phải gánh cơm gạo, cá mắm vào rừng để phục vụ bà con. Vì không muốn để cho vợ con tôi phải chịu nhọc nằn nên tôi không làm vần công với người láng giềng nữa mà làm một mình. Tôi tự khoán cho mình mỗi ngày phải cuốc lật được bốn trăm thước vuông đất ruộng. Giữa buổi trưa, trời nắng chang chang, tôi đội nón lá sụp xuống gần che khuất mặt, chỉ để cho mình có tầm nhìn có giới hạn khoảng mười thước rồi cuốc lật từng lát đất khô cứng. Sở dĩ tôi che bớt tầm nhìn vì sợ thấy đất mênh mông sẽ làm cho tôi nản chí, ngã lòng. Vậy mà tôi đã thành công, “đơn thân, độc mã” mà tôi đã cuốc xong đất ruộng và “lời ” được nhiều công trước sự thán phục của những “kiện tướng lao động” trong xã. “Kế hoạch” nầy bắt đầu sau Tết Nguyên đán, tôi quảy gói lên ngàn, cuốc đất. Tôi tá túc trong chòi của một người bà con bên vợ, cách ruộng tôi canh tác nửa cây số. Tôi ở lại trong rừng cả tuần lễ, chỉ về nhà vào chiều thứ Bảy. Sáng Chủ nhật, sau khi đi lễ xong, tôi lại vô rừng với gánh lương thực và một bình rượu đế để giải sầu và nhờ tửu hứng để ngâm nga: “Thế sự du du nại lão hà...!”

Cái nóng bức ở đất rừng này thật là gớm ghê! Nóng chảy mồ hôi, ướt đầm đìa cả quần áo, thân thể. Nắng như đổ lửa trên những cánh đồng, lung linh như không khí ở trên những đám cháy. Tôi phải chuyển sang “kế hoạch ngày ngủ đêm làm”. Kế hoạch này chỉ thực hiện được trong những đêm trăng, còn những đêm tối trời, tôi phải ngủ lấy sức để cuốc đất ban ngày. Vào một đêm trăng thanh, gió mát, một mình tôi đứng cuốc đất trên cánh rừng hoang vắng. Tôi đã đổ nhiều mồ hôi pha nước mắt trên cánh đồng mạch sống của gia đình tôi. Lòng tôi miên man trong ý nghĩ được mùa. Tôi hình dung gương mặt rạng rỡ của vợ con tôi khi nhìn những cánh đồng trĩu nặng hạt lúa vàng. Tôi thấy hân hoan, tay cuốc nhanh và mạnh hơn. Trăng lên cao. Sương mờ xuống lạnh. Thoang thoảng hương thơm của hoa rừng theo từng cơn gió nhẹ giữa canh khuya. Những khoảng đất cuốc lật cũng nới dài, nới rộng thêm. Điếu thuốc rê hút đến tận cùng mà niề m suy tư không dứt. Bạn bè tôi hiện giờ đang ở hải ngoại, sống cuộc đời tự do, hạnh phúc, có biết đâu tôi đã trở thành một bần nông dưới chế độ kềm kẹp của Cộng sản. Tôi là “đối tượng chính trị” của chúng, bị phân biệt đối xử và đứng bơ vơ bên lề xã hội.

Vợ con tôi ph ải gánh chịu bao nỗi đắng cay, tủi nhục của cuộc đời từ khi tôi bị tù đày. Một mình vợ tôi phải dày dạn nắng mưa, buôn tảo, bán tần để nuôi con và còn phỉa thắt lưng buộc bụng, dành dụm chắt chiu, mua quà đi thăm nuôi tôi và cha vợ tôi ở chốn lao lung. Có một chuyện thương tâm mà tôi không cầm được nước mắt và không bao giờ quên được do vợ tôi kể trong một lần đi thăm tôi. Hôm ấy, sau khi chia tay tôi ở khu thăm nuôi của trại tù, trên đường về thì trời sụp tối. Vợ tôi dẫn bốn đứa con tôi đi bộ để đón xe về nhà nhưng không có một chiếc xe nào lai vãng. Các con tôi đói và mệt lả, ngồi nghỉ bên lề đường rồi ngủ thiếp đi.. Vợ tôi cũng nằm bên cạnh các con tôi và lim dim ngủ. Bỗng có hai chiếc xe vận tải từ xa chạy đến, tranh nhau vượt qua, chạy lấn vào lề. Giựt mình ngồi dậy với phản ứng nhanh chóng, vợ tôi đã xô tất cả các con tôi xuống mương cạnh lề đường chỉ trước những bánh xe cán qua chỗ họ đang nằm vài giây đồng hồ! (Lạy trời đã che chở cho vợ con tôi). Có những người vợ hiền đ ã làm mồi cho thú dữ trên đường vượt núi, băng rừng để thăm nuôi chồng ở những trại giam nơi hẻo lánh, xa xôi. Còn biết bao thảm cảnh khác mà vợ con của những người đã góp phần chiến đấu cho Dân chủ, Tự do là nạn nhân của Cộng sản dã man.

Đêm đã vào khuya. Đám mây bay qua, che khuất vầng trăng sáng. Khoảng đất tôi đang cuốc chìm vào bóng tối. Tôi ngưng tay, đứng chờ đợi. Tôi vẳng nghe tiếng vạc kêu sương ở phía rừng xa. Tiếng kêu như ngào nghẹn, đau thương, giọng khàn đục nặng mang nỗi oán hờn, u uất. Tôi chạnh nhớ câu chuyện cổ tích mẹ tôi kể khi tôi còn thơ ấu: “Vạc bán đất cho cò nên vạc phải lén lút, đi ăn đêm”.

Thương cho thân vạc giữa canh trường có khác chi thân tôi phải cuốc đất giữa đêm khuya để mưu cầu chén cơm cho vợ con, tôi ngước mặt, nhìn lên bầu trời đêm để tìm bóng vạc nhưng chỉ thấy không gian đang ngập ánh trăng vàng, lác đác giọt sương rơi. Giữa cảnh cô tịch của đêm khuya, tôi bỗng nhớ về tổ ấm. Giờ này chắc vợ con tôi đang ngủ say trong mái nhà tranh, vách đất nghèo nàn. Tôi phải làm gì để đền bù sự mất mát, khổ sở của vợ con tôi ngoài việc tạo ra lương thực nuôi sống gia đình như bản năng sinh tồn của loài cầm thú. Cuộc sống quá bấp bênh và tương lai thì mịt mùng như đêm tăm tối, tôi biết tìm đâu ra lối thoát. Đêm nào tôi cũ ng nghe tiếng vạc kêu sương mà lòng quặn thắt, đo ạn trường. Phả i chi tôi được chết vinh trong trận tử chiến cuối cùng còn hơn là phải sống tủi nh ục trong vòng kềm kẹp của kẻ thù. Sương mờ giăng trên nh ững ngọn cây rũ bóng. Gà rừng eo óc gáy xa xa. Tôi trở về chòi, nằm trên bộ vạt, cố dỗ giấc ngủ sau cả đêm làm việc mệt mỏi. Tiếng vạc từ xa lại vang vọng về, giọng não nùng, ai oán.

Đến khi lúa trổ đòng, đêm ấy trời bỗng nổi gió khiến tôi lo âu, không ngủ được. Tôi ngồi dậy, đọc kinh cầu nguyện cho trời im gió để những hạt lúa non được ngậm sữa hoàn toàn. Nếu gió cứ thổi mãi thì đòng đòng sẽ trở thành lúa lép và ruộng của tôi sẽ bị thất mùa. Khi gió ngừng thổi, lòng tôi chí xiết hân hoan rồi đắm mình trong giấc ngủ. Tôi nằm mộng thấy một đàn cò trắng bay qua cánh đồng lúa chín vàng trải dài đến tận chân trời nhuộm ráng nắng chiều hôm. Gần đến mùa gặt, tâm hồn tôi tươi mát như mùa xuân nở rộ muôn hoa. Tôi có thú vui leo lên thân cây cạnh bờ ruộng, ngồi hút thuốc rê, nhìn những đợt sóng lúa gợn đều trên cánh đồng rộng mênh mông. Vui sướng trước niềm hy vọng được mùa đã thành sự thật, tôi cất cao tiếng hát, gởi theo gió ngàn lời ca của những nhạc bản “Lúa Mùa Duyên Thắm”, “Tình Lúa Duyên Trăng” của thời Đệ Nhất Cộng Hòa ấm no, hạnh phúc đã chìm trong dĩ vãng xa xưa.

Giữa mùa gặt lúa, tôi phải làm vần công với bà con láng giềng mới kịp thời gian gặt, đập và thồ lúa về nhà bằng xe đạp trong vòng hai, ba ngày. Lực lượng vần công phải có một buổi họp, uống rượu đế lai rai, sắp xếp “Lịch thu hoạch” để làm việc. Đoàn xe đạp thồ lúa về đến nhà tôi lúc trời nhá nhem tối. Ai cũng mệt mỏi, bơ phờ, nhễ nhại mồ hôi. Vậy mà trong bữa cơm “khao quân”, tôi phải chiêu đãi đám “đực rựa” ít nhất cũng bốn, năm lít rượu đế! Có khi các cậu bốc hứng vừa nhậu vừa đàn ca tới khuya.

Phơi lúa, đổ vô bồ xong, tôi lại vào rừng để nhổ khoai mì, cách nhà 13 cây số về phía Bắc. Cả nhà cùng nhau nhổ những bụi khoai mì, có bụi nặng gần mười lăm kí lô. Ban đêm, các con tôi trở về nhà chỉ còn vợ chồng tôi và đứa bé gái hai tuổi ở lại trong chòi che tạm, giữa rừng hoang vắng. Dưới ánh đèn dầu leo lét, tôi và vợ tôi xắt những củ khoai mì thành lát hình bầu dục để ngày mai rải ra đất trống, phơi khô.

Đêm nào chúng tôi cũng miệt mài làm công việc tới khuya mới nằm ngủ. Những đêm đầu tiên, vợ tôi thất kinh hồn vía khi nghe tiếng chim heo kêu như tiếng ai rên rỉ giữa đêm trường. Ròng rã cả tháng trường gia đình tôi mới “thanh toán” xong rẫy mì.

Nếu được “an cư lạc nghiệp” thì chúng tôi cũng tạm sống đắp đổi qua ngày. Bỗng đâu, chính quyền cộng sản địa phương chiếm đoạt tất cả đất đai của tôi và của những người trồng mì trong vùng ấy mà chúng bảo là đất “quy hoach”, trồng cà phê. Tôi đã có ý định lợi dụng dòng suối có nước quanh năm, chảy ngang qua rẫy đất đỏ của tôi để thực hiện kế hoạch trồng cà phê cho năm tới. Nào ngờ chưa làm thì bị bọn chúng chơi “phỏng tay trên”. Chúng phân chia cho mỗi gia đình trong xã chỉ hơn một sào đất, nên không ai nhận đất quy hoạch cả vì ai lại phí công vượt đường sá xa xôi để canh tác một sào đất.

Rốt cuộc, đám cán bộ xã chia nhau vùng đất màu mỡ đã chiếm đoạt của đám dân nghèo bằng thủ đoạn đê hèn. Mất rẫy mì, tôi và vợ con tôi buồn như mất đi một phần ba sự nghiệp! Sau đó, đất trồng lúa, trồng khoai lang, đậu phọng ở phía Nam cũng nằm trong tình trạng bị đe dọa bởi quân khốn kiếp. Bọn bộ đội kéo về lập căn cứ ngay trong vùng đất canh tác của nông dân trong xã. Năm nào chúng cũng phối hợp lực lượng phi, pháo và bộ binh để diễn tập. Chúng biến vũng đất rừng do dân nghèo khai phá nhằm “thực thi” chính sách “lao động là vinh quang” thành một xạ trường để “đuổi khéo” những giáo xứ Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi di dân từ miền Trung vào, cư trú sát trục lộ huyết mạch số I, bởi vì Thiên Chúa giáo là khắc tinh của bọn chúng. Tôi thấy tình hình bất ổn nên quyết định đưa gia đình tôi về quê cũ để sinh sống. Với gánh nặng “bầu đoàn thê tử’. Tôi trở lại xứ biển Cần Giờ, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi.

Đau đớn thay! Quê cha đất tổ của tôi mà tôi không được phép cư trú chỉ được tạm trú. Cứ ba tháng, tôi lại phải về xã Xuân Tâm xin phép “tạm vắng” thêm ba tháng nữa trong khi thân nhân của b ọn công an và viên chức nhà nước từ ngoài Bắc vào ở “xôi dậu” khắp quê tôi. Đó là một sự phân biệt đối xử . Lúc tôi mới ra khỏi trại tù, về ở nơi vợ con tôi đang cư trú, chính quyền địa phương đã áp dụng “luật rừng” quản chế tôi đến hai năm và khi trả quyền công dân cho tôi, chúng đã đặt nhiều nghi vấn về việc tôi đi làm rẫy nơi xa xôi, hẻo lánh. Chúng muốn “chụp mũ” tôi vào rừng “hoạt động”. Bà con láng giềng đã bênh vực và làm chứng cho tôi là người lương thiện nên chúng mới chịu tuyên bố trả quyền công dân cho tôi nhưng không cấp giấy chứng nhận. Dự định của tôi về quê cũ là để vượt biển, tìm tự do. Tôi che một cái mái sau căn nhà kỷ niệm năm xưa mà hiện tại đứa em ruột của tôi đang ở. Tổ ấm của tôi tiếp cận bờ biển quê nhà. Những đêm thao thức, tôi nằm nghe sóng vỗ rì rào.

Phương tiện sinh sống chính yếu của gia đình tôi là chiếc xe ba bánh do chị tôi cho. Hàng ngày, các con tôi đẩy xe đến xóm rẫy cách nhà khoảng hai, ba cây số để chở mướn nhiều thùng “phuy” nước giếng cho dân xóm chợ. Các con tôi làm việc vất vả dưới trời nắng gắt. Ngày nào chúng cũng cố chở mướn được mười lăm “phuy” nước cho gia đình đủ sống. Tôi làm nghề “đẩy xịch” mà dân miền Bắc gọi là “đi te”. Đồ nghề của tôi là đôi gọng tre dài bốn thước rưỡi được ghép tréo lại thành hình chữ X. Giao điểm của hai gọng tre được khoan lỗ và buộc chặt lại bằng dây cước xuyên qua hai lỗ. Từ giao điểm trở về đầu tay cầm phía sau dài năm tấc. Phía trước giao điểm, hai gọng tre dài bốn thước. Hai gọng xòe ra hình quạt. Đó là tư thế của đôi gọng xịch khi buộc cánh lưới hình tam giác vào. Mặt lưới lớn cỡ một phân ở đầu trên và nhỏ dần đến tận cùng chỉ nhỏ khoảng ba ly. Lưới căng có độ buông võng như hình cánh buồm bộc gió. Cuối phần lưới là một cái “lú” như cái túi ruột ngựa dài hai thước rưỡi, có dây cột thắt lại ở tận cùng. Trên đầu hai gọng có gắn hai cái đế bằng gốc tre để khi đẩy, nó sẽ trượt trên cát hay đất bùn chớ không bị lún sâu. Cái lú đựng cá, tôm được dồn ra phần cuối và được cột thắt lại ở hai đầu, không bị chìm và kéo lê dưới đáy biển nhờ một cái phao lớn.

Nghề đánh bắt cá, tôm nghèo nàn này bắt buộc phải lội biển, hai tay nắm hai đầu gọng mà đẩy cho lưới càn quét sát đáy biển cạn, chủ yếu là bắt tôm biển và cá nhỏ, thỉnh thảng cũng được cá lớn. Lâu lâu, người đẩy xịch phải cất lưới lên, dốc hết tôm, cá vào cái lú rồi buộc thắt lại phía trước. Tôi lội biển cả nửa ngày ở độ sâu một thước hai. Thời gian mới hành nghề, lượng tôm cá bắt được khá nhiều, nhưng số người đẩy xịch ngày càng đông, nên lượng tôm, cá ít dần đi. Từ mười kí lô bắt được hàng ngày, giảm xuống chỉ còn vài ký, không đủ tiền mua gạo cho gia đình. Tôi ngồi ưu tư cả buổi mới nghĩ ra được “chiến thuật đánh đêm”. Với số lượng đẩy xịch quá đông sẽ khuấy dộng biển ban ngày, tôm cá với bản năng sinh tồn, chúng sẽ giạt ra xa để tránh khỏi vùng càn quét của nhiều cánh lưới hình tam giác. Ban đêm, biển yên tĩnh, cá tôm sẽ vào gần bờ biển nhiều hơn và chỉ có một mình tôi đẩy xịch, kết quả sẽ trội hơn.

Đêm nào tôi cũng ra ngồi dưới rặng thùy dương bên bờ biển, chờ nước ròng vào khoảng ba giờ khuya để lội biển, đẩy xịch. Ngồi một mình trên cát rắng với nỗi sầu ngổn ngang. Những điếu thuốc rê được tiếp nối gắn lên môi tôi như để có những đóm sáng le lói dẫn niềm suy tưởng về dĩ vãng và tương lai.

Nhưng, dĩ vãng thì đầy nuối tiếc còn tương lai thì mịt mùng như đêm đen trên biển cả mà tôi như con tàu không tìm ra được hải đăng dẫn lối. Nghe tiếng gió rít qua rặng thùy dương như tiếng khóc than của những oan hồn giữa canh khuya thanh vắng. Bờ biển, nơi tôi thường ngồi đợi nước ròng, mấy năm trước sóng đã đưa tấp vào ven cát trắng gần sáu mươi xác chết của người vượt biển tìm tự do. Dân đi đẩy xịch ban đêm đã kể cho tôi nghe có nhiều lần họ gặp... ma nhưng tôi không sợ vì tôi nghĩ rằng những người xấu số kia là đồng bào ruột thịt của tôi. Họ gánh chung nỗi đớn đau, uất hận với tôi khi nước mất nhà tan. Họ không muốn đội trời chung với kẻ thù nhưng định mệnh không cho phép họ được toại nguyện. Nhưng dù sao đi nữa họ vẫn được... tự do hơn tôi bây giờ, cái tự do bên kia bờ thế giới chớ không chịu nhục hèn như tôi!

Đã hai lần tôi định trốn vợ con để ra điểm hẹn vượt biển giữa canh khuya nhưng khi nhìn họ đang ngủ say dưới ánh đèn dầu leo lét trong gian nhà ổ chuột, tôi bịn rịn, đi không đành vì vợ tôi đang mang một bào thai, sắp đến ngày sinh nở. Tôi lại bỏ ý định ra đi và tiếp tục kéo lê kiếp sống lầm than.

Đến ngày vợ tôi sinh được một bé gái, tôi đặt tên cho nó là Hồ Mộng Thùy Dương để nhớ kỷ niệm những đêm ngồi dưới rặng thùy dương, chờ đợi nước ròng, nghe tiếng vạc kêu sương áo não giữa trời khuya mà ước mơ cảnh sống ấm no, hạnh phúc ở miền “Đất hứa Tự Do”. Xuống miền biển, tôi lại mang nỗi nhớ thương rừng cũ với bao kỷ niệm vui buồn bên cạnh những bè bạn cùng chung cảnh ngộ. Lòng tôi đau xót khi hay tin vùng đất ruộng của tôi và bà con láng giềng ngày xưa đã bị bộ đội Việt cộng chiếm đoạt để trồng cây bạch đàn. Dân chúng trong xã phản đối, biểu tình liền bị chúng đàn áp, dập tắt ngay ngòi lửa đấu tranh vừa mới nhen nhúm. (Đảng đã tuyên bố giải phóng triệt để nhân dân lao động, tại sao lại cướp giựt chén cơm trong tay họ? Rồi đây cuộc sống của họ sẽ ra sao trong khi họ không có một tấc đất để cắm dùi). Trong cuộc sống bần cùng, lòng luôn nơm nớp nỗi lo âu, tôi và vợ con tôi chỉ còn biết đặt hết niềm tin và hy vọng được sang Mỹ theo diện H.O. Cuối cùng Đấng tối cao đã chấp nhận lời cầu nguyện của một gia đình khốn khổ và chúng tôi đã thoát khỏi “Xã Hội chủ nghĩa” tù ngục của Việt cộng để sang định cư ở Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ.

Trước ngày ra đi, cả gia đình tôi đã trở về xã Xuân Tâm để từ giã bà con, láng giềng bằng một bữa tiệc từ ly nồng nàn hương rượu đế, chan hòa nỗi bịn rịn, luyến thương giữa một đêm trăng sáng. Vì không có người quen ở Mỹ “sponsor” nên gia đình tôi phải chờ đợi ở Sài Gòn trong thời gian tám tháng mới được đưa sang Saint Louis thuộc tiểu bang Missouri ở miền Trung Tây nước Mỹ, dưới sự bảo trợ của hội USCC (United States Charity Center ) mà Thầy (Brother) Leonard của hội này phụ trách hướng dẫn gia đình tôi. Hơn một tuần lễ đầu tiên trên dất khách, ban đêm, cả gia đình tôi không ngủ được vì sự khác biệt giờ giấc mười hai tiếng đồng hồ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ban ngày cả nhà ngồi ngủ gà ngủ gật. Đêm đến tôi và vợ tôi ngồi xem “TV” đến quá nửa đêm rồi cùng nhau dùng bữa ăn... khuya. Tôi chạnh nhớ lại chuỗi ngày cơ cực, tôi phải lặn lội giữa canh khuya như con vạc kêu sương. Bây giờ hết thuở hàn vi trên dãy đất thân yêu đã bị quân thù chiếm đoạt, cả gia đình “vạc” được sum vầy ở miền đất tạm dung, ngồi xúm xít bên nhau, tha hồ mà ăn... đêm, hưởng cuộc đời tự do, no ấm.

Không ngờ tôi gặp lại được anh Võ Ý, người niên trưởng cùng đơn vị đầu tiên – Phi Đoàn 114 ở Nha Trang ngày trước. Anh là trưởng nhóm “Không Gian Thân Tình” St. Louis và vùng phụ cậ n. Anh đã cùng nhiều anh em cựu Không Quân và các chị “lái phi công” mang quà đến thăm gia đình tôi. Trong nỗi vui mừng, cảm xúc, tôi nhớ lại lúc còn sống nghèo khổ ở quê hương, tôi cũng đã nhận được tiền của anh em trong “Nhóm Không Gian Thân Tình” của anh Trần Dật ở California, của anh em thuộc Phi Đoàn

- Đà Nẵng, Phi Đoàn 116 - Cần Thơ. Nghĩa cử cao đẹp của anh em tôi ghi nhớ trọn đời. Với tình thương “Huynh đệ chi binh”, các anh đã thể hiện tinh thần câu châm ngôn của binh chủng “hào hoa” “Không bỏ anh em, Không bỏ bạn bè”. Tôi đã gia nhập “Nhóm Không Gian Thân Tình” của anh Võ Ý để góp phần giúp đỡ những chiến sĩ Không Quân còn bị kẹt lại Việt Nam và hải đảo. Nữ phóng viên Lois Kendall của nhật báo South Side Journal ở St. Louis đã đến phỏng vấn gia đình tôi cảm nghĩ về mùa Giáng sinh đầu tiên trên đất nước Mỹ. Cô đã đặt tên bài viết về gia đình tôi đăng trên nhật báo ấy là “Giấc Mơ Đã Thành Sự Thật” (Dream Came True) với bức ảnh chụp cả gia đình tôi đứng bên “cây Noel” rực rỡ ánh sáng những dây đèn màu. Hai đứa con gái út của tôi tên là Bích Vân và Thùy Dương thỏa thích, vui đùa với hàng chục món đồ chơi trẻ em. Tôi nhớ lại hình ảnh bên căn nhà xiêu vẹo, hai đứa con tôi đi dọc theo bờ biển lượm vỏ sò, vỏ ốc để làm đồ chơi trông thật là tội nghiệp!

Tôi được hội USCC giới thiệu vào làm việc tại hãng Glide Away. Hãng này chuyên làm các loại giường sắt lắp ráp. Tôi làm ca đêm từ 2 giờ 30 chiều đến 1 giờ khuya. Tôi lại buồn cười cho thân tôi sao mà giống như con vạc sống về đêm. Tuần lễ đầu tiên, hàng đêm tôi phải nâng cả tấn cây then giường lên máy dập và đục lỗ. Về đến nhà, chân tay tôi bải hoải, bắp thịt đau nhức khiến tôi nằm rên như bị lên cơn... sốt rét. Nhờ anh supervisor người Tàu, tên Danny Lam thấu rõ tình trạng sức khỏe của tôi nên đổi tôi qua đứng treo những cây sắt nhỏ lên đường dây chạy vào hầm sơn. Công việc này nhẹ nhàng hơn, có nhiều thời gian nghỉ tay và có thể hút thuốc tự do lúc đang làm việc. Đường dây này đã mang đến cho tôi bao suy tư về cuộc sống mới mà tôi đang làm quen để hội nhập và có được những cảm hứng để làm... thơ – một loại thơ trào phúng mà tôi đã đặt tên là “Thơ Lè Phè”. Ngày xưa, tôi đã sáng tác loại thơ này, đăng trên nguyệt san Lý Tưởng của Không Lực VNCH, để chọc cười anh em đồng đội sau những phi vụ yểm trợ hành quân mệt nhọc. Tôi đã liên lạc được với tòa soạn của đặc san “Lý Tưởng” ở hải ngoại và cộng tác với anh em, tiếp tục sáng tác thơ văn.

Một đêm sau mùa tuyết giá, lúc đi làm về đến nhà, tôi ngồi bên cửa kính, nhìn trời khuya mà thương nhớ quê hương. Vợ con tôi đang đắm mình trong giấc ngủ say sưa, chỉ còn tôi ngồi tư lự, thả hồn về dĩ vãng xa xưa. Vầng trăng vừa nhô lên khỏi ngọn cây của nhà láng giềng. Nhìn trăng viễn xứ, tôi chạnh nhớ những đêm một mình tôi đứng cuốc đất ở ven rừng vắng để kịp trỉa lúa đúng vụ mùa. Tôi nghe như tiếng vạc kêu sương trong những đêm trường cô tịch còn văng vẳng bên tai tôi, tiếng thở than của niềm đau thân phận. Bây giờ đã hết cảnh đau thương, cớ sao tôi lại còn vấn vương nỗi buồn chuyện cũ. Hình như giữa vầng trăng sáng, có bóng con vạc bay thoáng qua. Có phải chăng hình ảnh con chim vạc mãi đeo đẳng theo tôi trong kiếp sống lưu vong.

Kha Lăng Đa

No comments:

Blog Archive