Nghỉ lẩn thẩn
LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.
Khi tôi còn đi làm nghiên cứu, research, tại Viện Ung Thư Quốc Gia, National Cancer Institute thuộc National Institutes of Health, mỗi ngày Thứ Hai đầu tuần, đều phải họp để tường tình những kết quả thu lượm được trong tuần vừa rồi. Bọn “khoa học gia” chúng tôi thường gọi đùa là “The Killing Fields”, theo tên của phim truyện kể về chế độ diệt chủng Pol Pot ở Cambodia. Lý do gọi như vậy là vì, mỗi tuần sẽ có một người “được” lựa chọn để ra “pháp trường”, xử bắn. “Tội nhân” sẽ phải trả lời những câu hỏi hóc búa của các vị thầy.
Là một “khoa học gia” nửa “mùa Lệ Thuỷ”, tôi rất sợ bị lôi lên “xử bắn”. Để trả lời những câu hỏi chuyên về khoa học sinh hoá phân tử, molecular biology, tôi thường phải suy nghĩ tới lui cho cặn kẽ. Nhiều lần, ông thầy buông ra một nhận xét, “you think too much”, anh suy nghĩ nhiều quá, tôi chỉ cần anh trả lời vắn tắt là, có hay không, yes or no, thế thôi!
Hầu như mọi người chúng ta, trong một số tình huống, ai ai cũng đã từng phải suy nghĩ đắn đo, cặn kẽ, nhưng không ít người, dường như lúc nào cũng suy nghĩ lung tung, linh tinh, lang tang, không hề ngơi nghỉ.
Những người hay suy nghĩ quá mức thường nghĩ lui về những chuyện đã xảy ra hôm qua hoặc trong quá khứ, hối tiếc về những chuyện đã làm, tự hỏi lòng mình những câu hỏi như “phải chi…” hay “nếu…”. Không những nghĩ lui mà họ còn nghĩ tới về những chuyện tương lai, tưởng tượng ra những tình tiết thường là bi đát có thể xảy ra. Trong đầu óc những người nầy, những suy tưởng giống như những cuốn phim buồn hay phim kinh dị được chiếu đi chiếu lại mỗi giờ, mỗi ngày.
Suy nghĩ lung tung chỉ làm ta thêm mệt óc vì quẫn trí, nhưng tình trạng kéo dài sẽ cản trở chúng ta không làm nên được “chuyện tích sự” gì cả, vì tối ngày chỉ sống trong lo âu, buồn thảm.
Suy nghĩ nhiều có thể là “nghĩ lui”, tiếc rẻ về chuyện quá khứ, đại loại như:
-Tôi không nên nói những điều đã nói trong buổi “xử bắn” hôm qua. Mọi người trong buổi họp chắc đã cười là tôi ngu.
-Tôi không nên bỏ làm ở job cũ. Phải chi còn ở chỗ cũ, cuộc đời của tôi chắc sướng hơn bây giờ.
-Tôi sanh ra trong một gia đình nghèo nên tôi có tính tự ti
“Nghĩ tới” bao gồm những viễn tưởng không tốt đẹp lắm cho tương lai, thí dụ như:
-Tôi không nên xung phong thuyết trình cho buổi “The Killing Fields” kỳ tới, vì tôi có nhiều khuyết điểm.
-Chắc kỳ này học cho nhiều nhưng tôi sẽ thi rớt.
-Tôi sẽ không thể về hưu được vì khi già tôi sẽ bị bệnh nặng, không có tiền, sống trong cô đơn, buồn chán.
Suy nghĩ lung tung còn có thể là nghĩ về chuyện của người khác, chuyện đọc trên mạng Internet, trên news, trong movie… không dính dáng gì tới mình cả.
Giống như những thói quen, tật xấu, để đối phó với những suy nghĩ tiêu cực, ta cần đến những nỗ lực, phấn đấu. Với những thực tập nhỏ, dần dà, bạn có thể huấn luyện bộ não mình suy nghĩ cách khác. Sau đây là một vài đề nghị:
1. Thừa nhận là bạn có thói quen suy nghĩ lung tung
Lúc đầu có thể bạn không hề biết là mình bị tật suy nghĩ lung tung vì nó đã trở thành một thói quen. Trước hết, hãy thừa nhận sự thật, đừng phủ nhận hay chối bỏ “nó”. Kế đến khi nhận biết là mình hay suy nghĩ tới lui, không thể kiềm chế, bạn hãy tập đứng ra ngoài với tư cách là một người quan sát, xem những cuốn phim đang chạy trong đầu. Sau đó từ vai trò của một quan sát viên, bạn sẽ tiến lên làm “ông chủ”, và chỉ định cuốn phim nào được tiếp tục trình chiếu và cuốn phim nào quá tệ, không ăn khách, cần phải thu hồi.
2. Thách đố những suy nghĩ tiêu cực
Một khi đã tiến lên vai trò “ông chủ”, bạn cần thách đố những ý tưởng tiêu cực, lo âu thái quá. Bạn cần bước ra ngoài và nhìn vào vấn đề xem xét đâu là đúng, đâu là sai, đâu là có lý, đâu là vô lý.
3. Chú trọng đến giải pháp của một vấn đề, nếu cần phải giải quyết ngay
Khi có một vấn đề mà mình không giải quyết, để trong đầu suy nghĩ nhiều về nó chỉ làm cho mình mệt thêm mà thôi. Thí dụ như trả tiền nợ thẻ tín dụng, credit card, trước sau gì cũng phải trả, nếu trả trễ sẽ bị phạt thì chẳng thà trả trước cho xong, không nên chần chờ, để đó hẳn tính, và lại suy nghĩ lung tung về ngày hết hạn deadline, về cái bill nằm đâu đó trên bàn, có khi lại sợ cái bill thất lạc mất.
Chú trọng và giải quyết ngay những chuyện có thể giải quyết được. Chuyện lớn thì cắt ra thành những bước nhỏ để giải quyết. Ngược lại đừng suy nghĩ nhiều về chuyện nhỏ, để lâu nó sẽ… nở thành to. Còn những chuyện không thể kiểm soát được như chuyện động đất chẳng hạn, thì chỉ nên suy nghĩ cách ứng phó trong trường hợp khẩn cấp, rồi thôi, không nghĩ nữa.
4. Rút tỉa kinh nghiệm
Dĩ nhiên đôi khi bạn cần phải nghĩ lui về những chuyện đã làm để rút tỉa kinh nghiệm nhưng không nên hối tiếc về những gì đã xảy ra ngoài ý muốn. Nên khách quan thừa nhận lỗi lầm và suy nghĩ tới về những gì cần phải thay đổi nếu rơi vào tình huống tương tự.
Mỗi ngày nên dành riêng một khoảng thời gian chừng 30 phút để suy gẫm tới lui chuyện trong ngày và chuyện ngày mai. Xong rồi thôi.
5. Sống trong hiện tại, lo chuyện của mình, không lo chuyện bao đồng của người khác
Hiện tại hôm nay là tương lai của ngày hôm qua và sẽ là quá khứ của ngày mai. Nếu chỉ sống trong quá khứ và tương lai mà quên mất hiện tại thì thật ra bạn không thật sự đang sống. Nếu bạn sống mà phần hồn không nằm trong thân thể, chu du đây đó, suy nghĩ lung tung, thì có khác gì một người đã quá vãng? Bắt đầu bằng những thói quen rất đơn giản như ăn, uống, đi đứng, nằm ngồi, và thở… nên chú tâm để ý và tận hưởng những gì đang làm, đang sống, và đang có.
6. Đổi tần số, đổi channel
Một trong những bí quyết sống thọ đến 95 tuổi của ông nội các cháu là, không nên lo chuyện con bò trắng răng! Nên bớt thu nhập những chuyện không dính dáng liên quan đến mình từ tin tức lẫm cẫm “xe cán cho, chó cắn xe”, chuyện trên mạng, chuyện của minh tinh điện ảnh, chuyện của hàng xóm hay bạn của hàng xóm… Nên nhớ, không có bạn thế giới vẫn tồn tại, nhưng nếu không có bạn thì gia đình và người thân yêu mới thật sự mất mát.
Đổi tần số bằng cách dành thì giờ cho các hoạt động tích cực như thể dục, thể thao, âm nhạc, khiêu vũ …
Thật ra những người suy nghĩ nhiều có thể giao động trong hai thái cực, một bên là thiên tài, là sáng tạo và bên kia là phiền muộn, là cuồng trí. Nói là hai thái cực, nhưng nó lại là một vòng tròn như một vòng cẩm thạch, vì có khi lằn ranh giữa hai thái cực nầy lại rất gần, khó phân biệt. Thiên tài thì hiếm nhưng phiền muộn thì nhiều. Hầu hết chúng ta nằm đâu đó ở khoảng giữa của hai đầu thái cực. Suy nghĩ lung tung tiêu cực sẽ gây ra stress và ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng quát. Nên để ý tới thói quen suy nghĩ của bạn có thể giúp mình nhận ra những tật xấu. Dần dà, bạn có thể huấn luyện bộ não của mình suy nghĩ tích cục hơn, ít hơn, nhưng chính xác và lành mạnh hơn.
Nói là vậy, nhưng tốn tôi mất hai ngày suy nghĩ lung tung để viết lên bài viết nầy. Cái tật vẫn chưa chừa!
No comments:
Post a Comment