Saturday, December 12, 2020

Trên Đồi Tăng Nhơn Phú 

BÙI ĐỨC TÍNH

Tháng bảy. Mùa hạ. Cali đầy nắng ấm!
Vancouver, Canada, cũng có Little Saigon.
Little Saigon ở Nam Cali có khác hơn, có nhiều thứ về Sài Gòn mình, có khách sạn mang tên Little Saigon, và Little Saigon ở Cali rất… Sài Gòn!

Nắng hạ Cali năm nay hơn cả nắng ấm. Nắng gay gắt, hừng hực hơi nóng của sa mạc. Sáng sớm, cái nóng đã oi nồng trong không khí, trong hơi thở. Mới 5 giờ sáng, bên ngoài phòng trọ đã có tiếng ồn ào. Tiếng xe rời khách sạn, tiếng người ta rôm rả chào gọi nhau ngoài sân, tiếng bạn bè rù rì tâm tình với nhau, khi ngồi hút thuốc lá, trên các băng ghế dọc hành lang… Quanh đây, nghe người ta nói với nhau bằng tiếng Việt, hầu như hoàn toàn nói tiếng Việt Nam, nghe rất là Việt Nam; lắm lúc, cứ tưởng như mình đang ở Việt Nam và… rất nhớ Việt Nam!

Cali, Little Saigon, dễ làm khách ly hương từ nơi phương xa về đây, thêm xao xuyến, nhớ về nơi mình đã phải ra đi. Nhớ thương ray rứt và ước mơ một ngày về. Mơ ước dài hơn 40 năm nay: Mơ một ngày về thăm lại Sài Gòn, thăm lại quê hương sạch bóng cộng thù.

Cho dù người ta có lịch sự giữ ý tứ đến mấy, những âm thanh thân thuộc ấy, cũng dễ dàng đánh thức người lạ chỗ và lạ giường, làm trăn trở giấc ngủ vốn ngắn ngủi, khi tuổi về già. Trăn trở gợi dậy nỗi nôn nao chờ sáng, để được gặp lại bạn bè. Bạn bè mình đây, những chàng trai trẻ cùng trang lứa; từ thời còn hồn nhiên, chân bước thênh thang trong tuổi học trò, thời “Học Sinh” của Huy Cận:

Họ sống bình yên, bước lặng thinh.
Không nghe hoa bướm gọi bên mình.
Hừng hờ đi giữa hương yêu mến
Chân bước chưa khi rộn ái tình.

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ!
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.”

Vậy đó, biết bao tuổi trẻ đã lớn trước khi “tuổi hai mươi đến”.

Họ lớn thật nhanh!

Họ lớn, khi đoàn quân xa chạy lên đồi Tăng Nhơn Phú, đưa họ cùng bạn bè vào bên trong Cổng Số Một, của trường Bộ Binh Thủ Đức. Họ vụt lớn, trong tiếng hô đón chào đầy tình huynh đệ của Huynh Trưởng: “Chào mừng Đàn Em!”

Đoạn đường chiến binh đầu đời, trên chiếc quân xa đưa vào quân trường, thật êm đềm, lướt qua phố phường bình yên, thanh thản; nhưng qua đi nhanh chóng quá. Mới đấy, trong phút chốc, tất cả an vui, hồn nhiên của tuổi trẻ đã tan biến; còn lại là ngỡ ngàng, ngơ ngác. Từ Sài Gòn lên Thủ Đức, chỉ một đoạn đường ngắn hơn mười cây số; bây giờ sao cách xa quá. Trên đây, trên đồi Tăng Nhơn Phú, thơ mộng chỉ còn trong mộng mơ. Một thời tuổi trẻ “sống bình yên, bước lặng thinh” bên áo tiểu thư, trong phố phường với những chiều nên thơ…. Tất cả, giờ chỉ còn là những ngậm ngùi, xa vời. Tất cả, đã xa cách bên ngoài cổng quân trường.

Cái gì đó trong không gian, vô hình nhưng hiện hữu, làm ngàn con tim của tuổi trẻ đứng nghiêm đây mà sao lao chao, rung động. Đàn Em thừa hiểu:

Hết rồi, thời của chàng tuổi trẻ với những hứa hẹn, hẹn hò!
Hết rồi, tuổi học trò với thơ mộng, mộng mơ!

Bóng mát và hàng bã đậu bên Vũ Đình Trường, trông giống như những cây bã đậu trên con đường học trò; nơi tuổi mới lớn lãng mạn khắc tên, với yêu thương và hứa hẹn. Thế nhưng, tuổi trẻ không còn thời gian và tâm trí, để bồi hồi ngắm nhìn hàng cây tình tứ, để “đứng ngẩn trông vời áo thư”. Thời khắc này, tuổi trẻ chỉ còn biết đứng ngẩn ngơ, nhìn các Huynh Trưởng của mình mà hồi hộp chờ lịnh.

– Thao diễn… Nghỉ!

– Nghiêm!

– Đàn Em… CHUẨN BỊ?

– …. sẵn… sàng!

Tuổi học trò, học chữ đầy cả trang sách. Thế nhưng, chỉ có hai chữ “sẵn sàng” quen thuộc, từng nghe, từng nói; vậy mà Đàn Em bỡ ngỡ, lập bập, rời rạc, đứa nói trước, đứa hô sau. Càng lúc, Đàn Em càng thấy mình vụng về, từ bước đi, cách đứng; ngỡ ngàng tập nghe và ngơ ngác tập nói, sao cho vừa ý Huynh Trưởng.

Huynh Trưởng chỉ huy thất vọng:

– Huynh Trưởng chưa nghe!

Như nhận được lịnh, toán Huynh Trưởng hướng dẫn, đang đứng ngoài hàng, ào ạt ùa vào, thi nhau rầy rà, nạt nộ rối rít. Mấy câu ngắn, nghe tương tự như nhau, nghe vang dậy khắp Vũ Đình Trường:

– Đàn em còn yếu đuối quá!

– Yếu đuối quá, mấy “ÔNG”!

– Hô lớn lên coi, mấy “ÔNG”!…”

– …!

“ÔNG”!… “ÔNG”!… “ÔNG”!… “ÔNG”!…

Đàn Em nghe quanh mình ồn ào, căng thẳng, kinh khiếp. Khi thì mình bị gọi là “Đàn Em”, khi thì được gọi thành “Ông”! Thế nhưng, chữ “ÔNG” của Huynh Trưởng, thật sự, không hề làm cho các “ÔNG” tuổi trẻ trong hàng, thấy tự hào hãnh diện vì mình được gọi là “ÔNG”! Trái lại, nó làm cho lớp da mặt thư sinh của tuổi trẻ thêm đỏ hồng, xấu hổ.

Thật vậy. Đàn Em thất vọng với chính mình!

Đàn Em đứng yên nhận trách nhiệm.

Tiếng la rầy của Huynh Trưởng, mỗi người một câu, dồn dập, ồn ào, ào ạt rồi im bặt. Vũ Đình Trường lặng im.

– “Hô LỚN lên!”

Huynh Trưởng căn dặn, rồi nghiêm nghị nhìn khắp Đàn Em:

– Đàn Em… CHUẨN BỊ?

– Sẵn sàng!

Tiếng đáp “Sẵn sàng!” của đàn em gọn gàng, rõ ràng hơn. Đàn em mỉm cười, khi nghe được tiếng hô của mình có đồng loạt với bạn bè. Thế nhưng, niềm vui và tự hào mới chợt nhúm nhóm đã bị tắt lịm nhanh chóng. Tiếng Huynh Trưởng chậm mà lạnh lùng:

– Huynh. Trưởng. CHƯA. NGHE!… HÔ LẠI!

Đàn Em im lặng, nhìn nhận ra rằng: mình chưa thật sự sẵn sàng!

Đàn Em đứng yên chờ đợi, như những thân cây bã đậu trên Vũ Đình Trường.

Vũ Đình Trường lại im lặng, chờ đợi.

Vũ Đình Trường ngột ngạt.

– Thao diễn… Nghỉ!

– NGHIÊM!

Tiếng hô “Nghiêm!” từ xa, mà nghe như Huynh Trưởng đang đứng bên cạnh Đàn Em, như “đường kiếm thép oai hùng đưa”!

– Đàn Em… CHUẨN BỊ?

– SẴN SÀNG!

Vũ Đình Trường bất chợt bừng bừng vang dậy tiếng hô “SẴN SÀNG!”

Đấy!

Thế đấy!

Chữ “SẴN SÀNG” thật cao cả của người lính!

Tuổi trẻ đã học được bài học vỡ lòng, hiểu được ý nghĩa của hai chữ “sẵn sàng” và thật sự sẵn sàng.

Đàn Em sẵn sàng theo bước Huynh Trưởng.

Một. Hai. Ba. Bốn…

Rập. Rập. Rập. Rập….

Đàn em chạy theo nhịp đếm của Huynh Trưởng. Một vòng rồi lại nối tiếp thêm một vòng. Thêm mỗi một vòng, Vũ Đình Trường rộng lớn thêm, mênh mông hơn, và… thấy mờ mịt hơn. Chân rã rời. Chạy hoài, vẫn còn nghe Huynh Trưởng đếm nhịp. Tuổi trẻ thở dồn dập, áo quần xốc xếch. Tuổi trẻ lếch thếch, thê thảm, ráng sức chạy theo các Đàn Anh. Không mấy chốc, tuổi trẻ lao chao, lần lượt nghiêng ngả, nằm dài trên lớp sỏi của Vũ Đình Trường hay tơi tả bên những chiếc lá bã đậu rơi rụng dưới hàng cây….

Vũ Đình Trường bụi tung mịt mù. Tiếng chân, tiếng đếm nhịp, tiếng thúc dục của Huynh Trưởng vẫn còn vang dậy…

Một… Một… Một. Hai. Ba. Bốn….

Rập. Rập. Rập. Rập….

Tuổi trẻ yếu đuối, té ngả, nhưng quyết không ngã lòng!

Đàn em đã sẵn sàng nhận Trách Nhiệm!

Đoạn đường chiến binh chỉ mới là khởi đầu!

Màu học trò, không mấy chốc được nắng Vũ Đình Trường nung cháy đỏ, rồi sạm đen. Tuổi trẻ không còn tâm trí để mơ làm học trò, sống bình yên, bước lặng thinh để nghe hoa bướm gọi bên mình. Họ tập làm quen với tiếng còi rối rít, thúc dục gọi vào hàng, với tiếng đối đáp dõng dạc, sắc gọn, với bước chân dài hiên ngang theo nhịp. Áo tiểu thư, bấy giờ, chỉ còn được “đứng ngẩn trông vời” trong Khu Tiếp Tân, vào ngày Chủ Nhật, khi không được về phép cuối tuần.

Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn!

Chiến trường khốc liệt không mấy chốc đã vùi chôn biết bao tuổi trẻ can trường. Và rồi, dòng đời nghiệt ngã lại dần dà cuốn đưa bạn bè mình xa cách, sớm về nơi an nghỉ sau cùng.

Thời gian qua mau. Thấm thoát, đã gần 50 năm, sau ngày Mãn Khóa!

Những người may mắn còn sống sót và tìm được nhau, cùng trở về đây, để thăm chào nhau. Có nhiều người vì hoàn cảnh riêng tư, đã không về hội ngộ như mong ước của chính mình và bạn bè.

Hôm nay, ngày Hội Ngộ!

Sáng sớm, bạn bè từ xa về, ở cùng khách sạn, hay khác khách sạn, hoặc ở đâu đó trong thành phố; không hẹn hò, đều lần lượt gặp nhau ở quán ăn, trong khu phố gần bên. Bên ly cà phê sáng, khói thuốc, tiếng cười, gọi nhau “mày-tao” sang sảng, như thời còn trai trẻ. Câu chuyện xưa và nay, chen nhau không dứt, tiếp nối mãi, cho đến khi phải đi đến nhà hàng để tham dự tiệc Hội Ngộ. Được gặp lại nhau, niềm vui còn được gặp lại, xúc động chan hoà. Mừng được thăm chào những đàn anh còn sức khoẻ, trở về cùng chung vui Hội Ngộ với đàn em. Mừng được nhìn thấy nụ cười thân tình rạng rỡ của bạn bè. Mái tóc bạc màu vẫn bạc màu.

Có trở về đây hội ngộ mới càng thấy tình đồng môn, tình chiến hữu vô cùng đậm đà và thật cao quý. Về đây, để thấy thật ấm lòng khi chứng kiến các thế hệ con cháu: với tuổi trẻ, vẫn nhiệt tình tham dự ngày Hội Ngộ của những người đã không còn trẻ tuổi.

Vâng, mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây!

Hãy còn đó niềm tin nơi thế hệ trẻ!

Một!

Hai!

Ba!

Bốn!

Một. Hai. Ba. Bốn!

Cất tiếng lên nào hòa thành bài ca vui tươi.
Nắng sớm chan hòa gieo hương khắp bốn phương trời.
Người người cùng đón gió mới.
Nụ cười đẹp tươi trên môi.
“Cư-An Tư-Nguy” muôn đời còn ghi….”

Hội trường bất chợt bừng bừng sống dậy với Thủ Đức Hành Khúc. Tiếng hát cất vang, như một thời thao trường đổ mồ hôi. Như ngày nào trên đồi Tăng Nhơn Phú, Vũ Đình Trường đã từng rập rập rùng, rung chuyển với những bước chân của tuổi trẻ. Đàn anh trong tuổi 70, 80 rời chỗ ngồi, bước lên, sát vai cùng đàn em, cất cao giọng hát đầy hào hùng. Nhịp quân hành dồn dập, thôi thúc nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ.

“…Theo tiếng quân hành trầm hùng đoàn quân vui ca.
Nắng sớm chan hoà gieo hương khắp trên muôn nhà.
Nào “Đồi Mười Tám” tiến tới.
Kìa “Mẹ Bồng Con” chơi vơi.
“Hai Lăm”, “Ba Mươi” lưu dấu ngàn đời.”
“Ta đoàn trai Việt hồn dâng non sông.
Gió sương không sờn lòng trai Tiên-Long.
Cất tiếng hát vang khắp trời.
Với chí lớn ta xây đời.
Hẹn ngày mai quê hương thắm tươi…”

Đàn Em có “yếu đuối” thật, nhưng nhận hiểu Trách Nhiệm, biết theo gót chân của Huynh Trưởng để trưởng thành và hãnh diện quỳ xuống, nhận “Alpha” trên vai áo, từ Huynh Trưởng.

Và rồi, tuổi trẻ đã đứng dậy, hiên ngang trong quân phục Đại Lễ.

Đàn Em được rời Trường Mẹ.

Đàn Em đã sẵn sàng!

Tuổi trẻ đã thật sự trở thành người lính!

Người lính mang giữ lời thề: Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm.

Người lính già dặn hơn, già đi thật nhanh trong khói lửa, qua chiến trận.

Người lính già trở thành gan lì hơn, chai đá hơn, trong các trại giam gọi là “cải tạo” của cộng sản.

Đoạn đường chiến binh bất tận!

Tuổi trẻ biết xót xa mất mát bên thi thể không vẹn toàn. Và tuổi trẻ đã biết đến cái đớn đau thật tột cùng, khi mất cả quê hương!

Ngay sau khi cưởng chiếm trọn vẹn Việt Nam, những kẻ xưng danh là “giải phóng” đã nhẫn tâm xua đuổi tất cả thương binh của quân đội miền Nam, bất kể tình trạng thương tích, đều phải rời khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa, ngay trong ngày. Tàn nhẫn nhất là đối với các người lính miền Nam bị thương trầm trọng. Lắm người, vết thương còn máu chảy rỉ ra ngoài, cũng phải chịu đau đớn, lê lết ra cổng bệnh viện, mặc cho bông băng, quét bê bết trên đất bùn dơ bẩn…

Những cảnh tượng thê thảm, xúc động lương tâm nhân loại. Thế nhưng, quá bình thường, đối với đội quân đã từng theo lịnh đảng, thi hành các cuộc đấu tố và hành quyết dã man, như “Cải cách ruộng đất”, Thảm sát Tết Mậu Thân…. Những kẻ đã từng tự hào hát bài quốc ca với lời thề man rợ: “thề phanh thây, uống máu quân thù”, đã thuộc nằm lòng lời thơ khát máu của Tố Hữu:

“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng.

Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”

Người sống, sống lây lất không yên thân. Người đã chết, chết cũng không yên phận. Bia mộ của các quân nhân thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị bắn phá, hủy hoại. Di tích mộ phần và nghĩa trang quân đội ở miền Nam, bị xóa bỏ bằng các cách man trá, hèn hạ. Ngày nay, Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa phải mang các thứ tên gọi khác, như nghĩa trang nhân dân Bình An, hay nghĩa trang Bình An, nghĩa địa Bình An…

Với bạo lực, quân cộng sản đã chiếm được đất nước và khủng bố kềm kẹp nhân dân. Thế nhưng, chế độ bạo tàn sẽ không bao giờ chiếm giữ được lòng người. Tình cảm của người dân và lịch sử vẫn muôn đời ghi ơn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa: đã vì nước hy sinh.

Tuổi trẻ hãnh diện được làm Đàn Em của những bậc Huynh Trưởng anh dũng, can trường trong chiến trận, và đã nêu cao gương bất khuất, đã tuẫn-tiết khi miền Nam bị quân cộng sản cưỡng chiếm, như Thiếu-tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư-lệnh Quân-đoàn IV và Chuẩn-tướng Lê Văn Hưng, Tư-lệnh phó Quân-đoàn IV.

Và cho dù chế độ cộng sản có san bằng đồi Tăng Nhơn Phú, sẽ vẫn còn vang vọng tiếng hô “Sẵn Sàng!”, của các thế hệ Đàn Em. Tiếp nối Khóa 5 Vì Dân của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, đã có Đoàn Hậu Duệ Vì Dân.
Vũ Đình Trường!




No comments:

Blog Archive