"Địa ngục xanh Việt Nam" của Helmut P. Müller
(Nguồn: https://www.facebook.com/phanb a)
Một trong số ít những quyển sách tiếng Đức tường thuật về Chiến tranh Việt Nam thời đó. Ông Müller sang Việt Nam tìm hiểu đúng vào lúc chiến tranh đang leo thang (1967) và ông ấy cũng đến tận nơi quân đội Mỹ có nhiều tổn thất nhất: đi theo lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong mấy tỉnh ở phía nam vĩ tuyến 17.
Quyển sách này được gọi là "Augenzeugenbericht", tường thuật của một người tai nghe mắt thấy.
Tuy vậy, Müller cũng cố gắng đưa ra nhiều nhận xét chung mang tính tổng quan, cố gắng giải thích nguyên nhân của một cuộc chiến "không khoan nhượng, tàn nhẫn Á châu và đầy ắp sự căm thù và oán giận" bằng cách đưa ra nhiều số liệu.
Ví dụ như:
"Dù hai bên có đưa ra bất cứ điều gì - nhân chứng không thể mua chuộc được vẫn là thống kê. Những con số của nó cho thấy một bối cảnh của cuộc chiến mà cho tới nay vẫn còn chưa được biết đến trên thế giới: từ 1954 cho tới 1961, du kích Việt Cộng đã giết chết tổng cộng 13,700 thường dân ở Nam Việt Nam - phần lớn là những nhân vật lãnh đạo của đất nước. Trong cùng khoảng thời gian này, hàng ngàn người Nam Việt Nam khác đã bị bắt cóc và kể từ lúc đó được cho là mất tích. Việc tiêu diệt có hệ thống tầng lớp trí thức này đã đẩy đất nước đến bờ vực thẳm - hoàn toàn không phải là 'sự can thiệp rộng lớn của Mỹ', như Hà Nội và Bắc Kinh luôn quả quyết.
Bởi vì từ 1954 cho tới 1961, người Mỹ hầu như không có quân đội đồn trú ở Nam Việt Nam. Sự tham chiến của họ được giới hạn ở mức từ 1954 cho tới ngày 1 tháng 1 năm 1961, họ chỉ có hai người chết ở Nam Việt Nam!"
Một chương trong quyển sách này ("Người Việt nghĩ gì") ghi lại số liệu cuộc thăm dò ý kiến của người Việt sống trong những vùng do chính phủ kiểm soát năm 1967. Những con số này tôi đọc được lần đầu, dịch ra đây một ít
"Hỏi: Nếu như anh chị có thể bày tỏ ba điều ước cho đất nước của chúng ta - anh chị sẽ ước mơ điều gì?
Trả lời: Hòa bình - 81%; an ninh và thịnh vượng - 3%; thống nhất - 2%, chiến thắng chủ nghĩa cộng sản - 4%; độc lập - 4%.
.
Hỏi: Nếu như chiến tranh chấm dứt, theo ý kiến của anh chị thì người dân có muốn nhìn thấy Việt Cộng trong chính phủ hay không?
Trả lời: Có - 6%; không - 73%; không có ý kiến - 21%..
Hỏi: Theo ý anh chị, người dân không thích điều gì ở Việt Cộng?
Trả lời. Khủng bố và phá hoại - 58%; bóc lột người dân và thu thuế quá cao - 36%; thiếu tự do - 10%; thích chiến tranh - 7%; tuyên truyền dối trá - 6%; không có điều gì hết - 2%; không có ý kiến - 17%. (Một số người được hỏi đưa ra nhiều điểm.).
Hỏi: Anh chị có tin rằng anh chị sẽ có một cuộc sống nhẹ nhàng hơn khi Việt Cộng kiểm soát vùng đất của anh chị, hay nhẹ nhàng hơn dưới sự kiểm soát của chính phủ?
Trả lời: Tốt hơn dưới sự kiểm soát của Việt Cộng – 0%; tốt hơn dưới sự kiểm soát của chính phủ - 90%; không khác nhau giữa hai bên – 3%; không có ý kiến – 7%."
.
Có thể thấy hòa bình là ao ước lớn lao nhất của hơn 80% người miền Nam. Họ không tin rằng họ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn dưới sự kiểm soát của Việt Cộng (90%), vì vậy mà không muốn có Việt Cộng trong chính phủ (73%). Nguyên nhân hết sức đơn giản: "Khủng bố và phá hoại – 58%".
Ở một đoạn khác, tác giả viết chi tiết hơn về việc này:
"Hoạt động khủng bố của Việt Cộng được công bố hằng tuần. Đó là một danh sách dài, tàn nhẫn – một ghi nhận thương tâm của tình trạng tiến thoái lưỡng nan đẫm máu mà người dân phải sống ở trong đó. Mỗi tuần trung bình trên 70 cuộc ám sát, tập kích và khủng bố. Để hiểu được sự khủng khiếp này, người ta chỉ cần đưa ra vài điểm của danh sách hàng tuần:
- Vào ngày 10 tháng 5 lúc 7 giờ sáng giữa My Chanh và Phu My có một chiếc Lambretta cán phải mìn Việt Cộng. Chín người dân thường chết ngay tại chỗ, mười người khác bị thương nặng.
- Vào ngày 13 tháng 5, Việt Cộng, giả làm người lính của chính phủ, đã bắt cóc 4 người của làng Phu My. Ít lâu sau đó, bốn người dân thường này được phát hiện bị chém đầu trong vùng núi Thi Vai.
…"
Cuối cùng thì sự cuồng tín và tàn bạo đã dẫn đến kết cục như thế cho cuộc chiến này.
Đọc có thể dễ dàng nhận thấy tác giả không phải là một nhà văn thiên phú. Nhưng điều này không quan trọng cho lắm ở một "tường thuật tai nghe mắt thấy".
Nhiều bạn trẻ cứ thắc mắc hỏi thời đó thực sự đã như thế nào?
Đây cũng có thể là một phần của câu trả lời. Tôi hy vọng sẽ có thì giờ để dịch hết quyển sách này phục vụ cho các bạn.
No comments:
Post a Comment