Monday, December 28, 2020

Khúc nhạc giao thừa, tác phẩm nổi tiếng một thời 

Rất nhiều người Việt Nam thắc mắc chung quanh bài hát này vì họ quen nghe điệu hát quen thuộc nầy qua bài hát Tạm Biệt hay Ce n’est qu’un au-revoir! mỗi khi hè chia tay bãi trường hay tan Lửa Trại Hướng Đạo.

Điệu hát này con nít Việt Nam nhại ý đổi lời là:

– Ò e, Rô-be đánh đu, Tạc-răng nhảy dù Zôrrô bắn súng! Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”.

Hoặc:

Tò te, cây me đánh đu, Tạc-răng nhảy dù, thằn lằn bắn súng. Chết cha con ma nào đây, làm tao hết hồn, thằn lằn cụt đuôi.

Nhạc hát thêm:

Chết cha con ma nhào vô, làm tao ép tim, thằn lằn bắn súng. Chết cha con ma nhào ra, làm tao hú hồn, thằn lằn cụt đuôi.

Lời ca Việt tếu Ò e … đánh đu rất đúng âm điệu nguyên thủy vì người Tô Cách Lan (Scotland) đã dùng cây kèn bagpipe để thổi.

Auld Lang Syne – Bagpipes

– Điều rất lạ thứ nhất là, dù là thiên hạ không biết chút xíu gì về tiếng Tô Cách Lan, nhưng điệu nhạc của nó bình dị quyến rũ thấm dễ dàng vào tâm trí khiến người ta nghe vài lần là thuộc ngay, có thể nói hát mà không hiểu lời ca nhưng cảm thấy hay, điều này thật lạ lẫm.

Kỳ thực, bài này gốc gác từ xứ Tô Cách Lan nhưng lại mang rất nhiều cái lạ. Chữ Auld Lang Syne dịch theo từng chữ Tô Cách Lan ra Anh ngữ là Old Long Since, được Robert Burns dịch là Times Gone By. Nói theo tiếng Việt, tôi nghĩ thích hợp hơn cả dịch là ”Năm xưa, năm xửa, năm xưa”, mà nói theo giọng Nam kỳ xứ Việt là Hồi nẵm.

– Điều rất lạ thứ hai là bài hát này được phổ biến hầu như khắp hoàn cầu nhưng lại được hát vào những dịp khác nhau.

– Và điều rất lạ thứ ba là nguyên thủy của bài hát là dùng để ”mừng đón” một điều vui mới đến, nhưng về sau nó lại được sử dụng để ngậm ngùi ”tiễn đưa” một điều luyến tiếc.

Bài Auld Lang Syne ban đầu là do Thi Sĩ trứ danh của xứ Tô Cách Lan tên là Robert Burns chuyển ký và in ra dựa vào một bài du ca dân dã của xứ này. Robert Burns đưa ra một bản chép của bài ca nguyên thủy đến Viện Bảo Tàng Anh với câu ghi chú: 

Bài hát sau đây, một bài hát rất cổ, cổ nhất trong những bài xưa cổ và chưa bao giờ được in ra và ngay dù xuất hiện dưới dạng bản thảo cho đến lúc tôi ghi ra từ tiếng hát một cụ già, điều này đã đủ khiến cho người ta tin cậy”.

Nhưng điệu ca mà ông Burns chuyển ký ra không phải là điệu hát ngày nay.

Đại ý của bài Ca Dao Tô Cách Lan này là hai người bạn thân rất lâu không gặp nhau rồi rủ nhau nhậu bia, nhậu rượu, nhưng với điều kiện tiền ai nấy trả. Hai ông cùng lè nhè nhắc lại bao nhiêu chuyện cũ thuở năm xưa năm xửa như: Nào là cùng nhau leo đồi, nào là cùng nhau lội suối…Cứ nhắc xong một kỷ niệm thì họ lại cùng nâng ly nốc cạn. Uống cho đến say thì thôi.

Theo phong tục cổ truyền của xứ Tô Cách Lan, người dân đã hát bài này vào dịp Giao Thừa Năm Mới hay Hogmanay.

Người phổ biến bài này bằng cách chơi nó vào dịp Giao Thừa Tết Dương Lịch trong những buổi phát thanh thường niên kể từ năm 1929 là Nhạc Trưởng Guy Lombardo

Bài Auld Lang Syne rõ ràng tỏ sự vui mừng gặp lại nhau sau bao nhiêu năm xa cách, nâng ly nhắc lại chuyện xưa. Áp dụng vào tiệc Tất Niên Giao Thừa thì rất đúng, vì đây là dịp sum họp bè bạn. Nhưng khi nó lan truyền ra các xứ khác, thì nó được hát với cách áp dụng rất khác nhau.

* Ở Đài Loan, bài này hát vào dịp sinh viên tốt nghiệp và đám tang, tượng trưng cho sự chấm dứt hay vĩnh biệt.

* Ở Nhật, vài tiệm siêu thị chơi bản này để nhắc nhở khách hàng giờ đóng cửa.

* Ở Anh Quốc, bài này cử vào lúc bế mạc của Đại Hội thường niên về Mậu Dịch.

* Ở Hàn Quốc, trước khi có bài Quốc Thiều Aegukga (Ái Quốc Ca) hiện nay, thì họ dùng điệu này làm Quốc Thiều với lời tiếng Hàn.

* Ở Ấn Độ, trong Quân Lực xứ này, khi tiễn toán quân Tân Binh tuyển mộ diễn hành rời khán đài, thì bài này cử lên và toán lính phải đi thật chậm.

* Ở Hoa Kỳ, dân chúng vào nửa đêm giao thừa dương lịch thường thức khuya để xem TV Chương Trình đón năm mới ở Quảng Trường Time Square ở New York, chủ đích là coi cảnh dân chúng theo dõi quả cầu tụt xuống theo 12 tiếng chuông đồng hồ để rồi tưng bừng hát mừng một năm mới bằng bài hát Auld Lang Syne.

* Dân Việt Nam còn nhớ bài Auld Lang Syne cũng được vào phim ảnh như là nhạc chủ đề như cuốn phim La Valse dans l’Ombre/Điệu Luân vũ trong Bóng mờ với Robert Taylor và Vivien Leigh. Mời xem một đoạn trong phim mà một thời ở Saigon được chiếu tại Rạp Lê Lợi:

WaterlooBridge với nhạc đệm Auld LangSyne

Và nghe bản Valse Dans L’Ombre (“Farewell Waltz”) rất xưa, trên đĩa 45 vòng, do ca sĩ Marie José hát tiếng Pháp, năm 1945, trong link này:

Valse dans l’ombre (“Farewell Waltz”) – Marie-José – 1945

Bài Auld Lang Syne đúng là một điệu hát rất hay, rất lạ và rất thân quen với hầu như với tất cả mọi người, trong mọi trường hợp, dùng sao cũng thích hợp: đón mừng và buồn tiễn nhau đi. Đây là bài nhạc trứ danh mang giá trị vượt thời gian và không gian, mỗi lần nghe lại là mỗi lần nhớ một thời… và cái hay của bản nhạc với lời ca xa xưa nhưng có thể mấy ai thấu hiểu sự kỳ bí hấp dẫn về nó cả như câu nói của người Anh: ”the song that nobody knows”.

===

Về bài hát Tò te ma le đánh đu...

Lúc nhỏ lũ nhóc chúng tôi hay hát một bài hát truyền khẩu, đại khái là “Tò te ma le đánh đu, thằng cu nhảy dù, cao bồi bắn súng. Chết cha con ma nào đây, làm tao hết hồn. Thằn lằn cụt đuôi”. 

Lớn lên, tôi nghe có người nói rằng đây nguyên là một bài hát đón năm mới của người Pháp. Cho hỏi, điều này có đúng không? Bài hát đó ra đời như thế nào? (Trần Văn Trung, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Auld Lang Syne là bài hát đón giao thừa phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nguồn: Internet

- Đây là một bài hát phổ biến trong dân gian một thời với nhiều lời “chế”, ít ai biết rõ tên bài hát nên chỉ dựa vào câu đầu tiên mà gọi tên. Nếu bài hát trên có tên là “Tò te ma le đánh đu”, thì bài dị bản này có tên là “Ò e”, trong đó nêu một số nhân vật nổi tiếng trong phim ảnh phương Tây: “Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”.

Bài hát này có tên tiếng Pháp là Ce n’est qu’un au Revoir (hoặc Chant des Adieux), có nghĩa là Bài ca Tạm biệt, thường được hát khi chia tay nhau sau các buổi sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là xuất hiện trong các buổi tiệc giao thừa của người Pháp.

Do người Pháp mang vào Việt Nam nên nhiều người Việt cứ nghĩ đây là bài hát Pháp. Thực ra, bài hát nổi tiếng khắp thế giới này có gốc gác từ xứ Scotland với tựa đề là Auld Lang Syne.

Auld Lang Sine là tiếng Scotland cũ, dịch ra tiếng Anh là “old long since” hay “long long ago” hoặc “in the days gone by”, nghĩa là lâu lắm rồi, ngày xửa ngày xưa… Đây là một bài thơ phổ nhạc theo âm điệu dân ca truyền thống của Scotland, do thi hào kiêm nhạc sĩ tài danh Robert Burns viết năm 1788 và nhanh chóng trở thành giai điệu âm nhạc phổ biến không chỉ ở các nước nói tiếng Anh mà còn nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

Burns gởi bản nhạc vào Viện Bảo tàng Âm nhạc Scotland với dòng chữ: “Bài hát sau đây, một bài rất cổ, cổ nhất, tôi ghi lại đây từ tiếng hát của một cụ già lớn tuổi nhất vùng ở đồng quê xa xôi của xứ tôi là nước Scotland”.

Auld Lang Syne thường được hát khắp nơi trên thế giới trong dịp tiễn biệt năm cũ và đón mừng năm mới. Tại “quê hương” của bài hát nổi tiếng này, trong đêm giao thừa, mọi người cầm tay nhau thành một vòng tròn lớn và nhảy múa theo điệu nhạc.

Ca từ tiếng Anh của bài hát: For auld lang syne, my dear,/ For auld lang syne,/ We’ll take a cup o’ kindness yet/ For auld lang syne. (Cho những ngày tươi đẹp cũ, bạn ơi/ Cho những ngày tươi đẹp cũ/ Chúng ta cùng nâng ly vì điều tốt lành/ Cho những ngày tươi đẹp cũ).

Bài hát nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những kỷ niệm và những người bạn đều đáng quý. Một năm đã trải qua nhiều chuyện nhưng chỉ cần còn nhớ đến nhau, cùng nâng ly thì tương lai tươi sáng vẫn còn ở phía trước.

Chính ca từ và giai điệu dân gian vui nhộn đã khiến Auld Lang Syne trở thành một bài hát tình cảm, ấm áp và đầy sinh khí năm mới. So sánh với Happy New Year thì bài hát cổ xưa này thích hợp để hát mừng năm mới hơn. Chính vì vậy, ngoài Vương quốc Anh, Auld Lang Syne còn rất phổ biến tại nhiều nơi như Triều Tiên, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đan Mạch, Hy Lạp, Chile...

Do độ nổi tiếng, Auld Lang Syne có rất nhiều phiên bản lời, dịch cũng như các ca sĩ. Các phiên bản phổ biến nhất phải kể tới của Jimi Hendrix, Mariah Carey, Aretha Franklin và Billy Preston, The Beach Boys... Auld Lang Syne cũng từng được dùng làm nhạc nền cho bộ phim kinh điển La Valse Dans L’Ombre (Vũ điệu trong bóng mờ) với sự tham gia của minh tinh huyền thoại Vivien Leigh (nổi tiếng trong phim Cuốn theo chiều gió) và tài tử Robert Taylor.

Trên thế giới mỗi năm có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn giọng ca thể hiện lại Auld Lang Syne. Tại Việt Nam, phiên bản ca khúc này được người yêu nhạc nhớ tới là của nhóm Boney M hay của nghệ sĩ saxophone Kenny G.

Không ai có thể nhận định được phiên bản nào là hay nhất, đáng nhớ nhất. Bởi lẽ Auld Lang Syne là bài hát của tất cả mọi người, của khoảnh khắc để ta nhìn lại những năm tháng đã qua và hướng tới năm mới an lành trong niềm hân hoan, bồi hồi.

===

BÀI CA TẠM BIỆT (AULD LANG SYNE)

Không bao lâu nữa chúng ta sẽ TIỄN ĐƯA NĂM CŨ và ĐÓN NĂM MỚI (dương lịch).

Một bài hát được “CẢI BIÊN” mang tính cách vui đùa của trẻ con ở Việt Nam trước 1975 mà ít “bé” nào lúc bấy giờ được biết là… nó rất thịnh hành ở phương Tây trong dịp đón giao thừa. Đó là bài "AULD LANG SYNE”.

"AULD LANG SYNE" là một bài thơ bằng tiếng SCOTLAND do ROBERT BURNS (1759-1796) sáng tác lời và phổ nhạc cho bài hát theo một giai điệu DÂN CA CỔ năm 1788.

AULD LANG SYNE được dịch ra tiếng Anh là “OLD LONG SINCE” (NHỮNG NGÀY XA XƯA). Bài hát này được biết đến ở nhiều nước khác nhau, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh, và theo TRUYỀN THỐNG thường được hát như một LỜI CHIA TAY VỚI NĂM CŨ TRONG THỜI KHẮC GIAO THỪA. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng khá rộng rãi trong các đám tang, lễ tốt nghiệp, và dùng như một cách nói lời chia tay hoặc kết thúc cái gì đó trong các trường hợp khác. Các phong trào Thiếu sinh Hướng đạo quốc tế, ở nhiều nước, sử dụng nó gần như hoạt động trại họp bạn (jamboree) và các hoạt động khác.

AULD LANG SYNE cũng đi vào PHIM ẢNH với vai trò NHẠC CHỦ ĐỀ CHÍNH như cuốn phim LA VASE DANS L'OMBRE. Những người rời khỏi nước từ năm 1975 chắc là còn nhớ "BÀI CA TẠM BIỆT".

Ðấy là bài ca thuộc loại phổ biến nhất địa cầu. Trong đêm GIÁNG SINH, ai ai cũng có thể nghe bài O HOLY NIGHT thánh thiện. Một tuần sau, khi GIÃ BIỆT NĂM CŨ đang phai dần và CHÀO MỪNG NĂM MỚI vừa ló dạng, người ta hát bài "AULD LANG SYNE"

Trên giai điệu hát bài này, từ trước năm 1945 tác giả THẾ LỮ đã Việt hóa thành "BÀI CA TẠM BIỆT" thường dùng để hát vào những lúc kết thúc buổi sinh hoạt tập thể như trại hè hoặc hướng đạo:

“…Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến
Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn được gặp nhau”

Và người yêu nghệ thuật vào thời ấy ở nhà đều nhớ đến các sân khấu cải lương ở Việt Nam thường dùng bài này khi chấm dứt chương trình. Nghe đến bài đó thì mọi người đứng dậy ra về.

Bài hát được “CẢI BIÊN” với lời Việt mà thời ….con nít chúng ta ưa hát như thế nào… quí độc giả có còn nhớ không?

ce n'est qu'un revoir




"BÀI CA TẠM BIỆT

* Bài gốc tiếng Anh:


Lời bản nhạc tiếng Pháp: Ce n'est qu'un au revoir

Faut-il nous quitter sans espoir,
Sans espoir de retour,
Faut-il nous quitter sans espoir
De nous revoir un jour

Refrain

Ce n'est qu'un au-revoir, mes frères
Ce n'est qu'un au-revoir
Oui, nous nous reverrons, mes frères,
Ce n'est qu'un au-revoir
Formons de nos mains qui s'enlacent
Au déclin de ce jour,
Formons de nos mains qui s'enlacent
Une chaîne d'amour.
Car Dieu qui nous voit tous ensemble
Et qui va nous bénir,
Car Dieu qui nous voit tous ensemble
Saura nous réunir.
Unis par cette douce chaîne
Tous, en ce même lieu,
Unis par cette douce chaîne
Ne faisons point d'adieu.
Car Dieu qui nous voit tous ensemble
Et qui va nous bénir
Car Dieu qui nous voit tous ensemble
Saura nous réunir.

Paroles: Père Jacques Sevin

No comments:

Blog Archive