Wednesday, December 30, 2020

Ăn xin ở Paris

Ngày chưa tới Paris, tôi chẳng bao giờ mảy may nghĩ đến chuyện ăn mày ở Pháp. Tôi càng chẳng bao giờ hình dung ra được ở Paris lại nhiều ăn xin đến thế.

Nhưng ăn mày ở Paris lại là một câu chuyện khác hẳn so với ăn mày ở Việt Nam.

Có thể nói ngay, nhìn vào hình thức bên ngoài người ta có thể nói rằng ở Paris bất cứ ai cũng có thể đi ăn mày.

Những cảnh ăn mày trông thê lương nhất là tình cảnh của những người nhập cư, tỵ nạn hoặc chưa được tỵ nạn, từ Trung Ðông. Ở các bến tàu xe lớn như La Défense, Saint-Lazare, Gare du Nord, tôi thường thấy những cặp vợ chồng có con nhỏ, hoặc thậm chí chỉ một đứa trẻ gái, trai mắt đen, sâu, da trắng bệch chừng 7, 8 tuổi ngồi bệt hoặc đứng với khuôn mặt rầu rĩ, có tấm biển giấy ghi nguệch ngoạc dòng chữ “Famille Syrienne” (gia đình từ Syrie). Những câu xin của họ, tôi đoán là thế, là những câu rầm rĩ liên tục như những tiếng cầu kinh không ngừng nghỉ. Âm thanh đều đều, da diết và giọng buồn thảm cùng với cái không khí lạnh lẽo của mùa Ðông châu Âu tạo cho người nghe một sự thê lương, mủi lòng khó cầm giữ. Trong dòng người hối hả vào lúc tan sở hoặc tới sở, tôi vẫn nhìn thấy nhiều cô, nhiều bà và ông rất lịch lãm đưa nhanh tay vào túi và ân cần cúi xuống rất nhanh với những con người ngoại quốc thiếu may mắn đó.

Lần ngồi ở công viên chỗ quảng trường Estienne d’Orve ngay trước Nhà thờ Sainte Trinité thuộc quận 9 lộng lẫy, một ngày Thu đẹp trời, công viên rất nhộn nhịp, tôi thấy từ xa một thanh niên mặc com-lê, tay xách cặp da đi đến từng chỗ có người ngồi nói gì đó, và có một vài người móc hầu bao đưa cho người thanh niên. Hai bên đều trông rất vui vẻ, chào nhau tạm biệt trìu mến “Bonne Journée!” Tôi ngạc nhiên và hỏi một ông khách lạ gần bên thì được trả lời “C’est un mendiant” (ăn xin đấy).

Cảnh ăn xin làm tôi phải mỉm cười ngay tức khắc và nhớ mãi đó là lần ở ngay lối xuống bến métro 14 Olympiades, nhìn thấy một ông cụ ngồi với một tấm biển ghi rõ hàng chữ “un Sou ou un Sourire” (cho tôi xin 1 xu hoặc 1 nụ cười). Tôi đã đi qua ông cụ mà không đưa cho ông đồng xu nào, tôi nhìn ông và bắt gặp đôi mắt tươi như một lời chúc tốt lành “Bonne Journée!”

Một hôm, trên métro 9 từ Auber đi Alma-Marceau (một cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Seine), một thanh niên cao chừng 1m90 ăn vận rất nghệ sỹ, tóc dài chải ngược búi tó, trông rất điển trai, đi dọc toa tàu “Bonjour!” mọi người và trình bày hoàn cảnh khó khăn hiện tại của anh ta không đủ tiền để theo học nhạc và xin mọi người giúp đỡ. Anh thanh niên cứ miết mải đi dọc toa xin. Cả toa của tôi đứng không ai cho tiền anh thanh niên nhưng tất cả mọi người, trừ tôi đang quá ngạc nhiên, đều nhìn anh ta bằng ánh mắt rất chia sẻ, khích lệ, mỉm cười. Anh thanh niên đi qua mọi người một cách rất tự tin và đều mỉm cười cảm ơn, tạm biệt, chúc phúc “Bonne Journée !” với từng người, không có chút gì rầu rĩ, ngượng ngập hay bất mãn. Cảnh tượng chân thành, nhân hậu và cao thượng đó đã ám ảnh tôi nhiều ngày.

Có những người ăn xin theo kiểu công nghiệp: họ in lời xin lên các tấm thẻ nhỏ rồi lặng lẽ đi từng toa tàu đặt nhẹ nhàng bên cạnh hoặc trước mặt các khách đi tàu, sau đó họ đi một vòng quay lại từng chỗ để thu lại tấm thẻ (có thêm hoặc không có tiền).

Sau này tôi gặp nhiều cảnh ăn mày khác, cũng đặc biệt. Ăn mày là người từ các nước hậu cộng sản Ðông Âu, ăn mày để có tiền xuất bản cuốn sách đang viết. Và các nghệ sỹ có nguồn gốc khác nhau biểu diễn các thể loại âm nhạc để xin tiền ở các bến tàu dưới lòng đất của Paris là những hình ảnh tuyệt đẹp, nên thơ, xúc động. 

Cũng có những ăn mày trông bộ dạng khá dữ tợn như kiểu nát rượu hoặc bệnh lý tâm thần. Song tôi tuyệt không thấy người ăn xin có thái độ, hành động đeo bám, nài nỉ, hù dọa người khác. 

Về phía công chúng, không cho thì thôi, chứ không thấy những ánh mắt dè bỉu, khinh khi, xua đuổi. Tuyệt đại đa số cả hai bên đều bày tỏ thông cảm chia sẻ với nhau. Có một cảnh tượng cũng khiến tôi suy nghĩ mãi: một anh thanh niên xin tiền trên métro, anh ta đến gần một cô gái trông rất xinh đẹp và lịch lãm; cô gái nói “Xin lỗi, tôi không còn xu lẻ nào cả. Mà này, nhưng anh có hút thuốc không? Anh cầm lấy điếu thuốc nhé.” Hình như trong xã hội này, người ta hiểu được cái lẽ khôn cùng vô thường của đời sống con người. Người được xin đồng cảm với sự sa cơ của kẻ xin, “chẳng có ai nắm chắc tay từ sáng tới tối”. Người đi xin thông cảm với cuộc đời còn nhiều bộn bề, bất trắc, khó lường của tha nhân-cũng chỉ là phận người mà thôi.

Tới đây chắc có bạn thắc mắc tại sao không có tấm hình chụp cảnh ăn mày ở Paris cho bài viết thêm sinh động. Tôi cũng từng nhiều lần định giơ máy lên ghi lại những cảnh đó. Song, khi nghĩ tới tình cảnh nước Việt Nam hôm nay khi có hàng ngàn, hàng vạn chị em chúng ta phải tha hương làm nhiều nghề để mưu sinh trong đó có cả những nghề rất cơ cực về phẩm giá; và có rất nhiều người Việt chẳng phải ăn xin, ăn mày, cũng không thuộc phường trộm cướp, nhưng lại bị một nhóm người Việt đang cầm quyền dè bỉu, khinh khi, hắt hủi, trấn áp ngay trên quê hương mình. Những ý nghĩ này đã gạt hẳn ý định ghi hình những cảnh ăn xin ở Paris. Một hiện tượng chắc chắn sẽ còn mãi cho tới khi không còn… con người.

Phạm Hồng Sơn

No comments:

Blog Archive