Wednesday, December 16, 2020

Những Món Quà Vô Giá Dành Cho Ông Bà Cha Mẹ!


Huỳnh Quốc Bình

… Con cháu nào biết dành thì giờ hỏi han cha mẹ, ông bà, và chịu khó lắng nghe những “tâm sự” của các cao niên thì mới thật sự là những món quà vô giá mà mình muốn dành cho các vị ấy trong những mùa lễ lớn…

Đề cập đến việc quà cáp, người ta dễ dàng chú ý đến những gì có tính cách vật chất hơn là tinh thần, nhưng thực chất cho thấy, các món quà tinh thần thường mang nhiều ý nghĩa sâu đậm hơn vật chất. Nói như vậy không có nghĩa là người đang đói rét có thể no lòng hay ấm áp bởi những lời hỏi thăm theo kiểu lấy lệ hay chúc lành theo kiểu thiêng liêng như Thánh Kinh đã khuyến cáo trong sách Gia Cơ 2:16b “Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng?”

Vào những ngày lễ lớn người ta thường “đau đầu” vì không biết là mua quà gì tặng cho người thân hay bằng hữu mà có ý nghĩa nhất. Cho nên ở trên mạng lưới toàn cầu (Internet) có nhiều bài viết liên quan đến việc tặng quà. Nào là: Tặng quà cho bố mẹ bạn gái như thế nào? Chọn quà Tết cho bố mẹ vợ như thế nào để thể hiện thành ý của con rể? Quà biếu bố mẹ chồng nên chọn như thế nào cho ý nghĩa? Đau đầu chọn quà Tết cho bố mẹ vợ? Mua quà gì biếu Tết bố mẹ chồng và bên nội, bên ngoại xa gần của nhà chồng?… Nhưng tôi lại ít thấy hay không thấy người ta đề cập đến việc tặng quà cho cha mẹ ruột hay ông bà của mình.

Người Việt mình có câu “của cho không bằng cách cho”, cho nên việc tặng quà cho người trên trước mà không đủ khéo léo, có khi đã tốn kém về vật chất nhưng còn bị tổn thương về tình cảm, chứ không phải chuyện tầm thường. Tôi đã từng học những bài học để đời chỉ vì mình nghĩ ai cũng dễ tính hay đơn giãn giống như mình. Nghĩ theo nghĩa tích cực thì dù sao đó cũng là cơ hội để tôi “học khôn”. Dù vậy, khổ nỗi “không có cái dại nào giống cái dại nào” như các cụ đã nói.

Vợ chồng tôi có quen một bà Mỹ. Bà “than phiền” rằng, ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề rồi mà không biết mua quà gì cho mẹ của bà. Bà hỏi chúng tôi là có ý kiến gì không? Tôi mách với bà là hãy tặng cho mẹ bà “một cuộc thăm viếng”. Bà cười khi nghe tôi nói “khôi hài” như thế và bà cho biết rằng mẹ của bà ở tận bên miền Đông Hoa Kỳ còn bà đang ở miền Tây nên việc thăm viếng rất tốn kém. Mà bà ngại tốn kém cũng phải. Bởi với cái nhà gần mười phòng ở vùng Lake Oswego của Tiểu Bang Oregon thì nội trả tiền hằng tháng cho nhà băng cũng đủ để “tắt thở”. Theo lời tâm tình của bà thì một hay hai năm bà mới thăm viếng mẹ được một lần. Tôi nói “Nếu không thăm viếng được thì bà nên thường xuyên gọi hỏi thăm, trò truyện cũng là đáng quý”. Bà đã nói lời cảm ơn về sự khích lệ đó của chúng tôi.

Sở dĩ tôi mách cho bà bạn Mỹ như thế là vì tôi cũng thường nhắc những người bạn thân hay quen thân của tôi, gồm những người có phước mà ông bà hay cha mẹ còn sống, là hãy thường xuyên thăm viếng các vị ấy nếu mình không may phải sống xa cách các đấng sinh thành. Chứ đừng chờ sau khi họ qua đời hay không còn biết gì nữa rồi đến thăm hay tham dự tang lễ với những lời than khóc, thì đã muộn.

Tôi tin rằng những ai đang ở vị trí ông bà, cha mẹ, rất cần con cháu thăm viếng hay hỏi han hơn là chờ những món quà về mặt vật chất. Tâm lý cho thấy người cao niên có ai hỏi han, thăm viếng và chịu khó ngồi nghe họ nhắc chuyện dĩ vãng là họ vui lắm. Thông thường thì các con cháu hay người trẻ tỏ ra bực dọc vì ông bà cha mẹ của họ cứ thích nhắc chuyện quá khứ. Nghĩ cho cùng thì người trẻ còn có hiện tại và tương lai, riêng các cao niên với một quá khứ dù u ám hay vàng son đã qua, nhưng hiện tại thì “mịt mù” còn tương lai thì “đen tối”… Thì làm sao mà họ không tiếc nuối hay thích nhắc chuyện đã qua.

Dù tôi không phải là thành phần “ăn không ngồi rồi” nhưng nếu có cao niên nào muốn kể cho tôi nghe chuyện quá khứ của họ, tôi sẵn sàng nghiêm chỉnh ngồi nghe. Tôi từng ngồi hằng giờ để trực tiếp nghe hay nghe qua điện thoại về quá khứ của những cao niên mà tôi quen biết. Tôi thích nghe để học hỏi và tôi cũng muốn nhân cơ hội đó tặng cho họ một món quà tinh thần mà tôi cho là “vô giá”, đó là lắng nghe người cao niên tâm sự chuyện đời của họ.

Cao niên nào còn đủ đôi, đủ cặp, cho dù không có con cháu ở gần hay ở cùng thì cũng còn đỡ khổ, bởi “bên em đã có anh” hay “bên anh cũng còn có em”; chứ đối với ông bà cụ nào mà người bạn đời đã lìa trần, thì còn nỗi cô đơn nào khủng khiếp hơn? Cho nên con cái mà biết dành thì giờ thăm viếng ông bà, cha mẹ tức là họ đã “tiêm thuốc bổ” cho các vị ấy chứ không chỉ là những cuộc thăm viếng tầm thường.

Con cháu nào biết nhớ đến ông bà cha mẹ mà mang quà đến tặng trong những lần thăm viếng là chuyện đáng khen, nhưng đáng khen hơn nữa nếu họ biết dành thì giờ hỏi han cha mẹ, ông bà, và chịu khó lắng nghe những “tâm sự” của người già, thì mới thật sự là những người con hay cháu có lòng hiếu thảo.

Trong bài viết “Thái độ tạ ơn” tôi có đề cập rằng: Không ít người trong chúng ta cũng nhân thời điểm “Lễ Tạ Ơn” để tổ chức những bữa tiệc linh đình hầu “tạ ơn Chúa” hay “nhớ ơn Người” nhưng thực chất thì tinh thần biết ơn không mấy đúng nghĩa. Cũng có thể trong thời điểm chúng ta đang ăn uống no say thì ông bà, cha mẹ của của chúng ta đang ở một xó nào đó mà chúng ta không còn nhớ tới, hay họ đang nằm liệt giường trong bệnh viện, hoặc đang ngồi gục gặc, ngoẻo đầu trên chiếc xe lăn trong các việc dưỡng lão, mà con cháu vì bận tố chức “tạ ơn Trời” hay “cảm ơn Người” nên không còn thì giờ để ghé tạt vào thăm. Hoặc những người mà chúng ta từng thọ ơn họ một cách trực tiếp hay gián tiếp đã không còn trong trí nhớ của chúng ta, chỉ vì chúng ta đang bận tổ chức những buổi “tạ ơn Trời” hay “nhớ ơn người”.

Khi tôi đề cập đến điều này rất dễ cho những ai không làm được điều đó có nhiều lý cớ để biện minh, nào là ở hải ngoại này ai cũng bận rộn đủ mọi thứ chuyện, chứ đâu phải giống bên Việt Nam. Ai có thì giờ đâu mà thăm viếng thường xuyên hay ngồi đó mà nghe chuyện “vô bổ” của đời xưa?

Nếu độc giả nào mà được phước có ông bà cha mẹ còn sống như tôi đã nói, mà đọc đến đây nhưng lại không tin điều tôi nói thì hãy chịu khó cắt bài báo này rất giữ. Quý vị chờ sau khi ông bà hay cha mẹ của mình qua đời thì quý vị sẽ cảm được những gì tôi đề cập hôm nay.

Trở lại chuyện quà cáp, một ông bạn thân của tôi cho biết là năm nào vào ngày Tết Nguyên Đán vợ chồng ông cũng nhắc các con mua quà tặng cho bên chồng hay bên vợ. Một ông bạn khác có hai cô con gái, vợ chồng ông cũng thường nhắc con mình thường xuyên thăm viếng nhà chồng và nhớ mua quà Tết cho nhà chồng, bởi đó là lễ nghĩa hay văn hóa của người Á đông hay của người Việt chúng ta. Vợ chồng ông giải thích rằng, quà cáp không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn mang nặng về mặt tinh thần, lễ nghĩa, yêu thương trong đó.

Trước khi chấm dứt bài viết này tôi muốn kể quý độc giả nghe một câu chuyện thật 100%. Có lần tôi vào thăm một người bạn đang ở trong “Nursing home” tại miền Nam California. Nhìn Cụ Bà Việt Nam tuổi ngoài bảy mươi hay tám mươi, đang ngồi trên xe lăn, nên tôi đến gần chào hỏi. Sau đây là mẫu đối thoại giữa tôi và cụ:

“Cụ ở trong này được bao lâu rồi?” Tôi hỏi.
“Tôi ở đây khoảng ba bốn năm rồi”. Cụ trả lời.
“Trông cụ còn minh mẫn quá mà tại sao phải vào đây? Chắc là cụ không có con cháu ở gần phải không?” Tôi dồn dập hỏi thêm.

“Các gia đình con cháu tôi ở trong thành phố này. Gần lắm, chỉ cần năm mười phút lái xe thôi. Tôi bị tai biến, nên bị liệt nửa thân người, tôi không còn khả năng tự lo vấn đề vệ sinh cá nhân nên các con tôi phải đưa tôi vào đây”.

Vì thấy cụ thân thiện, cởi mở, nên tôi nói tiếp những lời khích lệ: “Cụ còn có phước hơn nhiều người lắm, bởi các con của cụ ở gần, các anh chị ấy vào thăm viếng cụ dễ dàng hơn.”

Nói xong câu nói đó tôi mới thấy mình bị hố, bởi tôi đã vô tình gây xúc động cho vị cao niên này. Bằng gương mặt buồn thảm và nước mắt lưng tròng, cụ đã nói với tôi trong nghẹn ngào:

“Vâng, tôi biết mình có phước hơn những người không có con cái ở gần. Dù sao thì các con tôi mỗi năm chúng nó cũng vào thăm tôi vài lần trong những ngày lễ lớn…”.

Tôi từng đọc một bài báo nói về một phụ nữ khoảng 65 tuổi, bị tai biến mạch máu não nên không còn đi đứng và nói năng gì cả. Được biết cách đó 26 năm, hai vợ chồng bà cùng sáu đứa con di cư sang Mỹ. Cũng giống như mọi người, họ bắt đầu lại từ đầu, làm đủ thứ nghề để mong sao con cái được ăn học nên người. Thời gian qua mau, các con của họ đã thành đạt, có nhà cao cửa rộng. Thời điểm đó, chồng bà phát hiện bị ung thư gan, nên quyết định về hưu sớm, bán hết nhà cửa, xe cộ, gom hết tiền bạc dọn về ở gần với sáu đứa con, tiền bạc chia cho các con giữ hết. Chồng đã qua đời vì bệnh ung thư ở thời kỳ cuối. Bà cũng bị tai biến mạch máu não và được đưa vào nhà dưỡng lão từ đó tới bây giờ. 

Sau đó vài tháng, bà bị nhà dưỡng lão từ chối không nhận bà nữa nên đề nghị các con bà đem bà về nhà chăm sóc. Các con bà đều từ chối với lý do bận đi làm, không có thời gian chăm sóc mẹ. Điều “thê thảm” nhất khi bà bị Medical từ chối bởi cơ quan chính phủ có bằng chứng là bà từng có tài sản do chồng bà để lại dưới tên của bà ấy, nhưng thực chất thì tài sản đó đang nằm trong tay các con của bà. Đây là câu chuyện thật trớ trêu. Một người làm việc vất vả cả đời, nuôi đàn con khôn lớn nên người, mong về già để được thảnh thơi; vậy mà giờ đây, nhà của các con cháu không về ở được, mang tiếng có tiền mà không xài được, uất ức trong lòng nói cũng không xong.

Không biết người đàn bà đáng thương này nằm trong viện dưỡng lão có được con cháu vào thăm viếng không, hay là vì quá bận nên con cháu của bà không thể vào thăm bà được, như đã nói?

Tôi xin quý độc giả giúp cho tôi phần kết luận chứ tôi không còn ý gì để viết tiếp.

Huỳnh Quốc Bình



--

No comments:

Blog Archive