Mùa Giáng Sinh của Thanh
Kha Lăng Đa
Thanh cùng mẹ trở về nhà, sau khi dự thánh lễ Giáng Sinh tại một giáo đường. Trước hang đá đêm đông do Thanh đã dựng nên và trang trí, tiệc mừng Chúa Ngôi Hai giáng thế được mẹ Thanh bày ra để tiếp đãi một số bạn bè thân mến của Thanh trong không khí sum vầy, đầm ấm.
Tiệc vui kéo dài đến hơn nửa đêm. Mọi người hân hoan mời nhau uống những ly rượu mừng Chúa giáng sinh, mừng bạn bè họp mặt đậm tình thân ái nơi xứ lạ quê người. Ngoài trời, tuyết rơi trắng xóa, phủ trùm cảnh vật trong đêm thánh vô cùng.
Mỗi mùa Giáng sinh về, lòng Thanh lại bâng khuâng trong nỗi nhớ thương, nuối tiếc một chuyện tình đã lấp vùi trong quá khứ mịt mùng. Đã hai mươi mấy năm trường cách biệt mà Thanh không quên được hình bóng Quỳnh – người con gái mà Thanh đã yêu tha thiết, tưởng như đã yêu từ kiếp nào và muôn thuở vẫn còn yêu, một tình yêu sâu đậm, khắc ghi vào tâm khảm của Thanh không phai mờ với thời gian. Trong tiệc liên hoan với thân hữu,Thanh gượng vui với bạn bè, nhưng trong lòng đang mang nặng một nỗi buồn kín đáo. Đến lúc bạn bè từ giã ra về, và mẹ Thanh đã vào phòng ngủ, chỉ còn một mình Thanh ngồi ngắm tấm ảnh kỷ niệm của Quỳnh được phóng đại và lộng vào khung kính. Thanh say đắm nhìn đôi mắt huyền và mái tóc dài phụ kín bờ vai của Quỳnh mà ước mơ một lần được gặp lại người xưa, nhưng niềm ước mơ ấy ảo huyền như sương khói vì hiện tại người nơi góc biển, kẻ ở chân trời. Thanh thở dài, áp mặt vào khung ảnh với nỗi nhớ ngập lòng. Thanh ngã mình xuống ghế “sofa” để cho hồn mình miên man trong suy tưởng.
* * *
Quỳnh đẹp lộng lẫy, tha thướt trong chiếc áo dài màu hoa cúc, sánh vai Thanh, đi đến giáo đường. Thanh nắm tay Quỳnh mà nghe yêu thương thấm vào thớ thịt, làn da. Đến hang đá trước nhà thờ, nhiều người đứng vây quanh, nhìn khung cảnh đêm đông trong hang đá Bê-lem, Đức mẹ Maria và Thánh Giu-Se quỳ bên cạnh Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ, Thanh và Quỳnh cũng đứng nhìn hình ảnh lịch sử tôn giáo của đạo Đức Chúa Trời để chiêm bái rồi vào nhà thờ, quỳ cạnh bên nhau trong thánh lễ của đêm Giáng Sinh mầu nhiệm.
Trong lúc mọi người đang dự lễ thì có một tiếng nổ như trời long, đất lở bên cạnh giáo đường. Người ta ùn ùn chạy ra cửa nhà thờ. Quỳnh hoảng hốt, định chạy theo đám người đang chen lấn nhau, Thanh nắm tay Quỳnh giữ lại. Bỗng một tiếng nổ thứ hai nổi lên làm sụp đổ một góc giáo đường, người ta lại tranh nhau chạy nhanh ra cửa khiến Thanh và Quỳnh bị xô lấn bởi lớp sóng người, phải rời tay nhau. Quỳnh bị mất hút giữa đám đông, Thanh cố chạy theo, nhưng không thấy nàng đâu nữa. Khi Thanh ra đến cửa thì nghe súng nổ vang rền, bao xác người nằm la liệt trước sân nhà thờ. Thanh kinh hoàng, thất thanh gọi tên Quỳnh trong lạnh giá của đêm đông.
Thanh giựt mình tỉnh giấc trong khi trống ngực còn đập liên hồi. Thì ra, Thanh vừa trải qua một cơn ác mộng, nghe nỗi nhớ thương Quỳnh như thác đổ, triều dâng. Thanh lại nhìn ảnh Quỳnh một hồi lâu rồi thẫn thờ. Chàng bước đến khung cửa sổ, vén màn, nhìn ra ngoài trời. Đồng hồ đã điểm 5 giờ sáng. Tuyết đã ngừng rơi. Những nóc nhà, mặt đường như được trải một lớp bông trắng tinh. Cảnh ảm đạm của buổi hừng đông khiến lòng Thanh càng nghĩ ngợi xa xăm. Không biết giờ này Quỳnh đang ở đâu và có còn nhớ những kỷ niệm của những mùa Giáng sinh năm cũ. Thanh thầm cầu nguyện cho người yêu được an lành, hạnh phúc bên chồng, con. Thanh nhìn làn sương khói còn vấn vương trên cảnh vật mà nhớ chuyện năm xưa.
Một ngày đi phép từ Không Đoàn 41- Đà Nẵng về Sài Gòn thăm mẹ, đón xe Taxi không được, Thanh vội vã đi xe xích lô máy về gần tới nhà thì trời đổ cơn mưa như trút nước. Thanh gặp Quỳnh, cô nữ sinh Gia Long đang cưỡi xe đạp lúc tan học, chẳng may bị bánh xe quấn vạt áo dài. Cô bé lúng túng, sợ sệt, không biết phải làm sao thì vừa lúc ây Thanh đến giúp cô tháo cả bánh xe để lấy vạt áo ra ngoài rồi mời Quỳnh lên xe để đưa nàng về nhà vì cơn mưa vẫn chưa tạnh. Chiêc xe đạp được đặt ngang trước ghế ngồi chiêc xích lô. Theo địa chỉ của Quỳnh vừa cho Biết, Thanh bảo người lái xe chạy đến đường Trương Minh Giảng. Mưa càng lúc càng to. Gió thổi tạt vào mui xe lạnh buốt. Thanh vội lấy chiếc áo mưa xanh đặc biệt của Quân Chủng Không Quân ra che cho Quỳnh. Quỳnh sượng sùng, e thẹn vì bỗng dưng lại ngồi chung xe với một người con trai xa lạ, mặc đồ phi công. Chưa đến nhà, Quỳnh đã hối người lái xe dừng lại, Thanh đem xe đạp xuống cho Quỳnh. Quỳnh tươi cười, cám ơn Thanh rồi dẫn xe đạp đi bên lề đường. Thanh ngồi trên xe xích lô, dõi mắt trông theo Quỳnh, Quỳnh đi được khoảng ba chục thước mới quẹo vào nhà. Thanh cười thầm cho cô bé này quá cẩn thận, vì sợ người nhà trông thấy cô đi chung xe xích lô với người con trai lạ nên xin xuống xe, cách nhà một khoảng cách khá xa.
Đêm ấy, về nhà, Thanh nghe lòng vấn vương, xao xuyến khi nghĩ đến Quỳnh, cô nữ sinh có nụ cười duyên dáng, má lúm đồng tiền, đôi mắt huyền với vẻ xa xăm, mơ mộng và như chứa đựng cả trời tình, bể ái khiến Thanh đắm đuối trong niềm thương nhớ mênh mông.
Thanh thức dậy thật sớm, cưỡi xe Honda, chạy đến trước nhà Quỳnh với hy vọng được nhìn lại cô bé xinh xắn mà chàng đã gặp. May mắn thay, trên lề đường đối diện với nhà Quỳnh, có một quán cà phê. Thanh dựng xe, vào quán, ngồi uống cà phê. Mắt luôn nhìn qua cửa nhà nàng còn khép kín. Gần cả tiếng đồng hồ sau, Quỳnh mới ra ngõ, ngồi lên xe đạp, thong thả chạy ra đường. Thanh nghe lòng rộn rã, vội đứng dậy, trả tiền rồi chạy xe chầm chậm phía sau Quỳnh. Cô bé không Biết có người đang chiêm ngưỡng vóc dáng của nàng thơ nên vẫn thong dong đạp xe đến trường. Khi gần đến cổng trường, Thanh chạy xe vượt lên phía trước, quay mặt lại, nói:
- Cô bé Quỳnh! Coi chừng bánh xe quấn vạt áo dài nữa nhé!
Quỳnh nhận ra Thanh vội ngừng xe lại, cười rạng rỡ:
- Chào anh Thanh!
Thanh tươi cười nói:
- Cô biết không, tôi đã đi theo cô từ nhà đến trường vì sợ trời lại đổ mưa nữa!
Quỳnh e thẹn:
- Dạ, em vô tình không biết. Nếu bạn bè biết được anh đi theo em, chắc tụi nó sẽ cười em chết!
Thanh nhìn dung nhan của Quỳnh đẹp hơn lần gặp gỡ dưới cơn mưa chiều ngày hôm qua. Nhiều nữ sinh đi xe đạp lướt qua nơi Quỳnh đang đứng. Họ ranh mãnh nhìn Thanh và Quỳnh, buông những lời nói bóng gió để trêu chọc. Thanh thấy không thể đứng lâu trước cổng trường được nên vội nói:
- Anh muốn nói chuyện riêng với Quỳnh, em có vui lòng không?
Lần này Thanh bỗng đổi cách xưng hô khiến cho Quỳnh e thẹn đỏ bừng đôi má. Quỳnh chưa kịp trả lời thì Thanh đã gấp rút nói tiếp:
- Anh hẹn gặp em lúc 10 giờ sáng Chúa nhựt tại thảo cầm viên nhé. Bây giờ em hãy vào trường đi! Anh về nhe em!
Sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, Thanh và Quỳnh đã yêu nhau. Chúa nhựt nào, Thanh cũng đi lễ, dù chàng là người ngoại đạo, để được gặp Quỳnh ở nhà thờ. Sau thánh lễ, Thanh thường chở Quỳnh ra Bến Bạch Đằng để ngồi bên nhau trao gởi chuyện tâm tình. Quỳnh đã kể cho Thanh nghe câu chuyện mối tình đầu của nàng. Ai ngờ cô nữ sinh bé bỏng kia đã trải qua một lần yêu. Người yêu của nàng là một Sĩ quan của Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Trong thời gian hai người đang yêu nhau tha thiết thì chẳng may chàng bị mất tích trong một cuộc giao tranh với địch quân. Một năm sau, có một người bạn của chàng vượt thoát từ ngục tù Cộng sản trở về báo tin: chàng bị trúng đạn khi cùng người ấy vượt ngục, không Biết sô phận của chàng ra sao. Quỳnh khóc sướt mướt vì nghĩ rằng người yêu của mình khó thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Dù Biết rằng Quỳnh đã có một mối tình đầu, nhưng Thanh vẫn yêu nàng tha thiết. Hết phép, Thanh trở về đơn vị, tiếp tục bay yểm trợ cho các cuộc hành quân khắp Quân Khu I. Thanh thường gửi thư cho Quỳnh và trong những ngày nghỉ phép hay khi có phi vụ liên lạc Đà Nẵng – Sài Gòn, Thanh thường về thủ đô để thăm mẹ chàng và Quỳnh. Năm nào, Thanh cũng xin phép thường niên vào dịp lễ Giáng Sinh để được cùng Quỳnh quỳ bên nhau, trong ngôi giáo đường đã gắn ghi bao kỷ niệm êm đẹp của buổi ban đầu, cùng dâng lên Chúa lời nguyện cầu cho sớm được đẹp mối tơ duyên. Thanh dẫn Quỳnh về nhà để giới thiệu với mẹ chàng. Mẹ Thanh rất yêu thương Quỳnh và mong sớm có được một nàng dâu thùy mị, dịu dàng cho lòng bà được ấm áp tình thương khi Thanh đi chinh chiến ở miền xa. Cha mẹ Quỳnh hầu như đã chấp nhận Thanh vì chàng là một người trai thế hệ, đi đáp lời sông núi, đang theo lý tưởng cao đẹp “Bảo Quốc Trấn Không” và là một thanh niên có đạo đức lại khôi ngô, tuấn tú.
Bỗng một thời gian sau hiệp định Paris được ký kết, Thanh không còn nhận được thư của Quỳnh nữa. Thanh rất hoang mang, trông đợi thư Quỳnh, nhưng đành thất vọng. Thanh lo sợ cho Quỳnh gặp phải chuyện không may. Trong thời chinh chiến, ở sa trường hay ở hậu phương khó mà lường được chuyện bất trắc xảy ra lúc nào. Ý thơ của bài “Màu Tím Hoa Sim” càng làm cho Thanh xót xa nghi ngại: “Nhưng không chết người trai khói lửa, mà chết người em nhỏ hậu phương...”
Vì quá nóng lòng muốn biết tin tức của người yêu nên Thanh xin phép đặc biệt của đơn vị về đến Sài Gòn thì mới hay Quỳnh đã tái hợp với người yêu cũ tên là Tân – Chàng sĩ quan bị địch bắt làm tù binh, vừa được trao trả theo một điều khoản của Hiệp định Paris. Tình yêu đầu tiên đã chớm nở trong lòng cô gái thanh xuân, tưởng đã héo tàn vì người yêu biệt tích, nay bừng sống lại mãnh liệt. Quỳnh không thể nào quên được Thanh, nhưng cũng không thể ngoảnh mặt, quay lưng với người yêu cũ đã trở về từ cõi chết.
Thanh tìm đến nhà để gặp Quỳnh. Quỳnh nhìn Thanh trong nỗi nghẹn ngào, tức tưởi không nói được nên lời. Thanh cố dằn nỗi đớn đau đang giày xéo tâm can để an ủi Quỳnh:
- Em đừng buồn nữa, Anh rất cảm thông cho em. Em hãy theo tiếng gọi của lòng mình. Anh sẵn sàng hy sinh cho em. Mong em được hạnh phúc bên người mà em yêu từ buổi ban đầu.
Thanh trở lại miền Trung với một mối tuyệt tình, lòng nhủ với lòng hãy cố quên chuyện tình từ một chiều mưa, nhưng hình bóng Quỳnh cứ vương vấn mãi bên mình. Giáng sinh năm ấy, Thanh trở lại giáo đường năm cũ để lén nhìn Quỳnh cùng người yêu đi lễ nửa đêm mà nghe lòng quặn thắt. Thanh cố trấn áp lòng mình, cố vượt qua sự mềm yếu thường tình để cầu nguyện cho họ mãi sống chung thủy bên nhau. Khi lễ vừa xong, Thanh vội vã ra về vì sợ gặp lại Quỳnh. Biết được nỗi khổ đau của con, mẹ Thanh dịu lời an ủi:
- Con đừng buồn nữa. Tất cả mọi chuyện đều do ý Chúa. Làm trai con phải cứng rắn, đừng bi lụy vì tình.
Mùa Giáng sinh năm sau, Thanh nhận được thiệp hồng của Quỳnh gửi đến, nhưng vì cuộc chiến đang sôi động, Thanh phải bay nhiều phi vụ khắp các chiến trường Vùng I Chiên Thuật nên không về Sài Gòn được, chỉ gởi quà và thiệp chúc mừng lễ vu quy của người yêu. Sau đó đơn vị của Thanh phải di tản vào phi trường Tân Sơn Nhứt vì Quân khu I đã thất thủ. Trong một thời gian ngắn ngủi thì xảy đến ngày Quốc Hận 30-4-1975. Thanh đưa mẹ vào phi trường rồi lái phi cơ trực thăng, bay ra đáp trên hàng không mẫu hạm của Mỹ đang đậu ngoài khơi Vũng Tàu.
Đã hơn hai mươi năm sống trên đất Mỹ, Thanh vẫn không quên được người con gái ngày xưa. Đã nhiều lần chàng gửi thư về cho Quỳnh, nhưng không nhận được thư hồi âm. Có lần Thanh nhờ một người bạn thân về thăm quê hương, ghé lại nhà Quỳnh để dò la tin tức thì được biết gia đình Quỳnh đã bán nhà và dời đi nơi khác. Thanh không còn chút hy vọng được gặp lại Quỳnh.
* *
- Con thức dậy sớm làm gì? Sao không ngủ thêm cho khỏe?
Thanh trở về thực tại sau câu nói của mẹ hiền.
- Thưa mẹ, con nằm mộng và giựt mình tỉnh dậy luôn, không ngủ lại được nữa.
- Con uống cà phê không, mẹ pha cho con?
- Cám ơn mẹ, mẹ pha cho con một ly.
Ngồi trầm ngâm bên ly cà phê đang bốc khói, Thanh nhớ lại buổi ban đầu, ngồi trong quán cà phê bên vệ đường chờ Quỳnh đi học để đuổi theo. Kỷ niệm đẹp như gấm hoa, an ủi lòng Thanh mỗi lần hồi tưởng để rồi cô đơn, chán chường giữa hiện tại bị mất tình yêu.
Có tiếng chuông reo, Thanh vội bước ra, mở cửa thì gặp Long – người bạn thân đã dự tiệc mừng lễ Giáng Sinh tại nhà chàng đêm qua. Long cầm trong tay tạp chí “Tiền Phong”, mỉm cười bí mật, nói với Thanh:
- Có tin này cho Thanh, hấp dẫn lắm.
Thanh mời Long vào nhà, pha cho bạn một ly cà phê, vồn vã hỏi:
- Tin gì vậy Long?
Long vừa trao cho Thanh tạp chí Tiền Phong vừa đáp:
- Có cô Quỳnh ở tiểu bang Oklahoma nhắn tin, tìm bạn đấy!
Thanh vui mừng cầm lấy tạp chí, mở ra đọc ở mục “nhắn tin” rồi hớn hở, tươi cười, cầm lấy tay Long, cám ơn rối rít. Thanh vội gọi điện thoại cho Quỳnh. Chàng xúc động muốn rơi nước mắt khi nghe lại giọng nói của người yêu cũ. Quỳnh kể lại: Sau ngày Quốc Hận, Tân - chồng nàng bị Việt cộng đày ra miền Bắc, giam cầm và cưỡng bách lao động. Vì không chịu nổi sự gian khổ, đói lạnh nên Tân ngã bệnh trầm trọng và chết trong ngục đỏ. Quỳnh và đứa con gái được cứu xét hồ sơ xuất cảnh sang Mỹ. Quỳnh đã tìm Thanh hơn bốn năm nay và đã đăng báo nhắn tin đến lần thứ tám mới tìm ra Thanh. Bên kia đầu dây điện thoại, giọng nói của Quỳnh như đẫm ướt lệ mừng vui và cảm xúc. Thanh gọi mẹ, để mẹ nói chuyện với Quỳnh. Mẹ Thanh không cầm được nước mắt khi biết Quỳnh đã đến được bến bờ tự do để cho bà có dịp gặp lại người con gái mà bà đã yêu thương và ao ước nàng trở thành dâu hiền của bà.
Thanh hứa hẹn sẽ lái xe qua Oklahoma để thăm và nếu Quỳnh bằng lòng thì chàng sẽ đưa hai mẹ con về sống gần chàng. Thanh thấy tâm hồn mình như trẻ lại trong lứa tuổi đôi mươi và mùa đông như đang đi qua mau để cho cây cỏ đâm chồi, nẩy lộc, muôn hoa nở rộ, đua chen muôn hồng ngàn tía, chào đón một mùa Xuân đến sớm.
Kha Lăng Đa
(Hoa Hướng Dương)
No comments:
Post a Comment